Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

BẾN BỜ VĂN CHƯƠNG, Những vẻ đẹp thơ 1- của Lê Hoài Lương

 BẾN BỜ VĂN CHƯƠNG



            (Đọc Những vẻ đẹp thơ 1- của Lê Hoài Lương, NXB HNV 2019).

         Đặc thù của văn chương không trùng hợp với các loại hình nghệ thuật khác, luôn có bến bờ. Đó là cái tứ cho sự hoàn thiện mỗi tác phẩm ở  người sáng tác. Tiếp theo là sự tiếp nhận không đơn thuần của độc giả mở ra chân trời mới như Những vẻ đẹp thơ 1- Cảm nhận và bình thơ của Lê Hoài Lương NXB HNV 2019. Chẳng hạn khi viết về Thơ viết ở biển*(tr.150): “Biển của Hữu Thỉnh cũng quen thuộc các chất liệu: sóng, gió, cánh buồm. Cũng như tình yêu luôn cần có hai người. Đúng ra, tình yêu luôn cần cái cô đơn. Chính trạng huống cô đơn vô tình góp phần nuôi dưỡng tình yêu. Và, người ta đã thành nhà thơ từ cái cô đơn trong tình yêu”.

          Sự lựa chọn cách giải tỏa nỗi “cô đơn” góp phần nuôi dưỡng tình yêu đối với Nhà văn hướng về tác phẩm. Cân bằng tâm hồn luôn song hành: đọc- tiếp nhận, viết- truyền thụ và định hướng khách quan. Công việc không đơn giản. Những vẻ đẹp thơ 1 hiện lên vừa từ ngằn cô đúc của người bình thơ, nhưng điểm nổi bậc không là sự tản mạn làm phá vỡ câu từ trong bài, giữ cái hồn cốt cho thơ, là duy trì thăng hoa cảm xúc với người sáng tác, đồng thời mở ra phần nào mối quan hệ vốn có của thi nhân. Nên mở đầu trang sách, trong phần Vài lời... Tác giả đã lí giải: “Tôi mê thơ. Mọi tạng thơ, từ mấy ngàn năm trước,.... Hình thức thơ khác nhưng chỉ một đích cuối cùng, dù ngàn năm hay mới hôm qua, thơ sống được trong bạn đọc, là thơ hay...”. Cái minh chứng đầu tiên, ngoài thơ anh sáng tác và giải thưởng thơ của Bình Định từ những năm tám mươi, thế kỉ XX. Anh thuộc thơ rất nhiều và hào hứng đọc thơ bạn bè trong những lúc nhàn tản, kể cả khi dự Trại Sáng tác ở Sao Việt Phú Yên. Nói có cơ sở trong Nhà văn và Tác phẩm số 3 và 4.2019 đã lưu lại. Theo cách nhìn của Lê Hoài lương đến với thơ hay là niềm đam mê của mình, không phân biệt tác giả, xưa và nay.

         Nhưng anh lại là người chuyên văn xuôi, nhất là mảng truyện ngắn với nhiều giải thưởng cao Đào Tấn- Xuân Diệu năm năm một lần của tỉnh, sáng giá trong Tạp chí VNQĐ, trên Báo Văn nghệ, truyện ngắn mới nhất là Người bọ chét, Nghề vớt xác đạt giải nhì năm 2018- 2020 của Nhà văn và Tác phẩm. Nói là để khẳng định, Cảm nhận và bình thơ cũng vậy. Cái cốt là tinh, thấu đáo. Sự thẳng thắn vốn có trong cách viết mà Nhà văn đã nêu ra “Có thực trạng:  Trên báo, tạp chí in mục bình thơ... quá cũ nhàm. Đến hơn nửa thế kỷ, kiểu bình tán “thủ công” này rồi, còn gì?”(Tạp chí VNBĐ, 7.2020), và không ngại thuyết phục: “Với năng lượng dồi dào của mình, anh có thể bày biện cho bạn đọc một khoái cảm thưởng thức khác với những món ăn đã tỉ mỉ các thứ chế biến, gia vị...”(Tạp chí VNBĐ, 7.2020). Cho nên một khoái cảm thưởng thức khác không ép buộc: “Bạn có thể không đồng cảm, không thích lời bình của tôi. Nhưng nếu bạn không thích những bài thơ trong tập sách này, chắc chắn không phải lỗi tôi”(Tác giả). Nên chăng đó là sự sẻ chia chân tình nhất của Nhà văn.

         Những vẻ đẹp của thơ 1 có thể hiển lộ qua ngữ nghĩa phía sau của ngôn từ. Tôi đã dừng lại thật lâu đoạn cuối bài Cõng bạn về quê(Với liệt sĩ Nguyễn Hữu Nhơn) của Lý Hoài Xuân: “...Tao bỏ mày vào ba lô/ Cõng đi tàu thống nhất/ Cấm cựa quậy để nhân viên tàu biết/ Họ ách lại giữa đường thì khổ mày ơi!” (Nguồn: Thivien.net). Lê Hoài Lương lôi cuốn bạn đọc gần trang sách về thơ và thơ hay: “... Không phân biệt nó thuộc trường phái nào, phong cách nào, cũ hay mới, cứ bật ra, thơ hay... chinh phục tức khắc người nghe/đọc, lần đầu tiên, vô điều kiện” và “Đề tài tình đồng đội, những người từng đánh giặc cũng đọng lại nhiều bài thơ hay. Chuyện cạn tỏ nỗi niềm, thân thiết ký gửi kiểu “mày, tao” cũng từng có Gửi bạn bè làm xong nghĩa vụ của Phạm Sĩ Sáu nhiều người thích.” Để rồi, giới thiệu bài thơ về một chút tâm tình của bạn bè, sau dẫn dắt bối cảnh mở đầu tứ thơ. Không dàn trải hay lan man phần tiếp theo. Cuối cùng đi đến cái kết khẳng định: “Dường như Lý Hoài Xuân không làm thơ, nếu xét thơ với mọi thứ nhì nhằng nội dung, nghệ thuật gì gì đó. Chút ý nghĩ, tâm trạng, tâm sự về bạn, với bạn, đúng ra là với hài cốt bạn, chân thành và trực diện. Ở đây là cái tuyệt đích chân thành và trực diện. Vậy có nên định nghĩa thơ hay là thơ từ trái tim đến với trái tim không?”(tr.149).

        Những vẻ đẹp của thơ 1 luôn dẫn dắt người đọc cái tính khách quan của người tiếp nhận yêu thích và sảng khoái như thế nào khi giới thiệu bài thơ: “Có điều lạ và dễ hiểu: thơ càng sống trong lòng bạn đọc càng nhiều dị bản. Không kể văn bản trên mạng tam sao thất bản bây giờ, riêng chuyện nhiều người thuộc, hứng lên, diễn đàn rượu thơ nào cũng đọc, và tha hồ “sửa” một vài từ theo ý mình cho đã, người đọc, người nghe dần rồi... nhập tâm, cứ vậy rất tự tin “xuất bản” miệng những lần sau. Bài thơ Vua và em của Trần Viết Dũng là một trong những trường hợp như thế”(tr.21)

         Hay khi đến cái kết chân tình hơn cả khói hương: “Không phải chuyện bếp núc nữa, ngọn lửa với tro tàn đã là “một người từng giúp mẹ con ta sống sót” và “tro tàn cũng làm nên vẻ đẹp”. Giản dị và thiêng nghiêm cách so sánh, cách nói về tro tàn. Bạn sẽ bảo kiểu triết lý tro tàn và vẻ đẹp cũng không mới. Thực ra Lê Văn Ngăn có định khám phá gì đâu, ông chỉ nói cái điều con người thường bỏ quên. Thư gửi mẹ và những nắm tro tàn không chỉ là bài thơ hay về mẹ. Điềm đạm và như rụt rè những chiêm nghiệm cho riêng mình, Lê Văn Ngăn lặng lẽ nhặt nhạnh, nâng niu từng mẫu tro tàn sự sống. Đó là vẻ đẹp thơ ông, một vẻ đẹp thực sự có chiều kích”(Thư gửi mẹ và những nắm tro tàn- Lê Văn Ngăn).

         Kể thêm một cái kết sau khi dẫn dắt về nỗi nhớ như trong thơ tình Xuân Diệu, của Phạm Tiến Duật, của Dương Hương Ly,... đều có minh chứng, để rồi chốt lại: “Nhiều nữa các cung bậc của nỗi nhớ, nhưng Nhớ vợ của Cầm Vĩnh Ui là riêng, là độc đáo. Vì riêng và độc đáo nên số phận của nó không bình thường”, và số phận không bình thường không là cái tứ của bài thơ mà xâu chuỗi thêm một số bài thơ và cuộc đời của thi nhân.

        Trong Những vẻ đẹp của thơ 1 chừng mực theo mạch cảm thụ. Bởi nhà văn không là chuyên gia trợ giúp mổ xẻ câu chữ, văn tự vốn có ở mỗi tứ thơ. Thể như cùng độc giả tâm tình với thi nhân. Thế minh bạch là nâng cảm nhận, gợi mở sự sáng tạo cho người tiếp nhận ở hai văn bản: Bài thơ của tác giả và nâng tầm những vẻ đẹp thơ bằng lí luận rất Lê Hoài Lương: “Nhưng hình như Nguyễn An Đình bẫm sinh là thi sĩ dù anh cuốc cày và am hiểu đời nông dân. Chỉ nòi thi sĩ mới sống bằng huyễn mộng, mới nghe được thời khắc “thu trút lên ngàn” và “nằm ngửa miệng uống tàn trăng đêm”. Đứa con truyền nghề nông dân trong bài thơ biến mất và vấn đề mưu sinh đặt ra không còn nữa. Chỉ còn cái khoảnh khắc xuất thần nhập nhòa cuộc nhân sinh thi sĩ./ Nếu không phải vậy thì đây là những câu thơ ma ám!”.

          Rất cần nói đến cái đằm sâu ở bài thơ Sẽ một ngày của Phùng Tấn Đông chép tay tặng(tr.44), Lê Hoài Lương chụp nguyên bản đưa vào Những vẻ đẹp thơ 1 . Phải chăng anh trân trọng mối quan hệ, hay sự độ lượng của thi nhân với người tình của mình. Cả hai. Cái đẹp nhất của tình yêu là cho đi: “...Và mạch diễn đạt này đã khai mở, dữ dội mà nhẹ tênh, nhất quán. Phần tiếp theo là nói với tình: Sẽ một ngày/em thôi đừng nhắc/ anh đón em trong căn nhà nguyên vẹn/ giấc mơ xưa/ em cứ hồn nhiên ra sân mà hong tóc/ cứ bình tâm cắm hoa chờ kẻ khác/ những đóa vô ưu trắng muốt dịu dàng/... Chuyện tình yêu, hạnh phúc đáng lý đã nói đủ rồi, nhưng dẫu gì cũng có sự riêng giữa hai giới: trên thân thể em bất trắc/ sẽ mọc lên tiếng trẻ con cười/ từ hôn phối mùa thu và âm nhạc/”.

        Rồi thi nhân với thi nhân như: Người lái đò bến My Lăng của Lệ Thu(tr.74), Xuân Quỳnh với Tự hát(tr.80). Trân quý Những chiếc lá thiêng của Từ Quốc Hoài(tr.164), Viếng chồng của Trần Ninh Hồ, Những người đàn bà gánh nước sông của Nguyễn Quang Thiều(tr.70), Hỏi Kim Dung của Văn Trọng Hùng(tr.100), Một vị tướng về hưu của Nguyễn Đức Mậu(tr.60), Viết tặng một “gái bao” của Tạ Văn Sĩ(tr.145), Tặng vợ của Hồ Dếnh(tr.106), Vườn xưa của Tế Hanh(tr.90), ... Tất cả trong toàn tập trên 180 trang đều là những vẻ đẹp thơ từ mọi nguồn ngoài chép tặng, nguồn quansuvn.net, nguồn Thiviet.net, và rút từ mỗi tập thơ của mỗi tác giả. Vậy thì Nhà văn Bình Định yêu thơ không có gì lạ. Cái xứ sở ra ngõ gặp anh hùng không quên “luyện võ” thường ngày, khẳng khái mà hào phóng đã làm nên cốt cách Nhà văn yêu quý thơ đến chừng nào. Suy cho cùng những người thực thụ yêu văn học đến với văn chương đều giàu nhân bản.

        Không chỉ có ba mươi bảy thi nhân xưa và nay họp mặt trong Những vẻ đẹp thơ 1 của Lê Hoài Lương mở rộng bàn tròn cùng bạn đọc về miền văn chương Việt đa dạng, phong phú đến như vậy. Bởi thơ không thể thiếu trong đời sống tâm hồn mỗi người. Thơ hay, không cần cái cao siêu đẳng cấp hàn lâm ngôn từ, lại rất “ca dao, thành ngữ” chân chất mà thấu tận trái tim hòa cùng nhịp thở. Yêu thơ, lại chịu khó góp nhặt thơ, thuộc thơ, khác nào công việc tinh tuyển kho báu từ mọi thi hứng của nhà thơ, anh lại không cất giữ riêng mình. Có phải đó là sự quảng đại và minh triết. Tin chắc trên miền đất hứa trong trang sách Cảm nhận và Bình thơ Những vẻ đẹp thơ “n” tiếp theo của Lê Hoài Lương sẽ đến với bạn đọc./.

20.09.2020

Nguyễn Thị Phụng.

DỌN MÌNH ƯỚP LẠI MÙI SEN BAN ĐẦU, Nguyễn Thị Phụng đọc thơ Lệ Thu

 

DỌN MÌNH ƯỚP LẠI MÙI SEN BAN ĐẦU



          (Đọc Khói mỏng nhẹ bay- tập thơ Lệ Thu, NXB HNV 2020)

          Chặng đường thơ Lệ Thu kết nối trước tháng 5. 1975 và hai mươi năm đầu thế kỉ XXI đã có trên mười tập thơ cùng với Nhật ký Nữ Nhà báo chiến trường. Cả những Giải thưởng được vinh danh trên thi đàn Văn học Việt Nam. Nhưng với chị đâu chỉ tự dặn lòng còn muốn sẻ chia: “Tháng ngày lấm bụi bon chen/ Dọn mình ướp lại mùi sen ban đầu(Tơ sen)*. Nếu ở tập văn xuôi trong gian khổ chiến trường giàu chất trữ tình bao nhiêu thì tập thơ Khói mỏng nhẹ bay lại đậm chất triết lí nhân sinh bấy nhiêu. Đó là lẽ thường bậc cao niên nữ sĩ Việt Nam.

          Từ điều Suy ngẫm* đầu tiên... đến  ba bài cuối: Tơ sen*, Hành trang*Khói mỏng nhẹ bay* kết thúc gửi đến bạn đọc gần xa khơi dòng hừng đông mặt biển hay lặng lẽ ánh tà dịu êm, cũng phải trải qua hai mươi bốn giờ trong ngày cộng hưởng. Tất bật, vội vã để rồi thong thả ung dung vẫn là cốt cách Nhà thơ rất Điềm đạm Việt Nam ** không thể thiếu của người Tuy Phước như Nguyễn Diêu, Đào Tấn, Xuân Diệu,...

         Phận người và nỗi cô đơn trong Khói mỏng nhẹ bay không hề tách bạch. Chẳng là thỉnh cầu, hay an phận thủ thường, nhưng với thi nhân yêu lắm sự tự tại của mình. Thanh lọc tâm hồn. Buông. Lại vô cùng lắng đọng. Bởi dòng sông quê hương luôn là bên bồi bên lở, nước dẫn từ nguồn ra bể, cũng luân lưu hòa mình thẩm thấu cùng biển mặn kia: “Ta là giọt nước biển khơi/ Chết đi muối vẫn mặn mòi ngàn năm”(Muối)*. Chỉ ra điều Ngộ*(tr.92) trong bài lục bát tứ tuyệt:

         Đã xong nghĩa trọng với người

          Chẳng cần ràng buộc những lời vu vơ

          Thôi mong đợi, hết nghi ngờ...

          Ta thanh thản với với vần thơ một mình

        Với vần thơ một mình, với thanh thản ấy được bao lâu. Ừ nhỉ. Khởi sinh từ Một đời* qua Cầu vồng bảy sắc*, như Giọt đêm* dễ gì tan vỡ, là sự Biện hộ cho người nói dối*. Để bạn đọc hiểu thêm lời muốn nói (Lý lịch trích ngang)*, không riêng mình cần thấu đáo hơn nhịp đập mỗi phận người hiển hiện bên cạnh ta (Dáng em bơi đứng, Suất cơm thiện nguyện,..)*. Sự mở khóa để bước vào đời sống tâm hồn người bằng những việc làm nho nhỏ mà vô cùng lớn lao. Vô cùng trân trọng sự tỉ mỉ quan tâm, không thể phớt lờ, vô cảm. Rồi cố nén dấu lòng, trăn trở phẫn nộ bởi những nhập nhòa trước mắt kẻ mưu cầu lợi ích riêng tư, vụ lợi hay là sự nhẫn tâm vơ vét “máu xương” của đồng bào đã trải qua bao cuộc kháng chiến, bảo vệ chủ quyền dân tộc, lời thơ đầy uất ức:

        Đau đến tận cùng không còn chỗ để đau

         Hụt hẫng vô biên sau bao lần hụt hẫng

         Từng chân thực trọn mình cho và nhận

         Chẳng phân vân tính toán nghi ngờ

         Mãi mê vượt sóng tìm bờ

         Bão ở trong tim, bão từ ruột đất

         Cái còn cũng chẳng còn, cái mất thì đã mất

         Đau đến tận cùng không còn chỗ để đau

                                         (Hụt hẫng)

         Xét về bình diện cấu trúc một tứ thơ. Thì Hụt hẫng* mở đầu và kết thúc đều lặp lại: Đau đến tận cùng không còn chỗ để đau” là sự phẫn nộ của một trái tim đã từng cống hiến vào sinh ra tử nơi chiến trường đẫm máu trên quê hương Bình Định ruột rà mình trước đây.

         Một Chấp chới mùa xa* đong đầy: “Trời vẫn mưa to và nhiều gió lạnh/ Nghiêng bên nào cũng lốc xoáy dòng đau!”. Rồi có lúc lãng đãng những khát khao, đoái hoài: “...Ru nắng mai đến tận trăng tàn/ Cất giấu mãi chờ mong, ao ước/ Trái tim buồn run rẩy chốn nhân gian”(Kiếp khác)*cũng đành vậy thôi những mưa nắng đắng cay bên đời, những ngụp lặn nông sâu trớ trêu gợi nhớ (Một thời trăng tỏ, Trăng khuyết, Hương tự mùa xa,...)*.

        Khói mỏng nhẹ bay hòa mênh mông giữa hoài niệm và thực tại trong trái tim thi nhân. Không là phân cách, nhưng lại là song hành vẻ đẹp về một thời đã trải nghiệm. Cái thực tại của quá khứ, là thực tại mang tính nhân sinh, một trái tim nhân từ, vị tha luôn được bảo hành nhân rộng và sẻ chia từ mọi kích cỡ tâm hồn. Lúc thì tựa như một châm ngôn trong thể tứ tuyệt: “Biển cứ ngỡ lòng mình đủ rộng/ Hóa giải bao nhỏ mọn bọt bèo/ Biển cứ ngỡ hào hùng ngọn sóng/ Dưới muôn trùng rác rưởi vẫn trong veo”(Biển)*. Lúc thì phân trần dè dặt chỉ bốn câu: “Lan man cùng gió chiêm bao/ Ôm con sóng nhỏ thả vào đắm say/ Vùi trong đêm mọi chua cay/ Cho mặn ngọt giữa ban ngày vinh danh”(Vị đời)*. Lúc thì san sẻ mở lòng:

        Chợ chiều nhiều khế ế chanh”

          Em gom hết đắng cho anh ngọt ngào

          Những gì thương, những gì đau

          Chất lên chật cả khoang tàu thiêng liêng

          Em từ góc khuất an nhiên

          Cầu cho “khế”của trăm miền đừng chua

                                   (Thương bấy ca dao)

        Cầu thang lên bậc tình yêu thăng hoa trong cảm xúc của nữ sĩ. Và tôi cho rằng không còn là sự hiếm hoi khi đọc hết những bài thơ trong Khói mỏng nhẹ bay. Ta học được thêm những gì ở chị để đủ đầy Hành trang*:

        Mỗi ngày sống như một ngày áp chót

         Xin nhẹ lòng buông hết mọi sân si

         Chỉ yêu thương và làm điều có ích

         Chút hành trang gom góp tự xuân thì

Cách lối vào tâm hồn tỏa hương hòa nhập sự sống “... Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui cùng với anh em tìm đến mọi người... Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống, vì đất nước cần một trái tim”(TCS). Rất thiết thực ngời sáng Thương quá, Việt Nam ơi!* Bởi trong suốt chiều dài đại dịch Covid-19 hôm nay, cả nước ra quân dập dịch, có biết bao trái tim Những ngọn đèn đức hạnh*(tr.119): “Chưa phải Phật- chỉ là Người/ Không ngự ở Tòa sen/ nhưng có thể chia cho đời chút nắng/ bằng trí tuệ sau nụ cười thầm lặng/ bằng tài năng sau giọng nói khiêm nhường/ bằng trái tim tràn ngập yêu thương/ bằng cử chỉ dịu dàng/ bằng “quyền uy”lễ phép/...”. Phải chăng bảo vệ sự sống, không quên đồng hành lệnh từ Công hàm của sóng* đóng dấu đỏ trong thơ Lệ Thu.

       Khoảng lặng Khói mỏng nhẹ bay được lan tỏa mái ấm gia đình thoáng Phảng phất mỗi mùa xuân sang* dặn lòng về một Tình yêu cứu rỗi*: “Nếu không có tình yêu chân thật của anh/ Những tán tỉnh vu vơ có thể làm em nghiêng ngả/ Lời chót lưỡi đầu môi trả giá/ Vũng nước trâu đằm vờ thăm thẳm giếng thơi/...”. Nên lời nhắc nhở (Nỗi buồn không gọi được tên, Yêu cho cây lúa lên đòng, Trái tim lưu lạc, Can đảm,...)*. Có những lúc Nỗi niềm thơ* bật dậy, chị... thao thức Cùng mẹ canh khuya*, Mùa Vu lan* cứu rỗi. Rồi Người Mẹ- Nhà thơ bức xúc tấm lòng: “Con vất vả mang cành đào từ Hà Nội/ Về Quy Nhơn... cho Tết má đỡ buồn/... Cảm ơn các con/ với cành hoa và tiếng cười con trẻ/ rộn ngày Xuân.../ khỏa lấp những đau buồn!”(Cành đào thơm thảo)*. Qua đi những đau buồn là cánh cửa mở rộng bầu trời nhắn nhủ yêu thương: “...Sáo vi vút nhạc trời xuân đồng vọng/ Cứ bay cao cho thỏa sức cánh diều” (Viết cho con tuổi năm mươi)*. Và chính bàn tay chị- Người Mẹ, Thi nhân thôi thúc, sẵn sàng khi Khói mỏng nhẹ bay*:

       Dặm dài vạn đóa hoa tươi

         Thắm trong vạn trái tim người khát yêu

         Bay lên! Gió giục cánh diều

         Sợi dây nối đất cuối chiều mỏng manh

      Khói mỏng nhẹ bay có cần ướp lại mùi sen ban đầu!...

      Tự tên những bài thơ trong tập lúc dìu dịu hương sen theo làn gió phảng phất đâu đây, lúc thì lan tỏa cả bờ hồ, đọng vào cỏ cây hoa lá mở rộng không gian xanh vời vợi Bay lên! Gió giục cánh diều ngang tầm thời đại. Khói mỏng nhẹ bay là hình tượng thơ của Lệ Thu. Mỗi tứ thơ trong bài, mỗi bài trong tập đều bộc lộ cảm xúc chân tình, khát vọng, còn là sự bảy tỏ chính kiến, là sự trải nghiệm gian lao, va vấp chông gai tình đời, tình người nhẹ nhàng mà sâu lắng, đôi khi cũng kiên quyết không khoan nhượng dẫu là một người phụ nữ, là sự đánh đổi hạnh phúc không dễ gì có được, nếu ta không thực sự hòa mình cùng cuộc sống với nhân dân ở mọi lúc, mọi nơi. Xin cảm ơn chị về những dòng chữ kí trang đầu tập thơ như điều ước bàn giao: Thương tặng em Nguyễn Thị Phụng.

15.09.2020

____________

*Tên các bài thơ trong tập

**Tên tập thơ của Nhà thơ Lệ Thu.

 

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

NÓI GÌ VỚI NGƯỜI XƯA*. Truyện ngắn Nguyễn Thị Phụng

                   Nói gì với người xưa. 



                  Ở độ tuổi tám mươi, ông Được vẫn giữ mái tóc bạc dài đến chấm vai, lúc trời nóng nực ông mới cột túm ra sau ót. Hôm nay là ngày giỗ, họ hàng nội ngoại, con cháu đều có mặt, một số bạn bè thân thiết cũng đến kịp giờ. Như thường năm bà Trầm tự tay làm mâm cỗ và đặt lên bàn thờ, nhưng từ chiều qua do quá xúc động, giờ đứng bên ông, bà còn nghe rõ nhịp tim mình thôi thúc nhắc nhở. Ông Được thắp sáng hai cây nến trên bàn thờ và châm sáu nén nhang cháy đỏ, đoạn ông phẩy mạnh tay cho tắt ngọn lửa rồi đưa cho bà Trầm ba cây, cả hai cùng đứng trước vong linh hai di ảnh đã nhòe theo năm tháng. Không phải đây là lần đầu tiên mà đã bốn mươi năm, ông bà cùng đứng van vái người đã khuất... Chỉ riêng năm nay ông lại châm thêm sáu nén nhang và từ phía sau ông,hai đôi bàn tay đầy đặn trắng trẻo đón lấy hương khói hồn đất, hồn người quyện vào nhau và có lẽ lúc này họ nhận ra gương mặt tình người tình quê thắm thiết. ... 

               Quả là ông Được và bà Trầm đã sống bên nhau cũng bốn mươi năm có ba người con cùng sáu đứa cháu. Vậy là ông bà phải giải thích đến chín lần “bật mí” vì sao ông phải để tóc dài, nhưng ông nhớ nhất thằng cháu đích tôn cứ tinh nghịch vén mái tóc ông lên, hù nhẹ vào tai trái ông rồi tủ mái tóc lại. Những lúc ông nhờ con cháu út thoa dầu trên hai bả vai có những vết thẹo sâu hoắm, được dịp nó cũng vén mái tóc bên trái ông rồi thoa dầu chắn gió vào tai ông. Đã thế, mỗi khi đi đâu về, ông ôm chúng vào lòng, chúng còn thơm lên phía tai trái ông nữa. Còn bà Trầm thấy ông cháu thủ thỉ với nhau thì bà cũng vui lây. Vui thì có vui nhưng mỗi khi nhớ lại cứ xót xa ông, còn bà thì... ánh lên trong đôi mắt. Nhất là sáng ngày hôm qua con cháu gái ướm thử bộ áo dài chuẩn bị vào học lớp mười. Ôi cha sao cháu giống bà ngày xưa quá, cái màu trắng bà yêu biết bao!... 

               ... Sau khi đậu tú tài bán, năm 64 của thế kỉ trước, Trầm chuẩn bị bước vào học lớp đệ nhất để thi tú tài toàn (hồi đó học xong lớp đệ nhị thi lên đệ nhất, bây giờ là lớp 11 lên lớp 12) bị mật vụ chính quyền Sài Gòn bắt giam ba tháng vì có mặt trong vụ Quách Thị Trang. Ra khỏi tù, về quê cô nhận lời cầu hôn của một viên trung úy (lính sư đoàn 22 Việt Nam Cộng hòa) biệt phái dạy môn tiếng Pháp, cô được đi học lại. Tưởng chấp nhận đời sống vợ chồng cho được yên thân, không ngờ ba tháng sau người chồng bảo là chuyển công tác vào Cần Thơ để tiếp tục dạy, nếu không thì phải bị đưa ra mặt trận An Lão. Mà kể đến mặt trận An Lão bấy giờ là chỉ có đi không trở lại, lính sư đoàn 22 đóng tại Tháp Bánh Ít ngày một thưa dần sau những đợt hành quân, càng ra sức đặt bàn, căng dây trên khắp đoạn đường dân cư qua lại nhằm bắt “quân dịch” bổ sung vì còn có số cố tình đào ngũ. Từ việc thầy Chương bỏ nhiệm sở dài ngày dẫn đến cô Trầm không chịu nổi sức ép lại bị mời lên mời xuống điều tra, cùng lúc cô cũng bị ốm thai, gia đình chuyển cô vào Từ Dũ điều trị, đứa bé trong bụng chỉ mới chớm tình yêu đầu của Trầm với Chương cũng vội xa cô. Rồi cô cũng vắng mặt ở Sài Gòn để lại nỗi âu lo cho tuổi già cha mẹ đang sống trong một thành phố biển Quy Nhơn đầy vơi con sóng. 

           ...Đã hơn một giờ sáng giữa lưng chừng núi rừng dừa thâm u tĩnh mịch, làm sao kiềm nén được những cơn co giật của các thương binh mới chuyển về đêm hôm qua, họ cứ trăn trở đau đớn vì những vết thương chưa lành, đây là những lúc họ thèm bàn tay dịu dàng của mẹ, của chị, của em trong gia đình chăm sóc. Từ lúc Trầm được cơ sở đưa lên cứ học y tá rồi chuyển về An Lão, và đây cũng là lần đầu tiên đặt chân lên quê chồng, Trầm vẫn tranh thủ ban ngày ra khỏi trạm xá hướng về dưới vùng trũng dọc hai bên dòng sông An Lão, nơi có những cây dừa chưa được lên cao đã bị cháy xém, có những cây đứng ra chống đỡ đạn bom cho người dân nơi đây đã bị phát ngang nửa chừng, có cây bị đào xới luôn cả gốc. Nhưng những cây dừa xanh cứ âm thầm mọc lên bên cạnh, vắng tiếng súng là ra đồng không kể ngày đêm. Hạt gạo cũng vừa đủ nuôi quân, chỉ thiếu muối. Việc chuyển muối từ Hoài Nhơn qua đường núi lên, hay từ Hoài Ân qua An Lão chỉ lo bị phát hiện là thu mất còn bị theo dõi. Lần đầu tiên trong đời chị thèm muối, có lúc chị được phân công đi cõng muối cùng giao liên, bà con dân tộc. Muối đựng trong những ruột gié, hay ngụy trang gói thành từng đòn bánh tét để che mắt địch. Nhớ lúc ăn lá muối, lá béo được hái từ trên núi trên rừng về, bởi muối chỉ để dành cho thương binh, cũng như cho cả tù binh nữa. Có những đêm chập chờn nhớ chồng trăn trở mãi đâu ngủ được, biết anh có mặt quê nhà này không, Trầm chưa dám hỏi ai, hơn hai năm rồi cũng biệt tăm tin tức về chồng...



                 Chị trở lại với công việc mình, đâu chỉ có tiêm thuốc, rửa vết thương, hay bốc thuốc cho thương binh uống, chị còn ngồi bên cạnh bón từng thìa cháo cho các anh ăn, có anh ói mửa thới thốc ra trên chiếu nằm hay đi ngoài tại chỗ, chị cũng lo dọn dẹp sạch sẽ thơm tho... Riêng một trường hợp thương binh nặng, mảnh đạn găm vào mắt bị nhiễm trùng, gương mặt bị rách nát, mất một cánh tay trái, thương tích đầy mình, mất máu nhiều cộng vào là những cơn sốt co giật mạnh, thấy chị run tay nên cô y tá mới bổ sung( cô y tá có tên Lê Thị Mới) cũng là để phân biệt cô y tá cũ là Trầm, nên Mới luôn được gọi kèm với công việc là “y tá Mới” đã trực tiếp băng rửa vết thương và chăm sóc cả ngày hôm đó. Đến tối thay phiên trực, nỗi ám ảnh cứ chập chờn chị nào dám ru giấc ngủ mình trên chiếc giường tre nhỏ, rồithiếp đi lúc nào không hay. Vừa chớp mắt như có tiếng ai đó gọi mình, chị tỉnh hẳn ngồi dậy, chỉ vài tiếng gáy tắt nghẽn, có hơi thở kéo dài, có tiếng khò khè vọng lại, lúc này Trầm cảm thấy bình yên hơn bao giờ hết, chỉ vài ngày nữa các anh sẽ đi đứng bình thường, khỏe khoắn và trở lại mặt trận phía đông bắc An Lão, cũng như phía nam đường đèo An Khê cùng đồng đội mình. 

             Chị đưa chân xuống giường rón rén đến thăm từng chỗ nằm các thương binh nặng phòng bên cạnh, cô y tá Mới vẫy tay ra dấu, chị lại đặt hai ngón tay trỏ giữa lên lớp băng trắng mỏng che kín tay phải còn lại, khoảng cách mỗi nhịp tim cứ chầm chậm, chầm chậm dãn ra,... mạch dừng nhẹ nhàng và hơi sương ngoài trời len lách sờ soạng lên chân tay anh, rồi toàn thân lạnh dần, lạnh dần. Cô y tá Mới nhìn đồng hồ đến bàn ghi vào bệnh án. Còn Trầm dùng kéo cắttừng mảnh băng cũ đã ngấm nhiều máu từ trên đầu xuống tới gương mặt, tháo tới đâu chị lấy bông chặm tới đó. Cũng không là phép màu nhưng người vợ nhận ra được chồng nhờ cạnh ngón cái có hai ngón tay nhỏ xíu nữa khép vào nhau, nghe anh kể từ lúc lọt lòng mẹ hai ngón tay song sinh ấy không có móng! Còn mỗi khi nằm bên anh, chị tinh nghịch gọi đó là hai trái dúi dẻ đẹt nhưng là báu vật đưa lên mũi ngửi rồi xuýt xoa thèm lắm chỉ để dành làm của hồi môn... Cũng như lúc này, không thể một con người với hai tên khác nhau, khác cả ngày tháng năm sinh, chỉ trùng họ. Rồi sau đó Trầm mới hiểu ra được thời chiến tránh bị theo dõi.

              Và rồi mai đây, hình hài không nguyên vẹn được đất mẹ ấp ủ chở che, vết tích chiến tranh đã được chôn vùi, lấp sâu trong lòng đất, chỉ còn lại với đời mộ bia đề tên anh: Đinh Vĩnh Cửu. Mưa gió không thể bào mòn bởi những nén nhang cứ từng ngày sáng đỏ tỏa hương... 

              Cô cháu gái vẫn đứng trước gương săm soi khi mặc bộ áo dài trắng đưa tay buộc tóc ra sau lưng, rồi xõa tóc ra hai bên phía trước ngực, ngắm nghía từng đường nét dáng người thon thả của mình nhưng cũng để tâm đến những cảm xúc của bà rồi cắt ngang:

            - Chuyện tình thời ấy là một nỗi buồn chiến tranh sao bà nhớ đến từng chi tiết vậy? Tất cả là quá khứ, hãy để quá khứ lùi xa, nhớ nhiều thì nếp nhăn chồng chất, bà sẽ mau già, mà mau già rồi phải... Cô cháu gái sợ lỡ lời nên vội chữa ngay nói là mai mốt cháu sẽ viết cả một bộ tiểu thuyết nhiều tập về một thời thanh xuân của bà, của những cô gái Bình Định trong kháng chiến để mấy đứa bạn khâm phục bà và “nhà văn” cháu nữa đây! Nhưng lúc này bà ơi, cháu mặc bộ áo dài trắng có xinh xắn lắm không bà?!... 

           - Ừ, người già thường tự làm khổ mình cháu ạ!... Miệng nói nhưng bà đưa mắt ra ngoài sân, nắng đã bắt đầu rót mật, thằng cháu nội dắt chiếc xe đạp lên hè, rồi bà kịp quay lại tấm tắc khen: Cháu chỉ xõa tóc khi mặc bộ áo dài này là đẹp hơn hết, những lúc nóng nhớ tết(thắt) con rít thả hai bên lại càng xinh. Nhưng cái đẹp luôn kèm với cái giỏi nữa kia.

          - Ô, bà khỏi lo, ba môn thi vào lớp 10 đều chín điểm trở lên, chứng tỏ sức học cháu bà là số 1. 

            Trong câu trả lời đầy tự tin của cô cháu út đã làm bà phải giật mình sao nó tự kiêu hãnh giống bà lúc trẻ quá, điều kiện cuộc sống bây giờ khá khắm hơn, hễ con cháu muốn học tới đâu thì cha mẹ nó lo tới đó, chả bù lại ngày xưa bà là đứa con thứ chín trong gia đình còn sau bà là hai đứa em trai nữa. Chiến tranh đã qua lâu giờ người còn người mất, rồi bệnh tật ốm đau, rồi lại thêm những cái chết oan uổng vì tai nạn giao thông, vì ngộ độc thức ăn thức uống,... chỉ nghĩ đến thôi đủ để bà đau thêm thắt ngực khó thở. Thằng cháu cũng vừa bước vào nhà mặc cho mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt đỏ ké, ướt đẫm cả vai áo cúi đầu chào bà, bà quay sang hỏi: 

            - Ông đâu sao không về cùng cháu? 

           - Dạ, ông gặp hai người bạn hỏi thăm ông, hai người ngỡ ngàng giây lát rồi ôm ông chặt khít vậy đó! Tất cả trở lại nghĩa trang... \

           - Đàn ông hay đàn bà vậy cháu?

           - Dạ. Cả đàn ông và đàn bà. Ông bảo cháu về trước báo cho bà chuẩn bị cơm nước đón khách quý. Cháu tăng tốc trên con đường bê tông nắng ơi là nắng. ... 




              Nhớ lại đoạn đường ngày ấy khoảng đầu năm sáu chín, không chỉ nắng mà còn là lửa. Khối lửa rơi nhanh trên đập Balé sau khi gầm rú trút đạn xuống tại Nước Ly, xã An Dũng. Khi viên đạn kẻ thù cắm vào ngực cô y tá Mới âm ỉ chảy, không thể cầm lại mặc dù ông đã nhanh chóng băng kín vết thương, có thể là cô ấy bị máu loãng không đông. Đất không thể bình yên khi ông Được cúi nhìn gương mặt hấp hối của cô y tá Mới. Ông ngước lên nhìn trời, trời rực lửa sục sôi bốc hỏa tiếp hai chiếc trực thăng nữa rơi vào khu núi Đá Bàn khi chưa kịp định quay về hướng Hoài Nhơn. Sự định hướng không cần minh chứng đã bị lụi dần trong đống sắt vụn ngổn ngang giữa núi rừng An Lão Bình Định.

            Hơn nửa vầng trăng thượng tuần hôm đó là mùng chín tháng giêng năm Kỉ Dậu (1969) vẫn treo sáng đỉnh đầu đã ướm hơi sương, trên đường gấp rút về căn cứ sau khi chôn cất cô y tá Mới vừa xong, đi dọc theo con suối đá thuyền, ông Được cùng đồng đội tranh thủ xuống suối rửa ráy chân tay, bấy giờ ông Được mới biết mình đã bị mất đi một phần trên tai trái lúc nào không hay, máu đã vón cục lại dính vào tóc, chảy xuống cổ, thấm vào cổ áo đã bốc mùi tanh khó chịu... Nhưng so với nỗi đau chung của bà con dân tộc, đồng đội ông nơi đây đã mất và bị thương không ít, thì với ông đó chỉ là vết xước quá bé nhỏ. Và có nỗi đau nào bằng tình yêu đầu đời vừa chớm nở chưa kịp nói lời hẹn hò với cô y tá Mới, đã bị kẻ thù cướp mất, giờ cứ ứ đọng lại vết tím bầm trong tim. Mặc dù cô y tá Mới, theo lí lịch trích ngang là cô đã có một đứa con gái với một viên sĩ quan quân y Việt Nam cộng hòa mở phòng mạch riêng tại thành phố Quy Nhơn trước năm Mậu Thân 1968, nhưng cô bị tước mất quyền làm mẹ, vì người vợ sĩ quan vô sinh. Phải chăng đó là chuyện sai lầm thời con gái của Mới, còn ông Được lại là người con trai lớn lên đã phải cầm súng bảo vệ đất nước, chỉ mới vội vàng đặt cái hôn lần đầu cũng là lần cuối trên đôi mắt Mới nhìn lại ông đầy luyến tiếc chưa kịp trăn trối, đoạn ông đưa bàn tay mình còn vương mùi thuốc đạn vuốthai mắt cho khép lại, cũng là lúc cô vừa trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay ông cùng đồng đội... Hồi đó là cuối mùa mưa.

                ... Nghe tiếng chân bước từ ngoài ngõ đi vào nhà, bà Trầm đã nhận ra ông Được về, bên cạnh là hai người nữa. Một người đàn ông chừng bảy mươi tuổi cao to, mũi nhọn, mắt xanh, da mặt trắng hồng tóc bạc ánh kim, người đi bên cạnh là một phụ nữ khoảng hơn bốn lăm bốn sáu gì đó, tóc hung hung đỏ, chỉ riêng đôi mắt có thể nhận ra là có nét một người nào đó mà bà Trầm chưa nghĩ ra. Còn người phụ nữ ấy gọi người đàn ông đó là bố. Cả hai bố con cùng cúi đầu chào bà, người bố nói tiếng Việt lơ lớ:

              - Xin - giơi thiệu - vơi bà - tôi là - Fred - đây! Một người lai - may bay rọ - tồi nhât - đã bị đồng đội bà - băn rơi - xuông tại trụ sơ - xa An - Quang tháng bay năm sau mươi - tam.

             - À... thì ra ông là giặc lái những năm ấy à! Bà Trầm cũng dằn lại từng tiếng khi trả lời ông, ngừng một lát, bà nói tiếp: Đã qua rồi một cuộc chiến làm đau tai nhức óc lắm!... Ông còn đến đây để làm gì nữa? Hãy đi đi!... 

             - Không, thưa - bà!... Tôi se - đi ngay nêu - chưa noi - được lời cam ơn - về bà đa - cho tôi ăn - “muối” - khi - tôi thèm no vơi chao - trăng bà nâu. “Một miêng - khi đoi bằng - một goi khi - no” Tôi học - được - tục ngư Việt Nam - hay lăm!... 

            - Chúng tôi chỉ bắn lại các ông khi các ông đến xâm lược đất nước, nã đạn bom đạn vào đồng bào chúng tôi. Còn khi máy bay rơi, ông bị thương sống sót, chúng tôi phải cứu ông. “Lương y như từ mẫu” không phân biệt đối xử trong bất kì trường hợp nào!... 

           Đoạn bà định đứng lên để đi vào nhà trong thì cô gái đã giữ chân lại trong câu chuyện của mấy mươi năm về trước, cuộc lưu lạc, bị đẩy đưa và gặp được ông Fred ở xứ người đây, ông nhận cháu làm con nuôi đã ba mươi năm kể từ lúc ba má cháu sang bên ấy rồi bị bệnh ung thư đã mất. Nói xong, người phụ nữ đưa tay vào túi xách lấy ra gói giấy nhỏ bên trong là một cái phái hình vuông màu vàng gạch thường đeo cho trẻ sơ sinh khó nuôi với quan niệm người xưa yếm trừ ma quái và đựng trong đó là hình lá bùa của các thầy cúng. Nhưng bên trong cái phái này là một mảnh giấy nhỏ gói tấm hình đen trắng đã ngã màu lá khô nhưng nhìn kĩ vẫn rõ gương mặt một thiếu nữ khoảng chừng hai mươi tuổi tóc xõa qua một bên. Bà Trầm chưa hết ngạc nhiên thì người phụ nữ ấy lại lật ra mặt sau tấm ảnh có dòng chữ “ Mẹ Lê Thị Mới tặng con gái Lê Thị Mai của mẹ”... Chững một lát sau, bà Trầm xin lỗi đứng lên đến trước bàn thờ đã đặt hoa quả tươm tất, thắp nén hương, bà khấn “Mới à, sống khôn thác thiêng, hãy cho mình mở tráp lại để con được gặp mẹ, cháu Mai đã về rồi đây!”, bà lấy ra tấm hình cỡ 4.6 đã ngã màu, không dám xem lại dòng chữ ở mặt sau nữa, mà mấy mươi năm trước bà đã đọc rồi, mắt nhìn vào di ảnh Mới qua làn khói hương, tay bà run run bám chặt cạnh bàn thờ, cái nền xi măng dưới chân bà đã cũ lắm muốn ghì lại, còn bà cố bước nhưng không nhích được chút nào. Thấy tấm hình lảo đảo theo bà Trầm, người phụ nữ vội bước nhanh kịp lúc ôm bà Trầm lại, cả người bà mềm như con bún. Ông Fred cúi xuống nhặt tấm hình, cẩn thận úp lên ngực áo ông đang mặc xoa nhẹ như sợ lớp bụi mới bám vào, trân trọng đặt bên cạnh bát hương vừa thắp đỏ. Đất thiêng. 

              ...

              - Cháu sẽ hủy vé bay chiều nay ở lại với mẹ, cô Trầm và bác Được cho phép ạ!


                                                                           * 

                  ... Nằm bên bà Trầm nhìn ra ngoài đêm tháng sáu đầy sao. Gió đượm hơi nước từ cơn mưa chiều trút vội đã làm vơi hẳn cái nắng ở mức 39 độ C giữa một vùng đất được núi đồi bao bọc, từ quanh khu vườn hoa quả chôm chôm chín đỏ phả vào khung cửa trong lành hương thơm. Khẽ khàng Mai kéo tấm chăn mỏng lên ngực bà Trầm, thỏ thẻ:  - Mẹ Trầm ơi, yêu mẹ Mới con quá!... con yêu cả hai mẹ.  - Mà thuở ấy... cả trạm chỉ có hai nữ lại ít có giây phút nằm lại bên nhau như vầy cháu ạ! Vậy là sau khi mẹ Mới cháu hi sinh, cả bữa cơm tối cứ nghẹn đắng trong miệng. Còn ông Được thường ngày hay gợi chuyện thì không nghe lấy một tiếng. Sáng ông chẳng buồn ăn, lo ông đói, lúc ấy “cô y tá Trầm” này lấy phần trái bắp chín còn lại trong thau thiết, lột sạch vỏ cầm hai tay đưa ông rồi ra lệnh: “Đây là phần của đồng chí phải gấp rút ăn nhanh!”. Như chợt tỉnh, ông nhìn vào trái bắp nói rất khẽ “Để tôi dùng mà! Cảm ơn Trầm, cô y tá cũ!”... Mãi cho đến sau này, đúng là Tết Độc lập năm 75, mờ sáng hôm đó “cô y tá cũ” nghe tiếng gõ cửa phòng liền ra mở cửa. Trời đất ơi, ông Được mang đôi dép cao su nghiêm trang trong bộ quân phục lấp lánh ba huy chương kháng chiến trên ngực áo, ngã nón cối chào. Ông Được cầm sẵn cái lược trên tay và tuyên bố: “Tôi, Đinh Văn Được, độc thân, xin tự nguyện suốt đời gỡ rối mái tóc “cô y tá cũ” này mãi óng suông, xin Trầm nhận lời cho!..” Và cô y tá cũ Trầm đâu thể từ chối lời cầu hôn quá bất ngờ này! Người chiến sĩ thuộc sư đoàn ba sao vàng năm xưa ôm chặt cô y tá cũ vào lòng. Có thể đây là lần đầu tiên cô y tá cũ được khóc. 

                Đêm bình yên để thức lại quá đủ đầy những biến động trong tâm hồn của hai thế hệ. Đêm bình yên thức lại quá khứ để tri ân đồng bào, đồng đội đã ngã mình xuống cho lòng chảo An Lão được lên xanh!... 

10. 11. 2014

*Trích NƠI TÌNH YÊU GIỮ LẠI (NXB HNV- 2018) tập Truyên ngắn NGuyễn Thị Phụng.

                                                                       


Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020

LẶNG TRONG HƯƠNG LÚA- Nguyễn Thị Phụng

 LẶNG TRONG HƯƠNG LÚA





        (Đọc trường ca “Phù sa trên tay” củaĐông Nguyên)
        “Thơ cũng như nhạc có thể trở thành một sức mạnh phi thường khi nó chinh phục được trái tim của quần chúng nhân dân”(Sóng Hồng). Nhưng từ trong cuộc sống quần chúng nhân dân, của lịch sử xã hội đã là nơi dự trữ tư liệu, ấp ủ cho tứ thơ cất cánh tỏa hương. Đọc một bài thơ ngắn nhất như hai câu lục bát Việt Nam, dài hơn chút là ba câu thơ Haiku Nhật Bản, hay tứ tuyệt Đường thi,… cho đến những bài thơ dài hàng trăm câu như Trường ca Phù sa trên tay của Đông Nguyên, (NXB Hội Nhà văn, 2012) theo cấu trúc nội tại đã làm nên tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Và nói đến Trường ca luôn nghĩ ngay đề tài có nội dung ý nghĩa rộng lớn mà người viết đạt đến sự thẩm thấu tinh tế, đó có thể là vẻ đẹp được chắt lọc của tấm lòng nhân từ, của một hồn thơ tài năng bậc thầy nhất đất nước như Nguyễn Du, hay là sự nhạy bén của tác giả khi cảm thụ tiếp nhận văn chương một cách khách quan.


          Viết trường ca Phù sa trên tay, Đông Nguyên mạnh dạn chọn thể lục bát truyền thống để truyền tải cảm xúc quả là anh tự khép mình vào gông. Bởi khuôn khổ lục bát vừa gò bó lại vừa khắt khe, rất dễ sa vào lối diễn ca vẫn có một số “thi sĩ” thường vấp phải. Nhưng với Đông Nguyên vượt lên được tầng cao tứ thơ đã lựa chọn. Với hai mươi bảy tiểu đoạn có năm trăm linh bốn câu lục bát cùng một chủ đề, được nhân cách hóa thành Người. Để rồi “Người thơ”  đó phải chịu bao dằn vặt, tủi hờn trong cuộc sống của mình. Đoạn tuyệt với một quá khứ bên kia  mặt trời là hoàng hôn, khói sóng. Giữa quan san người lên ngựa kẻ chia bào của miền đất thiên đô mệnh danh là hoàng triều, cương thổ để khẳng định “Người lục bát  ấy” đã có mặt tại Hà Tĩnh Việt Nam(Quê hương Nguyễn Du).
            “Theo về dựng quán văn chương
            Cỏ hoa Hà Tĩnh ngát hương bốn mùa…”
       
Rồi làm Người qua sông
             “Bềnh bồng tám mặt là sông
              Mượn câu  lục bát mênh mông làm đò…”
         Cũng rất dễ hiểu “Người lục bát” kia cũng là tâm trạng của tác giả, người trong cuộc đang cần sẻ chia:
              “Mười lăm năm Thúy Kiều ơi
               Còn ai bấm phím so lời nữa đây
               Khóc than do bởi phận này
               Lam Kiều xưa dựng trời nay cam đành

          Đâu dễ dàng “Lam Kiều xưa dựng trời nay cam đành” như Nguyễn Du không. Chính cái nguyên nhân của “Ba trăm năm ấy về sau/ Một dây tơ một rừng lau trắng bờ / Một phần ba vạn câu thơ/ Ngập trong nước mắt từng giờ đầy vơi” với đại thi hào Nguyễn Du, người từng xót xa thân phận mình đã chắp cánh bung nở cho thi sĩ: “Theo về dựng quán văn chương/ Cỏ hoa Hà Tĩnh ngát hương bốn mùa/ Ra đồng đất thấm sao Rua/ Mạ non lục bát gió lùa chân quê”(Lục bát về Nghi Xuân). Và niềm vui đong đầy trong cảm xúc phấn chấn:
              “Tứ thơ phong vận tài hoa
               Xin trải ra gió xin nhòa vào mây
               Được vào giấc ngủ cho say
               Vành môi em bé lại đầy môi thơm

                                              (Lục bát về Nghi Xuân)
           Trong thơ là nguồn cảm xúc chuẩn mực “Sẵn câu lục bát ru êm/ Đừng trôi theo nhịp sông đêm muộn về”. Cái lí giải nhẹ nhàng nhưng không kém phần thâm thúy:
               “ Cho đời nhẹ tựa khói vương
                 Cờ hoa lau dậy một phương trắng ngần
                 Mắt vừa chớp mộng phù vân
                 Tay vừa xóa hết bần thần nỗi đau”

                                                   (Làm người qua sông)
             Đẹp hơn là cách gợi tả so sánh “Mắt nào huyền thoại như tranh/ Hồn nào sương khói long lanh Tây Hồ” vô cùng quyến rủ, như thôi miên sao có thể dứt, thờ ơ, nhà thơ thố lộ: “Bến chiều không đáy hình như/ Mái dầm khuấy nước lao lư sóng đùa”(Làm người qua sông). Từ giã bến sông, những bước chân âm thầm Lên đồi khấn nguyện lòng thành giữa đất trời thanh vắng:
                   “Lục bát xin thầy đi tu
                   Vuốt tay lên tóc mùa thu lỡ làng
                   Lưỡi dao xuống tóc gọn gàng
                   Cành xưa nhánh cũ – rõ ràng đây chăng

                                                                           (Lên đồi)
              Nhưng không, nỗi niềm thân phận ấy đâu chỉ có sẻ chia, an bài mà luôn được người đời sau ngợi ca tiếp nối tôn vinh: “Câu thơ tự đất trời này/ Mười năm tiết hạnh lại đầy bình ca(Lên đồi). Nào ai trói buộc bước chân lãng tử khi bắt gặp “ Từ em áo tía khăn điều/ Cái tâm đã chứa ít nhiều bao dung”(Xa nhà). Ngỡ cánh én chao lượn giữa trời hồng mênh mông Nghe biển hát như nhủ lòng mình:
                  “Én thì không mắt lá răm
                   Người thì từ độ xa xăm liếc về
                   Từ ngày cha bị biển mê
                   Ngực trần thêm những bộn bề nắng mưa

                                                             (Nghe biển hát)
             Lòng khát khao hoàn lương trả lại cho em đời thường bình yên trong thơ Đông Nguyên thật sâu sắc:
                    “Rồi mai em sẽ theo chồng
                     Rồi mai trên động – tà tâm chẳng còn”
                     Bóng đời lẫn bóng lầu son
                     Mượn ai tính cuộc vuông tròn cho em

                                                                 (Cảm nhận)
            Khi Tới Huế* nghe nhịp điệu bổng trầm khúc ca trên sông Hương hay réo rắc của nhã nhạc cung đình trong hoàng cung một thuở đã lay thức miền nhớ trong anh từ tiếng đàn Kiều mà Nguyễn Du gợi tả có phải là dự đoán vận mệnh một kiếp người hay không cũng được nhà thơ tỏ bày:
                   “Phụng Hoàng xưa Phụng Hoàng nay
                     Nam Cầu Khúc lại vơi đầy ngũ cung
                     Huế ơi một tiếng tơ cùng
                     Câu thơ dài đến tận chùng bờ thương

                                                                      (Tới Huế)


            Cũng không khỏi ngạc nhiên bước chân thi sĩ chạm lên vùng Đất Võ Trời Văn Bình Định đầy khí phách nhắp một chút hương vị cay cay của rượu nồng như ấm lại tình bè bạn “… Rượu sanh tử rót cứ liều mà say”,  hạnh phúc ngày hợp hôn: “…Rượu cay đãi khách nhớ ngày vu quy”(Tới Bình Định) cho tình yêu ngự trị muôn đời trong thơ anh lúc hồ hởi chào đón, lúc khép nép rụt rè, cả dửng dưng vô tận cho trái tim anh bão bùng tan tác trong cách đối chiếu gợi hình giữa cái thực của trời đất với cái tình anh vụn vỡ: “Bão trời một loạt mưa dông/ Bão lòng sa xuống áo hồng thiên thu/ Vẫn còn đăm đắm lời ru/ Trách em thêm để rối mù trong “ta” / (Gặp lại người thương). Lỗi “ta” hay ở em, tò mò anh cũng nhận ra được bến đỗ nơi ấy lặng lẽ đơn côi “Một lần qua bến sông này/ Hỏi người mới biết ngực đầy gió trơn”(Bình yên), khi một mình “về tỉnh lẻ đành ngồi quay tơ…” rối bời vương vấn nhớ, vương vấn xe cho duyên mình kết nối mà dễ gì được!... Cái bùa yêu không hình hài biết bao phép kì lạ dễ dàng trong phút chốc biến nụ cười tươi tắn trên môi thành nỗi ám ảnh mịt mù trong ánh mắt, biến cái tỉnh táo phấn chấn trong chuyện trò hoạt bát thành ú ớ ngẩn ngơ trầm cảm. Anh trách ai đã tự đánh lừa trái tim mình, trái tim người theo năm tháng tất cả đều là tội lỗi. Bởi Thượng đế chỉ cho con người một trái tim, đó là nhịp sống trong ta. Hãy nâng niu nhịp sống như nâng niu sự thật, thơ văn cũng từ đó mà ra nhẹ nhàng lắm mà xót xa lắm:
                 “Quen mưa quen nắng chẳng lầm
                   Lẽ nào trở mặt với tầm xuân xưa
                   Chỉ từ nửa buổi nắng mưa
                   Sao em nỡ lại sớm trưa phũ phàng

                                                          (Xao động)
             Thơ văn là cái “nghiệp” đeo đuổi cả đời người. Phải chăng nó từ tâm như hạt phù sa trên tay của thi sĩ tài hoa, rắc xuống cánh đồng, cây cỏ từ cánh đồng vươn lên, tiếp sức cho hoa ngát hương quả dày cơm nặng hạt. Như lời nhắc nhở chân tình với người thơ, đánh thức miền sâu thẳm tiềm thức tâm hồn cũng như khơi gợi tính nhạy bén trong câu chữ diễn đạt cảm xúc ngợi ca trân trọng chân tình:
                  “Phượng hoàng nào đậu cành lau
                   Ngỡ em hết kiếp cạn màu tài hoa
                   Bàn tay còn hạt phong ba
                   Vẽ thành những nốt áo hoa lặng thầm
                   Chiếc đàn chín nốt vang âm
                  Đập cho tan cả trầm ngâm theo người

                                                      (Về gác phượng)
              Nhà thơ Đông Nguyên gợi ra con đường phía trước xem lỡ lầm ban đầu  như một tai nạn khách quan: “Bất cần tắt nến tai ương/ Bó chung cái khổ từng vương – đã từng/ Không phiền câu của người dưng/ Cứ nương cơn xoáy sửng sưng thượng nguồn”(Chấp nhận). Đến với thơ văn hãy biết mạnh dạn đứng lên, thành khẩn những hạn chế tồn tại, tác giả như người anh cả chỉ ra: “ Đừng quy cho những tình cờ/ Ba chìm bảy nổi dật dờ là em”/(Chấp nhận). Anh tường tận phân tích phận người mỏng manh ngắn ngủi như hài nhi không giá thú bị nạo bỏ từ trong trứng nước, tai nạn hay bệnh tật ốm đau cũng rút ngắn đời người, còn ta đang có vóc dáng ngọc ngà trời cho trụ giữa đất bao la này sao em không nâng niu gìn giữ, buông thả đời mình rơi vào khoảng vô định: “Tại em cuộn lấy tình hờ/ Cuối trăng đẫm một bến bờ thực hư… Tại em dựng cuộc tình này/ Nên môi mắt ấy phải ngày lầm than”(Thế thôi) là tất yếu. Khi ai đó đem văn chương ra cợt nhã với tình, không chóng thì chầy cũng như mây gặp gió lùa. Có như giống Tu hú đẻ nhờ vào tổ Sáo Sậu hay Ác Là kia cũng biết yêu biết nhớ cái trứng của mình huống chi là người:“Tu hú còn biết văn chương/ Đậu trên cột nhọn xem thường đại ngôn/ Chắc do cái vỏ không hồn/ Nên không thể ốc mượn trôn lên bờ”(Không chỉ mình ta trách em).
        Và nếu như cái cốt lõi kia là nhân thơm, tự biết nhận ra mình trong chừng mực nào đó, sự khiêm tốn ấy luôn được đồng cảm sẻ chia, nào cấu xé vạch lá tìm sâu  chi cho bàn tay nhiễm khuẩn. Các tiểu đề trong Phù sa trên tay như Chị thương em, Em trai, Em gái, Hàng xóm*,… hay còn chính là số đông quần chúng quan tâm bảo bọc nhắc nhở cảm thông: “Cùng là giậu cúc quê làng/  Sắm sanh cho chị rỡ ràng tìm phu”/ (Em gái). Hãy biết đón nhận: “Ngày mai sẽ đến bất ngờ/ Qua sóng gió phải vào bờ bình an”(Đồng cảm). Chính tiếng thứ hai trong câu bát phải là thanh bằng, thì ở đây “sóng”là thanh trắc dẫn đến nhịp thơ cũng thay đổi 3/3/2 mạnh hơn, tin tưởng hơn.
        Thay cho lời kết, tác giả đã mở ra những tứ thơ Hy vọng đời chờ*, mong Em quay về*, để nói lời Xin lỗi* với đứa con tinh thần của người thơ chẳng quản sớm trưa gieo trồng cày xới:
               “Đất cày nào phụ công cha
               Lặng trong hương lúa phù sa trở mình”

                                                      (Hy vọng đợi chờ)
           Cũng là cặp câu lục bát đẹp tôi tâm đắc nhất trong trường ca Phù sa trên tay của anh. Nào đâu dám so sánh với những trường ca Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh hay Những người đi tới biển của Thanh Thảo cũng có độ dài hàng trăm câu, nhưng riêng anh Đông Nguyên viết trường ca là giải bày tâm tư, không nói là giáo huấn, mà anh mượn tứ thơ cảm xúc từ cuộc đời thi hào Nguyễn Du âm thầm trăn trở viết người tài hoa bạc mệnh như Kiều bấy giờ bị đời vùi dập, như thơ văn vô tội của nàng Tiểu Thanh bị người vợ cả ghen tuông đốt thành tro bụi. Nhưng cái lo xa của Nguyễn Du với ba trăm năm sau có ai đã sống hết mình, hết lòng cho những nhân vật hư cấu trong tác phẩm, hay những người thực ngoài đời như chính Cụ đã day dứt cho Kiều và Tiểu Thanh kia. Thì trong hôm nay Đông Nguyên đồng sẻ chia với thi sĩ, anh bày tỏ quan điểm mình hãy để văn chương xuất phát từ trái tim chân tình nhất. Gạt bỏ những lệch lạc lỗi lầm, những ham muốn hão huyền mà sống thực hết mình cho văn học.
                                                       25.11. 2012/ Nguyễn Thị Phụng
___________________
* Tên các tiểu đề trong trường ca


Thứ Hai, 9 tháng 11, 2020

NGHĨ VỀ 20.11 HẰNG NĂM, tản văn Nguyễn Thị Phụng

 NGHĨ VỀ 20.11 HẰNG NĂM*



      Nói đến nghề dạy học, nhân dân ta đã sẻ chia “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”, rồi trân trọng đề cao: “Tôn sư trọng đạo, Nhất tự vi sư bán tự vi sư, Không thầy, đố mầy làm nên,…” trở lại khuyên nhủ  “…Cơm cha áo mẹ, chữ thầy/ Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”. Mực thước đạo làm người xưa nay là phải giữ được mối quan hệ gia đình- thầy trò nên khởi đầu năm mới nhắc nhở: “Mùng một ăn Tết nhà cha, mùng hai nhà mẹ, mùng ba nhà thầy”.

       Tiếp nối truyền thống ấy Chính phủ ta chọn ngày 20.11 hằng năm được gọi là Ngày Nhà giáo Việt Nam kể từ 20.11.1982. Có tiền thân từ “Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo” (gồm 15 chương với nội dung đấu tranh nền giáo dục tư sản, phong kiến; Xây dựng nền giáo dục, bảo vệ quyền lợi, đề cao trách nhiệm, vị trí nghề dạy học và nhà giáo- nên trong Hội nghị của Fise từ ngày 26 đến 30.08.1957 tại Warszawa- Thủ đô Ba Lan, quyết định lấy ngày 20.11. 1957 là ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo, được 57 nước tham dự trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam chính thức là thành viên của Fise).

        Với tôi, nghề giáo vơi đầy kỉ niệm buồn vui. Nghỉ công tác hưởng lương hưu hàng tháng, được Nhà trường, Chính quyền  mời về dự kỉ niệm 20.11 đã là vinh dự. Nhưng với tôi vẫn cứ áy náy vô cùng. Đâu riêng gì mình đã từng đứng trên bục giảng, chúng ta còn có rất nhiều thầy cô giáo với nhiều hoàn cảnh khác nhau trước và sau năm 1975, có người bị buộc thôi việc, có người  xin nghỉ việc với lí do đồng lương không đủ nuôi con, chi tiêu trong gia đình, đa số xin hưởng chế độ một lần. Họ hay đùa là “mất dạy”. Thực ra ngày ấy những cụm từ chế giễu “thầy giáo- tháo giày ra chợ bán, giáo chức- dứt cháo chợ quanh năm,…”. Nhưng kết quả với họ là những đứa con trưởng thành, có công ăn việc làm tương đối là ổn định, cũng đã ủng hộ nhiều cho Hội sau này. Niềm vui tuổi già bên con cháu, trông nôm vườn tược ca nhà vô ra.

       Đó là hạnh phúc. Nhưng cái hạnh phúc là trở lại tháng năm cùng “Hội đồng sư phạm”, cùng sẻ chia ngọt bùi gian khó, cùng hội họp ngày Nhà giáo đã thực sự được công nhận chưa. Suy nghĩ ấy thôi thúc tôi nhận lời ngay khi ông Khưu Đại Lợi- trưởng phòng Giáo dục Đào tạo Tuy Phước, trưởng Ban vận động thành lập Hội Cựu Giáo chức (CGC)huyện, mời vào Ban thường vụ Hội CGC. Mỗi xã là  một thầy hay cô giáo hưu vào trong Ban chấp hành Hội, rồi tiếp tục vận động thành lập Hội CGC xã. Tôi cùng chị- cô giáo Nguyễn Thị Trướng chở đến từng nhà thăm hỏi tất cả đều mong muốn có ngày họp mặt chung. Điều khó khăn nhất ở một số cán bộ từng làm trong ngành giáo dục cũng từ chối vào Ban chấp hành vì lí do đau bệnh. Vậy đã hưu thì có ai mạnh khỏe nữa đâu. Việc hoàn chỉnh danh sách kí xác nhận trên sáu chục người rồi, hồ sơ hoàn chỉnh rồi, còn kinh phí tổ chức ra mắt thì sao… Dịp hè năm 2016, cô Lê Thị Nga từ Sài Gòn về, mời cô Trướng, cô Nga, cô Dung, vợ chồng thầy Thùy và cô Hoa. Tôi trao đổi và được hưởng ứng, tự nguyện đóng góp trước, tổng số lên được 2 triệu rưỡi. Lại là hạnh phúc giấy mời được gởi đến tận nơi, đúng người nhận.



      Chọn thứ bảy, ngày 30.07.2016 Ra mắt Chi hội CGC Phước Lộc, lại là khó quên. Mở đầu thân thiện nhất là Thầy Lưu Hữu Nhi Thùy, đại diện cho các thầy cô giới thiệu tên từng người từ Sài Gòn có cô Nga, cô Bình, thầy Chính và cô Tâm; Từ Quy Nhơn có cô Bá Hường, cô Bích Anh; Từ thị trấn Tuy Phước có cô Ngọc Trang,… và tất cả cô thầy, cán bộ, nhân viên đã từng công tác trong ngành giáo dục, đã từng ở tại Phước Lộc cứ tay bắt mặt mừng, ôm nhau có người đã hơn ba mươi năm mới gặp lại… Cũng là thầy Thùy trước đây thường alo “tự phát” họp mặt liên hoan ngày Nhà giáo tại tư gia mình, không phân biệt hưu trí hay nghỉ việc một lần, đã thế các “thầy” còn hào phóng xếp các “cô” là khách mời nên không thu cỗ phần đóng góp nữa kia!... Bởi có cô Trương Thị Hoa đã từng kí “điều ước” với thầy từ thời thanh xuân đấy. Cũng là thầy Thùy, khi tín nhiệm là Chi hội trưởng CGC Phước Lộc, lại tiếp tục alo mặc dù đã kí phát giấy mời nhưng lo “các cụ” quên!... Lại duy trì alo mở rộng bạn bè thân hữu từ xa cũng “xin” vào Hội chung vui tuổi già. Khi dự cuộc họp đầu tiên, thầy đã tham mưu cùng Hội đồng giáo dục xã nhà để tất cả hội viên đều được tặng hoa và quà tôn vinh trong ngày Nhà giáo. Chính vì thế, ngoài Ban chấp hành, nhất là hội viên nữ cũng rất vô tư “xin” đóng góp công việc trong ngày Hội, cùng với Ban chấp hành(thầy Thùy, thầy Hậu, thầy Lợi, cô Dung, cô Bằng,...) thăm hỏi cựu đồng nghiệp mình lúc cơ nhỡ ốm đau… Việc làm không yêu cầu “phụ cấp” mà năng nổ đến vậy. Xuất phát từ tấm lòng nhà giáo xưa nay của người Phước Lộc đầy tự hào văn hóa truyền thống.

       Còn tôi, xin trích lại đoạn phát biểu hôm ấy: “…Chúng ta có biết bao nhiêu người thầy mẫu mực và những câu chuyện cảm động về tình nghĩa thầy trò. Kể từ tháng 5. 1975 đến nay trên địa bàn xã Phước Lộc, chúng ta có rất nhiều thầy cô giáo đã vượt khó đến lớp giảng dạy học sinh, tham gia xóa mù ở miền núi xa xôi,… nhưng với đồng lương của thời bao cấp quá ít ỏi không đủ trang trải sinh hoạt thường ngày, nên một số đã phải chuyển ngành, đây là việc làm ngoài ý muốn của một tấm lòng nhà giáo thiết tha yêu nghề mến trẻ…



       … Chúng tôi trực tiếp đến từng nhà thăm hỏi, bức xúc trước hoàn cảnh các thầy cô giáo cao niên lại bệnh tật, có nhiều khó khăn trong sinh hoạt như cô Võ Thị Liên Hoa ở thôn Phú Mỹ 2 bị tai biến. Còn cô Tô Thị Xuân Mai ở Phong Tấn hơn một tháng nay cũng vậy. Cô Đào Thị Kim Tước ở thôn Vinh Thạnh đang điều trị tại bệnh viện Khánh Hòa hơn một năm nay, thầy Nguyễn Tất Tiếu cũng mới mổ tim vừa ra viện,…

       …Một số thầy bị bệnh nan y, tuổi già ra đi không thể chờ ngày Ra mắt Chi hội CGC xã mình như: thầy Nguyễn Ngọc Thanh ở Quảng Tín; thầy Văn Tấn Sùng, thầy Trương Thanh, cô Tống Thị Chinh ở Đại Tín; thầy Nguyễn Văn Miên ở Trung Thành; thầy Nguyễn Tất Hiển, Nguyễn Văn Đức ở Vĩnh Hy; thầy Huỳnh Hồng Đức ở Quang Hy; Thầy Lê Bá Trí, Nguyễn Ngọc Thụy, Phạm Văn Năm ở Hanh Quang; Riêng thầy Nguyễn Nguy Anh ở Trung Thành đi làm ăn xa bị tai nạn giao thông mất mùng ba tết 2016…

     …Chính vì thế mà hôm nay Ban vận động kịp thời Ra mắt Chi hội CGC xã Phước Lộc và đề ra phương hướng hoạt động… cùng phương châm: Đoàn kết, Chăm sóc, Trách nhiệm…

       Vậy là cuối buổi họp mặt ấy, lúc đầu đặt sáu bàn cơm phần lo thiếu 500 ngàn, thì có phụ huynh em Nguyễn Huyền Trân- cựu học sinh Phước Lộc ủng hộ cho đủ, thì giờ số dư lên đến gần mười triệu đồng từ đóng góp của các cô, các thầy và học sinh bổ sung. Mừng. Từ quỹ ban đầu là số không mà cô Dung kế toán cứ phải lo khoản thu nhập sao cho chính xác.

       Mấy ngày sau, điện thoại reo, em Đặng Mậu Mỹ Chi- học sinh Phước Lộc alo, chúng em họp mặt ở Sài Gòn mỗi bạn một triệu gởi biếu Hội, còn nói thêm hôm trước bạn lớp trưởng Phạm Bảo Ân có xin số tài khoản để gởi tiền về tổ chức, mà cô đã từ chối. Đúng rồi. Tôi chỉ muốn huy động từ nguồn quỹ ban đầu mỗi giáo viên góp lại cùng giúp đỡ lẫn nhau. Và sau đó, đại diện nhóm cựu học sinh Phước Lộc: Phan Minh Hải, Trần Duy Vũ, Phạm Xuân Thông, Trương Trọng Thảo, Nguyễn Văn Tùng, Phạm Bảo Ân, Nguyễn Thị Thanh Nhã và Đặng Mậu Mỹ Chi mang quà về biếu Hội CGC. Rồi từ đó nhân lên có em Nguyễn Minh Hòa và Nguyễn Minh Hiếu Hòa, em Trúc Quỳnh, Huỳnh Lê Đình Toại, Nguyễn Thành Tín, Lưu Thị Vân Yên, Trần Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Hoa Cúc, Nguyễn Thị Tuyết Lan, Nguyễn Tất Toàn, Huỳnh Uy Dũng, và còn nhiều học sinh khác nữa , có em tiếp tục ủng hộ nhiều lần. Dẫu có là con số ít hay nhiều thì nguồn thu cho Hội cũng là nhờ vào việc duy trì vận động chung của thầy Lưu Hữu Nhi Thùy, thầy Nguyễn Trung Hậu,... Có lẽ tấm lòng nhà giáo khi còn trên bục giảng, trong những ngày 20.11 khuyên học sinh mình hãy tập trung chuyện học để thành danh, thành người. Và hôm nay các em trở về nhiều lần mang nặng món quà tri ân cô, thầy gởi biếu Hội.  Thật sự cảm ơn tất cả trường học, chính quyền địa phương, các cá nhân có tấm lòng đóng góp sẻ chia thăm hỏi hội viên nằm viện, gia đình neo đơn, khó khăn,…



        Trở lại niềm vui 20.11.2016 là ngày Hội đầu tiên Chi hội CGC Phước Lộc.

        Có thể kể người cao niên nhất là cụ Nguyễn Cang, nhân viên bảo vệ trường Tiểu học giờ ở tuổi 90, luôn giữ tiếng trống trường đúng giờ có mặt sớm 30’ theo giấy mời, thầy Nguyễn Đức Độ từng công tác trường Đại học Quy Nhơn ở tuổi ngoài 80 cố gắng trên chiếc xe đạp điện cũng sớm hơn 15’. Rồi đến thầy Nguyễn Quang Cang, thầy Nguyễn Tất Tiếu, thầy Phạm Ngọc Liên, thầy Trần Ngọc Thoại, thầy Huỳnh Trung Trực, thầy Nguyễn Tấn Thái,… Còn như các cô  Võ Thị Ngọc Trang, Đào Thị Việt Hương, Huỳnh Thị Trạch, Nguyễn Thị Thu, Đặng Thị Thanh Tùng, Nguyễn Thị Ba, Nguyễn Thị Duy Cần, Nguyễn Thị Diệu Tuyết, Nguyễn Thị Chỉnh, Nguyễn Thị Hoàng Lan, Tô Thị Xuân Mai,… Riêng cô Kim Tước nằm viện. Còn tất cả đều đúng giờ như ngày còn đi dạy. Đẹp từ tác phong, từ thái độ ứng xử làm nên nhân cách người thầy tiếp nối bao thế hệ.



        Ông trời xúc động. Cứ rắc rơi, rắc rơi, đổ hạt dập dồn xé vào ruột gan tôi. Mưa mà như đổ lửa vào lòng người. Sao nỡ phụ công những mái đầu đã nhuộm màu phấn trắng bao năm của các cô Trướng, cô Liễu, cô Bạch Tuyết, cô Khanh, cô Dung, cô Chín, cô Bằng,… xúm xít tết nơ vào cho đủ hai chục bó hoa đã xin thêm về tặng hai chục thầy cô ngoài bảy mươi tuổi cùng khung Chúc mừng thọ nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Nghe thật đơn giản, mà chúng tôi chuẩn bị cả tháng trời. Đã thỏa cơn xúc động, ông trời còn chưa nguôi gởi vào cái nhìn vừa kịp nhận ra nhau điểm đi điểm lại: Chào chị…chào cô…mà thầy tên gì, cô tên gì?... Lạ chưa! Nhớ hồi đó…, nay thế này ư,… Rồi em không nhận ra… Bao nhiêu năm rồi chứ ít gì…

        Quanh những chiếc bàn tròn, dẫu tách trà đã nguội, cà phê còn đọng lại chút ít đáy li, mà hương thơm cứ quấn quýt tỏa theo năm tháng một thời bao cấp đi qua, phải chạy ăn từng bữa, đau đáu rời xa bục giảng, nhớ ơi là nhớ!... Chị Lê Nga nén xúc động, cảm ơn “ban lãnh đạo” nữa chứ… còn đọc thơ gởi gắm: “Nếu mai tôi chết…” giữa hân hoan thể như cày xong thửa ruộng. Thầy Hậu, thầy Lợi, cô Trướng tiếp nối vần thơ về đồng nghiệp về sân trường, bạn bè. Những bó hoa thầm lặng tặng nhau sau mỗi bài thơ, và những bài hát của cô Khanh, cô Hoa, cô Anh, cô Mỹ, cô Thơ, cô Hà, cô Hạnh,... Mỗi bó hoa thay lời nói khoe sắc, tỏa hương.

       Những công việc cứ duy trì thăm hỏi ốm đau, chúc mừng các cô, các thầy lên “thất thập” cũng được làm thường năm vào 20.11.

       Quà 20.11 của Hội CGC. Phước Lộc là như thế.

       Giờ là mong nạn dịch Covid-19 chấm dứt, để chúng tôi dành món quà 20.11 lần thứ năm này bình yên tặng các thầy cô trong Chi hội mình.

Tháng 15. 05. 2020.

*Trích tập Tản văn Về một thời thiếu nữ (NXB HNV, 2020) của Nguyễn Thị Phụng