Thứ Tư, 3 tháng 11, 2021

. “ĐỜI EM LÀ BÌNH MINH…”, truyện ngắn Nguyễn Thị Phụng

 Đời em là bình minh*

          Mưa mỗi lúc nặng hạt, ngoài trời một màu trắng đục ngờ ngờ vây quanh, cây lá được dịp tắm táp kì cọ thỏa thích, đường phố thưa thớt xe cộ và người qua lại. Bầu không khí mát mẻ lạ thường, gió kéo theo hơi nước táp vào đôi tay trần của Ngâu, nhưng làm sao xoa dịu được nỗi bồn chồn lo lắng mỗi lúc cứ nóng dần lên trong ruột trong gan của Ngâu lúc này. Đĩa cơm nóng buổi trưa có miếng sườn heo, một con cá nục chiên, hai miếng đậu cắt vuông vắn cùng một ít rau muống luộc, cả một chén canh chua ngỡ ngon miệng lắm, còn Ngâu thì không nuốt nổi, cố ăn được mấy thìa cơm vào để uống thêm viên thuốc đau đầu vì đã thức ba hôm rồi. Nhìn đồng hồ chưa được năm giờ chiều mà trời muốn sập tối, ngày ngắn đêm dài thế sao. Anh Ngân đi công tác ở thành phố đúng một tuần, sáng sớm mai anh mới có mặt ở nhà, bụng Ngâu cứ cồn cào như có ai xát muối vào trong dạ. Ngâu phân vân. Có nên nói cho mẹ biết vì sao?! Hay chờ anh Ngân về chia sẻ, bởi nhà có hai anh em, không thố lộ với anh Ngân thì thôi, chứ nào dám nói với ba lúc này được, ba đang nằm ở phòng hồi sức cấp cứu mà... 

           Ở độ tuổi ngoài bốn mươi, Ngân mới vừa lấy bằng tiến sĩ vật lí, có lẽ anh đã bằng lòng với học vị của mình, giờ có thể lập gia đình cũng chưa muộn lắm. Mỗi lần nhìn con trai trong bộ trang phục giản dị chào mẹ bước ra khỏi nhà, là bà Nhân dặn nhớ là tranh thủ rước về cho mẹ một cô con dâu nghen! Ngân dạ, mẹ yên tâm tưởng là mười chứ một thì có sẵn rồi, ha ha... Ngân cúi đầu chào mẹ lần nữa, dắt xe ra khỏi nhà, không quên đưa tay đóng lại cánh cổng ngõ. Bà Nhân cứ tủm tỉm cười một mình khi nhìn hai anh em Ngân và Ngâu đều giống ba từ cái dáng đi cho tới sống mũi thẳng như khuôn đúc mà ra, chỉ tiếc đôi mắt con gái mà hơi xếch lên của Ngâu đặt đâu đúng chỗ, nhưng được cái là Ngâu biết trang điểm bằng cách cắt tỉa mái tóc trước vừa chấm đôi chân mày che bớt khuôn mặt dài cùng đôi mắt sắc nét, đã nhìn ai thì cứ như mũi tên đâm thẳng vào mặt người ta. Bà Nhân hay nhắc con gái đừng nhìn chằm chặp làm cho người đối diện khó chịu. Còn Ngâu thì dạ mà chứng nào tật nấy khó sửa lắm. 

           Nhớ hôm sinh nhật lần thứ 22, khi Ngâu vừa tốt nghiệp ra trường, lớp toán Ngâu chỉ có năm bạn nữ, là năm cánh hoa mai của lớp. Thế mà Ngâu chẳng để ý đến một ai, hay không ai để ý đến Ngâu mới lạ chứ. Ngâu tự xếp mình thuộc dạng xinh xắn dễ nhìn, nói đúng hơn là dễ thương lắm. Qua bốn năm ở trường đại học, Ngâu cũng thèm khi nhìn mấy nhỏ nữ cùng lớp đều có bạn trai, còn Ngâu thì... hôm nào bị ốm chỉ có anh Ngân hay ba đưa đón hai lượt đưa đi và về mà thôi. Những lúc ấy Ngâu rơm rớm nước mắt nhưng cố nuốt vào trong không một ai biết. Ngâu nhớ năm học lớp tám gần nhà, hôm đó trời mưa to như trút nước, mưa đầu mùa mà, khi tiếng trống tan trường vừa dứt, nhìn ra cửa sổ đã thấy ba đứng ở hành lang giơ tay vẫy. Ngâu mừng và cảm ơn ba chu đáo sợ Ngâu bị mắc mưa rồi sốt như những lần ba và mẹ không đón được.Về nhà, điện đã bật sáng, mẹ đã bày sẵn cơm canh ra bàn, chỉ chờ anh Ngân về là cả nhà cùng ăn. Giờ ba nằm ở đây có biết con gái ba đang nghĩ gì không?! Nhưng Ngâu đâu muốn ba biết, có nghĩa là Ngâu muốn giấu kín, Ngâu cũng yêu quý mẹ... Thường ngày Ngâu có thói quen mặc áo kín cổ và chỉ giải thích sợ bị gió máy khi có ai thắc mắc hỏi. Nhưng hôm đó, anh Ngân mua tặng Ngâu chiếc áo cổ chun vàng mặc trong ngày sinh nhật, Ngâu phải thắt vào chiếc khăn xanh cốm che kín bớt cái cổ rộng khoét sâu để lộ cả phần ngực trắng nõn Ngâu thấy ngượng vô cùng, thêm vào đó là cổ cao ba ngấn mà ai cũng bảo là sang nhất nhà... Bằng là trợ lí cho anh Ngân, nhỏ hơn anh Ngân đến năm tuổi cũng được anh Ngân mời về nhà dự sinh nhật em gái. Trời thì nóng thấy Ngâu ăn mặc hơi là lạ, Bằng cứ chăm chú nhìn vào chiếc khăn cổ của Ngâu cột ngược ở phía sau lại tủm tỉm cười, bởi nó giống những em bé đang thời kì mọc răng cứ chảy nước dãi, các bà mẹ nếu không mặc yếm cho con thì lấy cái khăn vuông gấp thành hình tam giác đặt trước ngực, rồi cột hai đầu chéo ở phía sau cổ. Ngâu thấy bực mình, không thể chịu được lại gần nói vừa đủ cho Bằng nghe: “Em nể anh là bạn của anh Ngân, chứ người khác em mời ra khỏi nhà từ lâu rồi”. Bằng đỏ mặt, ngượng ngùng: “Xin lỗi Ngâu, thấy em có chiếc yếm choàng cổ đẹp nên...”. Ngâu dằn từng tiếng: “Nên cái gì, em chẳng thích đôi mắt cú vọ của anh lúc này đâu!”. Anh Ngân ngồi bên ngạc nhiên nói đỡ: Cậu Bằng là gã nhà quê, lần đầu đi dự sinh nhật mà em. Bằng ngắm ở đâu cho mỏi mắt, ngắm mình không sướng hơn sao, rồi anh Ngân cười hì hì...

      Thế mà đã ba năm Ngâu quen và yêu Bằng lúc nào chẳng nhớ, chỉ nhớ là những ngày lên lớp, tối về thao thức nghĩ về Bằng, mấy tháng trời ốm nhom ốm nhách. Mẹ hốt cả mấy thang thuốc bắc sắc cho Ngâu uống, bồi bổ cho Ngâu để Ngâu có sức lên lớp giảng dạy nữa chứ. Bằng quý mến Ngâu ở tính trung thực, giản dị, kín đáo. Những buồn vui của hai người thường chia sẻ cho nhau, riêng chuyện này phải bí mật. Chỉ chờ anh Ngân về. Một đêm ở bệnh viện dài ra mãi, ba đang nằm thở ô-xy, máy đo điện tim hiện rõ đường gấp khúc lên xuống, tiếng nhịp tim của ba tích tích đều đặn như chiếc kim phút trên mặt đồng hồ không hề mệt mỏi... 

       Sáng hôm nay Ngâu không có tiết lên lớp, Ngâu túc trực bên gường bệnh của ba, bịch máu màu đỏ sậm treo trên cao có dán thông tin người cho, tuổi, nhóm máu rất cụ thể cứ từ từ theo đường truyền dẫn vào cơ thể, nhưng có thấm tháp gì khi ba của Ngâu còn nằm sát giường thân mình gầy guộc. Từ lúc nghỉ hưu đến giờ, ông nằm viện đến mấy lần rồi. Ngâu nén xúc động, nước mắt tròn hạt trêu ngươi ứa ra rơi xuống trên tay áo của mình. Ngâu đưa tay gạt nước mắt chỉ sợ ba thấy Ngâu khóc thì làm sao. Ngâu vừa đứng lên định bước ra hành lang, lúc đó các thầy cô cùng trường đến thăm ba, cô Tình thay mặt công đoàn trường gởi quà bồi dưỡng chúc ba sớm lành bệnh về nhà. Ông Thành mừng lắm, cảm ơn lớp trẻ luôn nhớ đến thầy. Từ khi về trường nhận lớp chủ nhiệm, Ngâu sinh hoạt trong tổ toán lại được cô Tình tổ trưởng tổ văn yêu quý. Cô Tình luôn là giáo viên chủ nhiệm giỏi của trường, cô thường bật mí cho đồng nghiệp một điều đơn giản hễ mình thương học trò thì học trò thương mình, mà thương luôn tôn trọng, mỗi khi họp tổ chủ nhiệm.

   


     Nhớ hôm đầu tháng tám năm ngoái, sau đợt học chuyên môn thay sách giáo khoa, cô Tình mời Ngâu, Loan và Mai đến nhà chơi. Dọc đường bê-tông nắng rát da thổi vào mặt hừng hực, gần sáu cây số đường nông thôn, hai bên gò đất, nhà cửa thưa thớt. Đi một đoạn nữa chừng gần cây số rẽ phải vào con đường đất, căn nhà lợp tôn nằm trong khuôn viên vườn cây ăn trái dưới chân tháp kia là nhà cô Tình. Vào nhà, Ngâu ngạc nhiên nhìn chiếc bánh kem sinh nhật Ngọc Trâm ngày 05.7 ÂL. Cô Tình thắp hai mươi bốn cây nến và chia cho Ngâu, Loan, Mai mỗi người thổi dùm cho cô tám cây nến. Cô Tình bồi hồi xúc động lục tìm kí ức về mùa Noel năm học thứ hai của trường đại học sư phạm, đêm hôm ấy khuya lắm, trời lạnh lắm, cô Tình không về nội trú mà ở lại nhà trọ của Diễn. Diễn học năm cuối khoa toán, khuôn mặt điển trai dáng thư sinh đã lọt vào bao đôi mắt nai như cô từ lúc mới vào trường. Diễn là mối tình đầu của Tình. Những cảm xúc ái ân ban đầu mới mẻ hấp dẫn cứ làm cho Tình khao khát thèm thuồng không thể nào chịu được. Xa Diễn là nhớ, gần Diễn là hiến dâng. Lịch nghỉ tết một tuần, về nhà mỗi khi xuống bếp, Tình bắt mùi tôm cá là buồn nôn, lo sợ né tránh ba mẹ. Trở lại trường nhưng Tình không đủ can đảm xóa kỉ vật tình yêu. Cô bắt đầu nịt bụng, bất kể nắng hạ ở miền Trung như thiêu như đốt, Tình cũng không rời chiếc áo khoác của mình. Lớp trưởng, bí thư chi đoàn lúc đầu góp ý kiểm điểm, thấy Tình khóc nhiều, gầy gò xanh xao, nên tất cả cũng thông cảm cho hoàn cảnh một yêu gánh nặng chữ tình. Chị Nghĩa lo cho Tình gần ngày vượt cạn, báo cho gia đình biết để an ủi cũng như sắp xếp chuyện học hành của Tình chứ không thì bị đuổi học. Nằm trên bàn sinh, nước mắt cô cứ chảy dài, các y bác sĩ lại trêu sắp làm mẹ mà còn khóc, xấu nè!... Tình tủi thân cắn răng lại, nước mắt cứ ứa ra, rồi cơn đau bụng quặn lên, Tình cố sức lấy hơi rặn một mạch, các cô đỡ cùng ồ một tiếng: Ô, con gái, dễ thương lắm nè!... Tiếng oa oa...oa... ấm áp cất lên vang cả phòng lan ra đến bên ngoài hành lang rồi tan dần trong không gian yên tĩnh của một đêm tháng bảy đầy sao trời. Tình chỉ biết là con gái, sau đó Tình thiếp đi, đến giờ chưa một lần thấy mặt con mình!... Ngâu, Loan, Mai nghẹn đắng mới hiểu vì sao cô Tình mừng sinh nhật con gái mình là ngày âm lịch. Cả ba bạn đều muốn nhận mình là con gái cô Tình, nhưng lúc này nếu có nói ra e sợ làm cô Tình buồn thêm. Loan và Mai cùng tổ văn với cô hỏi việc phân công chuyên môn trong năm học mới như thế nào. Còn Ngâu cầm con dao cắt bánh kem ra nhiều phần, mời cô Tình dùng trước. Ngâu cầm miếng bánh kem đưa lên miệng vừa ăn vừa ngắm kĩ khuôn mặt cô Tình. Ở độ tuổi bốn mươi lăm, cô Tình vẫn còn nét đẹp duyên dáng và quyến rũ lắm, cô đâu chỉ vấp chuyện tình yêu ban đầu thôi mà cả lần thứ hai cũng vậy. Nghe nói thằng con trai mười lăm tuổi của cô cũng là con của chàng Diễn kia, quả tình cũ không rủ cũng đến. Cô vẫn một mình nuôi con. Ngâu không thể nghĩ ra ba mẹ nào đã sinh ra “ông bố” của Ngọc Trâm và Ngọc Phát. Chuyện ngoài đời giống như trong tiểu thuyết vậy. Hay là duyên số trời định cho mỗi người phải tự gánh lấy, đâu ai giống ai? Phải chăng tính nhẹ dạ cả tin chỉ vì chữ yêu, “đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”?!... Mà yêu có gì là tội lỗi, tình yêu làm cho con người gần gũi cùng chia ngọt sẻ bùi với nhau trong cuộc sống, chỉ những kẻ lợi dụng tình yêu của người khác để thỏa mãn bản năng mới là đáng tội, đáng khinh. Cô Tình đã hơn hai mươi năm lên lớp, tay nghề vững vàng, mà luôn vấp ngã trên tình trường đến thế ư! Mới hay, trường đời không khuôn dấu đỏ, nhiều lớp nhiều thầy, lại không tốn học phí, hết sức tự do mà con người cũng bị tù hãm với chính mình, cứ tái bản chẳng cần giấy phép những va vấp quẩn quanh, cho dù ngày mệt mỏi tất bật với công việc cơm áo gạo tiền, còn đêm đếm từng tiếng gà sang canh thôi thúc...

         


Nằm viện gần một tuần, ông Thành đã tự ngồi dậy, ăn từng thìa cháo, nói chuyện với các con. Trời không còn mưa như lúc ông mới được đưa đi cấp cứu vào bệnh viện, tin áp thấp nhiệt đới cuối cùng gần bờ cũng đã kết thúc. Ông Thành nhìn ra ngoài yêu sao màu xanh lá liễu dù có rủ xuống bao nhiêu, nhưng từng ngày từng giờ rễ bám sâu trong lòng đất để cho lá thêm xanh, sắc hoa thêm đỏ. Con người cũng vượt qua chính mình cũng phải từ đôi bàn chân mạnh mẽ đứng lên trên quả đất này. Có phải vì thế mà ở bệnh viện người ta hay trồng cây liễu? Được tiếp máu từ người con trai khỏe mạnh của mình, ông Thành như có thêm sức lực, muốn con gái đưa ông đi dạo ngoài công viên bệnh viện. Nhưng Ngâu bảo ba còn yếu lắm. Đúng giờ bác sĩ khám bệnh và tiêm thuốc, hai anh em Ngân và Ngâu ra ngoài. Sáng hôm nay chủ nhật, màu trời tươi xanh, dáng liễu mơ màng cành lá đu đưa trong nắng. Đất trời sinh ra thân liễu dù lá non tơ nhưng muôn đời cứ rủ xuống kiếm tìm để biết ơn điểm tựa, nguồn cội màu mỡ nuôi cây lớn lên, tất cả dựa vào đất để sống mà. Rồi nếu có thác đi cũng được đất ấp iu che chở. Hai anh em chọn chiếc ghế đá quen thuộc dưới bóng liễu xanh kia, anh Ngân ngồi cạnh em gái mình, đôi mắt xa xăm nghĩ ngợi dò xét:
            - Em muốn biết?
            - Dạ, em muốn biết!
            - Thực ra...chưa có dịp cho em biết, lúc này... À, lúc đó anh mười lăm tuổi. ...
         Sáng thứ hai, thầy Thành đi tập huấn ở Sở giáo dục, cô Nhân họp hội đồng sư phạm đầu năm ở trường, nghỉ hai tháng hè có biết bao nhiêu chuyện để kể với nhau. Ngoài thời trang áo quần, giày dép mũ nón của các cô, sách vở chuẩn bị năm học mới cho con, cả những chuyện bếp núc ở nhà, karaoke của mấy ông, phong phú hơn là những chuyến du lịch dài ngày ở Đà Lạt, Nha Trang,... Rồi xoay sang đề tài tình yêu thời sinh viên thuở nào hấp dẫn, rất nóng chuyện đứa em cô Nghĩa sinh cháu gái 2.5k, bé lắm nhỏ lắm, ông ngoại quyết định cho một người hàng xóm cùng quê nuôi cháu gái của mình. Nhưng gia đình bà ấy bảo chờ mười ngày nữa mới đưa cháu về vì sợ không hạp tuổi. Cô Nhân cũng thích có đứa con gái lớn lên cho vui cửa vui nhà, vội vàng đến thẳng bệnh viện làm thủ tục xin bế cháu về nuôi. Trưa hôm ấy, Ngân đi học về, ngạc nhiên:
       - Ủa, em bé của ai vậy mẹ?!
       - Người ta cho, mẹ xin về nuôi, con thích không?!
      Ngân nhìn em bé:
      - Trời đất, nó có chút xíu hả mẹ!
      - Hồi sinh con được 2.9k, chỉ nhỉnh hơn một chút thôi mà!
      - Mẹ ơi, cái miệng nó cũng nhỏ xíu nữa!
      - Con cho em dùng sữa trong chai mẹ đã pha sẵn rồi đó!

 
       Vừa cầm chai sữa cho em bé uống, Ngân hỏi mẹ người ta cho không hả mẹ. Mẹ gởi tiền mà ông bà ngoại con bé nhất quyết không nhận, cho đứa cháu người khác nuôi cũng đứt ruột đứt gan, nhưng ông bà quan niệm con gái mà có con trước là khó lấy chồng, rồi đưa cho mẹ cả giấy chứng sinh nữa đây. Mẹ Ngân mở ví lấy ra mảnh giấy có đóng khuôn dấu đỏ của bệnh viện, Ngân đọc xong đưa lại cho mẹ. Ông bà nội ngoại của Ngân, cùng họ hàng, làng xóm nghe tin đến trầm trồ mừng cho mẹ Ngân có được đứa con gái. Rồi người nói ra nói vào bảo nuôi con nuôi khổ lắm, mai mốt mẹ nó đến nhận thì sao. Mẹ Ngân hiền hòa bảo cứ cho mẹ con nhận nhau, nó thích ở với ai cũng được, mẹ đẻ cũng như mẹ nuôi mà!...                                                                                                                                  Nhưng đến ngày thứ ba,

tức là con bé đã được sáu ngày tuổi, mẹ Ngân đã bắt đầu thấy mỏi mệt, bởi bà Nhân đã vào tuổi bốn mươi. Ba Ngân cũng chưa có ý định giữ lại đứa bé để nuôi vì thấy mẹ Ngân hai mắt đã trõm sâu, gương mặt hốc hác, với ý muốn gởi lại cho ông bà ngoại đứa bé. Ngân nói con bé có tội gì đâu, người ta sinh ra đem cho mình mà. Nhưng con bé rất dễ chịu cho ăn sữa no là ngủ ngay, không đòi bế đòi bồng, không khóc đêm nữa. Đúng một tuần, ba đồng ý cho má Ngân làm đơn xin nghỉ hộ sản theo chế độ, ở nhà chăm con. Mừng đầy tháng, mẹ cho Ngân được đặt tên em. Em bé sinh vào ngày đầu thu, tháng bảy có mưa ngâu, đặt cho em là Ngâu. Mà em bé nhỏ lắm, lấy thêm chữ lót Hoa, Trần Thị Hoa Ngâu. Mà chữ Ngâu đảo ngược từ chữ n của Ngân đó mà!...
           Năm ấy anh Ngân vào học lớp mười.
           Ngân nâng cánh tay trái của em gái mình, trời không mưa mà da tay của Ngâu thấm ướt vài chỗ. Anh Ngân đưa bàn tay mình gạt hạt nước vừa lăn ra từ khóe mắt Ngâu còn nóng hổi. Rồi bàn tay ấy, Ngân xoa vào vết kim tiêm bên trong khuỷu tay Ngâu đã ba ngày còn sậm đen :
         - Ngâu đừng buồn, máu của em sẽ được truyền cho người khác. Em cũng cứu sống được một con người! Sở dĩ cả ba mẹ có cùng nhóm máu, nên ba mới tiếp nhận được máu anh đó mà.
         - ...
         - Lẽ ra, em phải vui chứ! - Dạ, em... cảm ơn anh Ngân. Cảm ơn ba mẹ... đã nuôi dưỡng em. Và em được có anh, được ngồi đây với anh.
          “Anh sẽ là dòng sông để em là biển rộng, anh sẽ là gió lộng để em là mây bay, anh sẽ là nắng mai để em là hoa đỏ,...” tiếng nhạc quen thuộc gắn bó thường trỗi lên trong sáng chủ nhật cho Ngâu yêu lắm, và Ngâu biết bây giờ là đúng tám giờ rồi. Anh Ngân nói rất thích nhạc êm dịu như thế này, Bằng gọi hả em? Dạ, anh Bằng gọi. Em nghe đây!...
            15.10.2011/ Nguyễn Thị Phụng.

---
*Trích Tập truyện ngắn Nơi tình yêu giữ lại(NXB HNV- 2018 của Nguyễn Thị Phụng. )