Thứ Tư, 8 tháng 4, 2020

SÔNG CÔN TRĂN TRỞ THEO MÙA, Nguyễn Thị Phụng.


          SÔNG CÔN TRĂN TRỞ THEO MÙA.
                                                    Nguyễn Thị Phụng.
        Mượn từ Sông Côn để nói đến thi nhân sinh ra ở làng Thuận Nghĩa, chắc hẳn người Tây Sơn Bình Định đều trân quý anh. Nam Thi, bút danh từ khi “viết lách”(những năm 1965) và tòa soạn báo Thanh niên là ga cuối trước khi anh về hưu. Còn khoảng “bí mật”với chừng thời gian ấy anh đã làm những gì: - Duyên nợ “chuyện đời” gởi vào trang văn với hai tập truyện ngắn Nụ hôn đầu của chim én, Nàng Eva góa bụa (NXB Văn hóa Văn nghệ, đầu năm 2019). - Trả vay trên từng dòng sông Trăn trở tuổi mười tám*(1965) nhẹ nhàng kín đáo, Tiếng hát lên đường*(1967) từ lúc đôi mươi… Rồi mãn nguyện dự báo “Và cái bóng của tôi rồi cũng biến mất”(Tựa), nên khao khát sẻ chia:“Tôi không tìm thấy tôi”(NXB Hội Nhà văn- 2019) tập thơ đầu tay ở tuổi 72, vẹn nguyên sen hồ theo mùa xôn xao. Ẩn trong Hoa cho Tết và Em *(1980) lặp lại thường niên, tươm tất trang trọng, duy trì nét đẹp văn hóa không được lãng quên trong mỗi cá nhân, gia đình.
         Tựa đề Tôi không tìm thấy tôi,Có thể tôi không có thật, tìm tôi uổng công”, nhưng tôi từng tồn tại thế gian này, được xác tín đúng thời điểm đỉnh cao công nghệ thông tin cập nhật ngõ ngách làng quê. Giữa cái thật chân chính lại có cái ảo mơ hồ rập rình liếm láp. Sự ngộ nhận “cái ảo” bị bác bỏ, bởi “cái thật” lịch sử thuộc về thế hệ trước xả thân cho hôm nay: “Con đường Nguyễn Du mát bóng me/ Ngày hai buổi anh đi về./ Biết mấy mùa Xuân đã qua trên con đường đó/ -Những mùa Xuân lửa đỏ/ Mười mấy năm đời anh gian khổ/ Để Xuân này anh chở em đến sở/ Đưa em vào ca đầu năm.”(Hoa cho Tết và Em)* giao mùa khởi sắc. Ba trăm sáu mươi lăm ngày qua, hay quá khứ khép lại, chút mưa xuân rắc hạt quanh thềm, lung linh nắng mới, hoa giấu mình trong hương mà hương cứ tỏa, thẩm thấu thơ văn thời Lí Trần ngày ấy:“Hồn nhiên người với hoa vô biệt/ Một đóa hoa vàng chợt nở bung” gieo vào tâm thức thi nhân, giá trị bản chất cuộc sống thường ngày mỗi người gắn kết cộng đồng xã hội. Mùa xuân hương sắc ấm áp, lan tỏa từ trách nhiệm “Còn nửa giờ nữa anh vào họp/- Những ngày vui, Công an vẫn bận/ Tranh thủ ta đi mua hoa nghe cưng” điệu nói tâm tình lãng mạn, chừng mực mà sâu lắng nồng nàn tình yêu hạnh phúc gia đình kết nối:
      Mình mua hoa cúc tím cho em
      Em có thể nghĩ đến màu nhớ thương
      Màu của không-bao-giờ-quên
      Nửa cuộc đời qua của riêng em.
      Mình mua hoa lai-ơn đỏ cho anh
      Màu hoa như màu áo cưới của em,
      Màu của cuộc sống và hy sinh
      Cho nửa cuộc đời còn lại của chúng mình.
                        (Hoa cho Tết và Em)*
       Phải chăng Màu của cuộc sống và hi sinh nhắc nhở nhau trên Những chặng đường đã qua*, theo năm tháng gánh vác, gian nguy mà kiêu hùng, vẹn nguyên: “Được tin hắn vừa chết hôm qua/ Mà tôi không về được Sài gòn để viếng./ Delete tên mà nhớ hắn vô cùng/…/ Nhưng làm sao tôi xóa hắn trong tim tôi./ Người bạn chí cốt một thời sống chết có nhau./ H. ơi.”(Delete tên bạn tôi, 2010)* Cuộc đối thoại tâm tưởng hay tự soi mình về một thời tuổi trẻ cống hiến, bởi không gian hiện hữu và quá khứ đan xen: “Có bao nhiêu trận mưa/ Trong suốt đời ta/ Làm sao ta nhớ hết?/ Mưa đầu mùa quê nhà/ Ruộng cày vỡ phơi suốt mùa hạ/ Đất hồi sinh sau những ngày khát nước…/… Mưa rừng Miền Đông xối xả/ Đọt mì non ngửa bàn tay lá/ Hứng trận mưa chiều/ Nhão nhẹt bùn đất đỏ/ Đường hành quân chân bước liêu xiêu./ Đồng Tháp Mười mùa nước nổi/ Mưa ướt áo…/Áo khô rồi lại ướt/ Đêm vượt biên giới cười Kinh Kha:/Ta đâu chỉ một lần qua sông Dịch…”( Mưa Sài Gòn chợt nhớ.)*. Và lúc này trái tim “siêu ngã”(Freud- nhà phê bình văn học trạng thái tâm lí) của thi nhân và người chiến sĩ quyện vào nhau, giữ vai trò chỉ đạo “tự ngã” trong cuộc đấu tranh với “bản ngã”, đồng thuận với hồn dân tộc đất nước…
       Tôi không tìm thấy tôi luôn thường trực nỗi nhớ. Khơi gợi từ những Nhịp cầu* Nghe tin bạn về thăm Huế*, cứ cồn dâng: “Nỗi mình ai sẻ mà chia?/ Cõi người bến tỉnh, bến mê phương nào?” Đến khi lần về thăm Huế ơi*, Huế- Ngày về* sau năm mươi năm trở lại: “Nếu có thể vo tròn nỗi nhớ/ Thành hòn sỏi nhỏ/ Quẳng xuống dòng sông./ Triệu triệu năm/ Nước chảy không mòn”(Qua cầu Trường Tiền)*. Nước chảy, đá mòn nhưng dễ gì nỗi nhớ triệu triệu năm sao mòn được những dấu yêu một thời ở quê ngoại đến trường, cộng thêm tình mẹ thiết tha: “Mẹ tôi xa Huế/ Theo chồng về tận đất phương Nam/ Mang theo lời hát ru của Huế:/ “ À ơi,/ Gió đưa mười tám lá xoài/ Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi/…/ Đường đi dài/ Mẹ tôi đi không trở lại…” (Mẹ ru)*. Trong Tấm ảnh cuối cùng của mẹ* thể lời di chúc khắc ghi Huế quê mẹ ruột rà có dòng Hương giang thơ mộng bấy lâu; Bình Định quê cha, máu mủ với mạch nước Sông Côn trăn trở theo mùa. Hòa quyện sóng đôi từ nguồn Trường Sơn làm nên cốt cách Nam Thi, ngọt ngào lời tự tình lục bát khi Về với dòng sông*:
        Ta về ngồi với dòng sông
         Chìm trong đáy nước mênh mông mây trời
         Ta về trong dáng núi soi
         Trông hoàng hôn xuống ửng trời Tây Sơn
         Ta về cắn cọng rau non
         Ăn con cá nhỏ, tắm con sông già
         Về với dòng sông để được tắm con sông già đã là hạnh phúc. Từ vẻ đẹp nguồn cội Tình quê lúa lép, lúa lừng*, của tuổi thơ ngày ấy ăm ắp Buổi chiều nghe em hát* về Sông Côn đôi bờ*. Giờ Em là ngọn gió*, Anh như là ngọn gió* thong thả  Rong chơi giữa đời*. Chút lãng đãng nên thơ, dù biết rằng lúc Tiễn bạn về Nha Trang*, hay trở lại Quy Nhơn*, Diêu Trì* đâu phải là Đường đi không tới*. Nhưng trên mỗi điểm dừng, Nam Thi đều lưu kỉ niệm (Thành Hoàng đế kí sự, An Khê kí ức hóa thạch, Hạt phù sa Champa tươi rói,…)*. Trong Kí ức của dòng sông*, thoáng Lao xao và tĩnh lặng*, ngẫm Xem tượng Quang Trung* mà băn khoăn: “Ta không quen thấy Người giáp trụ, long bào/ Như tượng đồng người ta mới dựng”. Bởi Người anh hùng áo vải, nghĩa khí hào hùng:
         Suốt đời Người quen ngồi trên yên ngựa,
          Vung ba thước gươm dọc ngang
          Đánh Nam dẹp Bắc
          Người chưa quen ngồi trên ngai vàng
          màng che, trướng phủ.
         Suốt đời Người quen ở giữa chốn ba quân,
        Quen nghe tiếng ngựa hí voi gầm, quân reo dậy đất, trống trận bập bùng
”...
        Tôi không tìm thấy tôi không là khoảnh khắc Mặc niệm*: “Lãng phí như trận mưa chiều cuối hạ”, chính chung quy Ngày của mẹ* cũng như Mẹ nhớ lời con dặn* tồn tại được mất là tất yếu: “Rồi con cũng sẽ già như mẹ/ Cũng mỏi mòn ngóng đợi con xa…”. Nên không quên: Chúc phúc con gái lấy chồng*. Riêng mình khi Chiều đã xanh rêu*, còn Vòng tay của đêm* ấp ủ sự tiếp nối sắp đặt tự nhiên, khoảnh khắc: “…Hoa ngẩng trông một trời mây trắng/ Nắng chiều nghiêng rưng rức tử kinh/…/ Cũng như mây đời ta trôi nổi/ Một chiều về soi bóng dòng sông”(Hạ vừa lỡ trượt sang thu)*, tìm thấy Những hòn cuội giữa dòng*: “Âm vang của thơ” quay quắt xót lòng: “Thương ngọn cỏ cháy vàng/ Thương dòng sông đang chết…”(Đất đợi)*giữa mùa khô hạn, giờ điệp khúc hân hoan:
    Ruộng đồng không chỉ đợi nước trời
      Nước dự trữ trên nguồn sẽ chảy về cho mùa gieo hạt
      Rồi trời sẽ mưa cho mát lòng người, vui lòng đất
      Những cánh đồng rồi sẽ xanh mát mắt em ơi
                               (Về quê mùa nắng lửa)
       Cảm ơn nước dự trữ trên nguồn, cảm ơn những cánh đồng xanh mát, hay chính là lời cảm ơn những đôi tay cần mẫn làm nên mùa vàng. Nhà thơ còn … lần theo cảm xúc xao động trào dâng ở những chùm Thơ bốn câu*: “Anh về dưới giã tìm chút gió/Mà gió trùng khơi chửa kịp về/ Chợt nhớ Tây Sơn chiều ráng đỏ/Mưa nguồn gió lộng nẻo sơn khê”, tạo vật theo vòng luân lưu: Những chiếc lá khẽ chạm vào nhau/ Cùng sẻ chia nắng sớm mưa chiều/ Cùng khô vàng để gió cuốn theo”(Chùm thơ Haiku)*. Đơn giản đóa vô thường đằm thắm sắc thiền đã ướm, giữa người và thiên nhiên hợp thành cảm thức thẩm mĩ cô đúc làm nên thi hứng sáng tác.
      Nếu như “Biên niên sử trên cánh đồng hoa bất tận”* chắt lọc từ tâm hồnThi dĩ căn tình, tại tâm vi chí, phát ngôn vi thơ” của người xưa, tác giả gởi vào Lời kết: “Giờ thứ 25 dành cho thơ và em”* ung dung trọn vẹn: “Anh dìu em qua đường như chàng trai ngày đó/ Và trái tim vẫn lặng lẽ/ gõ nhịp bài hát tình yêu”(Mỉm cười với nắng vô ưu*).
        Nên chăng sự phủ định thách thức“Tôi không tìm thấy tôi”tất yếu. Nhưng bạn đọc tâm đắc khẳng định Nam Thi hóa thân vào cả tập thơ: Lúc mộc mạc thân tình, lúc day dứt suy tư, lúc bày tỏ chính kiến về những chặng đường(dấu mốc thời gian từ 1965 thế kỉ XX đến giờ), những dòng sông vượt ghềnh thác đổ về xuôi mà tự hào, dẫu biết: “- Lịch sử im như đất/ Không biết khóc biết cười/ Tình im như hạt thóc/ Gieo vào đất nẩy chồi”(Thơ bốn câu)* đâu chỉ chiêm nghiệm tình đời mà thăng hoa cách sống trọn vẹn đẹp tựa sắc hương theo mùa bung nở./.
                                                                                       09.12.2019.  Nguyễn Thị Phụng.
____________
*Tên các bài thơ trong tập.

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

KHÔNG LÀ NGÕ HẸP của Nguyễn Thị Phụng


KHÔNG LÀ NGÕ HẸP

               (Đọc Ba tao bay ra ngoài của sổ và 9 truyện ngắn khác của Trần Nhã Thụy, NXB HNV 2020)
            Không phải lục tìm ở quầy sách, chỉ cần cuộc gọi từ người bưu tá đến tận nhà là tôi sở hữu Ba tao bay ra ngoài cửa sổ và 9 truyện ngắn khác của Trần Nhã Thụy. Xác định nhà văn có duyên tiếp thị sách như những truyện anh viết. Tôi chẳng quan tâm đến lời cảm ơn của tác giả. Hay đoạn trích Nhà văn quèn và đạo diễn lừng danh*, kể cả “Con người ta có thể học hành nhiều thứ, nhưng không có một trường lớp nào dạy con người ta sống thú vị”(Ba tao bay ra ngoài cửa sổ)* lại là đáp số “thú vị” cho bạn sau khi đọc xong tập truyện ngắn này. Cứ thênh thang đường bay hướng đến đích cần tới, đến việc cần làm. Bởi nó không là ngõ hẹp đâu.
          Nhà văn và cuộc sống: Không theo mô-tip truyền thống cổ điển, mặc dù họ là những nhà văn thế kỉ trước trước nữa đi nữa, thì Trần Nhã Thụy với phong cách lập luận riêng những cảm xúc cách dẫn truyện bắt nhịp từ một cây cầu nối Những kẻ câu đêm* đến những kẻ Râu câu ngày quyền rủa “Trên đời này làm có cái chó gì tinh khiết” sau “…lần Tay trái nửa đùa nửa thật rằng, ước ao lớn nhất của đời gã là được nằm trên giường cùng lúc với hai cô nàng sinh đôi con của lão Râu”(tr.29) Sự châm chọc cạnh khóe rồi cũng đề huề quanh bàn tiệc rắn dã ngoại “ăn đêm”. Bởi ở họ có sự đồng nhất như cái tên gọi ẩn dụ quanh chiếc cầu đêm: Râu, Trọc, Chân ngắn, Tay trái không giống truyện ngụ ngôn Chân Tay Tai Mắt Miệng. Ở đây, nhà văn mở đầu cuộc chơi kí hiệu ngôn từ vừa nhập cuộc vừa tan rã. Còn cách vào truyện với nhân vật “tôi”: “Sẽ không biết ở đó có một cây cầu, nếu như không rời khỏi con đường quen…” Chính con đường quen dễ dẫn dụ người ta chi phối rất nhiều những sinh hoạt thường ngày, kể cả văn hóa viết đọc khó khăn lắm mới dễ duy trì, nhưng nhu cầu thể chất đã lấn lướt. Vậy thì qua cái kết cuộc trò chuyện giữa “tôi” và G. “Chúng tôi bắt đầu từ sự ngạc nhiên, sau đó tái diễn nhiều lần. Triết học bắt đầu từ chỗ ngạc nhiên…” có gì là lạ. Suy cho cùng, bản lĩnh người cầm bút chẳng những am hiểu thực tế, nhưng đồng thời là người sáng tạo phong cách riêng, không pha tạp, trộn lẫn không thể làm theo dù đó là đơn đặt hàng “khủng”khi đọc Nhà văn quèn và đạo diễn lừng danh*.
         Chết lúc 9 giờ sáng* cũng cùng chủ đề về người cầm bút. Bước đường của thi nhân không là tự sát, không thể dựa vào thơ mưu sinh. Có chăng nhát dao của tên nghiện nào đó kết thúc một mạng “thi nhân” cái chết buồn tẻ tiễn đưa , làm trăn trở nhân vật tôi: “… Nhưng càng về sau, tôi càng nghĩ về cái chết của Phong. Có ngày, tôi chỉ nghĩ về cái chết của Phong. Phong chết năm 24 tuổi. Nguyên do gây ra cái chết xem ra có vẻ hài hước và cay đắng. Tôi không nghĩ chết là buồn. Chết là nhẹ gánh. Chết là tự do tuyệt đối. Chết là hết mệt. Tôi luôn thấy mệt… Thật vớ vẩn nếu phải chết vì cúm gà cúm heo. Nếu tôi cũng chết năm 24 tuổi, thì bây giờ tôi là cái gì?Từ đây, tôi sẽ sống tới bao lâu, rồi chết?Rồi tôi sẽ là cái gì…” Là sau đó những dự định in tập thơ cho Phong và chứng kiến những (Mối tivi đặt câu hỏi rồi nói như khóc trước máy quay), (Đọc thơ Châu Âu tỏ ra điềm tĩnh, khúc chiết, nhắc lại), (Học viết văn ở Mỹ phàn nàn, tặc lưỡi), có cả Nữ doanh nhân kiêm nhà thơ,… diễn ra không trên sân khấu mà ngay chính nơi Kỳ Phong gục xuống trên sân vườn nhỏ ở quê nhà mình. Xót xa đau đớn đến tột cùng cái nghề làm thơ, mòn mỏi bản thảo gởi đi tăm biệt, đáp trả bằng thời gian đợi chờ kì vọng trong nghèo đói xác xơ. Để rồi: “Trên thềm hè nhà Phong. Tôi còn sống. Tôi đang sống. Tôi sống. Tôi ngồi trên chiếc ghế mà (có lẽ) Phong đã từng ngồi. Chờ một bóng người ngoặt vào sân” cho một cái kết khác nào sự tiếp nối. Truyện viết về người cầm bút trăn trở và ám ảnh người đọc sống trong lặng lẽ cô đơn tột cùng.
        Cái đích của một số người là gì? Có thể là truyện ngắn Súng săn ám ảnh không chỉ hạ gục loài thú cho mối bữa nhậu với nhau, mà nhắc nhở người dùng phải thận trọng, cân nhắc nếu như người đàn ông bốn mốt tuổi (Kỷ) không giương nòng súng bắn vào bụi rậm lại trúng ông năm mốt, người cùng nhóm săn. Và nếu như buổi sáng ra ông Đồng không say rượu đánh vợ, và nếu như để tự vệ bà vợ không cầm con dao,… Cũng là một sự trăn trở ở nhân vật tôi- người kể chuyện đọng lại cái kết: “Lúc này, tất cả những gì tôi muốn là một khẩu súng và nắn nó trong tay”. Còn Con ngựa trong phòng ngủ luôn có sự móc xích đến cái chốt cuối cùng đầy ám ảnh trần trụi những chuyện đời giữa những người “bạn” với nhau. Từ chuỗi đường mưa giữa không gian thực và hình ảnh gã cao bồi trong phim tán tỉnh được và kẹp cô nàng chủ quán rượu đặt trên lưng ngựa phi về phía chân trời kia. Đến cuộc gọi của người bạn gởi trả cặp trống Djembe Châu Phi, giữa tử tế mượn sử dụng và trả lại cho tôi lắm công nhọc nhằn cũng phải chứng kiến qua nhiều “lớp lang” mà chao đảo tâm hồn. Ám ảnh cả một trường liên tưởng: ngựa- người, người- ngựa dễ dàng thong dong.
        Về một cuộc mưu sinh. Văn hóa ẩm thực luôn gắn liền với cá nhân và tập quán mỗi gia đình, cộng đồng. Theo xu hướng xã hội tiện gọn dễ dàng đến với người tiêu dùng thì Shipper vĩ đại và nước mắm gia truyền* đã nói lên được niềm vui cuộc sống về kí ức tuổi thơ, về hình ảnh người mẹ với nghề thống cũng được phát triển. Còn khi đọc Những chiếc lông công trên phố bụi mù* chính là kịch bản cho cuộc mưu sinh đầy hấp dẫn xu hướng người tiêu dùng lẫn lộn giữa mơ và thực.
       Tâm hồn tuổi thơ. Truyện ngắn Những đứa trẻ tóc bạc viết về thế giới tuổi thơ lạc loài nhưng rất hồn nhiên, luôn bày thái độ đối với người lớn: “Nó rất ghét những người hút thuốc lá, nhạy cảm với mùi thuốc lá một cách đặc biệt. Mỗi khi ông hàng xóm ra trước nhà hút thuốc, khói vừa bay lan sang là nó chạy ra đóng chặt cửa lại. Nó tự vẽ những poster có nội dung chống hút thuốc lá, dán một cách công khai và mỹ thuật trong nhà…” và chính điều đó cảm thức cho người lớn nhân vật “tôi” tự trọng hơn đã “không dám hút một điếu thuốc nào mỗi khi về tới nhà./ Nhưng bây giờ thì tôi quyết định bỏ hẳn thuốc lá khi không có ở nhà” cùng với sự quan tâm đến những đứa trẻ đi vào trong cùng giấc mơ: “thấy mái tóc của thằng con trai tôi trở nên trắng xóa. Những đứa trẻ mà tôi gặp trên phố, con trai và con gái, tóc cũng bạc phơ như vậy. Nhưng tóc của người già đen nhánh, đen một cách kỳ quặc như được nhuộm hàng trăm hàng vạn lần…” “Tóc bạc” đã không còn là sự phát triển tự nhiên của con người nữa, mà chính là sự già dặn của nhận thức và thái độ.

         Riêng Ba tao bay ra ngoài cửa sổ đọng lại kí ức tuổi thơ khó quên về cú ngoạn mục đẹp mắt như trong thế giới thần tiên có phép màu. Cái phép màu ấy chỉ có thể làm giàu sự tưởng tượng phong phú từng độ tuổi mới lớn. Đã thành đề tài khai thác tranh luận tò mò cho lũ trẻ cùng lớp tập trung theo dõi câu chuyện đầy bản lĩnh, tự tin: “Mày không biết thì nín dùm cái đi. Bay ra ngoài cửa sổ thì cần gì siêu nhân. Ba tao hả, ba tao luôn là người đầy năng lượng. Chỉ cần búng một cái là ba tao bay ra ngoài cửa sổ” cùng với suy diễn của thằng bé có quyền diễn dịch theo ý của mình…Và thật dễ thương cho những lời thoại chất vấn những câu hỏi của đám bạn như: “Nhảy cửa sổ, chắc chắn là do chán học, nếu không chán học thì nhảy của sổ làm gì? Ba mày là học sinh cá biệt. Rồi ba mày có bị làm sao không?...” Và không gian tuổi thơ vô cùng hấp dẫn:  Thường thì nó đợi bọn kia tung ra hết các câu hỏi, rồi nó mới lần lượt trả lời… có khi nó bảo đám bạn về nhà suy nghĩ đi, sử dụng hết các quyền trợ giúp đi, nếu không có đáp án cuối cùng thì hãy tìm tới nó”. Cách dùng từ bay- bay ra ngoài của sổ, thế giới thoáng đãng cảm xúc thì lại đối lập sự quan tâm bó buộc của giáo dục. Phụ huynh phải nhượng bộ công tác quản lí nhà trường: “…đó là câu chuyện bịa đặt kể cho vui thôi, không có thật đâu,…  nếu như tôi nhảy của sổ thì phải bị sao đỏ hay như thầy giám thị đây phát hiện, rồi cô chủ nhiệm bắt làm kiểm điểm, rồi cô hiệu trưởng mời lên phòng uống nước trà, như vầy nè. Chứ làm gì có chuyện nhảy của sổ trốn học mà không bị gì. Chuyện kể cho con nít nghe thôi mà. Tôi xin lỗi vì đã đùa quá trớn. Cũng có thể là do thần kinh tôi có vấn đề. Tôi thành thật xin lỗi. Xin các vị hãy tha cho tôi…” đến đoạn kết ra về trong một tâm trạng đầy dao động “…mắt cứ dán mãi xuống mặt đường, không biết trên cao kia có cái gì đang bay, hay chỉ là những hạt mưa bắt đầu rơi xuống”. Và đến lúc này người đọc mới thực sự lưu ý lời đề từ Nhà văn Trần Nhã Thụy đã dẫn vào trang bìa “Con người ta có thể học hành nhiều thứ, nhưng không có một trường lớp nào dạy con người ta sống thú vị.”
          Thêm một cái kết khẳng định: “Một câu chuyện tưởng tượng, nó bắt đầu từ một trưa tôi rảo bộ ra phố tìm một tiệm cơm bình dân,…nhưng rồi thấy mấy chú công an phường cùng một đám lâu là dân phòng lùng bắt mấy người hút thuốc lá lậu, rồi tôi bỏ bữa ăn tò mò ngồi dòm, rồi rốt cuộc tôi mua được một hộp xì gà Cohiba,… tôi vẫn để hộp xì gà trong túi xách của mình để thỉnh thoảng lấy ra đưa lên mũi quẹt quẹt hít hít như một kẻ nghiện ngập dở người”(Hội xì gà). Vậy công việc nhà văn, sự lặp lại sáng tạo từ hương thơm thực tế “quẹt quẹt hít hít như một kẻ nghiện ngập dở người” cộng với “câu chuyện bịa đặt” làm tròn tác phẩm nâng cao giá trị thẩm mĩ thu hút độc giả của mình.
       Ba tao bay ra ngoài cửa sổ có thể xếp vào những tập truyện ngắn chọn lọc cho ta suy ngẫm công việc người cầm bút 2020 này, hay xưa nay có thế không.
07.04.2020.