VĂN HAY ĐỌC LẠI
(10 truyện ngắn
miền Nam trước 1975 )
Không là tình cờ, đây là chủ đích Nhà văn và Tác phẩm(NVvà TP)số 25/ tháng
9+10/2017, tôi thực sự ấm lòng khi được đọc lại 10 tr.ngắn miền Nam trước 1975
như gợi những ngày học phổ thông, chúng tôi giấu trong cặp ngấu nghiến từng
trang cho kì hết. Vì sao?- Hay. Vậy văn hay cần phải đọc lại. Lúc này tôi cũng
làm một mạch hết buổi sáng cuối thu thể như “ôn cố tri tân”. Bởi đây là… “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương
chúng ta” 45 tác giả, do NXB Sóng- tuyển và in lần đầu năm 1974 ở Saigon. Tại
sao lại “của quê hương chúng ta”, một địa danh hàm nghĩa của tình ruột thịt và
mênh mang bất biến chứ không phải là một cương vực địa chính trị nhất thời? Đó
chính là chỗ đáng trân trọng của Sóng và
những người làm sách. Văn chương đi từ thời cuộc để vươn tới vĩnh cửu, giá trị
của nó nằm ở chỗ đã đóng góp gì cho Tự do, Nhân bản khiến “từ đây người biết
yêu người” như lời bài hát của Văn Cao, bài Mùa xuân đầu tiên(NV và TP).
Mùa xuân đầu tiên hay chính là vẻ đẹp
con người khi biết dấn thân vào cuộc sống. Sự tồn tại hôm nay khởi sắc đã bắt đầu
từ những ngày cha ông gian khổ, hi sinh. Cái khoảnh khắc ấy ngỡ như đang diễn
ra trên màn ảnh không một sớm một chiều, mà lâu dài bền bỉ từng bậc thang bước
lên tầng cao tận hưởng khí trời và trăng sao vậy. Mở đầu truyện Rừng mắm vẫn là không gian khoáng đãng
“Chim đang bay lượn bỗng đứng khựng lại,
khiến thằng Cộc thích chí hết sức. Nó theo dõi con chim thầy bói ấy từ nãy đến
giờ,… đứng yên một chỗ trên không trung, trông như là chim ai treo phơi khô
ngoài sân nhà…” Cho đến “ Trên một
tàu dừa nước, một con chim thằng chài xanh như da trời trưa tháng giêng,… đang
yên lặng và bền chí rình cá…” Rồi nhà văn khẳng định “Thằng Cộc là một đứa bạc tình. Một đàn cò lông bông bay qua đó, đủ làm
cho nó quên thằng chài ngay…” Sự liên tưởng “đầu cò chơm chởm những cọng lông bông, nhắc nhở nó những kép võ hát bội
gắn lông trĩ trên mão kim khôi mà nó đã mê, cách đây mấy năm, hồi gia quyến nó
còn ở trên làng”. Tình yêu làng luôn trong tiềm thức, nó nhớ làng, thèm người
bởi chưa hiểu vì sao tía nó, ông nội nó, má nó và nó một đứa bé mười tuổi cùng
kéo nhau xuống một chiếc xuồng cui và rồi dừng bước nơi cái xó không người này
mà ông nội nó đặt tên là xóm Ô- Heo. Rồi những mâu thuẫn không thể thiếu trong
tâm trạng cảm xúc một thanh niên mới lớn lên như thế nào, cũng cùng lúc lời giải
đáp được ông nội đưa cha con nó đi xuồng ra gần tận biển giải thích về rừng mắm
mọc trên lớp phù sa cho chắc đất. “Một
khi kia cây mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm,
đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được”. Đọc những trang văn Bình Nguyên Lộc đẹp như phù sa non nuôi cây mỹ cảm. Nhắc nhở con cháu muôn đời tri
ân tiền nhân, những thế hệ cha ông “bỏ đi” mấy đời, như cây mắm không làm nổi
việc gì khác, ngoài việc giữ phù sa làm nên đất, để giữ đất trước sóng biển và
để ngọt hóa đất phèn cho con cháu gieo trồng mà sum suê hoa trái.
Với mạch truyện Con sáo của em tôi “Tôi hay bắt
dế, bắt chuồn chuồn, bắt công cống cho em tôi chơi… Tôi hẹn sẽ bắt tặng em tôi
một con sáo khi mùa xuân sang”. Ước mơ đã thành hiện thực, nhưng không đơn
giản. Nên “Con sáo là niềm an ủi duy nhất,
là niềm kiêu hãnh duy nhất của anh em tôi… với cái lồng do chú Nghị đan, nó đã
thành con sáo quý khác cả những con sáo quý nhất trên đời”. Thế mà… “Trời cuối tháng chạp mưa phùn rả rích… Rét
thấu xương. Anh em tôi co ro trong ổ rơm, lồng sáo đặt bên cạnh. Mẹ tôi lại sốt
từ hôm ông Táo lên chầu trời… Nhà chỉ còn gạo… tối ba mươi mẹ lên cơn sốt nặng…”
Lúc này với “tôi” phải làm gì. Khi bố đã mất sớm. Cảnh côi cút của ba mẹ con
trong kì thị ruồng bỏ của tộc họ, đói nghèo khổ cực. Để rồi tôi nhận ra rằng “Mùa xuân tàn rất nhanh, tôi có đàn sáo mới,…”
Ý nghĩ ấy đã làm cho người anh mạnh dạn với mong muốn “Em tôi phải được ăn thịt sáo nấu su hào ngày mùng một tháng giêng năm mới.
Chỉ vì em mà tôi quên tất cả”. Nhưng “Tôi
run run chặt dao trúng ngón tay. Máu tôi hòa cùng máu con sáo”. Thật là xúc
động: Cảm ơn nhà văn Duyên Anh(1935-1997) đã nhắc nhở chúng ta về một tuổi
thơ khốn khó do xứ sở nghèo nàn, do thực dân và chiến tranh đẩy con người đến tỵ
hiềm, sợ hãi- việc giết chết con sáo để cứu em như thế là tự giết chết tuổi thơ
của con người.
Còn Nguyễn Thị Vinh, sinh năm 1924, đã chỉ ra cái nghiệt ngã miếng sống
trong kiếp nghèo về thân phận người mẹ buột lòng phải nhờ con gái đã có chồng. Bà
Mùi thực sự đau lòng khi phải chứng kiến thái độ và cách hành xử của con rể. Mặc
dù người mẹ khuyên can, nhưng Bích, chậm nước mắt: “Gì thì chứ, con có một mẹ mà anh ấy xử như vậy, đâu con có chịu. Mẹ còn
nhớ hôm tuần trước cái vụ con chó con đấy không? Mỗi ngày mỗi gây, mình có muốn
nhịn cũng không được mà…” Cho đến lúc
trực tiếp thẳng thắn:“Giờ có phải anh
“ghen” ăn với mẹ tôi không, thì anh nói trắng ra đi!” Một nỗi đau chốt lại
như nhắc nhở khi kết truyện: “Người
thương người phải xa nhau cũng khổ. Mà người ghét người, phải ở với nhau lại
càng khổ hơn” (Bữa cơm trưa). Nếu trước đây Nam Cao đặt miếng ăn đối trọng với
làm người, thì Bữa cơm trưa của Nguyễn Thị Vinh đặt miếng
ăn đối trọng với hạnh phúc và hiếu để.
Chùm truyện ngắn Ngoại ô, Dĩ An và linh hồn tôi(Cung Tích Biền, sinh năm 1937) và Tình thương trong ngoặc kép (Mặc Đỗ,
1917- 2015), đã cảnh báo về đồng tiền ngoại
lai xâm thực linh hồn và nhân tính một cách sớm sủa. Vì một thực tế ngậm
ngùi “Em này, chị muốn trong đời đến sự
đau khổ cũng phải có tên gọi. Người ta đã tìm ra chị nơi cái xóm Dĩ An hèn mọn.
Người ta thay nhau ngủ với chị, xem chị như mảnh đất có hoa màu và cần phải đặt
tên cho nó”. Còn chính người em trăn trở: “Nhiều khi tôi nghĩ sau lưng chị còn mồ mả cha ông và bầy em không cơm
áo. Chị như mảnh đất nghèo nàn nằm trên quê hương này để nuôi dưỡng những người
mới lớn. Em tôi sẽ nghĩ như thế nào nếu mai sau nó biết được nó sống nhờ vào những
tờ giấy trăm sột soạt trao nhau trong phòng tối. Chúng nó có thương những người
chị tàn phai nhan sắc vì cơn gió thổi đến quá phủ phàng hôm nay” thấp
thoáng: “Ngọn đèn pha trên núi Sơn Trà
vàng vọt cô đơn. Đêm tối đã bắt đầu trong vùng biển…. ngoại ô một khung trời buồn”
mà Cung Tích Biền đâu muốn đặt cái kết truyện như một điều khẳng định! Còn nhà
văn Mặc Đỗ, người sinh sau hai mươi năm tiếp nối sức mạnh “đồng tiền” thắng thế
từ một cốt truyện chỉ lấy lời khai của các nhân vật để đi đến kết quả: “Xét hồ sơ này nhiều phần chắc là ông biện lí
sẽ truyền xếp, điều tra bổ túc sẽ đụng phải những vách núi thế lực. Nếu ông biện
lí là một người làm văn học nghệ thuật, với hồ sơ này ông ấy có thể soạn được một
vở kịch, dựng lên một tuồng hát, hay quay thành một cuốn phim, cùng lắm cũng viết
được một truyện ngắn, truyện của xã hội bấy giờ”. Hai truyện của hai ông đủ
để nhắc nhớ một chuyện không mới trong sứ mệnh cầm bút: Nhà văn phải biết bênh vực Con
Người trước cường quyền và cái ác.
Cùng một nhân cách cứng cỏi với hai ông,
nhà văn Thế Uyên(1935- 2013) với Căn nhà của mẹ “… Tôi chưa chịu thua, xin đủ giấy tờ chứng tỏ là nhà có ba lính, thì lính
anh, lính em và lính tôi đều không có nhà, dù là nhà mình mua hay cấp phát… mỏi
gối quỳ mòn các sân tướng phủ…” Một sự thật trăn trở “…Tôi liền hỏi khoảng đất ngày trước mẹ được cấp phát hiện giờ ra sao… và
được mẹ cho biết một vị tỉnh trưởng sau đã nhân danh một công bằng xã hội nào
đó đã thu lại” chỉ ra tính xôi thịt bất chấp đạo lí của những “cấp trên” đã đẩy người
mẹ già tóc đã bạc phơ có ba con là lính ra khỏi ngôi nhà của mẹ, chiếm đất để
những cấp trên chia chát nhau.
Và nếu như Thế Uyên miêu tả cái kết trong Căn
nhà của mẹ “… buổi sáng mùng một Tết
nhìn mẹ tôi đứng dưới tam quan chùa Linh Phong lộng gió từ các thung lũng lên,
tôi chợt nhận ra mái tóc mẹ tôi đã gần như bạc trắng hết dưới ánh nắng dầu
xuân, bạc đã gần như sương” đầy nỗi niềm, giữa một không gian nhà chùa bình
yên mà lắm xáo trộn thể chất và tâm hồn con người khi đọc hết truyện ngắn Lòng trần của Nguyễn Thị Thụy Vũ. Phải chăng chân tu không là thỉnh cầu van xin.
Giá trị đích thực cuộc sống tồn tại ở tâm người. “…Cô lần tính lại đã quá hai mươi năm, nỗi đau khổ và bất hạnh đã bắt đầu
mờ nhạt. Những việc nhà chùa làm cô bận rộn suốt năm bôi xóa dần những nỗi buồn
thảm, tưởng chừng vẫn rỉ rả hành tội cô trong khoảng đời còn lại…” Đến lúc
cùng kiệt bà ngộ ra rằng “nếu có một muỗng
nước mắm chui vào bao tử thì có lẽ những chấn động phản đối trong cái cơ thể mỏi
mòn sinh lực của bà sẽ dịu xuống, và muỗng nước mắm sẽ đem lại cho bà sự khỏe
khoắn để bà ngủ một giấc thật ngon và ngày mai bà sẽ tiếp tục sinh hoạt lại như
cũ dưới mái chùa này” Với bút pháp tinh tế, nhà văn đã chỉ ra sức mạnh của
tình yêu và sự sống, dù hoàn cảnh mà nhân vật lâm vào thật éo le, tưởng như
nàng chỉ còn là ngọn lửa giận thân lánh đời cháy leo lét trước lực tàn sức kiệt.
Vậy mà khi lâm chung, ngọn đèn ấy bùng cháy, soi sáng cả cõi lòng thăm thẳm
sâu. Hoàn toàn đối lập tính cách hai nhân vật nữ: “Đứa cháu dâu...chuyên sống với nghề cờ gian bạc lận… cô em họ cùng đi
theo… có biệt tài hễ cập sách với ông nào thì nạn nhân tình ái của cô phải tan
gia bại sản một cách nhanh chóng… thường lui tới của chùa sám hối và… đem lễ lộc
hòng hối lộ Trời Phật cho giải bớt những oan khiên mà ở trần gian họ đã làm,
đang làm và tiếp tục làm nữa… nhưng khi bước ra chánh điện thì họ lại quên tuốt”.
Cùng với Nguyễn Thị Thụy Vũ, chất lãng mạn
và siêu thực đã làm nên tên tuổi Nguyễn
Thị Hoàng, sinh năm 1939, từng có nhiều ý kiến về Vòng tay học trò, Đen hơn
bóng tối,… giờ đọc Tan theo sương mù
với bút pháp tài tình ấy làm nên những trang văn bí ẩn rất Á Đông. Bởi nhà văn cách tân thể loại- ít
nhất là Việt hóa những trào lưu hiện đại, đưa văn Việt hội nhập với thế giới. Bên cạnh còn có Trần Thị Ngh. , sinh năm 1924, với “Nhà có cửa khóa trái” đã tạo nên một thứ hiện sinh đô thị mà nếu
không ghi rõ năm viết, bạn đọc sẽ ngờ ngợ là viết về đời sống đô thị bấy giờ.
Riêng Cũng đành của Dương Nghiễm Mậu(1936-2016)
lí giải về sự sống và cái chết. Sự vật vã chống lại cơn sốt, cơn đói cuối cùng
con người cũng chiến thắng. Phải đào đất lấy
từng con giun “cầm từng vốc bỏ vào
miệng… nhưng những cơn sốt cách nhật vẫn hành hạ”, rồi “vớ những nắm lá chuối ướt nhép bỏ vào mồm
nhai cho đỡ buồn miệng”. Nhờ tình đồng bào đùm bọc trên từng chặng đường cứu
sống anh, nhưng oái ăm hơn cho hoàn cảnh người thân sợ liên lụy xa lánh cũng là
cái cớ đẩy anh vào chỗ chết “Tôi biết là
sắp được tự chôn mình. Tôi nghe tiếng lên đạn lách cách, xong chúng bắt quay mặt
vào hố. Tôi nhớ đến câu hỏi và tự nhắc.- Cha mẹ mầy tên gì?”. Cho một cái kết
thương tâm, mà vẫn giữ được nhân cách tôi. Rõ ràng, nhà văn đã cho thấy mảnh phế liệu
của chiến tranh(chống xâm lược Pháp) đã đẩy con người vào khúc tăm tối, tủi nhục
nhất; một truyện không có tiếng bom hay máu chảy, mà sức tố cáo chiến tranh
vang vọng suốt dưới gầm trời vào đến tận cùng mĩ cảm.
Văn là người, hồn cốt tinh túy dân tộc.
Mười truyện ngắn Miền Nam chính là một phần đời sống tinh thần của đất nước trước
năm 1975, được xem “Đây là một trong những
đóng góp một đời còn lại dành tặng quê hương”(Lời giới thiệu, NXB. Sóng).
Và tôi nghĩ rằng những tác phẩm ấy cần được tái bản kịp thời để bạn đọc tiếp nhận,
hưởng thụ hòa chung ánh sáng văn chương “Bàn
tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam”./.
29.11.2017/ Nguyễn Thị
Phụng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét