Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

HỒN CỐT VĂN CHƯƠNG

HỒN CỐT VĂN CHƯƠNG
           (Đọc NGHỆ THUẬT TÙY BÚT VŨ BẰNG của Chế Diễm Trâm)
        Lần theo tiếng hát giao lưu, một số văn nghệ sĩ khu vực các tỉnh duyên hải miền Trung, cả Đà Lạt- Lâm Đồng đến chúc mừng ra mắt tập truyện ngắn “Những cuộc hẹn bên lề” của Trần Trung Sáng(Đà Nẵng) cạnh Nhà Sáng tác Nha Trang, để rồi hôm sau tôi được nhận món quà Nghệ thuật tùy bút Vũ Bằng (NXB Đà Nẵng, 2015). Tập Chuyên luận Văn học của nhà văn, cô giáo Chế Diễm Trâm hấp dẫn tôi trên từng trang viết.

         Người luận về nghệ thuật tùy bút đã định hướng tùy bút, cứ theo mạch chảy từ Lời giới thiệu: “Chuyên luận này là của một tác giả giỏi văn chương, yêu văn chương và hơn thế say mê văn chương. Nó là kết quả của một cách viết biết kết hợp nhuần nhuyễn từ tư duy nghiên cứu với khả năng tri cảm văn học…”(TS. Lê Thị Hải Vân) đến Lời thưa tâm huyết của chính tác giả: “… lòng bất giác tha thiết phải viết một chút gì đó về hai cuốn sách”: Miếng ngon Hà Nội và Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng đầy trân trọng“Của tin, gọi một chút này làm ghi”(Nguyễn Du). Theo chị sự lựa chọn hai tác phẩm ký của Vũ Bằng vì có chung nguồn cảm hứng, cả cái thú cùng cái tình đau đáu nhớ nhung tự hào về đất Bắc yêu thương.
        Như chúng ta biết cùng thời với Vũ Bằng, nhiều nhà văn định danh tác phẩm cho tôi thuộc lòng từng đoạn tùy bút chan chứa xúc cảm. Một Nguyễn Trung Thành với Đường chúng ta đi trên mảnh đất đã từng “Máu thấm đượm rãnh cày ta gieo hạt giống, máu thấm đượm mảnh sân con ta nô đùa ngày bé, máu thấm đượm những con đường nơi đó mẹ ta lau nước mắt ngày tiễn ta ra đi, máu thấm đượm bờ ao em ta ngồi giặt áo trên chiếc cầu nhỏ gập ghềnh…” đau thương mà anh dũng. Đã có một Nguyễn Tuân với dòng chảy Sông Đà vang vọng thác ghềnh kiêu hãnh “Đá ở đây ngàn năm vẫn mai phục hết trong dòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền”(Người lái đò sông Đà),… Còn ở Vũ Bằng là hơi thở nhịp sống đã được nuôi dưỡng âm thầm tháng năm một người xa quê gởi lại Thương nhớ mười haiMiếng ngon Hà Nội như Chế Diễm Trâm nghiên cứu về Nghệ thuật tùy bút độc đáo, cây bút thiên phú cần mẫn có được từ ý thức trách nhiệm công dân, một cán bộ “chiến sĩ tình báo cách mạng hoạt động suốt từ 1952 đến 30/4/1975” trung thành với lí tưởng đã chọn. Chính điều đó tác động đến trách nhiệm nhà giáo Chế Diễm Trâm, trường chuyên Lê Quý Đôn Khánh Hòa, không thể không tập trung về Chuyên luận văn học. Và tôi cho rằng tinh thần “viết” là mạch nguồn nâng cao chuyên môn người thầy đứng lớp.

       Gói gọn 120 trang dành riêng cho Nghệ thuật tùy bút Vũ Bằng, Chế Diễm Trâm đã phả hồn mình trên mỗi đoạn văn ở ba chương luận.
        Từ chương một: Vũ Bằng và ký Vũ Bằng trong mạch nguồn ký hiện đại Việt Nam. Cho người đọc vô cùng trân trọng Vũ Bằng- Nhà văn đất nước ta sinh thời có nhiều thiệt thòi, những bù lại những tác phẩm ông thấm vào tâm hồn những người yêu thích văn chương. Và với ký Vũ Bằng ở giai đoạn đầu “nghiêng về tự sự thì sau Cách mạng ông chuyển hướng sang loại ký trữ tình, càng về sau càng giàu chất thơ, định hình một phong cách viết đọc đáo, viết về những trải nghiệm máu thịt bằng một giọng điệu hoài nhớ đến nồng nàn, đắm đuối”(tr.41) như thế nào?
        Chế Diễm Trâm mở ra chương hai: Kết cấu nghệ thuật trong Miếng ngon Hà Nội Thương nhớ mười hai. Đó là Kết cấu theo luận đề, theo dòng hồi ức nhân vật, chi tiết nghệ thuật. Chẳng hạn sự liên tưởng móc xích đan xen “Cứ thế, “mười hai tháng với mười hai cuộc đổi thay của tiết trời, mười hai sự rung động uyển chuển của năm tháng, của chim muông, của sắc đẹp, của hoa lá, của thương yêu, tình tứ” đã khêu gợi trong tâm tưởng bạn đọc không biết bao nhiêu liên hệ lí thú…”(tr.81).
        Đến chương ba: Lời văn nghệ thuật trong Miếng ngon Hà Nội Thương nhớ mười hai.Tác giả phân tích cặn kẽ từ: Ngôn ngữ nghệ thuật đậm chất thơ, đến Giọng điệu trữ tình tha thiết, cuối cùng Lời trần thuật đơn âm nhưng phúc điệu. Để minh chứng Giọng điệu trữ tình tha thiết đầy sức thuyết phục mang tính khách quan, Chế Diễm Trâm nêu lập luận: “Nhà nghiên cứu Văn Giá nhận xét:“Quán xuyến một giọng điệu xuyên suốt Thương nhớ mười hai và Miếng ngon Hà Nội là một âm hưởng trữ tình của một hồn văn trữ tình độc đáo và không thua kém bất cứ ai”. Hai tác giả Vũ Hạnh và Nguyễn Ngọc Phan cũng cho rằng: “Ở các tác phẩm này, ta thấy Vũ Bằng một giọng văn trau chuốt giàu chất thơ…”(tr.103).
        Phần cuối Chuyên luận văn họcLời kết, tác giả ưu ái sẻ chia cảm xúc chân tình tự lòng mình, tâm hồn một nhà giáo- nhà nghiên cứu văn học bằng lời phát vấn: “Có bao giờ chúng ta thử hình dung khoảng trống của văn học Việt Nam nếu không có nhà văn Vũ Bằng? Toàn cảnh bức tranh văn học dân tộc sẽ như thế nào nếu thiếu vắng ký Vũ Bằng, đặc biệt Thương nhớ mười hai,  Miếng ngon Hà Nội?...”. Đã đến lúc đọc ký Vũ Bằng ta phát hiện thêm không còn cảm xúc “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” đầy tâm trạng, riêng Vũ Bằng đã nhập hồn vào cảnh, buộc cảnh nuông chiều người khiến cho tùy bút Vũ Bằng cứ ngọt ngào hương vị, cảnh sắc lung linh, rạo rực thanh âm muôn điệu. Và tôi cho rằng đây còn là sự sắp xếp của lịch sử để có một Vũ Bằng- thể tùy bút, hòa trong làng Văn học nước nhà đáng trân trọng biết bao. Nghệ thuật tùy bút Vũ Bằng của Nhà giáo Chế Diễm Trâm thật sự Chuyên luận văn học rất khoa học./.
19/10/2017- Nguyễn Thị Phụng.

                                                                                                                                                

Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

TÌM HIỂU THẾ GIỚI THẦN KÌ

                                  TÌM HIỂU THẾ GIỚI THẦN KÌ

         (Đọc Truyện đồng thoại trong Văn học Việt Nam của Lê Nhật Ký, NXB Giáo dục Việt Nam-2016)
         Những tác phẩm văn học thiếu nhi nằm trong nội hàm văn học nói chung vẫn là vấn đề cần quan tâm đối với người sáng tác. Từ tinh thần thượng võ của một Lỗ Tấn: “Quắc mắt coi khinh ngàn lực sĩ/ Cúi đầu làm ngựa đứa nhi đồng” chủ đích ấy đã khó, còn lĩnh vực nghiên cứu cho ra đời Truyện đồng thoại trong Văn học Việt Nam của Lê Nhật Ký, NXB Giáo dục Việt Nam-2016 phải là người tâm huyết yêu trẻ, yêu nghề thật đáng trân trọng.
        Với Truyện đồng thoại trong Văn học Việt Nam của Lê Nhật Ký, qua từng chương mục giúp cho người tiếp nhận tường tận chuyên sâu về cách hiểu Truyện Đồng thoại đầy cảm hứng bắt nguồn từ diễn trình Đồng thoại Việt Nam hiện đại  mà giáo dục học sinh ở bậc Tiểu học cũng như học sinh đầu cấp THCS, hay trong quá trình tích hợp cũng cần thiết cho người thầy dạy văn.

        Thế nào là truyện đồng thoại? Tiến sĩ, nhà giáo, nhà văn Lê Nhật Kí đã giới thiệu ở chương 2(tr.23) bao gồm Thuật ngữ Truyện đồng thoại trong Văn học Việt Nam hiện đại và được xem như một thể loại văn học cho trẻ em. Nói một cách ngắn gọn đồng thoại là thể truyện cho trẻ em, trong đó loài vật và các vật vô tri được nhân hóa để tạo nên một thế giới thần kì, thích hợp với trí tưởng tượng của các em. Để có những tác phẩm hay, người viết am hiểu thế giới loài vật gắn liền với môi trường xung quanh từ những mẫu chuyện nhỏ đến những truyện ngắn không quá 5000 từ, những Cuộc thi viết cho Thiếu nhi đã quy định. Lí do, phù hợp đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi. Hiện nay, tuổi thơ các em khác với thời chúng ta ngày xưa, khi khoa học công nghệ thông tin đến tận cùng ngõ hẻm, nhanh tốc độ hơn những trang sách miệt mài, buộc phải tư duy cao. Chính điều đó, Lê Nhật Ký đã tỉ mỉ hướng dẫn phân tích cặn kẽ từ Những nhân vật đến Cốt truyện, từ Chất thơ đến Phong cách tiêu biểu cũng như sự Đóng góp của truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại trong việc nghiên cứu của mình.
         Trở lại đề tài nghiên cứu về Truyện đồng thoại trong Văn học Việt Nam hiện đại của Lê Nhật Ký:
       *Thứ nhất, phân biệt truyện đồng thoại với một số thể loại khác đã nêu (tr.41, 42) cần lưu ý:
       -Với truyện cổ tích loài vật, truyện đồng thoại hiện đại có mối quan hệ hết sức chặt chẽ. Về cơ bản, truyện cổ tích loài vật thực chất đồng thoại dân gian, giữ vai trò là cội nguồn phát triển của đồng thoại hiện đại. Ví dụ Truyện Trê- Cóc. Còn đồng thoại có hệ thống nhân vật phong phú, đa dạng hơn. Nội dung không giới hạn trong phạm vi giải thích, đặc điểm tự nhiên của loài vật mà mở rộng miêu tả thế giới tự nhiên, đời sống xã hội, qua đó đưa ra những bài học giáo dục cần thiết cho trẻ em.
        -Với truyện ngụ ngôn:
          Về dung lượng thường rất ngắn gọn, dao động trong khoảng 60 từ đến 300 – 500 từ, không mô tả , không giải thích vòng vo, tỉ mỉ,… chỉ bao hàm một tình huống của loài vật, sự việc con người nào đó với nội dung nhằm dẫn đến những kết luận về đạo lí về kinh nghiệm sống. Chẳng hạn truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi, Con cáo và chùm nho. Còn đồng thoại là cả một câu chuyện có mở đầu đến kết thúc. Ví dụ Dế Mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài với nội dung lời tự bạch của một chú dế con từ nông nỗi đến khi trưởng thành.
       -Với truyện loài vật: Ở điểm giống nhau đều lấy loài vật làm đối tượng miêu tả, phản ánh. Nhưng Truyện loài vật tả thực. Còn đồng thoại nhân hóa nên ngoài những tác phẩm văn xuôi còn được chuyển thể thơ, kịch, phim,…
       *Thứ hai, trong truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại không thể thiếu Cảm hứng hiện thực và thông điệp giáo dục luôn mở ra hai thế giới tự nhiên và xã hội (tr.73,74,…) “nhằm bồi dưỡng mở rộng hiểu biết cho các em về thế giới tự nhiên xung quanh mình”(tr.75). Bên cạnh ấy, thế giới loài vật cũng có những số phận. Những dẫn chứng tiêu biểu: “Trước năm 1945, Tô Hoài có truyện Ba anh em nói về nỗi khổ của hai chú chó Vện và Đen khi luôn phải nhận những trận đòn  khủng khiếp từ ông chủ.”(tr.76). Hay Tiểu hổ phiêu lưu của Nguyễn Quang viết về những con mèo bị bán sang bên kia biên giới (tr.77). Còn riêng cảm hứng về đời sống xã hội được tác giả phân tích từ Thế giới tuổi thơ hồn nhiên trong sáng đến Đời sống dân tộc “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”(tr.78- 84) rất chi tiết tiêu biểu.  Theo Nguyễn Nhật Ký, qua những truyện đồng thoại đã là những thông điệp nâng cao cảm xúc các em về vẻ đẹp tâm hồn: lòng nhân ái là một giá trị làm nên cuộc sống tươi đẹp, tình yêu quê hương là nét đẹp của nhân cách, phải có lí tưởng cuộc sống, những đức tính tốt như khiêm nhường chăm chỉ, cần tránh thói tật xấu tham lam ích kỉ,… Phải nói rằng ở từng đề mục, từ việc phân tích tác giả còn nêu dẫn chứng cụ thể dễ dàng cho người tiếp nhận văn bản (tr.92).
       Phần cuối, từ việc xây dựng nhân vật, cốt truyện và nghệ thuật kể, cũng như chất thơ cần có trong truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại qua những phong cách tiêu biểu như Tô Hoài, Võ Quảng, Viết Linh, Trần Đức Tiến, … (Tr.110- 222). Đứng về góc độ nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Nhật Ký, giảng viên Trường ĐHQN, người đã  tận tâm, tận lực, tận tình, đâu chỉ “ …mong muốn chia sẻ kết quả này cho anh chị em sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Mầm non  trong việc học tập bộ môn Văn học thiếu nhi theo quy định của chương trình đào tạo hiện hành”(tr.03) trong Lời nói đầu đầy khiêm tốn. Qua mỗi luận đề phân tích, có luận chứng làm rõ luận điểm đề ra mang tính định hướng. Tôi còn cho rằng đây là phần cơ bản thiết yếu dành bạn đọc, nhất là các cây bút trẻ muốn chuyên sâu trong việc sáng tác về Truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại. Với lại ở mảng Văn học Thiếu nhi nói chung, trong đó Truyện Đồng thoại tuổi thơ không thể thiếu.
       Thay lời kết sau khi đọc Truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại, Lê Nhật Ký đã đóng góp một phần không nhỏ công trình nghiên cứu Văn học dành riêng cho thiếu nhi, cảm kích tấm lòng người thầy chuyên sâu lĩnh vực đào tạo, tôi xin trích phần đầu mục Xây dựng những câu chuyện cảm động về cuộc sống(tr.174): “Văn học thiếu nhi ưu tiên nói nhiều về cái đẹp, cái tích cực; Cái xấu, cái ác tuy có được nói đến song rất mức độ. Trong suy nghĩ của người sáng tác, trẻ em vốn hay bắt chước nên không gì hơn là lấy cái đẹp để định vị vào tâm hồn các em, xây dựng cái nhìn tích cực về cuộc đời”./.
13/10/2017.

Nguyễn Thị Phụng 

Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017

.HOA HẬU ĐÊM BÃO DÔNG., thơ Nguyễn Thị Phụng

HOA HẬU ĐÊM BÃO DÔNG.
Người dân Vạn Ninh đang chờ tin tức người thân  trong biển
sau cơn bão số 12


Hãy bắt đầu bằng những điều mới mẻ đi* nghen
Chuyện xé lụa ngày xưa**
Chuyện cuộc thi chân dài ngày nay
Cân bằng đáp số.

Cái đẹp từ tấm lòng rộng mở
Giá cả bao nhiêu chẳng thể tính bằng vàng
Cái vàng lương tâm thánh thiện giàu sang
Hơn cả vòng đo ngực nở, eo thon, mong giòn,
sau lớp vải thưa cặp đùi bóng nẩy.
Tàu cá sau cơn bão


Mẹ ơi, đêm nay, con đã rút tên mình
khỏi cuộc thi Hoàn Vũ
Bởi ngoài kia bão tố thét gầm
Con trở về cùng bè bạn ngư dân
Nhặt mảnh thuyền rơi, che tấm tôl chắn gió,…
Biết bao người vùi trôi trong biển khổ
Sao nỡ lòng sống chết mặc bay
Con bắt đầu từ những ngày gian khó
Hoa hậu đời mình đâu cứ phải đăng quang./.
06.11.2017/ NTP
___________
*Thơ Trần Quang Khanh
**Tích trong Đông Châu liệt quốc.


Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

NÓI VỚI THỦY TINH, thơ Nguyễn Thị Phụng

NÓI VỚI THỦY TINH, thơ Nguyễn Thị Phụng
Một chiếc tàu chở hàng trú vào biển QNh.


Chàng có thể dùng quyền uy hô mưa gọi gió
Bù những ngày nắng đổ nứt chân chim
Thế vì ai chàng hiện nguyên hình tâm bão
Có phải Mỵ nương
- hoa hậu đại dương bỏ rơi chàng theo Sơn Tinh lập nghiệp
cây cà phê, cây cao su,… đóa dã quỳ tha thiết
nơi miền cao thú hiếm lại càng say…
Chàng lụy nàng phát bệnh hoạn ngây ngây
Cố rượt theo mấy tiếng đồng hồ 
lướt ngang mà thuyền tan, nhà nát
Phật, Chúa cũng bó tay
Mặc con dân hốt hoảng
Đưa tiễn người thân về đất xa trời…


Bão lên ngôi
Phút chốc bão ngậm ngùi:
“Ta phải giũ sắc, giũ tình, 
giũ danh vọng, đồng tiền đi liền khúc ruột
giũ tất cả bởi tuổi già sức kiệt
đời vô thường- ta gieo gió gặt dông
trả lại bình yên con dấu chứng nhân
tự mình ta phán xử”./.
06-11-2017/NTP

Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

MƯA CỨ ĐỔ BUỒN VƯƠNG, thơ Nguyễn Thị Phụng

MƯA CỨ ĐỔ BUỒN VƯƠNG  
                                     
Biết nước mềm ngại chi mưa cứ trút
Mắt bão nhòe càng quét chẳng tiếc thương
Tốc mái nhà xiêu cây ngã chổng chênh
Phận cam, bưởi, chuối, hoa, lá cành xơ xác,...
Cây trên rừng đổ về chắn đập nước
  
Chưa hết đâu những bàn chân khẩn cấp
Cứu hộ đê
Thông cửa đập Thạnh Hòa 
Dạt bèo cây chắn
Chẳng kịp, thôi rồi
vực xoáy lại cuốn trôi!                    
Đêm từng đêm...
Em nằm nơi đâu ngồn ngộn giữa hạt rơi
Lênh láng mênh mông trắng đồng xám xịt
Mực nước chiều nay(04.11.2017) tại Thanh Hòa
và bên kia bờ đang cúng người đã mất chưa tìm được xác


Gió chẳng lặng
Cây chẳng ngừng
Đập Thạnh Hòa day dứt
Biết nước mềm mưa cứ đổ buồn vương… 
04/11/2017 - Nguyễn Thị Phụng