Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Tặng chị Nguyễn Thượng Trí Sinh nhật lần thứ 59- 12.12.2011

CHUYỆN NGÀY CHỦ NHẬT
          Cho đến xế chiều, tối lại tôi mới biết!...
          Còn thì…Câu chuyện bắt đầu từ thứ bảy, chị tôi mời đi ăn bánh xèo tôm nhảy ở quán bà Năm thôn Mỹ Can Phước Sơn. Tôi náo nức suốt đêm đến khi chợp mắt lại nghe tiếng gà giục mau. Ghét thật, nhưng mà phải dậy sửa soạn cho kịp giờ. Gần tiết Đông Chí, rét. Cái rét khó chịu. Ngồi sau xe là đứa em con chú, chạy được một đoạn, còn bảo dừng lại cho em quấn choàng cái khăn cổ lên đầu chứ lạnh quá chị ơi! Một cây cầu, hai cây cầu,…đi qua rồi không tên tuổi. Ghé hỏi người đi đường, phải cho xe chạy ngược lại. Thì ra mùi bánh xèo đưa vào mũi lúc nãy mà không để ý. Cái quán nhỏ chừng khoảng 20 mét vuông lợp tranh, nằm sâu dưới vệ đường phía bên phải cạnh cầu Mĩ Can theo hướng từ ngã tư thị trấn Tuy Phước ra Gò Bồi Phước Hòa. Bên nay và bên kia đường có hai chiếc ô tô bảy, chín chỗ ngồi đậu lại. Cùng năm, bảy cái xe máy dựng trước nhà. Dưới mái hiên cũng có năm, bảy người ngồi hướng ra phía đường cái trò chuyện với nhau. Tôi cẩn thận dắt xe xuống dốc nhỏ rồi khóa cổ cẩn thận vẫn là hơn. Lại là người “tiền trạm” đến bùm chỗ ngồi. Nhưng trong quán tôi không thể chen chân vào vì những áo len đủ màu ngồi kép kín trong bốn, năm cái bàn. Điện thoại reo, tôi phải ra đón chị và cháu nữa. Năm xuất bánh xèo đã được cậu em út gọi đặt trước khi đi, nên yên tâm có ăn liền. Anh chủ quán kê hai cái bàn nhựa kề nhau và đem ghế cho chúng tôi ngồi trước hè căn nhà ở cấp bốn của gia đình, nơi đây tôi có thể nhìn ra dòng sông bên cạnh, ngắm nước theo mùa còn đậm phù sa đổ ra biển đông kia. Rồi tôi thong thả vào bếp học cách làm bánh xèo. Vẫn bột gạo được xay bằng tay trong cối đã nhỏ, một rổ tôm đất nhỏ con cắt đuôi bỏ đầu, một rổ mầm giá đậu xanh và cổ hủ hành được chẻ nhỏ để bên cạnh.Cái khuôn làm bánh được đặt lên trên cái chão trống đít trên cái lò lửa đốt bằng gỗ tạp. Chờ khi khuôn đã được đổ dầu ăn, bỏ những con tôm đất xong, bà Năm chủ quán mới múc bột, nghiêng tay tráng đều lên khuôn. Tiếp theo là hốt một nhúm mầm giá đậu, rồi tới cổ hủ hành rải vào giữa khuôn bánh. Đậy nắp lại. Canh lửa sao cho vừa giòn mà không bị cháy mới ngon, mới hấp dẫn người ăn.

        Biết là đã báo trước cho năm người dùng, nhưng phải chờ hơn ba mươi phút. Một đĩa bánh xèo được bưng ra còn nóng hổi. Cả đàn tôm gần chín, mười con đỏ hồng trong từng cái bánh nằm lặng im ẩn mình dưới lớp giá và hành chờ tiếp tục hóa kiếp. Một đĩa rau sống (rau thơm) mà xà lách và lá hành cùng rau răm cũng được ngắt nhỏ vừa gắp. Một đĩa dưa leo và khế chua kích dễ thích dịch vị người ăn quá. Một chén nước mắm tỏi ớt giã nhuyễn và thơm (dứa, khóm) bầm nhỏ hấp dẫn để người ăn tự múc chấm. Một đĩa bánh tráng sống bẻ đôi nhúng nước là không thể thiếu khi ăn bánh xèo. Không như quán bánh xèo tôm nhảy ở đường Đống Đa Quy Nhơn, dùng kéo cắt làm đôi cái bánh. Ở đây, chúng tôi phải tự lấy đũa gập bánh xèo bẻ đôi ra, đặt lên miếng bánh tráng rồi bỏ vài miếng dưa leo, khế chua và rau sống. Sau đó tự tay mình cuốn lại. Công đoạn để có cuốn bánh xèo như ý thì hơi lâu, nhưng khi chấm nước mắm đưa lên miệng nhai nhỏ, lúc này ta thực sự thưởng thức chỉ có bánh xèo bà năm vừa thơm vừa ngon. Nghe nói giá bánh bữa nay là mười lăm ngàn một cái, cũng đúng thôi. Ai đã vào bếp cùng bà Năm đứng đúc bánh xèo, thì…. Nào mùi khói củi cháy hòa với mùi dầu,… bốc lên quấn táp vào mặt vào cả người để nhớ để giữ cái nghề của mình không thể bỏ được. Nhưng có lẽ với các chị, các em làm quen với bếp ga công nghiệp, tôi chắc chắn rằng thì…chưa được một phút cũng phải xin ra gấp! Giá một lạng tôm đất cũng gần mười lăm ngàn đồng rồi, mà cả đàn tôm nằm trên khuôn bánh xèo tính ra phải hơn nửa lạng. Còn bột gạo, dầu ăn, bánh tráng, rau sống, nước chấm, cả công nữa thì phù hợp với thị trường hiện nay mà thôi. Bây giờ người ta dùng cốt là cái chất để bồi dưỡng cơ thể, thế mà khi nghe nói mười lăm ngàn một bánh xèo, em Sô tôi tủm tỉm cười nói nhà thơ Đào Viết Bửu chỉ ăn có một lá bánh xèo chắc sợ chị Nguyễn Thượng Trí mời phải trả nhiều tiền, lại còn bảo anh chỉ thích ăn cơm thôi! Ngược với tôi, đã được mời ngồi vào bàn là tha hồ no bụng. Không ăn cũng tính một bữa mà, nhưng khổ nỗi bị viêm quai hàm gần ba tháng nay chưa bớt, không há to miệng được, nhai mạnh cũng đau. Nên mình vẫn là người bao chót, tiếc mấy cọng giá rớt ra khỏi lá bánh xèo, mấy miếng dưa leo, cả khế chua nữa chứ. Mà thật ra cũng ăn nhiều hơn tất cả. Đi ăn bánh xèo trễ, ngồi chờ cũng là một điều thú vị, thưởng thức cảnh quê mình rộng đồng tốt ruộng nhờ những con sông chịu thương chịu khó mang nặng phù sa từ đầu nguồn về. Quý lắm sông ơi! Chén trà đậm nóng thơm lên tận mũi, cảm ơn chị tôi bữa bánh xèo hấp dẫn và ngon miệng làm sao! Chúng tôi rời bàn ăn quá chín giờ, phần giải lao tự nhiên khi nhìn gương mặt của chị, của em, của cháu từ phía sau nhà đi ra. Mới biết trời mưa nào chừa “ Ai không có nón” cứ tha hồ rơi tự do thỏa thích đến hết mới thôi. Người cũng vậy, hễ muốn “mắc tuôn” nào đành cam phận, đất dưới chân cũng đành chấp nhận số phận mình…
          Qua khỏi cầu Mĩ Can, đi một đoạn tỉnh lộ rẽ phải vào thôn Xuân Phương thăm Nhà thờ Gò Thị và tu viện Thánh giá. Ở đây học nhiều niềm vui bên cạnh các sơ. Một sơ còn đùa sớm mai chưa ăn sáng, giờ biết chụp hình nhiều như thế này có bị mất máu không, khi tôi mời xin được có tấm hình lưu niệm. Còn tôi thích ở lại đây quá chừng nhưng lo không đọc thuộc kinh! Cười.
         Những bánh chuối chiên, khoai chiên dọc đường tiếp sức cho tua xe hai bánh chúng tôi ra đến bến đò ở đê khu đông Tuy Phước. Cả vùng trắng xóa là nước, sóng theo gió đập vào bờ gởi tặng chúng tôi những hạt nước mặn lưu niệm. Đầm nước rộng quanh làng Huỳnh Giản trước mặt chúng tôi kia có biết bao là cá, là tôm trong đó có chịu chờ ngày đúng tuổi để “dưỡng sinh” cho người không?! Nước mũi cứ tự nhiên chảy ướt khẩu trang như lần lên núi Chúa ở Bà Nà Đà Nẵng, cảm lạnh rồi! Với lại tôi vừa ở bệnh viện ra. Cho xe trở về thôi!
        …Em tôi vừa nhổ nốt mấy cây cỏ còn ở trong vườn vừa nói, chị biết không, lúc sáng sau khi ăn xong, em ra phía sau đống rơm đi tolex tự do, thấy chị làm trong quán bánh xèo cúi người, hai tay cầm rỗ mầm giá đậu xanh giục lên giục xuống trong dòng nước chảy sát bờ sông còn đậm phù sa!... Em đùa à, tôi ngạc nhiên hỏi lại. Tối về nhà, cháu tôi nói con cũng thấy như vậy. Sau đó thì sao con không biết! Sau đó… họ rửa lại nước giếng mà!Em trai tôi là bạn hàng ruột đính chính dùm.         Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, một con sâu nhỏ làm rầu nồi canh! Không biết bà Năm chủ quán đang trực tiếp đứng bếp đổ bánh xèo, còn anh con trai chạy bàn và thu tiền có biết chuyện này chưa?! Riêng tôi, trước khi đi theo lời mời của chị Nguyễn Thượng Trí đã uống hai viên berberin rồi!...
                                      12.12.2011/ Nguyễn Thị Phụng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét