Thứ Ba, 16 tháng 5, 2023

TÍN NGƯỠNG BẬC TIỀN NHÂN -Góc nhìn về tên gọi Lễ Hội Chùa Bà- Cảng thị Nước Mặn, của Nguyễn Thị Phụng

                    TÍN NGƯỠNG BẬC TIỀN NHÂN

       Góc nhìn về tên gọi Lễ Hội Chùa Bà- Cảng thị Nước Mặn



       (Trong buổi Tọa đàm Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia về Lễ Hội Chùa Bà- Cảng thị Nước Mặn hôm thứ bảy, 13. 05. 2023 do Chi hội Văn nghệ Dân gian của Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định tổ chức tại Quy Nhơn).


            Tín ngưỡng bậc tiền nhân là đời sống văn hóa tinh thần không thể thiếu đối với dân tộc ta.

        Nói đến Di tích Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn ở thôn An Hoà, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định được xem là một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và nổi tiếng linh thiêng. Còn là điểm đến của nhiều người dân và du khách thập phương khi xuân về, Tết đến.

       Chùa là nơi thờ Phật, thuộc tín ngưỡng tôn giáo. Nhưng Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn ở đây lại là nơi tín ngưỡng bậc tiền nhân.

        Thông tin ở một số tham luận trình bày trong buổi tọa đàm thì vào khoảng thế kỷ XVI, XVII, nhiều người Hoa di cư đến Nước Mặn. Họ không những lập nên phố xá buôn bán sầm uất mà còn mang theo tín ngưỡng của mình, điển hình là thờ Quan Thánh và Thiên Hậu. Chùa Bà được dựng lên vào giai đoạn này. Từ giữa thế kỷ XVIII trở về sau, biển lùi ra xa, tàu thuyền lớn không vào cảng thị Nước Mặn, cảng thị này suy tàn dần.

       Sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều di tích còn lại của cảng thị bị xóa sạch. Chính quyền địa phương tu bổ lại chùa Bà - miếu thờ duy nhất còn lại ở vùng trung tâm cảng thị Nước Mặn cho đến ngày nay.

       Chùa Bà có kiến trúc độc đáo theo kiểu chữ Nhất. Thiết kế 3 gian. Gian chính chùa Bà thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, tượng bằng gỗ sơn son thếp vàng, tạc trong tư thế ngồi, mặc triều phục, chân đi hài mũi cong, khuôn mặt bầu, phúc hậu, trầm tư. Hai bên có 2 tượng đứng là 2 vị Thiên Nhĩ và Thiên Nhãn dưới gầm bàn thờ bày 2 tượng thần Hổ nằm, tư thế khác nhau. Phía trên gian chính là bức hoành phi đề 4 chữ “Hộ quốc tý dân” (hộ nước giúp dân) do triều Nguyễn ban tặng. Bàn thờ bên trái thờ Thần Hoàng làng; Bên phải là bàn thờ bà Thai Sanh Thánh Mẫu.

        Lễ hội Chùa Bà- Cảng thị Nước Mặn được người dân tiếp nối gìn giữ qua rất nhiều đời.

        Phần Lễ: đậm văn hóa tín ngưỡng dân gian như: nghinh thần, rước sắc, rước biểu tượng ngư - tiều - canh - mục.

        Phần Hội: đậm văn hóa sinh hoạt dân gian với các hội thi đấu bóng, bài chòi, trò chơi dân gian như nhảy bao, kéo co, đi cà kheo,...

        Người dân Nước Mặn, ở An Hòa xã Phước Quang xem lễ hội này là cái Tết thứ 2 trong năm (sau Tết Nguyên đán).

        Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào 4/8/2022. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ tư của tỉnh Bình Định được ghi danh, tiếp sau Võ cổ truyền Bình Định, Hát bội Bình Định và Nghệ thuật Bài chòi Bình Định.

        Vậy thì, trở lại với tên gọi Chùa, trong Chùa Bà có phù hợp với tín ngưỡng tri ân bậc tiền bối, những người đã lần đầu đặt chân đến ở nơi đây, mở ra cuộc giao thương làm nên Cảng thị Nước Mặn ngày ấy. Hay là sự tôn vinh văn hóa tinh thần trong tín ngưỡng của người Việt có nói quá lắm không. Nên trong cách gọi từ ngôi miếu nơi thờ cúng còn sót lại, mà nhân dân nơi đây ưu ái xây dựng lại sao không gọi là ngôi Đền thờ Bà – Thánh mẫu, Cảng thị Nước Mặn gần gũi với văn hóa tinh thần Việt của mấy nghìn năm để lại. Để không trùng lặp và nhầm lẫn với tên Chùa trong tín ngưỡng Phật giáo.

                                                              16.05.2023/ Nguyễn Thị Phụng

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét