Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2020

CHƯNG CẤT HƯƠNG ĐỜI, Nguyễn Thị Phụng


                         CHƯNG CẤT HƯƠNG ĐỜI


      (Đọc tập thơ Nụ hồng cho Trái đất của Võ Ngọc Thọ, NXB HNV-2020)
      Khái niệm “Người ta là hoa đất” thuộc về tục ngữ xưa nay. Thì tập thơ Nụ hồng cho Trái đất của Võ Ngọc Thọ đã minh chứng phần nào cốt lõi hương hoa được chưng cất hàng mấy năm ròng mới có được. Và đây là tập thứ năm Võ Ngọc Thọ đã xuất bản, mỗi bài thơ là cảm thức về con người và thời gian không còn xa lạ, trái lại khắng khít thể như hình với bóng, hơn nữa là trách nhiệm thuộc về nhau rồi.
       Nụ hồng cho Trái đất là người mẹ bao dung muôn đời bất tử. Chẳng còn là giả dụ thời gian vòng quay bốn mùa, lại chỉ dành riêng một ngày nói về thiên nhiên cho Trái đất, không phải thiệt thòi mà nhắc nhở sẻ chia tình người bên nhau thắm thiết, ý thức cộng đồng bảo vệ hành tinh xanh. Và nếu như Nhà thơ Định Hải xác nhận “Trái đất này là của chúng mình” thì Nhạc sĩ Trương Quang Lục dẫn dắt tuổi thơ: “Quả bóng xanh bay giữa trời xanh” cho các em yêu màu hoa, màu da sắc tộc và bình đẳng con người. Thì riêng Võ Ngọc Thọ dành Nụ hồng cho Trái đất(Viết nhân ngày Trái đất)*về dấu ấn khó quên từ những thiên tai: hạn hán, lũ lụt, sóng thần,... đến những trận động đất kinh hoàng chỉ trong khoảnh khắc sáu mươi giây: “Sau hàng trăm năm ngủ quên/ Trái đất cựa mình/.../Haiti tan hoang đổ nát/ những xác người chết nằm la liệt/ những người may mắn sống sót vất vưởng đầy đường/ những gương mặt thất thần ngơ ngác/.../ những phận người thê lương” (Trái đất sau hàng trăm năm ngủ quên)*. Cái bất chợt quặn lòng, cái bể khổ trước mắt không riêng phận người thê lương, đã có Nụ hồng cho Trái đất san sẻ.
        Thiết thực nhất, gần gũi nhất là tình yêu bắt nguồn từ Âm vang tiếng sóng*: “Đi dọc vạt nắng chiều hôm/ nghe trong biển mặn hương thơm đất trời/ người đi ngược gió tơi bời/ âm vang tiếng sóng vọng lời nước non”. Và nếu như Những tượng đài*(tr. 58) là sự lựa chọn về nhận thức: giữa hi sinh, an nhiên và bình thản- giữa tận hưởng, ngụy trang và dối trá thì lời nước non nhắn nhủ theo nhịp sống, nơi con đường thường ngày đi về thôi thúc tấm lòng người mẹ đẹp tựa một bài thơ, một vầng trăng tròn sáng tỏ, lung linh tình người mẹ hiến tạng con gái chết não ở bệnh viện Chợ Rẫy đã ngộ ra: “Xác thân rồi cát bụi/ nhưng còn đó:/ trái tim/ lá gan/ và hai ... quả thận/ Người Mẹ gần như chết ngất/ khi chần chừ.../ hiến tạng của con// Con thân yêu/ Mẹ muốn thấy trái tim con còn đập/ quả thận con còn lọc/ lá gan con còn được tưới máu tươi/ chỉ mình con cứu sống bốn người// Con thân yêu/ con vẫn ở cõi người/ ở trong lòng người/ Mẹ xin lỗi/ con ơi!”(Tấm lòng người mẹ*). Phải chăng ta có thêm tượng đài người Mẹ được nhà thơ trân trọng viết hoa là vẻ đẹp tư duy khoa học tiến bộ ấm áp nhân từ. Rồi đến cả Chị quét rác* hằng đêm làm sạch đường phố, mong mỏi gởi vào “giữ sạch lề đẹp lối em nghe”(Chị lao công- Tố Hữu) thế mà “lề” không giữ “Kẻ nát rượu lái xe/ đã không cho chị được sống”.  Và chị đã hóa thân: “Chị đã biến thành con sóng/.../ Chị biến thành ngọn gió/.../ Chị biến thành ngọn lửa/ sưởi ấm con...”. Những người bình dị đời thường mà cao cả đã đi vào trang thơ Võ Ngọc Thọ, đó là điểm nhấn trong Nụ hồng cho Trái đất.
        Và nếu như điểm nhấn cho tập thơ Võ Ngọc Thọ bắt nguồn từ tình yêu đất nước: “Tôi nghe tiếng em bé/ Bập bẹ chữ Việt Nam/.../ Tôi nghe tiếng ngọn sóng/ Nghẹn lồng ngực biển đông/.../ Tôi nghe tiếng sông núi/ Vọng lời hịch cha ông/...”(Tôi nghe)* thì hình ảnh Cây bàng chứng nhân*(tr.34), cho đến Hương quê*(tr.50) Nhơn Lý được nhắc đến. Nhưng cũng từ ấy thì Chiếc áo ấm của ba tôi*(tr.54) khắc ghi dấu mốc thời gian: “Chiếc áo theo ông Cụ từ ngày đi tập kết/ ra Bắc vào Nam/ đằng đẵng hơn hai mươi năm/ chở che ông bớt rét lúc xa nhà/ ấp ủ trong tim bao hoài bão...” cho nguôi ngoai nỗi nhớ, mà nén niềm hân hoan. Võ Ngọc Thọ- người con mượn hình ảnh chiếc áo nhớ ngày đi tập kết của cha mình là lời nhắc nhở công ơn để đến ngày trở về bao thảng thốt:
        Ngày đất nước thống nhất
         ông trở về thăm quê
         chị Hai tôi không còn nữa
         ông khóc
         sao con không nán đợi ba về!
        Ngày đất nước thống nhất
        ông trở về thăm quê
        chú Chín đã hi sinh trong hang Núi Bà
        xương thịt tan vào đá
...”
      Chiếc áo ấm của ba tôi và thời gian của năm tháng khắc khoải đâu riêng mỗi gia đình, mà trở thành kỉ vật chung cho bao thế hệ tiếp nối duy trì bảo vệ quê hương: “Ông trao chiếc áo cho tôi làm kỉ niệm/.../ Tôi lại trao chiếc áo này cho các con tôi/ như trao một báu vật/...”. Với người cha, là niềm tự hào. Riêng với con gái lại là nỗi nhớ khôn nguôi khi đọc Hoa cắm cho con*( tr.79), không khỏi bùi ngùi số phận ngắn ngủi tuổi xuân chưa kịp cống hiến, bởi thường ngày “hồn con lạc bến chơi vơi”. Thương và nhớ thường trực trong cảm xúc thi nhân từ : Một đóa vô thường* cho đến Những đóa tình* về một sự thật thời gian: “Muốn hay không/ Ta vẫn thêm tuổi nữa/ Khi xuân về gõ cửa trái tim// Hôm nao tóc xanh/ Tràn nhựa sống/ Nay bạc mái đầu/ Bạc những khát khao” nhưng từ ấy bật ra:
        Kìa mai vàng đang nở
         Những đóa tình tin yêu
        Những đóa tình kịp bung nở tỏa hương trong Nụ hồng cho Trái đất chính là sứ mệnh thi ca, tập trung chủ đề viết về đất nước và con người nhân hậu làm nên mùa xuân Với đời* (tr.94). Bởi nơi đó có Khung cửa*(tr.95) bao dung đón chờ, sẵn lòng mở ra: “Có một khung cửa/ đi về mỗi ngày/đều đều quen thuộc/ khung cửa thời gian/.../ khung cửa tâm hồn// .../ khung cửa tự do//.../ khung cửa riêng mình/...khung cửa tình yêu”cô đúc, lắng đọng. Nụ hồng cho Trái đất giàu suy ngẫm về tâm hồn đồng điệu, một bức tranh hiện thực đầy: “Sống động và thú vị/ Với những/ Con người/ Cây cỏ/ Hoa trái/ Đôi lứa yêu nhau...”(Quên). “Quên”* là khẳng định cái nhớ, việc phải làm tựa một danh ngôn. Hãy dành Nụ hồng cho Trái đất như dành môi trường sống cho con người, như tự bảo vệ chính mình các bạn ạ./.
10.07.2020/ Nguyễn Thị Phụng
___________
*Tên các bài thơ trong tập.          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét