Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

HỘI NGỘ HỒN CỐT VĂN CHƯƠNG


HỘI NGỘ HỒN CỐT VĂN CHƯƠNG
hay Nhật kí 15.12.2019 tại Lí môn Vinh Thạnh

       Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi viết Nhật kí cho đời mình.
     Để khẳng định một điều những tác phẩm nghệ thuật, nhất là nghệ thuật ngôn từ thể hiện tư duy người sáng tác giúp độc giả hiểu và sẻ chia dưới nhiều hình thức khác nhau. Có người yêu thích về một nhân vật rồi kể lại truyện ngắn ấy, có người tâm đắc ngâm nga bài thơ. Nhưng riêng tôi tiếp nhận văn bản qua hình thức điểm bình, chính vì thế tập Hồn cốt văn chương (NXB Văn hóa Văn nghệ 2019), công việc  không chỉ là phát hành sách đã in, phục vụ bạn đọc mà còn là cuộc hội ngộ giao lưu các nhà văn, nhà thơ có tên trong tập Tiểu luận và phê bình cùng với bạn bè yêu thích văn chương.

         Thời tiết chỉ còn tuần sau là vào Đông chí, lại được thiên nhiên ưu đãi Hồn cốt văn chương. Giữa không gian vườn của Hội quán Hương đồng nội, tách trà thơm lan tỏa hòa cảm xúc thăng hoa đón nhận những người bạn tham dự. Sau mười ngày, “Ơn trời mưa nắng phải thì…” tôi gặt được những trái tim sẻ chia trên facebook dành yêu thương cho Hồn cốt văn chương: “Kim Chi Ho Con tâm đắc bài nói sâu sắc của nhà văn Lê Hoài Lương. Con ko thể ngồi yên vì bài nói dí dỏm mà khái quát cả cuộc đời và sự nghiệp của NTP của nhà thơ Phạm Văn Phương. Con trở thành fan hâm mộ của người kiến trúc sư tài hoa Đào Tùng. Con yêu mến ngay từ phút đầu cô MC áo tím. Con bất ngờ trước sự dung dị, chân thành của giảng viên Lê Nhật Ký... Và còn rất nhiều cung bậc cảm xúc đến với con trong buổi ra mắt sách dễ thương của cô. Con bị lỗi một cái hẹn với cô hôm giờ. Mong cô thông cảm cho con nhé…” Không chỉ một đồng nghiệp trẻ Kim Chi Ho (THCS. Phước Lộc) luôn đồng hành cùng cô Phụng Nguyễn Thị (NTP) trên mỗi trang văn, trong những ngày ra mắt sách, mà tôi ắp đầy lời chúc mừng yêu thương tỏa hương cùng Hồn cốt văn chương từ các Nhà giáo trường Đại học Quy Nhơn, thầy cô giáo trường THPT Xuân Diệu, trường THCS Phước Lộc, của Văn nghệ Tuy Phước, An Nhơn, Quy Nhơn, Tây Sơn, An Khê, Phú Yên, Lâm Đồng,… của trang web. Hương xưa, của lớp Văn 3B ngày ấy, của Chi hội Cựu Giáo chức, của nhóm Gà An Nhơn,… và người thân trong gia đình.

      Phải chăng đó là hạnh phúc cho Hồn cốt văn chương từ những cung bậc cảm xúc: Một Khát vọng của Phạm Minh Tuấn đã được mở đầu chương trình giao lưu qua tiếng hát Thu Hồng, cô giáo (người Phù Mỹ Bình Định) dạy văn viết truyện ngắn và làm thơ đến từ Phú Yên, lại tiếp nối thăng hoa “…vệt nắng cuối ngày…mẹ khắc khoải chờ mong…lời mẹ ru cánh cò trắng muốt, … sớm tối nhọc nhằn thương lắm cò ơi… Mẹ đã xa, mẹ đã xa, ôi cò trắng giữa mặt hồ…”(Cò ơi- Thơ Thu Hồng, nhạc Nguyễn Ngọc Quang).







         Phải chăng đó là hạnh phúc từ những cung bậc cảm xúc: về khoảnh khắc Giao thừa 11(Trần Viết Dũng), đọng  lại cái tình, mà MC. Lưu Thị Mười bất ngờ sau lời phát vấn về bài thơ ba câu chưa thấy xuất hiện trên văn đàn. Nhưng vì sao nhà thơ Nguyễn Thị Phụng lại có, bình thơ rồi đưa vào trong tập Hồn cốt văn chương!?… Cái kết cho câu trả lời “Tôi giao thừa buồn tôi”, dọn dẹp nỗi buồn nhà thơ cất cao tiếng hát: “Sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan, trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết…”(Anh đến thăm em đêm ba mươi) - tình khúc Vũ Thành An của mối tình đầu ngân nga tiếc nuối trong tiếng hát thi sĩ “Vua và em”.
         



   Sau lời mời, tác giả Những dòng sông. Làng. Và những người con gái đã khiêm tốn mời lại MC. trở về vị trí, nhường “diễn đàn” cho mình. Gói gọn chỉ năm phút, không nói về tập Tản văn, ngoài việc BBT Báo Văn nghệ a lô xin ảnh bìa tập sách và thông tin có bài viết của NTP. gởi ra đây… Nhưng cái bất ngờ đối với anh là hạnh phúc cuộc hội ngộ, về trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện Hồn cốt văn chương của chị Phụng- được nhiều người nói từ “nhà giáo- nhà thơ- nhà văn- nhà phê bình kể cả nhiếp ảnh”,… nghĩa là nơi nào có sự kiện chị đến được là ghi tất những hình ảnh, sinh hoạt để đưa lên các phương tiện thông tin. Có thể nói chị nghiện face… Đặc biệt chị nghiện tình cảm bạn bè… Chị Phụng là người hạnh phúc nhất… Cái hạnh phúc không mơ hồ khi chị là một trong những người chịu đọc, không chỉ đọc từ bạn bè tặng, chị còn đến Thư viện, mua sách và đặt thêm Tạp chí Thơ, Nhà văn,… với chị đọc là hạnh phúc. Mặc sự khen chê trong cảm nhận tác phẩm của mọi người, riêng chị cứ hồn nhiên trong veo chia sẻ, đồng cảm, mê đắm văn chương. Và khi đọc chị đã sáng tác. Người đam mê văn chương như chị thật quá hiếm. Làm văn chương với chị là hạnh phúc, là được giao lưu với bạn bè, niềm hạnh phúc luôn mãi bền vững với chị…

     Và cuộc biện luận đơn phương“bùng nổ” về hạnh phúc của Nhà văn Lê Hoài Lương cuốn hút từng ánh nhìn ngạc nhiên, phải chăng đó là sự thật NTP sao!... Ai đã biết về chị. Đọc những tác phẩm sẽ có lời thẩm định tác giả, như ở phần đầu nhà văn vừa“đúc kết”. Và chỉ đúng trong thời điểm thuộc về ngày hôm qua!...











     Giữa buổi sáng mùa đông tìm cái rét khó quá. Bởi hạnh phúc duy trì kết nối từ những cung bậc cảm xúc luôn đồng hành trong tiếng đàn guytar, từ một kiến trúc sư tài hoa góp lại tình quê khao khát:“…Về đây thôi, về đây thôi kể nhau nghe chuyện buồn vui mây khói u hoài,…kể nhau nghe vùng trời tinh khôi…”(Đào Tùng thể hiện, sẻ chia một sáng tác vừa viết xong là nhận lời mời của chị Phụng ).       




Cảnh trước nhà Phụng sáng 15.12.2019.

        Tất cả chúng ta về đây, là về lại vùng quê cư ngụ lâu đời của nhiều tộc họ, trong đó có thể kể tộc họ Đào nên mới có cổng làng hơn 100 năm lặng lẽ đón đưa từng bước chân đi về nặng tình làng nghĩa xóm. 









Đến với ngõ Lí êm đềm, hay đến  với bóng mát hương hoa, quả ngọt lắng đọng chất giọng Nguyễn Thị Ánh Sáng: “Tháng ba bưởi ngan ngát hương/ Mồ hôi cha ủ góc vườn thuở nao/ Chợ xa bước thấp bước ao/ Hoa cười là mẹ đổi bao xuân mùa/…/ Bưởi đào thương thuở hàn vi/ Con nương vị ngọt những khi cơ cầu”(Hương bưởi, trích Vườn trưa- Nguyễn Thượng Trí).
Tác giả Vườn trưa tặng hoa Ánh Sáng ngâm thơ
        
Đây là lần thứ ba giới thiệu tác phẩm của NTP. Lần đầu ra mắt tập thơ Em vẽ trái tim mình ở CLB Vh Xuân Diệu tại Trung tâm Văn hóa tỉnh năm 2013, có nhà thơ H. Man, Lê Anh Dũng- đại diện NXB Văn học về dự. Lần thứ hai tập Tiểu luận Lặng trong hương lúa được Hội VHNT Bình Định tổ chức năm 2014 (Ra mắt chung với tập Tiểu thuyết Thầy Gootama và 8000 đệ tử của Nhà văn, Bác sĩ Trần Như Luận), lại có thêm Nhà văn Thái Bá Lợi và Hồ Sĩ Bình từ Đà Nẵng vào. Và hôm nay sách được ra mắt tại quê nhà mình, sau hơn 10 năm miệt mài yêu thương con chữ ở tuổi năm thứ 64 như tôi cũng là hạnh phúc. Xin chúc mừng buổi họp mặt và giao lưu các tác giả “bị” tôi đưa vào tập Hồn cốt văn chương. Xin cảm ơn NXB Văn hóa Văn nghệ, Ban Biên tập, Họa sĩ Lê Duy Khanh vẽ bìa, đối tác liên kết xuất bản Phạm Kim Sơn. Cảm ơn tất cả tác giả có mặt trong tập sách, cảm ơn người thân, bạn bè, độc giả về họp mặt ra mắt sách NTP.
Những đóa hồng mãi tỏa hương lưu niệm cảm xúc từ đôi tay MC. Lưu Thị Mười chia sẻ…
         

                Hương hoa thắm sắc được dành riêng Hồn cốt văn chương từ xứ sở hoa Đà Lạt- Ngựa núi của Trần Hoàng Vũ Nguyên và người bạn Bạch Thùy Dung đồng hành gõ cửa lúc canh tư sáng ngày 15.12.2019…








      
  Người xa đến người gần chỉ là khoảng cách kilomet. Nhớ nhau là lẽ thường. Người của văn chương xích lại để nói được cái tình muốn nói, MC. bảo rằng mình cũng quen biết chị đã lâu, nhưng chưa viết về chị, chia sẻ chân tình phải dành cho tác giả Ngang qua mùa hạ- Lê Bá Duy: “…Với chị, nhờ lòng yêu, say đắm với văn chương mà chị đã vượt qua bệnh tật để tồn tại để sống và viết được như thế. Chưa hết chị còn yêu bạn bè, quý bạn văn chương… Tại ngôi nhà trần gian này, chị vui mừng đón nhận những thi sĩ tài hoa như “thi sĩ của Vua và em”, “thi sĩ xe ôm”, “nhà văn, thi sĩ Hồ Du” ở Vĩnh Long và rất nhiều nhà văn ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đà Nẵng… ghé thăm. Chính sự cởi mở, chân tình, vui vẻ và mến khách của chị đã chiếm được khá nhiều cảm tình của bè bạn văn chương… Tôi thích cái “dễ thương” khi chị nghĩ về một câu ca dao Bình Định; cái “thông điệp” lan tỏa yêu thương khi chị đọc các truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Bá Trình; hoặc “Lung linh giọt nắng”, Có khi “Thức với vườn trưa” để thắc thỏm cùng với thơ bè bạn…”
Hai thế hệ văn chương.




          Nhà giáo Lê Nhật Ký trước khi đến dự đã nhắn tin:“Chị chỉ giới thiệu là anh em ở ĐHQN thôi nhé, không học hàm học vị gì cả”. (Tôi gởi lại: Yên tâm đi, tổ chức sự kiện giao lưu tác giả, nhưng chị không có khuôn dấu em ạ!...)Một phong cách Nhà giáo “nhân dân” đã làm cho người hội ngộ viết lên dòng chữ: “Con bất ngờ trước sự dung dị, chân thành của giảng viên Lê Nhật Ký...”. Thầy Lê Nhật Ký nói gì với Hồn cốt văn chương: …Sau khi đọc Em vẽ trái tim mình của NTP có ấn tượng sâu về những bài thơ lục bát… đậm một chữ tình trải ra nhiều trạng thái khác nhau trong mỗi tác phẩm theo chiều hướng tích cực, luôn phát hiện cái hay, cái đẹp ở mỗi tác phẩm trong Hồn cốt văn chương… Cái tình bộc lộ chân chất, cái dân giã của một nhà giáo… Chúng tôi rất tâm đắc bài viết của chị về công trình của chúng tôi “Truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam”phân biệt được thể loại về Đồng thoại và Ngụ ngôn… Và hành trình văn chương với chị lâu dài hơn rất cần sự chia sẻ gia tăng lí thuyết phê bình… và với chị luôn có trách nhiệm với câu chữ của mình trước tác phẩm của bạn bè chị đã đọc… Cuốn sách có giá trị khi được đọc, và giá trị hơn khi được chia sẻ với mọi người mà chị Phụng đã làm được… Và tất cả cũng đã đón nhận thêm lời chúc sức khỏe của Nhà giáo đâu riêng dành cho tôi phải không ạ!...

 
Các bạn văn 3B CĐSP 
  
Đến lúc này tôi có thể khẳng định một điều sức mạnh sắc hương hoa từ các Nhóm bạn Văn, bạn Gà học Phổ thông An Nhơn 1, bạn Cựu giáo chức,… trao tặng dành cho Hồn cốt văn chương xua đi khí trời Đông chí, chẳng có lò sưởi nào ấm hơn lò luyện văn chương. Đôi mắt cử mở to hay khép lại để hình dung thay đổi cảm giác về một người đang muốn và đã sẻ chia về một người thường ngày gặp gỡ. Họ là ai!... Họ là những người làm văn chương, cái hồn cốt văn chương luôn có trách nhiệm bảo vệ ngôn ngữ tiếng Mẹ đẻ của mình, chỉ có hoàn thiện và làm giàu thêm vẻ đẹp cho nó.




Các anh chị em Cựu Giáo chức



     
Các bạn Gà THPT An Nhơn1
   























 
    Như một khi âm thanh tiếng cú “kêu” giữa đêm khuya vắng, phải chăng nếu không có một truyện ngắn “Cú vẫn còn kêu” của Trần Quang Khanh kịp thời đến với bạn đọc, loại chim trời chỉ “a lô” : cú… cú… gặp bạn về đêm… mà ban ngày phải miệt mài xây tổ, ắt dễ bị tuyệt chủng của một loài lông vũ này, nhà văn đã bày tỏ- kể lại các nhân vật có thật từ trong gia đình mình… Cú vẫn còn kêu là hình tượng đẹp trong văn học. Không cần giải thích. Bạn đọc đến với mỗi truyện ngắn của Trần Quang Khanh có thể sự lí giải khác nhau, nhưng chung quy người cầm bút hết lòng với nhân vật trong tác phẩm. Dẫu chỉ ít nhân vật là loài vật, anh vẫn dành hẳn tình yêu thương mình với nó. Huống chi là người. Cú vẫn còn kêu đánh thức cái nhìn lệch lạc trong sự định hướng về vấn đề xã hội và cuộc sống hôm nay…


     
Ba chúng tôi được bạn Duy Ninh tặng hoa kỉ niệm.
  
Hội ngộ Hồn cốt văn chương giao trọn cho MC. Lưu Thị Mười, tôi chỉ có việc cầm máy- vì không thể diễn lần thứ hai. Cái giật mình phải trở lại sân khấu nói lời “Cảm ơn các anh chị, các bạn đã dành thời gian đến với Hồn cốt văn chương, đứa con thứ tám của tôi, gặp gỡ và giao lưu với tác giả có mặt trong tác phẩm. Thời gian không nhiều, nhưng người bạn “ mầy - tao” của nửa thế kỉ trước đến bây giờ cũng vậy “tao- với mầy ”nằng nặc phát biểu, thôi cũng đành chìu “trai” một chút có được không ạ?  Xin mời Phạm Văn Phương(PVP)

       Nhà thơ- bạn tôi đã nói gì? Tình bạn của ba chúng tôi học lớp 10.C từ năm 1973, tôi xin được đứng giữa hai bạn Phương(An Nhơn) và Phượng(Tây Sơn). Lớp là lớp C (chơi), nhưng sau này có năm bạn được gọi là dân chơi: Hai bạn xinh đẹp là Lan Hương và Ái Mỹ (ở Đập Đá) xinh đẹp hát hay đã trở thành ca sĩ, lâu lắm có dịp mới được gặp lại. Từ Khánh Phượng- con trai đặt tên con gái, rất hiền yêu ni cô và không ngăn nổi trái tim tu sĩ- ra đời để sống với thơ, với tình yêu của mình. PVP. thì làng nhàng thơ với thẩn chỉ ra được một tập Hái bên đường, tính thời gian đến nay gần cả đời Kiều lưu lạc. Cái lạ của NTP ở Tuy Phước lên học An Nhơn, tôi hỏi thì bạn chỉ cười, lại có chồng sớm sinh hai con đặt là Tài- Năng; Cái lạ tiếp ở tuổi bốn mươi đang xuân tự nhiên không ngủ với chồng, ra nằm một mình lấy giấy bút ra làm thơ… Từ ngày xa Kim Trọng đến giờ đẻ ra tám đứa con thơ, văn, tiểu luận phê bình…đặt tên toàn con gái vì đâu có cha “Tự khúc đêm trăng, Em vẽ trái tim mình, Lặng trong hương lúa, Cho anh xin lỗi, Bến xuân, Hương thảo thất,Nơi tình yêu giữ lại, Hồn cốt văn chương. Lạ không. Thân già ốm nhách viết hơn ngàn trang sách. Tiền đâu để in, lương chỉ có mấy triệu chi đủ thứ, cả tình phí nữa, cả thuốc thang vì bị hen từ nhỏ. Lạ nữa là đang trong tay với bạn bè, anh em, giữa không gian thơ mộng đẹp ngây ngất những câu thơ tình kiểu như “Anh ngồi hát để em nghe/ Ngoài kia mặc kệ tiếng ve bờ rào”… thì Phụng- đùng một cái viết Điếu văn cho mình trong sinh nhật lần thứ 63… Lạ thật. Thôi thì…đã gần năm mươi năm nối khố với nhau, đến đây sẻ chia cùng bạn bè phải dùng chanh khống chế huyết áp và ai cần tôi có dự trữ trong túi xách, tôi cho… 
Bạn Yên giao lưu văn nghệ.
        Thế đấy
Chị Giai Ngẫu, nguyên gv. tiếng Anh với bài hát Bến Xuân

      Hơn 60 phút gặp gỡ một số tác giả trong Hồn cốt văn chương, cũng dành riêng văn nghệ tiếp nối tiếng hát chị Giai Ngẫu với Bến xuân của Văn Cao. Vì trùng tên tập thơ của NTP, dành tặng cho tác giả Hồn cốt văn chương. Bạn Yên cũng đã đồng cảm Tháng bảy, mẹ ơi (thơ NTP), cùng với tiết mục Lời ru (Lê Minh). Riêng anh Lưu Hữu Nhi Thùy, người nhiệt tình gợi ý mai tổ chức có cần loa kéo… tui đem xuống dùng. Và anh là người kết thúc chương trình văn nghệ thật nỗi niềm“…mẹ ta trả nhớ về không/trả trăm năm lại bụi hồng/ rồi đi...”(Mẹ ta trả nhớ về không-thơ Đỗ Trung Quân, nhạc Trần Thiện Thanh) đánh thức và nhắc nhở.


Anh Lưu Hữu Nhi Thùy góp vui văn nghệ
       Phần chú thích:
       Tôi muốn trở lại ngày đầu tháng 12 cho đến buổi trưa Hội ngộ.
      Gặp nhau tại Cây Bông(Nhơn Khánh), nhà văn Lưu Thị Mười nhận làm MC , là cái mừng thứ nhất. Tiếp đến cái mừng thứ hai: qua thăm nhỏ Vàng mổ mắt về bình yên, thêm chuyện tổ chức liên hoan họp mặt Hồn cốt văn chương, Kim Thừa bàn ra: đừng dọn xôi, dành phần nấu bánh chưn đem xuống; Có dưa chua ăn kèm phần của Thanh Tranh, ngon đến hết, xin nữa…chỉ còn cải thẩu nhựa to. Trần Nghĩa mau mắn hơn, nghề của nàng: đổ đông sương cắt miếng ra dọn. Mắt đã khỏe chưa mà đem xuống một chồng bánh tráng mè nướng ngon quá Vàng ơi!.. Mình phải từ chối món Su Sa của Bùi Bảy ở Nhơn Thành để dành hôm sau, khi có bánh bông lan của Mai Dung Quy Nhơn đem lên. Nguyên vẹn cái bánh kem thơm phức của Hồ Kim Chi dành cho tất cả thưởng thức. Bánh ít mặn ngọt lại quá nhiều của chị Trướng. Cái mừng tiếp nối: Bàn tiệc bày ra thơm phức thêm món chả cá của Bích Hoàng, nhóm bạn học An Nhơn. Món thịt gà luộc, nem nướng kèm với bánh hỏi, rau sống chấm nước mắm đơn giản… thêm chút nước ngọt, rượu, bia là của tất cả các anh chị, các bạn đến dự góp vào. Cộng với cái công mới là khó của con trai, của các cháu và các bạn nữa cơ. Riêng tôi, lần đầu tiên đi súc lại các chai thủy tinh xin của chị Trướng về, cho con trai chứa rượu Vĩnh cửu từ trăm năm trước à nghen.
         - Tôi muốn nghe lại cuộc gọi sáng ngày 15.12.2019:
          * “Xe đã vào cổng làng rồi chị ơi, ra mở của cho em nhé!”của Trần Hoàng Vũ Nguyên lúc 3h30’
 * Từ chị Trướng bảo đã hơn tám giờ rồi, anh em bạn bè có mặt đông đủ. Sao không qua?... Tôi muốn nghe chị tôi kể lại vợ chồng em trai tôi đến từng bàn bắt tay các anh chị và các bạn nữa cơ. Bởi chị là người nghiêm túc, tôi cũng vậy. Nhưng… chiếc áo dài đường xa, MC phải là lại, gói gọn chương trình sao cho sinh động. Vân…vân … và… vân…vân…





       - Tôi muốn alo nhắn lại Đào Tùng, mời em qua tiếp tục món văn nghệ chỉ năm phút sau em và cây guytar có mặt. Ca sĩ quá nhiều, chỉ mình em cầm đàn từ tiếng hát Thu Hồng mở đầu Hội ngộ đến sau buổi liên hoan bổ sung văn nghệ, co rút cả các ngón tay trái…



   
     Xin chân tình cảm ơn và tôi thật sự xúc động khi tôi đến chậm 15' thống nhất với MC. chương trình gọn nhẹ, các bạn sẽ hài lòng với người vừa đạt giải MC. Quốc tế Lưu Thị Mười dẫn chương trình. Gv. Tiếng Anh, kết cấu câu và từ vựng Tiếng Việt chuẩn. Còn Hội quán phải dùng đến ghế nhựa bổ sung chỗ ngồi. Rất mong các tình yêu của tôi xí xóa. Tình thân.
Thêm chú thích
  


   
       Nhật kí mà sau mười ngày tôi mới viết được. Chẳng phải tất cả ưu ái cho tôi- người bạn, người chị, người em,… Để có sự hoàn thiện của một người, của công việc là sự hoàn thiện chung của tập thể các bạn ơi!...



     
  

Xin cảm ơn tất cả đã nhiệt tình đến sẻ chia với Hồn cốt văn chương. Mình giữ vẹn nguyên ngày 15.12.2019 dấu yêu trong đời, chúc sức khỏe đến tất cả tình yêu của mình. Quý lắm thay./.
        Mùa Giáng sinh, 2019. NTP