HỒ TRÊN NÚI
Ao hồ là nơi đất trũng chứa nước, thường là nước ngọt, nằm trong đất liền. Hồ thì rộng sâu hơn ao. Có những ao hồ tự nhiên, nhưng cũng có những ao hồ nhân tạo. Hồ trên núi mà tôi muốn giới thiệu với các bạn là Hồ Núi Một nằm trong địa phận xã Nhơn Tân, An Nhơn Bình Định khởi công xây dựng từ năm 1978 đến năm 1981 đã đưa vào khai thác. Năm 1983 công trình thủy lợi Hồ Núi Một chính thức được xây dựng xong với 3000 ha trực thuộc Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi IV thuộc Công ty khai thác công trình thủy lợi Bình Định ở xã Nhơn Hòa An Nhơn. Hồ Núi Một trước đây không chỉ tưới tiêu cho cả địa bàn An Nhơn và Tuy Phước. Sau khi Hồ Định Bình ở Tây Sơn đưa vào sử dụng chung, thì Hồ Núi Một mới dành trọn đời mình cho cánh đồng An Nhơn màu mỡ hơn. Nơi đây còn là khu du lịch sinh thái khá hấp dẫn đối với những ai thích khám phá cảnh tự nhiên mà con người đã góp phần tôn tạo.
Tôi đến tham quan Hồ Núi Một từ những năm 90 của thế kỉ trước trong ngày 8.3 trên một chiếc ghe hơn nửa giờ tha hồ ngắm cảnh núi rừng nơi đây. Gió mênh mang thổi hơi nước pha sương sớm giữa mùa xuân còn đọng lại, một chút lành lạnh ngoài da, bao nhiêu đề tài tình yêu rộn rã ấm áp át đi tiếng ghe máy xình xịch nặng nề. Khi gần đến bờ leo lên Thác Đổ, thật lạ chưa núi rừng đâu chỉ có một màu xanh, những cây lá đỏ chao mình khoe sắc, đâu đây những hoa dại tỏa hương như muốn níu giữ chúng tôi hãy chầm chậm tận hưởng và yêu hơn vẻ đẹp của quê hương mình.
Rồi hơn hai mươi năm, tháng 8. 2011 lại có dịp về thăm Hồ Núi Một. Hồ Núi Một vẫn như xưa. Nhưng lúc này nước cạn hơn, nếu như anh Hùng – người điều khiển chiếc ca nô lệch tay lái một chút thì bị vướng vào những dây rế dây chồ kéo cá lồ lộ nằm dọc ngang mặt hồ. Và nếu như không có câu chuyện hôm tết năm ngoái con cá chép du xuân phóng khỏi mặt nước phơi mình đưa mắt nhìn trời trước chân con trai tôi, khi chiếc ca nô đang lao ra giữa hồ làm quà tặng cho bữa tiệc trưa hôm ấy, thì tôi cũng chưa có chuyến đi câu cá cuối hè đầy bổ ích, thú vị. Bên cạnh tôi là anh Nguyễn Trọng Phủ trước đây là giám đốc Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi IV, nay là Phó giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi Bình Định cho biết: Hồ Núi Một có dung tích thiết kế 110 triệu mét khối nước (diện tích mặt thoáng 110 km2), hai đập dâng nước trên sông: Đập Cây Bứa, đập Phú Sơn và hệ thống kênh mương có tổng chiều dài L = 76,3km, với diện tích phục vụ tưới 8.115,5 ha/ năm đất sản xuất nông nghiệp thuộc các xã Nhơn Tân, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn Hòa, Nhơn Phúc huyện An Nhơn và một phần của xã Bình Nghi huyện Tây Sơn. Còn anh anh Trần Văn Cẩn, tổ trưởng tổ đầu mối Hồ Núi Một nói thêm: Xí nghiệp dịch vụ Thủy lợi đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh và trạm khuyến nông An Nhơn thực hiện nuôi cá lồng đã đem lại hiệu quả kinh tế tốt. Công tác bảo vệ cá thịt luôn được chú trọng, trang bị đầy đủ các công cụ hỗ trợ, tổ bảo vệ của xí nghiệp có nhiều cố gắng và trách nhiệm trong việc tuần tra canh gác, quản lí nguồn cá, kịp thời ngăn chặn những trường hợp người dân khai thác trộm cá trong hồ. Tuy nhiên do diện tích hồ rộng nên hiệu quả công tác bảo vệ chưa đạt yêu cầu toàn diện.
Anh Hùng cho chiếc ca nô rẽ trái, đỗ gần bờ cát. Mấy anh em chúng tôi người mang ba lô, người cầm cần câu, túi xách tìm vị trí an toàn nhất cho mình, móc mồi thả câu. Cánh tay đưa ra đã mỏi, mà chiếc phao chẳng hề động đậy. Nhưng ngoài xa kia cách chúng tôi khoảng mười mét trở lại, những con cá tung hứng bung mình trắng phếu trên không rồi lọt thỏm vào lòng nước cùng với họ hàng nhà nó, gởi lại âm thanh và sắc màu trong sự tiếc nuối của chúng tôi. Hay là mồi trùn, mồi tôm mà anh tôi chuẩn bị từ hôm qua chưa ngon miệng. Hay những con cá chỉ thích ăn mồi công nghiệp hợp vệ sinh hơn. Hay chúng cảnh báo nhau đừng dùng mồi lạ dễ bị mắc lừa. Có lẽ vậy. Hay là chúng tôi không phải là dân chuyên nghiệp đi câu kiếm miếng cơm manh áo nuôi gia đình. Cũng đâu phải “Tựa gối ôm cần” như Nguyễn Khuyến thuở nào nữa, giờ đành chịu khi chưa nghĩ ra câu thứ tư để cho cái tứ thơ hoàn chỉnh. Rồi nhìn chừng sang phía trên hai cái cần tre dài mới mua còn cắm vào kẻ đá, bóng anh tôi đâu còn đổ dài trên mặt nước như lúc mới móc mồi. Chiếc mũ lưỡi trai không làm sao che khuất khuôn mặt rám nắng đỏ au, cũng như lưng áo đã đẫm mồ hôi mặc dù gió hây hây thổi. Miệng lẩm bẩm lầm bầm mấy con cá dại quá không chịu ăn mồi, tôm đã rang thơm như thế mà chê! Câu cả buổi chẳng được con nào. Câu đời chứ câu gì đây! Tôi nghe thích quá, chính anh đã cung cấp một từ “ câu đời” cho bài thơ hoàn chỉnh: “ Móc mồi nhử cá cắn câu/ Gió vờn sóng nước vực sâu thâm trầm/ Mây bàng bạc bóng lâm râm/ Buông cần tay đợi lặng câm câu đời” (Buông câu).
Khi chúng tôi bước lên lại ca nô lúc này trời đã đứng bóng, những chiếc cần câu nằm im lìm ra chiều mệt mỏi chẳng làm nên tích sự gì. Còn tôi chỉ tiếc có thể đây là “bất quá tam” (sau lần thứ nhất ở thắng cảnh Hầm Hô, lần thứ hai ở Cồn Chim đầm Thị Nại đều xếp cần câu cho vào túi), thế nào cũng tìm được cảm giác sung sướng khi con cá tham lam kéo mồi, rồi chính tay mình giựt mạnh nó lên khỏi mặt nước, nhìn tận mắt nó ra sao! Thế nhưng sự tưởng tượng ấy chẳng bao giờ đến được với mình. Nếu không có sự chuẩn bị chu đáo trước của các anh em trong tổ quản lí cụm công trình đầu mối Hồ Núi Một như anh Cẩn, anh Hùng, anh Hiền và chị Sâm phòng kĩ thuật Công ty khai thác công trình thủy lợi Bình Định đã cho chúng tôi thưởng thức bữa cá chép hấp cuốn bánh tráng rau sống ngay trên tảng đá dưới lùm cây lộc vừng đầy hấp dẫn, bù lại phải đứng ngồi chờ đợi dưới nắng gió kia thả cần mong mỏi đến dài cái cổ cũng không làm sao có được một con bống nhỏ xíu nữa. Áng mây trắng hình ba ngọn tháp bồng bềnh ở phía tây đã lọt vào ống kính cố định rồi, bầu trời lúc này xanh thẳm nhuốm màu nắng vàng hơn cho nước hồ trong veo hơn , chỉ có bãi cát ven bờ cùng với những tản đá lởm chởm phơi dưới nắng cuối hè thích thú vô tận. Có lẽ đây là mùa khô nên nó mới tha hồ hít thở khí trời no nê thỏa thích như thể bù những ngày mưa xối xả phải im lìm chịu đựng tù túng đến ngột ngạt làm sao. Nhưng chính nhờ những ngày mưa lụt ấy, Hồ Núi Một mới có cơ hội làm nhiệm vụ dự trữ lượng nước từ trên trời rơi xuống rồi theo từng đợt xả tưới theo mùa, theo vụ nuôi cây lúa dày bông trĩu hạt cho nhà nông được ấm no. Khi chiếc ca nô còn đang mạnh mẽ rẽ sóng, tôi đưa bàn tay ra ngoài vớt lấy những bọt nước tung trắng xóa một bên mạn thành. Ôi, thích thật, mát ngọt trong lành quá! Nguồn nước tự nhiên vô tận cứ luân lưu hết mùa này đến mùa khác nuôi sống con người, nuôi sống đất dai màu mỡ tiếp nối làm nên bản trường ca xuân bất tử cho cây đời mãi mãi xanh tươi.
Trở lại đề tài câu cá, tôi mới được biết thêm cơ sở hạ tầng khu du lịch sinh thái Hồ Núi Một ở mức độ đầu tư còn thấp, nên vấn đề liên doanh liên kết với các đơn vị bạn còn khó khăn chưa có sức thu hút cao. Hiện nay xí ngiệp đầu tư xây dựng kế hoạch tìm kiếm các tour du lịch với các khách sạn nhà hàng, các trung tâm dịch vụ lữ hành, có chế độ ưu đãi đối với các tập thể, cá nhân có vốn muốn đầu tư mở rộng dịch vụ du lịch sinh thái, vui chơi giải trí hấp dẫn tại Hồ Núi Một. Định hướng phát triển của xí nghiệp dịch vụ Thủy lợi là hết sức tiềm năng và phong phú, đa dạng cùng với tinh thần đoàn kết vượt khó của tập thể cán bộ, công nhân viên chức lao động của xí nghiệp trong những năm qua, chính là nguồn động lực và niềm tin sẽ đạt nhiều thành tích mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng xí nghiệp ngày càng phát triển, phong phú đa dạng cho các hoạt động của công ty Khai thác Công trình Thủy lợi Bình Định.
Hồ Núi Một là nguồn nước vô tận phục vụ sản xuất nông nghiệp làm nên những vựa lúa chín vàng cho các xã của huyện An Nhơn, là nơi nuôi cá nước ngọt đa dạng phong phú cho bữa cơm thường ngày ngon miệng của mỗi gia đình, là khu du lịch sinh thái thư giãn cho những tập thể, cá nhân sau những giờ phút lao động mệt mỏi. Các bạn chỉ cần ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ thả câu tâm tình sẻ chia vui buồn trong cuộc sống, bao nỗi vất vả bộn bề tan theo con gió lên ngàn xa xăm kia. Hồ Núi Một không xa lắm, nằm về phía tây của quán Cây Ba ( Nhơn Lộc) cách quốc lộ 19 khoảng chừng 6 kilomet trên tuyến đường từ Quy Nhơn đi Tây Sơn. Còn dọc đường từ quốc lộ vào hồ “trên núi ấy” hai bên là hàng bạch đàn thẳng tắp, nhà cửa san sát, những khuôn vườn trồng cây ăn quả tốt tươi, thu hút nhất vẫn là những ao súng tím đỏ thắm trên mặt nước đầy kiêu hãnh giữa trời đất. Nhưng có lẽ khi trời sắp ngả chiều, chúng tự biết mình phải gìn giữ sắc hương không thể nhạt nhòa, nên dần khép kín từng cánh lại để cho sớm mai tiếp tục bung ra cuốn hút đôi mắt hiếu kì những ai qua đây. Thời gian quả là phép nhiệm màu trong cuộc sống. Và thật sự bỡ ngỡ nhớ ba mươi lăm năm về trước, lúc ấy khối học sinh cuối cấp phổ thông An Nhơn I năm học 1975-1976 của chúng tôi tự quản lí nhau đã từng có mặt nơi núi rừng An Trường( An Tượng) này cả tuần, cất vang tiếng hát nhịp nhàng hòa theo mỗi nhát rựa phát xuống san bằng cây cỏ dại làm nên nương rẫy, mở rộng đất đai đem lại bao nhiêu là niềm vui rạng rỡ trên từng gương mặt người yêu thương quá.
Tháng 9. 2011 / Nguyễn Thị Phụng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét