Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

VẺ ĐẸP TÌNH NGƯỜI (Đọc “Một ngày cho trăm năm” tiểu thuyết Nguyễn Bá Trình)


31. VẺ ĐẸP TÌNH NGƯỜI - Nguyễn Thị Phụng*
(Đọc “Một ngày cho trăm năm” tiểu thuyết Nguyễn Bá Trình)

         Tôi nào hối hả theo kim đồng hồ treo tường kia mà vẫn cố song hành cùng thời gian để lần hồi gần bảy trăm trang tiểu thuyết “Một ngày cho trăm năm” của Nguyễn Bá Trình(NXB Văn học, 2010) tìm ra kết thúc câu chuyện đầy hấp dẫn trong từng giai đoạn phát triển xã hội từ những năm 75 đến những năm 95 của thế kỉ trước.
        Theo diễn biến câu chuyện “Một ngày cho trăm năm”, Nguyễn Bá Trình đã dày công xây dựng làm nên tính cách nhân vật, đi sâu vào mọi ngõ ngách đời sống con người. Với cách kể linh hoạt có sức thu hút người đọc là nhờ khả năng miêu tả nhiều chiều, nhiều mối quan hệ ràng buột với nhau từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Đọc tiểu thuyết của anh ta không chỉ tìm ra lời giải đáp đầy ý nghĩa sâu sắc về tính nhân văn cao đẹp giữa con người biết xích lại gần nhau để yêu thương và chia sẻ, mà còn học ở mỗi tính cách nhân vật có những phẩm chất đáng ngợi ca và trân trọng. Xét cho cùng thì tình yêu là vĩnh cửu luôn ngự trị trong trái tim con người.


       Đó là vẻ đẹp Hồng Liên đoan trang chính chắn của một phụ nữ đã có chồng, có con. Dù trong hoàn cảnh nào chị cũng hết sức bình tĩnh, cần mẫn, xông xáo, thiết thực với đời sống hiện tại cho cuộc mưu sinh của một gia đình bé nhỏ thiếu đôi tay người đàn ông. Nhưng với sức chịu đựng mòn mỏi đợi chờ khát khao tình chồng vợ, không sao cưỡng lại nổi. Nếu không có sự giúp đỡ về mặt tinh thần của Tuấn, người bạn từ thời học sinh, hay là tình mẫu tử thiêng liêng liệu chị có vượt lên được chính mình. Hay là từ phương pháp điều trị của bệnh viện tâm thần đã phục hồi cảm xúc yêu thương của một con người. Hay có phải là những ngày tháng lang thang vô định đã làm nên mầm mống cho thai nhi ngày càng lớn lên trong bụng chị. Và chính điều đó xảy ra là nguyên nhân căn bệnh tội ác những kẻ thiếu văn hóa, thiếu tình người gieo họa, mà chị lại là nạn nhân trực tiếp gánh nhận. Và giả như, Nghi- chồng chị kịp thời trở về với vợ con, với gia đình thì lại có một hướng đi khác trong câu chuyện rồi! Khép lại cuộc đời Hồng Liên ở độ tuổi chưa được 45, nhưng chị đã sống trọn vẹn cho mình, cho con và cho gia đình như thế đã đủ chưa. Có lẽ hạnh phúc đong đầy: “ Hồng Liên nhận ra trong không gian bao la vẫn có những khoảng trống dành riêng cho nàng. Ở đó nàng vẫn ngắm được những áng mây trời đẹp đẽ trôi qua, những tia nắng ấm mơn man và những làn sóng dịu dàng vuốt ve lên cơ thể. Trước đó Hồng Liên nghĩ mình phải sống trong thế giới của người khác, nhưng giờ thì nàng thấy mình đang được sống trong thế giới của riêng mình. Những lúc công việc ở trại từ thiện rảnh rang, nàng đọc đi đọc lại bộ tiểu thuyết Tình yêu của một nữ tác giả nước ngoài nổi tiếng để học tập sự can đảm nỗ lực đương đầu với một căn bệnh vô phương cứu chữa. Hồng Liên cũng tìm đọc những mẫu chuyện về những tấm lòng dũng cảm và vị tha của những người bị nhiễm HIV, đã tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại của mình để góp phần xoa dịu nỗi đau khổ của những mảnh đời bất hạnh…”(Tr.611) Cuộc sống với Hồng Liên đã trở nên có ý nghĩa, chị đóng góp phần không nhỏ của mình cho xã hội.


        Còn Tuấn là vẻ đẹp một thanh niên trí thức trước và sau 1975. Kể từ khi là cậu học sinh thời trung học đệ nhất cấp đã biết vươn rộng đôi tay ra giữa dòng lũ lụt cứu bạn trên đường đi học phải qua sông bị đắm đò. Phải chăng đó là nguyên nhân giữa Tuấn và Hồng Liên có nhiều kỉ niệm không thể nào quên: “Thời trung học đệ nhất cấp(bậc THCS), dưới mái trường An Hòa, Tuấn và Hồng Liên học chung một khối, cùng che bóng hàng cây xà cừ trên đường đến lớp. Hồi đó Tuấn là một học sinh tinh nghịch đến táo tợn nhưng lại học rất giỏi. Không năm nào cậu học sinh gầy guộc đen đủi ấy không bị thầy hiệu trưởng mời lên khiển trách. Cảnh cáo dưới cờ thì xi-nhê gì với nó! Các bạn đã nói về Tuấn như vậy! Các giáo sư(giáo viên) đều coi Tuấn là một học sinh cá biệt. Nhưng cũng nhờ tính gan lì và táo tợn và gan lì ấy Tuấn đã cứu sống ba nữ sinh suýt chết đuối trong một mùa lũ khi xuồng qua sông An Hòa bị lật. Tuấn phóng ra giữa dòng nước chảy xiết cứu được hai người, đến người thứ ba Tuấn đưa vào nửa chừng thì đuối sức và cả hai bị nhận chìm, may nhờ có bà con trong thôn ra cứu kịp. Ở trạm xá vừa tỉnh dậy cậu ú ớ: - Con …Liên…có sống không?- Cậu đã làm xúc động đến rơi nước mắt những người xung quanh…”(tr.9). Rồi đến những ngày tháng năm 1975 Tuấn cũng có mặt giúp Hồng Liên trong ngày di tản, Tuấn đưa Hồng Liên đi gặp Nghi, chồng của chị,… Hễ khi nào mẹ con Hồng Liên gặp khó khăn thì Tuấn đều có mặt giúp đỡ “cô bạn cũ” ngày nào cả về mặt tinh thần và vật chất. Không hề toan tính vụ lợi hay cố tình chiếm đoạt trái tim của Hồng Liên. Anh luôn trân trọng giữ gìn, dè dặt chở che cho cả hai mẹ con Hồng Liên.
        Bên cạnh đó không tránh khỏi dư luận xã hội về mối quan hệ giữa Hồng Liên và Tuấn chỉ là cái cớ để buột tội Hồng Liên, là cái cớ để che đậy bản chất của Nghi với tính ích kỉ hẹp hòi. Với Nghi có thể bỏ cả vợ, nhưng sao lại bỏ cả đứa con trai của mình có phải vì sự ghen tuông dẫn đến thiếu trách nhiệm của người cha đối với con trong gia đình, mà tận hưởng “ bã” vinh hoa phú quý nơi xa kia. Và đồng tiền của Nghi không có thể nối lại tình cha con được!
        Và đại diện cho lớp trẻ năng động sáng tạo trong thời kì đổi mới có Lâm, Ngân và những người bạn như Thanh, Dương,… nhận thức quan niệm về tình yêu cuộc sống gắn liền với ý thức công việc hết sức chỉn chu đã làm nên “Một ngày cho trăm năm” của Nguyễn Bá Trình là một cuốn tiểu thuyết bao quát cuộc sống đời thường tỉ mỉ từ mọi ngõ ngách bé nhỏ trong cảnh mua bán chạy chợ của thời bao cấp cho đến thời kì cơ chế thị trường mở rộng hợp đồng đối tác trao đổi kinh tế nhiều mặt làm nên sự phát triển phồn vinh cho đất nước. 


       Không còn ở một chừng mực nào nữa “ Một ngày cho trăm năm” của Nguyễn Bá Trình vẫn là tác phẩm tỏa sáng tính nhân văn cao đẹp. Tôi xin được phép trích lại lời cảm nhận của nhà văn Triệu Xuân: “ Đây là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn trẻ Nguyễn Bá Trình. Trẻ, hiểu theo nghĩa là mới viết, và là tác phẩm xuất bản lần đầu tiên. Tác giả là nhà giáo, dạy môn toán trường trung học phổ thông, đã nghỉ hưu. Là người chuyên viết tiểu thuyết, tôi trân trọng những chi tiết thực, bối cảnh thực, nội dung hiện thực của tác phẩm này. Những năm đất nước mới hòa bình thống nhất, dân tình chìm đắm trong khó khăn thiếu thốn của thời bao cấp, cộng với những hành vi, động thái phi nhân do đối lập về chính kiến, khiến tâm thế con người luôn hoang mang, nghi kỵ, hốt hoảng; vậy mà tình người vẫn luôn ấm áp, tỏa sáng…Tác phẩm toát lên tấm lòng của tác giả tha thiết với đồng loại, với cuộc đời, với đất nước, quê hương…
                                                                                            08.4.2012/ NTP

*Trích Tiểu luận LẶNG TRONG HƯƠNG LÚA
(NXB VH 2014)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét