Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2018

TÔI CÒN MẮC NỢ NGƯỜI THÂN BẠN BÈ

TÔI CÒN MẮC NỢ
NGƯỜI THÂN BẠN BÈ
(Trích Hương thảo thất, NXB HNV- 2018)



Nào phải mộng mơ nhưng lúc này thèm sự yên tĩnh cho mình, mà ngoài kia trời cứ rây hạt thấm ướt mặt lá và cả những chùm quả bằng lăng đang từng ngày nuôi dưỡng mầm hạt cho đến mùa sau sẽ bung ra. Rồi như thể không chịu được nữa, mưa lại nặng dần trượt nhanh rơi xuống thảm cỏ non xanh, len lách qua những kẻ lá nhỏ lắm rồi cũng an bài trong lòng đất ngàn năm chịu đựng. Ngoài khung cửa kính, đôi cánh chim trời nào vội vã nặng nhọc cố bay qua làn mưa. Có lạnh lắm không, phải về tổ cùng gia đình chứ gì, hay là miếng mồi còn đang ngậm trong cái mỏ xinh xắn kia, hạnh phúc biết bao lúc mớm mồi cho con. Xa hơn nữa, cây hoa sữa sừng sững vô tư tỏa hương xanh ngát cứ chùng chình trong vòm trời mờ đục nước mưa như vẫn thèm nhớ dáng ai ngồi dưới gốc giữa trưa hè hôm ấy!...
Khẽ nhắm mắt lại lần nữa để thưởng thức sự yên tĩnh đang lan tỏa trong mình, không lẽ nào tiếng giọt thuốc trong veo từ bình dịch treo trên cao bên trái cánh tay tôi dội lại, điều kì diệu nào từ đôi tay của những chiếc áo blu trắng không thể chần chừ, nới dãn bánh xe nhựa cho đường dẫn thuốc kịp thời vào mạch máu. Giọt tiếp giọt làm nên tổng dung lượng lớn bù lại sự thiếu hụt mất mác quá nhiều suy nhược trong cơ thể tôi. Rồi còn những mũi tiêm vào cơ bắp chân, hay là từ những đôi mắt nhân từ cùng với lời động viên: chút nữa sẽ khỏi ngay mà!...    Nhưng có lẽ tôi nghe rõ hơn chính nhịp đập những trái tim yêu thương kia hòa vào tất cả….

Cũng không có gì lạ mọi nhức mỏi trong cơ thể tôi ê ẩm quay cuồng từ lúc chiều là thế, giờ dần dần tan biến ra mọi ngõ ngách xa kia. Tôi có thể co dũi được chân trái, rồi đến chân phải vài lần. Tay phải thì không thể được vì đang kết nối với bình dịch nhân từ treo trên cao, còn tay trái đưa lên và xòe cả bàn rồi nắm lại. Mỗi động tác tôi gắng làm được đến mười lần thấy trong người bắt đầu khỏe ra… Và tôi có thể nghiêng người qua bên trái, bên phải… Rồi ngồi dậy, bỏ hai chân xuống giường, đứng lên và từng bước bước đi…
Ở phòng hồi sức cấp cứu được ba ngày, sau đó chuyển đến khoa nội để điều trị. Mọi sinh hoạt cá nhân đều ổn. Nhìn dáng chị tôi lầm lũi mang cơm đến đúng giờ ăn trưa, ăn chiều mà làm sao tôi chịu nổi khi chị lấy chiếc mũ bảo hiểm xuống, màu tóc đã ngả bạc ướt nhẹp mồ hôi, còn đôi tay gầy gò nổi rõ những đường gân xanh khi mở cà mèng ra. Nào phải chỉ có lần này đâu, hễ mỗi khi tôi nằm viện chị đều có mặt. Hình như chị được sinh ra để chăm sóc tôi, chăm sóc hết những người thân trong gia đình. Cả đời tôi mang nặng tình yêu thương chị dành cho mình. Không biết đến lượt chị ốm đau tôi có thể làm được những gì cho chị đây!... Mong cho chị suốt đời khỏe mạnh! Ở khoa điều trị, cũng như những bệnh nhân khác được kiểm tra huyết áp, đo nhiệt độ thường ngày và dùng thuốc theo chỉ dẫn của y bác sĩ.

Một tuần qua mau khi mỗi sáng thứ dậy, chị em trong phòng rủ nhau đi xin cháo từ thiện của các tình nguyện viên câu lạc bộ hội Chữ thập đỏ Tuy Phước nấu đảm bảo chất lượng, còn hai buổi trưa và chiều đi xin cơm chay của giáo hội Phật giáo Hòa Hảo miền Nam, chỉ trừ ngày chủ nhật là phải tự túc. Riêng tôi không thể dùng cơm chay được, vì cái bụng từ khi còn bé, mẹ tập ăn đã muốn ăn “mặn” cho đến giờ kể cả chuyện trò cũng “mặn” luôn! Với lại những thức ăn được nấu chay chỉ có hoa quả và rau xanh như thế thì làm sao đủ dinh dưỡng cho người bệnh như tôi được. Thấy chị tôi vất vả, nên tôi đã cố gắng ra căn tin “ ăn tự chọn, uống tự chọn” cho mau phục hồi sức khỏe hơn.
Tiêm mũi thuốc cuối cùng trong ngày thứ bảy ở khoa nội là tôi được về nhà. Những cảm xúc trào dâng miên man khi nhận tờ giấy ra viện. Tôi chỉ nhắn lại lời cảm ơn chân tình của mình đến Bác sĩ Thông, bác sĩ Khoa và các cô y sĩ, hộ lí ở Khoa nội. Nhưng nào quên được sự quan tâm nhiệt tình của bác sĩ Lê Văn Đính và các điều dưỡng ở Khoa hồi sức cấp cứu khi mới nhập viện. Chỉ có thuốc hay thầy giỏi đã cứu được tôi ra khỏi hiểm nghèo. Quý lắm các thầy thuốc ở bệnh viện Tuy Phước quê tôi, hơn cả những từ mẫu nữa, còn tặng cho những bệnh nhân thiếu máu trầm trọng sau ca mổ biết bao nhiêu là sự sống của mình, quý lắm như BS. Kỳ, BS. Nhung, cả những điều dưỡng và hộ lí nữa kia. Những ngày nằm viện tôi đã nhận biết bao tình yêu thương người thân, bạn bè thăm hỏi. Nằm viện tôi đã làm đến mấy bài thơ lục bát bốn câu cho luôn cả bản quyền đứa cháu học lớp bảy nộp cho cô giáo, mấy ngày sau nhận lại tin nhắn “Cháu được 9,5 điểm bài thơ về tình bạn. Cảm ơn bà dư nhiều!”. Có làm hư cháu không thì chưa biết, nhưng chữa cháy trước mắt là lỗi của bà, việc làm thơ viết văn đều phải qua rèn luyện. Gởi cho là xóa tin nên đến giờ chẳng nhớ tứ thơ như thế nào nữa. Mà chỉ còn lưu lại cảm xúc bất chợt khi vừa tỉnh ở phòng cấp cứu: “Ta còn mắc nợ trời xanh/ Trần gian là chốn vĩnh hằng tình yêu/ Lỡ mai nắng ngả ráng chiều/ Xôn xao miền nhớ phiêu diêu cõi bồng” (29.11.2011).

10.12.2011/ NTP

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2018

NƠI TÌNH YÊU GIỮ LẠI, truyện ngắn Nguyễn Thị Phụng.


15/. NƠI TÌNH YÊU GIỮ LẠI
  
 
            Sau khi chạy một vòng quanh những ruộng hành, có đám mới lên xanh, có đám đã héo lá đang thu hoạch củ, có đám lại đang làm đất, Kim hạ tay ga, nhấn thắng chân phải cho xe dừng lại bên lề đường bê tông, cô vừa mở khẩu trang che mặt rồi tự nhiên mau mắn:
            -Này anh gì kia ơi!... Kim mắc cười trong câu hỏi của mình, vội đưa tay che miệng. Rồi từ phía dưới xa cách cô đứng chừng khoảng mươi lăm mét là một giọng nam đáp trả:
            - Này chị gì kia ơi!... Rất khớp với lời thăm hỏi không quen biết, theo sau là một chuỗi cười lặp lại “- Này chị gì kia ơi!... -Này anh gì kia ơi!.. của đám thanh niên đang hì hục đào sâu lấy đất nâu cho vào từng thúng nhỏ bưng lên đổ thành đống lớn bên lề đường bê tông, nơi cô gái đang đứng đó. 
            Trời đang chuyển tiết lập thu, mây trắng rải đều trên cao che chắn màu nắng vàng ngỡ như muốn giữ lại dành cho hè năm sau hay những năm sau nữa, mà sao lúc này cả người cô cứ nóng bừng lên, hiện rõ trên đôi gò má nhô cao, nỗi ám ảnh từ câu nói của mẹ nhắc lại lời thầy bói “con gái có gò má cao là sát chồng” có thật vậy không, hay chỉ nói vừa để lấy tiền trong túi mẹ, mẹ gieo vào lòng con những lo sợ hoài nghi số phận mình. Những quyết tâm lao vào việc học nhất là từ lớp mười đến khi tốt nghiệp đại học ra trường đi làm đã hơn hai năm nay rồi, Kim chưa có một người bạn trai nào ngỏ lời yêu, thì mặc có sao đâu, cô đang chuẩn bị cho năm tới bảo vệ đề tài lấy bằng thạc sĩ nông nghiệp chuyên ngành trồng trọt, nên mới có chuyến ra đảo Lí Sơn, mà lại đi một mình. Đồng hành cùng cô là điểm dừng chuyện trò với người bán nước giải khát, là chị hàng cơm, là nhân viên bán vé tàu, là người ngồi bên cạnh trên tuyến xe buýt từ thành phố Quảng Ngãi tới cảng Sa Kì,… Kim biết xưa nay đám con trai có thói quen thấy con gái là trêu là đùa, nhưng cái trêu cái đùa của con trai miền biển đâu thể là ăn đàng sóng nói đàng gió, nó ngọt lịm như thứ đường phổi đường phèn nhai vào rùm rụm trong miệng, nuốt tới đâu khỏe tới đó. Nó như kẹo mạch nha trải lớp đậu phộng rang vàng hườm bên trên hộp, chỉ cần lấy chiếc đũa dích lên một ít bỏ vào miệng nhai đã dính tận chân răng thơm phức, chỉ cần ăn một lần là nhớ mãi, nhớ suốt đời nữa kia. Kim không nỡ bỏ đi khi người con trai có đôi mắt biển bình minh vừa đổ xong thúng đất nâu xuống lề đường, ôn tồn đến bên gợi chuyện:
             - Chị mới đến đảo lần đầu à! Ở đây bọn chúng tôi hay đùa với các cô gái lạ, chứ quen rồi thách thằng nào dám léng phéng, con gái đảo nhận chìm nước biển là chỉ có chết ngộp cả đời thôi, chị ơi thông cảm nghe!... Bọn chúng tôi ở đảo không đánh bắt cá thì tranh thủ làm đất găm tiếp củ hành củ tỏi cho nó lên xanh cũng nhọc công lắm chứ có sướng gì đâu chị!...
             Như thể gợi mở câu chuyện, Kim mạnh dạn hơn hỏi thăm từ cách lấy đất nâu dưới mấy chân núi trộn chung với phân bò rải đều lên mặt bằng rộng, sau đó mới phả lên trên lớp cát trắng lấy từ ngoài biển, và nếu lớp cát trắng qua vài năm trộn lẫn với đất nâu ngã màu vàng nhạt thì cứ tận dụng cho việc trồng lại hành cũng được. Sau khâu làm đất là chỉ việc lấy cuốc chỉa có răng cưa như cào cỏ, cào tới đâu là cấy hành xuống đó, thẳng băng như thể căng chỉ trông đẹp mắt lắm!...

           Chia tay người con trai đảo, Kim về lại phòng nghỉ Biển Đông trời đã về chiều, cô tranh thủ ra bờ kè gần bến cảng ngâm mình trong nước mặn. Nước trong xanh mát rượi, Kim cứ thỏa thích ngụp lặn cho đến lúc nhá nhem mới thong thả quay về dùng bữa chiều một mình tại quán cơm bình dân. Người phụ giúp bưng cơm không ai xa lạ chính là anh thanh niên làm đất ở ngoài bìa ruộng hành. Anh tò mò:
           - Chị dùng một đĩa cơm thôi à!...
           - Dạ, em cố gắng để thử có hết đĩa cơm của bác gái dành phần này! Nói xong Kim cắm cúi ngồi ăn, nhưng thực ra cô đang để mắt đến những người phục vụ trong quán cơm tuy nhỏ, rất đông khách. Một người đàn bà khoảng chừng năm lăm đang đứng xới cơm và gắp bỏ thức ăn theo yêu cầu của khách, một cô gái có dáng thanh mảnh cắt tóc ria trước trán và cột chỏm đuôi gà lên cao ở phía sau, gọn gàng trong bộ đồ thun xanh đen, một tay thu gom bát đĩa , còn tay kia cầm cái khăn lau sạch thức ăn rơi vãi lên bàn, Kim chào xã giao khi cô gái cầm họp tăm tre đến:
            - Nhà bán cơm vất vả mà chỉ có hai anh em giúp mẹ à!
            - Dạ không phải đâu cô, em là học trò của thầy Sơn dạy văn và chủ nhiệm lớp 12 đó cô, em vừa thi xong đại học và chờ kết quả, thầy ưu ái cho bạn nào có khó khăn thay phiên nhau đến phụ giúp bưng bê dọn dẹp rồi bà trả tiền công lao động thường ngày như mọi người, xong rồi là về nhà học bài làm bài,… Ủa mà cô mới chuyển về dạy ở trường thầy à, gặp được thầy Sơn là quý lắm, chỉ có một điều… Cô học trò chưa nói hết câu, quay sang nhìn anh thanh niên, rồi cúi xuống lau kĩ lại cái bàn. Im lặng. Chỉ có tiếng gởi trả tiền đĩa cơm, tiếng chào thầy Sơn tôi về nghe thân thuộc lắm. Thì ra anh thanh niên kia chính là thầy Sơn. Chắc vai thầy giáo chững chạc và đạo mạo lắm. Cô mạnh dạn mở miệng:
             - Sao học trò thầy Sơn lại lấp lửng, còn nợ cô cái điều chưa nói hết đó nghen! Tự dưng Kim nói được câu này, cứ ngỡ mình đã quen biết là bạn hàng cơm thường ngày với cô bé học trò của thầy Sơn.
            - Dạ, nếu cô về trường dạy thì biết hết!
            - Nếu cô muốn biết, nhưng cô không phải cô giáo thì…
            - Thì cô mạnh dạn hỏi điều bí mật, em chắc 100% thầy Sơn cũng đâu muốn giấu giếm chi cho khổ!...
             Kim đứng lên đưa tờ năm chục ngàn trả tiền đĩa cơm, cô bé bước đến quầy tủ mở hộc bàn cầm ba chục thối lại cho Kim, Kim gởi riêng cho cô bé học trò mười ngàn, nhưng bị từ chối, cô chỉ nhận lời cảm ơn. Về nhà nghỉ, chưa kịp thay áo quần, cô nằm xuống gường, hai mắt nhắm khít lại, đến khi tỉnh giấc nhấn điện thoại đúng bốn giờ ba mươi. Kim đứng lên, đến gần cửa sổ, vén tấm mành vải nhìn ra ngoài xa biển đêm còn lấp lánh ánh đèn, hơi sương ùa vào phòng lành lạnh. Trời sang thu thật rồi, không khí mát mẻ trong lành quá. Kim nhớ đêm hôm qua còn say bờ, cứ làm Kim dật dờ, mệt mỏi không ngon giấc như đêm nay.

        Cô chọn chiếc quần jean đen và áo sơ mi màu xanh da trời để mặc rồi đi ăn sáng, tiện đường ghé mua vé về Sa Kì, đến chiều kịp về Gia Lai còn một ít việc phải làm. Kim mở dây kéo túi xách lấy sẵn tiền để trả cho người bán vé, cái bóng ai đó đã đứng trước mặt Kim, thì ra thầy Sơn đang cầm cặp vé tặng cho Kim một ghế ngồi, Kim lúng túng đưa khoản tiền có sẵn trong tay mình cho thầy Sơn, nhưng thầy Sơn nói chỉ vừa cho Kim nghe tiện tàu sang bên kia bờ để học chuyên môn, tôi tặng chị một kỉ niệm gọi là chút quà người miền biển ấy mà, khi nào có dịp gặp nhau nữa thì chị nhớ tặng lại tôi một vé bay trên cao, tôi khao khát mà chưa có cơ hội. Kim nhe răng cười khì: tàu bay giấy thì đảm bảo muốn lúc nào sẽ có ngay! Rồi từ câu chuyện cổ tích tàu bay giấy vỡ lòng đưa hai con người ngồi bên cạnh xóa tan khoảng cách về không gian, về địa lí. Họ tiếc chặng đường mười sáu hải lí không thể kéo dài nữa, rồi tuyến xe buýt ba mươi phút càng ngắn hơn, thầy Sơn tặng Kim tập truyện Nơi giữ lại tình yêu vừa mới xuất bản. Kim ngạc nhiên và mến phục thầy giáo dạy văn có lắm nghề tay trái. Nào là làm đất trồng hành, nào là chạy bàn phục vụ cơm bình dân, nào là hướng nghiệp cho học sinh yêu lao động, nào là viết văn,..

         Theo thói quen, Kim mở trang sách cuối cùng xem phần mục lục, bởi đầu đề gợi cho Kim tính tò mò, chiếc xe khách lên khỏi đường đèo Măng Giang là kết thúc truyện. Kim thương nhân vật người đàn ông có tên Hậu cặm cụi hơn hai mươi năm nuôi mẹ vợ mù lòa nằm một chỗ, nuôi con khôn lớn bằng cái nghề trồng hành trên đảo… Thường mỗi câu chuyện hay phim ảnh kể lại trong thời chiến, các chị nuôi dưỡng mẹ chồng khi anh ra trận, đến lúc chiến thắng trở về hay vĩnh viễn ra đi thì người phụ nữ vẫn một mực gánh vác “giang sơn” nhà chồng.
             Và đấy là lần đầu tiên trong đời Kim đồng hành cùng thầy giáo Sơn đi tàu cao tốc trên biển, nói chính xác là người bạn trai ở tuổi trung niên dễ mến trong giao tiếp, dễ nhìn trên gương mặt, là ánh mắt chân tình, là bờ vai rộng, là vòm ngực bể khơi, là vóc dáng cánh buồm, là hòa chung hơi thở mặn mà biển khơi, nhưng biết rõ về anh chỉ mới phần tư chặng đường. Có một điều ở người “thanh niên” chưa bao giờ nhắn tin hay gọi điện thoại cho Kim trong giờ hành chính. Khác với những đồng nghiệp của Kim cùng cơ quan cứ tủm tỉm cười khi sờ tay vào túi mở ra đọc tin nhắn. Kim muốn ganh tị với họ. Kim chỉ đọc được mail anh gởi kể chuyện thường ngày trên đảo khoảng sau tám giờ tối. Thầy giáo Sơn chưa bao giờ có một thông tin: Kim thương, Kim nhớ, Kim yêu dấu của anh! Mà sao Kim thương, Kim nhớ, Kim yêu dấu anh theo từng nhịp đập con tim của mình…
             Dân trên huyện đảo xôn xao cái quán cơm bình dân cho người lao động, cho khách “du lịch” thuở nào đề thông báo: Nghỉ bán một tuần từ ngày… đến ngày… tháng … năm… sẽ bán lại. Thì ra thầy giáo Sơn lấy vợ. Tin thầy Sơn lấy vợ, các cô giáo trong tổ văn, trong hội đồng sư phạm nhà trường không khỏi ngạc nhiên khi cầm thiệp cưới. Một cô gái thành phố lớn ở tây nguyên về làm dâu huyện đảo. Rồi công việc làm sao, người bàn ra kẻ nói vào phụ giúp mẹ rửa chén bát, đi chợ nấu ăn. Người thì thêm thắc lo thầy Sơn xin chuyển về quê vợ. Còn số học trò đã từng học thầy Sơn cứ tíu tít đến giúp một tay quét vôi, sơn lại vách tường, sắp xếp bàn ghế, chỗ ngồi cho họ nhà trai, nhà gái,… và dành số ghế cho đám học trò là nhiều nhất. Kim quên mất lời ông thầy bói thuở nào, chị hạnh phúc sánh bước bên anh đến bến cảng Sa Kì vừa kịp chuyến tàu ra đảo lúc bảy giờ ba mươi sáng chủ nhật cùng thời điểm mà trước đây ba năm cô chỉ đi một mình.

             Nàng Âu Cơ của mười năm đầu thế kỉ XXI tự nguyện theo chàng Long Quân nhập hộ khẩu miền biển, chị chuyển công tác về phòng Nông nghiệp huyện đảo. Cây hành muốn lên xanh cho “lá bằng đòn gánh củ bằng bình vôi” như trong truyện ngắn Nơi giữ lại tình yêu mà tác giả thầy Sơn đã kể về nhân vật anh Hậu từng chăm chút cây hành trong cảnh côi cút nhớ thương người vợ buôn hành sang biên giới mà không thấy trở về, chỉ nghe dư luận bàn tán cô vợ anh Hậu theo mấy ông lá, ông tàu gì đó xanh mượt lời rủ rê. Quả bụng đàn bà, dạ con nít. Còn lúc này… ông trời khắc nghiệt như thể ganh tị với con người cứ trộn lửa trong nắng đổ xuống cả ngàn hắc-ta ruộng hành, chỉ cần sờ lên cát đủ bỏng cả tay, nguồn nước bơm đã cạn, nước trên hồ dẫn về cũng chưa đủ sinh hoạt huống chi là cứu sống cây hành. Dù trăm hay cũng đâu bằng tay quen, việc áp dụng khâu kĩ thuật vào việc trồng hành ở Phan Thiết rất thành công, không lẽ ở quê chồng chẳng muốn cho chị vẻ vang hay sao, chị rươm rướm nước mắt nhận về mình những lời hằn học, nào là trăm hay cũng đâu bằng tay quen, từ cha sinh mẹ đẻ lớn lên đã trồng cây hành cây tỏi, còn nào là da trắng tóc dài tóc suông thì cái ngữ ấy chỉ đặt trong tủ kính cho thầy Sơn ngắm, chứ dân biển này đã từng đem cây hành chống gió chống bão ngàn đời nay rồi!... Một chồng sách dày cộm, một hệ thống thông tin mạng đang “bí mật” trước đôi mắt mở to của Kim, không lẽ bó tay. Kiến thức sách vở là một phần trợ giúp cho chị, nhưng thực tiễn cây hành trên đảo mới là chính. Kim lần dò đến những cụ già, bà lão đã từng chuyên trồng hành xưa nay, cuối cùng dẫn đến một kết luận. Bổng lộc cây hành đôi lúc còn là trời cho, chỉ có thể che chắn nắng phần nào với những đám hành mới vừa lên xanh. Cây hành trên đất dẫu thất thu thì vẫn còn thấy đó, chứ đâu như mấy người bạn của Kim đã từng kể việc nuôi tôm nước lợ, lúc trời đang nắng to lại đổ mưa xuống thì ngỡ như đang sấm sét trong ruột trong gan chứ sướng được gì.

          Kim lấy lại sự tự tin khi bên cạnh chị còn có một số cán bộ nông nghiệp ủng hộ, một số hộ nông dân trồng hành cùng sẻ chia, thông cảm. Diện tích đất trồng cho mùa hành năm nay được mở rộng, bón thêm phân đúng thời điểm cho củ hành từ dưới lớp đất nâu đen đã bung nở nhiều củ cho nhánh thêm xanh trên mặt cát trắng. Chỉ cần đi ngoài bìa hành mọi người đã tận hưởng hương vị đặc trưng của lá mỗi khi cơn gió thoảng qua. Lá vẫn giữ độ xanh trong tô canh chua mà trước đây dễ bị ngã màu. Và câu chuyện đầy hào hứng hơn về “cây hành” trong mỗi bữa cơm thân mật của từng hộ gia đình trên đất đảo Lí Sơn.
        Đã gần ba năm rồi, bây giờ nằm bên nhau Kim mới nghe rõ hơi thở của Sơn đều đặn hơn cùng với hạnh phúc đang từng giờ lớn lên trong bụng chị gần năm tháng rưỡi, khi  anh vừa đặt tay lên bụng vợ đã bị một cú nẩy đạp mạnh tấn công nhô cao bằng quả trứng gà làm bàn tay anh nhô lên theo, rồi như thể chuyển sang phía khác, cứ thế mà tiếp tục đến hai ba lần. Sơn nhịp nhịp bàn tay mình trên bụng vợ khe khẽ : “-Này anh gì kia ơi!.. -Này anh gì kia ơi!...” chịu khó “tù túng” ba tháng rưỡi cộng thêm mười ngày nữa ra hít thở hơi muối mặn nồng, phổng phao như Thánh Gióng lướt gió lượn sóng vẫy vùng, biển xanh đang chờ con tiếp sức. Sơn vừa nhắc lại đến lần thứ ba: “Này anh gì kia ơi!..” thì Kim quay lại nhéo vào bắp tay anh một cái nũng nịu nói nếu không có “ Này… chị … gì …kia…ơi!...” thì làm gì có cái cục cưng trong bụng này. Hích.
             Qua khung cửa sổ, gió ngoài khơi như muốn ganh tị ùa vào xua tan cái màu vàng trăng mười sáu đang soi rõ hai gương mặt mà bao nhiêu đêm họ hằng thao thức, giờ mới thực sự viên mãn. Trên cao xanh không một gợn mây. Còn họ gối đầu trong câu chuyện cổ tích thuở nào rồi cùng khúc khích cười muốn vỡ cả ánh trăng hồn nhiên nhân hậu.
                                                                                                                 15.8.2013


Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

KIẾN, thơ Nguyễn Thị Phụng


KIẾN
                      Kiến tha lâu đầy tổ















(ảnh sưu tầm trên net.)


Vẫn là đàn kiến ngày đêm
Tha bao nhiêu hạt cứng mềm đầy hang
Thể như cơ hội chuyển hàng
Của rơi cũng phải của làng chẳng sao!...
Sợ chi cửa đóng tầng cao
Vượt tường luồng lách ra vào yên tâm
Hội hè yến tiệc tràn mâm
Tha hồ bu kéo vào hầm nhỏ to
Phổng phao quên lúc ốm o
Giật mình nước lớn đâm lo vỡ bờ  ./.
23.10. 2018/ NTP


Thứ Tư, 10 tháng 10, 2018

LÒNG HỒ VẪN BÌNH YÊN, thơ Nguyễn Thị Phụng


















LÒNG HỒ VẪN BÌNH YÊN.
Xoay một vòng quay em lên thăm chị
mộ phần cạnh hồ nước trong veo.
Khói sương phả vào nắng thu 
man mác.
Ánh mắt tìm về
thuở xa xưa
đời chị...
Chỉ còn gió và gió
và mây trời đụn lại
ám ảnh chực mưa
Lòng hồ vẫn bình yên nơi ấy...
BMT,10.10.2018 / NTP


























































































Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

CỔNG LÀNG, thơ Nguyễn Thị Phụng


 CỔNG LÀNG*

















Cổng làng xưa nay vẫn
Một bể tình ung dung
Đón con mùa nắng ấm
Tiễn con chạnh mưa dầm

Gió nhẵn mòn va vập
Lại nổi những rêu xanh
Cổng bao năm gìn giữ
Nét mĩ tục thuần phong

Cổng làng không cánh cửa
Nhưng chỉ đóng âm thầm
Kẻ bao năm xa xứ
Về đong lại tri ân…

Bếp lửa hồng đánh thức
Bình minh trên ruộng đồng
Cửa làng luôn nhắn nhủ
Gìn giữ tình non sông

Này khuôn vườn khép mở
Cổng làng có thản nhiên
Bước chân người mãi miết 
Chở từng ngày bình yên
               08.06.2015/ NTP
 *Trích Bến Xuân (NXB HNX 2016)


Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

THƯƠNG NHAU NÓN NGỰA ĐỘI ĐẦU, Nguyễn Thị Phụng


THƯƠNG NHAU
NÓN NGỰA ĐỘI ĐẦU (Trích Hương thảo thất, NXB HNV- 2017)



“Anh đưa nàng về dinh” là cụm từ lặp lại từ câu “Là đưa… í a… đưa nàng… đưa nàng… anh đưa nàng về dinh,…” trong bài dân ca Nam bộ Lí ngựa ô. Hình ảnh con ngựa luôn gắn liền với những câu tục ngữ, thành ngữ, dân ca quen thuộc và người khớp con ngựa ấy chính là chàng. Chàng yêu nàng lắm mới đưa nàng về dinh để được chăm sóc nâng niu đêm ngày, bởi nàng có đôi tay khéo léo làm nên chiếc nón cho chàng đội đầu, tung vó ngựa trên mọi nẻo đường quê hương. Cũng từ đó chiếc nón chàng đội trên đầu có tên là nón ngựa.

Nón ngựa không mỏng mảnh như chiếc nón lá bình thường các mẹ các chị thường đội đầu khi ra đồng ruộng, lúc vội vàng bước chân đến chợ hay thong thả trên con đường làng về nơi lễ hội, hay che mưa nắng giữa những giờ lao động vất vả ngoài trời … Có lẽ trên yên ngựa chỉ chiếc nón cứng cáp mới có thể chịu đựng những lúc chàng tung vó phi nhanh đúng lúc kịp thời. Cho nên nói đến nón ngựa là phải kể đến công phu người làm nón về sự dày dặn chiếc nón, không chỉ độ chắc chắn còn mang tính thẩm mĩ cao bởi được dùng trong mùa cưới khi xưa cặp đôi hạnh phúc sánh bước bên nhau. Vậy ra nón ngựa đã có từ lâu lắm, nhưng với thời công nghiệp, phương tiện đi lại bằng xe đạp, xe máy thì chiếc mũ bảo hiểm chắc chắn an toàn hơn khi tham gia giao thông, dần dà nón ngựa chỉ dành cho một số người đi bộ yêu chuộng sự thuần túy Việt mới sử dụng thường ngày, hay được chọn dùng để trang trí bởi giá trị thẩm mĩ cao.

Nói đến nón ngựa đẹp và bền chỉ có ở thôn Phú Gia xã Cát Tường huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định là nổi tiếng hơn cả. Ai đã từng đến tận nơi xem cách làm nón ngựa lắm kì công từ một làng nghề truyền thống ở một vùng quê những người dân lao động thủ công mới thấy hết cảm xúc tâm hồn gởi vào đôi tay khéo léo của họ. Muốn làm nón trước hết phải có dụng cụ  cái khung gỗ hình chóp mà đường kính khoảng hơn 40cm, đường cao thẳng góc ước chừng 20cm. Cùng những nguyên vật liệu như cây giang, lá kè, cây dứa, chỉ màu.



Muốn giữ được độ bền chiếc nón ngựa và uy tín làng nghề cổ truyền thì dùng những vật liệu trong tự nhiên, chọn đúng thời điểm sang xuân nắng bắt đầu ấm, đem vào sử dụng thì mới có hiệu quả cao. Để làm sườn nón theo từng vòng tròn thì chọn cây giang tươi đủ tuổi từ trên núi rừng đem về, chẻ đều vuốt tròn trên một miếng sắt đục nhiều lỗ nhỏ bằng nhau khỏi bị phạm chỗ dày chỗ lõm. Tiếp nữa là cũng loại giang ấy dùng để đan mê, luôn sườn phải cưa đúng kích thước sau đó chẻ nhỏ phần cật, phơi khô, vuốt đều như cây tăm, nạo sạch vỏ màu xanh bên ngoài. Còn để có chỉ kết chằm nón người ta lấy lá cây dứa (thơm tàu) ngâm nước khoảng ba ngày, tước lấy phần tơ rồi đem phơi gió cho khô, nhưng cách này hiện nay không ai dùng nữa vì tốn nhiều công đoạn và ít bền so với cước công nghiệp đều sợi mảnh mai hơn. Muốn có đường vành và sòi nón đẹp phải lấy rễ dứa rừng, chẻ thẻ, phơi khô chuốt tròn. Cũng như phải có chỉ màu để thêu hoa văn theo ý muốn. Và một thứ vật liệu không thể thiếu mà rất công phu tỉ mỉ là chọn lá kè (lá cọ), tước lấy sóng lá, phơi gió cho khô, vuốt lá cho láng bằng cách đặt úp miếng sắt dày(lưỡi cuốc) trên bếp lò than đỏ, một tay cầm chặt cái túi bàn là trên miếng sắt, một tay nữa đưa lá kè nằm giữa miếng sắt và bao đựng cát bọc lớp vải bên ngoài thật dày ấy, đè trên miếng sắt vuốt nhanh lên bề mặt lá kè làm bóng láng lá hơn, cắt lá theo kích thước, rọc lá cho nhỏ, đến luông sóng, sau đó là rúp đều.

Có sẵn vật liệu chỉ việc tiến hành làm nón theo nhiều công đoạn từ việc vào khung sườn với những khoảng cách đều nhau bằng những cọng giang vót sẵn, rồi đến đan mê theo hình tứ giác(hình chữ nhật)… như kiểu đan giỏ các khoảng cách cân đối mới đẹp, tiếp nữa là luôn sườn đứng đến thắt nan sườn, dọn vành hay kết vành vào nón, tỉa chóp, thắt chóp sườn, tra vành, vô vành giữa bằng ống giang đã chẻ và vuốt sẵn, tiến hành thêu hoa văn theo mẫu những con vật đem lại niềm vui và sung túc như long lân quy phụng, hay cây cảnh đặc trưng bốn mùa như mai lan cúc trúc, hay những họa tiết khác nhau theo thị hiếu người tiêu dùng của mọi tầng lớp trong xã hội. Đến phần can ốc trên chóp nón đã làm sẵn rồi kết vào sườn. Khâu tiếp nữa là bủa lá theo hình rẽ quạt cho khoảng cách bằng nhau khi chằm làm sao cho đường kim mũi chỉ thật đều với những nét thanh nhã.





 Hoàn tất các khâu làm nên sản phẩm đội trên đầu theo một phương pháp dây chuyền chỉ yêu cầu sự tỉ mỉ thận trọng từ đôi tay nhuần nhuyễn truyền lại đã bao đời nay, việc chằm nón ngựa không cần phải đi lại nên cũng rất phù hợp cho người khuyết tật đôi chân, để họ có công ăn việc làm thường ngày ổn định. Cho dù chiếc nón ngựa rất kén khách bởi giá thành cao. Mà đúng vậy. Cầm trên tay chiếc nón ngựa lại càng quý sản phẩm thủ công mĩ nghệ bắt mắt này!

Nhưng bạn đừng vội đội ngay chiếc nón lên đầu sẽ bị chòng chành như cách ví von rất thật, rất dễ thương “Chòng chành như nón không quai/ như thuyền không lái như ai không chồng…”. Thế thì phải chọn quai thôi. Chọn quai nón theo thị hiếu thẩm mĩ người đội nón. Chất liệu vải có thể là nhung, là gấm,… và tùy lứa tuổi cũng như giới tính, người sử dụng tự chọn màu quai yêu thích. Như vậy là nón có quai như thuyền có lái, như gái có chồng. Đến lúc này nón em làm ra như gái có chồng rất yên tâm bởi nét duyên dáng riêng biệt người phụ nữ Việt Nam, đó là giá trị văn hóa đời sống thường ngày.

Cũng như bao thương hiệu khác, sản phẩm nón ngựa Phú Gia Cát Tường Phù Cát đã chiếm lĩnh thị trường hàng Việt Nam chất lượng cao, nó đỏng đa đỏng đảnh hơn nhờ có chùm dây ngũ sắc lúc la lúc lắc trên chóp nhọn kia tạo nên thị hiếu với người tiêu dùng, không chỉ trong nước mà cả người nước ngoài ưa chuộng.
Và có ai biết nón ngựa Phú Gia được cải tiến từ nón ngựa bịt khuôn bạc đúc sẵn có hoa văn trên chóp nón của người xưa đầy vẻ kiêu hãnh về văn hóa trang sức, là nét đẹp riêng bên cạnh những chiếc nón lá Gò Găng Nhơn Thành tảo tần hôm sớm của người Bình Định quê tôi hôm nay. Và nhớ thuở nào chiếc nón lính thú thời phong kiến đầy ám ảnh: “Ngang lưng thì thắt đai vàng/ Đầu đội nón dấu vai mang súng dài/ Một tay thì cắp hỏa mai/ Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền/ Thùng thùng trống đánh ngũ liên/ Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa”(Ca dao).

25.6.2013/ Nguyễn Thị Phụng.


Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2018

NẮNG GIÓ VƠI ĐẦY, trích Cho anh xin lỗi(NXB HNV-2015)


NẮNG GIÓ VƠI ĐẦY 

          Chị yêu những buổi trưa hè miền Trung mình nhất là ngày Hạ Chí. Bầu trời không một gợn mây, màu nắng vàng rực chưa bị con gió nào lay động. Bờ tre sau nhà có còn kẽo kẹt khắc khoải nữa đâu, chiếc lá xanh mỏng mảnh vốn nhạy cảm hiện tượng không khí trong khí quyển chuyển động thành luồng từ vùng có áp suất cao đến vùng có áp suất thấp. Thế mà lúc này lá se lại, phơi mình dưới lò sưởi từ trên trời phả xuống, trùm cả không gian bên ngoài. Từ bụi chuối hột bền bỉ gió mưa từng chiếc lá rách lành đùm bọc, giờ rũ xuống quắt queo. Cỏ hai bên đường khô cháy chỉ cần châm chút lửa là lụi tận gốc. Chỉ riêng cánh đồng lúa mơn mởn một màu xanh mượt mà bởi đủ lượng nước của Thủy lợi cung cấp, nhà nông còn nhọc công chăm bón phân lạc, diệt cỏ, trừ sâu,… cho một năm hai vụ để cuối mùa bội thu, giờ đang thách thức với khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt này. Chị ngồi trong nhà, mồ hôi túa ra, mắt vẫn không rời từng trang sách, thỉnh thoảng đưa tay vuốt mặt, còn chiếc áo đẫm ướt cả thân sau. Lịch hôm nay cúp điện, trời nóng lại càng nóng hơn.


          Gần hai giờ chiều,trời mới chuyển gió. Đâu phải là gió nồm mát dịu ẩm ướt thổi từ biển Đông vào như ngày hôm qua mà ngọn gió Lào nóng khô thổi từ phía Tây đến. Chị nhớ mẹ bảo mùa này nồm- nam thường giành lộn nên trời rực lắm. Nói như thế thì ra gió cũng khao khát người, tranh nhau tìm đến người, sao lòng người chẳng bao dung chút nào hết. Chị nghĩ gió nào cũng là gió. Tự bản thân nó cũng xuất phát từ đất trời về lại đất trời. Góp nhặt chắt chiu cho lắm thành bão tố rồi cũng tan biến trong không gian. Theo từng mùa trong năm, dựa vào đặc điểm cấp độ nhanh chậm, gió có nhiều tên gọi khác nhau. Gió heo may nhè nhẹ của trời thu đem đến hơi lạnh và khô, gió bấc ngập đông lạnh lùng se sắt cả ngày đêm đơn lẻ, hay những con gió chướng tức bực nỗi niềm từ phía tây thổi đến, gió giật từng cơn điên cuồng mạnh lên đột ngột rồi như sực tỉnh lại yếu đi, đôi lúc giật từng hồi bỏ ghét, chỉ vì thỏa mãn tính khí ngông cuồng dữ dội mà gió lốc xoáy mạnh nhưng chỉ trong phạm vi nhỏ thôi… Tất cả gió đến rồi đi lúc ào ạt dữ dội, lúc phe phẩy nhẹ nhàng chẳng khác nào tính khí con người sân si phẫn nộ,hay nhã nhặn dịu dàng,…! Nhưng điều duy nhất con người dù ở đâu thì gió cứ tự nhiên ập đến, ghét những kẻ cốt yên thân gió chiều nào che chiều nấy. Gặp những lúc gió táp mưa sa liệu có là cây thẳng đứng vững vàng giữ trời xanh. Còn đường trần gió bụi thì đôi vai gầy của chị cứ chông chênh, chông chênh. Chị đón nhận nó không than phiền như đón nhận cuộc sống trên đời này đã dành cho chị. 
            Trang sách chị đang đọc nói về thời tiết và khí hậu nhiệt đới gió mùa, lại làm cho chị băn khoăn những vớ vẩn: giá như một năm bắt đầu từ mùa hè như thế này đi, đời mình cũng khởi đầu từ mùa hè như thế này đi, để rồi đón nhận kết quả là mùa xuân tươi đẹp đầy sắc màu, đầy hương hoa không tuyệt vời hay sao?!...
23.05.2010/ nguyenthiphung