Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

BÊN CẠNH NHỮNG BỘN BỀ.(Đọc Góc phố ba người của Nguyễn Mỹ Nữ) Nguyễn Thị Phụng

 BÊN CẠNH NHỮNG BỘN BỀ.

         (Đọc Góc phố ba người, tập truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ, NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2022).

         Bằng sự tử tế trong cuộc sống thường ngày và khiêm tốn là tính cách đáng trân trọng khi đọc văn Nguyễn Mỹ Nữ. Chị không chỉ là Nhà văn viết cho thiếu niên của Nhà xuất bản Kim Đồng, là cây bút tản văn hấp dẫn. Và dẫu Bên cạnh những bộn bề với những vướng mắc Covid-19 cùng di chứng để lại, Nhà văn vẫn kịp thời ra mắt bạn đọc Góc phố ba người (NXB Tổng hợp Thp. HCM- 2022) là tập truyện ngắn thứ tư trong tám tập sách đã xuất bản. Ấn tượng nhất của bạn đọc đối với Nguyễn Mỹ Nữ đâu chỉ là giải thưởng vinh danh như ở các cuộc thi truyện ngắn tuần báo Văn nghệ(1998-2000), tạp chí Văn nghệ Quân đội(2001-2002 và 2005-2006), hay Giải thưởng Đào Tấn- Xuân Diệu lần III, IV, V. Không là liệt kê, sức hấp dẫn ở 15 truyện ngắn trong Góc phố ba người với phương thức biểu đạt tự sự có cả lập luận chân tình pha chút dí dỏm, lại ấm áp yêu thương chủ yếu miêu tả sự tiếp xúc, va chạm giữa con người và xã hội rất cô đọng và súc tích, độ nén trong khoảnh khắc kể cả tựa đề hấp dẫn chỉ từ một tiếng: Hát, My, Thở, Ám, Siêng, Vỡ, Diễn;  từ hai tiếng: Tiền bay, Vui vầy,... đã làm nên một Nguyễn Mỹ Nữ không thể nhẫn nha khi mà cuộc mưu sinh hối hả.

         Góc phố ba người là sự thẩm thấu tính cách phụ nữ biết sẻ chia và trân trọng. Đó là cái tình vốn có ở tấm lòng phụ nữ. Nếu như trong tận cùng ngược lại dẫu gian nan dễ làm con người so đo tính toán, thì cái chừng mực điềm tĩnh được phát huy, không ồn ào căng thẳng, hướng đến sự lựa chọn tế nhị đầy bất ngờ trong Khẽ và thầm* khá trăn trở nội tâm ở nhân vật “tôi”- người phụ nữ không thể sống chung cùng với chồng thường ngày, nhưng vẫn trong vai là vợ là chồng bên nhau những ngày bảo hỉ của các con, sum vầy với các cháu, thời gian li thân đủ nếm trải cô đơn tâm hồn ngỡ đã tìm ra sự đồng điệu cảm xúc khi đọc lại dòng tin nhắn từ nhân vật Luân ở cuối truyện: “Anh có ý nghĩ em chính là cơ may cuối của đời mình. Và hẳn em cũng thế! Chúng ta có nhau vào khoảng này vẫn tốt hơn... Trễ đâu hẳn là muộn. Và giá mà anh có thể? Cuốn phăng những ý nghĩ em lay bay, những lười lĩnh em những chênh chao em những đắn đo, những toan tính ở em...Cuốn, theo cách của anh ấy mà”. Phần nào khẳng định “Tôi trở về. Bỏ lại một biển đêm trăng non. Mênh mang và bàng bạc. Và khuya đó với lòng thật bình yên.” cho một cái kết rất khẽ và thầm. Còn Những cuộc hẹn cuối ngày* dẫu gì cũng là mối quan hệ vợ chồng thời trẻ và tuổi già lắm lúc vướng mắc cũng sẵn lòng tha thứ cho nhau, nhưng cách chọn sống độc lập không ràng buộc đôi khi là sở hữu của tự do. Ở truyện My*- nhân vật trẻ trung, năng động, không thích những gò bó, nhưng cái kết không thể duy trì, chọn cho mình mái ấm yêu thương.

        Không gian gia đình là mối quan hệ ràng buộc phụ nữ trong Góc phố ba người. Gia đình là mấu chốt của yêu thương, là sẻ chia, nhưng khi những câu mâu trong sinh hoạt thường ngày của gia đình nhà chồng đông anh em khó có sự thông cảm và bao dung, người phụ nữ- thân phận là dâu tìm đến tiếng hát mọi lúc mọi nơi là cách vượt thoát gò bó tù túng cảm xúc như chị Nhung trong Hát*. Còn kết cấu Rượu và Sương* là những dằn vặt của gã được mở ra cách ẩn dụ cướp công của loài chim cánh cụt lười xây tổ cho riêng mình. Nhưng hạnh phúc chẳng thể đong đầy trong tháng ngày tiếp nối khi vợ gã ấm ức nhận ra cái đớn hèn nhu nhược ấy: “Cả đời tui đã thúi hoắc, còn có thêm thằng chồng hờ thúi hơn nữa, chịu gì nổi? Thà sớm bửng cha lo nốc giùm mấy ngụm rượu mới, cho cái râu nó thơm. Cái miệng cha không thơm nổi đời cha sao thơm?...”. Người đọc hẳn sẽ hả hê với ý tưởng: “...Người ta căm thù rượu lại phải ập vào rượu và người ta thích rượu và người ta thích cả sương. Nhưng say sương thử hỏi ai đã từng.” Cả nỗi đau dằn vặt đầy ám ảnh: “Ông đánh cắp của người nên đâu có giữ được cho mình. Đúng không?” có là bài học nhớ đời không riêng gì gã.

         Những cảm xúc ban đầu có là câu trả lời cho tình yêu kết nối? Đã có trong Góc phố ba người với cốt truyện Siêng* giữa sự đối lập mối quan hệ vồ vập chóng vánh giữa hai nhân vật “chị và anh” cuối cùng nhận ra thực tế: “Nhưng anh lười, chị lười khiến mọi thứ nơi đây ngày một tồi tệ thêm, nên, tan rã ấy là điều tất nhiên. Thôi, trả lại anh người lười ngay đến cả nụ cười với vợ. Thôi, thu về chị người phụ nữ lười ngay cả đến việc nấu cơm cho chồng”, đến hồi tháo gỡ ràng buộc để không làm tổn thương trái tim cho nhau. Khi đọc Vỡ* tìm ra cái kết hôn nhân nên duyên chồng vợ khởi đầu từ sự hiếu sắc, mà đàn ông mấy ai yêu đạo đức như yêu sắc đẹp thì họ thành thánh tất cả. Thánh giữa đời thường quá hiếm, bởi ở gã từ lúc đầu “phất phơ và lông bông sống cho qua ngày” và còn “Gã rất mê đàn hát và vợ gã, là hoàn toàn ngược lại” nhưng vòng đời níu kéo chung mái nhà, chung con cháu, chung số phận. 

         Ngổn ngang thanh âm vơi đầy vọng lại là tiêu đề trong Góc phố ba người. Sẽ dễ dàng nhận ra thanh âm giữa bộn bề góc phố không trùng lặp. Từ truyện ngắn Ám* đầy câu mâu, cả quyết ngỡ như mình đang bị xúc phạm, bởi bản tính con người tự trọng như cô Bốn đầy bảo thủ.  Với Thở*, khởi đầu từ tiếng guốc vỉa hè của em bé trước nhà đối diện luôn là sự cô lập, tách biệt, sự bất an, mà trong nhà người mẹ hành nghề mại dâm, không gian góc phố ngột ngạt. Cái hay ở Diễn*, chỉ là khoảnh khắc đường phố cho mọi người tham gia giao thông, người gây ra tai nạn từ lúc đầu “Biết mình sai nhưng vẫn lớn giọng trấn áp, đè bẹp người khác. Mà không xong và bị lật tẩy thì tức khắc, đóng vai khờ khạo tội tình...”. Cảm nhận ở nhân vật “tôi” đủ khẳng định không tìm đâu xa trên sân khấu, ngay thực tế đường phố cũng diễn quá sinh động kia mà.

       Trong bộn bề vẫn tìm về nhịp thở sinh sôi. Nơi Góc phố ba người* là truyện kể về ba cô gái nông trường, trong đó Hạnh là một trong những phạm nhân sau khi mãn hạn tù, sẻ chia: “Em sợ ra đời không kiềm giữ nổi mình rồi hoang hư lại”. Nơi đây, với Hạnh đúng nghĩa với cái tên của em, xốc xáo nhanh nhẹn mọi việc, hòa nhã khéo léo tốt bụng nên tất cả yêu thương sẻ chia. Nhưng sự đời không như ước mơ đẹp của “tôi”về Hạnh, Hạnh đã phải là người mẹ đơn thân sinh con ngay trong đêm giao thừa và trú ngụ bên mái hiên nhà trong giá rét không người thân thiết. Mà được tình bạn cưu mang nhau lúc cơ nhỡ này. Vẻ đẹp “tôi”- giữa những người phụ nữ trong Dăm phía đời, gác lại*, nơi phương trời xa và cuộc trở về những triền miên xáo trộn, bề bộn lo âu. Nhưng tìm ra cho mình được góc nhỏ đời sống tâm hồn: “Lạ thật! Bởi đã quyết lòng “thôi thì gác lại...” vậy mà trái tim mình vẫn đập rộn những nhịp vui, khi dõi theo một sắc màu lấp lánh, một bóng nắng lung linh nơi khu vườn nhà cùng với mọt người đàn ông có tên là Kurt”. Riêng một không gian bao trùm cuộc gặp gỡ của các cựu thanh niên xung phong trong Vui vầy*đầy kỉ niệm gắn bó của thời trai trẻ nơi từng xa núi cao, giờ xa xôi lắm.

        Góc phố ba người với bài học nhân sinh bất ngờ sâu lắng. Nếu như ở truyện ngắn Tiền bay* khi cuộc đời không cho mình sự lựa chọn nghề nghiệp như: cùng nghề đan thúng, túng nghề đan nia nữa. Cái cung và cái cầu luôn song hành cho nghề mua bán chim trời đầy vật lộn. Một cái kết truyện đầy ám ảnh trong tuyệt vọng gió cuốn cả người và giỏ nhốt chim rơi xuống cầu, phút cuối cùng được vớt lên bờ, người đàn ông nhanh tay mở cánh cửa lồng cho chim bay về trời. Thì đến với Điều may mắn cuối cùng* lại là sự tự giác lương tâm, luôn bảo vệ sức khỏe con người nên đã hỏa táng con Nu, vật nuôi trong nhà, vì không muốn tiếp tay cho gian tham có cơ hội đào lên xẻ thịt bán cho người tiêu dùng.

       Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ trong Góc phố ba người , nhưng không còn là của riêng ba người mà của chung bạn đọc. Kết cấu mỗi truyện cũng là thước phim đời người trong mỗi cảnh. Nơi ấy chứa bao nhiêu là tình người luôn được cân bằng trong vun đắp trong ân cần mách bảo. Nơi ấy còn là thông điệp về lương tri con người, hãy vì con người sống tử tế bên nhau. Nơi ấy, những dối gian sẽ không còn lặp lại. Nơi ấy là bầu trời phóng khoáng, tâm hồn luôn cởi mở và kết nối yêu thương./.

......

*Tên các tr.ngắn trong tập.                               13.06.2022 / Nguyễn Thị Phụng

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

KHÁI NIỆM THẨM MỸ TRONG THƠ LỤC BÁT H. MAN - Nguyễn Thị Phụng

                        KHÁI NIỆM THẨM MỸ TRONG THƠ LỤC BÁT H. MAN



 

       H. Man làm thơ từ năm 1972, đến nay đã trọn nửa thế kỉ. Dấu mốc làm thơ không là thời gian, và rất hiếm những tập lục bát đã trình làng như H.Man 35 bài lục bát(NXB.Văn học 2011) và tiếp đến nay Lục bát bay vòng(NXB Văn học 2022), tôi cho đó là kỉ lục “xưa nay hiếm” của một thi nhân vừa tròn thất thập, tính kỉ lục được bắt nguồn từ cảm xúc tha thiết yêu cuộc đời đến dường nào. Vậy yếu tố thẩm mỹ trong mỗi tứ thơ lục bát H. Man thấm đượm dòng sông Thu Bồn trải qua mưa nắng, trong ngọt ngào bên võng mẹ đưa: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”(Ca dao). Cái ánh trăng vàng ấy bất biến trong Lục bát bay vòng lung linh vỡ ra rồi tròn trịa cơ hồ như bức thủy mặc của họa sĩ tài hoa.

      Yếu tố thẩm mỹ không thể thiếu trong mỗi tứ thơ, đó là cái đẹp khó trộn lẫn với loại hình nghệ thuật thẩm mỹ nào. Tự thân ở mỗi từ trong từng câu thơ có nhiệm vụ khơi gợi thể mặt trời sinh ra ánh sáng theo mùa. Nhưng vì sao ở trong bài thơ Lau trắng* có sự chấp nhận, không một chút phân bua: “Ừ thôi! Một góc trời nầy/ Bờ lau phủ trắng một ngày đìu hiu”. Thể chừng đủ sức khẳng định một sự cầm cố cô đơn, nhưng đó có thể là một nửa, có thể nửa còn lại nơi miền xa kia an nhiên kết hoa đơm trái. Thơ có là chốn mong manh nỗi buồn đẹp nhưng chưa kết thúc: “Tôi cầm một nửa trái sim/ Dẫu lưng bát nước cũng chìm nổi tôi”(Một nửa)*.

        Đến với tập đầu tiên H. Man 35 bài lục bát:

        Có thể khi chìm nổi tôi chỉ của riêng anh mà lay thức thị hiếu thẩm mỹ ở người tiếp nhận: “Đưa người, dài một bến sông/ Về, làm sợi nắng giữa mênh mông vàng”(Tiễn người)**. Không gian bến sông là một thực thể tồn tại đã từng đi vào ca dao vốn gặp gỡ và chia tay, lúc này với H. Man, tiễn người “dài”trong thẳm sâu nhung nhớ, vốn gắn liền một kỉ niệm ấm áp rời xa, khoảnh khắc ấy nung náu âm thầm mong manh quá đổi cho cái đẹp “sợi nắng” cứu cánh câu thơ anh, bừng sáng không trùng lặp từ vốn kế thừa bậc tiền bối Bùi Giáng thi nhân với dòng chảy miên man, lặng lẽ: “Âm thầm như nhánh sông quê/ thấm sâu vào đất câu thề đã xưa”(Đường về)**. Chỉ một nhánh sông quê đủ làm nên mùa vàng cho sự sinh sôi cánh đồng văn mà anh chăm chút. Cuộc sống vốn bình thường, nhưng được nâng lên nhờ sắc xuân tươi trẻ. Thơ H. Man 35 bài lục bát dù có đượm buồn, nhưng là cái buồn thi vị đáng trân trọng biết bao cho sự sinh tồn tiếp nối, cho sự tận hiến khôn nguôi:

        “Cháy lên những mụn than hồng

         Rồi tan loãng giữa mênh mông đất trời

         Cội nguồn sông suối à ơi

         Đất quê khép chặt mấy lời kệ kinh...”

                                                     (Đất khép)**

         Đất khép lại mở ra những khao khát cháy bỏng trái tim thi nhân. Không là cái cớ của một Lưu Trọng Lư “Ai bảo em là giai nhân /Cho đời anh đau khổ/ Ai bảo em ngồi bên cửa sổ/ Cho anh vướng nợ thi nhân”. Mà cội nguồn trong sâu lắng nhất, vẻ đẹp phụ nữ, của người mẹ tần tảo đơn côi thuở nào: “Xứ nghèo bếp lửa chiều đông/ Cứ nhen nhúm mãi chút lòng rạ rơm/ Giọt mồ hôi đổi chén cơm/ Nuôi con tình mẹ dẻo thơm một đời”(Nhớ mẹ)**chan chứa đủ đầy nuôi dưỡng tâm hồn anh sao quên được. Có lúc anh như cánh mai kia khi mỗi độ xuân về khoe sắc áo tươi nguyên, đủ thẩm thấu được thế nào viên mãn cho sự thăng hoa mà trăn trở:

         “Đã vàng một đóa trong nhau

          Mà run sương giá cuối ngày sang xuân

          Đông thay áo lá ngập ngừng

          Có nghe đau nhói trong từng búp non

          Với người

                          một cánh môi ngon

          Với tôi

                      một chút hư mòn thời gian

          Mở lòng đón gió xuân sang

          Có thương chiếc lá hư tàn bữa qua

          Cứ vì xuân

                          mà trổ hoa”/ (Hoàng mai)**

      Mùa xuân, dấu hiệu của cái đẹp. Cái đẹp không riêng gì đất trời, cỏ cây hoa lá xoay vần tạo hóa. Cái đẹp chính ở tâm hồn người khi biết khám phá, vun đắp sẻ chia giá trị của sự tận hưởng. Cái đẹp trân trọng vốn có từ đôi tay người làm nên, thơ cũng vậy rất từ tốn nhẹ nhàng, nhịp thơ rơi dòng “Với người/.../ Với tôi/...”  một sự đối lập tương xứng cùng đánh thức làn hương ngọt ngào ý vị, mà đầy thảng thốt âu lo trong sự cộng hưởng thời gian rất riêng H. Man: “... Bây giờ tay nắm bàn tay/ Tình không là rượu mà say hết đời...”. Phải chăng cốt lõi cái tình bắt nhịp con tim là hơi thở thường ngày đâu cho riêng thi nhân mà tất cả.

         Đến Lục bát bay vòng là sự tiếp nối cho cái “say hết đời” của H. Man như thế nào?

       Đi tìm câu trả lời không khó. Cái khó ở người làm thơ trong cảm thức mùa mênh mang, cảm thức không gian tầm tay khó với, độ chín trong tứ thơ lục bát, độ rung thanh âm tự tơ lòng bật ra: “Nao lòng một phím thơ rung/ Tình như mây trắng chập chùng trên cao/ Khi về, đón nhận hư hao/ Vườn xưa, kìa! Bóng chim nào vụt qua...”(Về sau những cuộc rong chơi)*. Tha thiết với cuộc sống đến thế, không là cách nói bóng câu qua cửa trong ngẫm nghĩ người đời. Với anh, cánh chim của bay lượn, tung hoành thoáng trông mà nuối tiếc khôn nguôi giữa vùng trời mênh mông độ lượng, mà khắc khoải vô biên: “Gọi người, tàn một mùa mơ/ Gọi tôi, những bước chân hờ hững đi...”(Về với mưa đông)*.

         Câu trả lời cho mạch thơ với nhân vật trữ tình tiếp nối từ H.Man 35 bài lục bát đến Lục bát bay vòng : “người” và “tôi” và có cả “em”, cùng với cách nói trống không: “ai” phảng phất âm hưởng ca dao: “Dây tình ai buộc tay ai/Trời xa, mây trắng cứ mài miệt tôi”(Một mình với biển)*. Có thể trên từng chặng đường phiêu lãng, như Bất chợt mưa trên đèo Tà Nung*, hay điểm dừng chân Bên cầu Daknong nghe nước chảy*,... đầy xao xuyến tâm hồn. Cảnh và người bên đời hòa quyện chút bâng khuâng thương nhớ. Nhớ nhất vẫn là “em”, ẩn dấu trong tim bức xúc bật ra rất H.Man: “Tôi cầm chút mộng đào hoa/ Mà đi cho hết năm xa tháng gần/ Mỗi lần lá rụng đầy sân/ Là thương cái thuở ân cần gọi nhau” (Lặng lẽ chiều)*. Với người tình, thi nhân chỉ có khoảng trời thơ:

         “Dở chừng lời hẹn xưa, sau

         Tóc xanh kia đã úa màu thời gian

         Ngùi ngùi trời đất mênh mang

         Câu thơ đến tím mấy hoàng hôn xưa

                                                   (Lạnh đông)*

        Trong Lục bát bay vòng, ngoài sức mạnh của từ láy từ ghép, còn có sự phá cách thể thơ không đánh đố độc giả, chút sẻ chia gợi nhớ tình phụ tử đầy trân trọng biết ơn khó mà nguôi ngoai:

           “Bảo rằng liều liệu tàn phai

           Trái mít non đã chín một vài khúc ru

           Mẹ giờ ngút ngát trời thu

           Bốn tao nôi còn vọng

            tiếng chim cu gọi bầy”/ (Về khúc hát ru)*

         Cứ mỗi câu thơ làm nên cái tứ trọn vẹn chữ tình thật chỉn chu, cho dù trong tần suất thanh âm tâm hồn biến động, bao trùm cái buồn đồng vọng không thuộc về bản ngã, dẫu như biến thiên của đất trời, dịch họa neo lòng người khắc khoải âu lo. Mỗi bài lục bát của H. Man thấm sâu cái hay ở nghĩa từ vốn có kết tụ mà thành, theo dòng chảy cảm xúc miên man khơi gợi của một Lục bát bay vòng*:

          “Lơ ngơ lục bát bay vòng

           Còn trong biến dịch niềm mong mỏi chờ

           Đã mòn ruỗng một đời thơ

           Đường trơn đá cuội cứ ngờ nghệch đi

 

           Nghe trong không vọng tiếng gì

           Cứ như tiếng khóc từ khi chào đời

           Lời ru theo mẹ về trời

           Ca dao mắc cạn những lời đục, trong

        Miệt mài “những lời đục, trong” lắng lại, và làm bung nở cho toàn tập Lục bát bay vòng thể như bóng nguyệt mát lành sẻ chia.

                                                           Bình Định, 31.03.2022

........

*Tên bài thơ trong tập Lục bát bay vòng

**Tên bài thơ trong tập H.Man 35 bài lục bát



Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2022

ĐÈN RA GIỮA GIÓ- Truyện ngắn Nguyễn Thị Phụng

 ĐÈN RA GIỮA GIÓ 


    1. Trăng thượng tuần. Cái dấu mốc cho trăng thượng tuần là mùng sáu. Còn mùng một lưỡi trai, mùng hai lá lúa, mùng ba cao liêm, mùng bốn lưỡi liềm, mùng năm liềm giật, mùng sáu thật trăng. Chị thuộc làu từ lúc theo mẹ đến khi tự mình bưng thau áo quần ra giếng làng để giặt. Tranh thủ thời gian chút ánh sáng tự nhiên còn nhanh chân về nhà chuẩn bị sớm mai đón tàu cá ba về. Nói tàu cá ba về, thực ra ba chị làm công cho chủ tàu lớn nhất xóm chài này. Xóm chài có Bãi Trong và Bãi Ngoài. Một cách gọi đơn giản Bãi Ngoài nằm phía bắc, Bãi Trong nằm phía nam bán đảo Bình Minh. Nhà chị ở Bãi Trong. Mọi sinh hoạt đi lại trước đây đều hướng biển. Đêm cũng như ngày các tàu thuyền đánh cá ra vào tấp nập. Giếng làng thường là đầu làng, nhưng trải qua mấy thế kỉ rồi, giờ nằm lọt thỏm trong khu dân cư xóm chài cạnh nhà chủ tàu. Cứ mỗi lần chị bê bên hông thau áo quần ra giếng, là anh mừng thầm. Bởi ánh sao trời chưa đủ sáng, có cơ hội anh xách chiếc đèn ra để cạnh giếng nhỏ nhẻ “Đèn tỏ hơn trăng”. Chị im lặng đón lấy ánh sáng từ ngọn đèn dầu hơn là âm thầm mò mẫm với thau áo quần đầy mùi nắng gió biển trộn lẫn sự tất bật của ba mẹ, thằng út bốn tuổi còn đái dầm, xả đi xả lại mấy lần nước, hơi muối mặn mùi cá tôm lúc sinh ra chị đã hít thở và yêu đến bây giờ. Từ đôi tay chị cảm nhận nước giếng Bãi Trong vị ngọt thanh mát ấm theo mùa. Và cứ mỗi đêm ra giếng, chị chờ cây đèn chắn bão, dù là trăng đã bước vào trung tuần.

      Chị lại nhớ có những đêm trăng thượng tuần như thế.

      Rồi bao mùa trăng trôi qua…

      2. Bẵng đi một thời gian lâu, đêm đêm ánh sáng điện xua bóng tối quanh giếng làng ra xa tít ngoài kia. Trên những đồi cát ngàn năm, nơi dành cho những người nằm xuống yên nghỉ suốt đời, khép gần kín hai đồi cát!... Các đồi phi lao mới trồng bầu bạn với nắng gió và trăng sao trước đây đều nằm phía sau bán đảo, việc qua lại đất liền là những con đường nhỏ men theo đồi cát. Rồi lối đi qua truông cát ngày nào khó khăn giờ lại phẳng dần thành đường nhựa thẳng tắp, cây trồng hai bên được cắt tỉa tử tế, cây ánh sáng trẻ trung từ dưới cát mọc lên. Đêm soi tỏ lối đi, ngày nắng táp, nườm nượp xe cộ qua lại, kể ra cũng thấy hữu ích. Thế gian đã biến cải đồi nên đường. Đó là sau khi cầu An Toàn bắc ngang qua biển, nối bán đảo với đất liền thì đường bộ thẳng tắp thành trục lộ giao thông chính. Có những hôm theo mùa gió lốc cuốn bụi cát trùm cả bên ngoài những chiếc xe hơi vừa mới chạy qua, người ngồi bên trong xe mát rượi vẫn cứ choáng mắt, dù chưa cảm giác cát hốt ném vào mặt lái xe hai bánh có mang kính mát và che khẩu trang kín mít vẫn nghe sàn sạt sàn sạt ghê rợn cả người. Theo biển chỉ dẫn rẽ về phía đông, tất cả sẽ ồ lên “biển kìa!...”. Đó chính là một góc Bãi Ngoài được thiên nhiên ban tặng con người nơi bán đảo Bình Minh.

      Hai bên đường, những đồi phi lao chưa kịp cống hiến dâng đời, nghĩa là bóng cây chưa đủ khép kín cho lũ con trai con gái lên đây hò hẹn, cho những cuộc picnic thư giãn trong dịp lễ hội được nghỉ ngơi, nghĩa là chưa đến tuổi khai thác lấy gỗ, bị cưa ngang, trần trụi giữa biển cát. Gốc chổng lên trời. Gió rát rạt. Không lâu. Một sân golf trải rộng hoành tráng. Mà thường ngày mẹ con chị chăm sóc tưới tiêu cho cây cỏ đều một màu xanh đã gần năm nay. Cảm giác thưởng thức cảnh trời biển giữa tầm nhìn ngày nào, nhường chỗ cho khu nghỉ dưỡng YES  như cái nấm sắt mọc lên.

       … Chiếc xe biển trắng vừa đậu lại bên đường. Cùng lúc hai cánh cửa mở ra, hai người đàn ông bước chân xuống. Tay không thong thả bước, bên cạnh người tài xế cũng ngang tầm. Mà họ cũng hay thật, đồng phục giống nhau, thể như các vị lãnh đạo cao cấp. Hay họ đều là lãnh đạo. Không, nghe nói họ là một trong nhóm của nhà đầu tư YES hay hội đồng quản trị gì gì đấy, nếu tính thì đang độ tuổi ngũ thập đã biết tri thiên mệnh chưa, mà tri nhân mệnh là số một. Chị chỉ biết vậy thôi. Lạ lắm. Không, quen lắm. Chị nghe rõ nhịp tim mình dồn dập khi thoảng nhìn họ đi ngang trao đổi gì với nhau. Chỉ đủ nhận ra màu da sậm hơn chút. Có điều cái dáng ngày xưa gầy, giờ bệ vệ nặng cân so với tầm vóc. Trời qua tiết xuân phân, nắng nhạt mà sao dưới chân chị đất cứ quay. Cả sân golf chấp chóa trên đầu. Thằng con trai làm bảo vệ cho YES cũng tranh thủ ra tưới cỏ, thấy mẹ lảo đảo, nó thả vòi phun nước chạy đến nơi thì chị đã ngã người trên sân. Từ xa, hai người đàn ông chùng bước, quay lại tiếp sức người con trai đưa chị lên xe thẳng hướng bệnh viện.

     3. Sau tháng điều trị về nhà không còn nhanh nhẹn như trước, chị nhích từng bước chân ra cửa, cố gắng lắm mới đến giếng nước. Giếng làng giờ cũng ít người lui tới nữa, vì tất cả đều sử dụng giếng khoan, nước máy. Chị ngồi đấy. Rồi nhớ chưa tắt nút điện, nhưng thôi, tối nào sau khi cơm nước hai đứa con chị mới có mặt ở nhà. Từ hôm chị bị bệnh, thằng con trai cố gắng xin ca bảo vệ đêm để thêm thuốc thang cho mẹ. Chị lững thững quay về khi trăng mười bảy đã trên đỉnh đầu.

       Chị lách qua cánh cửa bước vào nhà. Mùi hôi nồng nặc trùm kín không gian,  tanh đến khó chịu. Thì ra con gái chị bị đi lỏng ra ngoài dính cả quần trong. Còn nữa, cái mùi chua thức ăn nước uống không nạp được trong dạ dày bị lôi ra đầy sàn nhà. Xưa nay thì… làm gì có chuyện ấy! Chị mệt mỏi ngồi xuống ghế dựa, hắt hơi liên tục đến khó chịu. Con gái mặt trắng bệch, chệnh choạng lại gần bên chị xin lỗi. Chắc là con… Câu nói bỏ lửng. Rồi đầu gục dưới chân mẹ. Hai mắt nhắm lại. Chị lơ mơ đã hiểu ra chuyện thằng anh đã cố gắng xin cho em gái làm nhân viên khu nghỉ dưỡng hơn tháng nay. Với lại em nó mới vừa tốt nghiệp Cao đẳng Y tế, ngành Điều dưỡng, chưa nơi nào nhận. Giờ có việc làm. Vậy là mừng.

      4. Hồi ấy, nghe nói chị đi làm ăn xa, lấy chồng, sinh con. Sau năm năm trở về,  chị sinh tiếp con em đúng hôm rằm. Ba nó đặt tên là Trăng. Bởi thằng con trai đầu lòng anh để cho chị chọn và đặt tên Đèn. Trăng lớn lên có cái nhìn thẳng giống cha. Còn riêng Đèn, con trai giống mẹ, đôi mắt cứ đượm buồn xa xăm. Bấy giờ, Trăng chuẩn bị vào lớp một. Tàu anh ra khơi đã hơn một tuần, cơn bão số 4 đổ vào biển đông, chưa lánh kịp vào nơi trú ẩn. Anh cùng hai ngư dân trên tàu nằm lại giữa biển khơi. Người ta bảo sinh nghề tử nghiệp. Biển cho con người nụ cười  và chính nơi ấy gieo vào lòng người nước mắt đắng cay. Hai đứa trẻ mồ côi cha. Từ đó, một mình chị dựa vào cá tôm chế biến nước mắm, mắm cái,… rồi phơi mực khô, cá khô,… đổi gạo cũng tạm đủ ba miệng ăn và nuôi được hai con học xong bậc phổ thông.

        Sau khi đi nghĩa vụ về, không được mẹ cho ra khơi đánh cá cùng ngư dân nơi đây, Đèn nói con người có số, thấy mẹ im lặng, đành ở nhà phụ việc giúp mẹ, khoản thu nhập có khá lên, chi tiêu thong thả hơn, lo cho em Trăng đi học. Rồi việc chế biến mắm cá thủ công bị cạnh tranh, nên ế ẩm. Cùng lúc ấy, tập đoàn YES về xây dựng khu nghỉ dưỡng ở Bãi Ngoài, mẹ con chị xin vào làm công. Nghe nói Đèn là võ sĩ có uy tín, được nhận làm bảo vệ. Dẫu lương ít, được gần nhà. Việc coi kho, theo dõi người ra vào, đóng mở cổng với Đèn là chuyện nhỏ. Chỉ có điều từ hôm Đèn đứng về phía người dân xã đảo, đề nghị giám đốc, tháo gỡ hàng rào sắt chắn biển, nhưng không có sự đồng thuận. Đèn dè dặt, theo dõi mọi việc. Kể cả từng bước chân em Trăng phụ việc lau sàn nhà, rửa chén bát. Sau tuần làm việc thứ tư, Trăng được chính thức là nhân viên. Đó là theo yêu cầu sếp. Chiều thứ hai đầu tuần sau cuộc họp ban giám đốc, tổ chức liên hoan. Đèn kịp thời tách cái đám dựa hơi “cụng li” khi em nó phải đứng hầu bàn từ lúc chiều đến tối.

      5. Kể từ hôm đi với sếp, trợ lí cảm nhận sếp thường phân vân một điều gì đấy, mỗi khi về lại khu nghỉ dưỡng YES. Trợ lí được giao nhiệm vụ theo dõi camara hằng ngày kiểm tra từng việc làm nhân viên. Chắc như đinh đóng cột. Họ thường đeo khẩu trang và ít nói chuyện, và chỉ người Việt nói với nhau thôi. Không một ai nghỉ tay. Trừ khi phải vào nhà vệ sinh vài phút. Khoảng hơn mười giờ sáng hôm đó, sau cuộc gọi, sếp ra ngoài và đi ngay. Hết giờ làm, trợ lí kiểm tra lại các phòng. Màn hình vi tính trên bàn sếp còn sáng, đưa tay điều khiển con trỏ để tắt, bất ngờ fb sếp đang chát tin với Ốc trăng còn đấy. Trợ lí sực nhớ  hôm ấy, sếp thích dùng món ốc trăng, nên gọi : - Ốc trăng. Cho thêm một tô ốc trăng nữa đi. Thấy cô phục vụ giật mình mang tới. Thì ra… Trăng chính là Ốc trăng đây, hình đại diện chỉ là con ốc trăng. Còn ảnh bìa là các vảy ốc trăng lớn nhỏ xếp nhấp nhô như sóng biển. Trợ lí tò mò đọc:  20 THÁNG 6 13:15’… - Ốc trăng ở đâu, làm gì? – Ở biển, làm thuê. – Không đi học à. – Học ra trường mà chưa có việc làm. – Ta đổi cách xưng hô nhá. Cháu học nghề gì? – Dạ. Chăm sóc sức khỏe con người. – Lại tếu nhỉ. Nghề nào không chăm sóc sức khỏe con người. – Dạ, bác hơi quan tâm. Cháu thường bị dị ứng với người hay quan tâm! – Không đâu cháu ơi. – Chào bác… 10 THÁNG 7 12:18’…– Bác thích nói chuyện với cháu.  14 THÁNG 7 21:20’… – Ốc trăng đang ở đâu, làm gì? – Cháu nhớ bác đã hỏi lần thứ nhất rồi mà. – Xin lỗi. Cách nói chuyện của cháu cặn kẽ giống một người bác quen lâu. – Vậy há bác. Người lớn thích hoài niệm à! – Cháu còn đi làm chứ! – Dạ, ngày nào cũng có việc để làm. – Không. Ý bác là cháu đã xin việc chưa. – Cháu nghỉ việc rồi. Chào bác…

       Trợ lí phân vân. Rồi để nguyên màn hình. Tắt điện. Ra ngoài. Nghĩ mãi. Từ hôm bị say, con bé Trăng xin thôi việc đã một tuần rồi. Chính xác nick name Ốc Trăng là Trăng. Kể cũng lạ. Người miền biển mộc đến độ đặt tên Đèn, Trăng là từ thuần Việt yêu đến vậy. Huống chi sếp người Việt, độc thân tại chỗ, sao cấm dành cảm xúc Trăng.  Phần kỉ yếu sếp trong hội Doanh nhân khiêm tốn đứng sau tầm các nhà tỉ phú Việt. Có người thực tài thiếu tâm. Có người thực tâm thiếu tài. Có người thực tài thực tâm. Có người chẳng có tài tâm gì cả. Nhưng xét ra sếp không thuộc dạng cuối cùng:

        Đồng Dân, con trai Đồng Văn. Gia phả tộc họ ở Lạng Sơn di cư theo đường biển hơn hai thế kỉ. Sinh sống bán đảo miền Trung này. Sau năm 1980, cả gia đình lại tiếp tục cuộc di cư thầm lặng ra biển sang nước ngoài. Theo la bàn hướng đông đi thẳng, đến tảng sáng triều rút, tàu mắc cạn va chạm đá, đỗ lại cạnh một đảo lớn chỉ thấy xương người trên cát vàng không một dấu chân. Chờ triều cường, con tàu lại tiếp tục. Thế nhưng, mất hướng, tàu bị giữ lại buộc phải vào cảng Ma- Cao. Họ Đồng được xếp ở trại tị nạn hơn nửa năm. Cùng ăn những phần cơm như nhau, nhưng Dân biết được ít tiếng Anh, anh được phép chọn đất nước tị nạn. Dân chọn Úc Châu. Mười năm nay Dân trở về Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư. YES là nơi Dân thích nhất, vì nơi đây Dân đã khóc chào đời cho đến ngày trôi dạt lênh đênh trên biển. Ba mẹ Dân đã vĩnh viễn nằm lại xứ người. Vợ Dân là một phụ nữ từng chăm sóc cha mẹ anh ở trại tị nạn cũng đã li hôn sau cái chết đứa con gái lên bốn tuổi. Anh dồn hết vào công việc đầu tư xây dựng, đôi lúc độc đoán cả quyết. Chính cái cả quyết đã tách xa anh với mọi người, nhất là người địa phương gây ra mâu thuẫn tranh chấp ranh giới khu vực YES, cái gọi là mở rộng diện tích. Nhưng anh đã quên một điều, ý dân là ý trời. Chính vì thế hằng đêm, ý dân cứ dồn dập hiện nguyên hình con sóng bạc lúc êm ả nhẹ nhàng, lúc dựng đứng thể bức tường sinh tử đe dọa, vỗ về. Một mình anh chênh chao chới với. Anh đưa tay vói con tàu phía trước đã lấy lại thăng bằng, nhưng anh cứ chập chờn hụt hẫng, anh hét lớn: - Chờ tôi với!... Người đàn ông trên tàu bảo “không thể, hãy tự biết điều khiển con tàu đúng cách”. Người đàn ông đưa tay vẫy bảo anh ngẩng caođầu ngắm trăng vàng, anh cũng nhìn theo đâu thấy gì, cả một vùng xám xịt se sắt. Dân bực mình giữa sóng gió còn lãng mạn. Nghẹn củ mì sao nói được, quay sang không thấy người đàn ông ấy nữa. Lại bị lừa. Dân tức điên lên. Nói không thành tiếng. Cứ ú ớ… ư ứ… Giật mình, cái cổ bị đau một bên, vì gối cao, ngủ quên lúc nào không nhớ. Anh nhìn đồng hồ mới một giờ sáng…

      6. Mùa hè, năm giờ trời sáng hẳn. - Alo. Trực ban Văn phòng UBND tỉnh An Tín nghe đây. Vậy à, thế thì tốt. Tôi sẽ báo lại lãnh đạo. Khỏi phải cưỡng chế. Chúc ngày mới vui. Còn lũ trẻ xóm chài đua nhau chạy thẳng một mạch trên cát ở Bãi Ngoài ngang qua khu nghỉ dưỡng YES thẳng đến đồi cát phía tây đầy khí thế. Ánh mặt trời không bị vướng cái hàng rào dây thép chắn ngang bãi biển. Mặc cho ngoài kia hai luồng hải lưu ấm lạnh thỏa thích tự ngày nào đầy dấu ấn cứ làm nhoi nhói tim anh. Biết rằng sau hai tuần ở nhà, con bé Trăng đi làm trở lại. Anh tạo điều kiện Trăng vào phòng y tế phù hợp chuyên môn được đào tạo, sao anh chẳng thấy vui, chẳng vào máy chát với cháu nữa. Anh, người đàn ông ngoài năm mươi, gương mặt tuổi trung niên, riêng cái bụng đã phệ, thong thả ra cổng lớn đi thẳng về phía Bãi Trong. Được một khoảng quay lại, khu nghỉ dưỡng xa tầm mắt, len vào con hẻm san sát những ngôi nhà thấp tránh bão, một chút xao xuyến khi anh nhìn hai cánh cửa gỗ nâu bám đầy bụi mốc phếch được khóa kĩ lâu ngày rỉ sét. Trước sân ngôi nhà một tầng, lạ chưa, cội mai ngày nào gốc bằng cổ tay em bé, giờ đã to gấp đôi đứng đấy, lá cằn lại. Chưa được tám giờ, nắng như táp vào mặt. Anh định quay về con đường thẳng tắp khi ngồi trong xe hơi có máy điều hòa từ khách sạn này đến công trình nọ, khu nghỉ dưỡng kia. Rồi tiếng nước đổ mạnh vào thùng chứa cạnh nhà, anh nhìn sang cái giếng làng ngày xưa những chỗ bị vộp, rạn nứt  được trám lại bằng xi măng. Cái giếng nước từ bao đời đến giờ tồn tại bởi đã nuôi sống cả những người thân sơ quanh bán đảo này. Không một bờ tường cổng ngõ rào chắn ngăn cách những khi tối lửa tắt đèn. Xưa nay vẫn vậy. Anh đưa tay gõ nhẹ vào cánh cửa ngôi nhà nằm cuối hẻm. Im lặng. Gõ nhẹ lần thứ hai. Im lặng. Sau lần gõ thứ ba, tiếng người đàn bà vọng ra, chậm rãi: - A-i đ-ó? - Xin lỗi, là… tôi đây!... Im lặng.

     7. - Xin lỗi, cho tôi vào nhà tiếp chuyện được không bà.
       Im lặng. Người đàn bà lấy lại bình tĩnh. Nghĩ sẽ đáp lại là không… không thể tiếp ông được, dẫu gì… ông ấy đã trở về. Rồi bảo là cửa khép. Vậy thì bà cho tôi tự mở cửa bước vào. Vạt nắng sớm hạ không bị cản đã in rõ bóng đôi chân ông đứng giữa nhà. Bà bỡ ngỡ khi cuộc gặp bất ngờ không báo trước. Người đàn bà ngồi trên giường chớp nhanh đôi mắt, chỉ trong ánh ban mai mới soi rõ lớp bụi li ti nhảy múa bám vào, bà bỏ chân xuống đất, đứng lên nhích từng bước đến cái bàn kê trước tủ thờ, định kéo ghế mời khách ngồi. Nhưng ông đã làm thay bà việc ấy. Bà không quên rót nước mời ông dùng. Im lặng. Người đàn ông giật mình nhìn gương mặt trên di ảnh mà đêm hôm qua đã gặp chập chờn trong con sóng ấy. Bà nói đó là ba cháu Trăng. Thế ông đến đây còn có việc gì nữa không? Có, tôi đến là để xin lỗi bà. Cả đời tôi còn nợ bà rất nhiều… Sau tháng ngày ở YES, đến lúc này tôi sợ mình phạm lỗi lần hai nghiêm trọng hơn. Đó là lí do tôi tìm nhà bà. Ánh Nguyệt! Cho tôi gọi em là Ánh Nguyệt. Bởi tôi nhận ra ở cháu Trăng ẩn vẻ đẹp hồn nhiên của em ngày nào! Điều đó tôi chẳng thể… Tôi yêu em, nên rất quý con em!... Người đàn bà- chị, Ánh Nguyệt run bắn lên: - Ông đã làm gì nó! Hả!... Như tiếp sức cả thời con gái đợi chờ bấy lâu bị dồn nén bật ra, chị nắm lấy tay người đàn ông ngồi đối diện mình, dằn mạnh: Hả!Ông đã làm gì nó! Ông đã làm gì nó!... Khi mẹ nó ngồi đây! Chị gục trên đôi bàn tay mình, ràn rụa…

       -Vậy là sau ngày tôi đi…

       Không cho ông nói dứt lời, chị nhìn thẳng mắt người đàn ông, trút giận:

       - Thì tất cả vẫn cứ sống. Tôi sống. Cả làng chài sống. Sống đàng hoàng nữa là khác. Nghĩa là muốn có hạnh phúc phải biết hi sinh.

       - Không, ý tôi muốn biết em có hạnh phúc không?

       Lúc này, chị không trả lời thắc mắc của ông. Chị định lặp lại cảm xúc ngày ấy mà cùng ông mơ mộng “hạnh phúc là gì bao lần ta lúng túng…”. Nhưng chị bảo hạnh phúc là thứ gì quá xa xỉ, quá ngờ vực. Rồi chị dằn từng tiếng: Hạnh phúc là tôi đã là đàn bà trước khi lấy chồng, rồi sinh con. Chưa hả nỗi đợi chờ, bà dằn mạnh từng tiếng: Ông biết không? Ông biết không?,...

        Dân không ngờ, Ánh Nguyệt của ông thuở ấy nhu mì bấy nhiêu mà hôm nay hằn học ông nhiều đến vậy. Thật quá đau lòng. Hay sự bất hạnh đã làm cho người đàn bà trái tính. Nhưng nàng nói đúng, ông cảm thấy bị xúc phạm, định bước ra khỏi cửa, lại nghĩ chính mình tự mở cửa xin vào nhà kia mà. Lựa chọn cửa nào nữa đây. Đã gần tuổi lục tuần. Chỉ còn cửa về cát bụi. Đời người là vậy. Đoạn, người đàn ông cắt ngang câu chuyện khi ngước nhìn lại trên bàn thờ có cây đèn chống bão ngày nào đặt bên di ảnh:

       -Thế em còn giữ cây đèn ngày ấy để làm chi nữa!

      - Đó là sự lựa chọn của tôi. Quyền của tôi. Vì đó còn là… là… kỉ vật của ba thằng Đèn. Ông không nhận ra à, hay giả vờ không biết? Hừ!... Chị nghẹn lại.

     - Ánh Nguyệt!... Anh xin em!... Anh xin em đừng nói nữa! Em hãy cho anh cơ hội cuối đời này. Hiện giờ, anh không còn một người thân nào nữa cả. Cho anh… anh định nói cho anh được nhận làm ba của… hai anh em Đèn và Trăng. Nhưng chưa phải lúc. Anh nói cho anh… được bù đắp cả đời em cơ cực.

       Đoạn, hai tay anh vói nắm hai bàn tay gầy guộc của chị. Lúc này, bên ngoài  gió mạnh, phía đông mây giăng kín, trên mái nhà, tiếng tôn răng rắc, răng rắc. Họ im lặng. Trời bắt đầu rớt hạt. Mưa. Lồng ngực chị hồi xuân. Chị ôn tồn nói biết bao nhiêu cho đủ tháng ngày dài, nếu không có ba con Trăng che chở, yêu thương. Tôi lại là người duyên không thành, nợ không dứt. Đời tôi còn nặng nghĩa với ba con Trăng nhiều quá. Còn… tình với anh ngày nào liệu đến bao giờ vơi đây!... Đàn bà hay ngả lòng. Tôi chẳng muốn nhận sự bù đắp nào. Hãy bình tĩnh để tâm hồn thảnh thơi hơn. Nước mắt chị rơi xuống trong lòng tay anh từ đầu đã kết thành hạt muối trắng tinh khiết mặn nồng từ tình yêu đôi lứa ngày nào, gần ba mươi năm giờ anh có được trọn vẹn hay không! Ai là người có lỗi.

         Vừa lúc, hai con chị đi làm về. Biết bác Dân là bạn ba mẹ, chúng ngỡ ngàng và cảm ơn bác đã ghé thăm khi mùi trầm hương còn phảng phất trên bàn thờ. Bên ngoài trời đổ mưa. Nước tuôn thành suối trong các con hẻm rồi chảy ra biển. Mưa xối xả rũ sạch bụi trần nhem nhuốc. Mưa cho nước biển chan hòa hơn. Cây mai đứng một mình trong sân nhà anh được tắm táp mát mẻ. Anh bảo thường năm phải chăm bón đến giữa chạp, chịu khó lặt lá mai cho kịp ra hoa đón Tết./.

Nhà sáng tác Nha Trang,10.2017                
Nguyễn Thị Phụng.

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2022

NGUYỄN TRÍ VỚI MA LỰC CỦA CỘI NGUỒN. Nguyễn Thị Phụng

                  MỘT BÀI HỌC NHÂN SINH BẮT ĐẦU BẰNG SỰ TỬ TẾ

        
       Ma lực của cội nguồn(NXB. HNV- 2022) là tập tiểu thuyết thứ ba cũng là tập thứ 19 của Nhà văn Nguyễn Trí đã xuất bản trong mười năm lại đây, nhiều nhất là truyện ngắn. Đâu dễ gì sự đam mê văn chương từ tuổi thơ đến giờ đã thành hiện thực, cuộc mưu sinh đã nhào nặn quăng quật trong thế cờ người và chính nhờ “có bột mới gột nên hồ”. Dù là truyện ngắn hay tự truyện cô đọng, thì tiểu thuyết với Ma lực của cội nguồn cũng là loại tự sự với dung lượng lớn 320 trang của 8 chương, bao quát cả giai đoạn chuyển mình của xã hội miền Nam trước và sau 1975, có vị trí quan trọng về thời cuộc luôn chịu ảnh hưởng và trách nhiệm của người cầm bút. Những nhân vật nếm trải mùi đời, được cuộc sống dạy dỗ trong họ luôn ấm nóng dòng máu yêu thương đầy thần bí làm nên Ma lực của cội nguồn: “Giang hồ gốc Năm Cang nhận ra được làn khói của sự cô đơn từ từ bay ra khỏi mắt Jerry-Quynh. Đúng là vậy. Cái đôi mắt buồn không thể buồn hơn của ông ta từ từ sáng lên màu của hạnh phúc...”*

        Màu hạnh phúc được tô đậm cân bằng lẽ sống về tình yêu chân thật nhất, xoay quanh các nhân vật trong Ma lực của cội nguồn ám ảnh vòng xoay xuôi ngược đầy cung bậc mà con người luôn bị điều khiển bởi từ ma lực của đồng tiền và danh vọng cuốn hút. Trở lại bức tranh xã hội đầy biến động ấy, đứng góc độ nào thì người lao động dù chật vật do hoàn cảnh chưa thoát ra được sự kì thị sắc tộc từ trong chiến tranh và tàn dư xâm lược, mà nạn nhân vẫn là những người đàn bà không tránh khỏi chức năng sinh đẻ, trong thị phi của kẻ sĩ diện vốn có chưa mạnh dạn thoát ra được với chính mình. Kể cả những đứa trẻ khác màu da không từ sự bất hạnh người mẹ bỏ rơi, còn người nuôi chẳng xuất phát từ tấm lòng nhân hậu, chỉ duy nhất với sự ích kỉ của mình. Ngay từ chương I, Nhà văn đã giới thiệu không gian quán “Thiên Thanh là điểm thứ dữ ở kinh tế mới M.”* Gặp gỡ và giao lưu để làm nổi bật nhân vật Năm Cang: “Dân chơi truyền rằng: Dữ ở đây là dữ tiền, dữ vàng chứ không phải dữ tợn đâu nghe- dữ tợn với Năm Cang- quản lý quán- là chết đó”*. Dân chơi có muốn gặp là phải đến lần thứ tư hình ảnh Năm Cang hiện ra “cao áng chừng mét sáu lăm, ria mép và mắt mí lót, lưng gù gù như gấu rừng lại đậm chất phong trần”* Và từ đó Nguyễn Trí khai thác tận cùng tư duy các nhân vật trong Ma lực của cội nguồn đằng sau các bộ quần áo xã hội đa sắc.

        Cái phong trần ấy đã gắn bó mối quan hệ giữa Năm Cang và Linda Đen- nhân vật chính, như thế nào. Thời thế có tạo nên anh hùng cưu mang những người bất hạnh, không là nghĩa hiệp mà cũng từ cơ hội đồng tiền cho cuộc mưu sinh. Điểm giống nhau Năm Cang cũng từ đứa trẻ đỏ long lỏng bị vứt ngoài sạp chợ được vợ chồng Nam Trắng hiếm con nghe lời mách đã lượm về nuôi. Dẫu gì Cang được đi học đến lớp năm và biết hái ra tiền từ việc “ dẫn gái cho Mỹ: “Ê... Boy...I want a street girl”*. Rồi bất hòa cái gọi là đạo đức giả, rẻ rúng khinh bỉ thường dân ít học là “vong bản” đu theo Mỹ kiếm sống, bắt nguồn xảy ra khi nghe Vinh, em vợ của một Trung sĩ nhất, như châm chọc mỉa mai khi “đọc thơ Đinh Hùng: “Ôi ngơ ngác một lũ người vong bản/ Ta về đây lạ hết các người rồi. Lạ hơi thở lạ đời chung cách sống...”* Việc tranh luận hai chữ “vong bản” từ thằng học 12 đã thua hẳn lí  Năm Cang, ngược lại Năm Cang đã bị những cú đấm mạnh, đã phải về nhà xách súng quyết hơn thua đến cùng ở tuổi 17 đã vào tù từ tháng 2.1973, đồng tiền mau mắn của cha mẹ nuôi quyết định thời gian chỉ bảy tháng tù của Năm Cang lúc bấy giờ. Và bức tranh xã hội cũng phần nào không thể thiếu trong Ma lực của cội nguồn từ chuyện lính đào ngũ trốn quân dịch ở miền Nam là chuyện nhỏ và còn gói gọn một phần câu hát của Trịnh Công Sơn: “Cần sa, nhà thổ, bạch phiến, phòng trà vang tiếng người Việt Nam” qua hình ảnh “Lính tráng nằm gai nếm mật ở núi rừng về được phố sau ăn nhậu cờ bạc thì phải gái gú. Kiếp của họ là “Mày trước tao sau làm kiếp lính, chấp nhận thương đau chỉ một lần”*.

          Phải chăng cái bất bình nào đó đã tạo khí khái của một Năm Cang về lòng tự trọng sau cuộc trở về đến khu kinh tế mới, từ hoàn cảnh lưu lạc, Cang gặp được Trâm, làm nên lại một cặp, đồng tiền công sức Năm Cang luôn gặp ngách để quay đi, Cang đã bị lừa trong vụ đánh bạc, lại vào trại giam từ sự cả tin, sự phản bội cho Cang nặng phần nếm trải, và chính nơi nhà tù “Lão già đã dạy Cang thế nào là bình tâm với mọi sự. Tất cả có đó mà không. Cang ngộ ra rằng cuộc đời này bí ẩn như âm dương và mênh mông như biển rộng. Nó cũng rất dễ hiểu và nhỏ xíu xìu xiu.”* Đầy chiêm nghiệm và thử thách trong nhiều nghề như “truy lùng và buôn bán hài cốt Mỹ, chạy giấy tờ cho dân HO và môi giới con lai”* cho những ngày tiếp nối.

          Còn bé Đen bị bỏ rơi đến khi đứa bé lớn lên cái tên cũng không có, lại là công cụ lao động, còn bị miệt thị rẻ rúng cả thời thơ ấu của Linda Đen. Vì sao những đứa trẻ khác sắc tộc ra đời không được nâng niu, kể cả người thân trong gia đình, không chỉ là quan niệm lễ giáo ràng buộc mà cái chính là lòng hận thù ghét chiến tranh xâm lược đã đốt cháy nhận thức và tâm hồn, lương tri con người. Thể như có trường hợp Lướt, con gái ông Ngạn- theo cả gia đình rời vườn dừa chỉ vì thường ngày hứng lấy: “...Trên trời, “đầm già” của Cộng hòa ra rả rằng: “Yêu cầu đồng bào đang trong vùng Cộng sản tạm chiếm phải rời khỏi trong vòng... nếu không...”*, đi phụ bếp cho đơn vị Mỹ, có “... Thằng Mỹ gài chốt cửa rồi ôm lấy cô gái tội nghiệp. Nó nói nó yêu bởi cô đẹp. Lướt quá yếu nên không thể cưỡng lại được. Cô đã bị cưỡng bức một cách thô bạo và tồi tệ. Nhưng gã Trung úy yêu cô thật lòng... đến tận nhà xin cô Lướt làm vợ”*. Bị ông Ngạn đuổi ra khỏi nhà,...  Sự kì thị đã ruồng rẫy, ghét luôn những đứa con của kẻ xâm lược, những đứa con lai bất đắc dĩ hiện diện trên mảnh đất miền Nam, dù có tình yêu hay không tình yêu.

        Thể như thế cờ đảo ngược, khi diện những đứa con lai được về nước, lại là cơ hội cho mối lái Năm Cang dẫn dắt đầy thận trọng. Đen, là một trong những đứa con lai từ chỗ “Dân lai đen ở xứ mình phải bị sự hắt hủi đến kiệt cùng. Làm việc như con bò, nhưng được đáp trả lại như một con chó, còn bị gọi là mọi đen này nọ”* trở lại là người, được đối xử tử tế, được học biết tiếng mẹ đẻ, học thêm tiếng Anh, đầy đủ khai sinh, có tên trong hộ khẩu, là báu vật hái ra tiền. Ngỡ đơn giản mà rất nhiêu khê, cái lớp áo của chính trực và công lí được bóc tách từ bộ phận cơ sở thủ tục hành chính, cũng là một sự hoán đổi tiền và vàng.

        Cuộc trở về với cha của Đen trên đất Mỹ, cũng như những em bé lai khác cũng phải thay tên đổi họ khó khăn, Đen trưởng thành trên cội nguồn của mình, “Đen kể về bà Linda Martin cùng với ông cha trên xe lăn có tên là Jerry Quynh. Và cô lấy tấm ảnh cô Mai rất trẻ đang ngả đầu vào vai Jerry cho mọi người nhận diện. Đen nói, cô biết mẹ là ai khi chưa cầm tấm ảnh. Lúc đi chăn bò ở Hòn Ngang kinh tế mới, nhiều người đã nói cô có nụ cười của Yên”*. Và khi trở lại Việt Nam, điểm chọn là Đà Lạt trong bầu không khí mát dịu nhẹ nhàng cho Đen gặp lại mẹ, mà nhiều cuộc trở về khác góp phần không nhỏ trên vùng đất ngày xưa đầy tổn thương, giờ đàng hoàng tươi đẹp.

        Phải nói rằng Nhà văn Nguyễn Trí đâu chỉ là cây bút truyện ngắn thành danh với Giải thưởng của Hội Nhà văn từ tập Bãi vàng, đá quý, trầm hương (NXB Trẻ- 1913) đầu tay cùng nhiều giải thưởng sáng giá khác trong cách dẫn truyện như tâm tình sẻ chia, đôi lúc chiêm vài câu thơ câu hát minh chứng thực tế văn học chính là sổ tay kí ức vui buồn con người nếm trải lăn lộn với cuộc sống. Đời sống tiểu thuyết cũng vậy, sự phóng khoáng ngòi bút chính là phương thức tư duy nghệ thuật đặc biệt, nhà văn đã đi sâu khám phá tâm hồn tuổi thơ Đen nhớ về lúc ở nhà Hai Cu. “Bị khinh miệt như một thứ bỏ đi chỉ vì màu da của mình. Đen nói rằng mình đã cô đơn xiết bao khi không có bạn bè, không có lấy một tình thân ái. Cô chỉ là một nô lệ đúng nghĩa của nó ở mọi lúc mọi nơi trên đất nước nầy. Cô đã khóc và đã chai sạn khi biết mẹ và anh chị mình ở đó ở kia mà không một lần dám đến để làm quen. Đến Mỹ gặp được cha nhưng cô vẫn thao thiết mong một ngày về gặp mẹ. Và tự dưng nước mắt cô chảy thành dòng. Giọng kể đang đều đều tha thiết bổng xen vô tiếng tấm tức. Bất đồ bà má tên Mai choải người qua ôm chặt lấy Đen. Rất gầy gò bên đứa con lạc loài, bà cũng tấm tức khóc. Và cũng chính những dòng nước mắt tuy muộn màng đã khiến mọi người chừng như xích lại gần nhau hơn... Không gian cô đọng và thời gian chừng như đứng lại”*    

       Ma lực của cội nguồn khơi gợi không gian, thời gian tĩnh và động đan xen. Chúng ta nhận ra rằng, tác giả không là thượng đế, mọi sự việc rất khách quan được thẩm thấu từ mỗi nhân vật trong cách gọi tên để sẻ chia và bộc bạch. Nhà văn để cho nhân vật mình tự do chiêm nghiệm cho đời dạy dỗ lẫn nhau. Một giang hồ Năm Cang đã thành hình tượng trong tiểu thuyết Ma lực của cội nguồn, trên bước đường phiêu bạc kiếm sống, đời không cho Năm Cang trọn hưởng hạnh phúc một mái ấm gia đình từ ban đầu đến chắp vá với những khát khao. Có thể chiếc giày Năm Cang hơi bị lỏng so với đôi chân, nên lúc guồng quay theo tâm điểm đã phải trượt nhiều lần, có lúc dừng lại là cuộc trở về với cha mẹ nuôi, chỉ còn lại mấy anh em, mất mát bùi ngùi. Hay lúc trở về với con đường, góc phố nhỏ vắng vẻ sau chiến tranh cũng vậy. Cuộc ra đi từ cảng cá Q. đến khu kinh tế mới cho Năm Cang nhận ra biết bao con người, chớp lấy thời cơ dành cho kẻ đục nước béo cò, tìm chút trong rất hiếm. Nhưng Năm Cang đã gạn được và khơi trong chính mình. Đã sẻ chia cho Đen ngộ ra “Bức bối quá mới đành chứ má mầy không bỏ mầy đâu! Bà ấy đã khóc bao nhiêu trong cái đêm định mệnh ấy...niềm đau của mầy tuy lớn, lớn đến độ bốn biển trên trái đất nầy không thể chưa hết, nhưng dù sao, từ nhỏ cho đến khi rời khỏi đất nước này mày đã sống trong nó, bơi lội trong thiệt thòi hất hủi và khinh bỉ nên ít nhiều cũng quen...”* Đó có đủ là ma lực thuyết phục hay không mà cuộc trở về của Linđa Đen cũng không bất ngờ đã từng bỏ tiền ra làm Kara và khách sạn, và sẽ cùng chồng con về xứ này để sống.

          Cách sống của Linda Đen phải chăng cũng là hình tượng nhân vật thứ hai trong Ma lực của cội nguồn lần trở về lần hai gặp lại Năm Cang và nhờ mua lại mảnh đất “Xa khu công nghiệp như thế này mới là nơi để sống. Gần quá chịu không nổi với tiếng ồn và ô nhiễm đâu”* và cũng là được ở gần bên chú. “Nghe Đen nói sẽ về cái nơi mà nếu không có nấm mộ của con gái thì Năm Cang đã bỏ đi, tay bất đắc chí bật cười. Và Đen hiểu được cái cười ấy: - Con là người Việt bởi tâm hồn Việt chú Cang ạ! Con sinh ra và lớn lên trên đất nước này. Chồng con cũng vậy. Chúng con muốn trở về. – Con cái mày thì sao?- Chúng là người Mỹ. Tâm hồn và văn hóa Mỹ chính thống. Chúng yêu nơi chúng sinh ra cũng như con. Vì sao chú không bỏ đất này ra đi?Vì nấm mộ của con gái chú đúng không? Vậy thì tuổi thơ con chôn ở đất này như con gái chú vậy”*. Vậy thì đồng cảm cho một sự tử tế với chính mình từ trái tim cả hai nhân vật Năm Cang- Linđa Đen. Cái màu hạnh phúc từ đôi mắt sáng lên của Jerry-Quynh lan tỏa không giới hạn. Từ nhận thức về tôn giáo cũng được nhắc đến trong nhân vật “Bé Nhỏ không tin thần Phật thánh tướng chi hết... Nhỏ thấy vô lí khi phải xin ai đó trên trời để đủ cái ăn. Nó nói với tình rằng chả ai ban cho đâu anh. Không đổ mồ hôi và nhận lời cay đắng của chú cả thì đừng có mà hòng”*, cũng như hạnh phúc đã đến trong trái tim người mẹ: “Và bà Mai đã nhắm mắt trong thiên đường nhưng không ở trên cao. Thiên đường ở hạ giới và nhỏ hẹp trong bốn mét vuông bằng gạch”*. Nơi mà anh con rể bà Mai xây thêm.

        Tiểu thuyết Ma lực của cội nguồn cho ta trân quý thêm hình tượng tác giả gửi gắm vào nhân vật chính về một bài học nhân sinh bắt đầu bằng sự tử tế ngự trị trong nhận thức và tâm hồn, không chỉ để tự cảm hóa mà nhân rộng tình yêu đến với cộng đồng, không tô màu gân guốc, thể sức hút lôi cuốn mạnh mẽ, dường như sự thần bí khó cưỡng lại trái tim dù khô cạn sẽ trở về nguồn cội gia đình, quê hương cho một lần được sống trên đời này./.

                                                          Bình Định,19.03.2022 / Nguyễn Thị Phụng

*Trích từ Ma lực của cội nguồn. 

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2022

LỠ CUỘC TRĂM NĂM, Nguyễn Thị Phụng đọc Hồ như- Lâm Cẩm Ái

       LỠ CUỘC TRĂM NĂM


         Có ai tâm đắc cùng tôi câu ca dao: “Lỡ thương nên mới trách nhầm/ Lỡ yêu nên mới cằn nhằn cho vui”. Lỡ... chứ nào ai bắt buột. Cái bắt buột là trái tim có trong cùng tần số yêu chưa. Sự hòa nhịp lênh đênh như sóng biển ngoài kia lúc đan vào, lúc rã rời mỏi mệt níu kéo. Lực cũng bất tòng tâm, một khi con sóng quên bờ. Thật lúc rãnh rỗi sinh nông nỗi lên facebook. Văn hóa đọc trên facebook thể một sân chơi, lúc thủ môn, lúc trọng tài. Tôi vẫn là một trong những netizen tích cực hướng đến cái đẹp trong sinh hoạt thường ngày trên màn hình ảo mà rất “thiệt”. Cái thiệt là dừng lại đọc nhiều lần một bài thơ nào đó, đọng trong tôi những vẻ đẹp ngôn từ. Bài thơ Hồ như của Lâm Cẩm Ái , chị cũng là thành viên của huongxua. Org có thơ in trong tuyển tập Hương xưa gửi lại (NXB. HNV 2015), nằm trong danh sách ấy:

HỒ NHƯ

Những con sóng bềnh bồng trôi ra biển
có bao giờ trở lại hỏi bờ xưa
có bao giờ người hỏi đã yêu chưa ?!
mà vội vã quay đi không ngoảnh lại

Cát vẫn đợi ngàn năm nơi bờ bãi
ta vẫn hoài như tháp cổ thâm nâu
người qua đó hồn Chiêm đang bậc khóc
nhớ thương hoài vũ điệu Apsara

 Đêm nay lạnh ta gom mùa trăng vỡ
sáng lung linh nhảy múa ánh miên trường
trời mênh mông ngất ngây từng nhịp thở
gió đi về ôm lấy những lần thương

Chút hồn nhiên bỗng dưng đi lạc lối
ngã xóng xoài trên mấy nhánh ưu tư
ngày sỏi đá trăm năm đang bày cuộc
giấc mộng đầy vẫn thoáng chút hồ như.
                               (11 Tháng 5, 2021)

                  Ngay từ tựa đề mở ra sự tò mò đến tác giả bài thơ đã đặt ra phép thử. Cách ví von nhẹ nhàng cho những gửi gắm kín đáo đằm sâu. Tâm trạng được bộc bạch trong bài thơ chan chứa nỗi niềm khắc khoải nhớ nhung cho giấc mộng đầy. Cũng là cái cớ giải tỏa cảm xúc, biết rằng bể trầm luân định mệnh kiếp người không duyên cũng nợ với nhau. Cái duyên là gắn bó, cái nợ là câu mâu. Nếu theo quy luật tồn tại đồng cam cộng khổ, nếu chỉ riêng phía ngày thì đêm không bao giờ trùng hợp. Cái hồ như đã mở ra ngay khổ thơ đầu bất biến của nghìn năm vạn biến, cái cụ thể bồng bềnh, cái cố định bờ xưa từng là điểm tựa cưu mang, sự lặp lại “có bao giờ” hoài vọng gợi cho sự liên tưởng không còn là sóng biển là bến bờ, mà là cái tình tha thiết quá trong cân nhắc kĩ càng:

        “Những con sóng bềnh bồng trôi ra biển
          có bao giờ trở lại hỏi bờ xưa
          có bao giờ người hỏi đã yêu chưa ?!
         mà vội vã quay đi không ngoảnh lại

         Sóng là thế, muôn đời là sóng. Những câu phát vấn đã tự làm khổ mình trong âm thầm, sóng âm ngoài kia mạnh mẽ quá! Cái khổ len lõi đến đoạn tiếp theo là bày tỏ nỗi lòng, trong cách gợi “Cát vẫn đợi ngàn năm nơi bờ bãi” chắc chắn là ngàn năm của tự nhiên, con sóng và bờ cát. Nhưng chủ thể trữ tình đã bắt đầu thuyết phục: ta vẫn hoài như tháp cổ thâm nâu. Mặc định sự tồn tại trên đời này là có thật, dấu ấn khó quên, gắn liền với hồn Chiêm cùng vũ điệu Apsara, cái phù điêu vượt thế kỉ còn hiện diện hôm nay thủy chung và bền vững quá. Bao dung mở ra cánh cửa vị tha không giới hạn. Không ban phát mà đón nhận đợi chờ yêu thương đến rã rời từng viên gạch, như hồn Chiêm tháp cổ ẩn hiện đâu đây. Nép đẹp đôi tay tảo tần đã làm nên diện mạo nhân sinh. Sự ra đi và trở về luôn ưu ái cho những lần lữa rong chơi:

          Cát vẫn đợi ngàn năm nơi bờ bãi
          ta vẫn hoài như tháp cổ thâm nâu
          người qua đó hồn Chiêm đang bậc khóc
          nhớ thương hoài vũ điệu Apsara

      Hoài vọng theo thời gian những khát khao nhịp đời tuôn chảy, mùa theo mùa tiếp nối đi qua. Mùa sẽ chẳng bao giờ trở lại, nếu có trở lại cũng là những rêu phong vỡ nát hoang tàn. Thời gian là điểm trượt của hiện tại, trong thế khó cân bằng, cơ hội chẳng thể dành cho những hoang phí đời mình cùng gió mây. Nỗi day dứt đổ vỡ bật lên tiếng hát xua những phiền muộn gian nan, mất mát đơn độc say với nỗi đau tình đời thể như dành riêng cho ta vậy:

       “Đêm nay lạnh ta gom mùa trăng vỡ
         sáng lung linh nhảy múa ánh miên trường
         trời mênh mông ngất ngây từng nhịp thở
         gió đi về ôm lấy những lần thương

      Chất ngất ôm mộng, khó đánh đổi nỗi đau dày xé tâm can, muốn hòa nhịp cùng trời mây sông nước, quên đi tất cả mà sao khó quá. Nếu lỡ đa mang cũng đành, nhưng nhân vật trữ tình trong bài thơ lại chính là "ta" mạnh mẽ, ngông nghênh thiên về lí tính, oằn sâu vết sẹo của trăm năm, thể di căn buốt giá một tâm hồn không tránh khỏi, khi không thuộc về nhau:

           “Chút hồn nhiên bỗng dưng đi lạc lối
           ngã xóng xoài trên mấy nhánh ưu tư
           ngày sỏi đá trăm năm đang bày cuộc
           giấc mộng đầy vẫn thoáng chút hồ như

        Chỉ thoáng chút hồ như sao? Những hụt hẫng bơi tìm giấc mộng lại gặp đớn đau là thử thách con người đầy trớ trêu phận bạc. Những mơ hồ xa xăm ngổn ngang hiển hiện trước mắt, choáng hết góc đời. Mặc sự độc thoại đã thành tứ thơ trên sườn cũ cho một sự hồ như mãi mãi của riêng ai. Thì ra, con sóng kia chỉ là ẩn số và phù điêu trên tháp cổ mới chính là nàng thơ hòa điệu múa thăng hoa cảm xúc vậy mà...

                                                            07.04.2022 / Nguyễn Thị Phụng.