Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

TRÒ CHƠI CON CHỮ VÔ THƯỜNG…

TRÒ CHƠI CON CHỮ VÔ THƯỜNG…(Đọc Thời gian Cong, thơ Lê Minh Dung, NXB Hội Nhà văn-2011)
       
Cảm giác chung về thời gian có thể là sắc vàng ngày nắng, sắc trắng mây trôi,… và cũng có khi theo vận tốc ngược chiều kim đồng hồ gánh nặng đắng cay, ngọt ngào tha thiết thuở ấy ngỡ xóa mất lại hiện về bất chợt, chạnh lòng băn khoăn, xúc cảm an phận nỗi niềm như vỗ về thực tại rồi chiêm nghiệm trò chơi con chữ đời mình để ta có được một nhà thơ Lê Minh Dung với Thời gian Cong (NXB Hội Nhà văn-2011).
        Theo anh thì Thời gian Cong cứ “Lặng Thầm” (tr.22) mà tinh nghịch làm sao:
                         Em mơn mởn chồi xanh
                         Tươi non như sương sớm
                         Anh- giọt chiều sa muộn
                        Hoàng hôn chờ chân mây

                        Đâu biết có một ngày
                        Ngang trời rơi giọt nắng
                        Mắt môi nào sóng sánh
                        Vỡ òa lời mưa giăng…

                       (Nếu có thật thiên đàng
                        Anh lần theo vườn cấm
…)

       Ta đọc đi đọc lại bài thơ năm chữ ở đây để thưởng thức vẻ đẹp ngôn từ so sánh gợi tả thật tinh tế trong cùng một trường từ vựng đầy sắc màu của một không gian xanh tươi mát hiện ra, một thời gian sớm chiều nào đâu là ngắn ngủi, đối nghịch, cho dù hiện thực: Em mơn mởn chồi xanh/ Tươi non như sương sớm còn Anh- giọt chiều sa muộn/
Hoàng hôn chờ chân mây
. Thế mà kết thúc cái tứ thơ là một cú bộc phá trong ngoặc đơn hấp dẫn (Nếu có thật thiên đàng/Anh lần theo vườn cấm…) Âm ỉ cháy khơi nguồn cho thi hứng thăng hoa: Vườn chiều/ nảy lộc đa đoan…/ Đơn phương/ ta lạc giữa hoang mơ mình( Đơn phương. Tr.23). Đơn phương đấy mà sôi nổi thiết tha. Cái tình của anh cứ ngất ngây say từ “ Nỗi nhớ sông Hương”(tr.56) của đất nước miền Trung thơ mộng hiện về lung linh sắc hương hay là nỗi thầm thương: “ Dạ, thưa, răng, rứa…mà sao/ Ngọt ngào ánh mắt xôn xao sóng đời” . “Cho người xứ lụa”(tr.24), đến “Xứ đoài mây vẫn trắng ”(tr.26) mà ấp iu khắc khoải: “ Có thể nào kỉ niệm cũng lặng thinh!”(tr.29). Bởi cái thực: “ Ai xui tôi vấp chơi vơi/ Vào em…bởi một nốt ruồi duyên son”( Vấp, tr.58) kiều diễm đáng yêu ấy chập chờn trước mắt vào trong cả giấc mơ. Những bất chợt đến rồi đi cho anh luyến tiếc không nguôi. Dường như trời sinh ra thi sĩ để đắm say thưởng thức trân trọng cái đẹp tạo hóa ban cho phái nữ. Cái đẹp từ thực tại đi vào thơ ca lại có sức thu hút mạnh mẽ người đọc, đôi lúc như trò chơi cút bắt mà thiên nhiên như sóng biển kia cũng phải nhường: “ …biển ngập ngừng lỗi nhịp cùng anh…” Bởi “ Chính phút giây con sóng vỡ òa, là phút đam mê hóa dòng nham rực chảy, gởi về em vẹn nguyên chiều gió lộng/ Biển tung mình vỡ sóng- và em”(Phút giây sóng vỡ, tr.74).


         Sóng theo mùa theo con thủy triều lên xuống. Còn anh nào đâu chênh chao cùng con sóng được. Sao nỗi buồn: “Cứ ngỡ nhớ quên se tròn đá cuội, trượt theo đường truyền đi mất mạng nay chợt về kết nối rung chuông” (Tình nét”(tr.54). Nhà thơ muốn giữ lại sự thăng bằng trong trái tim mà nào có được, khát khao:
                       “ Em giờ ở phía ngày xưa
                        Bờ đê dạo ấy mới vừa…cỏ may
                        Tôi như ngụp giữa đắm say
                        Em- hương cỏ mật rắc đầy đêm trăng
.”

                                              (Em xưa, tr.39)
         Và phải nói rằng, không gian trong thơ lục bát của Lê Minh Dung như muốn níu kéo giữ lại phù hợp tầm tay của người tài hoa. Đẹp và thơ mộng quá, nào phải em giờ ở phía ngày xưa nữa đâu, em hiện ra rạng rỡ cho anh đắm say thưởng thức, vườn trăng là điểm tựa cho tứ thơ anh bung tỏa. Thường tiếng cười gắn liền với niềm vui, đôi khi nghe được tiếng cười nhưng nỗi buồn đeo đẳng, bởi nước mắt rơi ngược ứ đọng vào trong trái tim anh. Khoảng cách không gian và thời gian có còn là ranh giới cách ngăn giữa thực và mộng, phía anh và em trong thế mạnh của thể thơ tự do tám chữ:
                          Anh lặng ngẫm trước lằn ranh lí trí
                          Phía em mơ hóa thạch đợi bình minh
                          Khoảng cách vô hình ở giữa… cứ lặng thinh
                                              (Khoảng cách, tr.48)

           Đọc thơ anh ta cứ ngỡ bình yên trở về trong tâm hồn giữa dòng đời bôn ba hối hả bởi từ tựa đề Lặng Thầm cho đến từ cứ lặng thinh. Nhưng thực ra trong mỗi câu từ, tứ thơ xuất hiện ngổn ngang bộn bề luyến tiếc:
                           Những bài thơ tặng em
                           anh đã viết
                           Có ngờ đâu
                           sóng cuốn
                           thật xa rồi
                           Lang thang buồn nhặt tiếng chuông rơi
                           Làm phong linh gọi hồn chiều lặng gió…

                                                (Bài thơ đã viết, tr.14)
          Những sóng , gió của đất trời sinh ra như là cái nghiệp phải vào thơ anh chắc nịch đến xé lòng. Em trong thơ anh là ai, sao thờ ơ hững hờ quá vậy, không gìn giữ hộ dùm anh. Anh đã chọn mặt gởi vàng. Dù sóng có cuốn thật xa anh cũng đâu hề trách cứ. Âm thầm nhặt tiếng chuông giữa chiều lặng gió mà sẻ chia cho thân phận. Vườn thơ  của anh là những trăn trở muốn bộc bạch theo từng nhịp thơ lục bát ngắt dòng:
                            Bỗng nhiên lạc lối giang hồ
                            Thơ chênh vênh
                            chạm
                            vào bờ trăng suông
                            Lời vô ngôn
                            gói hoang đường
                            Trò chơi con chữ
                            vô thường
                            vậy thôi

                                            (Vô thường, tr.38)
         Để rồi tự khẳng định mình với thơ chỉ là một trò chơi con chữ. Tài năng nhà thơ thể hiện qua nghệ thuật ngôn từ cốt là ở cái tâm. Bởi “ Thơ cũng đi từ cuộc sống để đến với lòng người, nhưng đường đi của nó khác hơn… Làm người, dù là người gì đi nữa, cũng phải có một trái tim mới sống được. Làm thơ, thơ gì cũng vậy, cũng phải lấy cái gốc trữ tình, cái gốc trái tim thì mới đi vào lòng người được”(Chế Lan Viên). Vậy giá trị của bài thơ được cân đo từ chất liệu sự việc trong cuộc sống thường ngày, kết hợp mạch cảm xúc của trái tim nhân từ mới làm nên tứ thơ đẹp cả nội dung lẫn hình thức. Vậy Lê Minh Dung muốn thử “Hóa kiếp”(tr.70) như theo quy luật sinh tồn cuộc sống. Mà ý thơ phóng khoáng “hoa cười hứng gió/ khát chờ tia nắng mai” trong lành đem đến cho anh được bình yên tâm hồn. Phải chăng hiện thực của không gian nghệ thuật rộng lớn muôn hình muôn vẻ, còn anh làm sao bao quát cả khoảng trời vô tận kia. Nào trách ai: “ Có sự lãng quên như gió buốt/ chỉ chiều đông biết cô độc thế nào/ có sự hững hờ đâm chồi sớm/ cứ loay xoay cắt nghĩa những lao đao” ( Nào biết, tr.10), anh chỉ tự trách mình bé nhỏ chưa thể hòa cùng biển rộng trời cao, chỉ âm thầm góp nhặt chắt chiu tháng ngày với khối tình tinh khôi trong sáng quá! Thời gian Cong nhưng thật thẳng thớm, không e dè biện hộ. Cũng như Đoản Khúc em là tập thơ đầu tay của anh, thì Thời gian Cong đâu dừng lại mà ngày càng chững chạc bước vào làng thơ hiện đại Việt Nam rồi đó.
                                   06.12.2011/ Nguyễn Thị Phụng.     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét