Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015

NGỌT NGÀO TIẾNG MẸ “HƯƠNG XƯA”

                 NGỌT NGÀO TIẾNG MẸ “HƯƠNG XƯA”

         Những cung thanh cung trầm từ tiếng đàn bầu réo rắt trên sân khấu vọng lại kia không ai xa lạ vẫn là anh, gần gũi thân thiết quá, đã từng gắn bó cả cuộc đời cho bộ môn nhạc cụ cổ truyền dân tộc, mang cốt cách người Việt Nam giản dị mà thanh cao, đơn sơ mà phong phú. Bởi lúc này anh thả hồn theo một tiếng tơ đồng hòa giọng ngâm thơ của nghệ sĩ Kim Thành trong sắc áo dài xanh lá mạ góp chút ngọt ngào tiếng mẹ, vô cùng sang trọng cho đêm cuối tuần ra mắt tập “Hương xưa gởi lại” của nhiều tác giả (NXB Hội Nhà văn, 2015) khó mà kép kín trong một không gian quán cà phê Khánh Mỹ giữa thành phố Quy Nhơn này!...
        Bởi, theo như Lâm Cẩm Ái thì Người về trong nắng hạ*: “…từ đỉnh thơ mang theo hương cỏ lạ…” ấy đã xua tan cái giá rét đông tràn. Quanh anh là những thân hữu huongxua.org, mái nhà những người yêu kỉ niệm xưa có một thời tuổi trẻ không hổ thẹn với chính mình. Tất cả cùng bên anh, bên Hương xưa, có thể nói người “xa nhất” là nhà thơ Trần Viết Dũng lãng đãng từ Vũng Tàu, Bà Rịa lên Sài Gòn chen chân mua cho được vé bay mà mừng húm về đúng ngọ cho kịp làm MC vì chỉ sợ mất phần!... Có nhà thơ Ngô Văn Cư từ miền núi Hoài Ân không thể từ chối lời mời bắc cầu, gần hơn còn có nhà thơ kiêm “nhiếp ảnh gia” ở thành phố Quy Nhơn như Trần Hoa Khá kết hợp một công nhiều việc “bầu bạn” đến khi đồng hồ báo đúng“mười chín giờ” lại tiếp tục thưởng thức bữa tiệc thơ nhạc 5 năm mới có dịp. Chưa kể những bậc thâm niên như anh Đình Quế, Ngọc Châu, Quốc Khánh,... những người bạn trang Hương Xưa cứ xúm xít bên nhau sẻ chia cho hết niềm vui hội ngộ của cô chủ bút xinh xắn nhỏ nhẹ: … tháng mười hai sinh nhật Hương xưa, đâu đây vẫn còn râm ran tiếng ve gọi hè, những chiếc lá thu nghiêng mình trong gió … trong không khí ấm áp của quán cà phê đón chào người từ “xa xôi”… trở về để cùng góp mặt “Hương xưa gởi lại” với các thi hữu như Anh Phương, Lâm Câm Ái, Nguyễn Tiết, Hoàng Kim Chi, Trần Kim Loan, Kim Đức, Trầm Tưởng, Thiên Di, Thu Thủy và Quốc Tuyên. Còn anh thì bộc bạch đến với Hương Xưa như là một cái duyên trong nhịp cầu nối về quê nhà mà những ngày anh sớm nghỉ hưu theo gia đình định cư ở Mỹ… vẫn tiếp tục nuôi dưỡng thanh âm tiếng đàn nơi đất khách và luôn gắn bó với quê nhà.
        Và anh biết làm thơ từ đó! Tôi có thể viết hoa tên anh thật trân trọng. Anh chính là Cao Trọng Quế, kể từ ngày anh là nhạc công có tiếng đàn ngọt ngào trong dàn nhạc cổ truyền của đoàn ca nhạc liên khu V, đến với Nhà hát tuồng Đào Tấn Bình Định, là quê hương thứ hai, là nơi cho anh phát huy hết tài năng của mình không chỉ là thanh âm tiếng đàn Nhị, mà anh cũng là bậc thầy của đàn Bầu và sáo Trúc. Ai đã từng lắng nghe chương trình tiếng thơ trên sóng phát thanh và truyền hình Bình Định từ những năm về trước, anh phả hơi thở tình quê vào tiếng đàn tạo ra âm bồi được cất lên rất riêng gần giống chất giọng ngâm thơ người miền Trung Bình Định. Mà tôi đã từng lén lút từ “say” đến “nghiện” tiếng đàn khúc triết, tao nhã, quyến rũ ngày ấy tự lúc nào không hay!... (Lí do là quên bẵng câu hát của mẹ “Đàn Bầu ai gẫy nấy nghe/ Làm thân con gái chớ mê đàn Bầu”). Để giờ đây cho tôi bắt gặp lại âm hưởng tiếng đàn trong dàn nhạc cổ truyền dân tộc, một nghệ sĩ quen lắm luôn đến tự đường Danh nhân Văn hóa Đào Tấn, những đêm hát tuồng tại đình làng quê tôi ở Lí Môn Vinh Thạnh…
          Trở lại với tiệc thơ “Hương xưa gởi lại” chỉ một chút Gió* theo mùa mà Anh Phương đã lay động tình người qua giọng ngâm nghệ sĩ Kim Thành trong cách “vay” thật nhẹ nhàng mà tinh nghịch: “Em ngồi bắt gió rung chuông,… gõ gió lanh canh,… nhúng gió trong mưa,… nhốt gió vào hương,…” để rồi khó mà giữ lại, chị thả gió “…theo người về xa”…
           Rồi nhạc sĩ Nguyễn Đức Diêu đã thổi vào Tình khúc mưa khuya* của Nguyễn Tiết cho hồn thơ thăng hoa thấm đẫm người nghe trong tiếng hát ca sĩ Thùy Dung nức nở: “… chầm chậm mưa rơi/ chầm chậm mưa rơi/ phố vắng lâu rồi/ còn ta bên đời…” Mà lạ kì chưa, khi tác giả ôm bó hoa trong tay lên sân khấu, chỉ chờ chụp xong tấm hình rồi trở về chỗ ngồi,… có thể vì quá xúc động mà quên tặng cho ca sĩ! Hi…
           Một Ngõ cũ* của Thiên Di đầy hoài niệm “Giàn thiên lí, hoa rơi màu chiều tím/ Ngõ cũ buồn tênh, cổng khép ơ hờ,…”… Còn với Trầm Tưởng chạnh lòng một mình Lang thanh phố vắng* trong nỗi cô đơn lên đỉnh điểm: “… Chợt nhớ người xưa sầu dâng hiu hắt/ Hình bóng em về in dấu mưa bay/ Anh lang thang phố vắng em nào hay…”.
           Chỉ riêng Quế Anh là người Đi tìm mùa thu quê* đã bật nắp rượu đất vua của Kim Chi từ Tây Sơn mang xuống khởi đầu cho bữa tiệc thơ đầy dấu ấn mừng ““Hương xưa gởi lại”, cũng là dịp trở về với tiếng đàn bầu ngày nào cao hứng tung tẩy hòa cùng giọng ngâm nghệ sĩ Kim Thành, đầy sâu lắng:
             “Anh ở bên này không tìm thấy mùa thu
             thèm chút hương quê giữa trời Tây khó quá
             ngồi lắng thật sâu để nhớ về xứ sở
             ngan ngát quanh mình thoảng hương cúc nhẹ bay…
            …Anh ở bên đây cũng có những sườn đồi
            cũng có bướm ong, có thu vàng lặng lẽ
            còn có cả anh bước chân buồn quạnh quẽ
            đếm lá rơi vàng võ với thu người…”
      Thế mới biết “…giữa trời Tây ”, “cũng có những sườn đồi/ cũng có bướm ong, có thu vàng lặng lẽ/ còn có cả anh bước chân buồn quạnh quẽ/ đếm lá rơi vàng võ với thu người…” cứ chạnh lòng tâm hồn người xa xứ “thèm chút hương quê” khó quá như thế nào. Vốn đã mang sẵn trong mình dòng máu chữ nghĩa văn thơ đất Bắc kinh kì, nên thơ anh thấm đẫm nỗi khát khao mong mỏi: “Biết đến bao giờ ta trở lại em ơi/ ước chạm thu quê một nụ hôn nhè nhẹ/…”. Khẽ thôi tim ơi, the thắt quá, cứ cố nén lòng mà từng ca từ bộc bạch qua tiếng hát Quang Long: “Mùa thu xưa mang nhớ nhung hoài trong ta, Hà Nội và em thương biết mấy cho vừa…” được Ngô Tín phổ nhạc từ trong bài Nhớ thu xưa Hà Nội* của Quế Anh. Bên cạnh nghiệp dư Nguyễn Kim Chức lại thiết tha ấm áp lan tỏa cả không gian bài hát Tháng giêng… mơ*: Xuân trong ngần trên từng cành hoa nhánh lá, cùng mắt ai cười ấm cả nằng giêng mơ … gọi trăm năm gọi mãi tiếng yêu người”. Đan xen cùng “Hương xưa gởi lại” với ca khúc trữ tình Nhìn những mùa thu đi của Trịnh Công Sơn với cặp đôi Trần Viết Dũng- guitar mộc và bên cạnh là người thể hiện không ai xa lạ vẫn là MC Kim Chức…
         Thật quý sao những giây phút “Nếu anh là dòng sông, em xin làm bờ cát… Ôi dòng sông dòng sông thì thầm như kể chuyện, một mai về với biển,…” trong tiếng hát ca sĩ Thùy Dung ngỡ như mạch nguồn tiếng mẹ ngọt ngào lời ru cho tôi tin yêu hơn bên những đóa hoa từ tay Anh Phương trao tặng nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thuần gởi vào trong đó đầy sắc hương. Thật quý sao những khoảnh khắc ngoài kịch bản giữa gia đình nhạc sĩ Hoài Nam với ca sĩ Lê Thu cho Nhũng ngày thu không têncứ chất chồng vơi đầy vạt nắng chiều qua khe cửa cho đêm trăng trải vàng trên thảm cỏ êm êm cho mầm yêu dậy từng đêm trăng sáng cớ sao thi sĩ tự trối mình: "Tôi nhốt hồn tôi giữa dọa đày!" hay phải chăng kể từ lúc "... tựa cửa hỏi nàng thơ, nào chịu thốt thưa".
         Giờ thì… những giây phút nhà thơ Trần Viết Dũng giới thiệu sự kết nối và duy trì trang Website huongxua.org đã được khẳng định vị thế đủ tin cậy với bạn bè trên toàn thế giới, những tấm hình lưu niệm, bàn tay kí tặng sách, những đôi tay cùng cắt bánh mừng sinh nhật huongxua.org của Trần Thị Cổ Tích từ Quảng Ngãi gởi còn lưu trong ống kính, làm tôi chợt nhớ phần đĩa bánh kem của mình lại ngon miệng hơn cho một “Nhiếp ảnh gia” Trần Hoa Khá ngay tại Quy Nhơn đã bật mí: “suốt cả ngày mà bước chân em chưa về đến nhà chị ạ!”. Giờ thì… chỉ còn phảng phất những hương hoa từ tay các tác giả “Hương xưa gởi lại” mang lên tặng các ca sĩ, nghệ sĩ,…  cứ lung linh dưới ánh đèn màu vẫn theo tôi về tận nhà. Lúc ấy tôi lại thèm có ai đó tặng một vài cành hoa để mình bắc cầu tặng thưởng các nhạc công phối khí giữa hiện đại như Vân- Organ, với cổ truyền như Sĩ- sáo và Trần Hiếu- bầu là học trò cưng của Cao Trọng Quế ngày nào, thêm cả cây Guytar mộc nữa kia!... Còn tôi bao nỗi xôn xao hòa nhịp rộn rã của một “nghệ sĩ ưu tú” đã hé lộ tứ thơ mới làm từ lúc sáng: “… Xuân sắp về hãy chờ nhau em nhé!/ Ta và em thắp dậy lửa hương xưa”./.

                                                                                            09.12.2012/ NTP.
____________
*Tên các bài thơ trong tập.

P/s: Được nghệ sĩ ưu tú "ưu tiên" mời chụp hình chung kỉ niệm nè!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét