Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

CHỮ TÂM GIỮA ĐỜI THƯỜNG.

                      CHỮ TÂM GIỮA ĐỜI THƯỜNG.
      Khái niệm chữ tâm và đời thường luôn song hành nhau, bởi đó là mục đích con người luôn vươn tới, còn là quà tặng cho những ai biết “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương” trọn vẹn sẻ chia từng việc làm thiết thực nhất.
       Phải chăng đó là tiếng nói chân tình xuất phát tấm lòng nhân hậu từ những người thân trong gia đình nhắc nhở con cháu “xóm mình còn nhiều người già bệnh tật, neo đơn, khó khổ…”, từ bạn bè và cả trên phương diện truyền hình, truyền thanh,… đưa tin về thiên tai lũ lụt kéo dài kết hợp với triều cường, nước ở cửa sông đã không thoát được nên lại dâng cao hết đợt này đến đợt khác!... Đau lắm khúc ruột Miền Trung bởi khó tránh khỏi cơn lụt tràn ngập ruộng đồng, nhà cửa, kéo theo những mất mát thiệt hại người và tài sản. Đâu phải bây giờ, xa xưa thời Vua Hùng đã có truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh kia!... Việc trị thủy ngày ấy và phòng chống bão lụt hôm nay là vấn đề không chỉ cấp bách mà lâu dài của đất nước mình.
       Vậy là… người trong một nhà, một xóm xúm sít mỗi khi “tối lửa tắt đèn”. Vậy là… người trong một nước có cả nhiều nước thương nhau tự nguyện gom góp ít nhiều thông qua các hội đoàn thể, tôn giáo,… Lúc này, những suất cơm hộp còn ấm trên tay, những thùng mì tôm thơm giòn cùng những chai nước khoáng tinh khiết đã cứu đói kịp thời bằng phương tiện ca nô đến từng nhà ở những xóm thôn bị nước lụt vây bủa, cắt đứt giao thông nhiều ngày. Tiếp theo là những bao gạo trắng, những phong bì xanh của các nhóm Thiện nguyện đã đến tận tay người nhận không may gặp phải thiên tai bị cơ nhỡ ấy. Tình dân tộc gắn bó, lòng nhân ái được nhân lên. Đạo lí thương người như thể thương thân của dân tộc Việt Nam luôn được nảy mầm duy trì phát triển bền vững mọi lúc, mọi nơi. Đạo lí ấy hiền lành đức độ, hay nói đúng hơn là sự thiện tâm, vốn tích lũy bản chất con người, nên có sức cuốn hút và lan tỏa kết nối những trái tim cho ta trân trọng biết chừng nào.
      Những người con đi làm ăn xa nghe tin quê mình lũ lụt, đứng ngồi nào yên. Nhìn cảnh đường sá, nhà cửa, ruộng vườn ngập chìm trong bể nước, trải rộng khắp các huyện trong tỉnh nhà, những làng ven sông như Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Thuận có cả Phước Lộc cũng bị thiệt hại quá nhiều. Ngoài việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các gia đình sửa chữa căn hộ bị sập và xây cất lại để họ có chỗ ở ấm áp trong dịp Tết đến xuân về. Bà con vùng lũ trong tỉnh còn đón nhận tình yêu thương của các tổ chức nhân đạo, hội đồng hương Bình Định,… cứu trợ thêm tiền mặt, áo quần, mùng mền, lương thực và thực phẩm, sách vở bút mực cho học sinh,… làm sao mà kể hết.
        Chỉ tính trên địa bàn xã mình, những học sinh lớn lên từ ngôi trường Phước Lộc, như em Huỳnh Lê Thùy Tâm- quê thôn Phong Tấn, trưởng nhóm Thiện Tâm, với khẩu hiệu “Chung tay hướng về khúc ruột miền Trung”, kịp thời trao quà cho bà con vũng lũ ở hai xã Phước Thuận và Phước Lộc. Nhớ hôm ấy ông Hà Ngọc Anh, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương có về dự. Như em Nguyễn Lâm Nhi Thùy gởi về hai ngàn quyển vở trắng dày đẹp cho học sinh ở thôn Vinh Thạnh 2 và trường THCS Phước Lộc, vì cứ lo sách vở ngấm phù sa thì tụi nhỏ bỏ học chị ạ, em nhắn tin với tôi như vậy!...
       Lại có cuộc gọi: “- Alo, con chào cô, con là Nhã, Nguyễn Thị Thanh Nhã, học trò của cô đây!... Chúng con mang về 100 cái balo đựng sách vở tặng cho HS trường THCS Phước Lộc, 100 cái mền biếu cho người cao tuổi khó khăn ở xã nhà mình. Cùng ba điểm Phước Hòa, Phước Thắng và Vân Canh!”. Rồi điều gì thôi thúc em lại có chuyến tặng quà thêm cho Vân Canh nữa, không là điểm dừng trên tuyến QL.19C của ngày hôm qua ở Canh Thuận,…  Có thể khi hay tin Thanh Nhã có mặt nơi đây, sau một tiếng đồng hồ, thầy Hiệu trưởng Trần Văn Tho- người gắn bó 27 năm với học sinh miền núi Vân Canh đến gặp em tại Canh Thuận bộc bạch nguyện vọng “Thương các cháu học sinh ở miền núi lắm, Thanh Nhã cứ đi lên đấy cho biết!...”. Có thể địa chỉ ấy mà trước đấy một ngày, mình đã gợi ý khi Nhã chở hàng về (nhưng chưa có sự chọn lựa, vì còn tùy thuộc vào những người bạn đang công tác ở Vân Canh). Có thể bên cạnh là Từ Khang, người bạn đời chung tay luôn đồng hành bên em. Có thể khi hay tin em sẽ vượt Cổng Trời, ngoài một số bạn gởi quà trước, giờ thêm một người bạn thân nữa gởi tặng năm triệu đồng. Có thể bạn Thúy Vân cùng lớp ngày nào ở quê nhà Phước Lộc đã hỗ trợ phương tiện vận chuyển hàng hóa và đi lại… Và điều gì Thanh Nhã không chùng bước khi trái tim em đã quyết định cho chuyến tặng quà phát sinh này.
                                 (Dốc Cổng Trời, Canh Liên  Vân Canh
                                    Từ Khang và Thanh Nhã đứng giữa)

        Ngồi trên xe, mới nghe Thanh Nhã sẻ chia con đường đến Mèo Vạc ở Hà Giang đèo dốc nhỏ hơn ở đây, trời lạnh con mặc mấy lớp áo cứ run, thấy các cháu nhỏ chỉ độc có chiếc áo mỏng trên người, chân tay tím tái vậy đó cô!... Thì ra… tôi mới biết vì sao Thanh Nhã dành những bộ áo quần của người bạn gởi, tặng cho các cháu mầm non và tiểu học ở Canh Liên này, còn tỉ mỉ ướm thử bên ngoài có vừa cho từng cháu nữa cơ!... Nhìn các cháu hớn hở thỏa thích tung những chiếc ba lô lên cao giữa sân trường thể như tuổi thơ rộn rã ngày nào của chúng ta ùa về. Bỗng chốc nắng ấm trở lại con đường như một dãi lụa bạc vắt ngang giữa núi đồi xanh biếc.
                                  (Thanh Nhã đang phát và cho các cháu)

        Và quanh mình còn biết bao những cặp đôi Từ Khang- Thanh Nhã khác nữa, mãi là những hạt giống nằm trong lòng đất, biết tự nảy mầm và vươn lên làm nên những cánh rừng đầu nguồn, bên cạnh Suối Mây thơ mộng luôn có người đồng bào chở che, gìn giữ. Chúng ta sẽ yên tâm “Rừng vàng” đất nước ấm áp bởi có tiếng nói cười của bà con nơi đây!... Vẫn Thanh Nhã ngày nào từng đạt vương miện Nữ sinh duyên dáng của trường THPT Tuy Phước 1… giờ còn nén xúc động khi tâm sự là còn nợ Canh Liên nữa đấy cô!... Phải chăng cái rét miền núi cao làm nhức nhói trái tim người khi biết bà Đinh Thị Hương bị bệnh nặng điều trị không khỏi nay bị liệt nằm một chỗ, hay lúc bước lên cầu thang vào nhà sàn ngồi cạnh nghe bà Đinh Thị Liên bị bệnh bướu cổ không có tiền phẫu thuật dè dặt nói không có chiếc chiếu trải mời khách ngồi !,... Các mế đều ở làng Hà Giao, Canh Liên mình. Chút phần quà là tờ bạc mệnh giá lớn nhất thì có là bao!...

(Từ trái sang: Từ Khang, thầy Trần Văn Tho, Thanh Nhã và các thầy cô trường Tiểu học Canh Liên)

         Quý lắm chữ tâm là bức thông điệp không lời và những cách sẻ chia “một miếng khi đói ”, cưu mang trong đời  thường luôn song hành nhau chân tình, ấn tượng nhất./.

                                                                               10.01.2017/ Nguyễn Thị Phụng.

2 nhận xét:

  1. hay quá cô. Chúc cô sức khỏe và mãi là "cô gái mông mơ".

    Trả lờiXóa
  2. Ối giời đất!
    Tất niên qua tuổi sáu mươi rồi mà lúc nào cũng "...Em chỉ biết mộng mơ"

    Trả lờiXóa