Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

CON NƯỚC NGẬM PHÙ SA... thơ Nguyễn Thị Phụng

CON NƯỚC NGẬM PHÙ SA...


Anh có về lội nước lụt ngày xưa
Đóng bè chuối trượt chân sào ngụp lặn
Khóc cười hồn nhiên nhường em phần thắng
Mộng trăng rằm trong đôi mắt tuổi thơ…

Nhớ lắm nào nguôi nước lụt bốn bề
Mẹ cứ lo bữa cơm chiều vắng chợ
Còn chúng mình hò reo như được thể
Mênh mang hòa con nước ngậm phù sa

Mùa lại về tầm tã những cơn mưa
Mái tranh dột cha chắn che vất vả
Mẹ thở ngắn, nuốt dài đêm như thế
Cuộc đời thường có thiếu trước đủ sau…

Tháng bảy lại về buốt những hàng cau
Từng quả rụng xuýt xoa rưng rức
Bóng sáng, bóng chiều cổ tích
Bè chuối xanh… nhẵn thín nổi trôi chìm?!…
                                   09.12.2011/ NTP

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

TRĂNG XƯA AI TẠC NÊN RẰM (Đọc Đi giữa trời xuân, tập thơ Thu Hồng-


TRĂNG XƯA AI TẠC NÊN RẰM- Nguyễn Thị Phụng.
(Đọc Đi giữa trời xuân, tập thơ Thu Hồng- NXB Hội Nhà văn, 2016)


                         
           Xin được mở đầu bằng bốn câu thơ Thu Hồng:
                “Góp mỗi ngày hạnh phúc hoan ca
                 Gieo hạt vàng cải ngồng xanh lá
                 Giọt nắng nghiêng hoa thơm cỏ lạ
                 Xuân tươi nguyên rạng rỡ mầm xanh
”…
          Phải chăng đây chính là ngày mới, ngày mới tươi nguyên thường tìm thấy trong thơ của chị. Không có gì lạ ở một nhà giáo Thu Hồng, song hành với sáng tác truyện ngắn đã xuất bản ba tập, thì Đi giữa trời xuân (NXB. HNV, 2016) cũng là tập thơ thứ ba sau Tự tình sông Giấu mình hoa cỏ. Đây không còn là sự thử nghiệm, mà chính là cái tình với nghiệp văn thơ lỡ vay phải trả. Nếu lúc này đặt lên bàn cân, tôi chưa biết nghiêng về bên nào. Ở mỗi bài trong tập là một bức tranh thi vị luôn có con người hiện hữu, giữa một không gian xanh đầy nắng ấm và hoa vàng.
        Như ta đã biết, viết văn- làm thơ không đơn giản, một khi chưa va vấp với thực tế quanh mình. Viết văn- làm thơ không đơn giản, một khi tâm hồn chưa tĩnh lặng, một khi trái tim chưa thực sự sục sôi, chưa thôi thúc kết nối lời yêu thương náo nức sắc hương cuộc đời. Nhưng qua Đi giữa trời xuân, cho ta thấy phần nào chị có được những điều ấy, sống và viết là sẻ chia. Đã là thơ phải luôn có độ nén, xúc tích, mà với chị sự trải nghiệm thường ngày cứ tự do tuôn theo con chữ, không gò bó ở những bài lục bát, lại càng không khắt khe ở thể thất ngôn bát cú, có tiếc lắm không:
               “Cỏ khuya lau lách lời tình tự
                 Bãi bồi chùng chình khúc đắm say
                 Đêm hạ gởi niềm yêu cho gió
                 Ngày đông trao nắng ấm cùng mây

                                                         (Mê khúc).
        Từ Mê khúc* đất trời trải vào lòng người bắt gặp Mưa là nỗi nhớ*:“ Giọt thu rơi buốt giá/ Vết tình yêu mờ xa/ Đành thôi, chiều thay áo/ Khát cháy cơn mưa rào”. Cũng dễ thông cảm chút lãng đãng của thi sĩ, để khi quay về thực tại, cái tình ấy thật gần gũi thân thương:
                 “Trời Yên biêng biếc màu năm tháng
                   Đất Phú nõn nà sắc vẹn nguyên

                                                (Tháp Nhạn duyên năm tháng).
      Sống trên Đất Phú- Trời Yên, nhà giáo Thu Hồng luôn trân trọng cái tình công dân dành cho đất nước:
                “Chiến chinh khói súng lùi dĩ vãng
                 Mái tóc hoa râm dạ chẳng mờ

                                               (Mùa xuân ấm áp).
       Và dường như với chị, sự hoài niệm Miền Ký ức* quê mẹ đâu nguôi: “Nhơn Hưng- không ồn ào phố xá/…/ Nơi cắt rốn chôn nhau ân nghĩa dãi dề”. Vậy mà tuổi thơ sao đành cam chịu … “đổ nát hoang tàn/…/ Đồn bốt lưỡi lê kẻ thù manh động/…”(Tự hào quê mẹ) ấy. Tất cả lùi vào dĩ vãng, còn lại vẹn nguyên tình mẫu tử: “Gậy trúc mẹ lên thềm”(Nhớ mẹ). Chiếc “gậy trúc” là điểm tựa nâng bước chân người, điểm sáng trong câu thơ nhắc nhở đến cốt cách thanh cao bậc hiền nhân quân tử, dẫu trong điều kiện nào, chúng ta không nên đánh mất mình, khẳng khái bản lĩnh hơn. Cho đến khi được làm mẹ hạnh phúc biết bao, rồi lại trớ trêu hơn sự oan nghiệt của bệnh tật neo vào hình hài vốn có từ một tình yêu ở tuổi thanh xuân của chị, để giờ đây lắng nghe nỗi niềm chăm chút động viên con:
                    “Sáu năm rồi đôi chân con đau đớn
                     Người bệnh tâm không bệnh mới hay
                     Hãy vững lòng mỗi sớm mai thức dậy
                     Chuỗi ngày dài luôn có mẹ bên con…

          Biết nói gì hơn sự tuần hoàn tự nhiên làm sao níu kéo lại, một khi: “ Mẹ không thể như cây tùng cây bách”, cũng không thể “sống đời” bên con được, chân chất dành lời gan ruột:
                     Hãy tự mình làm nên điều kì diệu
                     Mắt con sẽ thay chân đi về phía mặt trời

                                                      (Nói với con).
         Nói sao hết tấm lòng nhà thơ Thu Hồng hòa cùng dòng chảy cuộc đời làm nên trang sách Đi giữa trời xuân, dẫu như có “Mây vần vũ bên kia nương/ Sấm chớp vang rền tứ phía”(Chim đầu đàn vỗ cánh) thì hãy chung sức mở rộng vòng tay Thêm những tấm lòng*: “Dấn thân gian khó/ Sức xuân lan tỏa/ Nắng mới tươi màu rực rỡ/…/ Phía trước mặt là con đường mới/ Không thể đi mãi những lối mòn”. Bởi trăng xưa ai tạc nên rằm, thơ cũng vậy, khó thay! ./.
_______________

 *Tên những bài thơ trong tập.
                                                            Bình Định, 24.11.2016/ Nguyễn Thị Phụng.

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

PHÍA SAU MỘT ĐẦU ĐỀ ( Đọc Bãi vàng Đá quý Trầm hương”, tập truyện của Nguyễn Trí)


PHÍA SAU MỘT ĐẦU ĐỀ 
         
(Đọc Bãi vàng Đá quý Trầm hương”, tập truyện của Nguyễn Trí, NXB Trẻ, 2014)
         Tôi thì không bao giờ thấy người sang bắt quàng làm họ. Thân phận tự lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ cứ chân chất ruộng đồng làng quê. Ấy vậy mà lộc cho thì hưởng, bạn bè móc nối xích lại bên nhau, nâng tầm mở rộng giao lưu gặp nhà thơ này, nhà văn nọ làm sao mà thuộc lòng hết tuổi tên sáng chói trên văn đàn. Biết mình gốc gác nhặt rác bán mua “Những người khốn khổ”(Vichto Huygô) một thời tuổi thơ đã qua, còn lí lịch trích ngang gã “đồ tể” ấy lần đầu cho tui cảm xúc: “Tỉnh mê/ gỡ rối đi/ nghen. Này/ đây chiếc lược/ trắng đen đã từng”(Chải đời), rồi hai năm sau có dịp về lại nơi chôn nhau cắt rốn, một mình gã bắt xe đến Lí môn Vinh Thạnh tặng tui “Bãi vàng Đá quý Trầm hương”(NXB Trẻ, 2014) đính kèm chữ kí Nguyễn Trí KHÙNG (chữ KHÙNG, đóng dấu đỏ hẳn hoi). Để khi gấp tập truyện tái bản lần hai, từ phía sau đầu đề ấy, cho tui yêu cái KHÙNG trải qua chín mười nghề gã tôi luyện nên “nghiệp” viết chín hơn.
      Ngay đầu đề Bãi vàng Đá quý Trầm hương cứ vơi đầy vàng mười, đá quý,… thường được con người chắt chiu giấu trong tủ kín khi cần đem sử dụng. Ở đây, con người đổ xô vào cuộc mưu sinh thử thách, tồn tại từ trang đời nhọc nhằn tập trung vào trang văn anh lại là sự hấp dẫn làm nên giá trị tác phẩm. Tập truyện còn in dấu mốc thăng trầm thời cuộc thoáng qua ngòi bút Nguyễn Trí cứ ngồn ngộn phơi trần hiện thực không ngoa một chút nào, bởi tính theo thời điểm những năm bảy tư, chuyện xa lắm không quá phạm vi mười lăm cây số quanh mình cứ lồ lộ trước mắt, cũng dễ đồng cảm với nỗi ám ảnh ghê rợn ở nhà văn tuổi mười tám lúc bấy giờ.
      Quả đúng “Tác phẩm của Nguyễn Trí gây hấp dẫn bằng chất sống thực và sự từng trải” trong lời giới thiệu của  nhà văn Hồ Anh Thái, theo sau là mười sáu truyện ngắn. Có lẽ người viết bài này không muốn đi theo sự trình tự mà cứ chận khúc giữa truyện thể như móc ruột ra chua chát cho thân phận “Minh Tàn” nhẫn nha kể, bởi đó không còn là nỗi đau riêng một góc nhỏ cá nhân ai,  bởi đó là sự tủi cực lẽ ra con người phải giấu kín, bởi đó là câu Kiều văn học sợ bị mất đi cũng kịp thời củng cố lại: “Đời cũng lạ, ai có tên cũng muốn sửa sang cho đẹp, Văn Dũng sửa thành Minh Dũng, Thị Hằng sửa thành Minh Hằng… còn đây tự cho mình là Tàn, kì cục không? Có đứa cắc cớ hỏi: - Tàng là khùng khùng đó hả? – Bậy mày. Tàn là tàn tạ dung nhan đó con, không phải “Tàng tàng chén cúc dở say” đâu. Ai da… Đen thùi lùi, ốm nhách, chạy xe ba bánh chở xà bần mà cũng Kiều này Kiều nọ. Bụi đường và bụi đời phá ra cười: - Lượm đâu đó vậy bố già?- Sao lại lượm con trai? Đọc mới biết chứ. Nói xong tóc muối tiêu xưng Minh Tàn ngâm nga vài câu trong Kiều. Cả bốn thằng tre trẻ lắng tai nghe…” Diễn biến truyện cứ dần lôi cuốn bốn thằng trẻ từ cái chân Minh Tàn: “- Trẻ thì ai cũng có tí lầm lỡ, nhưng tao vì khổ vì thời cuộc. Còn tụi mày sướng quá sinh hư.”, rồi từ chuyện đua ngựa chuyển sang đến chuyện phá hàng rào vác trộm hàng: “Một kiện Rasong C cả trăm thùng, mỗi thùng mười hai hộp, vợ con lính, cả mấy tay lính đang dưỡng quân cũng thi nhau lấy sạch nhách…” để rồi ăn cắp quen tay mà cái chân bị gãy từ những phát súng trong đồn Mỹ bắn ra. Nghe mà ngậm ngùi: “… Hồi đó tao còn nhỏ, đâu phải lo chuyện cơm áo, thất học suốt ngày lêu lổng, cứ thấy có ăn là nhào vô thôi. Nhưng cũng nhờ phát đạn đó mà ông già tao sợ có ngày tao bị bể gáo nên cấp tốc gởi tao về bà ngoại rồi tao mới được đi học mấy chữ. Đời mấy ai biết được chữ ngờ, hồi đó tao mộng làm thầy giáo đó nghe”. Đã thành dấu ấn về một “Kỷ niệm”* cho đến hết đời ước mơ mẫu mực thanh cao ấy chẳng hề vói tới.
       Có thể nói chỉ vài trang văn, Nguyễn Trí đã phản ánh một hiện thực miền Nam trước năm bảy lăm thế kỉ XX đầy biến động ngột ngạt, ai đã từng chứng kiến mới thấu được tính khách quan của nhà văn: “Thiên hạ lo tên bay đạn lạc là một, sợ bắt lính là hai. Hôm nay nghe nói đánh nhau ở đó ở kia, bị thất trận, lính tráng kéo về Thạnh Phú nổ súng làm càn. Ăn nhậu xong tính tiền bằng lựu đạn. Phó dân sợ lính Việt Nam Cộng hòa, sợ luôn ông Việt Cộng…” Cho đến chuyện “Cơm không phải lo, nơi ở là lán trại bằng nhà tiền chế của ông đồng minh Mỹ cung cấp… Con lính ăn xong nghễu nghện ngoài đường, tụ tập kiếm tiền bằng mọi cách… buôn bán xì ke công khai… và Nhà chứa hẳn hoi, có cả cờ bạc đủ mọi môn chơi từ tứ sắc đến xóc đĩa”. Cho đến chuyện “Rác Mỹ hả?... kẻ thầu rác mà dựng nên nhà lầu… Người bản xứ làm trong nhà bếp Mỹ, nhét dầu ô liu…, rượu whisky,…” Rồi theo mạch kể “ Chả là lính Mỹ không kém bọn man ri, chúng canh cho mấy bụi đời lên xe rồi phóng hết tốc độ, đang chạy thắng cái reeéc. Không phòng bị là gãy tay xụi chân. Nhưng sao Mỹ chơi vậy?... Có chuyện hết, kì đó dân bay rác ném xuống một thùng SP, loại thùng đựng hàng cao cấp dành cho sĩ quan Mỹ, khi mở lòi ra một xác con gái khỏa thân… Lớn chuyện dân biểu tình ầm ĩ”. Ê chề đầy rẫy những tủi nhục, những phẫn nộ tích lũy nén dần thành ánh sáng chân lí mở ra “Cả nhà lên xe, chưa tới Sài Gòn đã nghe quân Giải phóng cắm cờ trên Dinh Độc lập… Giải phóng về, cả Phú Thạnh hò reo bước vào một kỉ nguyên mới. Xì ke, ma túy, du thủ du thực bỗng nhiên sạch bách. Thật sự sạch…. Nạn mại dâm biệt dạng…” Phải chăng đây chính là sức mạnh niềm tin, của độc lập tự do dân tộc. Những tháng ngày tiếp theo nữa về một vùng quê đất võ “Với một triệu binh lính bỏ súng về dân sự. Một đất nước nông nghiệp đã bị chiến tranh làm hoang hóa ruộng đồng. Tất cả được phục hồi bằng đôi vai. Cái thiếu thốn, thậm chí đói là tất yếu. Mấy tay có tí đỉnh chữ nghĩa luận rằng: - Tầm cỡ Nga, Mỹ, Đức, Ý, Nhật sau đệ nhị thế chiến còn đói, huống chi dân mình… Thiếu thốn nên gian khó và chính nó đã làm đạo đức từ suy đến gần như sụp xuống hố thẳm…” Nhưng cốt lõi ở trong “Ngọc Liên Thành”* là đọ tài, đọ sức thắng thua trên sàn đài bất ngờ cơ hội “Ngọc tung hết lực một ống quyển vô bộ sườn…”. Khẳng định “Tiền và đam mê cũng không nổi chữ Đức trong võ” điều gì Ngọc thua kí lại thắng được Lân nặng cân, bởi Lân lơi lỏng “tiếng” tình nên đã bị trả giá quá đắt.
      Cái đức chính là nhân tâm được lan tỏa trong tất cả truyện ngắn của nhà văn, không chỉ là giá trị tác phẩm mà bất kì trong hoàn cảnh nào đều vực con người bị chới với khi rơi vào cạm tình của kẻ Hảo chuyên học nghề thợ “bạc”, nếu không có Dũng trong đoạn kết: “Dũng đi làm về nựng con và hôn vợ. / Anh có biết không? / Có. / Biết gì? / Biết là vợ sợ mình đau lòng nên không dám nói thật.” (Có biết không)*. Có một Dũng trong Chuyện cũ từ rừng* sẻ chia: “Gặp riêng tao, nó thú thật tội lỗi và xin xỏ đủ thứ… Tao chỉ cười: …  - Anh có dám nói thật, là anh đã dùng quyền lực, lợi dụng sự cùng đường của má nó không?...”. Còn với “Cô ấy cũng choáng vì không ngờ tao đã biết và đã tha thứ cho cô ấy suốt mấy chục năm qua. Nửa đêm vợ già ôm tao nghẹn ngào xin lỗi vì đã giấu diếm. Tao bảo: - Gặp anh, anh cũng giấu. Thôi, bỏ đi.” Cái nôi nghĩa vợ chồng, tình cha con trong mái ấm gia đình luôn được duy trì gìn giữ.
       Có thể trách cứ hay tha thứ cho một Quân từ tuổi vị thành niên xốc nổi đến những tháng ngày làm công nhân “Cuối cùng Quân phát giác ra anh em trong xưởng cũng là nạn nhân của hai thằng trực tiếp chỉ huy”, muốn bảo vệ quyền lợi là chính đáng của vài cá nhân chống chọi bằng bạo lực lại dễ rơi vào vi phạm pháp luật, nếu người mẹ không xuất hiện kịp thời can ngăn (Nhờ nước mắt)*. Vẻ đẹp người bà dành dụm giúp đỡ cháu lúc khốn khó để vẹn toàn chữ tín là nếp nhà xưa nay khi đọc đến Vô thường*.
       Nhưng cái đức hạnh trời dành cho phái nữ, được ăn học như Thủy cũng bị mất đi khi đồng tiền chế ngự đành quên ơn trong Đoạn trường* đối lập với Tư Nhà, chị có chồng lại vô sinh, khi chia tay chẳng sòng phẳng làm gì “Tư Nhà thở dài: - Thôi kệ. Ảnh cũng khổ lắm anh Ba”, tha thứ và vun đắp yêu thương nên họ luôn sống cho người khác, sự chắp nối lần hai lo con chồng ăn học, rồi cũng đành phủi tay trở về với mái nhà rách nát là vậy ư!... Có chuyện như Nín lặng khóc* thì phải nín lặng khóc thôi!... Người ta bảo bụng đàn bà dạ con nít, điều gì dụ dỗ họ, có chăng là bản năng của một phụ nữ đang độ hồi xuân bên cạnh người chồng “Rượu đã hủy hoại Tư Địa không ra hồn người nữa. Khỏng khoèo, cặp giò không khác hai cái ống tre trong cái quần đùi lụng thụng, xương sườn xương sống lô nhô. Đó là hình ảnh mỗi buổi sáng Tư Địa từ đìa tôm đi ra quán mua rượu”.
      Riêng Ở thành phố*, người chạy xe ôm như ông Hưng cám cảnh tấm lòng Trâm, động viên cô gái: “Ừ, ừ - ông vuốt tóc cô gái – Ba sẽ đi thăm con, vào trại cố học được cái nghề làm lại”. Vì sao lại có chuyện “Trại viên cũ quay lại đông lắm”* đã được nhà văn trần thuật nguyên nhân từ trong gia đình hay lối sống buông thả sa vào cạm bẫy hay không biết tự trách mình.
        Cái đức mở lòng nhân từ cho người cùng cảnh ngộ  lúc cơ nhỡ xích lại bên nhau mộc mạc làm sao: “Cô thiệt là… Đã kẹt còn phơ phào. Cứ lấy giải quyết cái trước mắt. Tao cho mượn, kẹt là tao đòi, có bây phải trả, tao đâu có cho không, tiền tao là tiền trèo đèo lội suối, đâu có lật đít ông Phật mà lấy, hiểu chưa?”. Cái đức tha thứ kẻ quên nghĩa tham tiền lừa bạn, thì những ấm ức oán thù được xóa đi khi biết hoàn cảnh Sáu Râu bí mật nuốt viên đá quý cũng được mở ra, đến lúc tự giác nhận sai lầm. Đã thế còn giữ dùm thể diện bạn, “… nghe bà bầu than gần tới ngày sinh mà chả có cục than cái tả. Còn trăm ngàn bạc, Chí Mỹ cũng móc ra: -…, thím cầm sắm chuyến vượt cạn. Vài bữa có tiền, anh và Râu kẽm lo cho” Đã vậy, còn chia phần tiền viên đá quý đã bán cho Sáu Râu (Đá quý). Còn nữa: “– Bà mẹ ơi – Kha Li kêu lên – mày sộp vậy, giàu có dữ a? – Giàu khỉ mẹ gì, có thì chia nhau mà sống, chết có mang theo được đâu ông”(Cầm giùm đi*). Nhưng lắm kẻ “đâu có ai dư mà mượn. Mấy tay nhà gạch có tiền để làm từ thiện tìm một chỗ ở Nát bàn, đưa cho dân khố rách khó đòi lắm…”(Vô thường).
         Ở Trầm hương*, phần đầu truyện, với cách kể tự vấn đáp rành mạch lôi cuốn người đọc nhận ra chân lí: “… đi tìm trầm ai cũng ngộ ra, chả có ai là đồ bỏ, chỉ có những kẻ không tìm ra được đường đi của mình, hay bước nhầm vào vũng tối rồi không rút ra được.” Qua cuộc tìm trầm ta mới hiểu thêm giữa núi rừng thâm u, tĩnh mịch đâu chỉ xạc xào lá rụng, suối ca, chim hót, gọi nhau tìm đàn của muôn thú lạc bầy kiếm ăn, mà con người ngự trị nơi đây đủ mọi thành phần, giới tính,  trong cuộc khai thác tự do ăn chia sòng phẳng của dân giang hồ. Thì đầy rẫy từ những những lá bài gian lận, từ những cách mua bán bóp chẹt, có cả những cơn sốt rét rừng, có cả cái chết bị rắn cắn, thú vồ bất ngờ đến việc như bảo vệ chính mình thì bàn tay con người buột lòng nhuốm máu cũng chỉ vì đồng tiền: “… nó mua được tất cả, ngăn được tất cả các dòng chảy. Cả dòng chảy của nước mắt.”
        Nước mắt đau thương có lẽ nhiều hơn bởi ham muốn “… lôi cho bằng được cái quý giá trong lòng mẹ trái đất vào lòng mình”(Bãi vàng*) rồi chia năm xẻ bảy thêm phần cho tình nương. Hay đồng Tiền rừng* qua “khai thác” gỗ quý, lồ ô, hái ươi, vắt mật ong,… kể cả cắt xén lon gạo, miếng thịt, viên thuốc,… của bọn cướp ngày. Để rồi “Khi túi tham của con người bị cao xanh xé đáy, nó lọt thỏm vào hư vô nhẹ thoảng như mây trôi nước chảy. Họa đời sống trùng trùng vây bủa. Nó bắt đầu bằng cái chết…”. Nhưng không thể đánh mất được cái đức cần cù của người lương thiện “Như bọn mình, tuy kiếm đồng bạc khó, nhưng ngủ ngon, lương tâm thanh thản. Làm nhiều ăn vừa đủ, làm ít thì bớt nhậu đi một chút, năng nhặt sẽ chặt bị, đại phú do thiên, tiểu phú do cần…”.
        Nước mắt hạnh phúc có lẽ phải Giã từ vàng* mới cho người với người  bộc bạch trải lòng “Có lẽ tâm hồn anh đã chai sạn vì di chuyển, vì chiến tranh. Như cái khổ vậy, khi ta nhuốm nhiều quá, nó hóa tầm thường. Đối diện với đá tâm hồn ta đương nhiên lạnh.”. Cái lạnh toát ra từ “chợ đầu người” lộ thiên, đến hậu  chiến tranh dưới hầm sâu khai thác đá vàng trộn lẫn xác người bằng câu cầu kinh bồ tát cứu rỗi. Chấm hết đời người.
        Với những nhân vật của Nguyễn Trí, khi rê ra chén tạc chén thù giải mỏi, giải sầu mong để quên đi nỗi nhọc nhằn vất vả là đằng sau câu chuyện càng thêm thuyết phục. Mượn cung bậc tiếng đàn, câu thơ tấu khúc lúc thảnh thơi là nhắc nhở đánh thức nâng cao giá trị đời sống tinh thần ở mọi lúc mọi nơi. Bãi vàng Đá quý Trầm hương tuy trăn trở vật lộn thiên về vật chất thường ngày cá nhân - cộng đồng có sự thỏa thuận làm ăn không văn bản, nhưng ở đó tồn tại cái đức tiềm ẩn đã được khơi gợi nhân lên. Cái đức là sự thánh thiện con người nằm trong cái đẹp. Cái đẹp thật chín trong văn Nguyễn Trí từ mạch truyện được khai thác, thể như đang xích lại bên nghe anh tường tận những trải nghiệm về thân phận cuộc đời mỗi người nơi đây./.                                   

                                                                           Nguyễn Thị Phụng
_____________
* Tên truyện ngắn

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

MỘT BẾN SÔNG THIÊNG

                                 MỘT BẾN SÔNG THIÊNG


MỘT BẾN SÔNG THIÊNG

       Khi nghĩ về thơ, thật sự tôi tâm đắc ý tưởng: “…Dẫu là một tia nắng, thì tia nắng ấy cũng phải vượt cả bát ngát quãng không mà đến/… / Những nhà thơ ba ngày thôi cũng làm ra thơ của nghìn ngày/ Miễn anh đem cái vơi, cái hữu hạn của thời anh múc vào dãi sông đầy/ Ở sự sống của nhân dân vô lượng bể/ Nhân dân- Người mẹ đẻ của muôn đời thi sĩ”(Có một nghề thơ- Chế Lan Viên). Và người Bình Định đã “đem cái vơi, cái hữu hạn của thời anh múc vào dãi sông đầy” ấy hòa cùng làng thơ Việt Nam hiện đại khơi nguồn từ những năm ba mươi chính là Nhà thơ Yến Lan.
        Yến Lan tên thật là Lâm Thanh Lang, sinh năm 1916 tại quê nhà An Nhơn. Sáng tác thơ khi còn rất trẻ, kể từ những năm 1932 cho đến cuối đời 1998. Đáng kể nhất là thơ tứ tuyệt, có thể minh chứng lời Trúc Thông đã nhận xét: “Trong số lưa thưa bậc hảo hán của thơ tứ tuyệt Việt Nam hiện đại, Yến Lan thuộc loại “bố già”. Một “bố già” hiền lành. Không cân quắc, ngang tàng, vang động. Nhưng vẫn đầy cốt cách trong cung cách âm thầm...”, chững chạc từ một nhà giáo giàu độ bền sâu lắng:
           “Em đến xin hồng hồng chửa nụ
            Hôm nay hồng nở bóng em xa

            Cầm em bữa trước em không ở
            Giờ biết làm sao cầm được hoa”.
                         (Cầm chân em, cầm chân hoa)
      Một tiếng lòng bộc bạch thanh cao mà trăn trở:
         “Nhà không vườn, không gác, không sân
          Tôi nợ đời rau trái tôi ăn
          Nợ hàng xóm trưa hè bóng mát
          Nợ em cài bên cửa một vầng trăng”.
                                                         (Nợ)
         Vậy là món “nợ” thi nhân đâu chỉ ở hàng mấy trăm bài tứ tuyệt có thể kể như: Xuân muộn, Chị đi, Rượu mơ uống ở chùa Hương, Nhà xưa, Chèo, Lữ thứ, Nhường, Vô tình mà hữu hình (Gửi tặng Quách Tấn), Mừng bạn có nhà (Gửi Chế Lan Viên), Mùa chim di cư (Tặng Phùng Quán), Họa mi trong lồng (Tặng Quang Dũng), Đi qua nhà 24 Cột Cờ (Nhớ Xuân Diệu),…
         Chọn thơ tứ tuyệt tuy lời ngắn “giải mã” tình dài vời vợi với người thân ruột rà, với bạn bè tri âm, tri kỉ vẫn chưa đong đầy lượng bể. Cái bể nghĩa tình sâu lắng nhất vẫn là Nhân dân. Bởi “Nhân dân- Người mẹ đẻ của muôn đời thi sĩ ” để gắn bó, yêu thương quê hương Bình Định gần gũi nhất. Chẳng có gì lạ khi người đọc bắt gặp những bài thơ dài trên hai mươi câu được viết trong giai đoạn 1935- 1975. Còn cái thời Yến Lan cùng Quách Tấn, Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên làm nên một “Bàn thành tứ hữu” cho “Rượu ân tình- Bình Định xứ lên men”, mà trước đó nơi đây đã từng là: “Tăm chiêu mộ nổi trên dòng nước Đạo” hội tụ những bậc anh tài áo vải cờ đào của đất võ và giờ đây mở lối khơi nguồn cho thi ca rạo rực khao khát:
         “Đây là chốn nương mây và cậy nguyệt.
Đàng chờ xe sông nước ước mong thuyền.
Tịch dương liễu không biết mình đang biếc
Tương tư trời tương tư nhạc triền miên.”
                                  (Bình Định 1935)       
       Có thể nói cách ngắt nhịp trong hai câu (không theo ý chủ quan của người viết bài này mà trước đây, tôi thường gặp cô Nguyễn Thị Lan- vợ thi sĩ Yến Lan, sinh thời thường về quê nội ở Phước Lộc thắp hương, cô họ tôi thích sẻ chia: đời làm thơ khởi đầu của dượng con là bài Bến My Lăng, nhưng tiếng nói tâm tình của nhà thơ mới là bài Bình Định 1935 và một số bài thơ viết về quê hương mình, ông tâm đắc nhất mỗi khi đọc đoạn thơ trên) là sự ẩn mình “Tịch dương, liễu không biết mình đang biếc/ Tương tư trời tương tư, nhạc triền miên ”đã khơi được ngọn lửa trái tim dẫu là nương, là cậy tự nhiên: mây, nguyệt ; là chờ, là ước phương tiện: xe, thuyền của người đến hay dù có tịch dương đi chăng nữa, thì thân liễu này cứ miệt mài Tương tư trời tương tư cho biếc khúc nhạc triền miên xanh. Phải chăng cốt cách nghệ sĩ phóng khoáng từ buổi ban đầu tìm ra được giá trị chân thực để định vị mà nung nấu tình yêu xứ sở: “Ôi Bình Định sao nằm trong mãi mãi/ Đĩa dầu vơi, tim cháy ngọn âm âm” (Bình Định 1935) thổi bùng khí thế sục sôi một sức mạnh của giai cấp vô sản quyết giành chính quyền:
         “Bùn rắn lại trên bàn tay cày cuốc
         Trán công nhân rực thét lửa chân đe
         Nét khẩu hiệu, tay huơ bừng ngọn đuốc
         Tay vót căm thù bén những thanh tre
                                    (Bình Định 1945)
        Mỗi bàn tay người Bình Định không chịu làm nô lệ nơi thành Đồ Bàn ngày ấy “huơ bùng ngọn đuốc” hòa chung chiến thắng vang dội kịp thời từ trên mọi miền đất nước: “Tin xa lạ những Ba Tơ, Việt Bắc/ Người kề nhau như kể chuyện truyền kỳ/ Đất ê ẩm dưới đinh giầy Pháp Nhật/ Vội trở mình ôm chặt gót thu đi” đã thắp sáng thêm niềm tin mãnh liệt cho người sáng tác. Bên cạnh sông Côn Bình Định cũng bao tháng ngày vượt qua ghềnh thác về cùng hợp lưu: “Sông Côn chảy qua bảy tầng thác đập/ Tình Trung châu: Hương mật nặng khoang thuyền/ Duyên cá nục, măng le về hội họp/ Phiên chợ Thành vụt tỉnh giấc cô miên”. Và lúc này, niềm vui đong đầy niềm vui “Hai chúng ta bước qua đêm quá khứ/ Ngoảnh đôi đầu không còn thấy bơ vơ”nữa, hạnh phúc dâng trào:
         “Nét mực đỏ gạch dưới hàng nhật ký:
          Đây mùa thơ của dân chủ cộng hòa
                                             (Bình Định 1945).
      Mùa thơ của dân chủ cộng hòa là dấu ấn khó quên trong tâm tưởng thi sĩ Yến Lan hoàn toàn đối lập với thoát li thực tại, đoạn không thể không nhắc đến Bến My Lăng đã làm biết bao nhiêu người cầm bút luận bình. Và hiểu theo cách nào chăng nữa, thì Bến My Lăng toàn bích về một không gian nghệ thuật ngôn từ: trăng rơi vàng trên mặt sách, có con thuyền cùng ông lái buồn để gió lén mơn râu mơ màng thả hồn theo mây gió, điểm thêm chàng kị mã với màu áo ngọc lưu li: “Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả/ Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi/…/ cònTiếng gọi đò, gọi đò như oán trách/ Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng”. Ông tạc bức tranh đầy thi vị cho dấu lặng buồn, lẽ ra phải có lời hô ứng!... Từ việc khai thác giữa thực và mộng, giữa động và tĩnh đan xen trong hoàn cảnh bến trăng lung linh mà huyền ảo quá, bến sông năm nào nơi người mẹ chợ xa tảo tần lỡ chuyến đò ngang, sinh ra thi sĩ “Tôi lọt lòng ra giữa bến trăng”chăng! Hay bến sông của một cậu bé Lâm Thanh Lang từ lúc lên sáu hớt hãi cùng cha gọi đò khi mẹ mất!... Hay còn là bến sông của bao lượt đi về, là sự mong mỏi đợi chờ một tiếng nói chung, một sự đồng lòng từ xóm làng quê hương mình. Và tôi cho đây là một bến sông thiêng bởi chứa cả hồn thơ Yến Lan dành trọn vẹn về một nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ông trưởng thành mà không thể nào quên về hình ảnh người thầy đầu tiên: “Tôi biết thầy lo chuyện nước non/ Lòng phơi như ánh mặt trăng tròn/ Mỗi khi nhắc đến người bôn tẩu/ Tâm sự trào lên ngọn bút son/…”(Thầy tôi). Và người học trò, cây bút trẻ ấy đã chọn “sự sống của nhân dân vô lượng bể” để cứu cánh đâu chỉ riêng mình mà còn cho cả dân tộc và đất nước. Vậy thì Yến Lan, từ sự chuyển tiếp Bình Định 1935, đến Bình Định 1945, Bình Định 1947 đã mở ra một chặng đường thi ca khởi sắc: “Đường cách mạng thơm từng trang lịch sử/ Trong nhớ thương sông núi bớt mơ hồ”, nên Bình Định những ngày này đã bền bỉ, thắt lưng buột bụng: “co lại từng vắt cơm, nắm muối” gian khổ cho cuộc kháng chiến lâu dài:
             “Tin hỏa tốc bạt thếp đèn của quán
               Lửa mài gươm sáng rực xóm Lò Rèn,
               Mẹ binh sĩ lòng khâu theo túi đạn
               Phòng tuyển binh người áo vải chân chen
       Còn những người con trai, con gái Bình Định phải chăng là “chàng kị mã với màu áo ngọc lưu li” ngày xưa ám ảnh triền miên, bí ẩn giờ đã tự giác vượt sông trở thành chiến sĩ quả cảm để có mặt cùng với nhân dân trên từng chặng đường, những địa danh quen thuộc:
               “Trai Bình Định ôm bom vào Tú Thuỷ, 
                Ngự đèo Nhong hay canh bãi Vân Sơn. 
                Gái quạt trấu cũng hoá thành dũng sĩ, 
                Cầu Bà Di đẩy dựng những toa goòng
”. 
         Với thái độ tích cực của một thi nhân biết tách mình ra khỏi mộng mị mơ hồ, Yến Lan đã đi tìm về thực tại từ bến sông ắp đầy kỉ niệm “Mưa đưa thương nhớ về làng/ Mưa làm xa những dặm đàng, bến sông”(Đi trong nắng mới) cho tới những ngày xa quê nhà, vẫn trọn vẹn thân thương thuở nào: “Tên mảnh đất non cao che lũng thấp/ Ôm nương rẫy nắng vàng theo màu sáp/ Vị hồ tiêu trát ấm cả trung châu/ Tỏa hơi say rời bến những thuyền trầu”(An Lão), ngỡ bình yên với tên gọi An Lão, nhưng khi giặc càn áp giải cùng băng đạn tuần khuya thì cả làng không hề chùng bước, bền gan chiến đấu đến cùng: “Đất An Lão đâu nằm im chịu giặc/ Rẫy dứa  hầm chông, ngọn cau liên lạc/ Anh cầm cày, chị bắt ốc ven sông/ Đặt bẫy, gài mìn chờ cuộc phản công(An Lão).
        Rồi bù lại sau bao đêm trường khắc khoải âu lo, mong đợi, lời thơ như thủ thỉ ngân vang khúc khải hoàn: “Thôi không còn sốt ruột nữa em/ Cái ta chờ, cái ta đợi ngày đêm/ Tất đã đến và hôm nay đã đến/ Cờ Giải phóng rợp dày trên cửa biển/ Thành phố những dân ca đầy sự tích anh hùng”(Hôm nay đã đến, Bình Định ơi!), những xôn xao tiếp nối xôn xao dâng trào sau bao năm xa cách, vỡ òa hạnh phúc cho mỗi người con đi xa nay trở về cùng gia đình sum họp, đất nước liền một dải :
         “ Xanh sắc lại, mênh mông trời rộng mở
            Hồn ta nay ước choáng cả không gian
            Ơi Bình Định, từ con tim ấp lửa.
            Bừng lên – bừng thành một cuộc hoa đăng
                                         (Bình Định 1975-1976)
           Vậy là Bình Định từ lúc “Đĩa dầu vơi, tim cháy ngọn âm âm” đến khi “con tim ấp lửa” đã “Bừng lên- bừng thành một cuộc hoa đăng” như chính cuộc đời và sự tồn tại về cái Bến My Lăng của ông. Hơn mười lăm năm qua, kể từ rằm tháng tám năm Mậu Dần (1998), từ tâm nguyện “Hồn ta nay ước choáng cả không gian”, không chỉ là “Những nhà thơ ba ngày” mà cả giai đoạn! Điều đó đủ khẳng định những bài ấy mang tính thời sự, nhưng rất vĩnh cửu, nên Yến Lancũng làm ra thơ của nghìn ngày” rồi! Bởi thơ ông đâu chỉ kịp thời phản ánh cuộc kháng chiến trường kì chống ngoại xâm của nhân dân Bình Định nói riêng, mà trước đó còn cổ vũ phong trào đấu tranh giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Tôi tin chắc rằng, Yến Lan- “Dẫu là một tia nắng , thì tia nắng ấy cũng phải vượt cả bát ngát quãng không mà đến” với chúng ta rồi. Cái tia nắng ấy như là sự kế thừa, nhắc nhở, nâng niu gìn giữ. Nếu chỉ chú trọng Yến Lan với thơ tứ tuyệt, là kịch thơ, là truyện ngắn,… thì ta quý tấm lòng thi sĩ tài hoa. Còn những bài thơ viết về Bình Định, giả sử có thể gom lại thành một trường ca, ta càng trân trọng bản lĩnh Nhà thơ đúng nghĩa được viết hoa!
                                                 Phước Lộc, 01. 3. 2016
                                                        Nguyễn Thị Phụng.

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

KHÚC RỜI CHO NGÀY HỌP MẶT

KHÚC RỜI CHO NGÀY HỌP MẶT

Kỉ niệm 40 năm học sinh An Nhơn 1 ra trường, năm học 1975- 1976.


         Nếu như nói được gặp lại thầy giáo, cô giáo cũ là điều mong mỏi của đám học trò ngày xưa để nói lời tri ân trước! Hay nếu như nói được gặp lại bạn bè cùng lớp, cùng khối học chung một mái trường để tay bắt mặt mừng là điều khát khao bấy lâu trông đợi!
         Bốn mươi năm chứ ít gì. Mà cũng không ai bền lòng tính ra số ngày, số giờ cứ nhân lên thì nỗi nhớ có bằng con sóng trắng giữa biển xanh mấy nghìn năm phơi trần nắng gió cuộn dâng bạc trắng mái đầu cũng không nguôi! Lúc này trong tôi bao niềm cảm xúc.
        Khó định nghĩa xa để nhớ. Mới đây 5 năm về dự kỉ niệm 50 năm ngày thành lập trường THPT An Nhơn 1. Mới đây 1 năm họp mặt đầu xuân thăm thầy, thăm cô. Mới đây chưa đầy một tháng mừng sinh nhật bên nhau… Vậy mà cứ hớn hở cho một ngày đầu tháng chín. Hớn hở những cuộc gọi đến sớm hơn để nhận những cái nắm tay thật chặt, cùng ôm nhau thật lâu, được nhìn nhau thật gần. Học trò là thế đấy!...
       “Em chở mùa hè của tôi đi đâu?!...”(Phượng hồng) thể như trút gánh nỗi niềm bấy lâu chưa cùng ai chia sẻ, có dịp là chàng bộc bạch. Biết rằng đây là tiết mục văn nghệ đầu tiên sao gợi làm chi “tuổi chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu” không nguôi. Còn có một nàng thì mãi khúc ca cái thời “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ, ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay, vờn bay”(Ngày xưa Hoàng Thị) thơ mộng quá, mặc cho “anh theo ngọ về, gót giày lặng lẽ đường quê đường quê”. Tinh khiết và êm đềm trong trái tim của những chàng và nàng mơ mộng, những cặp đôi ngày ấy “Hội- Hoàng, Minh- Phạm Tâm, Năm- Trịnh Tâm  ,…” ra mắt hôm nay (và còn vắng đến hai cặp nữa, chắc là bận việc nhà) giữ mãi sắc hương hoa cuộc đời, phải chăng tình yêu khởi đầu từ tình bạn chính là mấu chốt sắt son vô cùng quý giá cho chúng ta yêu thương hơn.
        Có chàng là nghiệp dư lại tha thiết “… Em ở đâu, hỡi mùa Thu tóc ngắn?
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông/Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng/Anh vẫn yêu màu áo ấy… em ơi!
” (Áo lụa Hà Đông) thu hút cả khán phòng, để cùng nhận ra ngày xưa học chung một lớp vẫn giữ được sắc áo quê hương, đồng hành trên những chặng đường mà mỗi người mỗi nghề tuy có khác nhau, giờ còn đang công tác hay đã tuổi về hưu mãi nhớ một thời tuổi trẻ, về người trí thức yêu nước vượt lên số phận tật nguyền để trở thành thầy thuốc, nhà giáo, nhà văn nửa cuối thế kỉ XIX, luôn giữ cái đạo sáng của mình: “Sự đời thà khuất đôi tròng thịt/ Lòng đạo xin tròn một tấm gương” (Nguyễn Đình Chiểu) chứa chan trong bài giảng văn của thầy Nguyễn Phúc Hưng cuối lớp 11 sau ngày Giải phóng 1975. Tiếp sức mạnh cho chúng tôi qua hai mùa hè “Lên đàng” bắt tay vào việc khai hoang phát lùng, phát lát vùng đất Nhơn Hạnh cũng như phát rẫy ở An Trường Nhơn Tân thuở nào. Tôi chắc chắn rằng khi nhắc lại sẽ có bạn nhớ lắm một thời chật vật túi gạo, lọ tương, nằm sương mà đêm đêm vẫn đốt lửa quây quần hát ca bên suối. Sẽ có bạn quên vì tuổi già chưa phục hồi lại trí nhớ. Rồi cũng có bạn đã sớm về cõi âm yên nghỉ rồi!...
          Cuộc sống cứ vô tư cho tất cả sẽ được nhận lại là lẽ công bằng. Dù qua một vòng đời, có bạn đã là ông bà nội ngoại, có bạn kiên quyết giữ chức “độc thân” như Thanh Trúc, Thùy Tâm. Nhưng khi gặp nhau tất cả là học trò của các thầy, các cô. Giờ đây tôi chỉ có thể đọc lại trong những tấm ảnh của mình khi bước chân lên thềm Trung tâm hội nghị Hoàng Vũ Plaza, những bó hoa tươi thắm tặng các thầy,  giữ lại giây phút ngỡ ngàng chưa nhận ra nhau. Thương lắm mỗi cô học trò An Nhơn 1 ngày nào có kèm chú rể đưa đón như nàng Kim Thừa từ Nhơn Lộc xuống, gần hơn hết là Tú Nguyệt tại thị xã An Nhơn, còn xa lắm là Châu Vân từ Sài Gòn đã sớm có mặt trước một ngày còn lỉnh kỉnh mấy món quà nữa chứ! Các nàng ở Kon Tum, Gia Lai, Quy Nhơn, Tuy Phước,… bận giữ cháu cũng tranh thủ về đây xúm sít quây quần từ sáng sớm cho đến hơn hai giờ chiều mà chuyện của 40 năm chưa kể hết!...  Tự nhiên nhớ câu thơ “Ba thu dọn lại một ngày dài ghê” (Nguyễn Du) đặt vào đây chắc còn khập khiễng!... Nhưng thật tình cảm ơn người bạn đầu tàu như Xuân, Minh và Tân  đã cho chúng tôi trở về tuổi 20 của mình./.

                                    Phước Lộc, 3.9. 2016/ Nguyễn Thị Phụng.




Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

Kỉ niệm 40 năm học sinh An Nhơn 1 ra trường 1975- 1976

Kỉ niệm 40 năm học sinh An Nhơn 1 ra trường 1975- 1976
20 clip so với cả 40 năm gặp lại, quá là ít ỏi.
Nhưng đó là khoảnh khắc sẽ không bao giờ quên.
 Bởi trước đây chúng tôi là học trò, và lúc này cũng vậy!...



Tiếng hát của Lan Hương


Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

Chi hội CỰU GIÁO CHỨC PHƯỚC LỘC

Chi hội CỰU GIÁO CHỨC PHƯỚC LỘC
Hôm 30.7.2016, tại Hội trường trường THCS Phước Lộc, đã Ra mắt Chi hội CỰU GIÁO CHỨC PHƯỚC LỘC và Phương hướng hoạt động của chi hội. 

HỘI CỰU GIÁO CHỨC HUYỆN TUY PHƯỚC
RA MẮT CHI HỘI CỰU GIÁO CHỨC XÃ PHƯỚC LỘC 
                       BÀI PHÁT BIỂU KHAI MẠC HỘI NGHỊ

        Kính thưa Hội nghị.
         Hôm nay, ngày 30 tháng 7 năm 2016, tôi xin được thay mặt toàn thể các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ công nhân viên chức đã từng công tác trong ngành giáo dục, hiện là công dân thường trú ở xã Phước Lộc, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, Bình Định với lời chào trân trọng đến các vị đại biểu( Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Cựu  giáo chức huyện Tuy Phước, các vị đại biểu lãnh đạo UBND, Hội đồng nhân dân xã Phước Lộc.
………………………………………………………………………………………
Đại biểu lãnh đạo trường THCS, trường Tiểu học số 1, số 2 và trường Mẫu giáo Phước Lộc, đã sắp xếp thời gian quý báu của mình về dự buổi Ra mắt Chi hội Cựu Giáo chức xã Phước Lộc. Xin gởi lời cảm ơn và chúc Hội nghị thành công!
         Kính thưa Hội nghị!
         Với ý thức Tôn sư trọng đạo đã trở thành truyền thống văn hóa, đạo đức  quý giá của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay. Nhờ coi trọng việc học, tôn kính người thầy, nhân dân ta đã góp phần tạo dựng nền văn hiến của đất nước, phát triển nhân đức, nhân tài để cống hiến cho xã hội. Chúng ta có biết bao người thầy khẳng khái, mẫu mực và những câu chuyện cảm động về tình nghĩa thầy trò trong đời sống thường ngày. Kể từ tháng 5 năm 1975 đến nay trên địa bàn xã Phước Lộc, chúng ta có rất nhiều thầy cô giáo đã vượt khó đến lớp giảng dạy học sinh, tham gia xóa mù ở miền núi xa xôi,… nhưng với đồng lương của thời bao cấp quá ít ỏi không đủ trang trải sinh hoạt thường ngày, nên một số đã phải chuyển ngành, đây là việc làm ngoài ý muốn của một tấm lòng nhà giáo thiết tha yêu nghề mến trẻ.
        Để tri ân những người đã hết lòng cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, nay đã nghỉ hưu, hay tuổi đã cao mà đời sống của các cựu giáo chức gặp nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Chính vì thế từ tháng 7 năm 2004 Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) và Công đoàn GD Việt Nam đã tổ chức đại hội thành lập Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nhằm tạo điều kiện cho hội viên đóng góp vào sự phát triển của ngành GD-ĐT, tham gia vào công cuộc xã hội hóa GD, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của hội viên. Tất cả các nhà giáo, cán bộ, công nhân viên đã công tác trong ngành GD đều có thể trở thành hội viên. Đại hội đã bầu Giáo sư, tiến sĩ khoa học Phạm Minh Hạc làm Chủ tịch; Đại tướng Võ Nguyên Giáp (nguyên giáo viên dạy sử của trường Trung học Thăng Long Hà Nội) và Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Trần Văn Giàu làm Chủ tịch danh dự của hội. Rồi, người thầy- vị tướng Võ Nguyễn Giáp, sau mười năm trôi qua, cũng đã về quê nhà yên nghỉ tại Quảng Bình!... 
         Kính thưa Hội nghị!
         Căn cứ Nghị định số 45/ 2010/ NĐ- CP quy định tổ chức, hoạt động và quản lí hội; Nghị định số 33/ NĐ- CP ngày 14.3.2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010 NĐ- CP. Nay, dựa trên Quyết định Về việc công nhận Ban chấp hành Hội Cựu giáo chức huyện Tuy Phước nhiệm kì 2015- 2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã kí, và cuộc họp triển khai công tác năm 2016 của Ban chấp hành Hội Cựu giáo chức huyện Tuy Phước. Ban vận động Ra mắt Chi hội Cựu giáo chức xã Phước Lộc tiến hành bàn bạc đi đến thống nhất những việc cần làm ngay.
        Kính thưa Hội nghị!
        Ban vận động đã trực tiếp đến từng nhà thăm hỏi, bức xúc trước hoàn cảnh các thầy cô giáo cao niên lại bệnh tật, có nhiều khó khăn trong sinh hoạt như cô Võ Thị Liên Hoa ở thôn Phú Mỹ1 bị tai biến. Còn cô Tô Thị Xuân Mai ở Phong Tấn hơn tháng nay cũng vậy. Cô Đào Thị Kim Tước ở thôn Vinh Thạnh2 đang nằm điều trị tại bệnh viện Khánh Hòa hơn một năm nay, thầy Nguyễn Tất Tiếu cũng mới mổ tim vừa ra viện,… Một số thầy bị bệnh nan y, tuổi già không thể chờ ngày Ra mắt Chi hội Cựu giáo chức xã mình như: thầy Nguyễn Ngọc Thanh ở Quảng Tín; thầy Trương Thanh ở Đại Tín; thầy Nguyễn Văn Miên ở Trung Thành; thầy Nguyễn Tất Hiển, Nguyễn Văn Đức ở Vĩnh Hy, thầy Huỳnh Hồng Đức ở Quang Hi, thầy Lê Bá Trí, thầy Nguyễn Ngọc Thụy, thầy Phạm Văn Năm ở Hanh Quang. Cô Nguyễn Thị Vinh Hồ ở Phong Tấn. Riêng thầy Nguyễn Nguy Anh quê ở Trung Thành đi làm ăn xa bị tai nạn giao thông mất hôm mùng ba Tết 2016.
       Chính vì thế mà hôm nay Ban vận động kịp thời Ra mắt Chi hội Cựu Giáo chức xã Phước Lộc và đề ra phương hướng hoạt động của Chi hội Cựu giáo chức xã Phước Lộc năm 2016- 2020 với Tôn chỉ, mục đích mà Điều lệ Hội Cựu giáo chức huyện Tuy Phước đã quy định cùng phương châm: Đoàn kết, Chăm sóc, Trách nhiệm.
        Ban vận động chân tình cảm ơn quý vị đại biểu, các cán bộ công nhân viên chức trong ngành giáo dục ở địa phương mình mong rằng sẽ có những đóng góp xây dựng sẻ chia cũng là nguồn động viên khích lệ cho buổi Ra mắt mắt Chi hội Cựu Giáo chức xã Phước Lộc được tiến hành tốt đẹp.
        Trân trọng kính chào.
                                                                       TM. Ban vận động.

                                                                       Nguyễn Thị Phụng