Thứ Ba, 16 tháng 7, 2024

TRỞ LẠI TRỜI QUANG của Nguyễn Thị Phụng (đọc Hoa xương rồng của Nguyễn Trí)

TRỞ LẠI TRỜI QUANG



         Đọc  Hoa Xương Rồng, Tiểu thuyết của Nguyễn Trí (NXB HNV 2023)

 

        Trên bình diện tiếp nhận tác phẩm, tiểu thuyết Hoa Xương Rồng của Nhà văn Nguyễn Trí vừa xuất bản cuối năm 2023 theo quy luật tồn tại kết nối và sẻ chia của những người lao động tự khẳng định mình: “Vả lại, mày sơn đông tao lựu đạn chả sợ thằng nào hết, cứ lương thiện mà sống. Nghèo cho sạch rách cho thơm” trong mấu chốt bên chén Ngũ gia bì, mà họ từng chạm trán lấm láp bụi trần đổi lại bình yên cũng lắm gian nan.

 

         Tiểu thuyết Hoa Xương Rồng có đến bảy chương, 299 trang xoay quanh gia đình Năm Thao trong bĩ cực khắt nghiệt,… đến khốn cùng thì áo rách có giữ được lề hay không. Hẳn Hoa Xương Rồng, biểu tượng của gai góc đối kháng môi trường xã hội để tự mình nở hoa bung cánh. Biết rằng, ngôn ngữ vốn sở hữu chung của cộng đồng, nhưng đặt vào tác phẩm với Nguyễn Trí thì không thể lẫn lộn một nhà văn nào khác. Viết như nói mà nói như viết để thể hiện tính đại chúng mộc mạc chân chất mà khéo léo dẫn dắt người đọc về con đường sống Hoa Xương Rồng- Giải nhất cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn 2023.

 

        Với Hoa Xương Rồng, Nhà văn Nguyễn Trí đã phát thảo hiện thực chân dung nhân vật từ một lí lịch Năm Thao là dân phố, từng là con quan, con nhà giàu nhưng vì thời thế nên phải bỏ phố lên rừng chặt củi đốt than… sang ngậm ngãi tìm trầm, đãi vàng, đào đá quý… nghiện rượu. Một giang hồ thứ thiệt lại được vợ con yêu quý chung tay nuôi dưỡng khi bị té ngã, tiếp đến phát bệnh đau gan vô cùng từ túng khi phải nằm nhà, nằm viện. Những hoàn cảnh khắt nghiệt cũng đành bó tay, dù muốn con mình được đi học tiếp kiếm thêm cái chữ lại quá khó khăn.

 

         Từ khó khăn ban đầu, nhân vật bé Hương 12 tuổi phải nghỉ học, cũng là lúc cô giáo hết thời gian nghỉ hộ sản, rất cần người chăm cháu. Gia đình nhận lời, cũng là điều kiện để tối về, Hương còn được học thêm cái chữ từ thầy cô. Vì còn nhỏ lắm, Hương thương má nhớ em, thương ba vật lộn với bệnh tật, nên thường chủ nhật được thầy giáo đạp xe chở về thăm. Hương nhớ em cũng bịn rịn đi làm nhưng không là bản sao như Cái Tí trong Tắt đèn của Nguyễn Công Hoan của gần trăm năm trước.

 

          Ngỡ cánh cửa trường mở ra, cho Hương trở lại lớp học, nhưng người tính không bằng trời tính. Năm Thao lại bệnh nan y. Cùng lúc đó, Hương rời gia đình phụ quán cơm cho ông bà Hùng Sơn Đông, người bạn cùng thời theo rao bán thuốc vặt. Công việc không ngơi tay, chín giờ tối lên gường, bốn giờ sáng đã dậy, nên đâu còn nhớ em nữa, lương gấp ba lần thì đúng quá. Hương cũng biết đối diện với sự thật cái chết của Linh khi bị xốc ma túy. Quán cơm phải đóng cửa khi hai đứa con Linh Sơn của Hùng Sơn Đông đều vướng vào ma túy. Sau đó Hương cũng đến phụ nấu đám cưới bán bánh mì cho Ba Trâm.

 

           Đến khi Năm Thao đã vượt qua được phần nào nợ nần, bệnh tật, lại là lúc bà Thao nhập viện cấp cứu vì ruột thừa. Hương cũng bị dắt dây tiếp vào làm công tiệm vàng Duy Nghĩa. Ở đây, Hương ở tuổi mười lăm đã phải đối mặt tự bảo vệ mình được Năm Thao trang bị nên thoát khỏi con trai Duy Nghĩa- Trinh còn gọi Ba Trình, người đồng giới, muốn gì được nấy…

 

         Thời gian không thể bảo lưu tuổi thơ, cũng như quyền bảo vệ trẻ em của Liên hiệp quốc cũng quá xa xôi, nhưng Năm Thao bảo bọc con gái lớn của mình, vì vậy để giữ lại người làm công tin tưởng như bé Hương thì Duy Nghĩa đã tạo điều kiện cho gia đình Năm Thao phần nào ổn định chỗ ở, rồi về xóm Sông trả nợ và làm giấy tờ tùy thân cho con gái.

 

          Những thế thái nhân tình, cộng thêm tính nguyên tắc “lệ làng” thật nhiêu khê cả gia đình Năm Thao bị xóa hộ khẩu, xem như bị đẩy ra ngoài xã hội, rồi làm lại,... Từ những hình thức mồi chài giấy tờ giả cho  Hương chưa đủ tuổi xin vào làm công nhân có Mười Cường lo liệu- Mười Cường là một trong ba du côn mà Trinh Duy Nghĩa thuê uy hiếp đã bị Nam Thao hạ gục hay màn trước Năm Thao cũng đã ra tay nhắc nhở bọn Thức Rồng trả lại xấp vé số cho con trai mình.

 

          Vậy thì, ở tuổi 15, Hương đã là “công nhân” của một “công ty” người lớn. Từ việc giũ sợi lúc đầu nhẹ nhàng, Nhà văn đã cho thấy được toàn cảnh không gian Công ty, lắm kẻ trục lợi mánh khóe ăn chia nhau. Từ cây kim công nghiệp, đến sợi chỉ, đến bột màu nhuộm, đến dầu ma-zut chất đốt vận hành, đến những dây đồng, sắt, vật liệu xây dựng,… tuôn ra ngoài, lỏng lẻo trong tiếp nhận hàng, tráo hàng nhập kho,… cho đến phần ăn của công nhân ở bếp ăn của Công ty. Rồi lắm mưu bày vẻ  lô đề tài xỉu, huê hụi, lãi vay, tiêm chích,… hoạt động “tinh vi” vì đã được bảo kê, đã khiến cho công nhân cơ cực từng ngày sa vào tệ nạn chỉ vì ham “có tiền” nhanh chóng, khó thoát được, nợ chồng nợ tăng dần. Rồi kể cả những vụ đánh bắt ghen của Thùy Trang vợ Tuấn, những gái gú, kiều nữ,… dấy lên sau cũng dàn xếp bỏ qua.

 

           Cái bè kẻ trục lợi cá nhân luôn là lá chắn từ phá hoại đến kiềm hãm che đậy qua mắt vị chủ Đài Loan như Đặng Trần Tuấn, phó giám đốc thủ đoạn gia thêm bột màu làm hỏng chất lượng thành phẩm đầu ra, dẫu biết những sinh viên Hóa mới ra trường nắm vững kĩ thuật chuyên môn, buột phải thôi việc. Hay khi phó tổng giám đốc hỏi thăm và kiểm tra công nhân, Minh Tàn đã ba tiếng đồng hồ xúc nước thải dẻo như hồ,  khi vừa rửa ráy xong, ấy vậy mà bịt việc Ông ta hồi sang giờ làm gì mà không thấy”. Và Minh Tàn buột lòng phản ứng mạnh: Đá mú- Minh Tàn chưởi thề- Tao làm cái gì sao mày không nói cho nó biết. Chắc nó nghĩ tao trốn việc đi kiếm chỗ ngủ chứ gì…- Tiên sư mày. Vì sự lớn giọng mà đến bữa ăn anh em nói: - Ông như trái lựu đạn ông Năm ơi. Vậy là cái tên Minh Lựu Đạn ra đời.

 

           Về phía các công ty, bên cạnh Công ty Đài Loan Viet-Ta-Hung đã bị thất thoát, thì Công ty Song Long Việt vừa ra đời sau đó cũng bị phá sản,… Về phía công nhân thiệt thòi, bóc lột từ miếng ăn bị cắt xén, có tố cáo thì “thằng xoa” như “…ủy viên Trần Văn Tâm-Tâm Đĩ- thay mặt Quân,… bảo ôi dào- ăn ngày có một bữa có gì mà cáo kiện… mang tiếng vì miếng ăn nhục lắm. Đệ đơn đòi quyền lợi thì “thằng đập” uy hiếp như: Phó xưởng kẹp một kẹp vào nách rồi thằng nào viết đơn hãy liệu hồn đấy. Đang giũ sợi guồng ông đẩy mày qua nhuộm sợi cho biết thế nào là lễ độ. Đang đóng gói tao điều mày xuống lò hơi cho củi than vào lò để biết nóng với người tanhưng vì sao không phản kháng. Có lẽ từ trình độ văn hóa thấp, vì trực tiếp là miếng cơm, hoàn tất công việc, chấp nhận im lặng.

 

          Nên khi chọn người cho cuộc thi biểu dương, chủ tịch công đoàn Quân cũng đắn đo như ở tổ vắt nước có con Hết nhưng lại ghi đề, thằng Hùng lại ỷ tổ trưởng ăn lận anh em. Chốt chọn Đặng Trần Tuấn, phó xưởng, cũng con nhà nông… “người tốt việc tốt” trong  bài viết của Minh Tàn và tài kể chuyện là dối trăm phần trăm… Từ không nói cho có hay thiệt chớ. Tao nghe mà cũng tin thằng Tuấn là chính nhân quân tử. Đời mà có kẻ đi ra từ gian khó lại thành đạt và yêu thương công nhân như chính bản thân mình là xạo chúa”. Ở đây, Nhà văn Nguyễn Trí đưa ra trong cùng một con người như Đặng Trần Tuấn có đủ từ hám quyền tiền đầy mưu kế bẩn thỉu  đến hám “danh” được tiếng khen.

 

           Đối chiếu với bè trục lợi mưu kế kết cấu với kế toán trưởng ăn chặn “chuyên cần”, những “bảo hiểm xã hội”,… của công nhân, ta bắt gặp hình tượng Hoa Xương Rồng lấm láp bụi trần giữa cõi nhân sinh là Năm Thao, giang hồ thứ thiệt đầy nghĩa khí. Cái duyên nhận ra người quê mình: Một Minh Tàn- Năm Lựu Đạn hoạt ngôn, khẳng khái sẵn lòng giúp bạn có đất cất nhà ở thuận tiện sinh hoạt. Thằng Huy trở lại trường, dẫu trước đó Năm Thao cho con mình đến lớp trẻ cơ nhỡ ban đêm, vậy mà giờ lớp 7, giáo viên đến nhà buột phải đi học thêm. Còn bà Năm Thao cũng như đàn bà khác, không ngơi tay với công việc tập trung tháo gỡ khó khăn vì không thể nhờ vả người thân gia đình mình. Vậy thì, trong cách nói dân gian “giàu nhờ bạn sang nhờ vợ”, Năm Thao đón nhận “giàu và sang” từ “bạn và vợ” làm nên con người chân chính từ trong bàn tay lao động của cả gia đình. Để có sự hoàn thiện nhân cách đã phải trải qua thử thách, cám dỗ đường trần gió bụi thể lửa thử vàng,  gian nan thử sức.

 

            Hoa Xương Rồng với cái kết cũng hả hê riêng trong phạm vi thị trấn X mà đường dây tội phạm quanh quán Lẫu Cua Tiến sa lưới pháp luật. Chỉ người lao động như vợ Chiến làm công trong quán dành cả năm nhận lương một thể dồn tiền sửa nhà có là quá thật thà không.

 

           Cho một cái kết Hoa Xương Rồng thể như Trở lại trời quang đó là tổ chức Công đoàn thiết thực bảo vệ quyền lợi công nhân viên trong từ cơ quan, xí nghiệp, công ty,… Thể như công đoàn viên Nguyễn Văn Quân, Sau vụ Tâm Đĩ bỏ trốn vì ăn cắp vật tư của công ty thằng Quân bị quy trách nhiệm… chắc bị đuổi việc mà bị đuổi thật. Nếu không có một Năm Lựu Đạn, am hiểu, giúp khiếu kiện lên công đoàn cấp trên phân biệt giữa bị tội và bị hại như thế nào. Kiến thức là nền tảng của học lực và văn hóa. Với Quân, chỉ lớp năm nên gặp khó khăn chịu thiệt thòi. Ắt là bài học nhân sinh cho mỗi chúng ta, khi Năm Lựu Đạn từ phủ đầu Tuấn bằng cách cú đấm trực diện những tiêu cực trong xưởng, đến nhắc nhở: “Suy cho cùng cuộc đời này ai cũng lợi ích cá nhân trên hết. Mày hay tao không ngoài quy luật đó. Nhưng phải là cái mình làm ra một cách minh bạch… Khi tha nhân cho mình là kẻ gian lận thì những người chủ nước ngoài đang làm ăn trên xứ mình nghĩ sao hả Tuấn”. Về một lòng tự tôn dân tộc cần bảo vệ, gìn giữ./.

                                   17.01.2024/ Nguyễn Thị Phụng

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét