Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

CHUYỆN BÉ TRANG của Nguyễn Thị Phụng

 

CHUYỆN BÉ TRANG


        Sáng nay,bà đưa Trang đến trường nhận thưởng. Trang mới nhận ra cây phượng trước cổng đã điểm từng chùm hoa đỏ giữa trời xanh. Thế là năm học đầu tiên ở bậc tiểu học kết thúc. Trang phải xa cô Thuận, xa bạn, xa lớp, và xa sân trường khi chơi trò bịt mắt vấp ngã mấy lần lại đứng lên chơi tiếp. Rồi tự nhủ nghỉ hè xong là đi học lại! Cảm giác chia tay có giống như hồi học mẫu giáo không? Trang chẳng nhớ nữa. Bây giờ mẹ ở bệnh viện sinh em bé chưa? Đêm hôm ba về mang cơm cho mẹ bảo sáng mai mới sinh. Trang muốn hỏi bà, nhưng bà đâu có điện thoại di động. Sao ba mẹ không mua cho bà một chiếc. Trang nói mai mốt  đi làm sẽ biếu cho bà một cái điện thoại di động Nokia mới được! Bà cười sẽ chờ nhớ là cháu đừng quên. Mà ở nhà có điện thoại bàn nghe nhiều cũng mệt cháu ơi! Vậy ở đây làm sao bà biết mẹ cháu sinh chưa. Bà đồng ý thua cháu 1- 0 rồi.

       Trang vào sân trường xếp hàng với các bạn và chờ nhận thưởng. Khi cô phó Hiệu trưởng gọi: Nguyễn Thị Thanh Trang học sinh lớp 1E, em nhanh nhẹn đứng lên đến trước lễ đài cúi đầu chào. Thầy Hiệu trưởng trao tận tay gói quà được gói kín bằng giấy hoa màu vàng, cùng tờ giấy khen có đóng khuôn dấu tròn đỏ thật vinh dự. Thầy còn bắt tay, xoa đầu, chúc mừng học sinh ngoan nữa. Trang cố nhớ trình tự sự việc để về kể lại cho cả nhà cùng nghe.

         Vào nhà, Trang đặt phần thưởng, tờ giấy khen học sinh giỏi lên bàn học của mình chờ ba mẹ về là khoe ngay. Chưa kịp thay đồ, điện thoại reo, Trang gọi bà bắt máy, vẫn nghe rõ tiếng ba phấn khởi lắm:

         -Dạ. Con đây! Bé Trang có em trai rồi mẹ ơi!

        Không hỏi lại, giọng đầm ấm quan tâm:

         -Thế mẹ bé Trang sinh xong có khỏe không?

        Ba bảo dạ khỏe, vợ chồng con mừng lắm. Mà sao ba quên chưa hỏi Trang. Nhưng không buồn, Trang xuống bếp lặt rau, rửa sạch cho bà luộc. Ăn cơm xong, Trang giành xách cà mèn cơm theo bà vào bệnh viện.

       Từ xa Trang thấy ba mẹ loay hoay bên em bé. Lại gần biết nó ị, sao phân đen thế. Bà mừng bảo thằng cháu của bà ị cức su rồi. Còn khen tốt nữa. Trang chào ba mẹ, mắt chăm chú nhìn em bé nhỏ hơn một nửa búp bê có đôi mắt khi nằm xuống nhắm lại được mà hôm sinh nhật mẹ mua cho Trang bế. Trang hỏi em bé ăn bánh gì mà ị phân đen. Ba đùa hàng độc. Bà giải thích phân của em bé có sẵn từ khi còn là thai nhi trong bụng mẹ. Trang hỏi bà lúc nhỏ cháu có ị như vậy không? Có chứ người và vật đều giống nhau cả cháu ạ!

       Ở nhà Trang nhớ mẹ. Ba đi làm về là vào bệnh viện ngay. Sáng nay đón mẹ và em về. Trang dậy sớm hơn, tập thể dục xong, quét nhà. Còn bà giặt giũ chiếu, mùng, mền,… từ hôm qua. Nhà rộn ràng hơn mỗi khi em bé oe…oe… Mẹ lại nói đói rồi, tè rồi, hay ị gì nữa đây!... Vừa chăm em, mẹ nhắc nhở Trang giúp bà lau bàn, dọn chén ăn cơm,… còn bảo Trang đã thuộc lòng bài thơ nào trong sách tiếng Việt lớp hai đọc cho em bé nghe với. Trang hào hứng đọc thật diễn cảm Làm anh thật khó / phải đâu chuyện đùa…”. Nhớ lời ba dặn, buổi sáng Trang còn tự tập chép, làm toán,… chỗ nào không hiểu thì hỏi mẹ, hỏi ba. Chủ nhật ba chở Trang đi chơi ở công viên thiếu nhi. Có lúc lại được theo bà về quê thả diều tắm biển trong những ngày hè. Nhưng bây giờ chỉ ở nhà, cũng không ra đường vì dịch Covid

         Năm học mới bắt đầu. Lại học online. Không như những năm trước ba chở đến trường. Những úc này ôi chao lại nhớ trường, nhớ lớp nhớ bạn bè. Trang mong ước thành phố mình vượt qua được đại dịch thế kỉ này. Cũng khó lắm. Chắc hẳn là phải sống chung với dịch rồi, nhưng lúc nào cũng giữ khoảng cách, cũng phải mang khẩu trang cơ.      

                                                20.10.2021 / NTP

 

 

Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2021

NGƯỜI ĐI TÌM SỰ THẬT, (Đọc tập thơ Cao Văn Tam), của Nguyễn Thị Phụng

 

NGƯỜI ĐI TÌM SỰ THẬT*
     (Đọc tập “Tiếng chuông gió mùa hè” thơ Cao Văn Tam)

          Dễ gì lắng nghe Tiếng chuông gió mùa hè của thi sĩ gom nhặt từ Tiếng đàn xưa* cùng đồng vọng: “Tiếng cầm ca của người hành khất già nua/ Ai oán, ân tình, tĩnh lặng đã bao năm/ Nay réo rắc quá nửa đời bạc bẽo”. Như khơi gợi, như tan biến: “Tất cả rơi rớt trên dòng sông lạnh lẽo/ Cuộc đảo điên lắng đọng/ Xuống vực sâu lòng dạ…/…/ của người từ ba trăm năm trước/ Ngậm ngùi, đơn độc/…/ Như tiếng đàn xưa… vĩnh viễn bay đi…” lại  lay thức niềm xúc cảm cho Mùa của giấc mơ* thăng hoa: “Để dễ dàng mất đi những giọt nước mắt bên trong của nỗi sợ hãi”. Phải chăng đây là sự thật. Sự thật Nơi bắt đầu sự sống* đã tỏa hương trong tình yêu qua tứ thơ bốn câu cô đọng nhẹ nhàng: “Giữa hai bờ sinh tử/ thoáng dậy một làn hương/ mắt em nhìn tĩnh vật/ ta nhận đóa vô thường(Tĩnh vật). Sự  thật vô thường cuộc đời là tất nhiên, luôn luôn thay đổi, ta nhận ra dù một làn hương lướt qua nếu khứu giác không kịp giữ lại cũng dễ tan vào không gian như khói mây bồng bềnh tĩnh lặng. Thi sĩ khát khao lắm khi nhận ra có nơi nào đẹp như bến Trường Trầu bên bờ sông Côn quê mẹ đã thành không gian nghệ thuật trong cặp câu lục bát truyền thống bình dị: “Hoa cau trắng bến Trường Trầu/ Ngẩn ngơ áo lụa qua cầu mờ sương/ Nổi trôi như lạc suối nguồn/ Dáng xưa lặng lẽ nụ buồn mênh mông”, anh tin yêu bộc bạch gởi gắm những lặng thầm tiếc nuối, như tiếng hát cung đàn lạc điệu nhau nhưng thật bừng sáng:
                   Lặng thầm trao một nụ hôn
                    Dìu nhau qua hết hoàng hôn cuối trời
!”
                                           (Hoa cau trắng bến Trường Trầu)


           Nào ai trách được trái tim thi sĩ, lúc mộng mơ đến tuyệt đỉnh tinh lọc Hương vị*: “Như chiếc li đựng đầy rượu/ được pha chế/ từ hương vị cuộc đời,/ (cả cay đắng lẫn ngọt bùi) / chiếc li sẽ không hấp dẫn/ nếu màu rượu không được nhìn thấy/ xuyên qua pha lê trong suốt/ đôi môi của em”… tìm nguồn hạnh phúc tận hưởng đâu chỉ qua thị giác, còn có cả xúc giác mà thượng đế ban tặng con người thật vô tư, hồn nhiên như đóa hoa ban ngày đón mặt trời ấm áp mở cánh khoe sắc tỏa hương, nhưng cũng có loài hoa chờ trăng lên sương phủ cùng hòa quyện trong giây phút tuyệt vời giữa bốn bề tĩnh lặng… Thi sĩ cứ bắt con chữ theo mạch cảm xúc vô tận, đến lúc nào đó thời gian như chùng xuống tích tụ nhắc nhở trái tim “khi vui thì đậu, khi buồn lại bay..” có muộn màng không: “Tình yêu không làm tổ trên cây/ Vì lá của mùa thu rơi rụng/ Cho mùa đông lạnh buốt/ Bây giờ những giọt nước mắt lãng phí/ Không để lại trong mùa thu thương tiếc/ Cho trái tim gánh nặng một tình yêu đến muộn/ tròn trịa/ và giữ đến mai sau(Dù tình yêu đến muộn). Ngỡ như bình tâm mạnh mẽ trước con sóng tình nam châm, nhưng làm sao tránh khỏi, bị bùa mê thuở nào cuốn hút vào vòng xoáy nhân gian: “Hơn 40 năm, những tưởng vết đã lành…/ Nhưng chiều nay chợt nhớ…/ta vẫn còn thương”(Bỗng nhớ). Sao thể lừa dối trái tim mình khi đêm ngày “Mimosa mọc khắp lối đi/ của những người phản bội/ Họ đã có những chuyến đi dài phía trước, trong lãng quên chờ đợi./ Họ đã nhìn thấy nhóm hư không”(Vết sẹo) lại tiếp tục di căn, có liều kháng sinh nào điều trị được! Nhà thơ tìm về thuở nào tự do lặn ngụp thỏa thích:
                  Những chiều sương tím,
                   Bao dung,
                   trong lơ đãng, lấp lánh
                        bềnh bồng con thuyền giấy, trôi lại…
                                vụt qua

                                           (Bồng bềnh tuổi thơ)
           Chim vẫn hát ca* nơi Ô cửa mùa xuân* đọng lại cho Tiếng chuông gió mùa hè* rộn ràng ùa vào tâm hồn thi sĩ, của mọi người trong sợi dây vô hình nhiệm mầu liên kết giữa hôm qua và bây giờ đến ngày mai thanh cao vĩnh cửu cho ta yêu biết chừng nào: 
                  Đó là thời gian ngọt ngào,
                     nối bằng những tia sáng mặt trời
                     vào sợi dây tơ mềm những cánh diều lơ lửng
                     rơi vào tình yêu

                                      (Tiếng chuông gió mùa hè)
            Đến Giấc ngủ chiều* thong thả, đến Chiếc xe ngựa* của người xà ích nhọc nhằn tất bật cuộc mưu sinh: “Khi chiếc xe ngựa tới rất chậm/ như trên vai đang vác một gánh nặng…/ Trên gò má nhăn nheo của người xà ích/ nước mắt tuôn/ Trên đôi môi run rẩy, nụ cười khổ sở./ Đã lấy đi khỏi vòng tay này/ để tới hai cánh tay của người khác/…/ Vườn hoa này sẽ nhớ mãi những bước chân…) đều là phiên bản đầy sáng tạo Những điều trông thấy từ tính nhân văn cao đẹp của Đỗ Phủ, của Nguyễn Du chọn mặt gởi vàng đến tất cả thi nhân hướng ngòi bút mình viết về người lao động cần cù lam lũ quanh ta. Họ đâu chỉ đẹp trong độ bền sức lực dẻo dai, họ còn đẹp ở những tấm lòng rách lành đùm bọc, uống nước nhớ nguồn,… và có một điều trân trọng chưa bao giờ tự ngợi ca mình, cứ lặng lẽ sớm chiều làm nên sản phẩm đáp ứng chung cho nhu cầu cuộc sống thường ngày của chúng ta.



           Tiếng chuông gió mùa hè đi vào lòng bạn đọc “Đêm thao thức bên sông trăng sao rụng, dòng hắt hiu chở từng cánh hao gầy, nơi bến cũ có đèo bồng thương nhớ… Người sang thuyền gởi lại áo thơ ngây…” ( Đêm tưởng nhớ) như thể không nguôi nỗi niềm của nhà thơ họ Cao đất võ. Người sang thuyền trong đêm tưởng nhớ còn là vẻ đẹp người phụ nữ vừa là tình yêu, vừa là số phận nợ duyên: “Thương phận má phải hai lần sang sông/ Chân vội bước qua hai bờ mưa nắng/ Cuộc tình nào cũng làm tim cháy bỏng/ Mối duyên nào cũng vội vả chia tay…”(Thương má) làm sao tránh khỏi như Lan thạch thảo* kia: “Lỡ chiều thạch thảo rụng rơi/ Nhành lan khơi động cuối trời mộng du” như cuộc đời ngắn ngủi: “ Thương con gái một đời bại liệt/ Cõi hồn mê con im lặng vô bờ/ Nát lòng ba bão bùng tan nhật nguyệt/ Nến lập lòe âm ỉ sáng bơ vơ…”(Thăm mộ con). Nỗi bất hạnh đâu chỉ riêng tâm hồn thể xác đứa con anh tạc nên, mà những người làm cha làm mẹ cứ phải đau đáu chất chồng đâu nguôi tháng ngày nhớ tưởng…

             Sáu mươi hai bài thơ trong Tiếng chuông gió mùa hè khe khẽ âm thầm giao thoa đa chiều giữa tác giả với độc giả, tuy cuộc sống có bộn bề nhưng vẫn dành thời gian nghiền ngẫm bí mật trong từng câu chữ, bởi đó là tiếng vọng tâm hồn một người suốt đời cần mẫn trên trang viết đi tìm sự thật cho THƠ sao nên tình nên điệu mỗi khi ngồi vào bàn tiếp nối “Ôn cố tri tân” không hổ thẹn với những bậc thi nhân của dân tộc mình./.
                                                                     10.01.2013
*Trích tiểu luận Lặng trong hương lúa (NXB Vh, 2014) của Nguyễn Thị Phụng

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021

Sắc hoa râm bụt, truyện ngắn Nguyễn Thị Phụng

          Sắc hoa râm bụt*

            Khi Yến tỉnh dậy là đúng hai đêm ngày trên con tàu ra quần đảo Trường Sa. Nắng, cái nắng giữa mùa xuân cứ vàng như đổ mật. Gió, con gió thông thốc mang theo hương vị biển mặn mòi len lỏi áp vào sau đôi mắt kính trắng gọng nâu, còn phần từ sóng mũi trở xuống đến cổ Yến cẩn thận che kín bằng cái khẩu trang màu xanh ngọc. Ngày mới ra trường khao khát đến Trường Sa giờ đã là một hiện thực. Sự mệt mỏi về thể chất cũng bị tan biến ngay khi cô đưa mắt nhìn bờ rào thưa chỉ vỏn vẹn có mấy bụi râm bụt với những sắc đỏ của năm cánh hoa uốn cong đều đặn, còn cái nhụy đỏ như một ống dài thòng xuống phía dưới cùng tỉa đều năm cọng nhỏ lấm chấm phấn hoa vàng đong đưa trong gió lay thức kỉ niệm tuổi thơ nhè nhẹ ùa về trào dâng như con sóng ngoài kia.

         Đã từ lúc nào, cứ những buổi sáng chủ nhật nghỉ học dù là ngày rằm hay mùng một, từ phía bên kia hàng rào chú tiểu Mẫn có bận rộn đến mấy cũng đều ngắt năm cái hoa râm bụt đỏ gọi sang bên này: Ra đây nhận quà chú tặng. Yến dạ thật to nhanh nhẹn đưa bàn tay nhỏ nhắn vẹt nhánh lá xanh bóng láng hình trái tim có răng cưa, vội vàng chạy ra sau hè lấy lon sữa bò trống một đầu đổ nước vào để cắm cho hoa khỏi héo, rồi chơi trò cô giáo với lớp học hay trò mua bán cùng các em của mình,... Có lúc chú sang nhà còn bày cho Yến biết cách cài hoa lên hai bím tóc thật đẹp, lúc ấy Yến mới vào học lớp năm. Còn chú Mẫn ở chùa gần mười lăm năm rồi. Nghe nói ngày vào chùa chú Mẫn cũng là một em bé chừng năm sáu tuổi, sau đó được sư thầy làm khai sinh cho đi học hết bậc phổ thông ở trường huyện, sau tiếp tục đưa vào trường trung cấp Phật học ở tu viện Nguyên Thiều như những tăng ni khác, nhưng chú bảo không muốn xa thầy, muốn hôm sớm với thầy trong cảnh chùa mà thôi. 

       Khuôn vườn nhà Yến nằm sâu cuối làng cạnh chùa Vi Nhân, gần một nhánh nhỏ dòng sông Côn chảy qua, chỉ trồng các loại cây ăn quả theo mùa và xen canh những khoảng trống là dày đặc những bụi sả bán theo vụ nên ít nhọc công chăm sóc. Ba mẹ Yến chỉ tập trung vào mấy sào ruộng nay lại thêm nghề đánh bắt cá cũng bữa thiếu bữa đủ cho năm miệng ăn. Sau Yến còn hai đứa em sinh đôi. Ba mẹ của Yến là người tàn tật không phải bẩm sinh. Chân trái của ông hơi khập khiễng đó là lúc đưa mẹ Yến đến bệnh viện sinh em, rồi trên đường về ba Yến bị tai nạn giao thông chứ ba năm ở chiến trường Tây Nam đầy ác liệt mà đạn mìn bôn-bốt cứ như chừa ba Yến ra; Còn mẹ Yến nhổ răng từ lúc bé bị nhiễm trùng phải mổ lại làm má trái tóp vô cho đến giờ khuôn mặt cứ méo qua một bên. Nhưng cái tình của họ trong gia đình mới là đầy đặn đáng quý. Có đôi lúc những đứa em Yến len lén ngắt trộm một cánh hoa dù đó là hoa râm bụt của chùa thế nào tối về Yến cũng mách tội cho ba mẹ biết. 

         Tiếng chuông chùa không ai cầm được cứ ngân nga nhẹ nhàng khúc ru cho cả nhà Yến say trong giấc ngủ sau một ngày lao động. Thường mỗi chiều cuối tháng hay trước rằm, có chú Mẫn sang chuyện trò với ba mẹ, thế nào đêm hôm đó Yến nằm ngủ với mấy em trên cùng chiếc giường lén mở mắt nghe và dõi theo ba mẹ thầm thì, rón rén bước chân đi ra khỏi nhà... đến sáng sớm đã thấy ba mẹ về vai khiêng, tay xách nào là gàu thùng, nào là tấm lưới chài bao nhiêu là cá. Được ăn những con cá tươi nấu cháo thơm phức lên đến tận mũi nên mấy chị em của Yến ríu ra ríu rít cả buổi, còn đòi theo ba mẹ ra sông nhưng đâu có được. Lớn lên một chút, Yến phụ giúp công việc cho ba mẹ, mới biết có một số người mua cá sống ngoài chợ đem vào chùa để phóng sinh cầu lợi, chú Mẫn thương ba mẹ Yến khó khăn lắm mới nuôi được mấy chị em Yến ăn học nên đã lén sư thầy chuyện ấy... Một cây bút đẹp, một quyển sách hay, một chiếc áo mới,... của chị em Yến đâu chỉ từ những hạt thóc hạt gạo của ba mẹ thường ngày ngoài đồng mà còn là những con cá sông mắc lưới từ lúc rạng đông nhiều nhất là ngày rằm, mùng một.

       Dần dà những con cá được “phóng sinh” cũng mắc vào những tấm lưới khác nhặt hơn, lớn hơn nữa. Cảnh ra vào chùa ngày càng đông đúc, người người cũng muốn tự tay mình khấn Phật rồi trực tiếp ra sông thả cá xuống dòng nước trong veo kia. Những tấm lưới nằm im lìm hai bên bờ ngược dòng chảy chờ đến khi bóng người quay về dưới tán cây bồ đề trong sân chùa, mới vội vàng chia khu vực phóng mình xuống sông. Dù cuộc sống vì bát cơm manh áo nhưng là lưới của ai người ấy gỡ, mong đức từ bi chúng sinh từ thập phương trở về chùa ngày càng đông hơn, phóng sinh cá càng nhiều hơn. Mong thì vẫn mong nhưng cũng có người đã từng bị nghe chửi nào là đồ súc vật hết nghề làm ăn hay sao mà chờ người ta phóng sinh cá chưa kịp xuống nước đã quăng chài kéo lưới, như ăn giựt ăn cướp của người khác, đằng nào cũng mắc xương chảy máu chảy mủ ra cổ họng cả dòng họ mày, rồi... lớn tiếng: trời đất xui chi cứ ngày mùng một, ngày rằm gặp lũ mặt người ruột chó, chứ ngày khác thì đây không tha đâu!... Tiếng chửi rủa, tiếng hì hục kéo lưới hòa vào tiếng chuông chùa rồi cũng nguôi dần tan vào hư không. Chuyện “phóng sinh” cá bé cá con cũng là việc làm có ý nghĩa, vì chúng chưa kịp lớn chưa đúng độ khai thác. Nếu ngư dân tiếp tục đánh bắt kiểu “giã cào” chẳng mấy chốc cá tự nhiên trên sông trên biển cũng cạn dần.

          Hết chuyện cá nước rồi tới chim trời cũng được phóng sinh. Mà nói theo thuyết nhà Phật phóng sinh cho loài vật đã có từ lâu lắm vì kiêng sát sinh, ngẫm ra việc làm ấy cũng phù hợp với việc bảo tồn các loài vật quý hiếm, hiện nay cũng có nguy cơ diệt chủng. Nhưng có một số vật nuôi để lấy sữa, lấy trứng, lấy thịt là nguồn thực phẩm chính cho con người đáng được duy trì và phát triển ngày càng rộng khắp. Bởi nuôi vật là để dưỡng sinh kia mà. Thì thử nghĩ việc phóng sinh và dưỡng sinh đều cần thiết như nhau?!... Tiếng gù uất ức của những chú chim câu, tiếng lích chích bức bối của những chú sẻ đã bị nhốt trong những chiếc lồng sắt treo dày đặc trên cây nhãn ngoài sân, cả trên hiên nhà bếp sau chùa tính ra đã gần ba bốn ngày. Và cứ sáng chiều như vậy, chú Mẫn đong lon thóc đổ cho chúng ăn, hay khi chú đi ra cổng trước lúc vào sân sau chúng đều xoay đầu đưa mắt nhìn theo. Chỉ có mấy ngày như thể cả tháng cả năm gần gũi thân thương lắm. Sáng rằm hôm ấy, sau buổi đọc kinh cùng sư thầy, chú Mẫn mở chốt bật các cửa lồng sắt rộng ra lần lượt từng con bay lên cành khế gần, ngoái cổ nhìn lại, rồi lấy đà bay cao hơn, xa hơn... Còn đêm đến chú Mẫn cứ trằn trọc có phải là nhớ đến lũ chim câu chim sẻ không, chú đã từng thưa với sư thầy về những mơ ước của mình, nhưng đã gần hết năm rồi, thêm một tuổi nữa mà sư thầy cứ điềm nhiên ngồi niệm Phật. Còn hôm nay chú mạnh dạn sẻ chia từ những lũ chim phóng sinh cứ đến sáng bay về chầu chực ăn những hạt thóc của chùa, chú là thanh niên há nào... chưa nói hết câu, sư thầy lẩm nhẩm Mô Phật! Mô Phật!... Con đã suy nghĩ kĩ chưa? Mà con không phải tự xuất gia như thầy, thầy đâu dám ép! Thầy không ngăn cản mà cũng không động viên. Con cứ thực hiện theo ý của mình, chọn con đường nào đi cho hợp đạo làm người, hợp lẽ ở đời thì cuộc sống mới có giá trị. Vậy theo lịch tháng này con không phải cạo đầu nữa! Mô Phật, Mô Phật!...

          Như thường lệ, chú Mẫn đứng trước chánh điện gõ từng tiếng mõ chăm chú nghe thầy đọc kinh. Sao hôm nay cánh tay phải của chú như thể rộn ràng muốn kết thúc hồi chuông cho nhanh. Phải chăng là tiếng hát “Lá còn xanh như anh đang còn trẻ, lá trên cành như anh trong toàn dân... anh trai làng...” trên loa phóng thanh xen lẫn tiếng chuông chùa buổi sáng sớm ngân vang thúc giục. Chiếc lá còn xanh trên cành như trái tim đầy nhiệt huyết của một chàng trai ở độ tuổi hai mươi tư, há nào tự tách mình ra khỏi cành cây sum suê rợp bóng chở che nụ cười của những em bé thơ ngây từng ngày từng giờ cất cao tiếng hát, chở che cho mặt đất lên xanh phủ kín nấm mồ nằm yên trong lòng Mẹ mà những người từng một thời trai trẻ đã xông xáo tiến công trực diện với ngoại xâm,... Cái màu xanh lá là sức sống của cây. Xào xạc bên nhau những trưa hè oi bức, lặng lẽ chống chọi cái sắt se khi đông tràn về. Dẫu thường ngày lá phải chịu đựng nắng mưa gió bão và khi lìa cành có thể tự hào đã từng cống hiến tuổi xanh... Còn bên kia hàng rào râm bụt, bé Yến mười bốn tuổi đang học lớp 9 chuẩn bị đến trường, nghe rõ tiếng cô phát thanh... Rồi dáo dác nhìn sang chùa như thể tìm chú Mẫn muốn nói điều vừa nghe được. Cả nhà cháu đều quý chú Mẫn, thương chú Mẫn nữa, chú biết không?!... Hoa râm bụt của chú ngày nào chỉ có sắc đỏ, bây giờ mới tỏa hương. Hương được tỏa ra từ người cầm hoa chính là chú Mẫn.

         Vậy thì... ở nhà tiếp tục làm cô giáo dạy em học. Chú là cánh chim trời tất bay đến nơi nào yêu thích, rồi đến một lúc nào đó sẽ phải trở về ngôi chùa đã nuôi dưỡng tuổi thơ chú, nếu không có nhà chùa chưa chắc chú có được như ngày hôm nay... Nhưng với sức lực và tầm vóc như thế này thì... chú không thể ở lại... Vừa nói, một tay chú Mẫn ôm Yến vào lòng, một tay vuốt lên bím tóc đuôi gà nguây nguẩy đỏ hoe...

         Không thực hiện được ước mơ làm cô giáo, Yến học tổng hợp chuyên ngành báo chí. Thời gian ngỡ như chầm chậm, tính ra đã hơn mười năm rồi. Mái tóc đỏ hoe nguây nguẩy ngày nào cứ ngong ngóng cánh chim trời kia được một lần gặp lại. Sao cánh chim trời bay không biết mỏi. Từ bi của một chú tiểu lên chức thầy không có ruột rà máu mủ thì cũng có bổn đạo, xóm làng chứ! Hay là chú Mẫn sợ cái nhìn của Yến ngân ngấn nước hôm chia tay đầu năm ra quân. Chắc là vậy quá! Ai bảo Yến khóc. Nhớ những buổi giao lưu của trường với đơn vị bộ đội kết nghĩa, không có một ai trùng tên với chú Mẫn hết. Chú đến đâu khi giữa thời buổi công nghệ thông tin liên lạc chỉ cần nhắp chuột, nhấn nút là có xa ngàn dặm cũng nghe rõ cả tiếng nói, nhìn thấy cả người ngồi nói chuyện với mình nữa. Hay là chú... Yến không dám nghĩ tiếp!...

         Ai dám bảo hoa râm bụt là hữu sắc, hữu sắc thì càng đẹp đóng góp sắc màu cho cuộc đời thêm sinh động. Sắc lá biêng biếc bóng mượt, sắc hoa đỏ thắm giữa nắng vàng lại càng đẹp hơn. Hoa nào lại không có sắc, còn hương ư?!... Có loại có mùi hương dìu dịu nhè nhẹ thoang thoảng, có mùi hương nồng nặc ngai ngái hôi hôi,... đâu chỉ đều nhằm quyến rũ con ong cánh bướm chập chờn đến hút mật, thụ phấn cho hoa mà chính bản thân hoa không tự làm được, mùi hương còn đánh lừa khứu giác cho con người mê hoặc. Chỉ riêng râm bụt tinh khiết lắm, ấy thế mà ngày xưa chú Mẫn chỉ hái mỗi hoa râm bụt cho Yến chơi, còn bảo yên tâm với loài hoa này, chị em Yến khỏi bị ngộ độc mùi hương...

        Con gió cát, gió muối sát lên tay người cứ rít vào da thịt Yến, cô ra khỏi phòng khách, bước chân xuống hai bậc tam cấp mà mắt không rời bụi râm bụt suýt nữa thì đụng phải anh nuôi trong tiểu đội hậu cần từ dưới bếp đang cầm phích nước đi vào hớn hở thân mật bắt chuyện:
       - Hình như trong đất liền không có loại hoa râm bụt này phải không chị!...
       - Dạ...! Dạ không phải ạ!... Yến giật mình ngạc nhiên đáp lễ cứ ngỡ như người đối diện biết hết điều Yến vừa nghĩ đến.
       - Chị ơi, trong đoàn ra đảo đợt này có mười một cô vừa là nhà báo, nhà văn, nhà thơ và có cả nhà “ca” nữa, thế thì xin lỗi chị có thể bí mật trước, chị thuộc “nhà” nào để chiều nay có buổi giao lưu văn nghệ chúng tôi còn chuẩn bị quà tặng riêng cho các “nhà” đấy nhé! 

        Yến ngẫm nghĩ “nhà ca” là ca sĩ, tủm tỉm cười để lộ đồng tiền nho nhỏ bên trái rồi thể như đánh lạc hướng:
       - Nếu như em thuộc diện bốn nhà thì anh có bốn phần quà nào cũng bật mí cho em biết trước có được không?...
       - Câu hỏi khó trả lời quá chị ơi! Nếu “chị” thuộc diện khác như nhà “tôi” thì... đơn giản, bí mật và đầy bất ngờ hơn chẳng hạn đưa môi mình đặt lên má nhà “tôi” theo sau là tiếng vỗ tay kéo dài của đám lính chúng tôi đua cùng tiếng sóng bất tận...

       - ... 

      Yến ngượng đỏ mặt, nếu như trong đất liền thì thế nào anh lính cũng bị Yến chỉnh lại một câu, nhưng lúc này Yến trợn tròn đôi mắt, rồi cả hai cùng cười.Yến theo anh nuôi vào khu nhà ăn khang trang sạch sẽ. Trên mỗi bàn dành cho bốn người đặt một cái mâm i- nôc hình chữ nhật nhiều ô đầy kín thức ăn: Rau xanh đã luộc chín, nước mắm ớt tỏi, bốn con cá nục lớn chiên vàng, thịt heo xào với măng khô, một nồi canh chua nho nhỏ bên cạnh thau cơm trắng ngần nóng hổi phả hương thơm phức mời cả bàn cầm đũa cho buổi trưa đầu tiên dừng chân lên đảo. Người lính trẻ trong bộ quân phục hải quân ngồi đối diện mời cơm và tự giới thiệu mình ra đảo gần bốn năm, lúc đầu nhớ nhà ghê lắm, ở riết trên đảo đâm ghiền tiếng sóng rì rầm chị ơi. Yến cười đáp lễ rồi tập trung đưa đôi đũa gắp một miếng cá bỏ vào miệng nhai tấm tắc khen ngon quá! Các anh quanh năm thưởng thức cá tươi như thế này thì còn gì bằng... Nói đến đây, Yến nhớ mỗi lần trong mâm cơm mẹ Yến tự hào một thời thanh niên nhờ quen tay và biết chế biến thức ăn nênba Yến nấu ăn khéo lắm, rồi Yến vanh vách theo dòng hồi tưởng đầy tự hào là thời ba Yến là bộ đội chiến trường Campuchia từ năm 1978, đương chức binh nhì, rồi năm sau lên được binh nhất nhưng không trực tiếp cầm súng nữa vì bị sốt liên miên, ba Yến được đưa về quân khu điều trị, tuy là sức khỏe có yếu đi nhưng dạn dày rắn chắc hơn thời còn là học sinh phổ thông nên ba Yến xin được chuyển làm công tác hậu cần ở biên giới Tây Nam đất nước. Cái nắng giữa mùa khô ở Tây Trường Sơn rông rốc, thuận tiện cho việc bếp núc lửa củi ít vất vả so với mùa mưa. Nhưng dẫu là mùa mưa hay mùa khô, để có từng chảo cơm trắng thơm phức không như bây giờ chỉ vo gạo và đổ vào nồi, canh mực nước cắm phích điện nấu chín là dùng ngay. Phải tội lúc ấy chưa có máy lọc sạn, muốn nấu cơm trước hết phải ngồi hàng giờ đãi gạo, lúc đầu chưa quen, nên khi ngồi vào bàn ăn cơm chính ba Yến lại nhai phải những hạt sạn còn sót lại làm ghê cả hàm răng chẳng thấy cơm ngon chút nào. Ba Yến hay tự khen là để nấu được một nồi cơm chín ngon ở biên giới còn khó hơn đánh giặc!... Bởi xưa nay ba Yến chỉ ăn cơm người khác nấu, đâu biết cái vất vả phải ngồi canh lửa củi thế nào để cơm không bị tầng lớp: sống, nhão, cháy, sạn. Từng chảo canh rau thịt ngọt thơm phức mùi hành, những con cá hấp đến tận núi rừng càng vàng giòn hơn trong mỗi chảo dầu ăn cho ngon miệng. Đâu riêng gì ba Yến, các chiến sĩ hậu cần ai cũng vậy.

         Vết thương chiến tranh biên giới trên đất liền sau những năm bảy lăm của thế kỉ trước hằn sâu trong kí ức mỗi công dân Việt Nam và khi khơi gợi thì nó cuồn cuộn theo cùng con sóng ngoài khơi cứ đỏ quạch như râu ngô trên nương rẫy khó mà hòa trong biển cả, hay đó còn là da thịt máu xương những chiến sĩ nằm lại quanh đảo Gạc Ma thuở nào. Chỉ nghĩ đến thôi mà khối chì từ đâu như chực sẵn thừa dịp đè lên trong lồng ngực của Yến, Yến cúi xuống cố và cho hết miếng cơm, nhưng chén cơm vẫn còn nguyên, không dám nói thêm cái điều mất mát đau thương mà các anh nơi đây đang từng giờ từng ngày đương đầu với thử thách lớn..

       Lúc này bất chợt cả hai cùng im lặng. Cái im lặng không lâu khi anh lính hậu cần bắt gặp ánh mắt Yến chớp chớp liên hồi... Bởi cả hai đang nghĩ về những năm tháng chiến tranh về những người đi trước, những đồng đội của cha anh, của bạn bè đang ngày đêm canh giữ biên cương hải đảo, rồi nghĩ tự dưng mình lại... là cán bộ tuyên huấn, mà được làm cán bộ tuyên huấn càng tốt chứ sao đâu!... Anh lính chuyển lại “đề tài” nhắc Yến là chị có thích quanh năm thưởng thức món cá tươi như thế này không? Yến cũng đã hiểu ngồi trong bàn ăn với nhau cần thoải mái hơn nên chị mau mắn: - Nếu em thích thì sao, còn không thích thì sao! - Nếu chị thích thì ngay chút nữa đây làm lễ đổi vị trí nhá! Vừa nói vừa cười, anh lính như được thể sẻ chia cũng có người chẳng bao giờ muốn đổi vị trí như trung úy của tôi, say sưa mấy năm liền hết ở trên nhà giàn này đến nhà giàn khác, chỉ lên đảo chưa giáp tuần lại nhớ nhà giàn mới lạ chứ! Anh ấy còn nói ở trên đấy bốn bề là gió đâu cần điều hòa, bạn với cánh chim trời, độc nhất chỉ một loài chim biển. Chúng là là bên nhà giàn rồi đậu trên vai các chiến sĩ, có một điều lạ là khi anh ấy đưa tay vuốt ve mỏ quặm chúng, thì chúng như thể được dịp ngẩng cái đầu lên cao như muốn bảo rằng loài hải âu đâu chỉ bền sức ở đôi cánh dài mà rất lợi hại chính là ở cái mỏ này thôi. Yến bảo ước gì được gặp trung úy của anh để nghe kể tiếp về loài chim biển dễ thương ấy!.. Anh lính thao thao như được dịp ngợi ca cấp chỉ huy của mình, vừa nói vừa nhìn ngón tay áp út trên bàn tay trái của Yến đeo chiếc nhẫn có đính một hạt đá trắng, anh chững lại: Chị biết không, đúng ra giờ này các anh chị được ngồi dùng cơm cùng trung úy, nhưng vừa rồi vợ thiếu úy Thắng sinh chưa giáp tháng, nên anh ấy trực thay phiên cho thiếu úy Thắng trở lại Trường Sa lớn chăm vợ một tháng nữa. Hay chị ở lại trên đảo nổi với chúng tôi có tiếng nói cười của phụ nữ rộn ràng hơn. Yến phân vân trả lời đi theo đoàn mà! Chị còn định nói thêm chỉ hai tuần nữa... rồi chị đưa bàn tay phải che kín chiếc nhẫn đã đính hôn trong ba tháng trước khi ra đảo. Nhưng lúc này ở đây nói ra cái điều ấy thì... không thể, chị hẹn chờ dịp khác sẽ cùng một người nữa ra đảo thăm các anh và biết đâu đất lành chim đậu!...

         Nghe kể lại trong đoàn có hai Yến, nhưng có phải Ngọc Yến tuổi chưa tròn trăng sang chùa chia tay rồi theo sư thầy xuống sân vận động huyện tiễn anh lên đường, chú tiểu Mẫn ngày nào giờ ngồi chăm chú lên màn hình vi tính tìm trên gương mặt quen thuộc và nhận ra cái nhìn sắc bén trong đôi mắt đen dưới hàng mi cong vút. Đúng là Yến rồi! Yến của anh, nhưng sao không là cô giáo!... Những ý nghĩ thoáng qua rồi vụt tắt khi con sóng lớn đập mạnh vào bờ đá, anh giật mình với những cảm xúc riêng tư gò bó quá. Với anh, nghề nào cũng vậy, vinh quang sẽ dành cho những người hoàn thành nhiệm vụ, ý thức thái độ tích cực với công việc luôn được trân trọng. Anh vẫn hằng nhớ và thầm ước ao Yến làm cô giáo để sáng sáng những cánh râm bụt bung mở trong lon sữa bò trên đầu hè mười lăm năm trước kia giờ chỉ là kỉ niệm!... Anh nhìn ra ngoài có một chút gì đó thể như nuối tiếc, thể như khát khao, không sao tránh khỏi cái nắng hạ vàng tự nhiên của trời đất được, có lẽ nắng hạn sẽ chỉ kéo dài theo mùa, còn sắc hoa râm bụt trong mắt anh vẫn thắm như xưa... 

 5.5.2014 

*Trích NƠI TÌNH YÊU GIỮ LẠI (NXB HNV, 2018)