Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

BÊN ĐỜI MỘT TÚI HÀNH TRANG, Nguyễn Thị Phụng


BÊN ĐỜI MỘT TÚI HÀNH TRANG


          Cái duyên may mắn được thưởng thức Tiếng mùa của người đã từng phả hồn vào đàn bầu, hòa cung bậc thơ ngâm trên đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định trước đây. Cao Trọng Quế ươm mầm cảm xúc thi ca từ lúc nào, ngoài văn thơ tuyển in chung, bây giờ trọn vẹn tập đầu tay trình làng ở độ nghỉ hưu. Quả “cây bút trẻ”, trẻ lắm những cảm xúc tự nhiên vốn trong trái tim Việt Nam không có gì lạ. Lớn lên đất Nghệ quê cha, với một tình yêu nhạc cụ cổ truyền dân tộc cho anh gắn bó chốn kinh kì từ những năm là sinh viên trường Sân khấu Nghệ thuật, để rồi “Hành phương nam tôi mang nặng cung đàn” ấp iu bên đời một túi hành trang gom nhặt Tiếng mùa Quế Anh gần xa vọng lại.

       Khởi nguồn Tiếng mùa từ khoảng cách không gian thực trên một vòng cung nửa bên này mặt trời mọc, nửa bên kia mặt trời lặn. Và có ngược lại, vầng dương vẫn là định tinh tỏa đều nắng ấm cho sự sống vươn lên nâng tình yêu vĩnh cửu. Khơi gợi góc khuất trái tim ngỡ đầu hai cực giá băng. Giờ mạch nước trong veo và ngọt ngào tưới tắm tâm hồn giữa bộn bề cơm áo nắng mưa. Biết rằng nơi đất khách định cư quá đủ đầy điều kiện vật chất, cái cần chính là giấc mơ hoa hồn hậu, Quế Anh tìm đến với thơ theo mùa nhớ thương gần xa ngày ấy “Thôi thì ta lỡ gieo hạt nhớ/…/ Xin đừng dẫm lại dấu đau thương”(Lối xưa). Tiếng mùa ngân nga lắng đọng, cố nén khỏa lấp chênh vênh, rẽ gió mây đi tìm trăng sao bộc bạch. Thao thức nhịp điệu thời gian, khi giêng hai đằm lại, không gian tâm tưởng mở ra:
           Tưởng trăng ngủ cõi bơ vơ
             Nào hay trăng thức trên bờ vai ta
       Với Trăng thức* chỉ cần cặp câu lục bát trọn tứ thơ hay. Trạng thái tưởng “trăng” ngủ mà thức, trong một bức tranh thi sĩ tự họa tĩnh và động, chỉ có nhân vật trữ tình bơ vơ. Trăng nào bơ vơ?!... cứ vời vợi trêu tình lay động: “Tháng nối tháng dài thăm thẳm/ Xa trông người vẫn chưa bưa/ Vầng trăng thu còn xa lắm/ Ta ngồi hoang phế tình xưa”(Miền cổ tích xưa) lắng đọng hao gầy cho Tiếng mùa bâng khuâng gởi lại.

       Chỉ một chút Tự bạch- Ta và Em* rất phong cách nghệ sĩ: “Ta là kẻ lang thang miền viễn xứ/ Bỏ sau lưng những được mất hơn thua/Ngựa quá vãn còn cất cao tiếng hí/ Yêu trăng nghiêng thích hoa nở trái mùa”. Đã thế, còn nhẫn nha mong gánh nợ chất chồng, dễ đi vào lòng bạn đọc: “Nợ em một giấc mơ trưa/ Lao xao cánh võng nhặt thưa ru hời/…/ Nợ em vọng một cung đàn/ Tiếng tơ tiếng trúc đêm tàn trăng treo/…/ Nợ em tình gác cheo leo/ Ngày xuân cõng nhớ lên đèo tìm nhau/…”(Nợ tháng ba). Rồi không kìm được đành buông trả: “Này em, ta trả lại đây/ giấc mơ của những chóng chầy hư hao/…”(Trả lại cho người). Quả thật, nếu không lang thang nào biết mưa chan nắng gió. Túi “ba gang” hành trang thi sĩ chẳng cần lãi suất thấp cao, thầm lặng ánh sao hôm vội vã thắp đuốc Tiễn đêm* đón ban mai ngự trị chốn bình yên tâm hồn.

        Một khát vọng yêu thương thuở ban đầu: “Nhìn bạn cũ bên nhau cùng hội lớp/ Tôi mừng thầm… trở lại tuổi đôi mươi”(45 năm, trường xưa) gợi nhớ Tiếng mùa trẻ trung náo nức một thời đã qua. Nhớ quay quắt: “Ta bên em mặc mưa phùn gió bấc/ Vẫn nồng nàn hơi ấm một vòng tay”(Nhớ tháng chạp xưa) sao tránh khỏi sự hòa nhịp trái tim nồng cháy, dỗ dành: “Này em, gác lại bộn bề/ Cùng ta sắm sửa… quay về cuộc xưa”(Yêu đi em). Có lúc thi sĩ Lỡ* ngân nga tơ lòng bằng cuộc chơi chữ hào sảng:
      HỒN ta như kẻ cuồng say
       LỠ rơi lạc giữa hồ đầy thẳm sâu
       SA chân vào cõi u sầu
       VÀO ra vô nẻo biết đâu mà lường
       ĐÔI bờ đăm đắm kiêu sương
       MẮT kia ví tựa thiên đường huyễn mơ
       EM ơi ta chết không ngờ ...!”
     Dù chỉ Một thoáng* Ngại đêm*, Gọi* Tháng sáu mưa qua* thỏa ước nguyện, thế mà lại miên man: Tháng bảy xứ người hạt nắng , giọt mưa/ Không đong đủ lòng mình sợi nhớ/ Tháng bảy nhà mình sao mà nặng nợ…”(Tháng bảy). Cái nợ thi nhân trải dài trên từng sợi nhớ, theo Tiếng mùaMượn hồn du tử đêm say/ Nâng niu hoa nguyệt, đọa đày phấn hương”(Lãng du). Phải chăng mượn cớ để trở về vùng kỉ niệm xa gần, nhớ Quy Nhơn Vòng tay của núi*,Nhớ thu xưa Hà Nội*, …cho Anh tình yêu vun đắp  cuộc đời. Chỉ một chút“Cảm ơn/ nhé/ những bộn bề/ Ươm dùm ta nhớ đủ vừa vặn thu”(Cảm ơn). Sự vắt cạn bao dung đã làm nên thi nhân từ một danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú tài hoa cho những ai trân quý.TrongTiếng mùa Quế Anh, ta nhận ra “Cảm động lòng người, trước hết không gì bằng tình, đầu tiên không gì bằng lời, tha thiết không gì bằng thanh, sâu xa không gì bằng nghĩa. Vậy đối với thơ: Tình là gốc, lời là cảnh, thanh là hoa, nghĩa là quả”(Lời của Bạch Cư Dị)./.
                                                                                     Tháng 10.2018/ Nguyễn Thị Phụng.
_______________
* Tên các bài thơ trong tập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét