Thứ Ba, 21 tháng 1, 2020

AI THUA AI, truyện thật ngắn của Nguyễn Thị Phụng


Truyện thật ngắn: AI THUA AI. 

       49 là con trai duy nhất ông bà cả. Cậu trưởng được nuông chiều từ lúc bé. Nhưng mỗi lần nằm võng đưa con bà hay ru: “Con khôn cha mẹ nào răn/ Ngẫm trông trái bưởi ai lăn nó tròn”(Ca dao).
      Ngày 49 ra trường Đại học Văn hóa, được phân công quản lí khu di tích Tháp Chăm, mười năm sau 49 lập gia đình. 50 là tên cúng cơm của người yêu cũng là vợ mình.
        Ông bà cả nghỉ hưu. Chuyện là sau mười ngày rời cơ quan tưởng nghĩ sẽ được mớ thời gian tự do thong dong, bất ngờ cả hai cùng bị tai biến. Họ nằm mãi trên giường đều nhờ vào con trai và con dâu. Một năm, hai năm,…đến nay là năm năm rồi. Phải nói là cả người phục vụ và người bệnh đều mệt mỏi. Cái mệt mỏi chăm sóc ăn uống giặt giũ tắm rửa đã đành lại, cái nan giải hơn là khâu đi ngoài. Lúc đầu sử dụng bỉm, nhưng 50 tiết kiệm quá mức để đi tự do, nghĩa là phần nửa thân mình trên được mặc áo thôi. Bà thì được đắp qua một cái khăn lông nhỏ, còn ông thì… mới đó lại ướt rồi. Nhất là mùa đông ẩm ướt chiếu chăn.
        Mỗi lần 49 mua về bồi dưỡng cho cha mẹ, 50 càm ràm ngưng dùm tôi chút: Ăn uống lắm vào, khổ tôi thôi, cả cái nhà hơn hố xí hai ngăn ngày trước, có biết không, ai cho ăn người ấy dọn, nay tôi thì…không làm đầy tớ ai nữa. Tôi … tôi…
Thì mang bỉm cho ông bà, có khó khăn chi đâu, có chi tiêu cũng từ khoảng hưu của ông bà mà, em sao vậy… 49 phân trần, thuyết phục tiếp: một cái bỉm giá bao nhiêu tiền, ta mua luôn số lượng nhiều, rẻ đỡ tốn công. Chứ… Được dịp, 50 nhảy vào miệng 49: Chứ…chứ gì nói… hay là thuê người giúp việc cho tui nhờ. Tính đi tính lại cũng tốn + với hao hụt quỹ. Thà tốn một lần…
         49 chưa nghĩ ra, băn khoăn tốn- một- lần- là sao?... Anh dằn từng tiếng Khi chiếc đồng hồ trên tường gõ nhịp đều đặn, bất thần, hai cây kim giờ và phút rơi xuống, đồng hồ đứng lại, không phải là máy hết pin, anh nhìn thẳng vào mắt vợ: Không thể nghĩ như em. 49 vẫn là con số tuy nhỏ, nhưng có tuổi đời lớn hơn em là một. Anh sinh năm 49 em ạ. /.
21.01.2020/ NTP.

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2020

LUNG LINH GIỌT NẮNG, Đọc Chút nắng cho hoa hồng của Nguyễn Ngọc Hưng


LUNG LINH GIỌT NẮNG, trích Hồn cốt văn chương của Nguyễn Thị Phụng
        (Đọc Chút nắng cho hoa hồng của Nguyễn Ngọc Hưng)


       Hạnh phúc mãi thăng hoa theo mùa trổi mình từng lúc, chắt chiu xới cày thêm chỉ một khát vọng Chút nắng cho hoa hồng, tên tập thơ của Nguyễn Ngọc Hưng, sẽ là món quà tặng người thân, bạn bè trong sinh nhật lần thứ 56 của anh đây!
       Cũng là chủ ý, 56 bài thơ trong tập chính là những đóa hồng tươi xinh, là những giọt nắng lung linh sưởi ấm tình người với người thiết tha sâu nặng, tình người với muôn vật cỏ cây hoa lá chăm chút nâng niu. Vẫn phải nói thơ nuôi dưỡng tâm hồn cho mạch sống trong anh được cân bằng, cũng như chính thơ đã mở trói trái tim xích xiềng choáng ngợp vời xa chưa thấu rõ “Tội lớn nhất trên đời: Phí phạm quỹ thời gian!/ Không phải vô tận vô cùng như vũ trụ mênh mang/ Mỗi cuộc người vốn nhỏ nhoi ngắn ngủi/…”(Mỗi ngày). Đó là chút nắng nhưng không nhạt “Nhẫn để vui/ Vui để vượt/ Mỗi ngày…” để tự nhắc nhở: “ Cảm ơn khắc nghiệt bão dông số phận dập dìm/ Cho ta biết sự sống mong manh để quý từng cỏn con hơi thở”(Mỗi ngày).


       Và hơi thở cuộc sống mỗi ngày đong đầy được chiết xuất từ một không gian thực: là sách báo màn hình, là người thân bạn bè để rồi từ ấy nảy mầm kết trái. Ý thức về thời gian trong thơ Nguyễn Ngọc Hưng là thời gian động giàu hình tượng: “Ngày một nắng đêm ngàn sao thao thức/ Luôn giữ gìn cho cỏ hết mình xanh”(Cỏ lập xuân) trăn trở cho thân phận mà khiêm tốn như thể tự nhủ mình, có lúc vỡ òa bật tung cảm xúc khó đè nén:
        Ta cháy lên bằng ngọn lửa nhiệt tình
         Bằng sức nóng tương tư triệu triệu năm tích tụ
         Em có thấy vết hằn đêm mất ngủ
         Thâm quầng trên mắt những vì sao?
         Không thể nào ngăn cấm nỗi khát khao
         Hừng hực trong hồn như hỏa diệm
         Ta há miệng phun lửa hồng khói tím
         Phụt lên trời muôn trận nhớ cuồng điên!

                                              (Hỏa diệm)
        Ngọn lửa nhiệt tình, trận nhớ cuồng phong là chất xúc tác lan tỏa trong Chút nắng cho hoa hồng, nó được phát sinh từ ý chí và nghị lực sống cho sự tồn tại trên đời: “30 năm bất đắc dĩ … đóng đinh người một chỗ thấu lòng cây… Vẫn rưng rức tê rần mỗi lúc bất ngờ chạm bàn tay hân hoan nắng ấm”(Ngày mai lên nắng đẹp cây xanh). Hình tượng ngọn lửa trong thơ Nguyễn Ngọc Hưng lại càng lung linh ở từ chính trái tim người con: lửa hồng thương mẹ, lửa giòn tan, lửa trách hờn xỉ vả, đốt đuốc, đuốc tình,  đốt lửa, , thắp đèn,…(Chiếc mỏ neo, Mỹ Hưng chốn cũ, Về quê bắt gió, Ruột đau đau chín cả chiều, Sốt mùa,…) vừa ấm áp vừa chảy bỏng, đôi lúc khó vượt qua thử thách nắng mưa tự nhiên, mưa nắng giữa cuộc trần ai đầy trống vắng, không khỏi bùi ngùi những lúc:
          Phập phù chút hơi đêm vãn
          Chiếc lá cuối cùng có neo đến rạng xuân

                                    (Về quê bắt gió)


        Khẽ chút “Phập phù” hay thoi thóp níu kéo nhịp đập nghe sao nhói đau thân phận cơ chừng khó vượt qua, và chiếc lá cuối cùng kia không còn hoài nghi nữa vẫn bám trên tường làm nên bức tranh kiệt tác của một nghệ sĩ chân chính. Thơ cũng vậy, đã neo lại giữa đời mãi đồng hành cùng anh, là điểm tựa che chở anh những lúc bất lực khi sự sống vô cùng mong manh ấy, thơ là mạch nối sẻ chia sự dung hòa hơi thở trong từng giây, từng phút, Chẳng thể chậm trễ, chính những lúc này trong anh không còn là khoảng cách không gian nữa:
               Dẫu tỏ dẫu mờ sương kí ức nhớ quên
               Vẫn nguyên vẹn bóng đồng xanh cố cựu

                                (Vời vợi cố hương xanh)
      
Đó là nỗi nhớ đâu nguôi những rơm rạ ruộng đồng quê hương từ “Lòng tha thiết đụn rơm vàng tóc rối”(Chiếc mỏ neo), đến: “Nhánh tre xanh vương víu sợi rơm vàng”(Mỹ Hưng chốn cũ) hay: “Chỉ cần một cọng rơm đỏ đen cho nhà kiến bế bồng”(Lời nguyện cho cánh đồng) và hơn thế nữa là gia đình yêu thương hôm sớm đi về có nhau: “Về với mẹ, với mái nghèo rơm rạ(Về với mẹ).
      Ta còn bắt gặp thật nhiều khắc khoải một Tiếng dế tha phương:
              Con dế trót vong ân ngọn cỏ
               Muôn lần xin tạ lỗi cùng quê
               Và em… mở vòng tay độ lượng
               Thạch Nham, Dung Quốc gọi ta về
”.
          Rồi thiết tha tự nhủ:
               Về thôi, xẻ lại rãnh cày
                Đượm mùi cổ tích thơm cay dịu dàng
                Thả hồn theo tiếng dế vang
                Quên đi giấc mộng nhặt vàng xửa xưa

                                      (Dế lửa ơi, hát lên!)

       
       Nếu hình ảnh cọng rơm hiền hòa của người nông dân đã ủ ấm anh từ thuở thiếu thời cho đến hôm nay, thì thanh âm tiếng dế tiếp nối từ tập thơ “Bài ca con dế lửa” trước đây của Nguyễn Ngọc Hưng vẫn là cách tự bộc bạch: “Dế lửa ơi, dế lửa à/ Mi là bạn hay chính ta hóa thành/ Chân mềm cánh lại mỏng manh/ Ngày đêm quanh quẩn bu nhành cỏ quê”( Dế lửa ơi, hát lên!). Một lần nữa không còn hoài nghi: “Có phải mình đấy không/ Con dế lửa mang đầy bụng lửa/ Không đốt cành cây/ Không thiêu bụi cỏ/ Mà mơn man thổi hương phun gió/ Quay đầu vểnh râu phương cố thổ/ Vọng về…”(Vọng cố thổ yêu thương). Vậy mà khắc khoải: “Sao vời xa tiếng dế lửa gọi mùa”. Nhưng có lúc thi sĩ bị “Dằng dai cái nhớ” choáng ngợp tâm trí, thôi thì một chút ngông nghênh đỡ buồn thỏa dạ: “Đành theo chú dế cao bồi/ Vểnh râu mà gáy một thôi chín chiều”(Tiếng dế).
          Hay những lúc “Có phải lòng xuân đang khắc khoải”( Rưng rưng hoài cảm) cũng dằn nén được nỗi khát khao thương phận mình bất lực. Một chút ngậm ngùi thân ta cũng lúc vơi lúc đầy. Với anh, mẹ giờ xa lắm làm sao để mà (Về với mẹ, Ruột đau đau chín cả chiều, Tháng mười) nũng nịu thét gào: “Mẹ ơi mẹ”, mẹ có thương…, có buồn…, có đau…, mẹ  khóc nhiều không mẹ! Và anh, người con ấy đã bình tâm: “Mẹ ơi mẹ, còn một hơi thở nhỏ/ Là trong con hình bóng mẹ mãi còn”(Nén hương lòng). Còn với cha thì: “Muốn gọi mãi mà cổ con nghẹn đắng”(Ngày của cha, sám hối). Thì ra từ tuổi thơ cho đến bây giờ cứ khát khao tình phụ tử, tình mẫu tử ruột rà huyết thống, ơn nặng nghĩa dày đã trả được đâu.

          Ngẫm mình quặn đắng xót xa, nhưng nhà thơ nhận ra những em bé “tiếng khóc không tròn, nụ cười cũng méo”, những cụ già “…một đôi phen nhuộm màu lửa đạn”, những cô giáo vùng cao “gồng tuổi xuân đi qua những giấc mơ nhạt mùi hương phấn”, những bà mẹ “lặng lẽ nắng sương gởi giọt máu ròng”, những người lao động : “…anh ba gác, chị hàng rong nước mắt trộn cơm cũng âm thầm góp đá/ Dang tay che chắn đất liền biển đảo quê hương đang ngày đêm vật vã/ Sóng rập rình hỏi bến bãi nào yên”(Kết nối những miền đau) đã vượt qua từng ngày để sống được đẹp hơn, để làm một chút gì đó cho đời, gìn giữ cho đất nước mình bình yên. Một màu xanh yêu thương cho bốn mùa được đọng lại, như tìm ra được đáp số đồng hành: “Cõi trời đất mênh mông/ Mấy ai quan thiết đời cây cỏ/ Người duy nhất luôn ở bên tôi chính là tôi đó/ Xanh cây mầm nhẫn nhục/ Đỏ ngất hoa kiên trì”(Lời cây), cùng trong cách chiêm nghiệm:“Mỗi khi rơi vào oan khuất bụi trần/ Thiên hạ thường ví von để tự ru mình “cây ngay sợ gì chết đứng”. (Nói với bạn cây).

        Trở lại thực tại, khi có được Chút nắng cho hoa hồng, Nguyễn Ngọc Hưng làm sao quên được tấm lòng đùm bọc cưu mang của gia đình Xuân Anh - Thu Hà giữa một cuộc đời thường: “ Chăm chút miếng ăn giấc ngủ/ Đỡ đần giặt giũ vệ sinh/ Gặp khi trái trời trở gió/ Em rên chị cũng giật mình/…/ Mênh mông nghĩa tình nhân hậu/ Thơ nào tải hết, chị ơi/ Biết là “đại ân nan báo”/ Trái tim em bật thốt lời”(Hơn Cả Châu Long). Điều gì làm nên tình bạn hơn cả cổ tích kia, chính từ cho đi sự chân tình để nhận về lòng nhân hậu, tình yêu đặt đúng chỗ là vĩnh cửu xưa nay. Chăm chút một “Chút nắng cho hoa hồng” là hạnh phúc đời mình đâu dễ ai làm được. Cảm ơn người bạn, người chị, người phụ nữ Nghĩa Hành từ tâm nâng niu đôi mắt Nhà thơ quê mình.
    
       Mãi còn đọng lại trong đôi mắt ấy: “Giọt nắng đầu đông vẫn rực lên mà lửa/ Nhảy nhót đong đưa như múa ca hong sưởi đóa nhung hồng!  (Chút nắng cho hoa hồng). Đâu chỉ dừng lại ở câu thơ giàu hình tượng: "Giọt nắng đầu đông, cơ chừng lẻ loi mà rực sáng màu lửa phả vào đông đang len lỏi góc vườn, là phép nhiệm màu của hồn và thực vấn vương. Ôi đẹp lắm, nắng không chỉ kết tinh long lanh từng giọt, để thỏa thích Nhảy nhót đong đưa như múa ca hong sưởi, đóa nhung hồng mãi mãi giữa trần đời, mà còn là điệp khúc ngân nga từ khát vọng hiện về.

        Chút nắng cho hoa hồng giàu tính nhạc trong từng cung bậc dù được dùng nhiều đó là thể thơ tự do, dễ dàng và có lợi thế cho sự lập luận về một quan niệm nhân sinh nào đó, hơn là cách viết theo lối truyền thống xưa nay. Cảm ơn Chút nắng cho hoa hồng đã tỏa hương xuân trong lòng độc giả./.
24.7.2015/ Nguyễn Thị Phụng.