Thứ Tư, 4 tháng 9, 2019

HƠN MỘT NGÀY BÌNH THƯỜNG, tạp văn Nguyễn Thị Phụng


                      HƠN MỘT NGÀY BÌNH THƯỜNG

          Hơn một ngày bình thường mà chúng tôi chuẩn bị hơn một năm.
          Chuyện có thật. Bởi tất cả luôn là sự hoàn chỉnh ắp đầy cảm xúc và sẻ chia cho một ngày đã qua “…lòng tôi lại náo mức mơn man của buổi tựu trường”(Thanh Tịnh). Nhưng không là ngày đầu tiên đi học ở bậc tiểu học, ngày đầu tiên vào Đệ thất (Theo bậc học trước năm 1970 ở miền Nam. Bậc tiểu học: lớp năm, tư, ba, nhì, nhất. Bậc trung học có Đệ nhất cấp: Lớp Đệ thất, lục, ngũ, tứ; Đệ nhị cấp: Đệ tam, nhị, nhất), sau đó gọi theo thứ tự từ lớp một đến mười hai. Tính đến nay là tròn 50 năm. Nửa thế kỉ- một chặng đường. Chúng tôi- có bạn đã lên chức ông, chức bà. Cũng có bạn còn “quyết” giữ gìn nét thanh xuân thời con gái. Nghĩa là có một tình yêu thời đi học, chỉ dừng lại nơi đây trong ngày 28.08.2019 trên đất An Nhơn bình yên, lắng đọng.Vẫn tinh nghịch “tao- mầy” của ngày xưa nhớ quá.
         Alo- 3h chiều tao sẽ đón mầy”- An Nhơn gọi Tuy Phước. “Không được đâu. Nắng lắm. 4h nghen!”. Tíu tít đến 5h có mặt tại sân trường THPT số 1 An Nhơn. Hàng me tây ngày ấy còn lại hai cây chờ ba người ôm thôi, thế mà chúng tôi đến cả nhóm. Nhóm Gà- dang cánh chở che. Me tây tỏa bóng ôm cả tuổi học trò, ôm cả bóng xưa. Bóng người bóng cây ngan ngát trời xuân. Dọc theo hành lang, lên xuống từng bậc tam cấp, ngồi bên ghế đá tiếng thì thầm khẽ nghiêng chiều, vàng hơn chiếc lá rơi. Bước chân dẫm đạp trên cỏ xanh chịu đựng lời nguyền một đời bên nhau nhung nhớ. Những cú suýt bóng qua lưới trẻ trung trên sân lần lượt dắt từng xe đạp ra cổng, sân bóng rổ nhớ tay người. Nhường lại chúng tôi nụ cười và gương mặt bên cột cờ ngày ấy và bây giờ khúc khích, khúc khích tuổi thơ.
Gốc me tây sân trường An Nhơn 1

        Đêm thức cùng An Nhơn. Bánh xèo, bánh tai dạt, cà phê, nước ngọt mát đến tận chân răng, đến từng câu chuyện hai giờ sau được nghỉ, mời bạn về nhà đãi bữa canh bầu mắm ruốt nhớ đến bây giờ, thương ơi là thương!... Năm mươi năm rồi chứ ít na!... Qua sông Trường Thi tiếng gọi đò còn vẳng bên tai, leo cây vú sữa giữa tháng ba ngọt lịm. Về Nhơn Hậu vừa đi vừa hít mía ngọt thanh thêm vị điểm chín điểm mười, điểm trên hai mươi kia!..  Lội qua đập Bảy Yểng tới Nhơn Mỹ ăn bánh tráng chả trứng vịt với ớt muối sau mùa lụt,… Nhớ nhất những năm bảy lăm ngày hè ngang chợ Cảnh Hàn đến Nhơn Hạnh chặt lùng, phát lát; những con cá tràu, cá rô lần đầu mới thấy lớn gấp chục lần đưa mắt ngó, trầm trồ mà không dám bắt về ăn, dẫu từng bữa cơm chỉ mắm ruốt muối mè, muối đậu. Chỉ thiếu gạo nấu, chứ củi thì vô kể từ những vườn thảo nhơn vừa được phát quang. Lên An Trường học cách phát rẫy chặt cây, đêm về rộn ràng ánh trăng bên bờ suối… Xa An Nhơn là nhớ. Về An Nhơn là thương. Đêm thức cùng An Nhơn ắp đầy kỉ niệm trong “Lucky Thanh Trúc Homestay”- chúng tôi tự đặt, độc thân đến giờ, kể từ ngày ba đứa còn là “sĩ tử” ở SG cùng trên chiếc gường xếp mini chờ sáng lên xe về AN- TP. Đó là người tham dự, chuẩn bị trở lại sân trường ngày ấy lúc sáu giờ sáng tiếp tục điểm tâm “ăn ảnh” bổ sung cùng với những chiếc nón xanh quai lần thứ hai…

         Còn Ban liên lạc trước cả tháng kia. Giấy mời, pano,… đón đưa các thấy cô giáo từ xa về. Những tập Đặc san ngày ấy yêu thương và nhung nhớ. Những bó hoa kính dâng thầy cô, cùng lời chúc sức khỏe của học trò cho thầy Hồ Sĩ Phùng- Hiệu trưởng trường Đào Duy Từ, thầy Trần Xuân Phong- dạy Văn,… đầy xúc động trong lời phát biểu và sẻ chia. Chung tay cùng thầy Nguyễn Bá Trình- dạy Toán phát hành tập truyện ngắn thầy xuất bản đến bạn đọc, khoản thu hơn cả tấm lòng dành tặng một nửa cho bếp ăn từ thiện Bệnh viện An Nhơn, một nửa tặng cô Quy cùng tặng hai bạn Nhường và Bích. Tình yêu nhân rộng và trân trọng nhắc nhở cưu mang.

         Màu tóc không còn chắc khỏe thuở nào. Và kỉ yếu thời gian không nề nếp cứ hồn nhiên vạch ngang vạch dọc trên khuôn mặt. Chỉ riêng ánh mắt chẳng thể già mua. Trẻ trung, hồ hởi qua cái bắt tay, ôm nhau thật chặt. Một tấm hình kỉ niệm có đến mấy ống kính lia qua, thể như không còn cơ hội lặp lại… Dẫu mấy lần MC gọi tên từng lớp mà có bạn “còn ham chơi…” quên mình đã học lớp nào!... Thương thiệt qua năm mươi năm chứ ít gì cho một bài hát Lời chào bình yên mà nhắc nhở Tổ quốc gọi tên mình, một bài thơ đủ nhớ cay cay trong mắt “Năm mươi năm dòng thời gian trôi miết/ Cuộc mưu sinh xa biệt một trời thương/ Nhớ thầy cô, yêu quê hương xứ Nẫu/ Thuở dại khờ ngày ấy có còn đâu”(Lâm Dân)… đầy cảm xúc của người nơi xa. Có bạn còn quyến luyến căn dặn nhớ alo năm sau cùng may áo dài nữa cơ…  

        Màu kỉ niệm chẳng nhạt nhòa đã thành dấu ấn tuổi học trò ngày ấy. Chỉ khác nhau là hơn một ngày bình thường, chính ta biết tự thưởng thêm sức sống cho mình./.
28.08.2019.  Nguyễn Thị Phụng.