Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

SẮC HƯƠNG HOA NÚI NGỌT NGÀO

SẮC HƯƠNG HOA NÚI NGỌT NGÀO (Đọc tập thơ TÌNH EM của Nguyễn Thị Hòa, NXB Hội Nhà văn 2010) 
         Thơ văn là nhịp cầu nối giữa người sáng tác và người tiếp nhận. Mạch cảm xúc trong văn thơ bắt nguồn từ đời sống quanh ta. Nói đến thơ là nói đến trái tim chân tình tin yêu nhất, là thước đo nhân từ trong mỗi con người. Thật vậy những nhà giáo càng yêu người bao nhiêu lại càng yêu nghề bấy nhiêu, tình yêu đó cháy mãi trên mỗi trang giáo án, trên những giờ lên lớp sớm sớm chiều chiều và còn thể hiện trong Tình Em ( NXB Hội Nhà văn, 2010) đó là tập thơ đầu tay của Nhà giáo Nguyễn Thị Hòa.
      Nói đến chị là nói đến như bao người phụ nữ khác đầy ắp lo toan bộn bề trong cuộc sống, cộng với một hiệu trưởng trường Mầm Non Họa Mi, thị xã Ayunpa- Gia Lai có lẽ không một thời gian rãnh rỗi nhàn tản, nếu muốn có được chắc hẳn phải sắp xếp công việc cho chu toàn. Thế mà Tình Em ra đời trong lúc này chân chất ngọt ngào từng câu chữ, chị dành cho con trẻ là những bài thơ ấm nồng chan chứa một không gian gần gũi thân thương: Ngôi nhà bé vẽ / có ông có bà / có mẹ có cha / có vườn rau thắm / Cá rô đớp nắng /sủi bọt cầu ao / lá bay xôn xao / sân đầy hoa nắng / đống rơm đứng lặng /ngủ gật góc vườn /vịt gà đầy sân  / thi nhau bới thóc /hàng cau trước ngõ /mèo con tập trèo /bé vẽ thật nhiều / ngôi nhà thân thiết/ (Ngôi nhà của bé,tr.66). Thì ra trang giấy trắng đầu tiên của bé chính là ngôi nhà thân thiết đã được cô giáo hình thành trong nét bút đơn sơ, và bằng khả năng cháu phải chọn lựa màu tô cho hợp với mắt nhìn, chan hòa với môi trường xung quanh. Cháu còn phải biết tập thói quen tốt: Trước khi đi ngủBé phải đánh răngKhi ăn cơm xong Đánh răng bé nhé!Giữ hàm răng khỏe Trắng bóng xinh tươi Mỗi khi bé cười Bé xinh xinh quá! / (Đánh răng, tr.68)
     
Công việc của các cô thường ngày không chỉ tập cho các cháu phải biết đánh răng, lau mặt làm vệ sinh cá nhân cần thiết, còn hình thành ở cháu một tính cách tốt đẹp : Dù ai có cho quà / Bé cũng đừng nói dối ! (Tr.69) . Cô còn giải thích nói dối là tính xấu như con cáo hôi mõm nhọn, tai dài chẳng ai thèm chơi. Từ cách so sánh những sự vật cụ thể để cháu phân biệt đâu là cái tốt nên làm, sẽ được mọi người yêu thương gắn bó. Đâu là cái xấu sẽ bị mọi người xa lánh nên cần phải tránh, phải loại trừ ra.

       Viết cho các cháu, chị sử dụng lối thơ bốn, năm chữ phù hợp với cách kể, cách tả để dễ nhớ dễ thuộc. Nên lời của bé thỏ thẻ hỏi bà lại trong suốt, hồn nhiên dễ thương đến lạ:Vì sao trăng trên trờiLại rơi nơi đáy giếngMặt trời vừa ngủ dậyLà tỏa tia nắng vàngChị gió nâng diều bayCả ngày sao chẳng ngủ…Cây bàng sao lá đỏVào những ngày mùa đông…/ (Lời của bé, tr.77)
       
Chị gởi vào lời của các cháu bé là sự khám phá thế giới quen thuộc quanh ta. Từ đó mở ra chân trời hiểu biết. Rồi đâu phải ngày nào cũng nắng vàng ấm áp trải đều khuôn vườn nơi các cháu vui chơi, hoàng hôn buông cánh cò bay về tổ, nhìn cành tre vươn ấp ủ chồi non, còn chú bê con lon ton nũng nịu ậm ò gọi mẹ, mẹ gà tục tục dắt đàn con lên chuồng. Mà sao bếp nhà cháu lạnh tanh, em khóc ran cổ gào thét :Bố mẹ ơi!:Hoàng hôn buông Là hai bờ chia cắtBên kia đêm Bên này nắng tắt rồiBố mẹ ơi! Xin người đừng chia cắtAnh em conMỗi đứa một mái nhà…(Tiếng gọi, tr.31)
        
Vừa là tấm lòng người mẹ, vừa là tấm lòng người thầy, chị yêu thương và sẻ chia hết thảy, biết các cháu khao khát cần những gì trong cuộc sống hôm nay. Chị đâu có quyền trách cha mẹ các cháu, người đã sinh ra hình hài ấy, sao lại bỏ rơi, phó mặc cho xã hội? Chị khéo léo lột tả tâm trạng nỗi niềm bơ vơ trống vắng của các cháu trên trang thơ rất thực đã làm xé lòng người đọc.
       Là người xa quê, luôn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, ngày ra đi gieo mầm “ Hoa núi” thì hình ảnh mẹ già chính là quê hương tiếp nối tháng ngày từ trong khói lửa chiến tranh tiễn chồng , tiễn con ra trận quay về tảo tần một nắng hai sương chống chèo gieo neo vất vả,… giờ chị đau đáu ngày về thắt quặn ruột gan: Hà Nội tràn ánh điện/ lung linh muôn sao trời/ Chỉ tiếng còi chơi vơi/ Ngày con về… Vắng mẹ!”. Tình em chính là tình chị dạt dào vô tận tuôn trào nữa là nỗi nhớ quê hương, nơi có con sông Đáy nào há cạn lòng uốn lượn quanh làng, có bến Phù Vân sớm tối đò đưa câu hò vọng lại trên dòng nước trong xanh nuôi lòng người ngay thẳng, mà dệt nên những vần thơ chiến công đẹp nhất khi các anh trai làng ra trận, khi các chị em gái đảm đang tay súng tay cày thu về bài ca năm tấn. Dòng sông quê mát mẻ biếc xanh ăm ắp kỉ niệm từ tuổi thơ cho đến bây giờ tràn đầy sắc xuân :Anh ra sông thả nhành hoa sắc trắngTìm vầng trăng thuở ấy của chúng mìnhAnh- Chàng trai tóc đã nhiều sợi bạcEm mãi là cô gái tuổi hai mươi! (Tình Em, tr.5)
       
Tha thiết yêu thương quá, mặn mà kỉ niệm đâu nguôi nỗi nhớ vời vợi tiếp nối trào dâng. Nhớ cơn mưa Huế cố đô xưa tái tê trong chị, nhớ Hà Nội thủ đô ngàn năm văn hiến rất thân quen từng góc phố, con Đường Nguyễn Du ngát hương hoa sữa từng in dấu chân đi về, nhớ chùa Một Cột, nhớ đền Ngọc Sơn, nhớ Tháp Bút,… đầy tự hào: Biết bao kỉ niệm trong tôi/ “Điện Biên không chiến”…đất trời nở hoa (Hà Nội nỗi nhớ lòng ta, tr.8) chính là niềm tin, chị tự hào ngợi ca những người đã dâng tuổi thanh xuân của mình cho đất nước hôm nay bình yên, còn chị đớn đau chạnh lòng :Nén nhang này em hướng về phía trời xanhCùng lời ru theo mây trắng trong lànhĐông Trường sơn, anh đã từng ở đóMiền đất xưa của những ngày khói lửa…(Lời ru mây trắng, tr.28)
          
Nỗi niềm xa nhà da diết không nguôi: Con ra đi mang ngọn khói lam chiều/ Cả mâm cơm quây quần bao nhiêu chuyện…” (Tết người xa xứ, tr.43) Chính ngọn khói ấy đâm thẳng xoáy sâu tăng thêm cô quạnh nhức nhói hơn dễ gì rút ra được, chôn vùi nó trong góc nhỏ tâm hồn mình, nhưng nơi chị đến với Tây nguyên luôn bất chợt nắng, bất chợt mưa làm sao nói hết: Mưa cao nguyên lạ lắm/ Mang theo cả nỗi niềm / Mưa trút cả giận hờn / Rừng ơi! Ai tàn phá…(Mưa cao nguyên, tr.80). Tiếp nối mưa là gió bão ập đến đâu kịp trở tay, chị vội vàng tha thiết:Thôi đừng gió nữa gió ơi! /Cha còn đang ở ngoài khơi lưới chài /Mẹ đang gặt lúa bãi ngoài /Nhà mình mái rạ liếp cài đơn sơ /(Ngày bão, tr.89) .Chị thương lắm cái rét quê nhà biết bao, nên khi đài báo có mưa phùn gió bất, ý thơ trang trải : Giá buốt mùa đông đường cày không thẳng / Cây mạ cắm bùn võng nhịp run tay (Rét quê nhà, tr.65).
          Trời sinh mỗi người chỉ một trái tim mà sao chị sẻ chia nhiều đến thế. Chị không duyên với làng xóm ở Hà Nam , nhưng nặng nợ với phố phườngTây nguyên trong ray rức: Người thành phố lắm lo âu / Ra vào đóng cửa còn đâu xóm giềng? (Thương người thành phố, tr.64). Và cũng chính nơi đây, một mình chị vun vén tổ ấm gia đình lo các con ăn học, chăm chút nhắc nhở : Bố mất rồi con phải sớm lo toan / Cùng mẹ gánh nỗi lo cơm áo / Buổi đến trường buổi cùng nương rẫy / Vun luống sắn, vồng khoai mong nhiều củ / Nào có đủ đầy như bao bè bạn / Chiếc cặp lành con lại để nhường em (Cho con, tr.15). Thật giản dị bình thường như bao lời khuyên nhủ mộc mạc mà nặng lắm yêu thương. Con là nắm ruột mình đẻ ra, nhưng với đồng lương nhà giáo còm cõi bữa đói bữa no,chị biết vun xén đắp đổi để con khỏe mạnh nên người : Mẹ biết con tự hào về mẹ / Nghề giáo viên thanh bạch chỉ tấm lòng! (tr.15).
        Tấm lòng nhà giáo đâu kể thời gian trên từng trang giáo án một mình giữa đêm khuya, san sẻ cùng cảnh đời từng em nơi bản cao giá rét :Mỗi em một cảnh ngày ngày rẫy nương / Chân trần quen gió quen sương / Giờ đi đôi dép đến trường khó khăn…( Hoa núi, tr10). Cô giáo không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, chị cũng là gương sáng được chiếu lại từ người thầy ngày xưa với lòng kính yêu biết ơn vô hạn: Giờ đây con được “Nên người” / Từ trong bài giảng…cuộc đời thầy soi! (Bài học đầu tiên, tr.12).
       Đến đây có ai cùng tôi đặt câu hỏi vì sao Tình Em của cô giáo mầm non Nguyễn Thị Hòa ấm áp dâng đầy mặn nồng đằm thắm vậy?! Phải chăng từ thuở ấu thơ chị tắm mình trong dòng sông Đáy quê hương, được lớn lên từ câu hò lời ru của mẹ, và từ trong máu lửa chiến tranh những năm tháng trên miền Bắc lúc bấy giờ, hay từ một bóng một mình sớm vất vả trên vùng đất mới nên chị mới có những vần thơ thấm đượm tính nhân văn sâu nặng như thế. Thơ gắn với cuộc đời và con người chị thì Tình Em chính là Tình Chị đó mà!...
                                                       30.10.2010 /Nguyễn Thị Phụng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét