Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

HÌNH TƯỢNG TÁC GIẢ TRONG TRUYỆN NGẮN 10 NĂM VĂN XUÔI BÌNH ĐỊNH (2009-2019) CỦA NHỮNG CÂY BÚT NAM.


         HÌNH TƯỢNG TÁC GIẢ TRONG TRUYỆN NGẮN 10 NĂM VĂN XUÔI BÌNH ĐỊNH (2009-2019) CỦA NHỮNG CÂY BÚT NAM.
         Chiếm lượng nhiều nhất với con số 44/ 69 truyện ngắn trong tập, so với 16 kí trữ tình và 2 đoạn trích tiểu thuyết. Nhưng nếu đọc kĩ thì mỗi truyện ngắn là một không gian mở của tác giả vừa khách quan, đầy sáng tạo từng tứ truyện không một sự trùng lặp ở mỗi chủ đề qua hình tượng tác giả và kết cấu tác phẩm. Một số cây bút nam chủ lực truyện ngắn duy trì  tiếp nối từ tập Nhìn lại 10 năm văn xuôi Bình Định (1995- 2005) có Mai Linh Giang, Phạm Hữu Hoàng, Trần Quang Khanh, Trần Quang Lộc, Lê Hoài Lương. Một số không tiếp tục, có thể chuyển sinh hoạt đến nơi khác, trừ những tác giả đã mất. Văn xuôi Bình Định mười năm (2009- 2019) lại có thêm một số tác giả Trần Văn Bạn, Ngô Văn Cư, Lê Bá Duy, Nguyễn Hữu Duyên, Mang Viên Long, Trần Như Luận, Nguyễn Văn Phi, Bùi Tấn Phước, Phạm Kim Sơn, Triều La Vỹ nên rất phong phú phong cách sáng tác đem đến cho bạn đọc về một bức tranh hiện thực xã hội đã qua vừa chiêm nghiệm cuộc sống, tình đời xưa và nay.


     1/ Một Trần Văn Bạn, từ không gian theo mùa sở hữu những đầu đề thông tin ngắn, cô đọng như Lụt(tr.10) ám ảnh: “Một lúc sau, hai cái xác như dính vào nhau, lềnh bềnh, không trôi theo dòng nước, lại trôi về phía ta…”(tr.11)nhập nhoạng mơ- thực. Như Mưa(tr.13), cách tả thực đầy ẩn dụ, chóng vánh: “Dù trôi đi hay bào mòn thì cũng là sự khốc liệt của thời gian, cái mà ta chỉ có thể nhận diện lúc ta trong mưa hoặc khi ta nhìn mưa”(tr.17) lại ngự trị và bám lấy con người. Một thông tin nữa đó là Tiếng thét(tr.18) lo âu, hốt hoảng trong cách hội thoại giữa hai nhân vật” “gã và cháu”mà người đọc phải định hướng ra ai sẽ là người bảo vệ ai, hay mỗi chúng ta phải biết tự bảo vệ mình. Khi áp lực “âm thanh” lấn át không gian tĩnh lặng, yên bình.




     2/ Truyện ngắn Lê Bá Duy lại không bị xáo trộn từ nề nếp truyền thống gia đình trong Vầng trăng lung linh(tr.71), cái tình người cha yêu thương con như nước xuôi dòng, trọn vẹn, không than vãn; sống với kí ức đẹp: “…Thì cái mùa hè năm tôi lên ở trọ nhà chị Tư để học thi tú tài, thấy bà đang phát hàng rào bị gai đâm xước, tôi chạy đến băng vết thương cho bà…”(tr.74). Những lời trò chuyện(tr.75) đầy nghĩa tình chồng vợ đến cuối đời gắn bó yêu thương.









     3/ Nhà có bông vạn thọ(tr.280), Xóm kẹo(tr.287) của Mang Viên Long được viết theo lối truyền thống kể chuyện đời thường, mơ ước luôn khát khao bình yên trong hạnh phúc lứa đôi mà người chăm vạn thọ mà lại vô cùng ngắn ngủi, âu cũng là số phận. Trong tình anh em ruột thịt, khi mà: “Con đường hẻm nhỏ dẫn vào xóm kẹo ngày đêm ra vào thấy nhau, đã trở nên xa lạ và buồn bã từ ngày bắt đầu công trình mở đường”(tr.295).









     4/ Riêng Trần Quang Lộc, cách kết cấu ngắn gọn giữa hai nhân vật “gã và em” trong truyện ngắn Trên chuyến tàu khuya (tr.260) kết thúc hành trình lừa nhau “Cả hai phi vụ đều trót lọt. Tưởng đêm nay vớ bẫm, hóa ra công cốc.”(tr.264). Bức tranh Làng ven sông ngày ấy(tr.255) là mấu chốt  nề nếp văn hóa làng cần duy trì  chọn lọc phát huy cái đẹp. Nếu không có Một Tường vi đỏ(tr.265) thì làm sao có thể minh chứng thông qua tình thầy trò để mở ra một không gian trước và sau 1975 giữa buổi giao thời.







     5/ Điểm lại Bước qua bờ cách(tr.238) của Trần Quang Khanh dư âm của một lằn ranh sinh- tử đầy trăn trở mà trọn vẹn tình người sau 40 năm thống nhất đất nước. Cho Mai cứu tinh(tr.229) đã thành linh ứng tương giao kết nối xóa đi quá khứ đau thương và hiện tại “Lần đầu tiên cây “Mai cứu tinh” đã nở hoa đúng vào dịp Tết, cả cây “Mai ông nội” cũng đòng thời bung hoa rực rỡ” (tr.237). Còn viết về nhân vật hắnMột vòng nhân gian(tr.220) thì khi rời xa gia đình, va vập những lao lung. Nhưng cuối cùng đã biết tự nhận ra “Những con sóng màu ngọc lưu li sẽ giúp hắn rũ sạch những muộn phiền”(tr.228). Những truyện của Trần Quang Khanh thể như đâu đó ngoài đời dẫn vào trang truyện cho người đọc suy ngẫm từ những quan niệm ấu trĩ Cú vẫn còn kêu(tr.213) mở ra cái nhìn nhân sinh, hãy biết yêu thương và bảo vệ loài vật Con Bin và người hàng xóm (tr.246) chỉ là một, mà thức tỉnh con người có trách nhiệm với nhau mới là chủ đề cần quan tâm.
    6/Vân Phi với truyện ngắn Hoa uyên tử(tr.463) viết về Tèo Lết có cái tên Uyên Tử. Nhưng chính ông Năm, ba nó- người từ trong cuộc chiến trở về hiểu ra nguyên nhân con mình bị bệnh. Giấu thân phận mình kiếm đồng tiền nuôi con trai tật nguyền. Âu cũng là nỗi buồn của người lao động.
     7/ Bên vùng nước xoáy(tr.486) của Bùi Tấn Phước có cái nhìn về nhân vật Lê Tư với  cuộc mưu sinh sông nước. Ông đã tự đánh mất đứa con cũng chỉ vì ý nghĩ nông cạn hơn thua với những kẻ hám lợi trước mắt. Thái độ của Lê Tư trước cảnh một con “rùa” lội mấy người buông câu là cơ hội cho kẻ xấu rình rập đã bị dập tắt, xóa sạch, trả lại không gian yên bình. Còn ở Buồng giam không số(tr.479) viết về phạm nhân Thị Thùy sa lưới vì nhiều tội. Và chính “bí mật” buồng giam không số làm nhân chứng tòa án lương tâm con người, cũng như chính sách ưu đãi bảo vệ quyền con người khi đứa con Thị được sinh ra nơi đây.





    8/ Cũng cùng đề tài viết về con người với pháp luật, thì Mai Linh Giang với Bức chân dung không bán(tr.100)gợi nhớ những ngày trong trại cải tạo, hiểu được chính mình từ vẻ đẹp người cán bộ quản giáo, là chỗ dựa niềm tin “Có ông ấy bên cạnh, chúng ta sẽ tốt hơn trong cuộc sống còn nhiều chông gai và đầy khó khăn này”(tr.105). Truyện ngắn Ông, cha và tôi(tr.106) viết về một tình yêu đẹp biết chở che từ đêm 30 tết Mậu Thân 1968. Khai sinh thế hệ tiếp nối lớn lên cho tiếng súng của chiến tranh lùi dần, kế thừa người bảo vệ là xây dựng quê nhà.







      9/ Thà rằng bị lừa dối (tr.30), truyện ngắn Ngô Văn Cư viết về nhân vật Vũ thương người như thể thương thân, cứu người qua đường trong cơ nhỡ trước “dịch”vô cảm đã được sẻ chia đúng mức. Chưa mất niềm tin con người. Mả ăn mày(tr.23) vun cao thế giới tâm linh, thêu dệt qua thăng trầm cho sự ngộ nhận của những hạng người thể hiện mình biết ơn tổ tông tộc họ. Chẳng là gì với tuổi thơ hồn nhiên, mà “Dân Gò Sặt tin sái cổ. Bọn trẻ chăn trâu lại vô hiệu hóa bằng những trò chơi trận giả bên mộ…”(tr.29). Những đứa con ra đời không cùng huyết thống là nỗi đau cùng cực của người mẹ, chết là kết đau buồn. Phải chăng thông điệp đầy trăn trở từ nhà giáo Ngô Văn Cư muốn gởi vào truyện ngắn Họp(tr.36).



      10/ Nguyễn Hữu Duyên trăn trở về tình yêu và cách sống. Với Chuyện tình từ ván cờ người (tr.80)viết về nhân vật Thủy yêu Tân, chị đủ bản lĩnh làm mẹ nuôi con “đơn thân” với lòng vị tha, nhân hậu. Chân lí sống hoàn thiện làm người thì nghề nào cũng cao quý, cũng phục vụ con người “Riêng tôi, nghề mua heo cũng bình thường như bao nghề khác… Vấn đề là đừng làm gì trái với đạo lí ở đời là được”(tr.97)khi đọc Mơ ước bên đời (tr.91).








      11/ Bạch hạc(tr.295) của Trần Như Luận viết về vị danh y Tuệ Tĩnh, đang tu tại chùa, được tất cả tin yêu, dẫu đến nơi nào cũng là cứu người “Ở bên ấy người ta đang cần tạo dựng các đạo tràng, củng cố nền đạo đức nơi xã tắc. Đây là một việc cần cho sự bang giao lâu dài của hai nước, con hiểu chưa?”(tr.300), cho đến khi mất “Ngôi mộ hướng đầu về phương Nam”(tr.301) hướng về đất nước.
      Ngoài truyện ngắn thì Tiểu thuyết lại có vị trí quan trọng mở ra không gian rộng lớn bao quát tỉ mỉ về nhiều mặt đời sống khám phá nhận thức con người qua đoạn trích Thầy Gotama và 8000 đệ tử của Trần Như Luận. Chẳng phải trên cương vị của thầy thuốc trách nhiệm nhà văn, có sức thuyết phục mạnh mẽ ngỡ từ một giấc mơ điềm báo về sự lâm nguy của đất nước theo suy diễn của lão trưởng tế, hình ảnh nhân vật thầy Gotama được mời đến là chứng nhân khoa học ngày nghĩ thế nào, đêm mơ thế ấy đó sao. Trả lời các câu hỏi giấc mơ là gì, tại sao có giấc mơ : “Thật ra, rất nhiều giấc mơ có liên quan đến tình trạng sức khỏe của chúng ta…”(tr.310). Hay đoạn trích Chương sáu: Lời kể của tay lãng tử (tr.317) là chương cuối cùng Tiểu thuyết Đời vớ vẫn của Trần Như Luận đã khẳng định ai có thể đủ sở hữu cho riêng mình ngoại trừ những cảm xúc, ý nghĩ và hành động, để điều ta nên làm là sáng suốt nhận ra nó : “…là nụ cười bao dung, hồn nhiên và hiểu biết, chứ đâu phải tiếng khóc than sầu não hay nỗi trăn trở triền miên,…” (tr.324), trong đời tư  mỗi người luôn có trách nhiệm với cộng đồng xã hội thiết thực hơn khi đang bị mê hoặc.
      12/ Phạm Kim Sơn với chùm bốn truyện ngắn trăn trở với từng nhân vật của mình. Khi “tôi”đắm mình trong sắc dục, kể cả lúc “…nàng phủ phục lên người tôi, buông xõa”(tr.512). Dễ gì thoát ra được nếu không bị ám ảnh thực tế về người tình  khi đọc Giấc mơ mùi hoa oải hương(tr.503). Muốn biết Làm thế nào để biết nàng là cave(tr.520), “tôi” dấn thân, sẻ chia và định hướng cùng cộng đồng cho nàng công việc mới. Nếu “tôi” trong cơn say không vào nhầm toilet, tôi đã nghe…tôi đã tỉnh…đã tìm về Chốn bình yên để khóc(tr.538) bên bờ vai gầy của mẹ giấu xưa. Còn Đường đời chông chênh(tr.513) lại là thử thách mỗi phận người rơi vào cạm bẫy xã hội và sa lưới pháp luật, với cách kết truyện nhiều định hướng tích cực khi phạm nhân cải tạo tốt được trả quyền công dân, hoàn lương bên gia đình, cùng xã hội.


   13/ Chùm 5 truyện ngắn Lê Hoài Lương với những thi pháp kết cấu:
          -. Ở Cây bàng vuông(326) là hiện hữu sự vật cùng con người, song hành và tồn tại. Cảnh thứ nhất, giữa thành phố sếp tỏ ra tâm đắc cây bàng vuông, chăm chút, ngợi ca phần đầu “Hèn chi các vị chọn nó là biểu tượng cho sự kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió, cho kiên trì tồn tại …”(tr.327) và kết lặp lại “Cây là biểu tượng… kiên trì tồn tại…”(tr.335).Còn “Tôi nghĩ, không hẳn vậy. Vì nếu nói kiên trì tồn tại, khó có loài nào hơn cỏ. Muôn đời cỏ cam chịu và vĩ đại.”(tr.335) Sự thật hiển nhiên đầy trào lộng. Bởi tôi hay chính là hình tượng tác giả nhận ra chỉ rõ con người qua cảnh thứ hai, sự đối chiếu về thời gian con người- nhân vật Khoa, chiến sĩ công binh trận thủy chiến tránh được tử thần súng đạn, ngụp lặn lênh đênh trên biển hai ngày…Được cứu sống, bị quản thúc và trở về lại nơi ra đi, những bằng chứng về chiến công chẳng là gì, so với mạng sống con người, sống như thế nào, khi anh không có quyền lựa chọn trở lại đảo, phải tự bươn chải mưu sinh và hạnh phúc cho mình. Còn hạt bàng vuông được “tôi”vẽ vời cách di cư của cây bàng vuông… trôi nổi đến hai năm… (tr.327) đầy mục đích cá nhân.
         -Còn tựa đề Chuyện chẳng thể liên quan gì nhau(tr.337) lại không có thành phần cốt truyện qua lăng kính nhà văn: Những quan chức mua vui xác thịt lấy đồng tiền ém nhẹm hành vi từ nguồn báo đưa tin(tr.337) và còn lật ngược vấn đề đổ lỗi người khác(tr.343); của đôi trai gái sinh viên xây tổ ấm tình yêu trong ống cống(340) thật thà lại bị phanh phui còn yêu cầu xử phạt hành chính. - Riêng Đường đời còn dài(tr.344) viết về “gã” sau cái chết của ba, mới vỡ òa đã đánh mất quá nhiều thời gian của tuổi trẻ, hình ảnh cây đàn biểu tượng cho sự du dương mê hoặc, như là sự chiêm nghiệm, ngộ ra “Nhưng lòng gã đang dần ấm áp khi tiếp nhận những lo lắng của người thân dành cho mình…”(tr354).
        - Ở Tồn Sinh(tr.355) cũng không có thành phần cốt truyện, nhân vật chính tên chủ đề truyện Tồn sinh, dẫu sự tồn sinh nào cũng khao khát sống. Và nơi đây mặt trời lên mỗi sáng(tr.361)viết về đời sống cư dân miền biển xóa dấu vết cưu mang chiếc tàu và cất giữ 30 tấn vũ khí cho cách mạng, lẽ ra cả làng được ghi công, nhưng với họ không quan tâm yêu cầu gì cả, chỉ lo cái ăn cái mặc thường ngày và duy trì sự sống tiếp nối là đủ.
        14/. Chuyên về đề tài lịch sử đất nước thời phong kiến là chùm năm truyện ngắn của Phạm Hữu Hoàng với những nhân vật đối kháng nhau, đôi lúc diệu vợi trong cái kết, xao động  người đọc:
      -Nguyệt cầm (tr.139) viết về thời Tây Sơn, Nguyễn Huệ- Quang Trung, về những người phụ nữ dưới trướng có chút tị hiềm tài và sắc, sau đó họ lại bên nhau luôn là sự đồng thuận, đến đời Cảnh Thịnh việc nước rối ren, Thái hậu Bùi Thị Nhạn bảo vệ và che chở Ngọc Hân, âm mưu Bùi Đắc Tuyên bại lộ. Ngọc Hân phát bệnh mất, cuộc nội chiến tiếp diễn, không giữ lại hoàng cung, chỉ tiếng đàn dưới ánh trăng vời vợi xa kia còn vọng lại “Giai điệu nhớ tiếc, buồn thường, sầu thảm như một lời nỉ non, ai oán bão nùng làm xao động cả trăng đêm…”(tr.148).
      - Trăng lạnh(tr.160) khởi đầu không gian im ắng, bóng tối bao trùm, về nỗi trăn trở của Nguyễn Nhạc, về người phụ nữ Phạm Kiều- vợ của quan hộ giá Ngô Trung vạch tội Ngô Văn Sở: “Thì ra, chỉ vì cái mũ ô sa đó mà đại huynh đã khom lưng uốn gối nịnh nọt bạo quyền…”(tr.168); về thứ phi Ya Dố của Nguyễn Nhạc phải trở về núi rừng Mộ Điểu lo mọi thứ đề phòng bất trắc. Đó là vẻ đẹp những trung thần cùng nỗi lòng cô quạnh của Ngô Trung trong đêm trăng lạnh.
       - Báo ứng(tr.149) kể về cuối đời Tây Sơn và đầu nhà Nguyễn là cơ hội cướp công, lừa bạn, vì giống nhau ở diện mạo, cuối cùng Lê Chất ám ảnh từ chuyện ngang nhiên hạ độc Lâm Diễn, nên cuối đời bị vạch tội phạm thượng về 16 tội chết; chỉ có người phụ nữ, người mẹ mới thấu đáo sự tình khuyên giải: “Người đã mất, nghĩa tử là nghĩa tận, không nên nặng lời”(tr.158) khi đưa Lê Luận về quê, nhận chân cuộc sống: “Có một nơi không đền đài cung gấm, không khanh tướng công hầu nhưng luôn ấm áp tình người”(tr.159).
      - Tuyệt lộ(tr.170) viết về Khả Định, người đã bị chết trong cuộc thủy chiến với quân Tây Sơn, có con trai là Khả Từ, học giỏi nhưng lại bị chánh tổng Kiêu lộng quyền đưa vào tù, duy nhất muốn cưới Ý Uyên đã từng hứa hôn với Khả Từ. Ý Uyên nhục nhã đã tự vẫn, ông Tú phẫn uất cũng chết theo. Đoạn kết ám ảnh “Dưới ánh trăng lờ mờ, những cái bóng lượn lờ lướt qua lướt lại, hai tay đưa về phía chánh tổng Kiêu như đòi mạng  Chợt hắn thét lên một tiếng rợn người rồi ngã nhào, máu miệng ộc ra…”(tr.177). Đúng là tuyệt lộ.
       - Riêng Về ngược(tr.179)Phải chăng đây là tấm lòng người vợ, người phụ nữ thức tỉnh được chồng, về ngược để cùng đồng bào chuẩn bị cuộc chiến đấu bảo vệ giang sơn.
      15/ Triều La Vỹ viết truyện lịch sử lại nghiêng về bối cảnh không gian nghệ thuật thể hiện tâm trạng nhân vật anh hùng nhất là ở truyện:
        - Bạch mã(tr.630). Viết về nhân cách Tú Siêu- Mai Văn Siêu, là anh hùng Mai Xuân Thưởng giữa không gian ý tưởng đầy kì ảo của đêm trăng dự báo: “Tú Siêu giật mình vì nghe tiếng ngựa hí…. Tú Siêu giật mình quay lại. Chàng kinh hãi. Bên cạnh chàng là Thần Mã của Thái Đức Hoàng đế…”(tr.631). Còn là sự cân nhắc của Bùi Chánh khảo trăn trở: “Là sĩ phu, ai không muốn xẻ gan bẻ cật phù cương thường.Nhưng ái quốc trung quân như thế nào đây khi nước mất nhà tan, lòng người li tán?”(tr632), và Tú Siêu đã trở thành Mai cử nhân “lặng lẽ” về làng trong lời nhắn nhủ của Bùi Chánh khảo. Một tinh thần thượng võ với khí thế tiến công: “Kiếm đã như người. Người đã như kiếm.”(tr.635) để có một cái kết đẹp cốt cách bậc anh hùng đất nước: “Đấy là tuyệt kỹ của Mai Hoa Kiếm pháp trong một đêm lạ lùng và hào sảng nhất của lịch sử năm Ất Dậu mà Mai Anh hùng đã dành cho hậu thế”.
        - Mùa cá linh(tr.639) viết về giữa mùa cá linh chết trắng, những lo âu của Tuần vũ An Giang là Lê Đại Cang cùng Tổng đốc An- Hà, theo lệnh vua phát chẩn cho dân không kể là Miên hay Việt trước nạn đói đã xảy ra. Những trăn trở, thao thức Lê Đại Cang đã đi vào giấc mơ gặp gỡ bang giao với Hoàng tử Chân Lạp giữa đêm trăng hữu tình: “…không phân biệt chủ- khách, không khinh trọng Việt Miên thật là phúc cho bá tánh”(tr.640). Cho dù cán cân không được đồng thuận với quan tham, lại thấu lí đạt tình tha tội cho dân mộ nghĩa. Lê Đại Cang bị giáng chức, làm lính khiêng võng cho quan, nhưng lại được người thiếp yêu Lê Ngọc Phiên thấu hiểu và yêu chồng hơn.
      - Rồng ngủ đất phương Nam(tr.670)Phóng khoáng trong cách xây dựng nét riêng gặp gỡ với nguyện vọng khí khái Mục Đồng “Gặp thời tao loạn, những đem chút tài mọn mà cứu giúp muôn dân” động lòng Thần Kim Sơn hào hứng: “…Lời nói của đệ khiến ta vô cùng cảm khái. Chúa phương Nam nhiều tham vọng và mưu lược, lại trọng hiền đãi sĩ, nay mai gặp được đệ khác nào hổ mọc thêm cánh. Sắp tới hội rồng mây…”(tr.672) Cũng là thời điểm Trần Khám lý lo nghĩ cho đất nước, trăn trở giấc mơ bừng tỉnh sang nhà Lê Đại Lang là cơ hội gặp gỡ cùng “Đào Duy Từ, mục đồng của đệ, cũng chính là Ngọa long tiên sinh mà mọi người vừa nhắc”(tr.675). Rồi cùng luận bàn việc nước: “Lúc loạn thì dùng uy. Lúc yên thì dùng đức. Đối đãi với dân phải lấy chữ tín làm đầu. Sai tướng sĩ phải lấy chữ nhân làm trọng. Chúa thượng được bốn chữ ấy lo gì dân không mạnh, nước không cường”(tr.676). Những quân cơ, binh pháp,…được soạn thảo giữa không gian gia đình bên người thiếp yêu thấy lòng mình hạnh phúc. Cuộc hội ngộ bất ngờ mười năm giữa Thần Kim Sơn và Đào Duy Từ bên bát rượu quê thể như nhắc nhở: “Rượu nhà Chúa khi dâng thần linh thì nặng mùi xin xỏ mà nhẹ nghĩa nhân, lúc ban cho bề tôi tướng sĩ lại chỉ nồng nặc chữ trung mà nhạt thếch chữ tình. Sao bằng thứ rượu hào sảng chốn đồng quê, ta chưng cất riêng để dành cho đệ”(tr.697). Thấu hiểu lòng nhau: “…là lòng dân đang hướng về nghiệp chúa. Nước Nam đã có thể ngang hàng với phương Bắc hùng mạnh. Chiêm Thành, Ai Lao, Chân Lạp mến đức sợ oai mà thần phục châu về”(tr.680).
     - Quái ngư (tr.658).Không gian là xóm Nại hốt hoảng vì cá nằm trắng bờ và mùi nồng nặc tanh tưởi bủa vây, họ liên tưởng mọi nguyên nhân. Rồi mở ra nguyên nhân khác từ tảo hoa nở. Vật lộn với sóng cả đầy mất mát đau thương, với Quái Ngư chưa là gì so với sự hủy hoại môi trường biển từ mục đích cá nhân của những kẻ thủ đoạn như Bắc và gã đầu nậu Làng Chài Cả. Cần ý thức cảnh giác bảo vệ biển và chính mình.
     - Mưa xóm Gòn(tr.651). Thời tiết khắc nghiệt theo mùa. Mưa không về cả làng xóm đổ lỗi do phá núi, do quan hệ gái trai,… với nhiều lí do. Tất cả hùa nhau đổ lỗi cho một người. Những hình phạt vô lối. Hình ảnh viên đá nhặt được sau khi phải một mình gánh nước tưới ruộng trước miếu thờ, mở ra bao cảm xúc cho thằng Chức, lại là nguyên nhân lòng tham con người trổi dậy. Sự thiệt hại ruộng đồng không phải là trời không mưa mà là sự phá hoại từ bàn chân con người dẫm đạp lên nhau.
         Mười lăm cây bút nam là mười lăm hình tượng tác giả không lẫn lộn mọi góc nhìn khác nhau về cuộc sống và con người. Từ một vị trí không gian thực đã thành không gian nghệ thuật của người sáng tác, vừa gần gũi vừa thân quen trên mọi vùng miền đất nước ta qua, đã sống, đã giao lưu gặp gỡ có rất nhiều người đầy khí khái, bao dung đáng trân trọng; nhưng cũng lắm kẻ lọc lừa, mưu mẹo đã được cây bút nam tinh tế tháo gỡ tình huống trong thái độ mỗi nhân vật giúp người đọc cảm thấy thỏa đáng cho cái kết tác phẩm./.
                                                                                      20.02.2020/ Nguyễn Thị Phụng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét