Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

NGOẠI CỦA NGÀY XƯA - Nguyễn Thị Phụng

      NGOẠI CỦA NGÀY XƯA- Trích Hương thảo thất

Cháu nội về thắp hương bà.

Anh xin mời em đi về quê ngoại một lần thôi. Nơi anh chào đời, ngoại ru ngọt bùi, bao năm vất vả mưa nắng ngược xuôi…”. Tiếng hát ngọt ngào ấm áp  trong tôi hình ảnh quê ngoại ruột rà thương nhớ quá! Mà tha thiết nhất vẫn là bà tôi.
Có lẽ bà cưng tôi nhất trong những đứa cháu ngoại, vì tôi là thằng út của má. Còn má là con gái út  ngoại nên tôi được thừa hưởng tình yêu thương người lớn trong gia đình dành cho mình. Tôi quý ngoại trước hết là bà cùng ông có công sinh dưỡng đến mười người con. Thuở ấy là chuyện bình thường. Các dì, các cậu là anh chị của má (theo cách gọi của người miền Nam) đều được ông bà chăm sóc dạy bảo nên ai cũng có công việc đàng hoàng. Vì vậy bà yên tâm lắm.
Ở độ tuổi như bây giờ, bà chỉ đi lại trông coi nhà cửa, vo gạo nấu nồi cơm điện để đấy, con cháu đi làm về chỉ việc kho cá hay nấu thêm nồi canh nữa là đủ bữa cơm gia đình chuyện trò vui vẻ cùng bà. Lưng có hơi còng một chút nhưng xem ra bà còn cứng cáp. Qua lần giải phẫu, mắt sáng hơn sau cặp kính trắng bà đã nhìn thấy được con cháu mình khôn ngoan khỏe mạnh. Niềm vui nở trên khuôn mặt bao nhiêu là nếp nhăn năm tháng đi qua, lại càng hỏm sâu hơn cái đồng tiền ngày xưa tươi tắn. Bà đâu còn chiếc răng nào nữa. Người ta nói sinh một con mòn một răng. Mà bà có đến năm cậu trai, năm dì gái thế kia. Bảo răng nào còn ở mãi với bà được!
Cuối năm khi cái rét không còn nữa, công việc vẫn bề bộn, tôi phải sắp xếp thời gian về thăm quê. Lúc thì hộp bánh kẹo, cái khăn choàng cổ, chiếc áo ấm,… món quà nào bà cũng xuýt xoa, trầm trồ. Có lúc bà bảo, bà có nhiều lắm rồi, mua nhiều phí lắm. Biết ý, tôi thường lì xì “tăng sức khỏe người già” nên bà vui thêm! Tôi thích cầm bàn tay bà gầy gò trỗ đồi mồi nhăn nheo ấy đã từng hết bồng bế con, rồi đến bế bồng cháu. Bà thích được con cháu quan tâm thăm hỏi sức khỏe như ăn uống, thuốc thang, áo quần, dày dép,… kể cả đầu tóc bạc vừa cắt gọn bà cũng khoe. Đôi lúc đứng trước gương ngắm bộ đồ mới may về, khen màu này hợp với tuổi bà, vải tốt, mặc bền. Còn nhắc chuyện ngày xưa thời kháng chiến thắt lưng buột bụng, thiếu vải may áo quần, phải tận dụng luôn cả khăn sô đội tang trên đầu, hay câu liễn câu đối phúng điếu người chết, đúng ba năm mãn tang chỉ xé đốt một chút rẻo nhỏ, còn giữ lại, ngâm cho ra hết màu mực, giặt sạch may áo mặc. Khổ như thế đấy! Đâu như bây giờ, vải nhiều lại đẹp, mà may cứ hở trên hở dưới lỡ bụi bặm gió máy bám vào thì khổ thân thôi.
Cách đây ba năm, sáng sớm thức dậy, bà đến ngay trước cửa nhìn ra ngoài sân nói sao mấy ông, mấy bà đến nhà tôi làm gì, đi đi. Rồi quay vào phòng ngủ gọi dì tôi bảo đem cái lò lửa ra ngoài chứ để đây nóng lắm, con hư quá làm cháy cả mùng mền của bà. Dì tôi ngạc nhiên trước những sự việc không có mà bà nói vậy. Má tôi cùng dì và cậu bàn nhau đưa bà đi bệnh viện tâm thần. Bác sĩ bảo gia đình đã kịp thời đưa bà đến điều trị, chứ để lâu tắt mạch thần kinh, thường nói bị lẫn ở tuổi già. Dì tôi vẫn là người con trực tiếp chăm sóc bà. Đúng tháng sau, bà khỏe, sáng suốt hơn nữa, nhớ hết chuyện từ những năm nào. Tôi nghĩ thuốc hay thầy giỏi, theo khoa học là tốt nhất! Yên tâm sức khỏe bà.
Và thế là tôi được nghe bà kể về ông cố ngoại tên là Lê Hàm làm nghề thuốc bắc, mà sao chỉ cho bà học nữ công gia chánh: nấu ăn, thêu thùa,… Hay sợ bà được học chữ rồi đi làm xa như ông cậu anh Lê Đình Thọ vào Nam làm địa chính, ông cậu em Lê Đình Ban ra Bắc, phó hiệu trưởng Đại học y Thái Bình, bà dì em Lê Thị Trúc cũng ra Bắc, rồi về là viện trưởng VKS Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, cho đến ngày nghỉ hưu. Nói đến đây, im lặng hồi lâu, bà nghẹn ngào trong nước mắt: có bốn anh chị em, một người mất trong Nam, một người mất ngoài Bắc, một người mất ở Tây nguyên, còn bà… chắc nằm lại ở đồng bằng miền Trung quê mẹ đây rồi, bà nói ngày xưa bà hai (chị ruột bà sau khi sinh năm người con gái, còn ra đi sớm) cũng nằm lại quê nhà!...
Thấy tôi bùi ngùi… và bà kể tiếp. Còn bà năm mười tám tuổi, nhờ mai mối, bà lấy ông ngoại gia đình nhà nho ở bên cạnh cách hàng rào duối, là con cháu ông cử nhưng nghèo lắm. Tôi cắt ngang câu chuyện, hay ông với bà đã từng đưa mắt, hò hẹn lâu rồi. Ai cấm được tuổi trẻ yêu nhau hả bà. Bà bảo hồi đó không dám. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Ngẫm nghĩ một lúc, rồi cười nói tự nhiên: không biết là khổ hay sướng, có chồng phải có con. Cứ hai năm sinh một đứa. Bà như cái… máy đẻ không bằng, đàn bà ngày xưa khổ lắm cháu ơi! Đâu phải có kế hoạch như bây giờ chỉ sinh từ một đến hai con thôi. Được một chuyện ông thương bà lắm. Đẻ xong, ông kê toa hốt đúng một trăm thang thuốc bắc cho uống đúng một trăm ngày, sau đó bà mới ra chợ mua bán làm ăn. Tôi trầm trồ ông chu đáo quá! Chúng cháu bây giờ chắc phải học tập chăm sóc nhau như ông bà ngày trước. Được thể, bà tiếp tục. Lúc đầu mới về nhà ông, ngày đi làm, tối về thắp đèn dầu trong phòng riêng ông dạy bà học từng chữ cái, tập ráp vần xuôi vần ngược, tập viết, tập đọc. Có lúc mệt, bà lười, ông khuyên ráng học, còn kể gương học tập của ông nội(con gọi là ông cao tên là Nguyễn Táp) đỗ thứ 3/8 cử nhân khoa Ất Dậu(1885) Hàm Nghi thứ I trường thi Bình Định. Ông nhậm chức Giáo thụ, huấn đạo. Sau đó lại được hậu bổ tiếp làm tri huyện, cầm chiếu chỉ vua ban trên tay, chưa kịp đi, ông bị dịch tả rồi mất sớm lúc mới có ba chín tuổi. Bà bảo học giỏi như ông nội chết có tiếc không. Ông đưa tay che miệng bà: đừng nói dại, con người có số. Với lại ngày đó, không có thuốc thang là bao. Sau 1945, quê mình là làng kháng chiến, phong trào bình dân học vụ được mở rộng. Đêm đêm mọi người xách đèn dầu đi học. Bà vượt qua vòng kiểm tra trên đường đi trước khi vào chợ mua bán. Bạn bè lúc đó ai cũng ngạc nhiên. Cũng nhờ ông, bà ghi chép tính toán thu chi thông thạo, không mất mác đồng nào. Có vốn tích lũy, lấy đồng lời nuôi con ăn học.
Bà vuốt đầu tôi, vỗ vỗ vào vai bảo cháu có bạn gái chưa. Tôi dạ chưa ạ! Khó tìm quá bà ơi! Bà bảo khó thì đúng “Trước hồ sen sau lại hồ môn/ tìm giàu thì dễ tìm khôn khó tìm”. Cưới chồng lấy vợ là duyên là nợ, là chuyện trăm năm. Một phần do mình nữa cháu. Tôi dạ, bà nói ca dao hay quá, tôi lẩm nhẩm lại… tìm khôn khó tìm.
Nhớ lời nguyện, những sớm chiều vất vả lên dốc xuống đèo kiếm miếng cơm manh áo cho con. Năm tám mươi tuổi, bà ăn chay ngày rằm mùng một. Trong mâm cơm vui vẻ chuyện trò bà cũng nói bằng tục ngữ: ăn trông nồi ngồi trông hướng. Bàn chuyện giáo dục con cái bà đọc ngay: con khôn cha mẹ nào răn/ ngẫm trông trái bưởi ai lăn nó tròn. Hay bàn chuyện tu hành, bà nói câu ca dao rất nhân sinh: Tu chi cho uổng tóc mai/ không bằng em nhặt nhành gai giữa đường. Việc thiện, việc tốt phải làm. Cứu người, giúp người lúc cơ nhỡ, hoạn nạn là tự nguyện góp công góp của cháu ạ! Cháu có nhớ ông Lục Vân Tiên đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga không? Còn biết bao nhiêu “nhành gai” khác mà chúng ta cần nhặt hết. Nam nhi phải thế. Tôi cười, nếu cháu là nhi nữ thì có “nhặt gai” không bà? Câu ca dao đó cũng chính là dành riêng cho con gái đó cháu ơi! Đưa bạn gái về đây giới thiệu, bà ngoại sẽ đọc tiếp những câu tục ngữ, ca dao hay hơn nữa. Tôi ôm bà cười hè hè… Cháu sẽ “tìm khôn” về cho bà trong thời gian sớm nhất!...
Tôi kính yêu bà. Cả họ hàng con cháu, xóm làng đều kính nể, quý mến bà. Đã ngoài chín mươi tuổi, bà yêu thích ca dao, tục ngữ ngày xưa xưa lắm… Má tôi cũng đã học được lời bà dạy! Cảm ơn bà đã sinh ra má cháu! Cảm ơn má đã sinh ra con! Và những đứa con sau này tiếp tục cảm ơn người mẹ sinh ra mình.

28.04.2010



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét