Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

CHỈ LÀ CẤU TRÚC HÌNH THỨC, Tiểu luận của Nguyễn Thị Phụng

 

CHỈ LÀ CẤU TRÚC HÌNH THỨC (trích Lặng trong hương lúa, 2014)




         Dân gian đã từng cảm nhận chiếc áo không làm nên thầy tu, phải chăng hình thức chưa phải là nhân cách con người. Rồi tục ngữ cũng có câu “Người đẹp vì lụa” chỉ để ngợi ca hình thức. Không, tất cả muốn làm nên giá trị chân chính vẫn là “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” cho mọi đối tượng. Như thế thì thị hiếu thẩm mĩ thể hiện ra trong lúc nào. Nhu cầu cuộc sống đâu chỉ có ăn no mặc ấm chăm chút cho thể chất để bản năng con người tồn tại giữa thế gian này. Cái thiết yếu từ xưa đến nay con người tồn tại là giá trị tinh thần. Giá trị tinh thần ấy chính là văn hóa người Việt Nam mang đậm nét thuần phong mĩ tục làm nền tảng lâu dài và mãi mãi mai sau. Nói như thế để khẳng định hình thức chỉ là cấu trúc bên ngoài. Nhưng là một cấu trúc ở độ tin cậy cao. Sự tiếp nhận văn hóa thông qua nhiều con đường theo trình tự nhìn, nghe, cảm nhận đến nói, đọc, viết. Chẳng khác nào như sự lớn lên một đời người theo tháng năm. Con đường tiếp nhận văn bản dễ dàng nhất nói hay viết thông qua hình thức câu chữ tiếng Mẹ đẻ. Hình thức tuân theo trình tự sắp xếp từ ngữ tạo trật tự câu văn từ chủ thể đến hành động của chủ thể theo văn cảnh biểu đạt thêm tình thái, không gian, thời gian, mục đích, nhượng bộ, hay điều kiện giả thiết,… của sự vật mà chủ thể phát ngôn. Nó chẳng khác nào như người thợ may giỏi, nắm được kích thước đường may cơ bản phù hợp với vóc dáng từng người, lứa tuổi, còn mẫu thời trang, chất liệu, sắc màu hoa văn phải theo người sử dụng, bởi khách hàng là thượng đế. Tác phẩm văn chương muốn sống được và tồn tại cũng vậy, Truyện Kiều của Nguyễn Du là một minh chứng. Hay xác nhận một cách rõ ràng hơn thì văn học cổ điển bao giờ cũng tân kì. Nói như vậy cũng có thể có một ít bảo thủ. Sự đồng nhất giữa cấu trúc hình thức và nội dung ý nghĩa mang tính phổ thông, minh bạch. Với tác phẩm văn chương- trừ văn xuôi, thì thơ đâu chỉ dừng lại ở ngữ nghĩa tự điển thứ nhất đơn thuần. Cách viết kiệm lời mà tứ thì sâu, đó là tầng nghĩa thứ hai, thứ ba ngự cái ẩn trong vỏ câu từ.



  Cấu trúc hình thức ở thơ ca dân gian luôn có vần vè cho người nghe dễ nhớ dễ thuộc như tục ngữ là từ kinh nghiệm thực tế cuộc sống “ăn có nhai, nói có nghĩ”, … thành ngữ thì dùng hình ảnh như làm mực thước vất vả gian lao “lên thác xuống ghềnh”,… ca dao là tiếng nói tình cảm, là câu hát có chương khúc nâng cao hơn theo thể loại truyền thống diễn ca sử dụng thể lục bát, thể song thất lục bát, lục bát biến thể,…

              Cấu trúc hình thức ở thơ ca trung đại lại ảnh hưởng một phần thơ Đường Trung quốc. Thể ngũ ngôn tứ tuyệt, thể thất ngôn tứ  tuyệt, thể thất ngôn bát cú như Muốn làm thằng cuội của Tản Đà, nhưng Tản Đà lại là gạch nối của thơ ca Trung đại và hiện đại (tác giả sử dụng cấu trúc thể thơ trung đại mà hồn thơ hiện đại), một phần sử dụng thể truyền thống như ca dao tiêu biển một số truyện nôm diễn ca hay truyện thơ như Truyện Kiều của Nguyễn Du, mà “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn…”
              Cấu trúc hình thức ở thơ ca hiện đại (thế kỉ XX) kế thừa thơ trung đại còn tồn tại, thơ tự do mà phong trào Thơ Mới những năm ba mươi cho đến nay còn duy trì và phát triển cơ bản là nhịp điệu của câu thơ. Tiêu biểu từ Tình già của Phan Khôi đến Nhớ Rừng của Thế Lữ,…
              Những năm 45 đến 75, cấu trúc thơ duy trì và phát triển của một số nhà thơ tên tuổi từ Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên,… đến Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng,… và những nhà thơ trưởng thành trong tuyến lửa Trường Sơn có Phạm Tiến Duật, Dương Hương Li, Hữu Thỉnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lệ Thu,… 



             Đến những năm 1990, 2000 thì một số nhà thơ Việt chuộng lối thơ Tân Hình thức - New Formalism. Như bắt nguồn từ Pháp với từ thi phẩm Jean Ristat, Từ Khúc Dục Mùa Xuân Rảo Bước, đăng trên báo La Nouvelle Critique giữa 1977-1978, thể thơ thông dụng là Alexandrin, 12 chân (âm) và tiếng Pháp đa âm, cứ mỗi dòng 12 chân thì xuống hàng, bất chấp cú pháp và từ vựng. Còn ở Mĩ từ những năm 70, 80 thì thơ Tân Hình thức với cách vắt (ngắt) dòng tự nhiên (thơ không vần, nhịp điệu tự do, cứ đúng số chữ theo quy định của một bài có thể mỗi câu năm chữ, sáu, bảy, tám, chín, mười chữ tùy cảm hứng của người sáng tác, đủ mọi đề tài trong thế giới con người , thanh tao có, dung tục có, nhìn hình thức xuống dòng vẫn trọn ý cho một câu, ta biết đó là thơ Tân Hình thức) Mãi đến mười lăm năm sau, với tập thi tuyển Những Thiên Thần Nổi Loạn theo New Formalism của một số nhà thơ Mĩ đã thu hút số ít tác giả nhất là lớp trẻ ở Việt Nam mở ra cách lựa chọn cấu trúc câu chữ vô cùng hấp dẫn khả năng sáng tạo của họ. Như vậy từ đầu thế kỉ XXI đã có ít nhiều người đón nhận (khoảng 150 người). Chẳng hạn bài thơ thứ nhất trong cách kể và tả:
Từ những bước chân đi
           “Huế, Sàigòn, Hà Nội, Hai
                mươi năm xa vẫn còn xa ..”
(*)

tôi trở lại ba mươi sáu
phố phường Hà Nội mỗi ngày
thêm một cổ xưa – như cô
gái ngồi chồm hổm ở chợ
Đồng Xuân rao hàng lẫu cá
lẫu đồ biển, lẫu thập cẩm
mời anh ngồi xuống đây uống
bia Hà Nội, đặc sản quê
hương, ôi mấy mùa chinh chiến

Huế của tôi có “O” về
qua Cửa Thượng, cơm hến chiều
nay cay đắng trộn vào nhau
nghe ngậm ngùi câu hò mái
đẩy, xuôi ngược Hương Giang qua
cầu Trường Tiền, đêm lấp lánh
đèn xanh đèn đỏ, tôi tìm
“O” áo trắng đã mấy mùa

Sàigòn phố cà phê bụi
bặm, cao ốc xây dở dang
như chuyện tình, cô gái mặc
mini jupe làm nghề hớt
tóc ráy tai, khoe đùi trắng
và đôi mắt nhiều đêm mất
ngủ, xe taxi máy lạnh
và quán bia hơi, Sàigòn
ôi đã mấy mùa chinh chiến
“Huế, Sàigòn, Hà Nội hai
mươi năm xa vẫn còn xa…”

Phạm An Nhiên
SG 08082004
_________
(*)tcs

Ví dụ một bài thơ tân hình thức thứ hai trong cách suy luận:
Cái khôn thừa
Mặt đất có lắm người khôn tôi gặp
thuở con nít thời trai trẻ, gặp nhiều
hơn khi lớn, họ khôn nhiều rất nhiều.
Cái khôn như không thể đếm nhưng vẫn
có thể như bọn trẻ đếm viên bi,
nhiều muốn tràn khỏi túi đã ních chật
phồng căng tiền, người tình, chiếc xe hơi,
bài thơ, sự nghiệp rách. Khôn giành hết
về phần mình để làm gì không hiểu.
Tôi thấy họ giấu kĩ, đôi lúc cũng
xòe ra sẵn sàng đối phó hay ra
tay với ai không biết. Thỉnh thoảng tôi
cũng thèm khôn như họ, khôn để viết
lách hay bon chen nhưng khi ngồi trước
giấy trắng tôi quên khôn. Ồ khôn nhiều
mà làm gì, ôi cuộc đời để làm
gì chứ họ?
                  Inrasara
          Lối Tân Hình thức vẫn có cái riêng của từng câu chữ, nếu ta có thể chịu khó suy ngẫm từ trong một câu đến một đoạn thơ bốn câu là sự móc xích và luôn có ý nghĩa trong một cái tứ của nó. Ví dụ đoạn cuối bài Cái Khôn Thừa của Inrasara: “cũng thèm khôn như họ, khôn để viết/ lách hay bon chen nhưng khi ngồi trước/ giấy trắng tôi quên khôn. Ồ khôn nhiều/ mà làm gì, ôi cuộc đời để làm/ gì chứ họ?” Và dĩ nhiên, nếu trong cách làm thơ Đường khó về niêm luật gò bó số lượng câu chữ, thì thơ Tân Hình thức mở rộng câu chữ lại yêu cầu cao hơn đâu chỉ về cấu trúc mà còn về sự liên kết ý nghĩa nội dung trọn vẹn của mỗi câu. Và nếu như xin được mạn phép cách giả định dùng số từ “những” trong câu lách hay bon chen nhữngkhi ngồi trước” vừa xác định ý nhấn mạnh thói quen lặp lại của chủ thể, rồi khẳng định ngỡ như thể mụ mẫm bởi cái khôn thừa trước giấy trắng tôi quên khôn. Ồ khôn nhiều … Còn dùng từ “nhưng” của chính tác giả lách hay bon chen “nhưng khi ngồi trước” vẫn là dụng ý trong sự đối lập mạnh mẽ cái khôn thừa anh đã có, đã biết giữa vật chất cuốn hút đối lập với tâm hồn mãi miết của người cầm bút tạo nên những áng thơ văn cho hôm nay và thế hệ mai sau mà không hề vụ lợi cho riêng mình. Điều đó khẳng định lối Tân Hình thức luôn vô cùng độc đáo động não những ai say sưa gồng mình kiếm tìm con chữ thể hiện tứ thơ mà người sáng tác lựa chọn khác nào khi Kim Trọng cảm nhận tiếng đàn Thúy Kiều đã được Nguyễn Du miêu tả “Trong  như tiếng hạc bay qua/ Đục như tiếng suối mới sa giữa vời,…”


            Chỉ ngại có điều ngoài “cái thanh cao” đi vào Tân Hình thức có lẽ không ai chối bỏ, còn ở một số bài“cái dung tục” lập đi lập lại nhiều lần quá thô thiển đã đành, còn trần trụi đến mức dị ứng, hay cách nói phản cảm ở một số bài thơ có thể chấp nhận được không?!... Tiếp nhận cấu trúc Tân Hình thức là điều nên làm để sáng tạo thơ ca cho hôm nay, nhưng ta không hề bảo thủ cái mới, không thể lái xe con đời mới chạy nhanh trên con đường đất lún sau cơn mưa được. Xây được cái nền đường vững chắc cũng chưa cho phép xe con kia chạy nhanh, mà phải thực hiện theo yêu cầu tốc độ quy định. Tân Hình thức thơ là hơi thở của thời đại công nghiệp, dễ bị choáng bị sốc với những người yếu thần kinh chỉ cần nhìn đoàn tàu lửa chạy trên đường sắt đã say sóng và nôn ngay (nguyên nhân của sự phản cảm là văn hóa Việt khó chấp nhận, nói như vậy không hề bảo thủ. Bởi ngôn ngữ thơ nói chung luôn khác với ngôn ngữ thường ngày, nó mang tính thẩm mĩ để nâng cao đời sống tâm hồn con người). Dẫu biết tác phẩm văn học đến với người đọc, người nghe đâu thể cùng lứa tuổi hay cùng trình độ nhận thức như nhau. Cấu trúc Thơ Mới gần trăm năm nay vẫn duy trì gìn giữ, thế thì cấu trúc Tân Hình thức đã có hơn ba mươi năm trên thế giới sao mà khó dung nạp, âu chỉ là thói quen!...



       Có lẽ, Tân Hình thức thơ ca chưa mấy thích nghi với người tiếp nhận, thì cách viết Hậu Hiện đại mở ra lối mới hơn là siêu hư cấu, một cấu trúc quá tự do như một trò chơi ngôn ngữ tung vẫy ngôn ngữ trên một bình diện rộng theo những lối thực hành mới riêng biệt theo phong cách cá nhân tự do lựa chọn, đôi khi lắp ráp câu từ, tranh ảnh tạo những phát ngôn mới riêng biệt để diễn đạt như thể thơ độc vận, thơ đa thanh, thơ phụ âm, thơ danh từ, thơ mẫu tự, thơ kí tự, thơ thị giác, thơ nhiếp ảnh, thơ hỗn hợp,…
Chẳng hạn một trò chơi chữ mới tách cụm từ trong câu thơ:
              Trăm năm trong cõi/  người ta.
              Trăm năm trong cõi (là chủ đề rồi mở rộng chủ đề theo mẫu tự A,B, C,…)
Ải. Ấp. Bãi biển. Bãi tha ma. Bè. Bến. Bến đò. Bến phà. Bến tâu. Bến xe. Bệnh viện. Biệt phòng. Biệt phủ. Biệt thự,… Cầu tiêu. Chánh điện. Chợ. Chợ chồm hổm. Chợ phiên,…
             Người ta: Á hậu. Bí thư. Bí thư chi bộ,.. Bộ trưởng. Binh nhì. Ca sĩ. Cảnh sát. Chị gánh nước,… Công an. Cụ già,… Dân. Dân biểu. Dân đen,… (Lối thơ danh từ của Nguyễn Tôn Hiệt, Nha Trang, sống ở Australia)
              Cấu trúc thơ hậu hiện đại là sử dụng liệt kê tự nhiên đảo trật tự từ trong câu: “Em mặc áo xanh/ Áo xanh em mặc/ …”của Tam Lê- Trần Nguyên Anh (có nét tương đồng đoạn thoại giữa hai nhân vật ông Giuốc-đanh muốn nhờ thầy triết viết dùm lá thư tình trong hài kịch Trưởng giả học làm sang của Môlie đã sử dụng từ thế kỉ XVII), thơ thị giác, thơ nhiếp ảnh, thơ hỗn hợp,… người đọc có thể chấp nhận, hoặc không thể chấp nhận, là tùy vào thị hiếu thẩm mĩ của mỗi người. Người sáng tác theo lối hậu hiện đại vận dụng mọi từ ngữ chất liệu trong thế giới đời sống, kể cả miếng giẻ rách bỏ, một cái bao cao su thải ra,… họ cũng đều sử dụng, một quan niệm thể hiện sao cho thích nghi với thế giới của "hiện thực thậm phồn" đương đại, không phủ định cái cũ để hô hào cái mới. Bởi vì theo họ, mọi đề tài trong văn học hiện đại đã dùng rồi, nên họ tránh lặp lại lối truyền thống. Đó là kế thừa kết quả của John Barth từng tuyên bố rằng văn chương đã đến hồi cạn kiệt từ những năm 1967, mãi đến 1980, ông quan sát nền văn chương hậu hiện đại và tuyên bố rằng đó là "nền văn chương của sự phong dật". Nên cuối cùng dễ dàng sa vào hố hủy diệt. Và chính vì vậy mà Alan Kirby- Tiến sĩ văn học Anh có bài viết về Cái chết của Chủ nghĩa hậu hiện đại và xa hơn*


              Như vậy dù là Tân Hình thức có phải là nét mới hay kế thừa từ cách ngắt dòng của thơ ca Việt (như thơ năm chữ, sáu chữ, bảy chữ,…) hay như theo lời nhận xét của bà Angela Saunders một nhà bình luận thơ Mỹ đã từng cảm nhận về thơ Tân Hình Thức Việt, khi viết lời giới thiệu cho tuyển tập “Thơ Kể”: Nhịp điệu và âm thanh của một bài thơ cung cấp phương tiện truyền đạt và phương thức ghi nhớ thi ca. Những âm thanh trôi chảy trong một ngôn ngữ bản địa đều có nét đặc thù về mặt ngôn ngữ và không dễ dàng để dịch sang một ngôn ngữ khác...” Điều đó cũng khẳng định cấu trúc Tân Hình thức ra đời dễ dàng cho việc chuyển hệ song ngữ được. Còn Hậu Hiện đại phải chăng từ vỏ ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa xáo trộn nên cần nhìn lại trong quá trình sáng tác hay còn đang trên con đường thử nghiệm, vận dụng cho có hiệu quả cho mối quan hệ giữa người với người trong xã hội. Chính vì vậy nhà thơ không thể tách rời đối tượng của mình, thơ vẫn nằm trong nội hàm của văn hóa tinh thần, nên dù theo một cấu trúc hình thức nào phù hợp việc lựa chọn tứ thơ làm nên nghệ thuật chân chính đều được con người thưởng thức, trân trọng. Thơ là vẻ đẹp thuần túy đại diện cho tiếng nói lương tri cao quý như yêu, ghét rõ ràng ở từng cung bậc trầm bỗng khác nhau.
                                                                   Tuy Phước, 27.9.2013
_____
* Nhà văn và Tác phẩm, tr.161, số 1- 2013

Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2023

ĐẤT TRỜI TẠO RA THƠ.

 

                              ĐẤT TRỜI TẠO RA THƠ.

           Thể như nghịch lí của đất trời, mà quả thật Đất trời tạo ra thơ, bài thơ vũ trụ hoàn chỉnh tuyệt đối kể cả trong từng sát na. Chỉ có điều cái tứ thơ thuộc sở hữu thi nhân. Cách dụng từ cũng không thuộc ở người trẻ tuổi. Sự bố trí công bằng cho những ai yêu thích thưởng ngoạn. Thơ chỉ được trân trọng và sẻ chia. Tình chưa muộn(NXB. HNV 2023) là tập thơ thứ tư, trong tám tập sách với nhiều thể loại của Nam Thi đã xuất bản từ 2019 đến nay.

           Kể ra, tuổi ngoài thất thập của anh gọi là xưa nay hiếm. Cái hiếm cho một quan niệm của thơ cũng không trùng lặp: “Đất trời tạo ra thơ / Cuộc sống hoài thai thơ /Người nuôi dưỡng và thu hoạch / Cơ thể tạo ra máu / và máu nuôi cơ thể // và đất là nơi nước ở / Vạn vật sinh sôi nẩy nở / cho đất phủ xanh / cho sự sống đời đời”(Nụ hoa nở trên sa mạc)*. Viết đến đây người đọc chợt nghĩ về nhân sinh quan của vũ trụ. Không hề thêu dệt mà khẳng định đất trời bao dung con người, con người hòa trong vũ trụ luôn có sự tương thông nhau. Tình chưa muộn không là trẻ hóa mà chính là cốt cách bậc lão thơ Nam Thi.

          Tình chưa muộn là ẩn số khó giải theo phương trình toán học, mà trên mỗi tứ thơ không lặp lại khuôn mẫu cố định. Tự thân mỗi bài thơ như bức họa mưa nắng không làm nhòe câu chữ. Đó là cái hồn cốt văn chương ngoài thiên phú, thi nhân cần dụng nghĩa từ trí tuệ và cảm xúc, ưu ái cho thơ: “Ta mài dũa ngọc từ trong đá / Ta đánh thức người đẹp ngủ say trong rừng / Ta chắt chiu thơ / Như nụ hoa nở trên sa mạc khô cằn / Ta vắt cạn trái tim mình / Thơ hiện ra như phép lạ” (Nụ hoa nở trên sa mạc)*. Thơ tỏa hương sắc theo mùa, thơ còn là dưỡng khí chăm chút đời sống tâm hồn không dành riêng cho người sáng tác.

           Điểm sáng trong Tình chưa muộn là nỗi khát khao. Khát khao hướng thiện bừng cháy dẫu là giả định:

         Giá như tôi có thể âm thầm cầu nguyện

           Tình yêu của tôi thành phép mầu

           Dập tắt lửa chiến tranh

           Chôn vùi tham vọng cường quyền

           Lập lại bình yên cho người lành dưới thế

                                      (Que diêm cầu nguyện)*

         Khát khao hoan ca, khởi đầu mùa xuân, khởi đầu núi rừng sắc đỏ mặt trời, hương thơm cà phê bạt ngàn quyến rũ, vẻ đẹp sơn nữ dậy thì khỏe khoắn trong tầng nghĩa ẩn dụ đắm say : “Niê mặc áo hoàng hôn/ nhuộm màu ráng đỏ/ Nụ cười của lửa đại ngàn./ Tiếng hát suối khe/ Hiền hòa như dã quỳ/ Đằm thắm như ba zan/ Thơm như trà, cà phê/ Nồng nàn như rượu cần/ Anh chưa uống đã say túy lúy”( Chào năm mới Niê)*. Rồi theo mùa đọng lại vẻ đẹp hồi xuân cũng là dấu ấn khó phai: “Ngày em tròn 40. Mùa hạ có nấn ná rồi cũng đi qua. Lá còn xanh như tóc em còn mượt mà. Mặt trời còn rực rỡ trên màu hoa chuối. Và trái tim em còn ươm nồng lửa hạ.”(Ngày em tròn 40)*.

          Những sắc thái ráng đỏ, trời xanh, que diêm, màu hoa, men rượu, hương mùa,... thuộc gam màu phấn chấn cung cấp năng lượng trong Tình chưa muộn làm nên chất liệu ngữ cảnh riêng biệt của một Nam Thi. Nên bất kì trong bài thơ nào của anh dẫu là mùa hè vẫn ươm nồng lửa hạ dịu kì, dẫu là mùa đông đầy vơi giá lạnh, bày tỏ với đất rộng trời cao mà gửi gắm: “Có một khoảng trời xanh hiếm hoi mùa đông/ Để tôi gửi ước mơ lên đó/ Mong manh những vệt mây trắng/ Dịu dàng tia nắng ban mai (Một khoảng trời xanh mùa đông)*.

            Tia nắng ban mai trong khoảng trời xanh khơi nguồn cảm hứng cho Tình chưa muộn kết nối trái tim thi nhân gắn bó với đất trời, với gia đình người thân bạn bè, làng xóm và cộng đồng xã hội phong phú và đa dạng mà thể thơ tự do là thế mạnh của Nam Thi. Chân tình và sâu lắng từ những cuộc giao lưu thơ. Ngoài bút danh Nam Thi, lúc thì tán gẫu nhau nickname TXC(Tám Xóm Chùa), lúc thì bày tỏ tâm tình hồn nhiên khích lệ giamahazui, lúc thì thỏa thích chén thù chén tạc giamamatnet,... Nhưng có phải nỗi cô đơn thường ngày gặm nhấm tâm hồn thi nhân minh chứng cho một Lời nguyền của mây*: “Chia tay nhau không báo trước/ Em chỉ quẳng lại cho anh trận mưa/ dàn dụa con đường mùa đông/ ngập úng cánh đồng/ khi anh đưa em về / em mang theo hơi lạnh cao nguyên”.

            “Em” trong Tình chưa muộn là nhịp trái tim không nguôi bám víu nài nỉ thường ngày trong suốt chặng đường trai trẻ đến bây giờ càng thâm thúy hơn. Có lẽ không riêng gì Nam Thi, hầu hết những tác phẩm nghệ thuật nói chung, “Em” là đối tượng vô cùng thi vị trong cuộc đời này. Có lẽ cũng phải cảm ơn “Em” cho thi nhân chút tình làm chất xúc tác xóa đi muộn phiền tháng ngày trôi qua, ngỡ quá khứ nằm im cho kỉ niệm muốn quên, mà đâu thể nào quên tình đời lấm láp bụi trần, nhơ nhớp “Sài Gòn mùa mưa./ Mưa tầm tã/ nào thấy mưa ngâu/ Câu thơ hụt hẫng thẹn thùa”(Lũ quét)* cho một dấu trừ buồn, day dứt. Biết rằng bên cạnh mình bao nhiêu dấu cộng tinh túy cho câu thơ mượt mà, thấm đẫm yêu thương hàn gắn với hiện tại chút tâm tình: “Tôi lại có thêm một ngày/ để sống /để nhớ và để quên/ cuộc hành trình vất vả 75 năm/ với tình yêu thắp tuổi thanh xuân/ đến bây giờ còn sáng trong tim/ với chiến tranh và thù hận đã lụi tàn nhạt nhoà ký ức”(Cảm ơn bình minh)*.

            Nếu như lời cảm ơn bình minh thắp sáng tứ thơ Nam Thi vẫn chưa đủ. Cái đủ thường ngày là cảm ơn sự luân hồi trời đất xoay vần, thử thách để tôi luyện bản lĩnh tâm hồn dễ gì mai một. Trở lại với Đất trời tạo ra thơ cho con người tiếp nhận tận hưởng, làm nên tập Tình chưa muộn là chủ đề mượn ý phủ định để khẳng định sự thật thơ văn chân tình cho người xích lại, gắn bó và sẻ chia buồn vui trong cuộc đời này, thì giá trị đời sống tinh thần được nâng cao, đó chính là nền tảng văn học Việt xưa nay./.

                                                                          20.04.2023/ Nguyễn Thị Phụng.

.....

*Tên các bài thơ trong tập.

Thứ Tư, 5 tháng 7, 2023

SẮC HƯƠNG GÓP NHẶT NÊN ĐỜI

 

Đọc tập thơ Thức của Bạch Xuân Lộc

                         SẮC HƯƠNG GÓP NHẶT NÊN ĐỜI



               Sắc hương góp nhặt nên đời

               Mốt mai mây trắng ngang trời lênh đênh...

        Đó là cảm xúc đề từ khi đọc tập thơ Thức của Bạch Xuân Lộc.

        Khởi nguồn từ trái tim yêu làng chài, nơi anh cất tiếng khóc chào đời, trên chiếc nôi cánh võng đong đưa con sóng bên Bãi nồm Nhơn Lý. Quả thật, cái khát khao tĩnh lặng rất tự nhiên, nhưng sóng mãi ngàn năm yêu bờ, có chăng là sự nghịch lí. Với thi nhân, đến bao giờ chọn mặt gửi vàng. Cái vàng xuất phát từ chân thiện mĩ đã làm nên cốt cách một Bạch Xuân Lộc với 99 bài thơ đa thể loại, đa phong cách. Tập trung vẫn là câu chữ mộc mạc chân chất, cộng vào cảm xúc phóng khoáng con người sông nước ăn sóng nói gió, vật lộn với gian nan vất vả, khó khăn cực nhọc mà ngàn đời dân chài chịu đựng, đã nuôi dưỡng tâm hồn anh, cho ta trân quý tác giả trọng ý không cưỡng từ khi thi tứ bật lên, lúc cô đơn tìm về, trong lời Tự tình* tha thiết:

              “Muốn ngồi một chút với một tôi,

                Không gian yên tĩnh vắng lâu rồi,

                Vị cà phê đắng như màu đá,

                Hương thời gian và gió buông lơi...”

         Cô đơn bầu bạn, trêu ngươi, thách thức hành trình xuyên suốt cả tập thơ. Chỉ có hương thời gian và gió buông lơi tác động mạch cảm xúc sẻ chia theo mỗi chủ đề. Mở ra cái nhìn đầy thiện cảm: “Nơi kia cũng giữa đất trời/ Ở đó vẫn có những người mình yêu!”(Chạnh lòng)*. Những người mình yêu ắt hẳn sẽ hạnh phúc, nhưng hạnh phúc đong đầy vẫn chính là tác giả chân tình với người thân, họ hàng, bạn bè,... kể cả mọi vật xung quanh như (Phượng xứ Melb, Bạch đàn,...)* Nhất là tiết trời chuyển mùa từ thu sang đông khi khoảnh khắc (Đợi vàng chiếc lá, Sắc thu, Thu của Melbourne,...)* cho anh xao xuyến không nguôi:

              “Cuối thu gom nốt lá vàng,

              Vùi sâu nỗi nhớ đa đoan sông hồ.

              Suối thu róc rách đôi bờ,

              Sau lần tương hội con đò về đâu.

              Gieo neo chi trắng mái đầu?”

                                         (Bright, màu lá)*

         Có phải là gieo neo trắc trở, vất vả mới vượt qua được. Mà đúng là vậy. Gian nan đủ thử sức người. Bền bỉ, chịu đựng chính là lòng nhân. Ngẫm cho cùng thì đời người đâu đo bằng tuổi tác. Giá trị cuộc sống là sự dấn thân, từng trải, chiêm nghiệm luôn được nâng cao và lưu trữ thể như sự hiển nhiên vốn có trong đời:

           “Đò chiều... không ngóng không mong,

             Có qua thì chống chứ trông chờ gì…

             Đò chiều…buông bỏ sân si,

             Tham an thanh thản đường đi lối về”.

                                                   (Đò chiều)*

      Tình yêu trong thơ Bạch Xuân Lộc cũng bắt đầu từ những “đường đi lối về” khi mà những tứ thơ (Tâm an, Sáng thứ ba, Đi lễ chùa...)* có thể phối hợp nhịp nhàng lớn lên trong các mối quan hệ. Xuất phát từ tấm lòng kính yêu mẹ đơn côi tuổi già nhưng tràn đầy năng lượng sống, là chỗ dựa tinh thần cho con nơi phương trời xa tìm về với quê hương, nguồn cội không xa lắm (Từng bước tới lui, Chỉ là màu tóc mà thôi,...)* với lời nhắn nhủ:“Về đây em mộng sum vầy,/ Tình kia dẫu đã như mây vô thường./ Vũng Nồm/  nối kết yêu thương” (Vũng Nồm mùa hạ)*. Về với gia đình, dẫu lắm lúc biết thời gian nghiệt ngã vô cùng, một sự thật chấp nhận như khi: “Vậy đó nhớ Me cứ gọi về/ Mặc dù âm sắc bà chẳng nghe/ Nhưng thôi gọi để như nhắc nhớ/ Ký ức xa xưa lối đi về”(Mẹ nghe không rõ)*.

           Nhắc nhở ký ức xa xưa rồi gần lắm, nhớ nhung “Được có bữa trưa với Mẹ/ Cơm canh hạnh phúc thắm tình/ Xưa nay nhà mình vẫn thế.../ Chung tay chén vỡ chén lành”(Bữa trưa)*. Gìn giữ vẹn nguyên tấm lòng thơm thảo ngọt bùi đùm bọc: “Nhớ ngày giỗ Cha, cả nhà chung tay từ thiện.../ Cứu tế bà con trong mùa biển động khó khăn/... Giúp đỡ nhau cân gạo cọng rau/ Văn hóa cưu mang quý hóa bền lâu!...” (Nhân ngày giỗ cha)*. Trân quý biết bao nét đẹp văn hóa nghĩa cử phát sinh từ trong gia đình luôn được nhân rộng ra cộng đồng xã hội.

          Với Thức của Bạch Xuân Lộc là ngày về họp mặt những năm tháng trong nhà trường sư phạm thuở nào. Rồi nén bao cảm xúc hay tin: “Tiễn biệt Thầy phút cuối đời/ Có thương, yêu... lắm mấy lời phù du. / Chốn thế gian chút công phu/ Xây nhân dựng cách ngàn thu mãi còn”(Tiễn biệt thầy Trần Văn Mẫn). Mất và còn với Thức, đủ bừng tỉnh có khác gì buông và giữ. Nâng niu một chút xuân thì cái thuở còn Với xuân 2021*:

             Thời gian quấn quýt bên nhau

              Tuần trăng chưa đủ thương đau ít nhiều.

               Em ơi nắng gió đìu hiu

               Vàng lên mấy dãi mây chiều trôi nhanh

          Thức là bản hợp ca đồng điệu hướng về tịnh thiền, hoan hỉ: “Quy Nhơn đợi Ca-li./ Thương nhớ vô định kỳ/ Ca-li. chừng hội ngộ/ Hạnh phúc Quy Nhơn thì...// Vui niềm vui đoàn tụ/ Vơi đi điều nghĩ suy/ Sau đại dịch CoVid/ Tấm chân tình khắc ghi!”(Công nghệ yêu thương)*. Tìm về Thức với Bạch Xuân Lộc là nhận ra sự hiện hữu một Quy Nhơn lưu dấu tâm hồn đầy kỉ niệm khó quên: “Đêm Quy Nhơn khuya /vẫn còn đông người trên bãi/ Hiu hắt ngọn tây nam/ chưa đủ mát ven bờ/ Ta về đây bên em / tình yêu ấy chẳng hẹn thề/ Như gặp để gỡ / cái âm thầm giữ hồi ngăn cách!”(Gặp gỡ)*./.

                                              05.07.2023/ Nguyễn Thị Phụng

........

*Tên các bài thơ trong tập.

Thứ Ba, 6 tháng 6, 2023

TIỄN MỘT ĐỜI ĐÃ XANH, Nguyễn Thị Phụng

     TIỄN MỘT ĐỜI ĐÃ XANH



                    Đọc bài thơ Lá của Anh Phương, facebook 05.06.2018.

          Nếu như nghe trong ca khúc “Lá còn xanh như anh đang còn trẻ, lá trên cành như anh trong toàn dân... anh là lá trên cành ngại chi gió mưa, anh là trai phải ra chiến trận phen này...” đầy hào hứng thử thách gian lao của người trẻ tuổi. Thì trong thể lục bát của Anh Phương không là đối lập, mà chính là tiếng thơ làm nên một thi sĩ trên diễn đàn tự do facebook mở rộng cho nhiều bạn đọc thưởng thức:

             LÁ ...

        Chiều nay vuốt mặt lá vàng

         Là khi tiếng gió lầm than...dỗi chiều

         Em rồi góp nhặt bao nhiêu?

         Một mai lá thản nhiên liều cuộc rơi

         Đêm xao xác gió...lá ơi

         Nỗi buồn sẽ ruỗng xuống đời nỗi phai

         Một mai lá úa một mai

         Ai người quét lá tiễn dài vệt đi

         Đêm nghe tiếng lá thầm thì

         Gió nghiêng tai hóng tiếc vì thuở xanh

         Thương cho chiếc lá rời cành

         Chiều sao lắm nỗi... chòng chành lá bay...

                                                                    A,P

        Bài thơ được viết một mạch không phân đoạn. Nhưng cái tứ chặt chẽ trong cảm nhận tinh tế chút kiêu hãnh khôn nguôi, chút man mát luyến lưu, chút vấn vương là thế sao, biết rằng phải giã từ sau lần tái hợp là không thể tránh được.

        Nếu như tách được bốn câu đầu cho sự khẳng định nguyên nhân là tất yếu tác động lên bề mặt lá vàng, gió kia trăn trở rất khách quan là sự luân lưu khí quyển. Đành vậy. Đã chiều rồi kia. Có là hốt hoảng chút bâng khuâng thảng thốt: “Người ơi, trời sắp chiều rồi/ Nắng bâng khuâng rụng trên đồi hoàng lan”(Cao Hoàng Từ Đoan). Không. Chiều vẫn nên thơ, ấm áp. Mà đời xanh vốn có tự ban mai, thuở xuân thì đẹp đẽ. Cái từ vuốt, trong “vuốt mặt” rất hình tượng và đa nghĩa. Nhưng cũng chừng mực, từ tốn trân trọng biết bao:

        “Chiều nay vuốt mặt lá vàng

          Là khi tiếng gió lầm than... dỗi chiều

          Em rồi góp nhặt bao nhiêu?

          Một mai lá thản nhiên liều cuộc rơi

       Với cử chỉ “Chiều nay vuốt mặt lá vàng/  Là khi tiếng gió lầm than... dỗi chiều” có là lần cuối cùng của gió vuốt mặt chiếc lá vàng mà trách mình hay dỗi chiều đến vậy ư!... Và cơ hội cho lần nữa có còn được chăng!... Thì hai câu tiếp “Em rồi góp nhặt bao nhiêu?/ Một mai lá thản nhiên liều cuộc rơi”. “Em” lúc này trong thế bị động, câu phát vấn đặt ra có còn nói với chiếc lá, hay với em, hay chính thi nhân. Trong cách “góp nhặt” cho hay nhận. Giữa quyền lợi và nghĩa vụ với mức độ như thế nào. Thiên vị hay công bằng. Để rồi, đời lá đời em đối mặt với trần gian cho một lần xuất hiện có an yên và thanh thản hay không.

          Đến với hai khổ thơ tiếp theo:

              “Đêm xao xác gió... lá ơi

               Nỗi buồn sẽ ruỗng xuống đời nỗi phai

               Một mai lá úa một mai

               Ai người quét lá tiễn dài vệt đi

               Đêm nghe tiếng lá thầm thì

               Gió nghiêng tai hóng tiếc vì thuở xanh

               Thương cho chiếc lá rời cành

               Chiều sao lắm nỗi... chòng chành lá bay...

        Với cái kết đẹp trong nhịp thơ lục bát, vốn từ ngữ lay động tâm thức con người, hay là linh hồn cuộc sống rất cần được sẻ chia. Đêm đâu dễ gì tĩnh lặng. Bởi gió nói gì mà xao xác lá ơi. Tiếng lá thầm thì cùng gió. Trong cái rối loạn cảm xúc của đêm cũng qua, rồi gió sẽ đến hồi bình lặng trở lại, nỗi buồn cũng sẽ ruỗng xuống đời nỗi phai kia. Và tiếp nối không nguôi cho dòng đời bất biến. Bên cái vô thường cũng niên viễn hợp tan.

           Hình ảnh bất tận vô cùng phong phú cách diễn đạt. Bởi về mặt sinh học, lá là dưỡng khí, là bóng mát ban trưa, là mái nhà cánh chim bay về trú ngụ, là tỏa bóng râm hò hẹn chuyện trò. Và không còn là giả thuyết nhìn lá là biết sức mạnh của cây nữa. Đời lá, đời người sinh ra là cùng nhau bảo bọc nương tựa. Và cũng thấu hiểu, tiếc nuối chuỗi ngày dài thân thiện bên nhau, cho một chút lo xa của tác giả hay tình đời của ai đó người ơi: “Một mai lá úa một mai/ Ai người quét lá tiễn dài vệt đi”. /.

                                                   06.06.2023 / Nguyễn Thị Phụng

Thứ Ba, 16 tháng 5, 2023

TÍN NGƯỠNG BẬC TIỀN NHÂN -Góc nhìn về tên gọi Lễ Hội Chùa Bà- Cảng thị Nước Mặn, của Nguyễn Thị Phụng

                    TÍN NGƯỠNG BẬC TIỀN NHÂN

       Góc nhìn về tên gọi Lễ Hội Chùa Bà- Cảng thị Nước Mặn



       (Trong buổi Tọa đàm Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia về Lễ Hội Chùa Bà- Cảng thị Nước Mặn hôm thứ bảy, 13. 05. 2023 do Chi hội Văn nghệ Dân gian của Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định tổ chức tại Quy Nhơn).


            Tín ngưỡng bậc tiền nhân là đời sống văn hóa tinh thần không thể thiếu đối với dân tộc ta.

        Nói đến Di tích Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn ở thôn An Hoà, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định được xem là một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và nổi tiếng linh thiêng. Còn là điểm đến của nhiều người dân và du khách thập phương khi xuân về, Tết đến.

       Chùa là nơi thờ Phật, thuộc tín ngưỡng tôn giáo. Nhưng Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn ở đây lại là nơi tín ngưỡng bậc tiền nhân.

        Thông tin ở một số tham luận trình bày trong buổi tọa đàm thì vào khoảng thế kỷ XVI, XVII, nhiều người Hoa di cư đến Nước Mặn. Họ không những lập nên phố xá buôn bán sầm uất mà còn mang theo tín ngưỡng của mình, điển hình là thờ Quan Thánh và Thiên Hậu. Chùa Bà được dựng lên vào giai đoạn này. Từ giữa thế kỷ XVIII trở về sau, biển lùi ra xa, tàu thuyền lớn không vào cảng thị Nước Mặn, cảng thị này suy tàn dần.

       Sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều di tích còn lại của cảng thị bị xóa sạch. Chính quyền địa phương tu bổ lại chùa Bà - miếu thờ duy nhất còn lại ở vùng trung tâm cảng thị Nước Mặn cho đến ngày nay.

       Chùa Bà có kiến trúc độc đáo theo kiểu chữ Nhất. Thiết kế 3 gian. Gian chính chùa Bà thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, tượng bằng gỗ sơn son thếp vàng, tạc trong tư thế ngồi, mặc triều phục, chân đi hài mũi cong, khuôn mặt bầu, phúc hậu, trầm tư. Hai bên có 2 tượng đứng là 2 vị Thiên Nhĩ và Thiên Nhãn dưới gầm bàn thờ bày 2 tượng thần Hổ nằm, tư thế khác nhau. Phía trên gian chính là bức hoành phi đề 4 chữ “Hộ quốc tý dân” (hộ nước giúp dân) do triều Nguyễn ban tặng. Bàn thờ bên trái thờ Thần Hoàng làng; Bên phải là bàn thờ bà Thai Sanh Thánh Mẫu.

        Lễ hội Chùa Bà- Cảng thị Nước Mặn được người dân tiếp nối gìn giữ qua rất nhiều đời.

        Phần Lễ: đậm văn hóa tín ngưỡng dân gian như: nghinh thần, rước sắc, rước biểu tượng ngư - tiều - canh - mục.

        Phần Hội: đậm văn hóa sinh hoạt dân gian với các hội thi đấu bóng, bài chòi, trò chơi dân gian như nhảy bao, kéo co, đi cà kheo,...

        Người dân Nước Mặn, ở An Hòa xã Phước Quang xem lễ hội này là cái Tết thứ 2 trong năm (sau Tết Nguyên đán).

        Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào 4/8/2022. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ tư của tỉnh Bình Định được ghi danh, tiếp sau Võ cổ truyền Bình Định, Hát bội Bình Định và Nghệ thuật Bài chòi Bình Định.

        Vậy thì, trở lại với tên gọi Chùa, trong Chùa Bà có phù hợp với tín ngưỡng tri ân bậc tiền bối, những người đã lần đầu đặt chân đến ở nơi đây, mở ra cuộc giao thương làm nên Cảng thị Nước Mặn ngày ấy. Hay là sự tôn vinh văn hóa tinh thần trong tín ngưỡng của người Việt có nói quá lắm không. Nên trong cách gọi từ ngôi miếu nơi thờ cúng còn sót lại, mà nhân dân nơi đây ưu ái xây dựng lại sao không gọi là ngôi Đền thờ Bà – Thánh mẫu, Cảng thị Nước Mặn gần gũi với văn hóa tinh thần Việt của mấy nghìn năm để lại. Để không trùng lặp và nhầm lẫn với tên Chùa trong tín ngưỡng Phật giáo.

                                                              16.05.2023/ Nguyễn Thị Phụng