Thứ Ba, 11 tháng 8, 2020

Người không thể dậy, truyện ngắn Nguyễn Thị Phụng

       Người không thể dậy*


       Cả làng chúng tôi chờ đợi và nghĩ thế nào cô cũng đến. Mà quả thật, thằng bé lên năm ngồi chơi bên thềm nhà reo lên: 

      - Mẹ ơi, có phải cô mang đôi giày đen đội cái mũ rộng vành màu tím đang tiến dần vào sân nhà mình, mà lạ lắm, không như người khác chỉ liếc qua, còn cô ấy đứng thật lâu, thật lâu trước tấm bia mộ, đăm đăm đôi mắt vào những giọt máu nhỏ xuống của bà con làng xóm mình. Mà hình như cô ấy còn mấp máy đôi môi như là đếm từ trái sang phải từ một giọt, ba giọt, hai giọt, ba giọt, bốn giọt, rồi tiếp một giọt, ba giọt, một giọt, ba giọt, và cuối cùng ba giọt, hai giọt, hai giọt từng cụm với nhau. Những giọt nhỏ có phải là máu của con của bạn con, những giọt lớn hơn là của mẹ của ba, của các dì các chú, và những giọt lớn hơn nữa có phải của các ông, các bà phải không mẹ?!... 

      - Ồ, đúng đó con trai. Những giọt máu hình quả bầu chới với giữa chân không như đời đời kiếp kiếp cứ lơ lửng rơi trong tầm mắt quan khách. Bàn tay hội họa tài hoa ở trần gian đâu chỉ phản ánh còn gởi cả hồn mình vào đấy rồi nên mới có sức thu hút đôi mắt những người như cô ấy vậy.

     - Như cô ấy là sao, con ứ hiểu!

     - À, lớn lên chút nữa con sẽ hiểu. 

     - Mẹ lạ ghê, tính đến nay đã gần nửa thế kỉ rồi, ngày nào mẹ bảo con còn nhỏ chưa đi học được. Rồi hằng đêm mẹ ôm con vào lòng à ơi, mẹ nói cả nhà chúng ta chỉ dừng lại tại đây, có muốn già đi cũng đâu được. Cả xóm mình cũng như ở một số vùng khác nữa đâu có diễm phúc được theo quy luật tự nhiên sinh lão bệnh tử như thế nào Mẹ không nhớ à!...


       Người mẹ quên mất những gì thường nói với con mỗi khi màn đêm buông xuống. Có những lúc trăng lên, nhất là rằm Trung Thu, chị ước ao cho thằng con trai mình xách lồng đèn ngôi sao năm cánh vàng tung tăng với các bạn trong xóm, vừa đi vừa hát “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp xóm làng, ...”. Đời con mình không thể. Chị ôm con vào lòng, không hát ru nữa mà nó ngủ từ lúc nào, chị trầm ngâm ừ nếu không có ngày ấy... thì giờ tuổi mình cũng vào thất thập. Cũng lên đến chức bà nội bà ngoại rồi còn gì, có khi lên đến chức cố nữa kia! Chị quên là phải, bởi lúc đó chị mới vừa ôm thằng bé nằm đong đưa trên võng đã nghe chó sủa tới tốc rồi mọi âm thanh đùng đùng, ầm ầm gầm rú dội tứ bề át cả tiếng chó, tiếng gà xao xác vỡ tung ổ trứng của mình, tiếng vịt quáp quáp hốt hoảng thể như chuyện lạ xưa nay.   

          

        Còn chị bế chặt thằng bé chạy xuống hầm tránh bom. Bất ngờ trước mắt chị một màu xanh da beo đứng chặn ngang cửa ra vào, chị nghe tiếng xí xố xì xồ phát ra từ cửa miệng, nếu bình tĩnh định lại để so sánh với một tiếng nói nào đó thì khó mà so sánh được. Nếu tiếng hươu, tiếng nai quả là hiền hòa. Nếu là tiếng dê, tiếng bò tiếng trâu tiếng ngựa thì chỉ biết reo vui khi ăn no cỏ, chỉ có loài sói, loài cọp thì đôi mắt tập trung rồi nhanh như chớp nhảy đến vồ con mồi của mình ngốn ngấu trong miệng... Đằng này mọi thanh âm tứ phía trộn lẫn vào nhau, từ ông bà già đến chị em phụ nữ, trẻ con lớn nhỏ bất ngờ với tay không làm sao chống lại được những vũ khí tối tân nhất. Đùng, đùng, đùng,... thằng bé ngã theo chị trong tư thế ngửa mặt lên trời cao, mà trời cao chưa thấy chỉ thấy mái nhà tranh đã chuyển màu tím ngắt, rồi màu đỏ đòng đọc từng chòm rơi xuống, còn thằng bé nằm im bên chị, mặc cho lửa nóng liếm nhanh lên tóc, lên áo quần, lên cả da thịt. Chị nằm im trên nhà mình cho đến khi không còn tiếng súng nổ. Hai mẹ con chị nằm bên những người cùng số phận... 


        Nắng cuối hạ rực cả lối đi, hàng cau đã được trồng lại từ lúc nào, giờ đứng lặng im và cái bóng cô gái đi một mình bên ngoài ấy ngỡ dấu chấm câu kết thúc trưa hè cũng đứng lặng hơn trước nền nhà chị dâu tôi, cô ấy ngó vào những cây cột bằng gỗ quý nằm lại giữa làng Sơn Mĩ, lũ ve ở đâu về sinh sản nhiều lắm trong bụi rậm cứ the thắt, thắt the não nề thống thiết lắm. Oan ức nào cũng phải giải tỏa. Mà đã giải tỏa chưa. 


Người đàn bà mặc chiếc áo đen tay trái bế con, tay phải đang còn cài nút áo có trong tấm ảnh treo ở Bảo tàng Sơn Mĩ ấm ức: “- Thân phận tôi là đàn bà, lúc ấy đang ở thế bị động phải giằng co níu giữ đứa con lên ba bị thằng đàn ông lớn lắm, nó cao gấp rưỡi tôi, đưa tay vứt đứa con tôi sang một bên, con tôi lòm còm ngồi dậy, rồi sợ quá, không dám thét tiếng thứ hai, ấm ức ngồi trước mặt tôi, lắm lét đôi mắt hoảng hồn vào tôi, và có lẽ lần đầu tiên tuổi thơ không biết nói cái cảnh mẹ nó giữa nhà đầu tóc rối bù, thân mình trần trụi tái tê phải nằm dưới thằng đàn ông to gấp rưỡi mà trên lưng còn súng ống băng đạn lục cục va nhau vào bình đông nước. Sau khi xả cơn dục vọng, nó đứng lên, đi ra ngoài. Nhưng thằng khác đâu cho mẹ con tôi yên, chúng vào nhà lùa cả mẹ con tôi cùng ba người hàng xóm bên nhà ra đứng góc sân ấy. Tôi chưa kịp tủi nhục với chồng, với con, với anh em, với cha mẹ,... tôi chưa kịp rùng mình ớn lạnh, hay hằn học với thằng người to lớn ấy, hay nói đúng hơn chưa kịp hoàn hồn, thì khẩu súng trước mắt chúng tôi lóe sáng, tôi chới với cả người rồi đôi chân khụy xuống khi cháu nhỏ còn trên tay tôi!...”


     - Cả hai mẹ con chị cùng hai mẹ con mình đều nhập nhoạng vào hư không cho đến bây giờ con ạ! Người đàn bà cứ rưng rức theo tiếng ve mà the thắt lòng.

    - Vậy sao đã mấy mươi năm rồi bây giờ mới kể con nghe vậy mẹ!

    - Ôi, chuyện người lớn tò mò bức tranh của mấy phóng viên chiến trường thời đó mà!

    - Sao con chẳng hiểu gì cả!... Thằng bé cứ hồn nhiên nghe ngóng! 

    - Có lẽ con còn bé, con chưa hiểu điều gì, nhưng sự thật vẫn là sự thật. Sự thật chiến tranh chẳng thể già đâu con ạ! Chiến tranh đồng nghĩa hủy diệt. Mà hủy diệt chỉ có tiêu vong. Làm sao đứng dậy được. Người không thể dậy chính là chúng ta ở nơi này. Sở dĩ cô gái đi một mình ngoài kia khát khao một lần đặt chân trên mảnh đất quê mình, và cô đang đứng lại, nhưng không, mẹ nhìn theo cô gái vẫn đang tiếp tục sang khuôn vườn bên cạnh, à cô gái bước vào nhà thắp hương cho cả gia đình chú út, cô gái ấy không dám đi ngang qua căn buồng nhỏ nối từ nhà trên xuống bếp. Mẹ thấy cô ấy khựng lại, cúi đầu quay người ra sân, rồi đi vào căn bếp, ngắm nghía vật dụng trưng bày nào là cái cối xay lúa, cái mâm gỗ, chén bát đất, cái trã, cái trách kho cá cũng bằng đất nung, một mớ tre gai làm củi đốt ngả màu vàng ệch được bó chặt lại để bên dưới chân ông táo đã cũ lắm. Nào là thúng mủng, cái dừng lúa, cái sàng gạo cũng bằng tre, kể cả cái lồng bàn bằng tre cũng nằm im trên tường đã nói điều gì đâu mà đôi mắt cô gái cứ rươm rướm vậy!... 

      - Thật hả mẹ!

      - Ừ, chuyện con chưa biết thì mẹ nói. Đừng hỏi lại. 

      Thằng bé im lặng ngẫm nghĩ chỉ nhớ một điều mẹ nói “Chiến tranh chẳng thể già đâu con ạ!” 

                                                           05.09.2013

_________________________

*Trích Nơi tình yêu giữ lại (NXB HNV 2018)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét