Thứ Hai, 12 tháng 7, 2021

VẠN LỘC- NGƯỜI ĐÀN BÀ VIẾT THƠ TÌNH của NGUYỄN THỊ PHỤNG

 VẠN LỘC-  NGƯỜI ĐÀN BÀ VIẾT THƠ TÌNH


           Có thể tôi loay hoay khi chọn tựa đề viết về chị- Nhà thơ Vạn Lộc quê Quảng Nam, vùng đất của Bùi Giáng trước đây, của H. Man bây giờ. Xứ sở của “...chưa mưa đã thấm, của rượu hồng đào chưa ngấm đã say”. Cái say ấy ngấm vào thơ để lại cho đời biết bao nhiêu tác phẩm. Riêng chị Vạn Lộc đến nay có đến mười một tập, trong đó ba tập tái bản và rất nhiều giải thưởng được vinh danh. Nên thơ chị có mặt trên báo, tạp chí, tuyển tập, cũng như trên sóng phát thanh và truyền hình cũng là lẽ thường. Quả là cả đời chị yêu thơ đến dường nào. Thơ và đời là Chín chín nhịp*, là Lá thức*, là Gió miền lục bát*,...

        Lại nhớ được gặp chị của mười năm trước trong ngày ra mắt Hội thơ Lục bát Việt Nam tại Đà Nẵng, được chị ân cần đón tiếp niềm nở. Rồi trên đường từ trại sáng Đà Lạt trở về, lại gặp chị ở Quy Nhơn. Hẳn là cái duyên thơ. Giờ đây trong những ngày giãn cách xã hội, chị tiếp tục gửi tặng đâu chỉ thơ còn có cả hộp khẩu trang y tế thể như nhắc nhở chung tay chống dịch Covid-19. Và khi nhắc đến xã hội, chuyện đời thì biết chị- Nhà thơ Vạn Lộc nhiều lần trực tiếp sẻ chia những món quà từ thiện cho bà con gặp thiên tai bằng đồng tiền tích lũy cả đời mình. Ít nhiều san sẻ những âu lo cùng người dân lúc cơ nhỡ... Công việc từ thiện là chung cho những tấm lòng nhân từ và điều kiện sẵn có.

       Với cuộc đời đã đi vào thơ, hay thơ đi vào cuộc đời đã làm nên một Vạn Lộc, người con làng Đông Yên, Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam đến nay được 75 tuổi. Xin được chúc phúc chị hạnh phúc đã đong đầy từ gian lao khó nhọc, chịu thương chịu khó: “Bỏ áo nữ sinh mang áo chợ/ Tháng ngày mòn mỏi tuổi xuân tươi/ Những muốn cho chồng con hạnh phúc/ Gian lao cực khổ kể chi mình”(Chợ Cồn- Gió thổi từ Đông Yên*). Chính là đức hạnh của phụ nữ, hi sinh thầm lặng, chẳng ngại gian lao. Cũng như tất cả sự đóng góp mỗi thành viên trong gia đình sẽ là tổ ấm lâu dài bền vững nên mỗi bài là tiếng thơ tiếng lòng của chị-Người đàn bà viết thơ tình

       Tình yêu trong thơ Vạn Lộc bắt nguồn từ những bài lục bátChị có cả một tập Gió qua miền lục bát*. Nói đến thể lục bát, thì trong Nhịp điệu thơ ca- Lê Từ Hiển khẳng định: “Thể thơ truyền thống dân tộc được xem là sinh mệnh mang tiết điệu hồn sông nước Việt”***. Nó gần gũi với ca dao, ắt hẳn từ tuổi thơ nằm lòng trong những câu hát của mẹ: “Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”. Nhưng đời mẹ có dẫu đắng cay như bài ca dao xưa kia, thì lòng mẹ , tình bà với các cháu yêu như một Ban mai xanh**: “Mỗi trang đời đẹp trang thơ/ Yêu thương bà gửi giấc mơ lòng mình”. Riêng với các con, người mẹ sẻ chia với tấm lòng mình: “Mười bông hoa, mười niềm yêu/ Đã reo cánh sóng, vui triều nắng xuân/ Ban mai thơm gió trong ngần/ Thổi qua lòng mẹ, bâng khuâng quê nhà”(Ca dao mẹ)**. Đó là niềm vui người mẹ luôn kết nối và tỏa sáng:

      “Chiếc cầu nối biển nối sông
      Tình yêu nối những mênh mông chân trời
      Mùa đông vẫn chút nắng rơi
      Hình như nắng tự tim người nở hoa

                (Thương yêu tặng núm ruột của mẹ)**   

       Hình ảnh tự tim người nở hoa chính là tấm lòng đức độ, từ bi của người mẹ. Còn là sự trân trọng yêu kính người bạn đời đã trải qua sáu mươi năm sớm tối bên nhau, nhưng đâu thể níu kéo thời gian lại được, những hụt hẫng quá lớn, người phụ nữ- thi nhân, bên chồng đã bình tâm san sẻ: “Trăm năm đã gọi phai phôi/ Anh như mây xám bên trời đang bay/ Cầm tay anh, những ngón tay/ Guộc gầy năm tháng, đong đầy yêu thương”(Anh như áng mây bay lên trời)**.

       Và có thể nói vẹn nguyên tập thơ lục bát chính là tiếng lòng Vạn Lộc Một đời là mấy buồn vui** là những (Nội ơi, Cha, Vu Lan, Cánh cò và mẹ, Đóa từ tâm, Vô ưu kinh,...)**. Còn là sự thưởng ngoạn trên những điểm dừng chân(Hà Nội ơi, Nhớ Hà Tĩnh, Đà Nẵng ân tình,Tạ ơn quê,...)** Lục bát dễ đi vào lòng người, cũng là điệu tâm tình bộc bạch, kết nối trái tim đến với trái tim, đến với tình người và cảnh vật.

      Khác với Gió qua miền lục bát thì Lá thức là tập thơ thể Đường luật- thất ngôn bát cú đậm Gánh văn chương**. Bởi chịu sự chi phối văn chương bát học. Đâu chỉ dựa vào niêm luật gò bó từ số câu, gieo vần, đối thanh mà cái cốt lõi là thấm đẫm cái tình sâu lắng cô đọng. Trong tám mươi bài thơ Đường luật đã được tác giả phân theo đề mục của từng chủ đề. Bạn đọc sẽ dễ dàng nhận ra từng Mảnh tâm tư, chẳng hạn từ một Tiếng đàn**:

   “Thực tại bỗng dưng hóa ảo mờ
     Tay ngà nhè nhẹ chạm dây tơ
     Ngờ đâu cảm hứng tràn cung bậc
     Mới biết âm thanh ngập bến bờ
     Nâng khúc cầm xưa nâng điệu lý
     Ru tình duyên cũ động cơn mơ
     Ô hay! Tất cả là sương khói
     Hạt bụi bên đường cũng ngẩn ngơ

     Hay Hồn thiêng sông núi , Nhà thơ đã ưu ái vẽ nên bức tranh đẹp quê mình qua bài: Ngũ Hành Sơn**:

      “Ngắm Ngũ Hành Sơn đẹp sững sờ
       Thì ra tạo hóa cũng làm thơ
       Biển ôm triền sóng giao lời ước
       Núi kéo chân mây ngỏ ý chờ
       Non nước tinh hoa vàng với ngọc
       Sắc màu huyền diệu thực và mơ
       Thẹn thùng nhũ thạch khô nguồn sữa
       Mới biết người xưa khéo ỡm ờ

      Trong tầng nghĩa Lá thức là ẩn dụ cho sức mạnh tinh thần, niềm tin yêu được chắc lọc từ trái tim thân thiện. Điểm dừng chân trên từng mọi nẻo đường quê hương đều được đi vào trong thơ Vạn Lộc, mà hầu hết tác giả đã khai thác đến tận cùng cháy bỏng đam mê, khi dừng lại bài thứ tám mươi cuối cùng trong tập mà tôi tâm đắc nhất ở hai câu luận: “Em vẫn say tình ngùn ngụt lửa/ Anh còn giỡn nắng hững hờ bông”(Có một mùa thơ)**. Dấn thân vào thơ Đường luật phải là người uyên bác lựa chọn ngôn từ sáng đẹp mà tinh túy. Và chắc chắn rằng Lá thức đã là tài sản về thể loại thơ tồn tại đến bây giờ rất hiếm hoi.

      Để trọn vẹn về Người đàn bà viết thơ tình, thì Chín chín nhịp đã là độ nén trong toàn tập về thể thơ bốn câu

Nếu trước đây thơ bốn câu được quy định theo thể Đường luật, ngoài thất ngôn bát cú, thì còn có ngũ ngôn tứ tuyệt hay thất ngôn tứ tuyệt. Cho đến giờ lại được mở rộng thể tứ tuyệt không hạn định số từ trong câu. Từ độ nén theo lời ngắn tình dài tùy theo mạch cảm xúc giải bày. Thơ đã ngắn mà tựa đề bài thơ còn kiệm lời hơn, bởi Vạn Lộc chỉ dành một từ (từ một tiếng, từ hai tiếng) khá nhiều trong Chín chín nhịp , chẳng hạn như bài Soi**:

        Trước gương mình lại gặp mình
         Thẳm sâu đôi mắt lặng nhìn mình thôi
         Nếu mai gương vỡ mất rồi
         Thì xin nhắm mắt mà soi lòng mình

        Từ trong cách ngắm nhìn qua gương chỉ hiện khuôn mặt người. Nếu chỉ ngắm mình qua đôi mắt thì vẻ đẹp thể chất khó tồn tại theo thời gian. Cái chính là vẻ đẹp tâm hồn lắng lại câu kết: Thì xin nhắm mắt mà soi lòng mình. Tình yêu thơ với chị lan tỏa, là nguồn vui vượt lên tất cả trong tứ thơ lục bát Ơn đời ** một cách trân trọng:

       Còn bao nhiêu nắng trong hồn
         Em đem sưởi ấm cô đơn tháng ngày
         Ơn đời còn lại phút giây
         Vịn thơ vượt những đọa đày nhân gian

       Với Vạn Lộc, thơ là đời sống tinh thần cứu rỗi tâm hồn trong những lúc cô đơn nhất. Dẫu trên bước đường đời thăng trầm thì thơ là ngọn nguồn cho chị sẻ chia: “Phận đàn bà, phận bể dâu/ Câu thơ cay đắng nhĩ nhàu đau thương/ Mỗi bài thơ, mỗi đoạn trường/ Mà tim vẫn mãi ngát hương cuộc tình”(Người đàn bà làm thơ tình)**. Chỉ qua những tập thơ mới hiểu thêm đời chị. Lắm gian nan, lắm thử thách. Để rồi chị tìm về chốn tịnh thiền nơi của Phật, gửi vào nơi đây lời cầu nguyện chân tình, cho thế hệ cháu con mình an sinh phát triển: “Từ nay cởi áo xa hoa/ Tắm sông Bát Nhã, trọ nhà Hương Lam/ Buông danh vọng , xả sân tham/ Từ bi nép bóng, địa đàng dấn thân”(Nép bóng)**, còn là nhắc nhở, hãy vì cuộc sống tươi đẹp yêu thương vun đắp.

        Cho lời kết viết về Vạn Lộc- Người đàn bà làm thơ tình là tự kí gửi đời mình vào con chữ thấm đẫm muôn nỗi đắng cay:

       Vẽ tim mình vệt sóng xô
        Vẽ thương đau buổi sông hồ ly tan
        Một đời nhặt đá, tìm vàng
        Xuân xanh đổi lấy trái ngang đời người
”./.

                      12.07.2021 / Nguyễn Thị Phụng.

__________________

*Tên các tập thơ của Vạn Lộc.
**Tên các bài thơ
***Trích  Sinh thể văn học- Những nẻo đường tiếp nhận(NXB. KHXH 2020)

Thứ Năm, 8 tháng 7, 2021

VỀ VỚI DÒNG SÔNG của Nguyễn Thị Phụng

 

VỀ VỚI DÒNG SÔNG

(Đọc Trường ca Sông thiêng trên facebook của Nam Thi)

       Con đường đến với mảnh đất văn chương ở mỗi người có sự khác nhau. Nam Thi- Nhà báo: Sau nghỉ hưu hơn mười năm, trong ba năm lại đây đã xuất bản hai tập truyện ngắn, ba tập thơ. Văn tài của anh có được xem là số lượng tác phẩm đã in chưa. Để rồi tiếp tục Nghe lời xúi giục của mấy bạn giamahazui, hôm qua tôi cao hứng khởi sự viết bài trường ca Sông thiêng nói về dòng Côn chảy qua Tây Sơn quê tôi. Viết xong đoạn mở đầu của chương đầu “Nguồn xa”, tôi nhận ra cuộc chơi này lớn quá, đòi hỏi bỏ nhiều công sức và nhất là phải dài hơi,...”(Tản mạn 18.06.2021: Lời thưa cùng bạn bè) Và sự tiềm ẩn động cơ cho Trường ca Sông thiêng của anh ra đời trong thời gian quá ngắn kể từ lúc đăng trên facebook “Tản mạn 17-6-2021:... Nợ một dòng sông thiêng như sông Côn bao giờ mới trả hết. Tôi nay đã già, tài mọn sức yếu không dám nghĩ đến món nợ tinh thần to tác, thiêng liêng đó dù từ lâu vẫn đau đáu nghĩa tình với dòng sông quê hương...” Và Nam Thi đã vượt qua mười hai ngày (từ 17 đến 29 tháng 6 năm 2021) trả xong “món nợ tinh thần to tác” là kết thúc bốn chương cho một cuộc thử sức về dòng chảy Trường ca. Sự lựa chọn chủ đề Sông thiêng vừa gần gũi thân quen lại vừa khái quát về địa văn hóa nơi dòng Sông Côn chảy qua làng. Hẳn là cái tình đã từng “ăn con cá nhỏ, tắm con sông già”(thơ Nam Thi) đối với quê nhà Tây Sơn, hay là những ngày giãn cách xa hội vì Covid- 19.

      Trường ca là thể loại kết hợp tự sự và trữ tình. Cái đa dạng tự sự vốn có trong lịch sử, văn minh loài người thanh lọc qua thời gian còn tồn tại, ghi nhận đâu đấy trong dân gian, sách vở và chịu sự chi phối trong xã hội và tự nhiên kết thành trầm tích văn hóa. Dựa vào những điều đã có, đã trải qua, người viết trường ca thường theo mạch chảy khởi đầu đến kết thúc. Sức hấp dẫn bạn đọc về thể loại trường ca không hẳn là kết hợp tả và kể, quan niệm về nhân sinh, mà yếu tố chính vẫn là cảm hứng trữ tình của người sáng tác. Sông thiêng là đứa con tinh thần của Nam Thi bước đầu cuộc thử nghiệm vươn đến cái đẹp của thể trường ca viết về lịch sử, văn hóa trầm tích vùng đất Tây Sơn, trong mối quan hệ sông Côn hàng trăm năm trước lưu lại đến bây giờ.

       Với Trường ca Sông thiêng, khởi đầu Chương một: Nguồn xa sự hội tụ sông núi mây trời rất tự nhiên rất bền vững. Người nơi đây vươn mình lớn lên sự sống được khai sinh, duy trì tiếp nối:

“... Dòng sông chảy dài

Người đi dậy đất

Cõi hồng hoang nở hoa, kết trái địa đàng

Gà gáy đôi bờ gọi xóm làng thức giấc

Tiếng chày giã gạo vang động ánh trăng

Tiếng ru hời đong đưa nhịp võng

Trẻ em uống nước dòng sông

Lớn lên thành Biện Nhạc, Hồ Thơm, chàng Lía...

Nên sông là sông cổ tích - sông Thiêng...”

        Nguồn xa còn là điểm đến và đi theo mùa hợp và tan, dấu ấn của sum vầy và chia li. Đó là nguyên nhân từ ý thức của tộc người cho sự đấu tranh sinh tồn nảy mầm anh hùng ca sử thi: “Có ai biết sông chắt chiu mang từng hạt phù sa cao nguyên xuống núi/ Những hạt phù sa đất đỏ/ Thấm đẫm sử thi Ba na/ Của người anh hùng Đăm Noi/ Có ai uống nước còn nhớ nguồn /Có ai tắm nước sông Say để thành Đăm Noi /vụt lớn lên /cứu nhân độ thế/...”. Đất nước sản sinh nuôi dưỡng, bảo bọc con người. Con người cũng từ đó bảo vệ đất nước, cội nguồn đồng bào: người kinh và Ba Na xúm xít bên nhau bảo vệ giá trị thiêng liêng sự sống.

      
      Nếu ở chương một, Nam Thi đã dành 110 câu cho nguồn xa trong bốn tiểu đoạn nhỏ. Sang chương hai: Hợp lưu với sáu đề mục: Sông đôi, Ký ức dòng sông, Núi và sông, Hạc nội mây ngàn, Lời kết, Hoa của nắng. Tất cả có 173 câu là sự thống nhất dòng chảy, hay tên sông gắn liền với đời sống vùng miền, sông núi. Từ Sông đôi đến Ký ức dòng sông hay vẻ đẹp của người anh hùng Nguyễn Huệ đất Tây Sơn đầy tự hào, trong quan niệm về lịch sử được thể hiện bằng những câu phát vấn tâm tình như chương một, để bạn đọc tìm ra câu trả lời chính mình, còn là nhắn nhủ ngợi ca : “Ta muốn hỏi trống đồng Ngọc Lũ/ Duyên nợ nào lưu lạc đất phương Nam/.../ Ta muốn hỏi tảng đá giữa dòng/ Nơi nào Nguyễn Nhạc đã dừng chân/.../ Nơi nào Nguyễn Huệ dưới trăng múa bài quyền Ngọc trản/ "Ngọc trản ngân đài/Tả hữu tấn khai.."/ Nuôi chí lớn tung hoành ngang dọc”(Sông đôi)*. Bên những địa danh cho đôi bờ sông núi khắc ghi: “Mai Xuân Thưởng vì hiếu thà chịu bêu đầu, /không đầu hàng giặc/ Chàng Lía trúng mỹ nhân kế thất thủ ở Truông Mây/ Đều là những người con của  Phú Lạc/ Đồng hương của Quang Trung hoàng đế/ Một làng nhỏ trên bờ Bắc sông Côn”(Lời kết). Chẳng hạn Nam Thi có cách lí giải thật dễ thương cho một minh chứng khởi đầu và kết thúc:

Chỉ còn bằng lăng trâng mình dưới nắng

Hoa của mặt trời

Sinh ra từ nắng

Nắng cháy lên màu rực tím

Từ thuở dòng sông ấu thơ chập chững mở đường ra biển.

Bằng lăng theo dòng nước xa ngàn

Nên bằng lăng là nhân chứng

Của lớp lớp phù sa qua triệu năm dòng sông bồi đắp

Và kể cho ta nghe những câu chuyện đời sông

                                            (10: Hoa của nắng)

         Riêng chương ba: Lớp lớp phù sa với chín đề mục nhỏ tổng 255 câu. Có lẽ phần này chính là cốt lõi cho sự phát triển phồn thịnh và thơ mộng nhất của Sông thiêng.

       Từ mục 11: Những mảnh đá ghè đẽo- tiếp kể theo mạch cảm xúc về sự hợp lưu và phân dòng sông Ba và sông Côn,... về tình yêu và khí tiết của tộc người anh em bên nhau đều có nét tương đồng cùng người kinh. Cũng như các mục tiếp 12: Vang vọng tiếng trống đồng Vĩnh Thạnh; 13: Apsara giờ ở nơi đâu; 14: Trơ gan cùng tuế nguyệt...; 15: Chuyện vợ chồng voi đá; 16: Lời kẻ hậu bối; 17: Tuy Viễn- Đất võ Trời văn; 18: Đất lành chim đậu. Và có thể nói rằng Lớp lớp phù sa ở chương ba này chính là hồn của Sông thiêng được khai thác đến tận ngọn nguồn. Lời kẻ hậu bối đặt ra: “Ta muốn hỏi voi đá Vijaya.../ Ta muốn hỏi những mảng rêu xanh.../ Ta muốn hỏi lầu Bát giác.../” Đầy cảm xúc chứa chan ân tình, mạch thơ hào sảng mà trăn trở cho âm vọng một thời đã qua: “Trải mấy trăm năm/ Tuy Viễn là địa đầu / Nơi nghỉ chân của cuộc hành trình nam tiến/ Nơi tụ hội của giang hồ tứ chiếng/ Lúc lâm thảo khấu và hiền tài/ Nên trở thành đất võ trời văn”(Tuy Viễn- Đất võ Trời văn) của nguyên nhân và kết thúc, của kế thừa và tồn tại. Đó là sự thật không thể chối bỏ của Sông thiêng ngàn năm vang vọng đến giờ:

Sông không chỉ chở nặng phù sa

Mà còn hòa tan cả máu

Sông không chỉ hát ca

Mà âm vang tiếng khóc

Đời sông như đời người

Lớp lớp phù sa là những địa tầng ký ức

Sông không thuộc phe nào

Sông chỉ làm nhân chứng

        Trong lời khẳng định: “Sông không thuộc phe nào/Sông chỉ làm nhân chứng” để rồi còn đường thoát thai là tuôn ra biển. Sự thật đã hòa tan, chỉ còn lại dòng chảy muôn đời là từ văn hóa trầm tích tiếp nối. Đó là sự vĩnh hằng tự nhiên hội tụ hợp tan và tan hợp là tất yếu quy luật đời sông và đời người. Để rồi những con người được khắc ghi như một Đào Duy Từ, một Mai Xuân Thưởng, Trương Văn Hiến,... đã thuộc về lịch sử. Còn những tên sông, tên làng của vùng đất rộng được mở ra “chiêu hiền đãi sĩ” những vùng miền được nhắc nhớ lưu giữ đến bây giờ trong mục 18: Đất lành chim đậu là vô cùng phong phú.

        Đến Chương IV: Đời sông, đời người.  Chỉ 58 câu, với mục 19: Sông quê, giờ chỉ còn trong kí ức về “Thuở sông chưa có cầu, dọc bờ nhiều bến đợi/ Chiếc sõng nan nối đôi bờ / Người yêu nhau ra bến sông ngồi chờ/ Con tíu tít đón mẹ về sau buổi chợ phiên/.../ Dọc dài bờ tre mùa gió nồm mát rợi/ Ghe mắm Gò Bồi ngược dòng lên Tây Sơn.../ Người đầu sông hẹn người dưới giã/ Gắng chờ buồm mùa gió thuận năm sau”. Dập dìu và nhớ thương.

       Và cuối cùng mục 20: Tắm mát sông thiêng(thay lời kết): cứ tha thiết khẩn cầu trong sự lặp lại: “Về đi người ơi...về đi/ Sông quê luôn đợi người về tắm mát/.../ Về đi người ơi/ Nước sông thiêng không cải lão hoàn đồng/...”. Có thể hãy đồng hành cùng anh bằng đôi chân, hay miên man kí ức trên những nẻo đường quê tìm chút bóng tre dọc bờ sông Côn, nơi chiều về cánh cò còn chao nghiêng tìm tổ. Hay cũng có thể đồng hành cùng anh sẻ chia chút vui buồn thoáng qua như giấc mộng một đời người, mà đời sông là chứng nhân vĩnh cửu:

             “Đời đổi thay bãi bể nương dâu

             Nhưng sông thiêng vẫn chảy

             Đời sông dài

             Đời người ngắn lắm người ơi

             Sông theo ta góc biển chân trời

             Ta gửi hồn ta cho sông đời đời lưu giữ”.

         Trường ca Sông thiêng có 596 câu là điều bất ngờ ngoài dự định đặt ra của tác giả khi chốt lại phần kết trong ngày thứ 12. Bởi lẽ không nhẫn nha hay tham vọng, khi định hướng chủ đề, theo phạm vi giới hạn các chương đã vạch ra, chỉn chu cho mỗi tứ trong phần đề mục trường ca. Trở lại ban đầu cuộc chơi “giamahazui” đã về đích ngoài thời gian dự định cho sáu tháng. Nguyên nhân không là tuổi tác, cái chính là tích lũy kiến văn, của thực tế đời sống đã làm nên một Nam Thi với trường ca Sông thiêng ra đời. Những yếu tố lịch sử, văn hóa và con người trong trường ca là cái nền cho Sông thiêng của anh thăng hoa trong sáng tạo. Không kì vọng, có thể Sông thiêng của Nam Thi góp thêm vào vườn văn Bình Định về thể loại trường ca sau tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác viết về dòng sông quê hương./.

08.07.2021 / Nguyễn Thị Phụng