Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

ĐÊM QUÊ HƯƠNG THƯƠNG CÁI HƯƠNG CỦA ĐẤT

KỈ NIỆM 26 NĂM NGÀY MẤT NHÀ THƠ XUÂN DIỆU
                             18.12.1985-18.12.2011

                ĐÊM QUÊ HƯƠNG THƯƠNG CÁI HƯƠNG CỦA ĐẤT*
               (Đọc bài thơ Đêm ngủ ở Tuy Phước của Xuân Diệu)alt
  Bên nhà văn Trần Quang Lộc trong ngày giỗ Xuân Diệu lần thứ 25


         Mùa đông miền Trung đâu lạnh lắm. Sao thèm cái lạnh trong thơ Xuân Diệu “ Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm/ Anh nhớ em, em hỡi anh nhớ em” Lại nhớ da diết đến nao lòng từ khi “Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm” rồi! Xin mạn phép anh được đảo các danh từ “anh, em” đã dùng như đại từ trong câu thơ tiếp theo “Anh nhớ em, em hỡi anh nhớ em” thành “ Em nhớ anh, anh hỡi em nhớ anh”. Có lẽ anh mỉm cười khi em vừa thủ thỉ điều bí mật này. Em yêu thơ anh, nên mới yêu anh. Ta cùng chung quê nên cùng tự hào Tuy Phước. Em không đi xa mà sao cứ vời vợi nhớ thương. Còn anh bao rạo rực đong đầy trong ngày trở về thăm quê mình:

ĐÊM NGỦ Ở TUY PHƯỚC

Đêm ngủ ở Tuy Phước là để mà không ngủ
Những con dế cùng tôi thức suốt năm canh.
Thức những ngô
i sao, thức những bóng cành,
Đêm quê hương thương cái hương của đất…
 

Ngủ không được bởi gió nồm từ biển lên cứ nhắc
“Trọn mình anh đã nằm giữa lòng tôi
Khi má anh sinh ra
Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi
Nên tới già thơ anh còn được đậm đà thấm thía…”
Ngủ không được bởi nhớ cha tôi là thầy đồ Nghệ
Đem tôi theo ngồi dạy học các làng
Nghe bài chòi cắc cụp cắc ở chợ Tết xã Văn Quang.
Ôm cái cột đình làng Luật Bình rồng lượn…
 

Tim ta ơi, ta đố em ngủ được
Khi những buổi trưa của thuở nhỏ lại về…
Đi lượm xoài non rụng với khèo me
Một cái vườn hoang là một địa đàng cho mình khám phá
Có gì hơn mẹ với con, có chi bằng cơm với cá
“Lục lạc kêu rang rảng, bánh tráng bẻ dòn dòn”
Những ngọt bùi của quê má thân thương
Cái sân trường có trái vông đồng rụng xuống…
 

Bây giờ Tuy Phước rộng đồng tốt ruộng
Con đê ngăn mặn gió biển ru trời
Đập Thạnh Hoà kênh mương toả xanh tươi
Tiếng trạm bơm động ba hồ chứa nước
Một mảnh thịt của hồn ta – ôi Tuy Phước!
Bà Ngoại ta còn phảng phất ở đâu đây
Bánh ít lá gai, bánh ú mập đầy,
Hoa quả bốn mùa cũng từ ngoại mà ra tất cả…

Đêm ngủ ở Tuy Phước để mà không ngủ
Thức với quê hương như vậy đã vừa đâu
Xin thơ ta được thức mãi về sau.
Với Tuy Phước, ngày nào còn đất nước
                       (16/2/1982 – 25/2/1985 / Xuân Diệu)

        Về Tuy Phước là về thăm quê ngoại, nơi anh được sinh ra và lớn lên bên dòng sông Gò Bồi bên bồi bên lở, từng nghe anh tâm sự “Từ lúc má tôi đẻ tôi ra ở cái vạn Gò Bồi làm nước mắm/ Một hạt muối trong tim để mặn với tất cả những gì đằm thắm/ Một cành lá trong hồn để biếc cùng muôn làng mạc của quê hương”(Miền Nam quê ngoại). Hạt muối mặn đằm thắm, cành lá biếc xanh cho tình yêu mỗi ngày thắp lên như hoa gạo đỏ mùa tháng ba trở về. Cùng bao vùng quê khác như An Nhơn, Tây Sơn thì Tuy Phước chỉ là một huyện trong tỉnh Bình Định nằm ở vùng hạ lưu sông Côn, nhận nước từ nguồn cho đất dai màu mỡ, là nơi tiếp tục khai dòng thông ra biển lớn. Và ai dám tự hào quê mình là vùng đất địa linh nhân kiệt, nếu từng ngày ta không biết vun trồng chăm sóc cho mỗi cây hoa người tỏa hương rồi tự khẳng định giá trị “ Người ta là hoa đất” (Tục ngữ) nâng niu thưởng thức:
                 Đêm ngủ ở Tuy Phước là để mà không ngủ
                 Những con dế cùng tôi thức suốt năm canh.
                 Thức những ngôi sao, thức những bóng cành,
                 Đêm quê hương thương cái hương của đất…

        Vâng “Đêm ngủ ở Tuy Phước là để mà không ngủ” đâu riêng gì anh. Những con dế ngoài đồng ruộng kia, những ngôi sao xanh giữa bầu trời đêm lấp lánh, những bóng cành rợp mát chở che năm tháng đi qua mãi vô tận trong cảm xúc nhà thơ. Chính “Đêm quê hương thương cái hương của đất…” cho anh thức mãi những kỉ niệm về  hương vị của đất trào dâng theo ngọn gió nồm ấm áp nhắc nhở:
                 “Trọn mình anh đã nằm giữa lòng tôi                  Khi má anh sinh ra
                  Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi
                  Nên tới già thơ anh còn được đậm đà thấm thía
…”

        Phải chăng nơi Vạn Gò Bồi thuở nào với Xuân Diệu là cái tình sâu đậm không thể nào quên! Bởi “trọn mình anh đã nằm giữa lòng tôi”. Dù có cách xa bao nhiêu tính theo chiều dài kilomet, nó là liều thuốc bổ thấm sâu cho đôi mắt anh trong sáng tinh tường, cho trái tim anh rộn ràng nồng thắm . Lòng biết ơn nhắc nhở : “ Ngủ không được bởi nhớ cha tôi là thầy đồ Nghệ/ Đem tôi theo ngồi dạy học các làng”.  “Cha tôi là thầy đồ” thầy làm nghề dạy chữ nho thời trước. Thầy đồ có gốc gác quê hương. Thầy đồ xứ Nghệ yêu lắm miền đất vạn Gò Bồi trù phú đã trở thành ruột thịt khi bước chân dừng lại nơi đây biết “ Gánh tên đất tên làng sau mỗi chuyến di dân”( Nguyễn Khoa Điềm). Nên coi việc tải đạo cho lớp trẻ là trách nhiệm vẻ vang chung của “thầy đồ”. Cái nôi làng quê bé nhỏ nhưng trong tầm nhìn tuổi thơ ngày nào, văn hóa làng xã in đậm dấu ấn khó phai: “Nghe bài chòi cắc cụp cắc ở chợ Tết xã Văn Quang/ Ôm cái cột đình làng Luật Bình rồng lượn…” Dù ở miền quê, chợ Tết rất nhiều trò chơi hấp dẫn lôi cuốn người xem, nhưng với tuổi thơ của cậu bé Bàng (tên thường gọi của Xuân Diệu lúc còn nhỏ) khi nghe bài chòi lại là sức thu hút mạnh mẽ nhất. Những câu hát dân ca bắt nguồn từ điệu hô trong cuộc, người hô thường ngồi trong các chòi tranh tre hễ bên này hô, thì bên kia đáp lại, chẳng hạn bên nữ vừa hô: “ Tiếng đồn anh hay chữ, cho em thử vài lời, ba mươi mùng một sao trời không có trăng?” vừa gõ thanh tre cắc cụp cắc kèm theo nhịp câu hô. Bên nam phải đáp lại, và nếu không đáp được là thua cuộc. Kích thích sự hào hứng hai bên cũng như những người tham dự. Nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian kích thích tư duy ứng xử. Muốn hô – đáp cân xứng là phải tìm hiểu vốn sống từ trong sách vở, thực tế thường ngày. Và nơi đây là điểm gặp gỡ giao lưu trai tài gái sắc nên duyên chồng vợ của ngày xưa ở Nam Trung bộ. Đến giờ còn duy trì ở chơ Gò Tuy Phước trong hai ngày mùng một và mùng hai Tết cổ truyền dân tộc. Tuổi thơ Xuân Diệu còn thích ôm cái cột đình làng Luật Bình rồng lượn như là một trò chơi leo lên tụt xuống, săm soi thích thú vì thấy nó lớn quá so với cột ở nhà, cũng có thể từ nếp“đất có lề” cần duy trì gìn giữ, cũng có thể phép vua vẫn thua lệ làng đó sao! Tất cả nườm nượp như khiêu khích:
                     Tim ta ơi, ta đố em ngủ được
                     Khi những buổi trưa của thuở nhỏ lại về…
                     Đi lượm xoài non rụng với khèo me
                     Một cái vườn hoang là một địa đàng cho mình khám phá
                     Có gì hơn mẹ với con, có chi bằng cơm với cá
                     “Lục lạc kêu rang rảng, bánh tráng bẻ dòn dòn”
                     Những ngọt bùi của quê má thân thương
                     Cái sân trường có trái vông đồng rụng xuống

         Cái hồn của đoạn thơ trong bức tranh khắc họa một cậu bé bỏ cả ngủ trưa trốn cha, trốn mẹ cùng đám bạn đi lượm xoài non rụng, khèo me rồi hồn nhiên đưa lên miệng ngấu nghiến ngon lành. Những quả chua kích thích dịch vị thèm thuồng đến thế! Tha hồ tự do vui chơi, chuyện trò thỏa thích giữa cái vườn hoang không chủ. Sực nhớ mẹ vội chia tay bạn, quay về: “Có gì hơn mẹ với con, có chi bằng cơm với cá” là hơn cả. Trẻ con có bao giờ muốn xa mẹ. Vắng mẹ một chút là nhớ quay nhớ quắt làm sao. Chỉ có bàn tay mẹ dù tảo tần vất vả bao nhiêu vẫn dành thời gian chăm chút miếng ăn, dạy dỗ mọi điều tốt đẹp mong con khôn lớn nên người. Mẹ còn đeo vào chân con vòng tròn bằng bạc có cái lục lạc kêu rang rảng với ý nghĩ của người xưa trừ tà ma, con không phải bị giật mình để ngon giấc ngủ. Miếng bánh tráng mẹ mua về bẻ nhai dòn dòn thơm phức ngày ấy còn đọng lại đến giờ. Sao hết những ngọt bùi quê má thân thương được. Điều nhớ nhất là “Cái sân trường có trái vông đồng rụng xuống…”. Sân trường rộng với bóng cây vông tỏa mát cho tuổi thơ sau những giờ học trong lớp, là nơi tung tăng nô đùa cùng các bạn. Nhà thơ không gợi tả sắc đỏ hoa phượng mùa hè chia tay, hay sắc đỏ của hoa vông có lá xanh gói nem hay làm thuốc, Xuân Diệu chỉ nhắc đến trái vông đồng rụng xuống. Cho bọn con trai các anh tranh nhau lượm làm bánh xe chạy đua chơi, thú vị nào quên!   
          “Tim ta ơi, ta đố em ngủ được” về hình ảnh thân thương gắn bó kỉ niệm đẹp ngày nào ùa về, quê ngoại đã từng nuôi dưỡng tâm hồn anh trong sáng quá. Những xúc động lòng biết ơn khi thở hơi nước mắm vạn Gò Bồi đến giờ phút trở về Tuy Phước trào dâng trong trái tim vốn nhạy cảm của anh:
                     Bây giờ Tuy Phước rộng đồng tốt ruộng
                     Con đê ngăn mặn gió biển ru trời
                     Đập Thạnh Hoà kênh mương toả xanh tươi
                     Tiếng trạm bơm động ba hồ chứa nước
                     Một mảnh thịt của hồn ta – ôi Tuy Phước!
                     Bà Ngoại ta còn phảng phất ở đâu đây
                     Bánh ít lá gai, bánh ú mập đầy,
                     Hoa quả bốn mùa cũng từ ngoại mà ra tất cả…
        
Niềm vui dào dạt trước cảnh yên bình hiện ra trước mắt. Đó là con đê Khu Đông chạy dài ngăn mặn từ biển tràn vào, có đập Thạnh Hòa kiên cố giữ nước tưới tiêu cho mùa lúa bội thu, cho hoa quả xanh tươi. Anh yêu quá Một mảnh thịt của hồn ta – ôi Tuy Phước! Anh đang tận hưởng màu xanh trải dài tiếp nối từ biển trời đến ruộng đồng nơi khúc ruột tình quê. Giờ còn đâu để gọi ngoại ơi như thuở nào, cho ngoại tận hưởng không khí trong lành như hôm nay. Lòng biết ơn ngoại đã sinh ra mẹ, lòng biết ơn mẹ đã sinh ra anh. Biết ơn tấm lòng những người phụ nữ nhân hậu, giàu đức hi sinh như ngoại, như mẹ cho Bánh ít lá gai, bánh ú mập đầy/ Hoa quả bốn mùa cũng từ ngoại mà ra tất cả….

        Xuân Diệu đã thật với lòng mình:
                     “Đêm ngủ ở Tuy Phước để mà không ngủ
                     Thức với quê hương như vậy đã vừa đâu
                     Xin thơ ta được thức mãi về sau.
                     Với Tuy Phước, ngày nào còn đất nước

         “Đêm ngủ ở Tuy Phước để mà không ngủ” Câu thơ được lặp lại từ khổ thơ đầu nào phải bộc bạch giải bày hay mong được sẻ chia. Chính cảm xúc rộn ràng trong trái tim “cậu bé” về thăm quê ngoại. Những náo nức tuổi thơ ùa về sao ngăn được. Những khởi sắc quê hương sau ngày thống nhất đất nước. Nên không ngủ, ngủ không được, đố em ngủ đượcthức suốt năm canh, thức những ngôi sao, thức những lá cành,thức với quê hương như vậy đã vừa đâu, rồi Xin thơ ta được thức mãi về sau. Phải chăng những trăn trở suy tư của tâm hồn nhạy cảm khát khao cuộc sống, tin yêu đủ đầy, trào dâng lên giữa quê nhà trong tứ thơ anh. Chính cái tình sâu nặng với quê má Gò Bồi Tuy Phước nên ngôn ngữ thơ anh giàu sức biểu cảm. Nó làm nền bức tranh không gian nghệ thuật thật sống động.  Tình trước sau vẫn như một. Cũng có thể là sâu sắc mặn mà hơn thế kia. Đấy là phong cách thơ Xuân Diệu nên từng con chữ, câu từ như con sóng dạt dào trân trọng “Hôn mãi ngàn năm không thỏa” niềm tự hào đất nước, trong đó Gò Bồi Tuy Phước chính là máu thịt ruột rà Anh. Nơi đã ươm mầm xanh tỏa hương kết trái cho người con Tuy Phước, Việt Nam: Xuân Diệu, bậc thầy ngôn ngữ thơ hiện đại Việt Nam. “Đêm ngủ ở Tuy Phước” là thực tế được viết trong lần về thăm quê nhà. Cuối bài Anh ghi lại hai khoảng thời gian (16/2/1982 – 25/2/1985).
          Người Tuy Phước nhớ Xuân Diệu là nhớ đến “Đêm ngủ ở Tuy Phước”, là Thức với quê hương mình.
                                        14.12.2011/ Nguyễn Thị Phụng.
__________
* Thơ Xuân Diệu
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét