Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2018

TÔI CÒN MẮC NỢ NGƯỜI THÂN BẠN BÈ

TÔI CÒN MẮC NỢ
NGƯỜI THÂN BẠN BÈ
(Trích Hương thảo thất, NXB HNV- 2018)



Nào phải mộng mơ nhưng lúc này thèm sự yên tĩnh cho mình, mà ngoài kia trời cứ rây hạt thấm ướt mặt lá và cả những chùm quả bằng lăng đang từng ngày nuôi dưỡng mầm hạt cho đến mùa sau sẽ bung ra. Rồi như thể không chịu được nữa, mưa lại nặng dần trượt nhanh rơi xuống thảm cỏ non xanh, len lách qua những kẻ lá nhỏ lắm rồi cũng an bài trong lòng đất ngàn năm chịu đựng. Ngoài khung cửa kính, đôi cánh chim trời nào vội vã nặng nhọc cố bay qua làn mưa. Có lạnh lắm không, phải về tổ cùng gia đình chứ gì, hay là miếng mồi còn đang ngậm trong cái mỏ xinh xắn kia, hạnh phúc biết bao lúc mớm mồi cho con. Xa hơn nữa, cây hoa sữa sừng sững vô tư tỏa hương xanh ngát cứ chùng chình trong vòm trời mờ đục nước mưa như vẫn thèm nhớ dáng ai ngồi dưới gốc giữa trưa hè hôm ấy!...
Khẽ nhắm mắt lại lần nữa để thưởng thức sự yên tĩnh đang lan tỏa trong mình, không lẽ nào tiếng giọt thuốc trong veo từ bình dịch treo trên cao bên trái cánh tay tôi dội lại, điều kì diệu nào từ đôi tay của những chiếc áo blu trắng không thể chần chừ, nới dãn bánh xe nhựa cho đường dẫn thuốc kịp thời vào mạch máu. Giọt tiếp giọt làm nên tổng dung lượng lớn bù lại sự thiếu hụt mất mác quá nhiều suy nhược trong cơ thể tôi. Rồi còn những mũi tiêm vào cơ bắp chân, hay là từ những đôi mắt nhân từ cùng với lời động viên: chút nữa sẽ khỏi ngay mà!...    Nhưng có lẽ tôi nghe rõ hơn chính nhịp đập những trái tim yêu thương kia hòa vào tất cả….

Cũng không có gì lạ mọi nhức mỏi trong cơ thể tôi ê ẩm quay cuồng từ lúc chiều là thế, giờ dần dần tan biến ra mọi ngõ ngách xa kia. Tôi có thể co dũi được chân trái, rồi đến chân phải vài lần. Tay phải thì không thể được vì đang kết nối với bình dịch nhân từ treo trên cao, còn tay trái đưa lên và xòe cả bàn rồi nắm lại. Mỗi động tác tôi gắng làm được đến mười lần thấy trong người bắt đầu khỏe ra… Và tôi có thể nghiêng người qua bên trái, bên phải… Rồi ngồi dậy, bỏ hai chân xuống giường, đứng lên và từng bước bước đi…
Ở phòng hồi sức cấp cứu được ba ngày, sau đó chuyển đến khoa nội để điều trị. Mọi sinh hoạt cá nhân đều ổn. Nhìn dáng chị tôi lầm lũi mang cơm đến đúng giờ ăn trưa, ăn chiều mà làm sao tôi chịu nổi khi chị lấy chiếc mũ bảo hiểm xuống, màu tóc đã ngả bạc ướt nhẹp mồ hôi, còn đôi tay gầy gò nổi rõ những đường gân xanh khi mở cà mèng ra. Nào phải chỉ có lần này đâu, hễ mỗi khi tôi nằm viện chị đều có mặt. Hình như chị được sinh ra để chăm sóc tôi, chăm sóc hết những người thân trong gia đình. Cả đời tôi mang nặng tình yêu thương chị dành cho mình. Không biết đến lượt chị ốm đau tôi có thể làm được những gì cho chị đây!... Mong cho chị suốt đời khỏe mạnh! Ở khoa điều trị, cũng như những bệnh nhân khác được kiểm tra huyết áp, đo nhiệt độ thường ngày và dùng thuốc theo chỉ dẫn của y bác sĩ.

Một tuần qua mau khi mỗi sáng thứ dậy, chị em trong phòng rủ nhau đi xin cháo từ thiện của các tình nguyện viên câu lạc bộ hội Chữ thập đỏ Tuy Phước nấu đảm bảo chất lượng, còn hai buổi trưa và chiều đi xin cơm chay của giáo hội Phật giáo Hòa Hảo miền Nam, chỉ trừ ngày chủ nhật là phải tự túc. Riêng tôi không thể dùng cơm chay được, vì cái bụng từ khi còn bé, mẹ tập ăn đã muốn ăn “mặn” cho đến giờ kể cả chuyện trò cũng “mặn” luôn! Với lại những thức ăn được nấu chay chỉ có hoa quả và rau xanh như thế thì làm sao đủ dinh dưỡng cho người bệnh như tôi được. Thấy chị tôi vất vả, nên tôi đã cố gắng ra căn tin “ ăn tự chọn, uống tự chọn” cho mau phục hồi sức khỏe hơn.
Tiêm mũi thuốc cuối cùng trong ngày thứ bảy ở khoa nội là tôi được về nhà. Những cảm xúc trào dâng miên man khi nhận tờ giấy ra viện. Tôi chỉ nhắn lại lời cảm ơn chân tình của mình đến Bác sĩ Thông, bác sĩ Khoa và các cô y sĩ, hộ lí ở Khoa nội. Nhưng nào quên được sự quan tâm nhiệt tình của bác sĩ Lê Văn Đính và các điều dưỡng ở Khoa hồi sức cấp cứu khi mới nhập viện. Chỉ có thuốc hay thầy giỏi đã cứu được tôi ra khỏi hiểm nghèo. Quý lắm các thầy thuốc ở bệnh viện Tuy Phước quê tôi, hơn cả những từ mẫu nữa, còn tặng cho những bệnh nhân thiếu máu trầm trọng sau ca mổ biết bao nhiêu là sự sống của mình, quý lắm như BS. Kỳ, BS. Nhung, cả những điều dưỡng và hộ lí nữa kia. Những ngày nằm viện tôi đã nhận biết bao tình yêu thương người thân, bạn bè thăm hỏi. Nằm viện tôi đã làm đến mấy bài thơ lục bát bốn câu cho luôn cả bản quyền đứa cháu học lớp bảy nộp cho cô giáo, mấy ngày sau nhận lại tin nhắn “Cháu được 9,5 điểm bài thơ về tình bạn. Cảm ơn bà dư nhiều!”. Có làm hư cháu không thì chưa biết, nhưng chữa cháy trước mắt là lỗi của bà, việc làm thơ viết văn đều phải qua rèn luyện. Gởi cho là xóa tin nên đến giờ chẳng nhớ tứ thơ như thế nào nữa. Mà chỉ còn lưu lại cảm xúc bất chợt khi vừa tỉnh ở phòng cấp cứu: “Ta còn mắc nợ trời xanh/ Trần gian là chốn vĩnh hằng tình yêu/ Lỡ mai nắng ngả ráng chiều/ Xôn xao miền nhớ phiêu diêu cõi bồng” (29.11.2011).

10.12.2011/ NTP

2 nhận xét: