Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

MÙA VÀNG BUNG HẠT.

MÙA VÀNG BUNG HẠT. 
     
“Đất có lề, quê có thói”. Lề và thói đã thành nét đẹp trong văn hóa tinh thần ở làng quê “Cây Bông” Nhơn Khánh, An Nhơn, Bình Định. Và tôi cũng vậy, tình yêu thơ ca cũng không thể nào vắng mặt khi đôi chân còn khỏe. Sáng nay chủ nhật, cái rét lập đông đã len lỏi sờ soạng lên từng ngọn cỏ, lá cây, lối đi nên giữa chặng đường tôi phải quay về khoát thêm chiếc áo bên ngoài vượt gần hai mươi cây số đến nơi vừa đúng giờ sinh hoạt.
       Vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi anh Nguyễn Hữu Duyên đứng bên lề đường bê tông, trước ngôi nhà cấp bốn giữa vườn hoa mai dày đặc một màu xanh lá, hàng rào xung quanh là những chùm hoa tỏi tím được mùa nở rộ vươn ra khoe sắc, hớn hở vẫy chúng tôi dừng lại đón vào nhà. Giữa phòng khách là hai chậu tùng tán đổ xuống ngỡ như cánh tay chào mời. Bên cạnh một bình hoa huệ trắng muốt tỏa hương trên những mái đầu xanh trắng, tất cả ngồi tựa vào vách xếp bằng nối tiếp nhau thân mật quá. Còn MC giản dị trong bộ đồ xanh đen cả cà vạt cùng tông màu tin tưởng không cầm micro, chỉ cần chú ý cái vòm ria mép nhuốm muối tiêu động đậy là thanh âm phát ra chừng mực rõ ràng của anh Như Tuấn ở độ tuổi sáu mươi nhỏ nhẹ: “ Người có gương mặt trẻ trung với đôi mắt sáng là anh Lê Văn Nghiệp, bí thư Đảng ủy xã Nhơn Khánh; còn đây là anh Từ Văn Minh Giám đốc Nhà Văn hóa An Nhơn; Nhà báo Trần Quang Khanh, chủ nhiệm CLB Văn học Xuân Diệu Bình Định; Và người bên cạnh là chủ tịch Hội VHNT An Nhơn là Lâm Huy Ánh cùng người bạn đời đến tham dự, cũng như không thể thiếu những tâm hồn yêu thơ văn của anh chị em trong huyện nhà. Nhưng đáng trân trọng nhất là tình gia đình anh Huỳnh Trọng Quý, nguyên Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy đã nghỉ hưu tạo điều kiện cho buổi giới thiệu tập thơ Tin Yêu của Hoàng Trọng Thắng( NXB Hội Nhà văn, 2010) và cùng giao lưu thơ với anh…” 
alt
Từ trái sang:Từ Văn Minh, Mang Viên Long,Hoàng Trọng Thắng,Huỳnh Trọng Sửu, Nguyễn Đình Nhâm.
        
       Sau tiếng vỗ tay thân mật, Nhà thơ Hoàng trọng Thắng ở độ tuổi ngoài tám mươi, kể từ năm 1955 là cán bộ tập kết ra Bắc, anh là kĩ sư điện hóa, đã xuất bản: Hương quê hương( thơ),Muối của đời(thơ), Bam Bi trong rừng(truyện dịch), Những cuộc phiêu lưu của Ong Mai( truyện đồng tác giả). Anh từng là giám đốc nhà máy Ắc-quy Tia Sáng ở Hải Phòng nhiều năm giữ lá cờ đầu trong nền công nghiệp nặng của thành phố cảng. Nay từ thành phố Hồ Chí Minh về thăm lại cố hương không khỏi bùi ngùi xúc động đón nhận tình cảm chân tình của người thân, bạn bè ưu ái đã dành cho anh cái tình sâu đậm nơi đây sao quên được.
         Khi giới thiệu thơ của Hoàng trọng Thắng, “ban tổ chức” những người yêu thơ ở đất “Cây Bông” Nhơn Khánh dàn dựng chương trình thật linh động. Nghệ sĩ ngâm thơ cũng như bạn yêu thơ được mời trình bày là những bài do cá nhân tự chọn trong tập Tin Yêu đã được tặng. Một chút “Nhớ sông Côn”(tr.59) trong chất giọng nam nhẹ nhàng trong trẻo của Phạm Văn Phương: “ Tôi lớn lên trên bờ sông ấy…” là cội nguồn quê hương. Và từ đây bãi bờ làm nên nỗi nhớ đau đáu với giọng ngâm ấm áp của Thái Thảo đi vào lòng người: “…Đêm qua rồi, còn đó giấc mơ/ Một ngày thương nhớ lại vào thơ/ Cành xuân lọc nắng soi hè phố/ Rực đáy Hồ Gươm một sắc cờ”(“ Bốn Tết Xa Quê”- Hà Nội, xuân 1958). Còn Út Huệ tiếp nối hoài niệm của anh ngân vang: … “Cò về chớp trắng đồng xanh/ Bến bồi bãi lở mà anh chưa về”( Nhớ Quê, tr32). Chưa về chứ đâu phải là không về, bởi lúc ấy ý hướng tích cực dễ gì đáp ứng được khao khát mong mỏi riêng. Và giờ đây anh ngồi thưởng thức thơ mình, những xao xuyến bất chợt hiện về cùng lúc khi có sự trùng hợp giữa nhà văn Mang Viên Long, nhà thơ Hồ Hải, nghệ sĩ ngâm thơ Thái Thảo cùng tâm đắc thể hiện bài “Hương Cau” (tr.17):
                          Thôi đừng giận nữa em ơi
                          Thời gian thấm lạnh một đời nhớ mong
                          Chín sông mười khúc đau lòng
                          Cánh buồm trăm hướng còn trông một bờ
                           Giận anh giận đến bao giờ
                           Chim về mất tổ ngẩn ngơ lá cành
                           Cái ngày em mới gặp anh
                           Hương cau ngan ngát vườn xanh gió chiều
                           Thế nào mới thật là yêu
                           Nhớ gì mái tóc ít nhiều hoa cau
                           Vui sao khi phải lòng nhau
                           Mà sao con nhện cứ rầu buông tơ
                           Hương cau từ bấy đến giờ
                           Tôi theo mọi nẻo cho thơ đậm tình
                           Về đây tìm bóng ngày xanh
                           Còn chăng phảng phất hương lành thời xưa”
           Với cách tâm tình bằng thơ lục bát gần gũi, thi vị ngọt ngào đã làm nên chân dung một nhà thơ của quê hương An Nhơn Bình Định. Nào ai nghĩ anh là kĩ sư điện hóa, chuyên nghiên cứu các phản ứng hóa học do dòng điện gây ra hoặc tạo ra dòng điện, hay liên quan đến các hiện tượng điện. Lời thơ cứ mượt mà “Thế nào mới thật là yêu” đâu dùng dấu câu chất vấn phân trần, mà tự thân đã nói hết bao điều nhớ thương da diết từ thuở nào kia! “ Hương cau” không còn là của riêng Hoàng Trọng Thắng nữa, mà đã ngan ngát thấm vào mỗi trái tim đang quây quần bên anh sẻ chia cay đắng ngọt ngào từng nếm trải. Những cây guitar Trình Ngọc Chương, Nguyễn Hữu Duyên tự đệm đàn và hát xua đi cái rét thập thò bên ngoài chờ lúc mở cửa là xăm xăm ùa vào.
          Tiếp nối những bài thơ được giao lưu của anh Nam Trung, Đào Viết Bửu, Bùi Hoài Văn, của Hồ Hải: “ Chén tình chưa cạn đời say/ Hồn xiêu bóng xế bỏ ngày hồng hoang…”, của Quang Khanh: “Hỏi người/ Hỏi người/ Hỏi người/ Tóc xanh rụng giữa xuân thời/ Cánh chim ngậm ngùi góc biển/ Mơ thu về cuối chân trời…”, Lê Trọng Nghĩa bảy tỏ:“ Ai cạn cốc đời mình đau khủng khiếp/ Thương ơi, thương hỡi…”, còn Nguyễn Thị Phụng nào đâu là tâm tình: “ Luộc rau thổi bùng ngọn lửa/ Màu lá xanh thật là xanh/ Cổ tích tình yêu chúng mình/ Nắng mưa thổi bùng hương sắc”,…  cho không khí tiệc thơ bên tách trà cứ ngân nga lắng đọng. Chúng tôi còn được nghe qua băng đĩa bài cảm nhận về thơ Hoàng Trọng Thắng do đài PTTH Hải Phòng ghi âm nữa.
          Nếu như không có “ tiệc rượu” của anh em Nhơn Khánh “cổ phần” thếch đãi sau cùng, thì chúng tôi làm sao thưởng thức tiếp thú vui tao nhã của những người yêu thơ ở đất Cây Bông này! Nhà thơ Nguyễn Như Tuấn đã nhường vị trí MC cho mỗi người trong bàn cứ thay phiên nhau tự giới thiệu rồi hát, ngâm, đọc những bài thơ mình yêu thích rất hào hứng. Trần Quang Khanh bộc bạch: ngay từ nhỏ, hễ tiếng nói đài phát thanh Nhơn Khánh phát ra thì dừng lại để nghe thông tin ở địa phương, hay làng trên xóm dưới có tổ chức giao lưu thơ văn là đều có mặt như bây giờ các cháu đang học lớp năm, lớp sáu ngồi sau ba mẹ chờ giới thiệu bài thơ nào là mở ngay mục lục trong tập Tin Yêu ra chăm chú theo dõi. Người của Nhơn Khánh An Nhơn thật đáng yêu biết chừng nào!
                                              14.11.2011/ Nguyễn Thị Phụng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét