Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

ĐI TÌM MỘ của Nguyễn Văn Bằng

ĐI TÌM MỘ của Nguyễn Văn Bằng (*)

Bao tháng năm lần lữa chiến tranh
Mẹ chưa tìm được cha về nơi an nghỉ
Con muốn làm điều mẹ còn bỏ dở
Đi tìm cha nằm lại nơi nào

Lúc cha hi sinh con còn bé quá
Không hình dung một nét thân quen
Đồng đội của cha một thời tuổi trẻ
Giành nhau bộc phá đánh đồn

Sau chiến tranh ai mất ai còn
Bốn mươi năm mộ đâu còn đúng chỗ
Vẫn biết thời gian làm dày thương nhớ
Và dày thêm đau khổ ở trong tim

Con và mẹ lặn lội nhiều năm
Không biết cha nằm đâu để đến
Tuổi già đón mẹ về bên kia thế giới
Chỉ còn con mang ước vọng đi tìm…
                        Hà Nội, 27.5.1997

         Đọc bài thơ “ Đi tìm mộ” của Nguyễn Văn Bằng cứ đau đáu không nguôi về tình cảm của con đối với cha, với thế hệ đi trước đã nắm chắc tay súng để bảo về độc lập tự do cho Tổ quốc mình. Ngay từ khổ thơ đầu như lời tâm tình chia sẻ khi hay tin cha hi sinh, mẹ chưa kịp đi tìm không phải vì đường xa trắc trở, không phải vì sức khỏe ốm đau, mà vì cuộc chiến kéo dài làm trì hoãn nghĩa tình người vợ với chồng đã từng gắn bó keo sơn tự thuở nào:
          “Bao tháng năm lần lữa chiến tranh
           Mẹ chưa tìm được cha về nơi an nghỉ
           Con muốn làm điều mẹ còn bỏ dở
           Đi tìm cha nằm lại nơi nào”

        
      Việc “ Đi tìm cha nằm lại nơi nào” người đã hi sinh trong khói lửa đạn bom nơi tuyến đầu Tổ quốc, hay hải đảo xa xôi là một đáp số không đơn thuần như ở hậu phương người già bệnh tật đã mất được chôn cất chu toàn. Bởi: “ Lúc cha hi sinh con còn bé quá /Không hình dung một nét thân quen” để con có thể đong đầy kỉ niệm tình cha con gắn bó. Quả thật, người con lớn lên trong gia đình không chỉ thiệt thòi mà còn mất mát về sự chăm sóc yêu thương cả vật chất lẫn tinh thần như bao đứa trẻ khác. Nhưng người con mãi còn lưu giữ hình ảnh người cha dũng cảm ngoan cường hết mình cho đất nước:
         “ Đồng đội của cha một thời tuổi trẻ
           Giành nhau bộc phá đánh đồn”.
      Phải chăng vẻ đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ đã nuôi dưỡng tâm hồn “người con” về lòng tự hào cha anh không tiếc máu xương cho dân tộc Việt Nam yêu dấu ngàn đời.

         Để rồi:
            “Sau chiến tranh ai mất ai còn
             Bốn mươi năm mộ đâu còn đúng chỗ
             Vẫn biết thời gian làm dày thương nhớ
              Và dày thêm đau khổ ở trong tim”.
       Đi tìm mộ trong chiến tranh đã khó thì đi tìm mộ trong thời bình có lẽ còn khó hơn. Ta không khỏi rưng rưng xa xót sau chiến tranh ai mất ai còn nữa, rồi dấu vết ngôi mộ ngày ấy còn nữa không? Có phải thời gian đã làm cho “thiên biến vạn hóa”, phải chăng phần mộ người nằm yên trong lòng đất góp phần làm nên cánh rừng cứ ngan ngát xanh, làm nên điều kì diệu kết nối trái tim yêu thương trong tình nghĩa vợ chồng, tình cha con, anh em, bạn bè đồng đội như sợi dây vô hình mãi trường tồn trong cõi nhân sinh này. Một ngày chưa tìm được mộ là thêm một ngày ăm ắp nhớ thương, day dứt như chưa làm tròn bổn phận của con cái đối với mẹ cha. Nhưng biết làm sao!?... cho đến lúc:

                                     “ Con và mẹ lặn lội nhiều năm
                                     Không biết cha nằm đâu để đến
                                     Tuổi già đón mẹ về bên kia thế giới
                                     Chỉ còn con mang ước vọng đi tìm…”
          “ Mang ước vọng đi tìm” là lời khát khao nhắc nhở, là sự kế thừa tiếp nối truyền thống đạo lí uống nước nhớ nguồn, là nghĩa cử cao đẹp của người con đối với cha, của thế hệ trẻ không bao giờ quên công ơn các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Và trong hôm nay chúng ta có quyền tự hào kế tục sự nghiệp cha anh mà gìn giữ giang sơn gấm vóc cho được vẹn toàn để không hổ thẹn với người đi trước.
                                         10.4.2012/ Nguyễn Thị Phụng.
_________
*
Trích Tấm lòng nhà giáo của NXB Giáo Dục, 2010


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét