Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

KHÁI NIỆM THẨM MỸ TRONG THƠ LỤC BÁT H. MAN - Nguyễn Thị Phụng

                        KHÁI NIỆM THẨM MỸ TRONG THƠ LỤC BÁT H. MAN



 

       H. Man làm thơ từ năm 1972, đến nay đã trọn nửa thế kỉ. Dấu mốc làm thơ không là thời gian, và rất hiếm những tập lục bát đã trình làng như H.Man 35 bài lục bát(NXB.Văn học 2011) và tiếp đến nay Lục bát bay vòng(NXB Văn học 2022), tôi cho đó là kỉ lục “xưa nay hiếm” của một thi nhân vừa tròn thất thập, tính kỉ lục được bắt nguồn từ cảm xúc tha thiết yêu cuộc đời đến dường nào. Vậy yếu tố thẩm mỹ trong mỗi tứ thơ lục bát H. Man thấm đượm dòng sông Thu Bồn trải qua mưa nắng, trong ngọt ngào bên võng mẹ đưa: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”(Ca dao). Cái ánh trăng vàng ấy bất biến trong Lục bát bay vòng lung linh vỡ ra rồi tròn trịa cơ hồ như bức thủy mặc của họa sĩ tài hoa.

      Yếu tố thẩm mỹ không thể thiếu trong mỗi tứ thơ, đó là cái đẹp khó trộn lẫn với loại hình nghệ thuật thẩm mỹ nào. Tự thân ở mỗi từ trong từng câu thơ có nhiệm vụ khơi gợi thể mặt trời sinh ra ánh sáng theo mùa. Nhưng vì sao ở trong bài thơ Lau trắng* có sự chấp nhận, không một chút phân bua: “Ừ thôi! Một góc trời nầy/ Bờ lau phủ trắng một ngày đìu hiu”. Thể chừng đủ sức khẳng định một sự cầm cố cô đơn, nhưng đó có thể là một nửa, có thể nửa còn lại nơi miền xa kia an nhiên kết hoa đơm trái. Thơ có là chốn mong manh nỗi buồn đẹp nhưng chưa kết thúc: “Tôi cầm một nửa trái sim/ Dẫu lưng bát nước cũng chìm nổi tôi”(Một nửa)*.

        Đến với tập đầu tiên H. Man 35 bài lục bát:

        Có thể khi chìm nổi tôi chỉ của riêng anh mà lay thức thị hiếu thẩm mỹ ở người tiếp nhận: “Đưa người, dài một bến sông/ Về, làm sợi nắng giữa mênh mông vàng”(Tiễn người)**. Không gian bến sông là một thực thể tồn tại đã từng đi vào ca dao vốn gặp gỡ và chia tay, lúc này với H. Man, tiễn người “dài”trong thẳm sâu nhung nhớ, vốn gắn liền một kỉ niệm ấm áp rời xa, khoảnh khắc ấy nung náu âm thầm mong manh quá đổi cho cái đẹp “sợi nắng” cứu cánh câu thơ anh, bừng sáng không trùng lặp từ vốn kế thừa bậc tiền bối Bùi Giáng thi nhân với dòng chảy miên man, lặng lẽ: “Âm thầm như nhánh sông quê/ thấm sâu vào đất câu thề đã xưa”(Đường về)**. Chỉ một nhánh sông quê đủ làm nên mùa vàng cho sự sinh sôi cánh đồng văn mà anh chăm chút. Cuộc sống vốn bình thường, nhưng được nâng lên nhờ sắc xuân tươi trẻ. Thơ H. Man 35 bài lục bát dù có đượm buồn, nhưng là cái buồn thi vị đáng trân trọng biết bao cho sự sinh tồn tiếp nối, cho sự tận hiến khôn nguôi:

        “Cháy lên những mụn than hồng

         Rồi tan loãng giữa mênh mông đất trời

         Cội nguồn sông suối à ơi

         Đất quê khép chặt mấy lời kệ kinh...”

                                                     (Đất khép)**

         Đất khép lại mở ra những khao khát cháy bỏng trái tim thi nhân. Không là cái cớ của một Lưu Trọng Lư “Ai bảo em là giai nhân /Cho đời anh đau khổ/ Ai bảo em ngồi bên cửa sổ/ Cho anh vướng nợ thi nhân”. Mà cội nguồn trong sâu lắng nhất, vẻ đẹp phụ nữ, của người mẹ tần tảo đơn côi thuở nào: “Xứ nghèo bếp lửa chiều đông/ Cứ nhen nhúm mãi chút lòng rạ rơm/ Giọt mồ hôi đổi chén cơm/ Nuôi con tình mẹ dẻo thơm một đời”(Nhớ mẹ)**chan chứa đủ đầy nuôi dưỡng tâm hồn anh sao quên được. Có lúc anh như cánh mai kia khi mỗi độ xuân về khoe sắc áo tươi nguyên, đủ thẩm thấu được thế nào viên mãn cho sự thăng hoa mà trăn trở:

         “Đã vàng một đóa trong nhau

          Mà run sương giá cuối ngày sang xuân

          Đông thay áo lá ngập ngừng

          Có nghe đau nhói trong từng búp non

          Với người

                          một cánh môi ngon

          Với tôi

                      một chút hư mòn thời gian

          Mở lòng đón gió xuân sang

          Có thương chiếc lá hư tàn bữa qua

          Cứ vì xuân

                          mà trổ hoa”/ (Hoàng mai)**

      Mùa xuân, dấu hiệu của cái đẹp. Cái đẹp không riêng gì đất trời, cỏ cây hoa lá xoay vần tạo hóa. Cái đẹp chính ở tâm hồn người khi biết khám phá, vun đắp sẻ chia giá trị của sự tận hưởng. Cái đẹp trân trọng vốn có từ đôi tay người làm nên, thơ cũng vậy rất từ tốn nhẹ nhàng, nhịp thơ rơi dòng “Với người/.../ Với tôi/...”  một sự đối lập tương xứng cùng đánh thức làn hương ngọt ngào ý vị, mà đầy thảng thốt âu lo trong sự cộng hưởng thời gian rất riêng H. Man: “... Bây giờ tay nắm bàn tay/ Tình không là rượu mà say hết đời...”. Phải chăng cốt lõi cái tình bắt nhịp con tim là hơi thở thường ngày đâu cho riêng thi nhân mà tất cả.

         Đến Lục bát bay vòng là sự tiếp nối cho cái “say hết đời” của H. Man như thế nào?

       Đi tìm câu trả lời không khó. Cái khó ở người làm thơ trong cảm thức mùa mênh mang, cảm thức không gian tầm tay khó với, độ chín trong tứ thơ lục bát, độ rung thanh âm tự tơ lòng bật ra: “Nao lòng một phím thơ rung/ Tình như mây trắng chập chùng trên cao/ Khi về, đón nhận hư hao/ Vườn xưa, kìa! Bóng chim nào vụt qua...”(Về sau những cuộc rong chơi)*. Tha thiết với cuộc sống đến thế, không là cách nói bóng câu qua cửa trong ngẫm nghĩ người đời. Với anh, cánh chim của bay lượn, tung hoành thoáng trông mà nuối tiếc khôn nguôi giữa vùng trời mênh mông độ lượng, mà khắc khoải vô biên: “Gọi người, tàn một mùa mơ/ Gọi tôi, những bước chân hờ hững đi...”(Về với mưa đông)*.

         Câu trả lời cho mạch thơ với nhân vật trữ tình tiếp nối từ H.Man 35 bài lục bát đến Lục bát bay vòng : “người” và “tôi” và có cả “em”, cùng với cách nói trống không: “ai” phảng phất âm hưởng ca dao: “Dây tình ai buộc tay ai/Trời xa, mây trắng cứ mài miệt tôi”(Một mình với biển)*. Có thể trên từng chặng đường phiêu lãng, như Bất chợt mưa trên đèo Tà Nung*, hay điểm dừng chân Bên cầu Daknong nghe nước chảy*,... đầy xao xuyến tâm hồn. Cảnh và người bên đời hòa quyện chút bâng khuâng thương nhớ. Nhớ nhất vẫn là “em”, ẩn dấu trong tim bức xúc bật ra rất H.Man: “Tôi cầm chút mộng đào hoa/ Mà đi cho hết năm xa tháng gần/ Mỗi lần lá rụng đầy sân/ Là thương cái thuở ân cần gọi nhau” (Lặng lẽ chiều)*. Với người tình, thi nhân chỉ có khoảng trời thơ:

         “Dở chừng lời hẹn xưa, sau

         Tóc xanh kia đã úa màu thời gian

         Ngùi ngùi trời đất mênh mang

         Câu thơ đến tím mấy hoàng hôn xưa

                                                   (Lạnh đông)*

        Trong Lục bát bay vòng, ngoài sức mạnh của từ láy từ ghép, còn có sự phá cách thể thơ không đánh đố độc giả, chút sẻ chia gợi nhớ tình phụ tử đầy trân trọng biết ơn khó mà nguôi ngoai:

           “Bảo rằng liều liệu tàn phai

           Trái mít non đã chín một vài khúc ru

           Mẹ giờ ngút ngát trời thu

           Bốn tao nôi còn vọng

            tiếng chim cu gọi bầy”/ (Về khúc hát ru)*

         Cứ mỗi câu thơ làm nên cái tứ trọn vẹn chữ tình thật chỉn chu, cho dù trong tần suất thanh âm tâm hồn biến động, bao trùm cái buồn đồng vọng không thuộc về bản ngã, dẫu như biến thiên của đất trời, dịch họa neo lòng người khắc khoải âu lo. Mỗi bài lục bát của H. Man thấm sâu cái hay ở nghĩa từ vốn có kết tụ mà thành, theo dòng chảy cảm xúc miên man khơi gợi của một Lục bát bay vòng*:

          “Lơ ngơ lục bát bay vòng

           Còn trong biến dịch niềm mong mỏi chờ

           Đã mòn ruỗng một đời thơ

           Đường trơn đá cuội cứ ngờ nghệch đi

 

           Nghe trong không vọng tiếng gì

           Cứ như tiếng khóc từ khi chào đời

           Lời ru theo mẹ về trời

           Ca dao mắc cạn những lời đục, trong

        Miệt mài “những lời đục, trong” lắng lại, và làm bung nở cho toàn tập Lục bát bay vòng thể như bóng nguyệt mát lành sẻ chia.

                                                           Bình Định, 31.03.2022

........

*Tên bài thơ trong tập Lục bát bay vòng

**Tên bài thơ trong tập H.Man 35 bài lục bát



Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2022

ĐÈN RA GIỮA GIÓ- Truyện ngắn Nguyễn Thị Phụng

 ĐÈN RA GIỮA GIÓ 


    1. Trăng thượng tuần. Cái dấu mốc cho trăng thượng tuần là mùng sáu. Còn mùng một lưỡi trai, mùng hai lá lúa, mùng ba cao liêm, mùng bốn lưỡi liềm, mùng năm liềm giật, mùng sáu thật trăng. Chị thuộc làu từ lúc theo mẹ đến khi tự mình bưng thau áo quần ra giếng làng để giặt. Tranh thủ thời gian chút ánh sáng tự nhiên còn nhanh chân về nhà chuẩn bị sớm mai đón tàu cá ba về. Nói tàu cá ba về, thực ra ba chị làm công cho chủ tàu lớn nhất xóm chài này. Xóm chài có Bãi Trong và Bãi Ngoài. Một cách gọi đơn giản Bãi Ngoài nằm phía bắc, Bãi Trong nằm phía nam bán đảo Bình Minh. Nhà chị ở Bãi Trong. Mọi sinh hoạt đi lại trước đây đều hướng biển. Đêm cũng như ngày các tàu thuyền đánh cá ra vào tấp nập. Giếng làng thường là đầu làng, nhưng trải qua mấy thế kỉ rồi, giờ nằm lọt thỏm trong khu dân cư xóm chài cạnh nhà chủ tàu. Cứ mỗi lần chị bê bên hông thau áo quần ra giếng, là anh mừng thầm. Bởi ánh sao trời chưa đủ sáng, có cơ hội anh xách chiếc đèn ra để cạnh giếng nhỏ nhẻ “Đèn tỏ hơn trăng”. Chị im lặng đón lấy ánh sáng từ ngọn đèn dầu hơn là âm thầm mò mẫm với thau áo quần đầy mùi nắng gió biển trộn lẫn sự tất bật của ba mẹ, thằng út bốn tuổi còn đái dầm, xả đi xả lại mấy lần nước, hơi muối mặn mùi cá tôm lúc sinh ra chị đã hít thở và yêu đến bây giờ. Từ đôi tay chị cảm nhận nước giếng Bãi Trong vị ngọt thanh mát ấm theo mùa. Và cứ mỗi đêm ra giếng, chị chờ cây đèn chắn bão, dù là trăng đã bước vào trung tuần.

      Chị lại nhớ có những đêm trăng thượng tuần như thế.

      Rồi bao mùa trăng trôi qua…

      2. Bẵng đi một thời gian lâu, đêm đêm ánh sáng điện xua bóng tối quanh giếng làng ra xa tít ngoài kia. Trên những đồi cát ngàn năm, nơi dành cho những người nằm xuống yên nghỉ suốt đời, khép gần kín hai đồi cát!... Các đồi phi lao mới trồng bầu bạn với nắng gió và trăng sao trước đây đều nằm phía sau bán đảo, việc qua lại đất liền là những con đường nhỏ men theo đồi cát. Rồi lối đi qua truông cát ngày nào khó khăn giờ lại phẳng dần thành đường nhựa thẳng tắp, cây trồng hai bên được cắt tỉa tử tế, cây ánh sáng trẻ trung từ dưới cát mọc lên. Đêm soi tỏ lối đi, ngày nắng táp, nườm nượp xe cộ qua lại, kể ra cũng thấy hữu ích. Thế gian đã biến cải đồi nên đường. Đó là sau khi cầu An Toàn bắc ngang qua biển, nối bán đảo với đất liền thì đường bộ thẳng tắp thành trục lộ giao thông chính. Có những hôm theo mùa gió lốc cuốn bụi cát trùm cả bên ngoài những chiếc xe hơi vừa mới chạy qua, người ngồi bên trong xe mát rượi vẫn cứ choáng mắt, dù chưa cảm giác cát hốt ném vào mặt lái xe hai bánh có mang kính mát và che khẩu trang kín mít vẫn nghe sàn sạt sàn sạt ghê rợn cả người. Theo biển chỉ dẫn rẽ về phía đông, tất cả sẽ ồ lên “biển kìa!...”. Đó chính là một góc Bãi Ngoài được thiên nhiên ban tặng con người nơi bán đảo Bình Minh.

      Hai bên đường, những đồi phi lao chưa kịp cống hiến dâng đời, nghĩa là bóng cây chưa đủ khép kín cho lũ con trai con gái lên đây hò hẹn, cho những cuộc picnic thư giãn trong dịp lễ hội được nghỉ ngơi, nghĩa là chưa đến tuổi khai thác lấy gỗ, bị cưa ngang, trần trụi giữa biển cát. Gốc chổng lên trời. Gió rát rạt. Không lâu. Một sân golf trải rộng hoành tráng. Mà thường ngày mẹ con chị chăm sóc tưới tiêu cho cây cỏ đều một màu xanh đã gần năm nay. Cảm giác thưởng thức cảnh trời biển giữa tầm nhìn ngày nào, nhường chỗ cho khu nghỉ dưỡng YES  như cái nấm sắt mọc lên.

       … Chiếc xe biển trắng vừa đậu lại bên đường. Cùng lúc hai cánh cửa mở ra, hai người đàn ông bước chân xuống. Tay không thong thả bước, bên cạnh người tài xế cũng ngang tầm. Mà họ cũng hay thật, đồng phục giống nhau, thể như các vị lãnh đạo cao cấp. Hay họ đều là lãnh đạo. Không, nghe nói họ là một trong nhóm của nhà đầu tư YES hay hội đồng quản trị gì gì đấy, nếu tính thì đang độ tuổi ngũ thập đã biết tri thiên mệnh chưa, mà tri nhân mệnh là số một. Chị chỉ biết vậy thôi. Lạ lắm. Không, quen lắm. Chị nghe rõ nhịp tim mình dồn dập khi thoảng nhìn họ đi ngang trao đổi gì với nhau. Chỉ đủ nhận ra màu da sậm hơn chút. Có điều cái dáng ngày xưa gầy, giờ bệ vệ nặng cân so với tầm vóc. Trời qua tiết xuân phân, nắng nhạt mà sao dưới chân chị đất cứ quay. Cả sân golf chấp chóa trên đầu. Thằng con trai làm bảo vệ cho YES cũng tranh thủ ra tưới cỏ, thấy mẹ lảo đảo, nó thả vòi phun nước chạy đến nơi thì chị đã ngã người trên sân. Từ xa, hai người đàn ông chùng bước, quay lại tiếp sức người con trai đưa chị lên xe thẳng hướng bệnh viện.

     3. Sau tháng điều trị về nhà không còn nhanh nhẹn như trước, chị nhích từng bước chân ra cửa, cố gắng lắm mới đến giếng nước. Giếng làng giờ cũng ít người lui tới nữa, vì tất cả đều sử dụng giếng khoan, nước máy. Chị ngồi đấy. Rồi nhớ chưa tắt nút điện, nhưng thôi, tối nào sau khi cơm nước hai đứa con chị mới có mặt ở nhà. Từ hôm chị bị bệnh, thằng con trai cố gắng xin ca bảo vệ đêm để thêm thuốc thang cho mẹ. Chị lững thững quay về khi trăng mười bảy đã trên đỉnh đầu.

       Chị lách qua cánh cửa bước vào nhà. Mùi hôi nồng nặc trùm kín không gian,  tanh đến khó chịu. Thì ra con gái chị bị đi lỏng ra ngoài dính cả quần trong. Còn nữa, cái mùi chua thức ăn nước uống không nạp được trong dạ dày bị lôi ra đầy sàn nhà. Xưa nay thì… làm gì có chuyện ấy! Chị mệt mỏi ngồi xuống ghế dựa, hắt hơi liên tục đến khó chịu. Con gái mặt trắng bệch, chệnh choạng lại gần bên chị xin lỗi. Chắc là con… Câu nói bỏ lửng. Rồi đầu gục dưới chân mẹ. Hai mắt nhắm lại. Chị lơ mơ đã hiểu ra chuyện thằng anh đã cố gắng xin cho em gái làm nhân viên khu nghỉ dưỡng hơn tháng nay. Với lại em nó mới vừa tốt nghiệp Cao đẳng Y tế, ngành Điều dưỡng, chưa nơi nào nhận. Giờ có việc làm. Vậy là mừng.

      4. Hồi ấy, nghe nói chị đi làm ăn xa, lấy chồng, sinh con. Sau năm năm trở về,  chị sinh tiếp con em đúng hôm rằm. Ba nó đặt tên là Trăng. Bởi thằng con trai đầu lòng anh để cho chị chọn và đặt tên Đèn. Trăng lớn lên có cái nhìn thẳng giống cha. Còn riêng Đèn, con trai giống mẹ, đôi mắt cứ đượm buồn xa xăm. Bấy giờ, Trăng chuẩn bị vào lớp một. Tàu anh ra khơi đã hơn một tuần, cơn bão số 4 đổ vào biển đông, chưa lánh kịp vào nơi trú ẩn. Anh cùng hai ngư dân trên tàu nằm lại giữa biển khơi. Người ta bảo sinh nghề tử nghiệp. Biển cho con người nụ cười  và chính nơi ấy gieo vào lòng người nước mắt đắng cay. Hai đứa trẻ mồ côi cha. Từ đó, một mình chị dựa vào cá tôm chế biến nước mắm, mắm cái,… rồi phơi mực khô, cá khô,… đổi gạo cũng tạm đủ ba miệng ăn và nuôi được hai con học xong bậc phổ thông.

        Sau khi đi nghĩa vụ về, không được mẹ cho ra khơi đánh cá cùng ngư dân nơi đây, Đèn nói con người có số, thấy mẹ im lặng, đành ở nhà phụ việc giúp mẹ, khoản thu nhập có khá lên, chi tiêu thong thả hơn, lo cho em Trăng đi học. Rồi việc chế biến mắm cá thủ công bị cạnh tranh, nên ế ẩm. Cùng lúc ấy, tập đoàn YES về xây dựng khu nghỉ dưỡng ở Bãi Ngoài, mẹ con chị xin vào làm công. Nghe nói Đèn là võ sĩ có uy tín, được nhận làm bảo vệ. Dẫu lương ít, được gần nhà. Việc coi kho, theo dõi người ra vào, đóng mở cổng với Đèn là chuyện nhỏ. Chỉ có điều từ hôm Đèn đứng về phía người dân xã đảo, đề nghị giám đốc, tháo gỡ hàng rào sắt chắn biển, nhưng không có sự đồng thuận. Đèn dè dặt, theo dõi mọi việc. Kể cả từng bước chân em Trăng phụ việc lau sàn nhà, rửa chén bát. Sau tuần làm việc thứ tư, Trăng được chính thức là nhân viên. Đó là theo yêu cầu sếp. Chiều thứ hai đầu tuần sau cuộc họp ban giám đốc, tổ chức liên hoan. Đèn kịp thời tách cái đám dựa hơi “cụng li” khi em nó phải đứng hầu bàn từ lúc chiều đến tối.

      5. Kể từ hôm đi với sếp, trợ lí cảm nhận sếp thường phân vân một điều gì đấy, mỗi khi về lại khu nghỉ dưỡng YES. Trợ lí được giao nhiệm vụ theo dõi camara hằng ngày kiểm tra từng việc làm nhân viên. Chắc như đinh đóng cột. Họ thường đeo khẩu trang và ít nói chuyện, và chỉ người Việt nói với nhau thôi. Không một ai nghỉ tay. Trừ khi phải vào nhà vệ sinh vài phút. Khoảng hơn mười giờ sáng hôm đó, sau cuộc gọi, sếp ra ngoài và đi ngay. Hết giờ làm, trợ lí kiểm tra lại các phòng. Màn hình vi tính trên bàn sếp còn sáng, đưa tay điều khiển con trỏ để tắt, bất ngờ fb sếp đang chát tin với Ốc trăng còn đấy. Trợ lí sực nhớ  hôm ấy, sếp thích dùng món ốc trăng, nên gọi : - Ốc trăng. Cho thêm một tô ốc trăng nữa đi. Thấy cô phục vụ giật mình mang tới. Thì ra… Trăng chính là Ốc trăng đây, hình đại diện chỉ là con ốc trăng. Còn ảnh bìa là các vảy ốc trăng lớn nhỏ xếp nhấp nhô như sóng biển. Trợ lí tò mò đọc:  20 THÁNG 6 13:15’… - Ốc trăng ở đâu, làm gì? – Ở biển, làm thuê. – Không đi học à. – Học ra trường mà chưa có việc làm. – Ta đổi cách xưng hô nhá. Cháu học nghề gì? – Dạ. Chăm sóc sức khỏe con người. – Lại tếu nhỉ. Nghề nào không chăm sóc sức khỏe con người. – Dạ, bác hơi quan tâm. Cháu thường bị dị ứng với người hay quan tâm! – Không đâu cháu ơi. – Chào bác… 10 THÁNG 7 12:18’…– Bác thích nói chuyện với cháu.  14 THÁNG 7 21:20’… – Ốc trăng đang ở đâu, làm gì? – Cháu nhớ bác đã hỏi lần thứ nhất rồi mà. – Xin lỗi. Cách nói chuyện của cháu cặn kẽ giống một người bác quen lâu. – Vậy há bác. Người lớn thích hoài niệm à! – Cháu còn đi làm chứ! – Dạ, ngày nào cũng có việc để làm. – Không. Ý bác là cháu đã xin việc chưa. – Cháu nghỉ việc rồi. Chào bác…

       Trợ lí phân vân. Rồi để nguyên màn hình. Tắt điện. Ra ngoài. Nghĩ mãi. Từ hôm bị say, con bé Trăng xin thôi việc đã một tuần rồi. Chính xác nick name Ốc Trăng là Trăng. Kể cũng lạ. Người miền biển mộc đến độ đặt tên Đèn, Trăng là từ thuần Việt yêu đến vậy. Huống chi sếp người Việt, độc thân tại chỗ, sao cấm dành cảm xúc Trăng.  Phần kỉ yếu sếp trong hội Doanh nhân khiêm tốn đứng sau tầm các nhà tỉ phú Việt. Có người thực tài thiếu tâm. Có người thực tâm thiếu tài. Có người thực tài thực tâm. Có người chẳng có tài tâm gì cả. Nhưng xét ra sếp không thuộc dạng cuối cùng:

        Đồng Dân, con trai Đồng Văn. Gia phả tộc họ ở Lạng Sơn di cư theo đường biển hơn hai thế kỉ. Sinh sống bán đảo miền Trung này. Sau năm 1980, cả gia đình lại tiếp tục cuộc di cư thầm lặng ra biển sang nước ngoài. Theo la bàn hướng đông đi thẳng, đến tảng sáng triều rút, tàu mắc cạn va chạm đá, đỗ lại cạnh một đảo lớn chỉ thấy xương người trên cát vàng không một dấu chân. Chờ triều cường, con tàu lại tiếp tục. Thế nhưng, mất hướng, tàu bị giữ lại buộc phải vào cảng Ma- Cao. Họ Đồng được xếp ở trại tị nạn hơn nửa năm. Cùng ăn những phần cơm như nhau, nhưng Dân biết được ít tiếng Anh, anh được phép chọn đất nước tị nạn. Dân chọn Úc Châu. Mười năm nay Dân trở về Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư. YES là nơi Dân thích nhất, vì nơi đây Dân đã khóc chào đời cho đến ngày trôi dạt lênh đênh trên biển. Ba mẹ Dân đã vĩnh viễn nằm lại xứ người. Vợ Dân là một phụ nữ từng chăm sóc cha mẹ anh ở trại tị nạn cũng đã li hôn sau cái chết đứa con gái lên bốn tuổi. Anh dồn hết vào công việc đầu tư xây dựng, đôi lúc độc đoán cả quyết. Chính cái cả quyết đã tách xa anh với mọi người, nhất là người địa phương gây ra mâu thuẫn tranh chấp ranh giới khu vực YES, cái gọi là mở rộng diện tích. Nhưng anh đã quên một điều, ý dân là ý trời. Chính vì thế hằng đêm, ý dân cứ dồn dập hiện nguyên hình con sóng bạc lúc êm ả nhẹ nhàng, lúc dựng đứng thể bức tường sinh tử đe dọa, vỗ về. Một mình anh chênh chao chới với. Anh đưa tay vói con tàu phía trước đã lấy lại thăng bằng, nhưng anh cứ chập chờn hụt hẫng, anh hét lớn: - Chờ tôi với!... Người đàn ông trên tàu bảo “không thể, hãy tự biết điều khiển con tàu đúng cách”. Người đàn ông đưa tay vẫy bảo anh ngẩng caođầu ngắm trăng vàng, anh cũng nhìn theo đâu thấy gì, cả một vùng xám xịt se sắt. Dân bực mình giữa sóng gió còn lãng mạn. Nghẹn củ mì sao nói được, quay sang không thấy người đàn ông ấy nữa. Lại bị lừa. Dân tức điên lên. Nói không thành tiếng. Cứ ú ớ… ư ứ… Giật mình, cái cổ bị đau một bên, vì gối cao, ngủ quên lúc nào không nhớ. Anh nhìn đồng hồ mới một giờ sáng…

      6. Mùa hè, năm giờ trời sáng hẳn. - Alo. Trực ban Văn phòng UBND tỉnh An Tín nghe đây. Vậy à, thế thì tốt. Tôi sẽ báo lại lãnh đạo. Khỏi phải cưỡng chế. Chúc ngày mới vui. Còn lũ trẻ xóm chài đua nhau chạy thẳng một mạch trên cát ở Bãi Ngoài ngang qua khu nghỉ dưỡng YES thẳng đến đồi cát phía tây đầy khí thế. Ánh mặt trời không bị vướng cái hàng rào dây thép chắn ngang bãi biển. Mặc cho ngoài kia hai luồng hải lưu ấm lạnh thỏa thích tự ngày nào đầy dấu ấn cứ làm nhoi nhói tim anh. Biết rằng sau hai tuần ở nhà, con bé Trăng đi làm trở lại. Anh tạo điều kiện Trăng vào phòng y tế phù hợp chuyên môn được đào tạo, sao anh chẳng thấy vui, chẳng vào máy chát với cháu nữa. Anh, người đàn ông ngoài năm mươi, gương mặt tuổi trung niên, riêng cái bụng đã phệ, thong thả ra cổng lớn đi thẳng về phía Bãi Trong. Được một khoảng quay lại, khu nghỉ dưỡng xa tầm mắt, len vào con hẻm san sát những ngôi nhà thấp tránh bão, một chút xao xuyến khi anh nhìn hai cánh cửa gỗ nâu bám đầy bụi mốc phếch được khóa kĩ lâu ngày rỉ sét. Trước sân ngôi nhà một tầng, lạ chưa, cội mai ngày nào gốc bằng cổ tay em bé, giờ đã to gấp đôi đứng đấy, lá cằn lại. Chưa được tám giờ, nắng như táp vào mặt. Anh định quay về con đường thẳng tắp khi ngồi trong xe hơi có máy điều hòa từ khách sạn này đến công trình nọ, khu nghỉ dưỡng kia. Rồi tiếng nước đổ mạnh vào thùng chứa cạnh nhà, anh nhìn sang cái giếng làng ngày xưa những chỗ bị vộp, rạn nứt  được trám lại bằng xi măng. Cái giếng nước từ bao đời đến giờ tồn tại bởi đã nuôi sống cả những người thân sơ quanh bán đảo này. Không một bờ tường cổng ngõ rào chắn ngăn cách những khi tối lửa tắt đèn. Xưa nay vẫn vậy. Anh đưa tay gõ nhẹ vào cánh cửa ngôi nhà nằm cuối hẻm. Im lặng. Gõ nhẹ lần thứ hai. Im lặng. Sau lần gõ thứ ba, tiếng người đàn bà vọng ra, chậm rãi: - A-i đ-ó? - Xin lỗi, là… tôi đây!... Im lặng.

     7. - Xin lỗi, cho tôi vào nhà tiếp chuyện được không bà.
       Im lặng. Người đàn bà lấy lại bình tĩnh. Nghĩ sẽ đáp lại là không… không thể tiếp ông được, dẫu gì… ông ấy đã trở về. Rồi bảo là cửa khép. Vậy thì bà cho tôi tự mở cửa bước vào. Vạt nắng sớm hạ không bị cản đã in rõ bóng đôi chân ông đứng giữa nhà. Bà bỡ ngỡ khi cuộc gặp bất ngờ không báo trước. Người đàn bà ngồi trên giường chớp nhanh đôi mắt, chỉ trong ánh ban mai mới soi rõ lớp bụi li ti nhảy múa bám vào, bà bỏ chân xuống đất, đứng lên nhích từng bước đến cái bàn kê trước tủ thờ, định kéo ghế mời khách ngồi. Nhưng ông đã làm thay bà việc ấy. Bà không quên rót nước mời ông dùng. Im lặng. Người đàn ông giật mình nhìn gương mặt trên di ảnh mà đêm hôm qua đã gặp chập chờn trong con sóng ấy. Bà nói đó là ba cháu Trăng. Thế ông đến đây còn có việc gì nữa không? Có, tôi đến là để xin lỗi bà. Cả đời tôi còn nợ bà rất nhiều… Sau tháng ngày ở YES, đến lúc này tôi sợ mình phạm lỗi lần hai nghiêm trọng hơn. Đó là lí do tôi tìm nhà bà. Ánh Nguyệt! Cho tôi gọi em là Ánh Nguyệt. Bởi tôi nhận ra ở cháu Trăng ẩn vẻ đẹp hồn nhiên của em ngày nào! Điều đó tôi chẳng thể… Tôi yêu em, nên rất quý con em!... Người đàn bà- chị, Ánh Nguyệt run bắn lên: - Ông đã làm gì nó! Hả!... Như tiếp sức cả thời con gái đợi chờ bấy lâu bị dồn nén bật ra, chị nắm lấy tay người đàn ông ngồi đối diện mình, dằn mạnh: Hả!Ông đã làm gì nó! Ông đã làm gì nó!... Khi mẹ nó ngồi đây! Chị gục trên đôi bàn tay mình, ràn rụa…

       -Vậy là sau ngày tôi đi…

       Không cho ông nói dứt lời, chị nhìn thẳng mắt người đàn ông, trút giận:

       - Thì tất cả vẫn cứ sống. Tôi sống. Cả làng chài sống. Sống đàng hoàng nữa là khác. Nghĩa là muốn có hạnh phúc phải biết hi sinh.

       - Không, ý tôi muốn biết em có hạnh phúc không?

       Lúc này, chị không trả lời thắc mắc của ông. Chị định lặp lại cảm xúc ngày ấy mà cùng ông mơ mộng “hạnh phúc là gì bao lần ta lúng túng…”. Nhưng chị bảo hạnh phúc là thứ gì quá xa xỉ, quá ngờ vực. Rồi chị dằn từng tiếng: Hạnh phúc là tôi đã là đàn bà trước khi lấy chồng, rồi sinh con. Chưa hả nỗi đợi chờ, bà dằn mạnh từng tiếng: Ông biết không? Ông biết không?,...

        Dân không ngờ, Ánh Nguyệt của ông thuở ấy nhu mì bấy nhiêu mà hôm nay hằn học ông nhiều đến vậy. Thật quá đau lòng. Hay sự bất hạnh đã làm cho người đàn bà trái tính. Nhưng nàng nói đúng, ông cảm thấy bị xúc phạm, định bước ra khỏi cửa, lại nghĩ chính mình tự mở cửa xin vào nhà kia mà. Lựa chọn cửa nào nữa đây. Đã gần tuổi lục tuần. Chỉ còn cửa về cát bụi. Đời người là vậy. Đoạn, người đàn ông cắt ngang câu chuyện khi ngước nhìn lại trên bàn thờ có cây đèn chống bão ngày nào đặt bên di ảnh:

       -Thế em còn giữ cây đèn ngày ấy để làm chi nữa!

      - Đó là sự lựa chọn của tôi. Quyền của tôi. Vì đó còn là… là… kỉ vật của ba thằng Đèn. Ông không nhận ra à, hay giả vờ không biết? Hừ!... Chị nghẹn lại.

     - Ánh Nguyệt!... Anh xin em!... Anh xin em đừng nói nữa! Em hãy cho anh cơ hội cuối đời này. Hiện giờ, anh không còn một người thân nào nữa cả. Cho anh… anh định nói cho anh được nhận làm ba của… hai anh em Đèn và Trăng. Nhưng chưa phải lúc. Anh nói cho anh… được bù đắp cả đời em cơ cực.

       Đoạn, hai tay anh vói nắm hai bàn tay gầy guộc của chị. Lúc này, bên ngoài  gió mạnh, phía đông mây giăng kín, trên mái nhà, tiếng tôn răng rắc, răng rắc. Họ im lặng. Trời bắt đầu rớt hạt. Mưa. Lồng ngực chị hồi xuân. Chị ôn tồn nói biết bao nhiêu cho đủ tháng ngày dài, nếu không có ba con Trăng che chở, yêu thương. Tôi lại là người duyên không thành, nợ không dứt. Đời tôi còn nặng nghĩa với ba con Trăng nhiều quá. Còn… tình với anh ngày nào liệu đến bao giờ vơi đây!... Đàn bà hay ngả lòng. Tôi chẳng muốn nhận sự bù đắp nào. Hãy bình tĩnh để tâm hồn thảnh thơi hơn. Nước mắt chị rơi xuống trong lòng tay anh từ đầu đã kết thành hạt muối trắng tinh khiết mặn nồng từ tình yêu đôi lứa ngày nào, gần ba mươi năm giờ anh có được trọn vẹn hay không! Ai là người có lỗi.

         Vừa lúc, hai con chị đi làm về. Biết bác Dân là bạn ba mẹ, chúng ngỡ ngàng và cảm ơn bác đã ghé thăm khi mùi trầm hương còn phảng phất trên bàn thờ. Bên ngoài trời đổ mưa. Nước tuôn thành suối trong các con hẻm rồi chảy ra biển. Mưa xối xả rũ sạch bụi trần nhem nhuốc. Mưa cho nước biển chan hòa hơn. Cây mai đứng một mình trong sân nhà anh được tắm táp mát mẻ. Anh bảo thường năm phải chăm bón đến giữa chạp, chịu khó lặt lá mai cho kịp ra hoa đón Tết./.

Nhà sáng tác Nha Trang,10.2017                
Nguyễn Thị Phụng.