Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

ĐÊM LẠC XỨ NGƯỜI, Nguyễn Thị Phụng.

Tui viết đây có đụng chạm ai không?! Xin thưa: Thứ lỗi.

Cha tui là thầy thuốc bắc. Ông ngoại, cố ngoại tui thầy thuốc bắc. Ông nội, cố nội tui yêu thích văn chương. Đời tui thương người như thể thương thân. Ngẫm ra một xã chỉ có một trạm xá, mỗi thôn có một ngôi chùa. Chuyện tín ngưỡng ở gia đình(Tui là thế hệ thứ tư- tục gia đình chẳng bao giờ đốt vàng mã, hay lên chùa theo Phật), chuyện tự do tôn giáo là quyền mỗi cá nhân. Trạm xá thì nhỏ, chùa thì quá to.  Dù vậy, khi ốm đau chỉ nghe thuốc tra, ma cầu. Cứu vãn tình thế cũng phải nhập viện. Ấy vậy mỗi khi sinh đẻ buộc lòng vào bệnh viện, than phiền bệnh viện thì nhỏ, không đủ chỗ nằm. Phức tạp. Tiền đâu mà xây chùa, do bổn đạo đóng góp. Tiền đâu xây cất bệnh viện, nhà nước lo, cũng trích từ một phần thuế của nhân dân,... Nếu như tất cả yêu chùa như yêu nơi điều trị chăm sóc sức khỏe bản thân, họ hàng mình thì việc than phiền bệnh viện không có chỗ nằm đã bị xóa đi. Bài thơ này cũng từ nỗi bức xúc. Phật ngự trên cao. Phật đâu có lỗi.



ĐÊM LẠC XỨ NGƯỜI.

Chuyện những đêm xa xứ
Có người kinh doanh “chùa”
Thùng phúc sương cơi nắp
Đếm ba ngày chưa bưa

Nào “dân đen… con đỏ” *
Cầu tài lộc rủi may
Chước mưu nào mê hoặc
Một ví dụ: mặn- chay

Muốn “có tiền việc ấy”**
Cá cược mất trí nhân
Cõi trần sao phung phí
Nghĩa địa đã lên tầng

Từ bi là bác ái
Cứu khổ bữa cơm chùa
Dặn lòng tâm tính Phật
Cớ sao còn sân si!...
_________         20.7.2017/ NTP
*Ý Nguyễn Trãi.
**Ý Nguyễn Khuyến
.


Thứ Tư, 13 tháng 3, 2019

MỘT TAY NÂNG CẢ MẶT TRỜI, Nguyễn Thị Phụng


     Tạp văn: MỘT TAY NÂNG CẢ MẶT TRỜI


           Tựa đề “Một tay nâng cả mặt trời” trích trong cặp câu “Một tay nâng cả mặt trời/ Hai chân đạp đất viết lời cho ai” của nhà văn Hồ Tĩnh Tâm xúc cảm tấm ảnh phụ nữ đứng trước biển Nha Trang. Như một lời nhắn nhủ. Người trong tấm ảnh ấy chẳng ai xa lạ- chị là hội viên Chi hội Văn học của Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định tham gia Trại Sáng tác tháng 3. 2019 tại Nhà Sáng tác Nha Trang.

        1.Bình minh trên biển Nha Trang:
        Trong những ngày cuối tháng hai âm lịch, nước biển rút dần ra khơi, lô nhô những tảng đá phủ đầy một màu biếc xanh ngỡ ngàng dưới ánh trời lựng đỏ. Người ta bảo đó là mùa phồn sinh loài tảo biển. Đặc biệt là chùm nho biển bám dày đặc chen lấn cả chùm rêu ấy. Và sáng nào cũng vậy, ngoài những chiếc thuyền thúng chứa đầy nho biển cứ lần lượt vào bờ., một số ít đi hái vội về rửa sạch dành ăn tươi, nấu canh. Bên cạnh những người tranh thủ gặt hái của biển trời ban tặng, phía bãi trên cát trắng mượt mà lại thu hút bao nhiêu cánh tay sải dài trên mặt nước, rồi thỏa thích ngụp lặn,… kì cọ bụi trần của hôm qua còn bám lại.


        Hướng về biển đông, tầm nhìn không vướng, cũng là cơ hội cho hai nhiếp ảnh Đào Phan Minh Cần và Hồ Ngọc Đan săn những tấm hình đẹp nhất. Cũng là dịp cho Nguyễn Đình Lữ- mĩ thuật điêu khắc và Nguyễn Xuân Quang- mĩ thuật hội họa thể hiện hết mình. Cho đến khi mùng bảy nước nhảy lên bờ, xóa hết vết chân du khách trầm trồ về những phiến đá lô nhô, bãi cát ngổn ngang bao nhiêu là rong tảo phơi mình đớn đau bị dẫm đạp, cuốn mình theo nắng gió, chờ bàn tay công nhân môi trường gom nhặt hóa thân.
        Tôi cũng hòa vào dòng người bình minh trên biển. Đưa tay hái một chùm nho bám trong kẻ đá. Rửa sạch từng trái nhỏ, đưa vào miệng, nhai thử. Vị mặn. Không mặn sao được. Lớn lên trong biển. Con người cũng vậy. Dựa vào biển, bởi biển nuôi sống con người. Một hạt muối trắng bé nhỏ thường ngày ta dùng cũng được sinh ra từ biển kia mà. Thiếu muối con người làm sao sống được, họ phải bảo vệ và giữ gìn biển khơi.
       2.Quanh thềm nhà sáng tác:

       Dọc đường biển hoa trúc đào sắc hồng khả ái. Một tách trà nóng bên cạnh Hòn Chồng cùng bạn Ca Dao NT mới gặp nơi quán nhỏ đón bình minh, mới thấy cảnh biển Nha Trang mình đã thu hút khách du lịch như thế nào. Tháp Bà Ponagar cổ kính của vương quốc cổ Chăm Pa cũng là điểm nhấn không thể không dừng chân. Về tín ngưỡng tâm linh “Trong tháp Chính, đặt tượng thờ nữ thần Ponagar. Theo bia ký, năm 918 tượng thờ được tạc bằng vàng, nhưng năm 950 bức tượng bị quân Khơme cướp đi. Mười lăm năm sau, tức năm 965 vua Sri Jaya Indravaman cho dựng lại pho tượng bằng đá như hiện nay, người Chăm tiếp tục thờ phụng Nữ thần. Đầu thế kỷ XX, người Pháp đã lấy đi đầu tượng và 02 tay… Hiện nay đầu pho tượng Mẫu được phục chế bằng gỗ”(Hoàng Quý). Còn tôi liều mình xin được một lần hóa thân vào tượng đá nữ thần(trong phòng trưng bày) đã vào tầm ngắm của Thiên Nga So Zuôn, người bạn văn cùng hội.

        Cũng ngày hôm ấy, 8.3.2019, những cành hồng thơm hơn từ nhà văn trưởng đoàn Trần Quang Khanh ưu ái tặng cho hai nữ. Một bữa tiệc nho nhỏ ấm áp không khí gia đình nhà thơ Như Hoài- Khánh Hòa hiếu khách cùng các bạn Dương Đăng Huệ, Hồng Đào, Đào Hoài (Ninh Thuận), Kiều Phương (Sài Gòn)… rộn rã tiếng cười còn đọng lại, lưu trong cảm xúc nhà văn Nguyễn Hữu Duyên, Ngô Văn Cư,… tiếp tục hành trình vãng cảnh Chùa đất sét (Khánh Vĩnh), tham gia giao lưu giới thiệu ra mắt tác phẩm của một bạn thơ Khánh Hòa được nghe kể lại.

        Tôi mang quà kỉ niệm trên từng trang sách Lão già mê đọc truyện tình (Luis  Sepulveda) kể về cuộc sống trước bao biến động bên dòng Amazon kì vĩ mà Nhà thơ, Tiến sĩ Lê Nhật Ký cùng đoàn đã tặng. Một tập Làm sao mưa thôi bay, thơ của Ca Dao NT ngọt ngào sâu lắng. Và Bên kia đường chân trời- Thơ và bình của Ngọc Thiên Hoa Nha Trang nâng tầm nhận thức thi ca.

3.Hạt gạo nhân dân, con người đất nước

        Hạt gạo nhân dân đã nuôi dưỡng chúng tôi trong hai tuần nơi Nhà Sáng tác Nha Trang. Có thể nói đây là lần thứ hai sau hai năm đợt trại Liên hiệp các Hội VHNT khu vực duyên hải miền trung, tôi có mặt nơi này. Tiếng hát nhạc sĩ Dương Viết Hòa, Trần Minh Phúc hòa âm viết về nắng gió Nha Trang, gặp gỡ KTV Lan Phương cho bữa cơm đạm bạc càng ngon miệng hơn, nhà thơ Đào Viết Bửu không đọc thơ tình lại hào hứng ca khúc thuở còn là sinh viên, riêng Khổng Vĩnh Nguyên là cả một Trường ca Nha Trang ngày trở lại. Cây bút nghiên cứu văn học dân gian như Lê Nhật Ký, lặn lội đó đây sưu tầm nét đẹp đời sống con người mọi vùng miền. Một Yang Danh, Thiên Nga So Zuôn mang vẻ đẹp người Ba Na miệt mài về phong tục tập quán nơi núi rừng Bình Định.

       Mười lăm con người đất nước về dự trại sáng tác lưu lại những gì?... Họ ăn hạt gạo ắt viết về hạt gạo, về người nông dân làm ra hạt lúa, về cánh đồng quê hương, về người bảo vệ đất nước, về sự đùm bọc sẻ chia, về cái thiện thắng cái ác, về công bằng bác ái, về bình đẳng giới,... Họ mặc chiếc áo đẹp ắt phải viết về người thợ trong nhà máy, về con tằm nhả tơ. Qua chắt lọc hạt giống, cái đẹp sẽ được chăm chút nâng niu, sẽ được sinh sôi nẩy nở. Ta, tay nâng mặt trời, nâng ánh sáng sự sống con người bất diệt. Hai chân đạp đất, điểm tựa vững chắc trụ giữa trần gian. Ơn hạt gạo nhân dân ta viết về nhân dân và đất nước. Là viết lời tri ân, nhịp đập từ trái tim ta vậy. Yêu lắm mùa nho tảo nơi biển kia cũng chỉ xuất hiện một lần trong năm dâng vẻ đẹp cho đời./.
12.03.2019/ Nguyễn Thị Phụng.