Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020

LẶNG TRONG HƯƠNG LÚA- Nguyễn Thị Phụng

 LẶNG TRONG HƯƠNG LÚA





        (Đọc trường ca “Phù sa trên tay” củaĐông Nguyên)
        “Thơ cũng như nhạc có thể trở thành một sức mạnh phi thường khi nó chinh phục được trái tim của quần chúng nhân dân”(Sóng Hồng). Nhưng từ trong cuộc sống quần chúng nhân dân, của lịch sử xã hội đã là nơi dự trữ tư liệu, ấp ủ cho tứ thơ cất cánh tỏa hương. Đọc một bài thơ ngắn nhất như hai câu lục bát Việt Nam, dài hơn chút là ba câu thơ Haiku Nhật Bản, hay tứ tuyệt Đường thi,… cho đến những bài thơ dài hàng trăm câu như Trường ca Phù sa trên tay của Đông Nguyên, (NXB Hội Nhà văn, 2012) theo cấu trúc nội tại đã làm nên tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Và nói đến Trường ca luôn nghĩ ngay đề tài có nội dung ý nghĩa rộng lớn mà người viết đạt đến sự thẩm thấu tinh tế, đó có thể là vẻ đẹp được chắt lọc của tấm lòng nhân từ, của một hồn thơ tài năng bậc thầy nhất đất nước như Nguyễn Du, hay là sự nhạy bén của tác giả khi cảm thụ tiếp nhận văn chương một cách khách quan.


          Viết trường ca Phù sa trên tay, Đông Nguyên mạnh dạn chọn thể lục bát truyền thống để truyền tải cảm xúc quả là anh tự khép mình vào gông. Bởi khuôn khổ lục bát vừa gò bó lại vừa khắt khe, rất dễ sa vào lối diễn ca vẫn có một số “thi sĩ” thường vấp phải. Nhưng với Đông Nguyên vượt lên được tầng cao tứ thơ đã lựa chọn. Với hai mươi bảy tiểu đoạn có năm trăm linh bốn câu lục bát cùng một chủ đề, được nhân cách hóa thành Người. Để rồi “Người thơ”  đó phải chịu bao dằn vặt, tủi hờn trong cuộc sống của mình. Đoạn tuyệt với một quá khứ bên kia  mặt trời là hoàng hôn, khói sóng. Giữa quan san người lên ngựa kẻ chia bào của miền đất thiên đô mệnh danh là hoàng triều, cương thổ để khẳng định “Người lục bát  ấy” đã có mặt tại Hà Tĩnh Việt Nam(Quê hương Nguyễn Du).
            “Theo về dựng quán văn chương
            Cỏ hoa Hà Tĩnh ngát hương bốn mùa…”
       
Rồi làm Người qua sông
             “Bềnh bồng tám mặt là sông
              Mượn câu  lục bát mênh mông làm đò…”
         Cũng rất dễ hiểu “Người lục bát” kia cũng là tâm trạng của tác giả, người trong cuộc đang cần sẻ chia:
              “Mười lăm năm Thúy Kiều ơi
               Còn ai bấm phím so lời nữa đây
               Khóc than do bởi phận này
               Lam Kiều xưa dựng trời nay cam đành

          Đâu dễ dàng “Lam Kiều xưa dựng trời nay cam đành” như Nguyễn Du không. Chính cái nguyên nhân của “Ba trăm năm ấy về sau/ Một dây tơ một rừng lau trắng bờ / Một phần ba vạn câu thơ/ Ngập trong nước mắt từng giờ đầy vơi” với đại thi hào Nguyễn Du, người từng xót xa thân phận mình đã chắp cánh bung nở cho thi sĩ: “Theo về dựng quán văn chương/ Cỏ hoa Hà Tĩnh ngát hương bốn mùa/ Ra đồng đất thấm sao Rua/ Mạ non lục bát gió lùa chân quê”(Lục bát về Nghi Xuân). Và niềm vui đong đầy trong cảm xúc phấn chấn:
              “Tứ thơ phong vận tài hoa
               Xin trải ra gió xin nhòa vào mây
               Được vào giấc ngủ cho say
               Vành môi em bé lại đầy môi thơm

                                              (Lục bát về Nghi Xuân)
           Trong thơ là nguồn cảm xúc chuẩn mực “Sẵn câu lục bát ru êm/ Đừng trôi theo nhịp sông đêm muộn về”. Cái lí giải nhẹ nhàng nhưng không kém phần thâm thúy:
               “ Cho đời nhẹ tựa khói vương
                 Cờ hoa lau dậy một phương trắng ngần
                 Mắt vừa chớp mộng phù vân
                 Tay vừa xóa hết bần thần nỗi đau”

                                                   (Làm người qua sông)
             Đẹp hơn là cách gợi tả so sánh “Mắt nào huyền thoại như tranh/ Hồn nào sương khói long lanh Tây Hồ” vô cùng quyến rủ, như thôi miên sao có thể dứt, thờ ơ, nhà thơ thố lộ: “Bến chiều không đáy hình như/ Mái dầm khuấy nước lao lư sóng đùa”(Làm người qua sông). Từ giã bến sông, những bước chân âm thầm Lên đồi khấn nguyện lòng thành giữa đất trời thanh vắng:
                   “Lục bát xin thầy đi tu
                   Vuốt tay lên tóc mùa thu lỡ làng
                   Lưỡi dao xuống tóc gọn gàng
                   Cành xưa nhánh cũ – rõ ràng đây chăng

                                                                           (Lên đồi)
              Nhưng không, nỗi niềm thân phận ấy đâu chỉ có sẻ chia, an bài mà luôn được người đời sau ngợi ca tiếp nối tôn vinh: “Câu thơ tự đất trời này/ Mười năm tiết hạnh lại đầy bình ca(Lên đồi). Nào ai trói buộc bước chân lãng tử khi bắt gặp “ Từ em áo tía khăn điều/ Cái tâm đã chứa ít nhiều bao dung”(Xa nhà). Ngỡ cánh én chao lượn giữa trời hồng mênh mông Nghe biển hát như nhủ lòng mình:
                  “Én thì không mắt lá răm
                   Người thì từ độ xa xăm liếc về
                   Từ ngày cha bị biển mê
                   Ngực trần thêm những bộn bề nắng mưa

                                                             (Nghe biển hát)
             Lòng khát khao hoàn lương trả lại cho em đời thường bình yên trong thơ Đông Nguyên thật sâu sắc:
                    “Rồi mai em sẽ theo chồng
                     Rồi mai trên động – tà tâm chẳng còn”
                     Bóng đời lẫn bóng lầu son
                     Mượn ai tính cuộc vuông tròn cho em

                                                                 (Cảm nhận)
            Khi Tới Huế* nghe nhịp điệu bổng trầm khúc ca trên sông Hương hay réo rắc của nhã nhạc cung đình trong hoàng cung một thuở đã lay thức miền nhớ trong anh từ tiếng đàn Kiều mà Nguyễn Du gợi tả có phải là dự đoán vận mệnh một kiếp người hay không cũng được nhà thơ tỏ bày:
                   “Phụng Hoàng xưa Phụng Hoàng nay
                     Nam Cầu Khúc lại vơi đầy ngũ cung
                     Huế ơi một tiếng tơ cùng
                     Câu thơ dài đến tận chùng bờ thương

                                                                      (Tới Huế)


            Cũng không khỏi ngạc nhiên bước chân thi sĩ chạm lên vùng Đất Võ Trời Văn Bình Định đầy khí phách nhắp một chút hương vị cay cay của rượu nồng như ấm lại tình bè bạn “… Rượu sanh tử rót cứ liều mà say”,  hạnh phúc ngày hợp hôn: “…Rượu cay đãi khách nhớ ngày vu quy”(Tới Bình Định) cho tình yêu ngự trị muôn đời trong thơ anh lúc hồ hởi chào đón, lúc khép nép rụt rè, cả dửng dưng vô tận cho trái tim anh bão bùng tan tác trong cách đối chiếu gợi hình giữa cái thực của trời đất với cái tình anh vụn vỡ: “Bão trời một loạt mưa dông/ Bão lòng sa xuống áo hồng thiên thu/ Vẫn còn đăm đắm lời ru/ Trách em thêm để rối mù trong “ta” / (Gặp lại người thương). Lỗi “ta” hay ở em, tò mò anh cũng nhận ra được bến đỗ nơi ấy lặng lẽ đơn côi “Một lần qua bến sông này/ Hỏi người mới biết ngực đầy gió trơn”(Bình yên), khi một mình “về tỉnh lẻ đành ngồi quay tơ…” rối bời vương vấn nhớ, vương vấn xe cho duyên mình kết nối mà dễ gì được!... Cái bùa yêu không hình hài biết bao phép kì lạ dễ dàng trong phút chốc biến nụ cười tươi tắn trên môi thành nỗi ám ảnh mịt mù trong ánh mắt, biến cái tỉnh táo phấn chấn trong chuyện trò hoạt bát thành ú ớ ngẩn ngơ trầm cảm. Anh trách ai đã tự đánh lừa trái tim mình, trái tim người theo năm tháng tất cả đều là tội lỗi. Bởi Thượng đế chỉ cho con người một trái tim, đó là nhịp sống trong ta. Hãy nâng niu nhịp sống như nâng niu sự thật, thơ văn cũng từ đó mà ra nhẹ nhàng lắm mà xót xa lắm:
                 “Quen mưa quen nắng chẳng lầm
                   Lẽ nào trở mặt với tầm xuân xưa
                   Chỉ từ nửa buổi nắng mưa
                   Sao em nỡ lại sớm trưa phũ phàng

                                                          (Xao động)
             Thơ văn là cái “nghiệp” đeo đuổi cả đời người. Phải chăng nó từ tâm như hạt phù sa trên tay của thi sĩ tài hoa, rắc xuống cánh đồng, cây cỏ từ cánh đồng vươn lên, tiếp sức cho hoa ngát hương quả dày cơm nặng hạt. Như lời nhắc nhở chân tình với người thơ, đánh thức miền sâu thẳm tiềm thức tâm hồn cũng như khơi gợi tính nhạy bén trong câu chữ diễn đạt cảm xúc ngợi ca trân trọng chân tình:
                  “Phượng hoàng nào đậu cành lau
                   Ngỡ em hết kiếp cạn màu tài hoa
                   Bàn tay còn hạt phong ba
                   Vẽ thành những nốt áo hoa lặng thầm
                   Chiếc đàn chín nốt vang âm
                  Đập cho tan cả trầm ngâm theo người

                                                      (Về gác phượng)
              Nhà thơ Đông Nguyên gợi ra con đường phía trước xem lỡ lầm ban đầu  như một tai nạn khách quan: “Bất cần tắt nến tai ương/ Bó chung cái khổ từng vương – đã từng/ Không phiền câu của người dưng/ Cứ nương cơn xoáy sửng sưng thượng nguồn”(Chấp nhận). Đến với thơ văn hãy biết mạnh dạn đứng lên, thành khẩn những hạn chế tồn tại, tác giả như người anh cả chỉ ra: “ Đừng quy cho những tình cờ/ Ba chìm bảy nổi dật dờ là em”/(Chấp nhận). Anh tường tận phân tích phận người mỏng manh ngắn ngủi như hài nhi không giá thú bị nạo bỏ từ trong trứng nước, tai nạn hay bệnh tật ốm đau cũng rút ngắn đời người, còn ta đang có vóc dáng ngọc ngà trời cho trụ giữa đất bao la này sao em không nâng niu gìn giữ, buông thả đời mình rơi vào khoảng vô định: “Tại em cuộn lấy tình hờ/ Cuối trăng đẫm một bến bờ thực hư… Tại em dựng cuộc tình này/ Nên môi mắt ấy phải ngày lầm than”(Thế thôi) là tất yếu. Khi ai đó đem văn chương ra cợt nhã với tình, không chóng thì chầy cũng như mây gặp gió lùa. Có như giống Tu hú đẻ nhờ vào tổ Sáo Sậu hay Ác Là kia cũng biết yêu biết nhớ cái trứng của mình huống chi là người:“Tu hú còn biết văn chương/ Đậu trên cột nhọn xem thường đại ngôn/ Chắc do cái vỏ không hồn/ Nên không thể ốc mượn trôn lên bờ”(Không chỉ mình ta trách em).
        Và nếu như cái cốt lõi kia là nhân thơm, tự biết nhận ra mình trong chừng mực nào đó, sự khiêm tốn ấy luôn được đồng cảm sẻ chia, nào cấu xé vạch lá tìm sâu  chi cho bàn tay nhiễm khuẩn. Các tiểu đề trong Phù sa trên tay như Chị thương em, Em trai, Em gái, Hàng xóm*,… hay còn chính là số đông quần chúng quan tâm bảo bọc nhắc nhở cảm thông: “Cùng là giậu cúc quê làng/  Sắm sanh cho chị rỡ ràng tìm phu”/ (Em gái). Hãy biết đón nhận: “Ngày mai sẽ đến bất ngờ/ Qua sóng gió phải vào bờ bình an”(Đồng cảm). Chính tiếng thứ hai trong câu bát phải là thanh bằng, thì ở đây “sóng”là thanh trắc dẫn đến nhịp thơ cũng thay đổi 3/3/2 mạnh hơn, tin tưởng hơn.
        Thay cho lời kết, tác giả đã mở ra những tứ thơ Hy vọng đời chờ*, mong Em quay về*, để nói lời Xin lỗi* với đứa con tinh thần của người thơ chẳng quản sớm trưa gieo trồng cày xới:
               “Đất cày nào phụ công cha
               Lặng trong hương lúa phù sa trở mình”

                                                      (Hy vọng đợi chờ)
           Cũng là cặp câu lục bát đẹp tôi tâm đắc nhất trong trường ca Phù sa trên tay của anh. Nào đâu dám so sánh với những trường ca Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh hay Những người đi tới biển của Thanh Thảo cũng có độ dài hàng trăm câu, nhưng riêng anh Đông Nguyên viết trường ca là giải bày tâm tư, không nói là giáo huấn, mà anh mượn tứ thơ cảm xúc từ cuộc đời thi hào Nguyễn Du âm thầm trăn trở viết người tài hoa bạc mệnh như Kiều bấy giờ bị đời vùi dập, như thơ văn vô tội của nàng Tiểu Thanh bị người vợ cả ghen tuông đốt thành tro bụi. Nhưng cái lo xa của Nguyễn Du với ba trăm năm sau có ai đã sống hết mình, hết lòng cho những nhân vật hư cấu trong tác phẩm, hay những người thực ngoài đời như chính Cụ đã day dứt cho Kiều và Tiểu Thanh kia. Thì trong hôm nay Đông Nguyên đồng sẻ chia với thi sĩ, anh bày tỏ quan điểm mình hãy để văn chương xuất phát từ trái tim chân tình nhất. Gạt bỏ những lệch lạc lỗi lầm, những ham muốn hão huyền mà sống thực hết mình cho văn học.
                                                       25.11. 2012/ Nguyễn Thị Phụng
___________________
* Tên các tiểu đề trong trường ca


Thứ Hai, 9 tháng 11, 2020

NGHĨ VỀ 20.11 HẰNG NĂM, tản văn Nguyễn Thị Phụng

 NGHĨ VỀ 20.11 HẰNG NĂM*



      Nói đến nghề dạy học, nhân dân ta đã sẻ chia “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”, rồi trân trọng đề cao: “Tôn sư trọng đạo, Nhất tự vi sư bán tự vi sư, Không thầy, đố mầy làm nên,…” trở lại khuyên nhủ  “…Cơm cha áo mẹ, chữ thầy/ Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”. Mực thước đạo làm người xưa nay là phải giữ được mối quan hệ gia đình- thầy trò nên khởi đầu năm mới nhắc nhở: “Mùng một ăn Tết nhà cha, mùng hai nhà mẹ, mùng ba nhà thầy”.

       Tiếp nối truyền thống ấy Chính phủ ta chọn ngày 20.11 hằng năm được gọi là Ngày Nhà giáo Việt Nam kể từ 20.11.1982. Có tiền thân từ “Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo” (gồm 15 chương với nội dung đấu tranh nền giáo dục tư sản, phong kiến; Xây dựng nền giáo dục, bảo vệ quyền lợi, đề cao trách nhiệm, vị trí nghề dạy học và nhà giáo- nên trong Hội nghị của Fise từ ngày 26 đến 30.08.1957 tại Warszawa- Thủ đô Ba Lan, quyết định lấy ngày 20.11. 1957 là ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo, được 57 nước tham dự trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam chính thức là thành viên của Fise).

        Với tôi, nghề giáo vơi đầy kỉ niệm buồn vui. Nghỉ công tác hưởng lương hưu hàng tháng, được Nhà trường, Chính quyền  mời về dự kỉ niệm 20.11 đã là vinh dự. Nhưng với tôi vẫn cứ áy náy vô cùng. Đâu riêng gì mình đã từng đứng trên bục giảng, chúng ta còn có rất nhiều thầy cô giáo với nhiều hoàn cảnh khác nhau trước và sau năm 1975, có người bị buộc thôi việc, có người  xin nghỉ việc với lí do đồng lương không đủ nuôi con, chi tiêu trong gia đình, đa số xin hưởng chế độ một lần. Họ hay đùa là “mất dạy”. Thực ra ngày ấy những cụm từ chế giễu “thầy giáo- tháo giày ra chợ bán, giáo chức- dứt cháo chợ quanh năm,…”. Nhưng kết quả với họ là những đứa con trưởng thành, có công ăn việc làm tương đối là ổn định, cũng đã ủng hộ nhiều cho Hội sau này. Niềm vui tuổi già bên con cháu, trông nôm vườn tược ca nhà vô ra.

       Đó là hạnh phúc. Nhưng cái hạnh phúc là trở lại tháng năm cùng “Hội đồng sư phạm”, cùng sẻ chia ngọt bùi gian khó, cùng hội họp ngày Nhà giáo đã thực sự được công nhận chưa. Suy nghĩ ấy thôi thúc tôi nhận lời ngay khi ông Khưu Đại Lợi- trưởng phòng Giáo dục Đào tạo Tuy Phước, trưởng Ban vận động thành lập Hội Cựu Giáo chức (CGC)huyện, mời vào Ban thường vụ Hội CGC. Mỗi xã là  một thầy hay cô giáo hưu vào trong Ban chấp hành Hội, rồi tiếp tục vận động thành lập Hội CGC xã. Tôi cùng chị- cô giáo Nguyễn Thị Trướng chở đến từng nhà thăm hỏi tất cả đều mong muốn có ngày họp mặt chung. Điều khó khăn nhất ở một số cán bộ từng làm trong ngành giáo dục cũng từ chối vào Ban chấp hành vì lí do đau bệnh. Vậy đã hưu thì có ai mạnh khỏe nữa đâu. Việc hoàn chỉnh danh sách kí xác nhận trên sáu chục người rồi, hồ sơ hoàn chỉnh rồi, còn kinh phí tổ chức ra mắt thì sao… Dịp hè năm 2016, cô Lê Thị Nga từ Sài Gòn về, mời cô Trướng, cô Nga, cô Dung, vợ chồng thầy Thùy và cô Hoa. Tôi trao đổi và được hưởng ứng, tự nguyện đóng góp trước, tổng số lên được 2 triệu rưỡi. Lại là hạnh phúc giấy mời được gởi đến tận nơi, đúng người nhận.



      Chọn thứ bảy, ngày 30.07.2016 Ra mắt Chi hội CGC Phước Lộc, lại là khó quên. Mở đầu thân thiện nhất là Thầy Lưu Hữu Nhi Thùy, đại diện cho các thầy cô giới thiệu tên từng người từ Sài Gòn có cô Nga, cô Bình, thầy Chính và cô Tâm; Từ Quy Nhơn có cô Bá Hường, cô Bích Anh; Từ thị trấn Tuy Phước có cô Ngọc Trang,… và tất cả cô thầy, cán bộ, nhân viên đã từng công tác trong ngành giáo dục, đã từng ở tại Phước Lộc cứ tay bắt mặt mừng, ôm nhau có người đã hơn ba mươi năm mới gặp lại… Cũng là thầy Thùy trước đây thường alo “tự phát” họp mặt liên hoan ngày Nhà giáo tại tư gia mình, không phân biệt hưu trí hay nghỉ việc một lần, đã thế các “thầy” còn hào phóng xếp các “cô” là khách mời nên không thu cỗ phần đóng góp nữa kia!... Bởi có cô Trương Thị Hoa đã từng kí “điều ước” với thầy từ thời thanh xuân đấy. Cũng là thầy Thùy, khi tín nhiệm là Chi hội trưởng CGC Phước Lộc, lại tiếp tục alo mặc dù đã kí phát giấy mời nhưng lo “các cụ” quên!... Lại duy trì alo mở rộng bạn bè thân hữu từ xa cũng “xin” vào Hội chung vui tuổi già. Khi dự cuộc họp đầu tiên, thầy đã tham mưu cùng Hội đồng giáo dục xã nhà để tất cả hội viên đều được tặng hoa và quà tôn vinh trong ngày Nhà giáo. Chính vì thế, ngoài Ban chấp hành, nhất là hội viên nữ cũng rất vô tư “xin” đóng góp công việc trong ngày Hội, cùng với Ban chấp hành(thầy Thùy, thầy Hậu, thầy Lợi, cô Dung, cô Bằng,...) thăm hỏi cựu đồng nghiệp mình lúc cơ nhỡ ốm đau… Việc làm không yêu cầu “phụ cấp” mà năng nổ đến vậy. Xuất phát từ tấm lòng nhà giáo xưa nay của người Phước Lộc đầy tự hào văn hóa truyền thống.

       Còn tôi, xin trích lại đoạn phát biểu hôm ấy: “…Chúng ta có biết bao nhiêu người thầy mẫu mực và những câu chuyện cảm động về tình nghĩa thầy trò. Kể từ tháng 5. 1975 đến nay trên địa bàn xã Phước Lộc, chúng ta có rất nhiều thầy cô giáo đã vượt khó đến lớp giảng dạy học sinh, tham gia xóa mù ở miền núi xa xôi,… nhưng với đồng lương của thời bao cấp quá ít ỏi không đủ trang trải sinh hoạt thường ngày, nên một số đã phải chuyển ngành, đây là việc làm ngoài ý muốn của một tấm lòng nhà giáo thiết tha yêu nghề mến trẻ…



       … Chúng tôi trực tiếp đến từng nhà thăm hỏi, bức xúc trước hoàn cảnh các thầy cô giáo cao niên lại bệnh tật, có nhiều khó khăn trong sinh hoạt như cô Võ Thị Liên Hoa ở thôn Phú Mỹ 2 bị tai biến. Còn cô Tô Thị Xuân Mai ở Phong Tấn hơn một tháng nay cũng vậy. Cô Đào Thị Kim Tước ở thôn Vinh Thạnh đang điều trị tại bệnh viện Khánh Hòa hơn một năm nay, thầy Nguyễn Tất Tiếu cũng mới mổ tim vừa ra viện,…

       …Một số thầy bị bệnh nan y, tuổi già ra đi không thể chờ ngày Ra mắt Chi hội CGC xã mình như: thầy Nguyễn Ngọc Thanh ở Quảng Tín; thầy Văn Tấn Sùng, thầy Trương Thanh, cô Tống Thị Chinh ở Đại Tín; thầy Nguyễn Văn Miên ở Trung Thành; thầy Nguyễn Tất Hiển, Nguyễn Văn Đức ở Vĩnh Hy; thầy Huỳnh Hồng Đức ở Quang Hy; Thầy Lê Bá Trí, Nguyễn Ngọc Thụy, Phạm Văn Năm ở Hanh Quang; Riêng thầy Nguyễn Nguy Anh ở Trung Thành đi làm ăn xa bị tai nạn giao thông mất mùng ba tết 2016…

     …Chính vì thế mà hôm nay Ban vận động kịp thời Ra mắt Chi hội CGC xã Phước Lộc và đề ra phương hướng hoạt động… cùng phương châm: Đoàn kết, Chăm sóc, Trách nhiệm…

       Vậy là cuối buổi họp mặt ấy, lúc đầu đặt sáu bàn cơm phần lo thiếu 500 ngàn, thì có phụ huynh em Nguyễn Huyền Trân- cựu học sinh Phước Lộc ủng hộ cho đủ, thì giờ số dư lên đến gần mười triệu đồng từ đóng góp của các cô, các thầy và học sinh bổ sung. Mừng. Từ quỹ ban đầu là số không mà cô Dung kế toán cứ phải lo khoản thu nhập sao cho chính xác.

       Mấy ngày sau, điện thoại reo, em Đặng Mậu Mỹ Chi- học sinh Phước Lộc alo, chúng em họp mặt ở Sài Gòn mỗi bạn một triệu gởi biếu Hội, còn nói thêm hôm trước bạn lớp trưởng Phạm Bảo Ân có xin số tài khoản để gởi tiền về tổ chức, mà cô đã từ chối. Đúng rồi. Tôi chỉ muốn huy động từ nguồn quỹ ban đầu mỗi giáo viên góp lại cùng giúp đỡ lẫn nhau. Và sau đó, đại diện nhóm cựu học sinh Phước Lộc: Phan Minh Hải, Trần Duy Vũ, Phạm Xuân Thông, Trương Trọng Thảo, Nguyễn Văn Tùng, Phạm Bảo Ân, Nguyễn Thị Thanh Nhã và Đặng Mậu Mỹ Chi mang quà về biếu Hội CGC. Rồi từ đó nhân lên có em Nguyễn Minh Hòa và Nguyễn Minh Hiếu Hòa, em Trúc Quỳnh, Huỳnh Lê Đình Toại, Nguyễn Thành Tín, Lưu Thị Vân Yên, Trần Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Hoa Cúc, Nguyễn Thị Tuyết Lan, Nguyễn Tất Toàn, Huỳnh Uy Dũng, và còn nhiều học sinh khác nữa , có em tiếp tục ủng hộ nhiều lần. Dẫu có là con số ít hay nhiều thì nguồn thu cho Hội cũng là nhờ vào việc duy trì vận động chung của thầy Lưu Hữu Nhi Thùy, thầy Nguyễn Trung Hậu,... Có lẽ tấm lòng nhà giáo khi còn trên bục giảng, trong những ngày 20.11 khuyên học sinh mình hãy tập trung chuyện học để thành danh, thành người. Và hôm nay các em trở về nhiều lần mang nặng món quà tri ân cô, thầy gởi biếu Hội.  Thật sự cảm ơn tất cả trường học, chính quyền địa phương, các cá nhân có tấm lòng đóng góp sẻ chia thăm hỏi hội viên nằm viện, gia đình neo đơn, khó khăn,…



        Trở lại niềm vui 20.11.2016 là ngày Hội đầu tiên Chi hội CGC Phước Lộc.

        Có thể kể người cao niên nhất là cụ Nguyễn Cang, nhân viên bảo vệ trường Tiểu học giờ ở tuổi 90, luôn giữ tiếng trống trường đúng giờ có mặt sớm 30’ theo giấy mời, thầy Nguyễn Đức Độ từng công tác trường Đại học Quy Nhơn ở tuổi ngoài 80 cố gắng trên chiếc xe đạp điện cũng sớm hơn 15’. Rồi đến thầy Nguyễn Quang Cang, thầy Nguyễn Tất Tiếu, thầy Phạm Ngọc Liên, thầy Trần Ngọc Thoại, thầy Huỳnh Trung Trực, thầy Nguyễn Tấn Thái,… Còn như các cô  Võ Thị Ngọc Trang, Đào Thị Việt Hương, Huỳnh Thị Trạch, Nguyễn Thị Thu, Đặng Thị Thanh Tùng, Nguyễn Thị Ba, Nguyễn Thị Duy Cần, Nguyễn Thị Diệu Tuyết, Nguyễn Thị Chỉnh, Nguyễn Thị Hoàng Lan, Tô Thị Xuân Mai,… Riêng cô Kim Tước nằm viện. Còn tất cả đều đúng giờ như ngày còn đi dạy. Đẹp từ tác phong, từ thái độ ứng xử làm nên nhân cách người thầy tiếp nối bao thế hệ.



        Ông trời xúc động. Cứ rắc rơi, rắc rơi, đổ hạt dập dồn xé vào ruột gan tôi. Mưa mà như đổ lửa vào lòng người. Sao nỡ phụ công những mái đầu đã nhuộm màu phấn trắng bao năm của các cô Trướng, cô Liễu, cô Bạch Tuyết, cô Khanh, cô Dung, cô Chín, cô Bằng,… xúm xít tết nơ vào cho đủ hai chục bó hoa đã xin thêm về tặng hai chục thầy cô ngoài bảy mươi tuổi cùng khung Chúc mừng thọ nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Nghe thật đơn giản, mà chúng tôi chuẩn bị cả tháng trời. Đã thỏa cơn xúc động, ông trời còn chưa nguôi gởi vào cái nhìn vừa kịp nhận ra nhau điểm đi điểm lại: Chào chị…chào cô…mà thầy tên gì, cô tên gì?... Lạ chưa! Nhớ hồi đó…, nay thế này ư,… Rồi em không nhận ra… Bao nhiêu năm rồi chứ ít gì…

        Quanh những chiếc bàn tròn, dẫu tách trà đã nguội, cà phê còn đọng lại chút ít đáy li, mà hương thơm cứ quấn quýt tỏa theo năm tháng một thời bao cấp đi qua, phải chạy ăn từng bữa, đau đáu rời xa bục giảng, nhớ ơi là nhớ!... Chị Lê Nga nén xúc động, cảm ơn “ban lãnh đạo” nữa chứ… còn đọc thơ gởi gắm: “Nếu mai tôi chết…” giữa hân hoan thể như cày xong thửa ruộng. Thầy Hậu, thầy Lợi, cô Trướng tiếp nối vần thơ về đồng nghiệp về sân trường, bạn bè. Những bó hoa thầm lặng tặng nhau sau mỗi bài thơ, và những bài hát của cô Khanh, cô Hoa, cô Anh, cô Mỹ, cô Thơ, cô Hà, cô Hạnh,... Mỗi bó hoa thay lời nói khoe sắc, tỏa hương.

       Những công việc cứ duy trì thăm hỏi ốm đau, chúc mừng các cô, các thầy lên “thất thập” cũng được làm thường năm vào 20.11.

       Quà 20.11 của Hội CGC. Phước Lộc là như thế.

       Giờ là mong nạn dịch Covid-19 chấm dứt, để chúng tôi dành món quà 20.11 lần thứ năm này bình yên tặng các thầy cô trong Chi hội mình.

Tháng 15. 05. 2020.

*Trích tập Tản văn Về một thời thiếu nữ (NXB HNV, 2020) của Nguyễn Thị Phụng