Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2021

Tung cánh nghe em , truyện ngắn Nguyễn Thị Phụng*

Tung cánh nghe em 

            Trời sáng hẳn, những hạt mưa cuối cùng trong đêm cố bám trên mặt lá cây cũng phải rơi xuống khi cơn gió đầu tiên trong ngày khẽ đưa. Đã ba hôm rồi, anh Chào Mào mất ăn mất ngủ lo cô bạn gái thích tự do vi vu một mình để đi tìm tứ thơ đãbị sa bẫy cũng chỉ vì tính hời hợt, vô tư, lại tham ăn nữa chứ!... Anh đậu trên nhánh dừa bên bờ sông trước ngôi nhà hay nói đúng hơn là một cái biệt thự nhỏ xinh xắn rợp bóng cây ăn trái. Mấy ả chim sâu lích rích chuyền cành rồi đưa cái mỏ nhọn hoắt mỏng manh hình cái liềm bới trong kẻ lá khi chú sâu con còn ngái ngủ. Cả họ nhà se sẻ rộn rã chích chích tự nhiên bám chặt trên đường dây điện rồi cùng nhau bay là là đáp xuống mặt sân xi măng, chưa được một phút lại cất cánh bay lên cả đoàn như đang tập thể dục buổi sáng trông đều đặn làm sao. Anh Chào Mào nóng ruột lắm chờ ông người đã bỏ tiền ra mua lại cô bạn gái của mình ra khỏi nhà với bộ đồng phục tươm tất. Khi tiếng xe xa dần, anh Chào Mào mới mạnh dạn cất cánh bay thẳng đỗ trên cành khế ngọt sát hiên nhà, đưa mắt vô chiếc lồng mây cất tiếng:

           - Tối có ngủ được không em, đã ăn gì chưa, anh còn dành phần miếng mồi cho em nè!
          Cô bạn Chào Mào than thở:
          - Làm sao đưa em ra khỏi chốn này, mới ba ngày trong cái lồng bé nhỏ chật chội cứ ngỡ là đã ba thu, em thấy tù túng quá. Mặc dù nhìn ra vẫn thấy một góc bầu trời, nghe tiếng lá lao xao, nghe cả tiếng người gần gũi nhưng mà...
        - Nhưng mà sao em?
         Cùng lúc đó, cô Chào Mào thấy cái dáng thương thương gầy gầy tội nghiệp của bà người bước ra hiên. Cô im lặng.
       - Nhưng anh nhìn thấy trong lồng em ở có trái chuối chín treo lơ lửng kia, có cả li nước nho nhỏ nữa phải không. Vậy là em yên tâm khỏi phải lo đói như anh ngoài này rồi!...
        - Không, không đâu anh ơi, em thèm được đi tìm mồi cùng anh, cùng bay giữa bầu trời bao la kia, cùng anh đón gió trăng thanh anh có nhớ không?! Em sợ rồi phải khóc một mình như bà người trong biệt thự này!
         - Ở biệt thự sao lại khóc?
         -Vì trước khi ra khỏi nhà, ông người còn quay lại căn dặn: Tôi gọi điện thoại bàn là phải có mặt trả lời cho tôi nghe. Và canh chừng mất con chim trong lồng là chết với tôi. Anh có biết không, ông người có quyền nhất trong nhà, còn bà người trước đây cũng làm công nhân nhưng phải ở nhà sau khi sinh đứa thứ ba cũng là con gái. Nghe lời ông người, bà người đành ở nhà chăm con, bây giờ con bé đã học lớp mười rồi.
         - Trời đất, bà ấy ở nhà mười lăm năm rồi!
         - Vâng, mới ba ngày mà em biết hết trơn. Lúc đầu em còn tò mò nghe ngóng. Ông người làm quan lớn, hôm qua có đưa một bà người khác trẻ hơn. Thiên hạ thường gọi là giống mắt xanh mỏ đỏ, dạng hình ống di chuyển nếu như không có đôi chân béo núc, thì em không nhận ra giống người. Vừa bước vào cửa, ông người nắm tay bà người nhà bảo: Mày vào phòng mở mắt ra thật to xem cuộc làm tình mới để rồi còn bắt chước!... Em cứ sợ mình nghe nhầm, sao là người mà thích sinh hoạt như bầy đàn vậy. Nhưng sau đó bà người nhà trở ra hai mắt đỏ lắm, cứ sụt sùi sụt sùi ngoài hiên đây này, em lo bà người bị đui mắt chứ! Em sợ nghe tiếng ông người quá. Mà ở đây làm gì có bông gòn cho em bịt lỗ tai.
          - Này nhé, mặc cho bà người nhà tự lựa chọn, riêng em còn hai ngày nữa sang tiết thu phân, em nhớ ăn uống cho no nê, nhìn chừng lúc ông người về, em đừng nhảy cành này sang cành kia rồi ngong ngóng ra ngoài nữa, cứ đứng im đó, giả vờ ngủ 
          - Rồi sao nữa?
          - Từ từ, thế nào ông người cũng mang thuốc ra cho em uống, chờ cơ hội là em tung cánh bay nhanh, biết chưa! - “Cá cắn câu biết đâu mà gỡ, chim vào lồng biết thuở nào ra” ca dao người em cũng thuộc nằm lòng, an phận, mà anh bảo là cơ hội! Thế giới cá nước, chim trời đâu có “tòa án”!...
         - Thôi, không lập luận dài dòng, phải biết chọn cơ hội để tự giải phóng chính mình, còn không thì...
         - Thì sao vậy anh Chào Mào yêu của em!
         - ...
         Sau nhiều đêm thức trắng, đôi mắt đờ đẫn quầng thâm hơn, chòm lông trên chóp cũng đã chuyển màu mây. Khi gà gáy giục mặt trời lên, cô Chào Mào nhìn trước ngó quanh rồi thử đôi cánh, yên tâm còn sử dụng được. Cô bỗng giật mình nghe tiếng bật chốt cửa trước, cánh cửa mở ra, ông người xuất hiện trên mình chỉ độc nhất chiếc quần xì bọc kín “cậu ấm vô địch” chiếu chăn cứ nhũng nhẵng nhô ra. Đoạn ông đi lại gần cái lồng chim treo trên cao, vói tay đặt nó xuống hè, bởi hôm nay chủ nhật, ông người thay thức ăn, mới ngạc nhiên sao chuối hết, chim lười hót, hay là lũ thằn lằn, chuột lẻn vào xơi. Ông người hất nắp chốt, mở cánh cửa lồng, nắm trọn cô Chào Mào trong bàn tay múp máp nhẵn mỡ của mình rồi rút tay ra khỏi lồng tha thiết: Chim ông ngoan nào! Uống thuốc cho khỏe, chứ ốm đau què quặt là ông quẳng vào sọt rác ngay! Một tay cố mở nắp hộp thuốc gia cầm nhưng không được. Ông người thận trọng đặt Chào Mào vô lại trong lồng. Một tay cầm lọ thuốc, một tay vặn nắp hộp, mắt vẫn không rời lồng chim. Bàn tay phải ông người lắc mạnh hộp thuốc lấy ra một viên nhỏ, chưa kịp quay lại thì cô Chào Mào đã tung cánh bay ra khỏi lồng sắt, đậu lên nhánh cây khế ngọt cạnh sát hiên nhà, rồi lấy đà bay thẳng.
         Ông người nhìn theo lẩm bẩm: mày thoát khỏi tay tao, ừ láo!... Tao bỏ tiền ra mua con khác đẹp hơn mầy nữa!
                      01.9.2011

*Trích NƠI TÌNH YÊU GIỮ LẠI(NXB HNV, 2018) tập Truyện ngắn của Nguyễn Thị Phụng

Thứ Tư, 3 tháng 11, 2021

. “ĐỜI EM LÀ BÌNH MINH…”, truyện ngắn Nguyễn Thị Phụng

 Đời em là bình minh*

          Mưa mỗi lúc nặng hạt, ngoài trời một màu trắng đục ngờ ngờ vây quanh, cây lá được dịp tắm táp kì cọ thỏa thích, đường phố thưa thớt xe cộ và người qua lại. Bầu không khí mát mẻ lạ thường, gió kéo theo hơi nước táp vào đôi tay trần của Ngâu, nhưng làm sao xoa dịu được nỗi bồn chồn lo lắng mỗi lúc cứ nóng dần lên trong ruột trong gan của Ngâu lúc này. Đĩa cơm nóng buổi trưa có miếng sườn heo, một con cá nục chiên, hai miếng đậu cắt vuông vắn cùng một ít rau muống luộc, cả một chén canh chua ngỡ ngon miệng lắm, còn Ngâu thì không nuốt nổi, cố ăn được mấy thìa cơm vào để uống thêm viên thuốc đau đầu vì đã thức ba hôm rồi. Nhìn đồng hồ chưa được năm giờ chiều mà trời muốn sập tối, ngày ngắn đêm dài thế sao. Anh Ngân đi công tác ở thành phố đúng một tuần, sáng sớm mai anh mới có mặt ở nhà, bụng Ngâu cứ cồn cào như có ai xát muối vào trong dạ. Ngâu phân vân. Có nên nói cho mẹ biết vì sao?! Hay chờ anh Ngân về chia sẻ, bởi nhà có hai anh em, không thố lộ với anh Ngân thì thôi, chứ nào dám nói với ba lúc này được, ba đang nằm ở phòng hồi sức cấp cứu mà... 

           Ở độ tuổi ngoài bốn mươi, Ngân mới vừa lấy bằng tiến sĩ vật lí, có lẽ anh đã bằng lòng với học vị của mình, giờ có thể lập gia đình cũng chưa muộn lắm. Mỗi lần nhìn con trai trong bộ trang phục giản dị chào mẹ bước ra khỏi nhà, là bà Nhân dặn nhớ là tranh thủ rước về cho mẹ một cô con dâu nghen! Ngân dạ, mẹ yên tâm tưởng là mười chứ một thì có sẵn rồi, ha ha... Ngân cúi đầu chào mẹ lần nữa, dắt xe ra khỏi nhà, không quên đưa tay đóng lại cánh cổng ngõ. Bà Nhân cứ tủm tỉm cười một mình khi nhìn hai anh em Ngân và Ngâu đều giống ba từ cái dáng đi cho tới sống mũi thẳng như khuôn đúc mà ra, chỉ tiếc đôi mắt con gái mà hơi xếch lên của Ngâu đặt đâu đúng chỗ, nhưng được cái là Ngâu biết trang điểm bằng cách cắt tỉa mái tóc trước vừa chấm đôi chân mày che bớt khuôn mặt dài cùng đôi mắt sắc nét, đã nhìn ai thì cứ như mũi tên đâm thẳng vào mặt người ta. Bà Nhân hay nhắc con gái đừng nhìn chằm chặp làm cho người đối diện khó chịu. Còn Ngâu thì dạ mà chứng nào tật nấy khó sửa lắm. 

           Nhớ hôm sinh nhật lần thứ 22, khi Ngâu vừa tốt nghiệp ra trường, lớp toán Ngâu chỉ có năm bạn nữ, là năm cánh hoa mai của lớp. Thế mà Ngâu chẳng để ý đến một ai, hay không ai để ý đến Ngâu mới lạ chứ. Ngâu tự xếp mình thuộc dạng xinh xắn dễ nhìn, nói đúng hơn là dễ thương lắm. Qua bốn năm ở trường đại học, Ngâu cũng thèm khi nhìn mấy nhỏ nữ cùng lớp đều có bạn trai, còn Ngâu thì... hôm nào bị ốm chỉ có anh Ngân hay ba đưa đón hai lượt đưa đi và về mà thôi. Những lúc ấy Ngâu rơm rớm nước mắt nhưng cố nuốt vào trong không một ai biết. Ngâu nhớ năm học lớp tám gần nhà, hôm đó trời mưa to như trút nước, mưa đầu mùa mà, khi tiếng trống tan trường vừa dứt, nhìn ra cửa sổ đã thấy ba đứng ở hành lang giơ tay vẫy. Ngâu mừng và cảm ơn ba chu đáo sợ Ngâu bị mắc mưa rồi sốt như những lần ba và mẹ không đón được.Về nhà, điện đã bật sáng, mẹ đã bày sẵn cơm canh ra bàn, chỉ chờ anh Ngân về là cả nhà cùng ăn. Giờ ba nằm ở đây có biết con gái ba đang nghĩ gì không?! Nhưng Ngâu đâu muốn ba biết, có nghĩa là Ngâu muốn giấu kín, Ngâu cũng yêu quý mẹ... Thường ngày Ngâu có thói quen mặc áo kín cổ và chỉ giải thích sợ bị gió máy khi có ai thắc mắc hỏi. Nhưng hôm đó, anh Ngân mua tặng Ngâu chiếc áo cổ chun vàng mặc trong ngày sinh nhật, Ngâu phải thắt vào chiếc khăn xanh cốm che kín bớt cái cổ rộng khoét sâu để lộ cả phần ngực trắng nõn Ngâu thấy ngượng vô cùng, thêm vào đó là cổ cao ba ngấn mà ai cũng bảo là sang nhất nhà... Bằng là trợ lí cho anh Ngân, nhỏ hơn anh Ngân đến năm tuổi cũng được anh Ngân mời về nhà dự sinh nhật em gái. Trời thì nóng thấy Ngâu ăn mặc hơi là lạ, Bằng cứ chăm chú nhìn vào chiếc khăn cổ của Ngâu cột ngược ở phía sau lại tủm tỉm cười, bởi nó giống những em bé đang thời kì mọc răng cứ chảy nước dãi, các bà mẹ nếu không mặc yếm cho con thì lấy cái khăn vuông gấp thành hình tam giác đặt trước ngực, rồi cột hai đầu chéo ở phía sau cổ. Ngâu thấy bực mình, không thể chịu được lại gần nói vừa đủ cho Bằng nghe: “Em nể anh là bạn của anh Ngân, chứ người khác em mời ra khỏi nhà từ lâu rồi”. Bằng đỏ mặt, ngượng ngùng: “Xin lỗi Ngâu, thấy em có chiếc yếm choàng cổ đẹp nên...”. Ngâu dằn từng tiếng: “Nên cái gì, em chẳng thích đôi mắt cú vọ của anh lúc này đâu!”. Anh Ngân ngồi bên ngạc nhiên nói đỡ: Cậu Bằng là gã nhà quê, lần đầu đi dự sinh nhật mà em. Bằng ngắm ở đâu cho mỏi mắt, ngắm mình không sướng hơn sao, rồi anh Ngân cười hì hì...

      Thế mà đã ba năm Ngâu quen và yêu Bằng lúc nào chẳng nhớ, chỉ nhớ là những ngày lên lớp, tối về thao thức nghĩ về Bằng, mấy tháng trời ốm nhom ốm nhách. Mẹ hốt cả mấy thang thuốc bắc sắc cho Ngâu uống, bồi bổ cho Ngâu để Ngâu có sức lên lớp giảng dạy nữa chứ. Bằng quý mến Ngâu ở tính trung thực, giản dị, kín đáo. Những buồn vui của hai người thường chia sẻ cho nhau, riêng chuyện này phải bí mật. Chỉ chờ anh Ngân về. Một đêm ở bệnh viện dài ra mãi, ba đang nằm thở ô-xy, máy đo điện tim hiện rõ đường gấp khúc lên xuống, tiếng nhịp tim của ba tích tích đều đặn như chiếc kim phút trên mặt đồng hồ không hề mệt mỏi... 

       Sáng hôm nay Ngâu không có tiết lên lớp, Ngâu túc trực bên gường bệnh của ba, bịch máu màu đỏ sậm treo trên cao có dán thông tin người cho, tuổi, nhóm máu rất cụ thể cứ từ từ theo đường truyền dẫn vào cơ thể, nhưng có thấm tháp gì khi ba của Ngâu còn nằm sát giường thân mình gầy guộc. Từ lúc nghỉ hưu đến giờ, ông nằm viện đến mấy lần rồi. Ngâu nén xúc động, nước mắt tròn hạt trêu ngươi ứa ra rơi xuống trên tay áo của mình. Ngâu đưa tay gạt nước mắt chỉ sợ ba thấy Ngâu khóc thì làm sao. Ngâu vừa đứng lên định bước ra hành lang, lúc đó các thầy cô cùng trường đến thăm ba, cô Tình thay mặt công đoàn trường gởi quà bồi dưỡng chúc ba sớm lành bệnh về nhà. Ông Thành mừng lắm, cảm ơn lớp trẻ luôn nhớ đến thầy. Từ khi về trường nhận lớp chủ nhiệm, Ngâu sinh hoạt trong tổ toán lại được cô Tình tổ trưởng tổ văn yêu quý. Cô Tình luôn là giáo viên chủ nhiệm giỏi của trường, cô thường bật mí cho đồng nghiệp một điều đơn giản hễ mình thương học trò thì học trò thương mình, mà thương luôn tôn trọng, mỗi khi họp tổ chủ nhiệm.

   


     Nhớ hôm đầu tháng tám năm ngoái, sau đợt học chuyên môn thay sách giáo khoa, cô Tình mời Ngâu, Loan và Mai đến nhà chơi. Dọc đường bê-tông nắng rát da thổi vào mặt hừng hực, gần sáu cây số đường nông thôn, hai bên gò đất, nhà cửa thưa thớt. Đi một đoạn nữa chừng gần cây số rẽ phải vào con đường đất, căn nhà lợp tôn nằm trong khuôn viên vườn cây ăn trái dưới chân tháp kia là nhà cô Tình. Vào nhà, Ngâu ngạc nhiên nhìn chiếc bánh kem sinh nhật Ngọc Trâm ngày 05.7 ÂL. Cô Tình thắp hai mươi bốn cây nến và chia cho Ngâu, Loan, Mai mỗi người thổi dùm cho cô tám cây nến. Cô Tình bồi hồi xúc động lục tìm kí ức về mùa Noel năm học thứ hai của trường đại học sư phạm, đêm hôm ấy khuya lắm, trời lạnh lắm, cô Tình không về nội trú mà ở lại nhà trọ của Diễn. Diễn học năm cuối khoa toán, khuôn mặt điển trai dáng thư sinh đã lọt vào bao đôi mắt nai như cô từ lúc mới vào trường. Diễn là mối tình đầu của Tình. Những cảm xúc ái ân ban đầu mới mẻ hấp dẫn cứ làm cho Tình khao khát thèm thuồng không thể nào chịu được. Xa Diễn là nhớ, gần Diễn là hiến dâng. Lịch nghỉ tết một tuần, về nhà mỗi khi xuống bếp, Tình bắt mùi tôm cá là buồn nôn, lo sợ né tránh ba mẹ. Trở lại trường nhưng Tình không đủ can đảm xóa kỉ vật tình yêu. Cô bắt đầu nịt bụng, bất kể nắng hạ ở miền Trung như thiêu như đốt, Tình cũng không rời chiếc áo khoác của mình. Lớp trưởng, bí thư chi đoàn lúc đầu góp ý kiểm điểm, thấy Tình khóc nhiều, gầy gò xanh xao, nên tất cả cũng thông cảm cho hoàn cảnh một yêu gánh nặng chữ tình. Chị Nghĩa lo cho Tình gần ngày vượt cạn, báo cho gia đình biết để an ủi cũng như sắp xếp chuyện học hành của Tình chứ không thì bị đuổi học. Nằm trên bàn sinh, nước mắt cô cứ chảy dài, các y bác sĩ lại trêu sắp làm mẹ mà còn khóc, xấu nè!... Tình tủi thân cắn răng lại, nước mắt cứ ứa ra, rồi cơn đau bụng quặn lên, Tình cố sức lấy hơi rặn một mạch, các cô đỡ cùng ồ một tiếng: Ô, con gái, dễ thương lắm nè!... Tiếng oa oa...oa... ấm áp cất lên vang cả phòng lan ra đến bên ngoài hành lang rồi tan dần trong không gian yên tĩnh của một đêm tháng bảy đầy sao trời. Tình chỉ biết là con gái, sau đó Tình thiếp đi, đến giờ chưa một lần thấy mặt con mình!... Ngâu, Loan, Mai nghẹn đắng mới hiểu vì sao cô Tình mừng sinh nhật con gái mình là ngày âm lịch. Cả ba bạn đều muốn nhận mình là con gái cô Tình, nhưng lúc này nếu có nói ra e sợ làm cô Tình buồn thêm. Loan và Mai cùng tổ văn với cô hỏi việc phân công chuyên môn trong năm học mới như thế nào. Còn Ngâu cầm con dao cắt bánh kem ra nhiều phần, mời cô Tình dùng trước. Ngâu cầm miếng bánh kem đưa lên miệng vừa ăn vừa ngắm kĩ khuôn mặt cô Tình. Ở độ tuổi bốn mươi lăm, cô Tình vẫn còn nét đẹp duyên dáng và quyến rũ lắm, cô đâu chỉ vấp chuyện tình yêu ban đầu thôi mà cả lần thứ hai cũng vậy. Nghe nói thằng con trai mười lăm tuổi của cô cũng là con của chàng Diễn kia, quả tình cũ không rủ cũng đến. Cô vẫn một mình nuôi con. Ngâu không thể nghĩ ra ba mẹ nào đã sinh ra “ông bố” của Ngọc Trâm và Ngọc Phát. Chuyện ngoài đời giống như trong tiểu thuyết vậy. Hay là duyên số trời định cho mỗi người phải tự gánh lấy, đâu ai giống ai? Phải chăng tính nhẹ dạ cả tin chỉ vì chữ yêu, “đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”?!... Mà yêu có gì là tội lỗi, tình yêu làm cho con người gần gũi cùng chia ngọt sẻ bùi với nhau trong cuộc sống, chỉ những kẻ lợi dụng tình yêu của người khác để thỏa mãn bản năng mới là đáng tội, đáng khinh. Cô Tình đã hơn hai mươi năm lên lớp, tay nghề vững vàng, mà luôn vấp ngã trên tình trường đến thế ư! Mới hay, trường đời không khuôn dấu đỏ, nhiều lớp nhiều thầy, lại không tốn học phí, hết sức tự do mà con người cũng bị tù hãm với chính mình, cứ tái bản chẳng cần giấy phép những va vấp quẩn quanh, cho dù ngày mệt mỏi tất bật với công việc cơm áo gạo tiền, còn đêm đếm từng tiếng gà sang canh thôi thúc...

         


Nằm viện gần một tuần, ông Thành đã tự ngồi dậy, ăn từng thìa cháo, nói chuyện với các con. Trời không còn mưa như lúc ông mới được đưa đi cấp cứu vào bệnh viện, tin áp thấp nhiệt đới cuối cùng gần bờ cũng đã kết thúc. Ông Thành nhìn ra ngoài yêu sao màu xanh lá liễu dù có rủ xuống bao nhiêu, nhưng từng ngày từng giờ rễ bám sâu trong lòng đất để cho lá thêm xanh, sắc hoa thêm đỏ. Con người cũng vượt qua chính mình cũng phải từ đôi bàn chân mạnh mẽ đứng lên trên quả đất này. Có phải vì thế mà ở bệnh viện người ta hay trồng cây liễu? Được tiếp máu từ người con trai khỏe mạnh của mình, ông Thành như có thêm sức lực, muốn con gái đưa ông đi dạo ngoài công viên bệnh viện. Nhưng Ngâu bảo ba còn yếu lắm. Đúng giờ bác sĩ khám bệnh và tiêm thuốc, hai anh em Ngân và Ngâu ra ngoài. Sáng hôm nay chủ nhật, màu trời tươi xanh, dáng liễu mơ màng cành lá đu đưa trong nắng. Đất trời sinh ra thân liễu dù lá non tơ nhưng muôn đời cứ rủ xuống kiếm tìm để biết ơn điểm tựa, nguồn cội màu mỡ nuôi cây lớn lên, tất cả dựa vào đất để sống mà. Rồi nếu có thác đi cũng được đất ấp iu che chở. Hai anh em chọn chiếc ghế đá quen thuộc dưới bóng liễu xanh kia, anh Ngân ngồi cạnh em gái mình, đôi mắt xa xăm nghĩ ngợi dò xét:
            - Em muốn biết?
            - Dạ, em muốn biết!
            - Thực ra...chưa có dịp cho em biết, lúc này... À, lúc đó anh mười lăm tuổi. ...
         Sáng thứ hai, thầy Thành đi tập huấn ở Sở giáo dục, cô Nhân họp hội đồng sư phạm đầu năm ở trường, nghỉ hai tháng hè có biết bao nhiêu chuyện để kể với nhau. Ngoài thời trang áo quần, giày dép mũ nón của các cô, sách vở chuẩn bị năm học mới cho con, cả những chuyện bếp núc ở nhà, karaoke của mấy ông, phong phú hơn là những chuyến du lịch dài ngày ở Đà Lạt, Nha Trang,... Rồi xoay sang đề tài tình yêu thời sinh viên thuở nào hấp dẫn, rất nóng chuyện đứa em cô Nghĩa sinh cháu gái 2.5k, bé lắm nhỏ lắm, ông ngoại quyết định cho một người hàng xóm cùng quê nuôi cháu gái của mình. Nhưng gia đình bà ấy bảo chờ mười ngày nữa mới đưa cháu về vì sợ không hạp tuổi. Cô Nhân cũng thích có đứa con gái lớn lên cho vui cửa vui nhà, vội vàng đến thẳng bệnh viện làm thủ tục xin bế cháu về nuôi. Trưa hôm ấy, Ngân đi học về, ngạc nhiên:
       - Ủa, em bé của ai vậy mẹ?!
       - Người ta cho, mẹ xin về nuôi, con thích không?!
      Ngân nhìn em bé:
      - Trời đất, nó có chút xíu hả mẹ!
      - Hồi sinh con được 2.9k, chỉ nhỉnh hơn một chút thôi mà!
      - Mẹ ơi, cái miệng nó cũng nhỏ xíu nữa!
      - Con cho em dùng sữa trong chai mẹ đã pha sẵn rồi đó!

 
       Vừa cầm chai sữa cho em bé uống, Ngân hỏi mẹ người ta cho không hả mẹ. Mẹ gởi tiền mà ông bà ngoại con bé nhất quyết không nhận, cho đứa cháu người khác nuôi cũng đứt ruột đứt gan, nhưng ông bà quan niệm con gái mà có con trước là khó lấy chồng, rồi đưa cho mẹ cả giấy chứng sinh nữa đây. Mẹ Ngân mở ví lấy ra mảnh giấy có đóng khuôn dấu đỏ của bệnh viện, Ngân đọc xong đưa lại cho mẹ. Ông bà nội ngoại của Ngân, cùng họ hàng, làng xóm nghe tin đến trầm trồ mừng cho mẹ Ngân có được đứa con gái. Rồi người nói ra nói vào bảo nuôi con nuôi khổ lắm, mai mốt mẹ nó đến nhận thì sao. Mẹ Ngân hiền hòa bảo cứ cho mẹ con nhận nhau, nó thích ở với ai cũng được, mẹ đẻ cũng như mẹ nuôi mà!...                                                                                                                                  Nhưng đến ngày thứ ba,

tức là con bé đã được sáu ngày tuổi, mẹ Ngân đã bắt đầu thấy mỏi mệt, bởi bà Nhân đã vào tuổi bốn mươi. Ba Ngân cũng chưa có ý định giữ lại đứa bé để nuôi vì thấy mẹ Ngân hai mắt đã trõm sâu, gương mặt hốc hác, với ý muốn gởi lại cho ông bà ngoại đứa bé. Ngân nói con bé có tội gì đâu, người ta sinh ra đem cho mình mà. Nhưng con bé rất dễ chịu cho ăn sữa no là ngủ ngay, không đòi bế đòi bồng, không khóc đêm nữa. Đúng một tuần, ba đồng ý cho má Ngân làm đơn xin nghỉ hộ sản theo chế độ, ở nhà chăm con. Mừng đầy tháng, mẹ cho Ngân được đặt tên em. Em bé sinh vào ngày đầu thu, tháng bảy có mưa ngâu, đặt cho em là Ngâu. Mà em bé nhỏ lắm, lấy thêm chữ lót Hoa, Trần Thị Hoa Ngâu. Mà chữ Ngâu đảo ngược từ chữ n của Ngân đó mà!...
           Năm ấy anh Ngân vào học lớp mười.
           Ngân nâng cánh tay trái của em gái mình, trời không mưa mà da tay của Ngâu thấm ướt vài chỗ. Anh Ngân đưa bàn tay mình gạt hạt nước vừa lăn ra từ khóe mắt Ngâu còn nóng hổi. Rồi bàn tay ấy, Ngân xoa vào vết kim tiêm bên trong khuỷu tay Ngâu đã ba ngày còn sậm đen :
         - Ngâu đừng buồn, máu của em sẽ được truyền cho người khác. Em cũng cứu sống được một con người! Sở dĩ cả ba mẹ có cùng nhóm máu, nên ba mới tiếp nhận được máu anh đó mà.
         - ...
         - Lẽ ra, em phải vui chứ! - Dạ, em... cảm ơn anh Ngân. Cảm ơn ba mẹ... đã nuôi dưỡng em. Và em được có anh, được ngồi đây với anh.
          “Anh sẽ là dòng sông để em là biển rộng, anh sẽ là gió lộng để em là mây bay, anh sẽ là nắng mai để em là hoa đỏ,...” tiếng nhạc quen thuộc gắn bó thường trỗi lên trong sáng chủ nhật cho Ngâu yêu lắm, và Ngâu biết bây giờ là đúng tám giờ rồi. Anh Ngân nói rất thích nhạc êm dịu như thế này, Bằng gọi hả em? Dạ, anh Bằng gọi. Em nghe đây!...
            15.10.2011/ Nguyễn Thị Phụng.

---
*Trích Tập truyện ngắn Nơi tình yêu giữ lại(NXB HNV- 2018 của Nguyễn Thị Phụng. )

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

CHUYỆN BÉ TRANG của Nguyễn Thị Phụng

 

CHUYỆN BÉ TRANG


        Sáng nay,bà đưa Trang đến trường nhận thưởng. Trang mới nhận ra cây phượng trước cổng đã điểm từng chùm hoa đỏ giữa trời xanh. Thế là năm học đầu tiên ở bậc tiểu học kết thúc. Trang phải xa cô Thuận, xa bạn, xa lớp, và xa sân trường khi chơi trò bịt mắt vấp ngã mấy lần lại đứng lên chơi tiếp. Rồi tự nhủ nghỉ hè xong là đi học lại! Cảm giác chia tay có giống như hồi học mẫu giáo không? Trang chẳng nhớ nữa. Bây giờ mẹ ở bệnh viện sinh em bé chưa? Đêm hôm ba về mang cơm cho mẹ bảo sáng mai mới sinh. Trang muốn hỏi bà, nhưng bà đâu có điện thoại di động. Sao ba mẹ không mua cho bà một chiếc. Trang nói mai mốt  đi làm sẽ biếu cho bà một cái điện thoại di động Nokia mới được! Bà cười sẽ chờ nhớ là cháu đừng quên. Mà ở nhà có điện thoại bàn nghe nhiều cũng mệt cháu ơi! Vậy ở đây làm sao bà biết mẹ cháu sinh chưa. Bà đồng ý thua cháu 1- 0 rồi.

       Trang vào sân trường xếp hàng với các bạn và chờ nhận thưởng. Khi cô phó Hiệu trưởng gọi: Nguyễn Thị Thanh Trang học sinh lớp 1E, em nhanh nhẹn đứng lên đến trước lễ đài cúi đầu chào. Thầy Hiệu trưởng trao tận tay gói quà được gói kín bằng giấy hoa màu vàng, cùng tờ giấy khen có đóng khuôn dấu tròn đỏ thật vinh dự. Thầy còn bắt tay, xoa đầu, chúc mừng học sinh ngoan nữa. Trang cố nhớ trình tự sự việc để về kể lại cho cả nhà cùng nghe.

         Vào nhà, Trang đặt phần thưởng, tờ giấy khen học sinh giỏi lên bàn học của mình chờ ba mẹ về là khoe ngay. Chưa kịp thay đồ, điện thoại reo, Trang gọi bà bắt máy, vẫn nghe rõ tiếng ba phấn khởi lắm:

         -Dạ. Con đây! Bé Trang có em trai rồi mẹ ơi!

        Không hỏi lại, giọng đầm ấm quan tâm:

         -Thế mẹ bé Trang sinh xong có khỏe không?

        Ba bảo dạ khỏe, vợ chồng con mừng lắm. Mà sao ba quên chưa hỏi Trang. Nhưng không buồn, Trang xuống bếp lặt rau, rửa sạch cho bà luộc. Ăn cơm xong, Trang giành xách cà mèn cơm theo bà vào bệnh viện.

       Từ xa Trang thấy ba mẹ loay hoay bên em bé. Lại gần biết nó ị, sao phân đen thế. Bà mừng bảo thằng cháu của bà ị cức su rồi. Còn khen tốt nữa. Trang chào ba mẹ, mắt chăm chú nhìn em bé nhỏ hơn một nửa búp bê có đôi mắt khi nằm xuống nhắm lại được mà hôm sinh nhật mẹ mua cho Trang bế. Trang hỏi em bé ăn bánh gì mà ị phân đen. Ba đùa hàng độc. Bà giải thích phân của em bé có sẵn từ khi còn là thai nhi trong bụng mẹ. Trang hỏi bà lúc nhỏ cháu có ị như vậy không? Có chứ người và vật đều giống nhau cả cháu ạ!

       Ở nhà Trang nhớ mẹ. Ba đi làm về là vào bệnh viện ngay. Sáng nay đón mẹ và em về. Trang dậy sớm hơn, tập thể dục xong, quét nhà. Còn bà giặt giũ chiếu, mùng, mền,… từ hôm qua. Nhà rộn ràng hơn mỗi khi em bé oe…oe… Mẹ lại nói đói rồi, tè rồi, hay ị gì nữa đây!... Vừa chăm em, mẹ nhắc nhở Trang giúp bà lau bàn, dọn chén ăn cơm,… còn bảo Trang đã thuộc lòng bài thơ nào trong sách tiếng Việt lớp hai đọc cho em bé nghe với. Trang hào hứng đọc thật diễn cảm Làm anh thật khó / phải đâu chuyện đùa…”. Nhớ lời ba dặn, buổi sáng Trang còn tự tập chép, làm toán,… chỗ nào không hiểu thì hỏi mẹ, hỏi ba. Chủ nhật ba chở Trang đi chơi ở công viên thiếu nhi. Có lúc lại được theo bà về quê thả diều tắm biển trong những ngày hè. Nhưng bây giờ chỉ ở nhà, cũng không ra đường vì dịch Covid

         Năm học mới bắt đầu. Lại học online. Không như những năm trước ba chở đến trường. Những úc này ôi chao lại nhớ trường, nhớ lớp nhớ bạn bè. Trang mong ước thành phố mình vượt qua được đại dịch thế kỉ này. Cũng khó lắm. Chắc hẳn là phải sống chung với dịch rồi, nhưng lúc nào cũng giữ khoảng cách, cũng phải mang khẩu trang cơ.      

                                                20.10.2021 / NTP

 

 

Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2021

NGƯỜI ĐI TÌM SỰ THẬT, (Đọc tập thơ Cao Văn Tam), của Nguyễn Thị Phụng

 

NGƯỜI ĐI TÌM SỰ THẬT*
     (Đọc tập “Tiếng chuông gió mùa hè” thơ Cao Văn Tam)

          Dễ gì lắng nghe Tiếng chuông gió mùa hè của thi sĩ gom nhặt từ Tiếng đàn xưa* cùng đồng vọng: “Tiếng cầm ca của người hành khất già nua/ Ai oán, ân tình, tĩnh lặng đã bao năm/ Nay réo rắc quá nửa đời bạc bẽo”. Như khơi gợi, như tan biến: “Tất cả rơi rớt trên dòng sông lạnh lẽo/ Cuộc đảo điên lắng đọng/ Xuống vực sâu lòng dạ…/…/ của người từ ba trăm năm trước/ Ngậm ngùi, đơn độc/…/ Như tiếng đàn xưa… vĩnh viễn bay đi…” lại  lay thức niềm xúc cảm cho Mùa của giấc mơ* thăng hoa: “Để dễ dàng mất đi những giọt nước mắt bên trong của nỗi sợ hãi”. Phải chăng đây là sự thật. Sự thật Nơi bắt đầu sự sống* đã tỏa hương trong tình yêu qua tứ thơ bốn câu cô đọng nhẹ nhàng: “Giữa hai bờ sinh tử/ thoáng dậy một làn hương/ mắt em nhìn tĩnh vật/ ta nhận đóa vô thường(Tĩnh vật). Sự  thật vô thường cuộc đời là tất nhiên, luôn luôn thay đổi, ta nhận ra dù một làn hương lướt qua nếu khứu giác không kịp giữ lại cũng dễ tan vào không gian như khói mây bồng bềnh tĩnh lặng. Thi sĩ khát khao lắm khi nhận ra có nơi nào đẹp như bến Trường Trầu bên bờ sông Côn quê mẹ đã thành không gian nghệ thuật trong cặp câu lục bát truyền thống bình dị: “Hoa cau trắng bến Trường Trầu/ Ngẩn ngơ áo lụa qua cầu mờ sương/ Nổi trôi như lạc suối nguồn/ Dáng xưa lặng lẽ nụ buồn mênh mông”, anh tin yêu bộc bạch gởi gắm những lặng thầm tiếc nuối, như tiếng hát cung đàn lạc điệu nhau nhưng thật bừng sáng:
                   Lặng thầm trao một nụ hôn
                    Dìu nhau qua hết hoàng hôn cuối trời
!”
                                           (Hoa cau trắng bến Trường Trầu)


           Nào ai trách được trái tim thi sĩ, lúc mộng mơ đến tuyệt đỉnh tinh lọc Hương vị*: “Như chiếc li đựng đầy rượu/ được pha chế/ từ hương vị cuộc đời,/ (cả cay đắng lẫn ngọt bùi) / chiếc li sẽ không hấp dẫn/ nếu màu rượu không được nhìn thấy/ xuyên qua pha lê trong suốt/ đôi môi của em”… tìm nguồn hạnh phúc tận hưởng đâu chỉ qua thị giác, còn có cả xúc giác mà thượng đế ban tặng con người thật vô tư, hồn nhiên như đóa hoa ban ngày đón mặt trời ấm áp mở cánh khoe sắc tỏa hương, nhưng cũng có loài hoa chờ trăng lên sương phủ cùng hòa quyện trong giây phút tuyệt vời giữa bốn bề tĩnh lặng… Thi sĩ cứ bắt con chữ theo mạch cảm xúc vô tận, đến lúc nào đó thời gian như chùng xuống tích tụ nhắc nhở trái tim “khi vui thì đậu, khi buồn lại bay..” có muộn màng không: “Tình yêu không làm tổ trên cây/ Vì lá của mùa thu rơi rụng/ Cho mùa đông lạnh buốt/ Bây giờ những giọt nước mắt lãng phí/ Không để lại trong mùa thu thương tiếc/ Cho trái tim gánh nặng một tình yêu đến muộn/ tròn trịa/ và giữ đến mai sau(Dù tình yêu đến muộn). Ngỡ như bình tâm mạnh mẽ trước con sóng tình nam châm, nhưng làm sao tránh khỏi, bị bùa mê thuở nào cuốn hút vào vòng xoáy nhân gian: “Hơn 40 năm, những tưởng vết đã lành…/ Nhưng chiều nay chợt nhớ…/ta vẫn còn thương”(Bỗng nhớ). Sao thể lừa dối trái tim mình khi đêm ngày “Mimosa mọc khắp lối đi/ của những người phản bội/ Họ đã có những chuyến đi dài phía trước, trong lãng quên chờ đợi./ Họ đã nhìn thấy nhóm hư không”(Vết sẹo) lại tiếp tục di căn, có liều kháng sinh nào điều trị được! Nhà thơ tìm về thuở nào tự do lặn ngụp thỏa thích:
                  Những chiều sương tím,
                   Bao dung,
                   trong lơ đãng, lấp lánh
                        bềnh bồng con thuyền giấy, trôi lại…
                                vụt qua

                                           (Bồng bềnh tuổi thơ)
           Chim vẫn hát ca* nơi Ô cửa mùa xuân* đọng lại cho Tiếng chuông gió mùa hè* rộn ràng ùa vào tâm hồn thi sĩ, của mọi người trong sợi dây vô hình nhiệm mầu liên kết giữa hôm qua và bây giờ đến ngày mai thanh cao vĩnh cửu cho ta yêu biết chừng nào: 
                  Đó là thời gian ngọt ngào,
                     nối bằng những tia sáng mặt trời
                     vào sợi dây tơ mềm những cánh diều lơ lửng
                     rơi vào tình yêu

                                      (Tiếng chuông gió mùa hè)
            Đến Giấc ngủ chiều* thong thả, đến Chiếc xe ngựa* của người xà ích nhọc nhằn tất bật cuộc mưu sinh: “Khi chiếc xe ngựa tới rất chậm/ như trên vai đang vác một gánh nặng…/ Trên gò má nhăn nheo của người xà ích/ nước mắt tuôn/ Trên đôi môi run rẩy, nụ cười khổ sở./ Đã lấy đi khỏi vòng tay này/ để tới hai cánh tay của người khác/…/ Vườn hoa này sẽ nhớ mãi những bước chân…) đều là phiên bản đầy sáng tạo Những điều trông thấy từ tính nhân văn cao đẹp của Đỗ Phủ, của Nguyễn Du chọn mặt gởi vàng đến tất cả thi nhân hướng ngòi bút mình viết về người lao động cần cù lam lũ quanh ta. Họ đâu chỉ đẹp trong độ bền sức lực dẻo dai, họ còn đẹp ở những tấm lòng rách lành đùm bọc, uống nước nhớ nguồn,… và có một điều trân trọng chưa bao giờ tự ngợi ca mình, cứ lặng lẽ sớm chiều làm nên sản phẩm đáp ứng chung cho nhu cầu cuộc sống thường ngày của chúng ta.



           Tiếng chuông gió mùa hè đi vào lòng bạn đọc “Đêm thao thức bên sông trăng sao rụng, dòng hắt hiu chở từng cánh hao gầy, nơi bến cũ có đèo bồng thương nhớ… Người sang thuyền gởi lại áo thơ ngây…” ( Đêm tưởng nhớ) như thể không nguôi nỗi niềm của nhà thơ họ Cao đất võ. Người sang thuyền trong đêm tưởng nhớ còn là vẻ đẹp người phụ nữ vừa là tình yêu, vừa là số phận nợ duyên: “Thương phận má phải hai lần sang sông/ Chân vội bước qua hai bờ mưa nắng/ Cuộc tình nào cũng làm tim cháy bỏng/ Mối duyên nào cũng vội vả chia tay…”(Thương má) làm sao tránh khỏi như Lan thạch thảo* kia: “Lỡ chiều thạch thảo rụng rơi/ Nhành lan khơi động cuối trời mộng du” như cuộc đời ngắn ngủi: “ Thương con gái một đời bại liệt/ Cõi hồn mê con im lặng vô bờ/ Nát lòng ba bão bùng tan nhật nguyệt/ Nến lập lòe âm ỉ sáng bơ vơ…”(Thăm mộ con). Nỗi bất hạnh đâu chỉ riêng tâm hồn thể xác đứa con anh tạc nên, mà những người làm cha làm mẹ cứ phải đau đáu chất chồng đâu nguôi tháng ngày nhớ tưởng…

             Sáu mươi hai bài thơ trong Tiếng chuông gió mùa hè khe khẽ âm thầm giao thoa đa chiều giữa tác giả với độc giả, tuy cuộc sống có bộn bề nhưng vẫn dành thời gian nghiền ngẫm bí mật trong từng câu chữ, bởi đó là tiếng vọng tâm hồn một người suốt đời cần mẫn trên trang viết đi tìm sự thật cho THƠ sao nên tình nên điệu mỗi khi ngồi vào bàn tiếp nối “Ôn cố tri tân” không hổ thẹn với những bậc thi nhân của dân tộc mình./.
                                                                     10.01.2013
*Trích tiểu luận Lặng trong hương lúa (NXB Vh, 2014) của Nguyễn Thị Phụng

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021

Sắc hoa râm bụt, truyện ngắn Nguyễn Thị Phụng

          Sắc hoa râm bụt*

            Khi Yến tỉnh dậy là đúng hai đêm ngày trên con tàu ra quần đảo Trường Sa. Nắng, cái nắng giữa mùa xuân cứ vàng như đổ mật. Gió, con gió thông thốc mang theo hương vị biển mặn mòi len lỏi áp vào sau đôi mắt kính trắng gọng nâu, còn phần từ sóng mũi trở xuống đến cổ Yến cẩn thận che kín bằng cái khẩu trang màu xanh ngọc. Ngày mới ra trường khao khát đến Trường Sa giờ đã là một hiện thực. Sự mệt mỏi về thể chất cũng bị tan biến ngay khi cô đưa mắt nhìn bờ rào thưa chỉ vỏn vẹn có mấy bụi râm bụt với những sắc đỏ của năm cánh hoa uốn cong đều đặn, còn cái nhụy đỏ như một ống dài thòng xuống phía dưới cùng tỉa đều năm cọng nhỏ lấm chấm phấn hoa vàng đong đưa trong gió lay thức kỉ niệm tuổi thơ nhè nhẹ ùa về trào dâng như con sóng ngoài kia.

         Đã từ lúc nào, cứ những buổi sáng chủ nhật nghỉ học dù là ngày rằm hay mùng một, từ phía bên kia hàng rào chú tiểu Mẫn có bận rộn đến mấy cũng đều ngắt năm cái hoa râm bụt đỏ gọi sang bên này: Ra đây nhận quà chú tặng. Yến dạ thật to nhanh nhẹn đưa bàn tay nhỏ nhắn vẹt nhánh lá xanh bóng láng hình trái tim có răng cưa, vội vàng chạy ra sau hè lấy lon sữa bò trống một đầu đổ nước vào để cắm cho hoa khỏi héo, rồi chơi trò cô giáo với lớp học hay trò mua bán cùng các em của mình,... Có lúc chú sang nhà còn bày cho Yến biết cách cài hoa lên hai bím tóc thật đẹp, lúc ấy Yến mới vào học lớp năm. Còn chú Mẫn ở chùa gần mười lăm năm rồi. Nghe nói ngày vào chùa chú Mẫn cũng là một em bé chừng năm sáu tuổi, sau đó được sư thầy làm khai sinh cho đi học hết bậc phổ thông ở trường huyện, sau tiếp tục đưa vào trường trung cấp Phật học ở tu viện Nguyên Thiều như những tăng ni khác, nhưng chú bảo không muốn xa thầy, muốn hôm sớm với thầy trong cảnh chùa mà thôi. 

       Khuôn vườn nhà Yến nằm sâu cuối làng cạnh chùa Vi Nhân, gần một nhánh nhỏ dòng sông Côn chảy qua, chỉ trồng các loại cây ăn quả theo mùa và xen canh những khoảng trống là dày đặc những bụi sả bán theo vụ nên ít nhọc công chăm sóc. Ba mẹ Yến chỉ tập trung vào mấy sào ruộng nay lại thêm nghề đánh bắt cá cũng bữa thiếu bữa đủ cho năm miệng ăn. Sau Yến còn hai đứa em sinh đôi. Ba mẹ của Yến là người tàn tật không phải bẩm sinh. Chân trái của ông hơi khập khiễng đó là lúc đưa mẹ Yến đến bệnh viện sinh em, rồi trên đường về ba Yến bị tai nạn giao thông chứ ba năm ở chiến trường Tây Nam đầy ác liệt mà đạn mìn bôn-bốt cứ như chừa ba Yến ra; Còn mẹ Yến nhổ răng từ lúc bé bị nhiễm trùng phải mổ lại làm má trái tóp vô cho đến giờ khuôn mặt cứ méo qua một bên. Nhưng cái tình của họ trong gia đình mới là đầy đặn đáng quý. Có đôi lúc những đứa em Yến len lén ngắt trộm một cánh hoa dù đó là hoa râm bụt của chùa thế nào tối về Yến cũng mách tội cho ba mẹ biết. 

         Tiếng chuông chùa không ai cầm được cứ ngân nga nhẹ nhàng khúc ru cho cả nhà Yến say trong giấc ngủ sau một ngày lao động. Thường mỗi chiều cuối tháng hay trước rằm, có chú Mẫn sang chuyện trò với ba mẹ, thế nào đêm hôm đó Yến nằm ngủ với mấy em trên cùng chiếc giường lén mở mắt nghe và dõi theo ba mẹ thầm thì, rón rén bước chân đi ra khỏi nhà... đến sáng sớm đã thấy ba mẹ về vai khiêng, tay xách nào là gàu thùng, nào là tấm lưới chài bao nhiêu là cá. Được ăn những con cá tươi nấu cháo thơm phức lên đến tận mũi nên mấy chị em của Yến ríu ra ríu rít cả buổi, còn đòi theo ba mẹ ra sông nhưng đâu có được. Lớn lên một chút, Yến phụ giúp công việc cho ba mẹ, mới biết có một số người mua cá sống ngoài chợ đem vào chùa để phóng sinh cầu lợi, chú Mẫn thương ba mẹ Yến khó khăn lắm mới nuôi được mấy chị em Yến ăn học nên đã lén sư thầy chuyện ấy... Một cây bút đẹp, một quyển sách hay, một chiếc áo mới,... của chị em Yến đâu chỉ từ những hạt thóc hạt gạo của ba mẹ thường ngày ngoài đồng mà còn là những con cá sông mắc lưới từ lúc rạng đông nhiều nhất là ngày rằm, mùng một.

       Dần dà những con cá được “phóng sinh” cũng mắc vào những tấm lưới khác nhặt hơn, lớn hơn nữa. Cảnh ra vào chùa ngày càng đông đúc, người người cũng muốn tự tay mình khấn Phật rồi trực tiếp ra sông thả cá xuống dòng nước trong veo kia. Những tấm lưới nằm im lìm hai bên bờ ngược dòng chảy chờ đến khi bóng người quay về dưới tán cây bồ đề trong sân chùa, mới vội vàng chia khu vực phóng mình xuống sông. Dù cuộc sống vì bát cơm manh áo nhưng là lưới của ai người ấy gỡ, mong đức từ bi chúng sinh từ thập phương trở về chùa ngày càng đông hơn, phóng sinh cá càng nhiều hơn. Mong thì vẫn mong nhưng cũng có người đã từng bị nghe chửi nào là đồ súc vật hết nghề làm ăn hay sao mà chờ người ta phóng sinh cá chưa kịp xuống nước đã quăng chài kéo lưới, như ăn giựt ăn cướp của người khác, đằng nào cũng mắc xương chảy máu chảy mủ ra cổ họng cả dòng họ mày, rồi... lớn tiếng: trời đất xui chi cứ ngày mùng một, ngày rằm gặp lũ mặt người ruột chó, chứ ngày khác thì đây không tha đâu!... Tiếng chửi rủa, tiếng hì hục kéo lưới hòa vào tiếng chuông chùa rồi cũng nguôi dần tan vào hư không. Chuyện “phóng sinh” cá bé cá con cũng là việc làm có ý nghĩa, vì chúng chưa kịp lớn chưa đúng độ khai thác. Nếu ngư dân tiếp tục đánh bắt kiểu “giã cào” chẳng mấy chốc cá tự nhiên trên sông trên biển cũng cạn dần.

          Hết chuyện cá nước rồi tới chim trời cũng được phóng sinh. Mà nói theo thuyết nhà Phật phóng sinh cho loài vật đã có từ lâu lắm vì kiêng sát sinh, ngẫm ra việc làm ấy cũng phù hợp với việc bảo tồn các loài vật quý hiếm, hiện nay cũng có nguy cơ diệt chủng. Nhưng có một số vật nuôi để lấy sữa, lấy trứng, lấy thịt là nguồn thực phẩm chính cho con người đáng được duy trì và phát triển ngày càng rộng khắp. Bởi nuôi vật là để dưỡng sinh kia mà. Thì thử nghĩ việc phóng sinh và dưỡng sinh đều cần thiết như nhau?!... Tiếng gù uất ức của những chú chim câu, tiếng lích chích bức bối của những chú sẻ đã bị nhốt trong những chiếc lồng sắt treo dày đặc trên cây nhãn ngoài sân, cả trên hiên nhà bếp sau chùa tính ra đã gần ba bốn ngày. Và cứ sáng chiều như vậy, chú Mẫn đong lon thóc đổ cho chúng ăn, hay khi chú đi ra cổng trước lúc vào sân sau chúng đều xoay đầu đưa mắt nhìn theo. Chỉ có mấy ngày như thể cả tháng cả năm gần gũi thân thương lắm. Sáng rằm hôm ấy, sau buổi đọc kinh cùng sư thầy, chú Mẫn mở chốt bật các cửa lồng sắt rộng ra lần lượt từng con bay lên cành khế gần, ngoái cổ nhìn lại, rồi lấy đà bay cao hơn, xa hơn... Còn đêm đến chú Mẫn cứ trằn trọc có phải là nhớ đến lũ chim câu chim sẻ không, chú đã từng thưa với sư thầy về những mơ ước của mình, nhưng đã gần hết năm rồi, thêm một tuổi nữa mà sư thầy cứ điềm nhiên ngồi niệm Phật. Còn hôm nay chú mạnh dạn sẻ chia từ những lũ chim phóng sinh cứ đến sáng bay về chầu chực ăn những hạt thóc của chùa, chú là thanh niên há nào... chưa nói hết câu, sư thầy lẩm nhẩm Mô Phật! Mô Phật!... Con đã suy nghĩ kĩ chưa? Mà con không phải tự xuất gia như thầy, thầy đâu dám ép! Thầy không ngăn cản mà cũng không động viên. Con cứ thực hiện theo ý của mình, chọn con đường nào đi cho hợp đạo làm người, hợp lẽ ở đời thì cuộc sống mới có giá trị. Vậy theo lịch tháng này con không phải cạo đầu nữa! Mô Phật, Mô Phật!...

          Như thường lệ, chú Mẫn đứng trước chánh điện gõ từng tiếng mõ chăm chú nghe thầy đọc kinh. Sao hôm nay cánh tay phải của chú như thể rộn ràng muốn kết thúc hồi chuông cho nhanh. Phải chăng là tiếng hát “Lá còn xanh như anh đang còn trẻ, lá trên cành như anh trong toàn dân... anh trai làng...” trên loa phóng thanh xen lẫn tiếng chuông chùa buổi sáng sớm ngân vang thúc giục. Chiếc lá còn xanh trên cành như trái tim đầy nhiệt huyết của một chàng trai ở độ tuổi hai mươi tư, há nào tự tách mình ra khỏi cành cây sum suê rợp bóng chở che nụ cười của những em bé thơ ngây từng ngày từng giờ cất cao tiếng hát, chở che cho mặt đất lên xanh phủ kín nấm mồ nằm yên trong lòng Mẹ mà những người từng một thời trai trẻ đã xông xáo tiến công trực diện với ngoại xâm,... Cái màu xanh lá là sức sống của cây. Xào xạc bên nhau những trưa hè oi bức, lặng lẽ chống chọi cái sắt se khi đông tràn về. Dẫu thường ngày lá phải chịu đựng nắng mưa gió bão và khi lìa cành có thể tự hào đã từng cống hiến tuổi xanh... Còn bên kia hàng rào râm bụt, bé Yến mười bốn tuổi đang học lớp 9 chuẩn bị đến trường, nghe rõ tiếng cô phát thanh... Rồi dáo dác nhìn sang chùa như thể tìm chú Mẫn muốn nói điều vừa nghe được. Cả nhà cháu đều quý chú Mẫn, thương chú Mẫn nữa, chú biết không?!... Hoa râm bụt của chú ngày nào chỉ có sắc đỏ, bây giờ mới tỏa hương. Hương được tỏa ra từ người cầm hoa chính là chú Mẫn.

         Vậy thì... ở nhà tiếp tục làm cô giáo dạy em học. Chú là cánh chim trời tất bay đến nơi nào yêu thích, rồi đến một lúc nào đó sẽ phải trở về ngôi chùa đã nuôi dưỡng tuổi thơ chú, nếu không có nhà chùa chưa chắc chú có được như ngày hôm nay... Nhưng với sức lực và tầm vóc như thế này thì... chú không thể ở lại... Vừa nói, một tay chú Mẫn ôm Yến vào lòng, một tay vuốt lên bím tóc đuôi gà nguây nguẩy đỏ hoe...

         Không thực hiện được ước mơ làm cô giáo, Yến học tổng hợp chuyên ngành báo chí. Thời gian ngỡ như chầm chậm, tính ra đã hơn mười năm rồi. Mái tóc đỏ hoe nguây nguẩy ngày nào cứ ngong ngóng cánh chim trời kia được một lần gặp lại. Sao cánh chim trời bay không biết mỏi. Từ bi của một chú tiểu lên chức thầy không có ruột rà máu mủ thì cũng có bổn đạo, xóm làng chứ! Hay là chú Mẫn sợ cái nhìn của Yến ngân ngấn nước hôm chia tay đầu năm ra quân. Chắc là vậy quá! Ai bảo Yến khóc. Nhớ những buổi giao lưu của trường với đơn vị bộ đội kết nghĩa, không có một ai trùng tên với chú Mẫn hết. Chú đến đâu khi giữa thời buổi công nghệ thông tin liên lạc chỉ cần nhắp chuột, nhấn nút là có xa ngàn dặm cũng nghe rõ cả tiếng nói, nhìn thấy cả người ngồi nói chuyện với mình nữa. Hay là chú... Yến không dám nghĩ tiếp!...

         Ai dám bảo hoa râm bụt là hữu sắc, hữu sắc thì càng đẹp đóng góp sắc màu cho cuộc đời thêm sinh động. Sắc lá biêng biếc bóng mượt, sắc hoa đỏ thắm giữa nắng vàng lại càng đẹp hơn. Hoa nào lại không có sắc, còn hương ư?!... Có loại có mùi hương dìu dịu nhè nhẹ thoang thoảng, có mùi hương nồng nặc ngai ngái hôi hôi,... đâu chỉ đều nhằm quyến rũ con ong cánh bướm chập chờn đến hút mật, thụ phấn cho hoa mà chính bản thân hoa không tự làm được, mùi hương còn đánh lừa khứu giác cho con người mê hoặc. Chỉ riêng râm bụt tinh khiết lắm, ấy thế mà ngày xưa chú Mẫn chỉ hái mỗi hoa râm bụt cho Yến chơi, còn bảo yên tâm với loài hoa này, chị em Yến khỏi bị ngộ độc mùi hương...

        Con gió cát, gió muối sát lên tay người cứ rít vào da thịt Yến, cô ra khỏi phòng khách, bước chân xuống hai bậc tam cấp mà mắt không rời bụi râm bụt suýt nữa thì đụng phải anh nuôi trong tiểu đội hậu cần từ dưới bếp đang cầm phích nước đi vào hớn hở thân mật bắt chuyện:
       - Hình như trong đất liền không có loại hoa râm bụt này phải không chị!...
       - Dạ...! Dạ không phải ạ!... Yến giật mình ngạc nhiên đáp lễ cứ ngỡ như người đối diện biết hết điều Yến vừa nghĩ đến.
       - Chị ơi, trong đoàn ra đảo đợt này có mười một cô vừa là nhà báo, nhà văn, nhà thơ và có cả nhà “ca” nữa, thế thì xin lỗi chị có thể bí mật trước, chị thuộc “nhà” nào để chiều nay có buổi giao lưu văn nghệ chúng tôi còn chuẩn bị quà tặng riêng cho các “nhà” đấy nhé! 

        Yến ngẫm nghĩ “nhà ca” là ca sĩ, tủm tỉm cười để lộ đồng tiền nho nhỏ bên trái rồi thể như đánh lạc hướng:
       - Nếu như em thuộc diện bốn nhà thì anh có bốn phần quà nào cũng bật mí cho em biết trước có được không?...
       - Câu hỏi khó trả lời quá chị ơi! Nếu “chị” thuộc diện khác như nhà “tôi” thì... đơn giản, bí mật và đầy bất ngờ hơn chẳng hạn đưa môi mình đặt lên má nhà “tôi” theo sau là tiếng vỗ tay kéo dài của đám lính chúng tôi đua cùng tiếng sóng bất tận...

       - ... 

      Yến ngượng đỏ mặt, nếu như trong đất liền thì thế nào anh lính cũng bị Yến chỉnh lại một câu, nhưng lúc này Yến trợn tròn đôi mắt, rồi cả hai cùng cười.Yến theo anh nuôi vào khu nhà ăn khang trang sạch sẽ. Trên mỗi bàn dành cho bốn người đặt một cái mâm i- nôc hình chữ nhật nhiều ô đầy kín thức ăn: Rau xanh đã luộc chín, nước mắm ớt tỏi, bốn con cá nục lớn chiên vàng, thịt heo xào với măng khô, một nồi canh chua nho nhỏ bên cạnh thau cơm trắng ngần nóng hổi phả hương thơm phức mời cả bàn cầm đũa cho buổi trưa đầu tiên dừng chân lên đảo. Người lính trẻ trong bộ quân phục hải quân ngồi đối diện mời cơm và tự giới thiệu mình ra đảo gần bốn năm, lúc đầu nhớ nhà ghê lắm, ở riết trên đảo đâm ghiền tiếng sóng rì rầm chị ơi. Yến cười đáp lễ rồi tập trung đưa đôi đũa gắp một miếng cá bỏ vào miệng nhai tấm tắc khen ngon quá! Các anh quanh năm thưởng thức cá tươi như thế này thì còn gì bằng... Nói đến đây, Yến nhớ mỗi lần trong mâm cơm mẹ Yến tự hào một thời thanh niên nhờ quen tay và biết chế biến thức ăn nênba Yến nấu ăn khéo lắm, rồi Yến vanh vách theo dòng hồi tưởng đầy tự hào là thời ba Yến là bộ đội chiến trường Campuchia từ năm 1978, đương chức binh nhì, rồi năm sau lên được binh nhất nhưng không trực tiếp cầm súng nữa vì bị sốt liên miên, ba Yến được đưa về quân khu điều trị, tuy là sức khỏe có yếu đi nhưng dạn dày rắn chắc hơn thời còn là học sinh phổ thông nên ba Yến xin được chuyển làm công tác hậu cần ở biên giới Tây Nam đất nước. Cái nắng giữa mùa khô ở Tây Trường Sơn rông rốc, thuận tiện cho việc bếp núc lửa củi ít vất vả so với mùa mưa. Nhưng dẫu là mùa mưa hay mùa khô, để có từng chảo cơm trắng thơm phức không như bây giờ chỉ vo gạo và đổ vào nồi, canh mực nước cắm phích điện nấu chín là dùng ngay. Phải tội lúc ấy chưa có máy lọc sạn, muốn nấu cơm trước hết phải ngồi hàng giờ đãi gạo, lúc đầu chưa quen, nên khi ngồi vào bàn ăn cơm chính ba Yến lại nhai phải những hạt sạn còn sót lại làm ghê cả hàm răng chẳng thấy cơm ngon chút nào. Ba Yến hay tự khen là để nấu được một nồi cơm chín ngon ở biên giới còn khó hơn đánh giặc!... Bởi xưa nay ba Yến chỉ ăn cơm người khác nấu, đâu biết cái vất vả phải ngồi canh lửa củi thế nào để cơm không bị tầng lớp: sống, nhão, cháy, sạn. Từng chảo canh rau thịt ngọt thơm phức mùi hành, những con cá hấp đến tận núi rừng càng vàng giòn hơn trong mỗi chảo dầu ăn cho ngon miệng. Đâu riêng gì ba Yến, các chiến sĩ hậu cần ai cũng vậy.

         Vết thương chiến tranh biên giới trên đất liền sau những năm bảy lăm của thế kỉ trước hằn sâu trong kí ức mỗi công dân Việt Nam và khi khơi gợi thì nó cuồn cuộn theo cùng con sóng ngoài khơi cứ đỏ quạch như râu ngô trên nương rẫy khó mà hòa trong biển cả, hay đó còn là da thịt máu xương những chiến sĩ nằm lại quanh đảo Gạc Ma thuở nào. Chỉ nghĩ đến thôi mà khối chì từ đâu như chực sẵn thừa dịp đè lên trong lồng ngực của Yến, Yến cúi xuống cố và cho hết miếng cơm, nhưng chén cơm vẫn còn nguyên, không dám nói thêm cái điều mất mát đau thương mà các anh nơi đây đang từng giờ từng ngày đương đầu với thử thách lớn..

       Lúc này bất chợt cả hai cùng im lặng. Cái im lặng không lâu khi anh lính hậu cần bắt gặp ánh mắt Yến chớp chớp liên hồi... Bởi cả hai đang nghĩ về những năm tháng chiến tranh về những người đi trước, những đồng đội của cha anh, của bạn bè đang ngày đêm canh giữ biên cương hải đảo, rồi nghĩ tự dưng mình lại... là cán bộ tuyên huấn, mà được làm cán bộ tuyên huấn càng tốt chứ sao đâu!... Anh lính chuyển lại “đề tài” nhắc Yến là chị có thích quanh năm thưởng thức món cá tươi như thế này không? Yến cũng đã hiểu ngồi trong bàn ăn với nhau cần thoải mái hơn nên chị mau mắn: - Nếu em thích thì sao, còn không thích thì sao! - Nếu chị thích thì ngay chút nữa đây làm lễ đổi vị trí nhá! Vừa nói vừa cười, anh lính như được thể sẻ chia cũng có người chẳng bao giờ muốn đổi vị trí như trung úy của tôi, say sưa mấy năm liền hết ở trên nhà giàn này đến nhà giàn khác, chỉ lên đảo chưa giáp tuần lại nhớ nhà giàn mới lạ chứ! Anh ấy còn nói ở trên đấy bốn bề là gió đâu cần điều hòa, bạn với cánh chim trời, độc nhất chỉ một loài chim biển. Chúng là là bên nhà giàn rồi đậu trên vai các chiến sĩ, có một điều lạ là khi anh ấy đưa tay vuốt ve mỏ quặm chúng, thì chúng như thể được dịp ngẩng cái đầu lên cao như muốn bảo rằng loài hải âu đâu chỉ bền sức ở đôi cánh dài mà rất lợi hại chính là ở cái mỏ này thôi. Yến bảo ước gì được gặp trung úy của anh để nghe kể tiếp về loài chim biển dễ thương ấy!.. Anh lính thao thao như được dịp ngợi ca cấp chỉ huy của mình, vừa nói vừa nhìn ngón tay áp út trên bàn tay trái của Yến đeo chiếc nhẫn có đính một hạt đá trắng, anh chững lại: Chị biết không, đúng ra giờ này các anh chị được ngồi dùng cơm cùng trung úy, nhưng vừa rồi vợ thiếu úy Thắng sinh chưa giáp tháng, nên anh ấy trực thay phiên cho thiếu úy Thắng trở lại Trường Sa lớn chăm vợ một tháng nữa. Hay chị ở lại trên đảo nổi với chúng tôi có tiếng nói cười của phụ nữ rộn ràng hơn. Yến phân vân trả lời đi theo đoàn mà! Chị còn định nói thêm chỉ hai tuần nữa... rồi chị đưa bàn tay phải che kín chiếc nhẫn đã đính hôn trong ba tháng trước khi ra đảo. Nhưng lúc này ở đây nói ra cái điều ấy thì... không thể, chị hẹn chờ dịp khác sẽ cùng một người nữa ra đảo thăm các anh và biết đâu đất lành chim đậu!...

         Nghe kể lại trong đoàn có hai Yến, nhưng có phải Ngọc Yến tuổi chưa tròn trăng sang chùa chia tay rồi theo sư thầy xuống sân vận động huyện tiễn anh lên đường, chú tiểu Mẫn ngày nào giờ ngồi chăm chú lên màn hình vi tính tìm trên gương mặt quen thuộc và nhận ra cái nhìn sắc bén trong đôi mắt đen dưới hàng mi cong vút. Đúng là Yến rồi! Yến của anh, nhưng sao không là cô giáo!... Những ý nghĩ thoáng qua rồi vụt tắt khi con sóng lớn đập mạnh vào bờ đá, anh giật mình với những cảm xúc riêng tư gò bó quá. Với anh, nghề nào cũng vậy, vinh quang sẽ dành cho những người hoàn thành nhiệm vụ, ý thức thái độ tích cực với công việc luôn được trân trọng. Anh vẫn hằng nhớ và thầm ước ao Yến làm cô giáo để sáng sáng những cánh râm bụt bung mở trong lon sữa bò trên đầu hè mười lăm năm trước kia giờ chỉ là kỉ niệm!... Anh nhìn ra ngoài có một chút gì đó thể như nuối tiếc, thể như khát khao, không sao tránh khỏi cái nắng hạ vàng tự nhiên của trời đất được, có lẽ nắng hạn sẽ chỉ kéo dài theo mùa, còn sắc hoa râm bụt trong mắt anh vẫn thắm như xưa... 

 5.5.2014 

*Trích NƠI TÌNH YÊU GIỮ LẠI (NXB HNV, 2018)

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2021

Nồng thắm Nguyễn Thị Phụng*. Bài viết của Lê Bá Duy

https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=216746 

Thứ Hai, 23/08/2021, 22:28 (GMT+7)

Nồng thắm Nguyễn Thị Phụng*

Tập thơ “Mùa đông và em” của Nguyễn Thị Phụng vừa ra mắt bạn đọc vào tháng 8.2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Cái tựa đề “Mùa đông và em” gợi cho tôi một nỗi buồn nhiều hơn là vui!

Khác với những tập thơ trước, ở tập này Nguyễn Thị Phụng chắt chiu từ ngữ diễn đạt và cảm xúc được nén lại rồi đẩy lên ở mức độ cao hơn. Ví như “Mùa đông và em”: Sợi nắng dưỡng sinh quanh miền sa mạc/ Được thể/ gió rít từng cơn rét buốt da người/ bấc phùn khó nén/ phả theo ngày xám xịt sầu đông… Ngoài tầng nghĩa ban đầu, đoạn thơ mở ra một trường liên tưởng trên những tầng nghĩa khác. Thơ là như thế vì thơ không đa nghĩa thì thơ khó hay nhưng nhà thơ vẫn gói thông điệp của mình vào khổ cuối đầy chất hồn hậu: Mùa đông và em dậy thì/ ken nhau nhóm bếp lửa/ xuân nồng thắm đượm cả miền thương… Thì ra mùa đông chỉ là cái cớ mà tác giả mượn để bộc lộ tấm lòng xuân thì của mình luôn cháy bỏng.

 

Nhà thơ là người sáng tạo. Muốn sáng tạo thì phải luôn tự làm mới mình. Hiểu điều đó, Nguyễn Thị Phụng nỗ lực làm mới chính mình, đặc biệt thông qua cách mở ra những trường liên tưởng, dồn nén cảm xúc tạo thành những mã ngôn ngữ để bạn đọc giải mã qua cách cảm nhận của mình. Tôi thích cái lối diễn đạt này của chị: Nhập cửa Phật mà người còn phàm tục/ Tiếng chuông chùa mắc cạn chân không…

Nguyễn Thị Phụng còn làm mới thơ mình bằng hình ảnh trong thơ. Bài thơ “Gạo ơi” và “Hình hài của gió” nói lên điều đó rất rõ. Với “Gạo ơi” nhà thơ đã nhân hóa cây gạo thành nhân vật gần gũi với con người hơn. Nhưng cốt yếu nhà thơ xây dựng một hình ảnh con người cao tuổi “gánh cả chiều rơi” bi thương trong cuộc đời lắm tai họa do con người và thiên tai mang lại, thông qua hình ảnh cây gạo “dáng gầy” “bên góc đời” “tần ngần” “cháy đỏ” trần gian…

Cần mẫn như con ong, Nguyễn Thị Phụng sáng tác với niềm đam mê - mười ba năm, mười đầu sách (2 tiểu luận, 4 tập thơ, 1 tập truyện ngắn, 2 tản văn và 1 tạp văn) - nếu không đam mê sao chị có thể viết nhiều như thế được? Cứ nhìn vào tác phẩm, thời gian sáng tác và in ấn ra mắt bạn đọc ta sẽ hình dung khao khát viết, in sách để sẻ chia tác phẩm luôn thôi thúc Nguyễn Thị Phụng, đó cũng là động lực giúp chị vượt qua bệnh tật để tồn tại với cuộc sống này.

LÊ BÁ DUY

*https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=216746

Thứ Hai, 12 tháng 7, 2021

VẠN LỘC- NGƯỜI ĐÀN BÀ VIẾT THƠ TÌNH của NGUYỄN THỊ PHỤNG

 VẠN LỘC-  NGƯỜI ĐÀN BÀ VIẾT THƠ TÌNH


           Có thể tôi loay hoay khi chọn tựa đề viết về chị- Nhà thơ Vạn Lộc quê Quảng Nam, vùng đất của Bùi Giáng trước đây, của H. Man bây giờ. Xứ sở của “...chưa mưa đã thấm, của rượu hồng đào chưa ngấm đã say”. Cái say ấy ngấm vào thơ để lại cho đời biết bao nhiêu tác phẩm. Riêng chị Vạn Lộc đến nay có đến mười một tập, trong đó ba tập tái bản và rất nhiều giải thưởng được vinh danh. Nên thơ chị có mặt trên báo, tạp chí, tuyển tập, cũng như trên sóng phát thanh và truyền hình cũng là lẽ thường. Quả là cả đời chị yêu thơ đến dường nào. Thơ và đời là Chín chín nhịp*, là Lá thức*, là Gió miền lục bát*,...

        Lại nhớ được gặp chị của mười năm trước trong ngày ra mắt Hội thơ Lục bát Việt Nam tại Đà Nẵng, được chị ân cần đón tiếp niềm nở. Rồi trên đường từ trại sáng Đà Lạt trở về, lại gặp chị ở Quy Nhơn. Hẳn là cái duyên thơ. Giờ đây trong những ngày giãn cách xã hội, chị tiếp tục gửi tặng đâu chỉ thơ còn có cả hộp khẩu trang y tế thể như nhắc nhở chung tay chống dịch Covid-19. Và khi nhắc đến xã hội, chuyện đời thì biết chị- Nhà thơ Vạn Lộc nhiều lần trực tiếp sẻ chia những món quà từ thiện cho bà con gặp thiên tai bằng đồng tiền tích lũy cả đời mình. Ít nhiều san sẻ những âu lo cùng người dân lúc cơ nhỡ... Công việc từ thiện là chung cho những tấm lòng nhân từ và điều kiện sẵn có.

       Với cuộc đời đã đi vào thơ, hay thơ đi vào cuộc đời đã làm nên một Vạn Lộc, người con làng Đông Yên, Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam đến nay được 75 tuổi. Xin được chúc phúc chị hạnh phúc đã đong đầy từ gian lao khó nhọc, chịu thương chịu khó: “Bỏ áo nữ sinh mang áo chợ/ Tháng ngày mòn mỏi tuổi xuân tươi/ Những muốn cho chồng con hạnh phúc/ Gian lao cực khổ kể chi mình”(Chợ Cồn- Gió thổi từ Đông Yên*). Chính là đức hạnh của phụ nữ, hi sinh thầm lặng, chẳng ngại gian lao. Cũng như tất cả sự đóng góp mỗi thành viên trong gia đình sẽ là tổ ấm lâu dài bền vững nên mỗi bài là tiếng thơ tiếng lòng của chị-Người đàn bà viết thơ tình

       Tình yêu trong thơ Vạn Lộc bắt nguồn từ những bài lục bátChị có cả một tập Gió qua miền lục bát*. Nói đến thể lục bát, thì trong Nhịp điệu thơ ca- Lê Từ Hiển khẳng định: “Thể thơ truyền thống dân tộc được xem là sinh mệnh mang tiết điệu hồn sông nước Việt”***. Nó gần gũi với ca dao, ắt hẳn từ tuổi thơ nằm lòng trong những câu hát của mẹ: “Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”. Nhưng đời mẹ có dẫu đắng cay như bài ca dao xưa kia, thì lòng mẹ , tình bà với các cháu yêu như một Ban mai xanh**: “Mỗi trang đời đẹp trang thơ/ Yêu thương bà gửi giấc mơ lòng mình”. Riêng với các con, người mẹ sẻ chia với tấm lòng mình: “Mười bông hoa, mười niềm yêu/ Đã reo cánh sóng, vui triều nắng xuân/ Ban mai thơm gió trong ngần/ Thổi qua lòng mẹ, bâng khuâng quê nhà”(Ca dao mẹ)**. Đó là niềm vui người mẹ luôn kết nối và tỏa sáng:

      “Chiếc cầu nối biển nối sông
      Tình yêu nối những mênh mông chân trời
      Mùa đông vẫn chút nắng rơi
      Hình như nắng tự tim người nở hoa

                (Thương yêu tặng núm ruột của mẹ)**   

       Hình ảnh tự tim người nở hoa chính là tấm lòng đức độ, từ bi của người mẹ. Còn là sự trân trọng yêu kính người bạn đời đã trải qua sáu mươi năm sớm tối bên nhau, nhưng đâu thể níu kéo thời gian lại được, những hụt hẫng quá lớn, người phụ nữ- thi nhân, bên chồng đã bình tâm san sẻ: “Trăm năm đã gọi phai phôi/ Anh như mây xám bên trời đang bay/ Cầm tay anh, những ngón tay/ Guộc gầy năm tháng, đong đầy yêu thương”(Anh như áng mây bay lên trời)**.

       Và có thể nói vẹn nguyên tập thơ lục bát chính là tiếng lòng Vạn Lộc Một đời là mấy buồn vui** là những (Nội ơi, Cha, Vu Lan, Cánh cò và mẹ, Đóa từ tâm, Vô ưu kinh,...)**. Còn là sự thưởng ngoạn trên những điểm dừng chân(Hà Nội ơi, Nhớ Hà Tĩnh, Đà Nẵng ân tình,Tạ ơn quê,...)** Lục bát dễ đi vào lòng người, cũng là điệu tâm tình bộc bạch, kết nối trái tim đến với trái tim, đến với tình người và cảnh vật.

      Khác với Gió qua miền lục bát thì Lá thức là tập thơ thể Đường luật- thất ngôn bát cú đậm Gánh văn chương**. Bởi chịu sự chi phối văn chương bát học. Đâu chỉ dựa vào niêm luật gò bó từ số câu, gieo vần, đối thanh mà cái cốt lõi là thấm đẫm cái tình sâu lắng cô đọng. Trong tám mươi bài thơ Đường luật đã được tác giả phân theo đề mục của từng chủ đề. Bạn đọc sẽ dễ dàng nhận ra từng Mảnh tâm tư, chẳng hạn từ một Tiếng đàn**:

   “Thực tại bỗng dưng hóa ảo mờ
     Tay ngà nhè nhẹ chạm dây tơ
     Ngờ đâu cảm hứng tràn cung bậc
     Mới biết âm thanh ngập bến bờ
     Nâng khúc cầm xưa nâng điệu lý
     Ru tình duyên cũ động cơn mơ
     Ô hay! Tất cả là sương khói
     Hạt bụi bên đường cũng ngẩn ngơ

     Hay Hồn thiêng sông núi , Nhà thơ đã ưu ái vẽ nên bức tranh đẹp quê mình qua bài: Ngũ Hành Sơn**:

      “Ngắm Ngũ Hành Sơn đẹp sững sờ
       Thì ra tạo hóa cũng làm thơ
       Biển ôm triền sóng giao lời ước
       Núi kéo chân mây ngỏ ý chờ
       Non nước tinh hoa vàng với ngọc
       Sắc màu huyền diệu thực và mơ
       Thẹn thùng nhũ thạch khô nguồn sữa
       Mới biết người xưa khéo ỡm ờ

      Trong tầng nghĩa Lá thức là ẩn dụ cho sức mạnh tinh thần, niềm tin yêu được chắc lọc từ trái tim thân thiện. Điểm dừng chân trên từng mọi nẻo đường quê hương đều được đi vào trong thơ Vạn Lộc, mà hầu hết tác giả đã khai thác đến tận cùng cháy bỏng đam mê, khi dừng lại bài thứ tám mươi cuối cùng trong tập mà tôi tâm đắc nhất ở hai câu luận: “Em vẫn say tình ngùn ngụt lửa/ Anh còn giỡn nắng hững hờ bông”(Có một mùa thơ)**. Dấn thân vào thơ Đường luật phải là người uyên bác lựa chọn ngôn từ sáng đẹp mà tinh túy. Và chắc chắn rằng Lá thức đã là tài sản về thể loại thơ tồn tại đến bây giờ rất hiếm hoi.

      Để trọn vẹn về Người đàn bà viết thơ tình, thì Chín chín nhịp đã là độ nén trong toàn tập về thể thơ bốn câu

Nếu trước đây thơ bốn câu được quy định theo thể Đường luật, ngoài thất ngôn bát cú, thì còn có ngũ ngôn tứ tuyệt hay thất ngôn tứ tuyệt. Cho đến giờ lại được mở rộng thể tứ tuyệt không hạn định số từ trong câu. Từ độ nén theo lời ngắn tình dài tùy theo mạch cảm xúc giải bày. Thơ đã ngắn mà tựa đề bài thơ còn kiệm lời hơn, bởi Vạn Lộc chỉ dành một từ (từ một tiếng, từ hai tiếng) khá nhiều trong Chín chín nhịp , chẳng hạn như bài Soi**:

        Trước gương mình lại gặp mình
         Thẳm sâu đôi mắt lặng nhìn mình thôi
         Nếu mai gương vỡ mất rồi
         Thì xin nhắm mắt mà soi lòng mình

        Từ trong cách ngắm nhìn qua gương chỉ hiện khuôn mặt người. Nếu chỉ ngắm mình qua đôi mắt thì vẻ đẹp thể chất khó tồn tại theo thời gian. Cái chính là vẻ đẹp tâm hồn lắng lại câu kết: Thì xin nhắm mắt mà soi lòng mình. Tình yêu thơ với chị lan tỏa, là nguồn vui vượt lên tất cả trong tứ thơ lục bát Ơn đời ** một cách trân trọng:

       Còn bao nhiêu nắng trong hồn
         Em đem sưởi ấm cô đơn tháng ngày
         Ơn đời còn lại phút giây
         Vịn thơ vượt những đọa đày nhân gian

       Với Vạn Lộc, thơ là đời sống tinh thần cứu rỗi tâm hồn trong những lúc cô đơn nhất. Dẫu trên bước đường đời thăng trầm thì thơ là ngọn nguồn cho chị sẻ chia: “Phận đàn bà, phận bể dâu/ Câu thơ cay đắng nhĩ nhàu đau thương/ Mỗi bài thơ, mỗi đoạn trường/ Mà tim vẫn mãi ngát hương cuộc tình”(Người đàn bà làm thơ tình)**. Chỉ qua những tập thơ mới hiểu thêm đời chị. Lắm gian nan, lắm thử thách. Để rồi chị tìm về chốn tịnh thiền nơi của Phật, gửi vào nơi đây lời cầu nguyện chân tình, cho thế hệ cháu con mình an sinh phát triển: “Từ nay cởi áo xa hoa/ Tắm sông Bát Nhã, trọ nhà Hương Lam/ Buông danh vọng , xả sân tham/ Từ bi nép bóng, địa đàng dấn thân”(Nép bóng)**, còn là nhắc nhở, hãy vì cuộc sống tươi đẹp yêu thương vun đắp.

        Cho lời kết viết về Vạn Lộc- Người đàn bà làm thơ tình là tự kí gửi đời mình vào con chữ thấm đẫm muôn nỗi đắng cay:

       Vẽ tim mình vệt sóng xô
        Vẽ thương đau buổi sông hồ ly tan
        Một đời nhặt đá, tìm vàng
        Xuân xanh đổi lấy trái ngang đời người
”./.

                      12.07.2021 / Nguyễn Thị Phụng.

__________________

*Tên các tập thơ của Vạn Lộc.
**Tên các bài thơ
***Trích  Sinh thể văn học- Những nẻo đường tiếp nhận(NXB. KHXH 2020)