NGỠ NGÀNG SAY MỘT TỨ THƠ.
(“Đắm đuối nửa tờ thơ ” của Đặng Quốc Khánh)
Tôi rất thích hai câu thơ: “Cứ mỗi năm chợ càng thêm trẻ/ Chẳng ai già
khi trời đất vào xuân”(Lúng liếng tình xuân) in trong tập Lóng ngóng câu thề (Nxb Đà Nẵng-2006) của Đặng Quốc Khánh.Đến nay, tập “Đắm đuối nửa tờ thơ ”ra đời, Đặng Quốc Khánh vẫn giữ một phong cách sáng tác riêng
“…càng thêm trẻ… khi trời đất vào Xuân”,
lại thêm sự chững chạc của một nhà giáo nghỉ hưu, sự đắm đuối vì thơ của một
thi sĩ đa tình.
Tựa đề “Đắm đuối nửa tờ thơ” đã khơi gợi sức xuân căng đầy khao khát yêu
thương của Đặng thi sĩ, sự say mê cuốn hút tưởng chừng quên cả lẽ đời.
Thơ Đặng Quốc Khánh có thi pháp không
gian nghệ thuât, thời gian nghệ thuật độc đáo. Hành trình “Đắm đuối nửa tờ thơ “ của anh đi qua nhiều không gian, thời gian
khác nhau, không gian thời gian nào cũng đầy những hoài niệm.
Có thể nói, “nửa tờ thơ” chính là sự cộng hưởng rộn ràng từng bước chân anh trên
những nẻo đường đất nước, những không gian xanh mở ra thật ý vị, chan chứa dâng
trào cảm xúc sâu đậm. Stendhal - nhà văn Pháp từng nói: “Cái đẹp là sự mời gọi hạnh phúc”.Với Đặng Quốc Khánh, hạnh phúc đầu
tiên rất khẽ khàng mà bừng hương sắc không thôi khi anh đặt chân lên miền đất
cực Nam
của Tổ quốc:
“Chạm
tay vào Mũi Cà Mau
Nghe thơm mùi đất địa đầu cực Nam
… Chạm tay cột mốc bạc đầu…
Lòng nao nao máu rộn câu ân tình…
Đắm đuối nửa tờ thơ * 93
… Chạm tay sang sảng giọng cười
Con người hào phóng trùng khơi trở
mình”
(Chạm tay Đất
Mũi).
Có lúc, bản thân anh - nhân vật trữ
tình, không giấu được những khoảnh khắc rung động tự đáy lòng mình khimiền đất
lạ anh đến cũng đã hóa tâm hồn không biên giới, khi sự cận kề nam nữ sóng đôi trong từng điệu múa làm
thăng hoa cảm giác và cảm xúc , mở ra cái đẹp duyên dáng, uyển chuyển
hình thể: “Môi kề môi/ Vai sát vai/ Điệu
lăm-vông/ chảy mướt dài sóng chân/ Đôi tim Lào - Việt lâng lâng/ Thanh cao cũng
lắm/ Phong trần cũng ghê/ Dấu son in nửa câu thề/ Để ta thờ thẫn nẻo về bâng
khuâng…” (Cái đêm Paksé tang tình).
Có lúc, người đọc bắt gặp một hiện
hữu không gian tưởng chừng tĩnh mịch:
“Con
nắng rớt lìa chiều không lụi tắt
Đêm không trăng vẫn sáng một bên
trời”
(Chút lòng ngóng đợi)
nhưng
ẩn chứa đằng sau lại là những đau buồn không nói nên lời.
Có lúc, những miền đất phương Nam anh
đi qua cứ hòa quyện thắm thiết tình người tình đất mênh mang dạt dào sóng nước sông
Tiền sông Hậu tuôn ra cửa bể vô vàn nỗi
nhớ qua những bài thơ đặc sắc: Gửi phương Nam, Sóc Trăng thương nhớ, Chút
lòng ngóng đợi, Giọt lệ muộn màng, Vọng cổ Vĩnh Long lộng gió sông Tiền…
Có lúc, bước chân nhà thơ lãng tử còn
vượt qua những chặng đường quanh co uốn khúc, lên đến độ cao trên ngàn mét đầy
vơi trăn trở: “Trời cao / Ta tận cùng đau
/ Đất sâu / Ta tận cùng sâu nỗi buồn”(Lục bát ở Măng-Đen) để rồi trong cô
đơn anh tự giãi bày, tự an ủi chấp nhận: “Thì
thôi / Cuối đất cùng trời / Ta - Em / Vui hái lộc đời ân ban” ( Lục bát ở
Măng-Đen), hay vỗ về: “Thôi em / Đừng nói
gì thêm / Chỉ Anh - Đà Lạt và em / Thiên đường!”(Ngẫu hứng Đà Lạt).
Cũng có lúc , anh như đến thiên đường
thực tại say hết mình với những cuốn hút mạnh mẽ :
“Cùng
em nhảy sạp, múa xoan
Điệu khèn, tiếng Pí xoay tròn vòng
yêu
Với tiên nữ mấy cũng liều
Không mưa gió cũng liêu xiêu dáng
hình
Gặp em một thuở Chợ Tình
Đường về cứ mãi gập ghình lòng anh”
(Điệu tình SaPa)
“Đường về” trong “Điệu tình SaPa”được xem như là cuộc chia tay màu hồng đầy kỉ niệm giữa
kẻ miền xuôi - người miền ngược. Đi - đến
- ở - về … còn hòa chung cảm xúc
nhớ nhung trong cách ngắt nhịp ở một bài lục bát chân chất mà rất trữ tình:
“Rượu
Bàu Đá, cá sông Côn
Người ơi
Người thích ở luôn đừng về!
…Thì
thôi hát trọn cung đàn
Rồi mai
Rồi mốt
Hợp tan cũng đành
Chút duyên nước biếc non xanh
Cũng là giai ngẫu thiên thành
Người ơi!”
(Chòng chành
chiếu rượu)
Đâu chỉ có đặc sản vùng miền mới giữ
chân nhà thơ, đâu chỉ có cái đẹp nghệ thuật ngôn từ mới làm cho người đọc thưởng thức sắc màu
không gian.Chính cái tình quê đậm đà bao năm mưa nắng vượt qua khỏi lửa chiến
tranh, ăm ắp lời nhắn nhủ: “Em có bồi hồi
khi ghé lại / Thăm căn nhà cũ, ngã tư hoa / Sợi thương sợi nhớ ai giăng níu /
Quá nửa đời anh vẫn thiết tha”(Chiều giáp Tết em có về Tuy Phước). và những
hoài niệm một vùng đất “Dáng xưa / Một
thuở Đồ Bàn / Ngàn năm soi bóng Côn giang chẳng mờ”, … “Ân tình / Đất mẹ An Nhơn / Ngọt hơn sữa lúa
/ Ấm hơn lửa nồng”(Về lại Đất Thành) cứ ấp ủ, nuôi dưỡng trong tiềm thức
anh khác nào hạt mầm vươn lên mặt đất bung lá biếc . Nếu ai bảo chỉ có tự nhiên độc quyền sản xuất ra cái đẹp
thì chưa hẳn. Khi nhà thơ dấn thân vào cuộc sống của nhân dân, chính hiện thực
được phản ánh đã minh chứng anh là một thi sĩ có tầm, một nhà giáo có tâm vói
những câu thơ nóng bỏng lòng yêu quê hương đất nước, lòng căm thù giặc, giàu
tính chiến đấu. “Bồng bềnh quán gió lộng
trời khói sương” của một Phú Yên thuở nào được khơi gợi lại với hình ảnh:
“…Bến tàu không số/ Cung đường Vũng Rô/
Sóng to gió dữ không lùi/ Biết bao liệt sĩ… ngậm ngùi vô danh!”(Uống rượu
với bạn trên đầm Ô Loan).
Hay:
“Cuộc chiến đấu ở khu Đông năm xưa vô cùng ác
liệt
Nào ai biết trước phút hy sinh
… Biết mấy đồng bào ta máu đổ
Biết bao đồng đội ngã xuống trên mảnh đất này?
Khi nhổ bốt, phá đồn, khi diệt ác, nối đường
dây
Khi địch nống, địch càn, khi ta tiến
Trước mặt là kẻ thù
sau lưng
là biển
Che
chở an toàn là những tấm lòng dân”
(Trở
lại Khu Đông)
Trong
lời cuối sách « Nhật kí nữ nhà báo
chiến trường», nhà thơ Lệ Thu cho rằng :“Chiến tranh chẳng có gì vui, nhưng Tổ quốc thoát khỏi nạn xâm lăng,…
đất nước được hòa bình thống nhất,… là niềm vui bất tận của cả dân tộc và của
mỗi cuộc đời,…” Với Đặng Quốc Khánh, cầm bút làm thơ còn là để tri ân bao
lớp người đi trước, những anh hùng liệt sĩ cách mạng, trân trọng giữ gìn điểm
tô những thành quả ông cha để lại, tìm ra nguồn gốc chân lí, lẽ công bằng, tạo niềm
tin cho cuộc sống hôm nay(Viết ở Nghĩa
trang Trường Sơn, Dáng đứng An Nhơn, Kỳ diệu Nhơn Châu.)
Tiếng
nói nhà thơ còn tiếp nối sự đồng cảm với các bậc thi nhân :
- “Phảng phất
hương, thiết tha, lãng mạn
Tiếng
thơ sinh từ đất Gò Bồi”
(Nhớ Xuân Diệu)
-“Đời thơ
còn xối cơn đau /
Còn khe nước ngọc dòng châu tuôn trào”
(Viếng mộ Hàn Mặc Tử)
-“Bóng giai nhân có đợi chờ
Cầm
chân hoa để mộng mơ không tàn”
(Còn mãi bến My Lăng)
Đặng Quốc Khánh còn thành công ,sáng
tạo trong ý tưởng vịnh Kiều mà vẫn giữ được thi pháp truyền thống(Giọt lệ nàng Vân, Bi kịch nàng Vân).
Dù “Gió
ngày tháng xác xao bờ kỷ niệm / Cuốn hai ta xa cuối đất cùng trời / Miền hạnh ngộ lững lờ trong hư ảo / Em trượt
tình đắm đuối nửa tờ thơ” , Đặng
Quốc Khánh vẫn luôn là chàng trai đất An Nhơn Bình Định
bâng khuâng nhớ lại cái vụng về đắm say thuở nào“Em thưởng cho nụ hôn / Líu quíu không hôn được / Môi hồng em phía trước
/ Anh hôn trượt gáy sau”(Hôn).Và cái tình riêng của anh với người bạn đời
chung thủy cứ vẹn nguyên một tâm hồn trước sau như một sự tự trách mình :“Anh là lãng tử đa tình / Ham vui lắm lúc
quên tình sắt son” (Thương em mắc nợ người dưng). Có lẽ, anh sẽ không nguôi
“đắm đuối” hồn thơ đến hết cuộc đời
mình: “Ơi mắt biếc em Thăng Long kiều nữ!
/ Lòng anh luôn thắm đỏ sắc hoa đào / Em có muốn cùng anh về Bình Định / Lên
những Tháp Chàm hát khúc tiêu dao?”(Đắm đuối nửa tờ thơ).
Trong 60 bài thơ của ‘Đắm đuối nửa tờ thơ”, hai phần ba là thơ lục bát. Thơ lục bát là
thế mạnh và sự thành công của anh. Thi hứng luôn khơi gợi sự sáng tạo theo từng
nhịp điệu trái tim, từng cung bậc tâm hồn.Thơ Đặng Quốc Khánh bình dị, đậm chất
trữ tình, hiện thực, nhân sinh, có khi triết luận… nên sẽ sống mãi với thời
gian.
Tuy Phước 7. 5.2015
NGUYỄN THỊ PHỤNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét