NƠI BÌNH YÊN NHẮC NHỞ
Sang hè
thật đẹp, nắng óng vàng nhuộm sắc quả ngọt lịm mọng hương. Ngọn nồm từ
biển ùa vào theo nhịp chân người hối hả cùng thời gian sinh sôi nảy nở
vun đắp cho đời như màu nắng vàng kia. Nhưng đâu đây niềm chia xa luyến
tiếc len lỏi mọi ngõ ngách vào buồng tim đau đáu nhớ, đau đáu thương khi
đêm chập chững nặng nề cố đọc cho hết thông tin trên trang
tranhanam.vnweblogs.com: “Tình hình bệnh của thầy Trương Tham chuyển
sang nguy kịch từ tối qua 23.4.2012. Thầy lâm vào tình trạng tắc nghẽn
đường thở, và ngừng thở vào lúc 23h20. Các bác sĩ đã tận tình cấp cứu,
trợ thở bằng máy và đến 24 giờ thì thầy thở lại được bằng máy. Từ 4 giờ
30 sáng ngày 24.4.2012, huyết áp của thầy liên tục giảm, đội ngũ bác sĩ,
điều dưỡng liên tục cấp cứu. Nhưng đến 15 giờ, huyết áp, tim mạch đều
báo động đỏ. 15 giờ 55 phút, thầy trút hơi thở cuối cùng tại phòng hồi
sức cấp cứu của bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định.
Hiện thầy đã được
đưa xuống Nhà tang lễ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Lễ liệm tiến
hành đúng 17 giờ - 18 h 30 nhập quan. Lễ viếng đã bắt đầu lúc 19 giờ
cùng ngày. Thầy sẽ được an táng tại nghĩa trang Phật giáo Quy Nhơn”.
Cùng lúc đó nhận được tin nhắn của Nhà báo Trần Quang Khanh, chủ nhiệm
CLB Văn học Xuân Diệu báo tin Nhà giáo ưu tú Trương Tham đã từ trần…
Tôi chợt nhớ
năm vừa qua, khi đưa chị Kim Thanh( Phù Thủy gáo dừa) ở Sài Gòn về vượt
cầu Thị Nại sang Nhơn Hội, Nhơn Lí săn ảnh đẹp vào ống kính đã có cuộc
gặp bất ngờ với cô Phương Minh của trường THPT Trưng Vương cũng đưa hai
người bạn lướt trên những cồn cát Nhơn Lí kia. Và lúc ngồi bên nhau giải
lao, kể về tình thầy trò đã cho tôi xem hình ngôi mộ vừa hoàn thành mà
thầy Trương Tham rất ưng ý và xúc động cho chuyến đi xa về nơi an nghỉ
cuối cùng của thầy. Vì sao có sự chuẩn bị như thế, có lẽ theo sự tuần
hoàn “sinh, lão, bệnh, tử” quy luật tự nhiên không ai tránh khỏi. Mà
thầy rất đơn chiếc, không người ruột rà thân thuộc, họ hàng thì xa quá.
Những tháng năm dạy học, thầy có biết bao nhiêu là học sinh thành đạt,
yêu thơ văn, yêu kính thầy. Tôi không là học sinh của thầy trực tiếp
giảng dạy, nhưng được biết và quý thầy qua bạn bè, qua trang sách, qua
các buổi sinh hoạt CLB Văn học Xuân Diệu, một người thầy mẫu mực tận tụy
với nghề, sống giản dị chân tình, yêu thương học sinh… và rất là tin
người.
Đến thăm thầy trong buổi lễ viếng hôm nay mà rưng rưng cảm xúc.
Cái rưng rưng đầu tiên là không thấy một vành khăn tang nào cho thầy,
phía trước di ảnh đặt trên bàn là những khăn sô màu trắng nằm ngay ngắn
dưới cây nến bên góc phải, còn băng tang đen xếp chồng lên nhau nằm im
trong một chiếc hộp. Bình hoa cúc trắng cùng quả chuối vàng, quả lê màu
vàng nhạt, một quả cam vàng sậm hơn lặng lẽ bên thầy, hương trà hòa
quyện với trầm hương như cố níu lại mà bóng nắng cứ vô đi qua trên đỉnh
đầu chói chang khó chịu. Thầy nằm trong linh cữu bình yên đến lạ. Đôi
mắt khép lại nào ai biết thầy đang nghĩ gì giữa một màu cam nhung gấm.
Cuộc đời mỗi người là thế ư, mọi lo toan bộn bề rồi đến lúc cũng phải
nằm vào nơi đây ư !... Nhưng đâu thể buông xuôi theo số phận. Khi cuốn
lá rời thân là mỗi mắt cây một chồi non nhú ra nẩy lộc, lên xanh. Quanh
thầy là những đồng nghiệp, những học trò tiếp nối nghề dạy học như thầy.
Niềm hạnh phúc cứ thế nhân lên, khi tôi nhận ra Trần Hà Nam, giáo viên
THPT trường chuyên Lê Quý Đôn lặng lẽ cẩm những cây nhang thắp sáng lên
ngọn lửa đưa cho từng người đến viếng thầy. Tôi nhìn kĩ bức chân dung
Nhà giáo ưu tú Trương Tham trên bàn thờ trước linh cữu còn trẻ lắm. Bởi
lúc ngồi dưới tán cây bàng ôn lại kỉ niệm về thầy, nhà thơ Mai Thìn và
Quang Khanh cho biết thầy không thích chụp hình chân dung nữa khi tuổi
đã cao. Giờ lấy tấm hình ấy để thờ có phù hợp?!... Rồi còn nơi thầy đã ở
sẽ làm nhà lưu niệm của thầy…Có lẽ khi nằm xuống nơi đây thầy yên tâm
đã có sự chuẩn bị chu đáo. Ban lễ tang Nhà giáo ưu tú Trương Tham là của
Ban giám hiệu trường THPT Trưng Vương đứng ra lo cho thầy…
Bước ra khỏi Nhà lễ tang bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định,
tiếng kèn đưa linh thầy còn văng vẳng dọc theo đến cuối con đường Phạm
Ngọc Thạch rợp bóng me tây, tôi nhẹ bước chân như sợ làm loãng bóng nắng
vàng cuối tháng tư rực tím màu bằng lăng trên con đường Phạm Hùng trước
mặt. Còn tháp giờ nằm ở trung tâm thành phố Quy Nhơn sừng sững bình yên
giữa trời xanh nhắc nhở.
25.4.2012/ Nguyễn Thị Phụng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét