Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

GỌI MƯA VÀO HẠ- Nguyễn Thị Phụng


GỌI MƯA VÀO HẠ


          Em đứng lên gọi mưa vào hạ, từng cơn mưa, từng cơn mưa,.., mưa thì thầm dưới chân ngà…” tiếng hát Mùa Đông* trong hơn thể như linh ứng cơn mưa ngọt ngào đổ xuống hiên nhà, ngoài sân, và bên kia con đường bê tông là cả cánh rừng Long Mỹ (xã Long Mỹ, thành phố Quy Nhơn) được dịp tắm mát sau những tháng ngày hè nồng bức ở mức 39, 40 độ C. Điều kì diệu ấy chỉ là sự khát khao Gọi tên bốn mùa bình yên nung cháy trái tim cố Nhạc sĩ họ Trịnh ngày ấy. Điểm lại thời gian đúng hôm nay chuyển tiết Đại Thử sang Lập Thu, mà trời rắt hạt từ sáng, dẫn nhịp cơn mưa hối hả thỏa thích cũng không thể lấn át tiếng đàn Trần Viết Dũng…
         Chuyện trà dư tửu hậu dễ gì có được vẫn là sự tranh thủ giành cho nhau sau bao ngày nhớ lắm. Ngày hè ưu ái vợ chồng nhà giáo đương chức Nguyễn Thanh Minh- Lưu Thị Mười từ Phù Mỹ vào. Riêng Nhà thơ Mai Thìn và Nhà văn Trần Quang Khanh, sau mười một giờ mới có mặt và cố gắng lắm phải chia tay trước mười ba giờ chiều. Chỉ còn lại cụ Ngô (nhà thơ Ngô Văn Cư)- không là ngô ngơ đâu, mang theo cả tập thơ tứ tuyệt, thế nào thi sĩ cũng nhuyễn bốn câu từng đạt giải đã in trong tập Lời ngắn tình dài của tuyển tập Tuổi Ngọc ngày ấy: “Vội vàng sợ trễ giờ lên lớp/ Bỗng gặp nhành hoa nở ven đường/ Nhẹ ngắt một hoa cho vào cặp/ Bất ngờ lớp học ngát mùi hương”(Bất ngờ ngát hương). Thế mà hương phải nén, nhường MC. Lê Hoài Lương hào hứng: “Xưa Hoàng đế để ria con kiến/ Rất thời trang và rất phong trần/ Nên chi con gái Thăng Long ấy/ Rất phập phồng ngực công chúa Ngọc Hân/…”(Vua và em- Trần Viết Dũng), thể gợi lại không khí Trại viết truyện ngắn của Tạp chí Nhà văn và tác phẩm tại Công ty Du lịch Sao Việt Phú Yên, mà đại diện là Giáo sư- Tiến sĩ, Nhà văn Trình Quang Phú- Chủ tịch Hội đồng quản trị cùng Thạc sĩ Huỳnh Thị Kim Hương, Tổng Giảm đốc công ty đã tài trợ trọn gói. Nhắc đến Trại sáng tác, Nhà văn Nguyễn Trí như được thể xuôi thuyền mát mái, anh say sưa quanh chuyện Bàn tròn về truyện ngắn ở Sao Việt là tui cũng như Lê Hoài Lương không cần micro mà sóng âm cứ dội lại các cửa kính rung lên: “Tôi chỉ phát biểu chút thôi… nếu truyện ngắn của Nguyễn Trí “không gặp” Biên tập viên tốt, bằng không, tôi đã từ bỏ và văn chương sẽ không có tôi. Để có nhà văn phải có biên tập viên giỏi, tôi đồng ý với chị Y Ban. Viết một thời gian tôi bị phê bình “người kể truyên là Nguyễn Trí”. Tôi phải thay đổi… Truyện ngắn phải có dư âm”, nhưng giờ trở lại núi rừng Long Mỹ thuở nào tui lại thèm đọc thơ. Nói rồi nhà văn liền mạch cả một bài thơ dài từ Giang hồ của Phạm Hữu Quang:  “…/Giang hồ có bữa ta ngồi quán/ Quán vắng mà ta chẳng chịu về/…” lại tiếp: “…/Giang hồ hảo hán dăm thằng bạn/ Mãi mê tán dóc chẳng cho về/…”(Một ngày nhàn rỗi- Nguyễn Bắc Sơn). Anh tranh thủ tiếp gởi chút tình vào bài hát Tàu đêm năm cũ tha thiết. Còn sau khi yêu cầu, nhà văn Lê Hoài Lương nhớ lại một mạch nén lòng đầy hương vị Bữa rượu cuối năm của Vũ Hữu Định: “…/Long lanh mắt chú sao đầy rượu/ Có bóng quê xa, có bóng thầy/ Chú ạ, vô tình anh mới khóc/ Vô tình vuốt mặt để nghe cay”.

          Chuyện đọc thơ, thuộc thơ bạn bè của giới văn chương Bình Định kể như làu làu. Nhưng đọc thơ mình thì sao. Nguyễn Trí chỉ có bó tay, lắng nghe, ngạc nhiên khi MC. nhà văn Lê Hoài Lương bị mách, dồn vào thế nên phải “bật mí” đã từng đạt giải nhì thơ Văn nghệ Bình Định năm tám mươi ba của thế kỉ trước. Có lần nghe “chúng nó” xuống hàng tân hình thức nhảm, nên mình có bốn câu: “Có những lúc mùa thu dài như chó/ Sủa vào trăng vằng vặt phía sau rầm/ Có những lúc hồn anh lỗ chỗ/ Vết đạn từ tiền kiếp đến trăm năm”. Được dịp cho Nguyễn Trí sợ luôn, nên đọc bài thứ hai Tiếng chiều, nghe luôn cả tiếng thời gian: “Thế là xong, người ta đặt anh nằm trên đồi rồi lấp đất/ Tiếng sỏi gõ vào chiều khô khốc/ Âm thanh buồn xao xác cả cô miên/ Chúng mình đã hằng tiêu cuộc đời mãi đẹp/ Dẫu quây bọc quanh ta những ánh nhìn hiểm ác/ Dẫu bơ vơ tan lạnh chật kiếp người/ Ngang trời ngôi sao rơi cháy sáng đời mình trong khoảnh khắc/ Anh đã chọn lộ trình gian nan nhất/ Làm người lương thiện ngẩng đầu/ Mọi buồn vui hạnh phúc khổ đau/ Anh ném lại dọc đường cẩu thả/ Vệt lông ngỗng bay trong hồn loạn gió/ Em ngược về cúi nhặt suốt hoang vu/ Chỉ còn lại ngàn lau và ngọn đồi cao mãn/  Em có nghe chiều xuống tận đáy…”.
           Dĩ nhiên nghe được một bài thơ là nâng li chúc mừng. Không là vị đắng của cao hoa bia houblon, không là vị cay của rượu thuốc ngâm lâu, mà chính là nhịp đời quanh bàn tròn từng trải qua góc cạnh gian nan. Bàn tròn bóng láng hơn khi Nguyễn Trí phải chấp nhận “em” thua “anh” (Lê Hoài Lương) từ chuyện sáng tác thơ, quay sang tiết mục tỏ tình mặc dù chưa cấp phép: “… nỗi niềm của một kiếp người tháng ngày ngồi trong ngõ tối, anh chỉ dám nghĩ rằng sau bao năm tháng qua không từ giã cuộc đời đi làm hòa thượng với ngày tu đắc đạọ sẽ làm bùa xẻ tình làm sông chở gỗ, củi đem về ở sân chùa mà làm lễ hòa thượng…”, tui ngồi bên có bụng mừng mong được tiếng nhặt, tiếng khoan cho khỏi bỏ công đường xa đến dự, mà tiếng chì tiếng bất lùng bùng tai kiểu chay mặn đều dùng. Tất cả cho qua nếu không xác định: Trí khùng của Trần Thi sĩ. Chẳng là bí mật… Nguyễn Trí tự đắc tao hơn mầy có đến ba vợ, rồi cười hòa bắt tay. Thế đấy. Chuyện trên trời dưới đất. Có có không không kiểu đố ai quét sạch lá rừng, rừng Long Mỹ hôm nay đã khép chật hơn bởi những đường cao tốc được mở ra, tiếp nối nhường lại cho người tự do lựa chọn mục đích sử dụng của mình theo lẽ tự nhiên. Mà đề tài Long Mỹ trong những năm bảy lăm thế kỉ trước, còn ngờ ngợ hiếm người biết đến. Chúng tôi càng bất ngờ khi anh Thưởng- người đã từng đạp xe hơn trăm cây số từ Hoài Nhơn về Long Mỹ chỉ mong gặp lại bạn học cùng lớp ngày xưa cũng không được, anh Hồ Trọng Đào nhắc kỉ niệm thời sách bút đến trường THPT Tăng Bạt Hổ. Để giờ đây cùng bên nhau. Mới hiểu và trân quý cái tình nhà văn Nguyễn Trí phiêu bạc “giang hồ” dành cho bạn bè xưa nay bền chặt.

         Đã xác định ngồi bên Mùa Đông* bất tận, Nguyễn Thanh Minh luôn thắp lửa tâm hồn từ câu hát: “Không cần biết em là ai…không cần biết em ngày sau… ta yêu em bằng mây ngàn biển rộng, yêu em như yêu vùng trời mênh môngYêu em vì chỉ biết đó là em”(Diệu Hương) lắng trong hạt mưa đọng lại thấm sâu lòng đất, nuôi dưỡng cây rừng xanh tươi, ta đọc được cái tình gia đình người gieo hạt “yêu người, yêu nghề” rất mộc, cũng là để cho cây đàn Trần Thi sĩ nghỉ tay, bởi trước đó anh hào hứng Xin còn gọi tên nhau (Trường Sa). Trở lại từ đầu, nếu như MC. Quốc tế Lê Hoài Lương (tự xướng) không đọc bài thơ chỉ hai câu: “Lao xao giữa hàng cây nguyên thủ/ Tôi chỉ yên tâm dưới bóng tổ tiên mình” mà tựa đề “Trưa nắng nghỉ chân ở Bảo tàng Quang Trung” dài hai thế kỉ. Thì ai mà biết được “Ta trai Bình Định…phong cách miền Trung” tài hoa đến vậy. 
           Bàn tròn dễ bị co dãn nếu MC nhà văn mà quên nhắc những người làm thơ như “tui”, NTP, NVC, TVD,… thì chúng tui cũng nghĩ mình bị chơi khăm. Nhà văn phải đọc truyện, đọc tiểu thuyết chứ. Nhưng đọc thơ lại là sự hưng phấn đầy khích lệ, dù là thơ ai. Biết lắng nghe, biết sẻ chia là nguồn vitamin dung nạp cho sự sáng tạo của người cầm bút, giữa một không gian gia đình nơi núi rừng Long Mỹ của vợ chồng người em gái nhà văn Nguyễn Trí chuẩn bị tiệc thơ khởi đầu từ tiếng chào rất chu đáo. Những người của công việc không thể nấn ná như Mai Thìn, như Trần Quang Khanh cho tui nhớ từ chiều mùng ba năm Nhâm Thìn, alo: Chị ăn Tết vui không, chị có bài thơ nào viết về biển đảo gởi cho em chuẩn bị Nguyên Tiêu 2012 này. Tui cố gắng ừ ừ để chị gởi. Mà lúc đó đang nằm ở hồi sức cấp cứu, sau đêm mùng hai bị gãy xương tay phải, đã được nối lại. Thế đấy, từ bác sĩ bệnh viện cũng phải 100% phục vụ bệnh nhân, chuẩn bị cho Đêm Nguyên tiêu cũng tất bật đâu dễ gì thất nghiệp.
Gặp em Quý trước chợ Phú Tài .

Trước bàn thờ Đào Tấn (rằm tháng sáu 2016)

          Gọi mưa vào hạ… nhịp mưa thì thầm nhung nhớ chia tay. Tôi thèm được ngồi lâu hơn trên đoạn đường từ Long Mỹ trở về cùng Trần Viết Dũng, Nguyễn Trí và anh Thưởng trên chiếc xe bảy chỗ ngồi. Xin nói lời cảm ơn Những dòng sông, Làng và những người con gái **cùng đồng hành bên tôi trở về lại cổng làng. Nơi là chứng nhân cho Ngô Văn Cư đưa người bạn cùng lớp- Nguyễn Trí đến nhà sáng sớm cuối hè 2013, bệnh còn quen nướng nên đầu tóc chưa kịp chải, thấy vậy nhà văn cầm cây lược trắng trên bàn đưa tui. Trời đất. Vậy mà khách đi rồi tui thầm cảm ơn : “Tỉnh mê gỡ rối đi nghen/ Này đây chiếc lược trắng đen đã từng”(Chải đời, trích Bến Xuân- NXB HNV 2016). Ba năm sau, Nguyễn Trí về thắp hương Danh nhân Văn hóa Đào Tấn trong rằm tháng sáu. Rồi ba năm sau nữa- mới hôm qua đây cũng vào cổng làng đến nhà mời họp mặt. Mới sáng hôm qua đây cùng anh ngồi trước chợ Phú Tài gặp người em thân thiết ngày nào quanh chén chè đậu trắng nước dừa. Mới sáng hôm qua đây anh đưa về thăm núi rừng Long Mỹ khởi sắc, mà ngày ấy với anh vô cùng chật vật. Mới sáng hôm qua đây còn nhắc lại từ bàn tròn Trại sáng tác Sao Việt đã lưu thành kỉ niệm nhắc nhở sang sảng không cần micro: “…Tôi nghĩ rằng, ví như nhà văn Y Ban, nếu chị không có thái độ với cuộc sống, không đẩy tới tận cùng hẳn sẽ không những tác phẩm đọng lại…”(Lê Hoài Lương).
                                                                        02.08.2019 Nguyễn Thị Phụng

________________
*Nick name FB. nhà văn Lưu Thị Mười.
** Tập Tản văn- Nhà văn Lê Hoài Lương.
         

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

QUANH CHUYỆN RẰM THÁNG BẢY- Nguyễn Thị Phụng


                        QUANH CHUYỆN RẰM THÁNG BẢY



           Rằm tháng bảy Kỉ Hợi tròn 5 năm ngày má về với cha nơi chân trời mờ xa…
          Rằm tháng bảy đã có khi trăng tròn lắm. Dân gian đã có bài ca dao nói về các tháng trong năm: “ …Tháng sáu buôn nhãn bán tăm/ Tháng bảy ngày rằm xả(xóa) tội vong nhân/ Tháng tám treo đèn rước quân/…” Rằm tháng bảy từ thế kỉ XIV, Nhà Chùa- Thời Lê Thánh Tông qua Bản Thập giới cô hồn, tổ chức Lễ Vu Lan báo hiếu, được nhân rộng ân đức sinh thành và duy  trì đến hôm nay, đã thành nét đẹp văn hóa người Việt.
          Nhưng với rằm tháng bảy làng quê Lí môn Vinh Thạnh lại là giỗ lần thứ 112 năm ngày mất của Danh nhân Văn hóa Đào Tấn- không phải là chừng ấy năm mà trước đó tiếng trống chầu vẫn xôn xao ánh rằm trong những vở tuồng được diễn của thầy Nguyễn Diêu và người học trò của cụ là Đào Tấn sau này, trở thành dấu ấn khó quên “Ai về Chợ Huyện ăn nem/ Ghé làng Vinh Thạnh mà xem hát tuồng”(Ca dao).


         Má tôi sinh ra từ cái nôi làng nghe tuồng, vở diễn nào bà cũng thuộc làu làu. Đó là từ nhỏ. Nhưng khi lập gia đình và có đến chục người con, tiếng trống chầu bên tai vẫn còn thôi thúc. Tranh thủ cơm nước chiều sớm hơn mọi khi để còn dành chỗ ngồi dưới trăng xem hát cùng bà nội tôi. Má tôi là vậy. Trước khi trở thành một tiểu thương, đã phải có những chuyến hàng nào là giỏ cần xé trứng vịt, bao bánh tráng, mắm cá khô đưa lên tận Đắc-tô, Tân Cảnh. Rồi xuôi về khoai, bắp, măng le, măng cụt, cam, quýt,… từ những khu dinh điền được bày ra chợ đồng bằng không thiếu một thứ gì. Tiếng súng khép chặt đường dài, má tập trung mua bán tại chợ Kon Tum. Thường là nghỉ hè tôi được theo lên ở với má với cha, ra chợ nhặt từng thùng thiết đựng mắm, mà những bạn hàng ngồi chợ mua bán lẻ thảy vào đống rác, đem về sử dụng lại hoặc bán cho người đựng vôi. Tôi khổ sở nhất là đi đòi nợ cho má phải ngang qua đoạn đường Lê Thánh Tôn, những mũ nâu, mũ đỏ, mũ đen trong bộ quân phục rằn ri còn ngấm khói bụi chiến trường, lổn ngổn súng ngắn súng dài gác ghế, quả lựu đạn đặt trong li thủy tinh bày la liệt trên bàn nước giải khát cạnh Sân vận động ngày ấy đầy ám ảnh. Súng đạn chỉ có thể nằm im khi người bán hàng nhã nhặn, lễ phép. “Lính” từ rừng sâu về mà.

          Ngày ấy, muốn chở hàng từ Bình Định đến Kon Tum là phải xin giấy phép từ tỉnh Kon Tum yêu cầu giới thiệu. Tôi vẫn là người trục tiếp đi kí giấy xác nhận tại phòng kinh tế tòa hành chính tỉnh Bình Định, nhưng đâu dễ dàng, phải trình nộp Thẻ căn cước vào cổng rồi qua đến “mấy cửa” mới có khuôn dấu đỏ đem về. Sáng sớm hàng được chất lên xe đến chiều mới tới. Dọc đường phải dừng lại đến mấy trạm kiểm soát của “áo trắng”. Rề rà nhất là từ Diệp Kính Pleiku đến Kon Tum, kim đồng hồ chỉ 4 giờ chiều khó khăn mấy cũng phải cố lo “qua cửa” để đi tiếp, không thì phải ở lại đêm thành phố này. Thà đi tiếp nếu có gặp “mấy ổng” gởi lại năm, mười thùng nước mắm, mắm cái, cá khô,… được nhận lại lời cảm ơn và chia tay. Nếu những lần như thế không hóa vàng tờ giấy “ủng hộ” kháng chiến, có công cách mạng, khó mà tiếp tục lên dốc xuống đèo nuôi con ăn học. Hàng hóa xuống xe chất vào nhà, “áo trắng” cũng theo dõi số lượng thừa năm, ba chục thùng so với giấy phép cũng phải luồn tay, chứ không thì thừa hàng là lập biên bản cung cấp cho “Việt +”.  Có những chuyến hàng, tài xế gục trên tay lái giữa đường khi hai bên nổ súng. Đầu năm bảy lắm, sau chuyến xe ba lua (poids lourd) chất đầy nhà, cha má tôi đóng cửa theo đoàn người di tản xuống Phú Bổn, lội sông Ba, về Sông Cầu quá khó khăn khi cha bị thương cánh tay. Về nhà chưa được chục ngày, cả gia đình lại tiếp tục theo xe Xuân Hòa của dì năm từ Phú Phong xuống chạy vào Cam Ranh. Giải phóng Cam Ranh, cả nhà trở về Bình Định. Ngày trở lại Kon Tum, chỉ còn nhà trống. Cộng thêm những đợt Nhà lồng chợ bị cháy. Má trắng tay. Nhưng mừng chị em ruột rà một nhà sum họp sau 21 năm dì cậu trở về. Má tôi ngược ra Bắc cùng cậu tham quan thắng cảnh Hồ Gươm, Chùa Một Cột,… Con cháu lập nghiệp ở Tây nguyên xa xôi, lúc khỏe bà đều đến thăm, nhắc nhớ chuyện học hành làm ăn sinh sống. 

        Thời ấy, những bạn hàng bán mua như má tôi thường đi chùa, ăn chay, niệm Phật. Nhưng má tôi thì không. Cho đến bây giờ cả nhà tôi một mực tín ngưỡng thờ cúng ông bà, không theo tôn giáo nào cả. Cũng không tập tục đốt vàng mã. Chỉ quý vàng ngọc thời gian. Ai nói chuyện đến chùa tụng niệm, phóng sinh, xem bói, bà không chống lại. Nhưng sau đó khẳng định “Tu chi cho uổng tóc mai/ Không bằng em nhặt nhành gai giữa đường”(Ca dao). Bà mừng khi con cháu về thăm, có đứa đùa thằng em không về được, chỉ gởi quà cho bà. Bà bảo cầm về đi, một mặt hơn mười gói. Má tôi nói bằng tục ngữ, ca dao, cẩn trọng nhắc nhở “Trước hồ sen, sau hồ môn/ Tìm giàu thì dễ, tìm khôn khó tìm” khi con cháu chưa lập gia đình. 
        Má nói những ngày mua bán lên đèo xuống núi, hiểm nguy súng đạn, má nguyện cho mình khỏe mạnh được sống đi về bán mua suông sẻ, để còn nuôi mẹ (ngoại già mờ mắt) nuôi con, vui cùng con cháu. Năm má tôi tròn tám mươi bắt đầu ăn nhạt (rau quả) chỉ hai ngày: mùng một và rằm trong tháng là như vậy.
        Có lẽ, sau hai tháng, má tôi phải cố gắng lắm mới nghe được hát tuồng đêm rằm tháng bảy cuối cùng đời bà. Nên sáng sớm hôm sau biết cha đã đợi, má thanh thản, bình yên từ giã cõi trần ở tuổi chín tám, nén hai hạt nước mắt trong ngần chia xa. Lúc ấy tôi nắm hai chân má cho thẳng lại hơn. Tôi là con gái út của má mà không giống má là chuyện lạ trên đời.
        Rằm tháng bảy Kỉ Hợi- 2019 giỗ má tôi lần thứ năm.
        15.08.2019/ Nguyễn Thị Phụng.

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2019

ĐIẾU VĂN -Nguyễn Thị Phụng.


                                 ĐIẾU VĂN


          Điếu văn là bài văn tỏ lòng thương tiếc đối với người mất, đọc khi làm lễ tang.
          Người mất luôn ở thế bị động, chẳng nghe được người sống viết gì về mình. Thực hư ra sao mà những câu sáo đẩy đưa như nào là không gì bù đắp được nỗi lớn lao mất mát cho người thân trong gia đình, nào là xóm làng từ nay vắng bóng … người tốt bụng, người thật thà, người mẫu mực, … kì thực ra từ lúc lớn lên, đi học đã làm những gì cho bản thân và gia đình, xã hội.
         Hôm nay 06.08.2019- sinh nhật Nguyễn Thị Phụng, lần thứ sáu mươi ba, tính theo tuổi Bính Thân (1956) là năm thứ sáu mươi tư trên cõi đời này. Từ lúc chào đời, bà mang căn bệnh hen phế quản, dẫu cha là thầy thuốc bắc cũng dừng lại cắt được cơn hen cho con gái mình. Mẹ là một tiểu thương, dặm đường đèo dốc sớm chiều mang về những bữa cơm cá canh ngon miệng. Cụ bà Nguyễn Thị Phụng là con gái út trong gia đình có năm nữ, năm nam. Vì bệnh từ nhỏ nên bà được cả nhà nuông chìu. Tính bà thích là chơi. Quyết là làm. Không ai cản được. Ở mỗi cấp học bà phải nghỉ ít nhất là một năm. Lí do đau. Thế là bà có nhiều lớp bạn.
          Ngày ra trường SĐSP Nghĩa Bình, bà đăng kí nhận công tác ở trường miền núi Phước Vân (Tuy Phước- Vân Canh). Cuối năm học bà thả thơ cho một tình yêu đầu đời, và lập gia đình cùng người bạn đồng nghiệp. Hiện giờ bà có con trai lớn còn độc thân, con trai nhỏ có vợ hiền và một cháu nội gái ngoan.
          Không đơn giản cuộc sống với những ngày Chờ lương (Gạo hết nước mắm hết/ Con thơ xin đóng tiền/ Ôi trước mà bị điên/ Giờ này sao được khóc)*NTP. Bà còn chạy chợ, nách cả giỏ  rau bán, mua về con cá. Rồi có những sáng sớm hè bưng ki cá phi ngang hông, khi được chỗ ngồi, bị bảo vệ đuổi. Trời không mưa mà khuôn mặt cứ đầm đìa rớt mờ đôi mắt. Những người phụ nữ chợ sớm sẻ chia con cá đứng bán trên tay… Có những đêm cuối đông một giờ sáng bên thau mứt gừng, mứt dừa. Chưa được bốn giờ, trời còn tối mịt, đạp xe thẳng đường phiên chợ 23, 28 Bình Định tìm chỗ không ai nhường… đành một tay ôm thùng mứt bán đứng giữa lối đi.
         Cái áo mặc cũng chị cho, cái nón đội đầu cũng chị cho. Hai đứa con được chị cơm nước chăm lo khi mẹ nó đêm ngày ở ao đìa. Mà trăm hay không bằng tay quen. Tay cũng không quen, trăm hay cũng không có, nuôi tôm ra cá. Vậy mới biết một nghề cho chín hơn chín mười nghề. Cuộc đời ăn mày đã dừng lại, bà tập trung lên lớp. Lúc mà chế độ tiền lương được nâng cao. Bà nhận làm thuê trang trí, viết bài những tờ bích báo trong khối kiếm ít đồng. Bà mở lớp dạy thêm ở nhà ít hôm, mà học sinh lơ là, bà cũng cho nghỉ.
         Hai mươi chín năm trong ngành, bà xin nghỉ sớm theo giám định y khoa mất sức 75% sau đợt phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ giới tính nữ. Bà trở lại nguyên vẹn dáng hình thuở xưa. Bà thiết tha đăng kí không hoàn thành nhiệm vụ, được nghỉ theo diện tinh giảm biên chế để kiếm ít đồng “du lịch” đó đây cũng không được, cuối năm học 2007-2008 là trở lại vị trí đầu danh sách tổ nữ công. Cuối cùng bà nghỉ theo chế dộ mất sức hưởng 72%.
        Với thời gian công tác, bà được nhận Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cảm ơn các con trai đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh để cho bà cộng thêm Danh hiệu Giỏi việc nước, đảm việc nhà của Liên hiệp Công đoàn tỉnh.
         Nghỉ hưu bà trở lại trường cùng những tập sách làm phần quà tặng học sinh giỏi văn các khối, giỏi văn cấp huyện, tỉnh. Đơn sơ mà các em quý vô cùng. Có năm nghe kể lại “chị con thiếu 0,5 điểm, chị con khóc vì không được nhận quà cô Phụng” nghe mà thương. Mừng lớp trẻ còn ham đọc sách. Nghỉ hưu bà tham gia ủng hộ Khuyến học ở thôn xóm. Nghỉ hưu bà cùng các thầy cô giáo ra mắt Chi hội Cựu Giáo chức Phước Lộc cùng những việc làm có ý nghĩa.
         Những ngày nghỉ hưu, trái tim chưa hề biết hưu, trên tay luôn có tập sách, cảm xúc dâng trào trên những trang thơ, trang văn. Hối hả cùng dòng đời, cùng làng văn, bà xin giấy phép xuất bản tác phẩm. Vỏn vẹn với hạnh phúc đã có khi nghe điện thoại reo, bà bấm máy má nghe đây. “Anh chứ má nào”. À thì ra con trai út đem tiền nộp in tập thơ đầu tay của mẹ cho Nhà thơ Nguyễn Liên Châu ở Sài Gòn. Hạnh phúc tiếp nối với những tập thơ, văn. Hạnh phúc đã có khi con dâu mua sữa về bồi dưỡng cho mẹ. Cháu nội quấn quýt bên cạnh, nội uống sữa cho khỏe, nội chơi thả dìu cùng con, đi tắm biển với con,…
        Bà luôn đồng hành với bạn bè đồng nghiệp, anh chị em, con cháu tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trong cũng như ngoài nước, dù là chuyến Campuchia đầu tiên trong đời mà bà yêu quý. Cộng với những đợt đi thực tế và Trại sáng tác Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà cho bà trải nghiệm và đầy cảm hứng thi ca.
        Bà bằng lòng với cuộc sống đã có khi con trai ở tại nhà chở đến quán cà phê hò hẹn bạn bè.
        Nếu hay tin cụ bà Nguyễn Thị Phụng có từ trần vào giờ hoàng đạo trong ngày đẹp trời nào đó, tháng chuyển mùa nào đó, năm hết hạng yêu thương nào đó. Xin đừng ngạc nhiên, thương tiếc, bởi vé ưu tiên đi chỉ có riêng mình hoàn nguyên bên cha mẹ, tổ tiên. Tất cả là kỉ niệm chứa chan hạnh phúc khi nhìn lại đoạn clip bên nhau là có cụ bà Nguyễn Thị Phụng trong đó à nghen.
        Xin kính cẩn nghiêng mình thắp một nén tâm hương vĩnh biệt cụ Nguyễn Thị Phụng.
        Đây được xem như một điếu văn chưa./.
        Nguyễn Thị Phụng.