Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

TA NHẨN NHA CƯỜI NÀY NHỤC NÀY VINH*

TA NHẨN NHA CƯỜI NÀY NHỤC NÀY VINH*
    (Đọc tập thơ Đó Là Em của Trần Mai Hường, NXB Hội Nhà văn, 2010)
     Xoay theo nhiều góc độ thưởng thức tác phẩm văn chương vẫn tìm ra ở người viết sự cảm nhận tinh tế trong nhiều đề tài khác nhau. Lúc ngọt ngào nồng ấm, lúc se sắt lạnh lùng, lúc bay bỗng phiêu du,...Nhưng tất cả đều thể hiện cái tâm của mình đó là tình yêu chân thật với người, với cảnh vật quê hương như lời khẳng định đáng trân trọng: Đó Là Em, tên tập thơ của Trần Mai Hường (NXB Hội Nhà văn, 2010) sau tập Sóng Khát (NXB Văn học, 2009).
       Lần từng trang, những con chữ hiện ra đầy yêu thương xúc động mới biết chị nâng niu cuộc sống như thế nào. Với Trần Mai Hường, trên mọi chặng đường đời đâu có con người, có cỏ cây hoa lá là nơi đó có sự sống và tình yêu. Chị biết ơn sâu nặng cha sinh mẹ dưỡng, chị chăm chút tình máu mủ  thiêng liêng. Chính vì thế ngay bài đầu tập thơ với Lời nguyện kính dâng cha:Úp mặt vào mộ cha /Con lắng nghe hơi thở cha/ hòa lời thầm thì lá cỏ/ Cỏ chở che cha/ Con ôm cỏ/ khóc òa...
         Bởi:
Ơn nghĩa sinh thành không thể nào cân
Mà con chỉ có bấy nhiêu đền đáp
Từng giọt...từng giọt
 nhớ thương se thắt
từ tim con
 nhói buốt
 nhỏ thành thơ... 
        Với cách nói trong ca dao mộc mạc so sánh công cha như núi Thái Sơn, còn chị ơn nghĩa sinh thành không thể nào cân, nó to tát lớn lao vô bờ, chưa kịp báo hiếu mà cha đã ra đi. Dẫu biết có sinh có tử, chị đau đáu mồ côi, nỗi trống vắng cô đơn: "Giữa đồng làng/ chúng con và mẹ/ bơ vơ" ! Rồi ngỡ như tất cả gần nhau san sẻ yêu thương vất vả nhọc nhằn, nhưng không giữa cuộc mưu sinh cơm áo nhà thơ âm thầm trăn trở:
Giữa quê hương con thấy mình có lỗi
Uống nước xứ người
                                                      giọng khang khác người thân
Mỗi bước con đi vất vả thăng trầm
Lăn lộn quê người mưu sinh cơm áo
Đã vấp phải bao cuồng phong dông bão
Bao mặn muối cay gừng
Đắng chát nhục vinh...
                    ( Con đã trở về, tr. 42)
         Và nếu như ai đã từng xa quê, đọc những vần thơ " Con đã trở về" không khỏi rưng rưng nước mắt. Nỗi nhớ quê, nhớ mẹ thường trực đan xen vào nhau hòa thành mạch ngầm âm ỉ chảy đâu vơi nhung nhớ trào dâng  trong lòng thi sĩ, quen thuộc lắm mà vời vợi ngái xa:
Vạt cỏ- bờ đê- lối nhỏ- đường mòn
Lùi nửa kiếp hiển hiện ngày bé dại
Trong tim con dáng mẹ hiền dầu dãi
Đọng mát nỗi niềm mỗi bước con xa
                                     (Con đã trở về,tr.44)






      
Cái tình quê ắp đầy, khi ở nơi xa da diết đâu nguôi. Cũng biết "Một giọt máu đào hơn ao nước lã" sao chị trăn trở:

Bất ngờ đêm ấy...một đêm
Bàn tay- ừ- thật dịu mềm... bàn tay
Người dưng ơi- người có hay
Mỏng thôi... lát cắt đủ gầy trăng nghiêng
                                     ( Lát cắt, tr. 45)
          Một tứ thơ ngập ngừng mà nhẹ tênh, cho tình chùng xuống đọng lại, se sắt khẩn cầu " Mỏng thôi... lát cắt đủ gầy trăng nghiêng" rồi, rướm đau lắm, chênh chao lắm vẫn cố gọi cho được: Người dưng ơi. Dẫu trong câu thơ không dùng dấu chấm cảm, nhưng có thể hiểu và sẻ chia cùng thi sĩ vì quá đè nén bức xúc nên đâu muốn bật thành lời. Tri âm là đây, tri kỉ là đây! Chỉ có "Người dưng ơi" mới làm cho gừng thêm cay, muối thêm mặn nồng ấm nghĩa tình. Chị hụt hẫng ngẩn ngơ: " Người dưng ơi/ sóng vẫn ngập lòng/ Chẳng có mưa sao đẫm dòng thơ viết vội" (Viết cho người dưng, tr.56) .Còn có người: "Gọi người dưng là không cùng dòng họ/ Cớ làm sao nỗi nhớ cứ neo sâu/ Trăng còn có lúc tròn hay lúc khuyết/ Khổ cho ai phải hóa đá u sầu" ( Thương nhớ người dưng- Nguyễn thị Phụng).
        Thương nhớ người dưng  nên đã "Lạc bến yêu" cũng là chuyện thường tình xưa nay của muôn người, của nhà thơ. Không yêu lấy gì có sự tồn tại con người trên trái đất, với chị không yêu lấy gì có cảm hứng thi ca tuôn trào, lời bộc bạch chân tình dễ thương đến lạ:
Gom tình nhốt giữa mênh mông
Ôm về nêm chặt rỗng không bao chiều
Từ khi tim lạc bến yêu
Mới hay môi mắt chết điều ngây thơ...
                                        ( Lạc bến yêu, tr.57)
       Với Trần Mai Hường, tình yêu chính là chủ đề trong "Đó là em" đè nén cảm xúc mãi nên ở mỗi tứ thơ diễn đạt khác nhau, lúc thể tự do, lúc thì lục bát, còn tình ngút ngàn con sóng cuồn cuộn dâng cao, thấm đẫm những đam mê, ngụp lặn thỏa thích trong bể tình lắm sắc nhiều hương. Cuốn vào, có thể lúc đầu rụt rè lo sợ, và may mắn thay gởi nợ vay, nhận về duyên trả... Đã yêu là trao cho, là tận hưởng hương hoa cuộc sống. Nào đâu thiệt thòi, mất mác?!...
       Đọc "Đó là em"mới cảm hết nữ tính Trần Mai Hường, như là mật ngọt, môi thơm,... tấm lòng bao dung của người mẹ gần gũi nhắc nhở thủ thỉ:
Cuộc đời như trùng dương
Chẳng bao giờ ngưng sóng
Mẹ- cánh buồm căng rộng
Cùng con vượt ngàn khơi
                                ( Nói với con, tr.28)
         Từ ngàn khơi trở về khoảng lặng, cái bình thường, giản dị nhất vỗ về an ủi như nhiên rồi được hồi sinh:
Chẳng sao đâu ngày vẫn nối ngày
Mưa nối nắng như nhiên- từ thuở...
Bước dọc đắng cay ngược triền bão tố
Bãi bồi nào sau mất mác cũng hồi sinh
                                   (Độc thoại, tr.20)
         Chính thực tế cuộc sống cho chị chiêm nghiệm bao điều vô cùng đơn giản theo quy luật tự nhiên luôn xoay vần, không thể nào ngược lại và đâu dễ dàng gì những bề bộn ngổn ngang chất chồng trong tâm hồn để nó dày xéo hay sao:
...hạt muối mặn chắt chiu từ dâu bể
Em dầm mình vào tâm bão nhặt bình yên
Em- một mình với biển và...quên.
                                     ( Nhặt bình yên. Tr.33)
         Nỗi nhọc nhằn lan dần đọng lại trong trái tim đơn côi thi sĩ, những khao khát hồn nhiên:
Tái bản giấc mơ ngược về hai mươi tuổi
Ngụp vào biển nhớ
Em bơi
Kìa nắng vàng trải rộng tới chân trời
Những hạnh phúc bất ngờ
không cần tìm kiếm
Cuối trời
ẩn
hiện
bảy sắc cầu vồng dẫn lối em đi
                                 ( Giấc mơ tái bản, tr.48)
       Ta dễ dàng đồng cảm, sẻ chia với nhà thơ: " Nỗi đau này dắt nỗi đau sau" làm sao vơi bớt nỗi sầu nhân thế, cảm xúc đến tột đỉnh vô cùng rồi buột câu từ hiện ra cho thanh thản nhẹ nhàng:
                 ...Còn nhiều nỗi đau ta chẳng kể ai nghe
                  Cứ lặng lẽ giấu sâu vào trong tóc
                  Đêm nối đêm ta nằm nghe tóc khóc
                  Nên thương tình gởi chút ít vào thơ/(tr.66)
           "Còn nhiều nỗi đau ta chưa viết bao giờ" chính là câu kết bài " Nỗi đau chưa viết" trong "Đó là em" của tác giả.
           Hơi bị bất ngờ khi gấp lại tập thơ, bởi trong mỗi lần rung động, trái tim chứa nhiều ước ao khát vọng. Làm thế nào cắt nghĩa đầy đủ khi thi sĩ mãi "Độc hành về phía cô đơn". Còn cô đơn hoàn trả chị vỡ vụn lan dần rồi hóa thân vào tro bụi. Nụ cười trong tấm chân dung Trần Mai Hường ở trang bìa tập thơ tươi tắn lắm, mà sao thơ nỗi niềm đăng đắng lắng sâu, đâu dễ gì ngui ngoai những bùi ngùi đọng lại. Cho dù câu chữ ngôn từ mượt mà  tinh túy, cũng không thoát ra được cái buồn tự tại đeo đẳng, rất riêng với chị, mà thật kiêu hãnh làm sao: "Ta nhẩn nha cười này nhục này vinh/ chưa bám mép khôn đã trượt cuồng lưu dại/ Những tứ thơ rùng mình tự trói/ Rồi thăng hoa theo nhát chém thánh hiền" (Độc thoại, tr.20) .Và riêng tôi đọc đến bài thơ thứ 66 của Trần Mai Hường trong tập "Đó là em" vẫn thòm thèm chờ nỗi đau của chị được thăng hoa tiếp nữa!...
                    26.09.2010 / Nguyễn Thị Phụng.
*Đã được đăng vanthoviet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét