Thứ Ba, 22 tháng 1, 2019

CÁNH ÉN GIỮ TRỜI XUÂN của Nguyễn Thị Phụng.


                                   CÁNH ÉN GIỮ TRỜI XUÂN.


            Dẫu hôm nay là rằm tháng chạp năm Mậu Tuất (2018), hoa mai quanh nhà vừa chớm bung vài cánh vàng cho tiết đại hàn không còn giá rét. Nắng trải dòng Côn ôm bọc quanh khuôn vườn nơi người con xa quê vẫn một mực yêu lắm ngôi nhà tự đường họ Trần ở làng Thuận Nghĩa, một đời người chị ẩn dưới hàng cau ra vào khói hương ông bà. Trong mỗi câu chuyện kể, anh là người tiếp nối cha anh, hai thế hệ làm báo. Ấy vậy, sang tuổi thất thập lại ra mắt tập truyện ngắn “Nụ hôn đầu của chim én” cũng không có gì lạ. Văn luôn hiện hữu trong báo và báo hiện hữu trong văn. Chính điều đó thu hút được nhiều bạn đọc, kể cả những ai khó tính nhất.

          
  Và tôi tự cắt mạch cảm xúc, dừng lại để đồng tình cùng MC- Nhà thơ Trần Viết Dũng buộc cắt ngang lời phát biểu nhà văn trẻ hồn nhiên muốn kể lại hai mươi lăm truyện ngắn in trong tập. Anh cũng biết lỗi, khề khà nói nữa tôi khóc mất!... Ô, một người mềm lòng sau bao kỉ niệm cùng bạn bè, những người em gợi nhớ cứ ùa về rạo rực trong anh.


          Nam Thi chỉ là một trong những bút hiệu đa dạng từng thể loại văn chương và báo chí. Thực chất anh là ai?... Nguyễn Đình Thi sẻ chia thời cuối những năm 60 và đầu những năm 70(thế kỉ trước) anh Bảo đang hoạt động ở Sài Gòn, hễ mỗi lần động chỗ là anh chạy về nhà tôi. Vì anh chơi thân với anh trai tôi là anh bốn Lương*… anh Trần Thiếu Bảo cùng với nhà văn khác nữa,... rồi về nhà ở… mấy anh rất hay là chơi thân với nhau. Anh tôi là thương phế binh VNCH. chơi chung với VC. không bao giờ nói chuyện chính trị, gặp nhau coi như bạn bè ngày xưa. Những ngày tôi vào SG học…có những lúc đói tôi quây số gọi anh Bảo, em đói không có gì ăn,… anh nói lên đây với anh… anh chỉ chỗ lúc rảnh coi công trình…, cứ đi học về lên ăn cơm chung với ảnh…
     
    Rồi sau những năm bảy lăm, tám mươi thì sao? Anh Trần Quang Khanh, Tổng biên tập Tạp chí VNBĐ nói có duyên với anh trong nghề làm báo, và đây là lần đầu được gặp anh Nam Thi, biết anh từ những ngày đọc blog Xứ nẫu của Ngô Quang Hiển, xa hơn là vụ anh viết bài bênh vực cho Nguyễn Mạnh Huy trên báo Thanh Niên từ những năm 1985. Bạn ấy được vào đại học và khi ra trường được nhà in nhận về làm việc. Đọc một số truyện của anh, thấy anh là người có duyên kể chuyện với cách giải quyết của người có tầm kiến văn rộng rãi và sự từng trải của người chịu lăn lóc của cuộc đời. Làm báo và viết văn rồi cũng có ngày anh gom thành sách. Ấn tượng một nhà báo trẻ với nhà báo lão thành là như vậy. Còn Nguyễn Hữu Duyên hào hứng quý anh qua lời comment trong một truyện ngắn trên trang 
      
  Như cánh én giữ trời xuân, cứ thoắt ẩn thoắt hiện đâu đó ở một quán nhỏ ven đường phố lớn SG. với tô bún bình dân, li cà phê lao động cùng với người láng giềng ngõ hẻm lại nhớ về Sông Côn. Đến gần cả chục lượt đi về trong năm bồi đắp Sông Côn ắp đầy mùa nước. Anh kể những lúc giao thời về quê, đêm đến xuôi thuyền ra giữ dòng bắt cá, nhâm nhi. Có lúc neo đậu đánh một giấc ngon lành, mở mắt trời sáng hẳn. Vậy mà chạng vạng trước khi xuống bến đinh ninh hễ nghe tiếng lội nước là mình biết kịp đề phòng!... Hài thế. Rồi anh khéo léo lồng câu chuyện trách nhiệm của một sĩ quan công an, thành phố Hồ Chí Minh đầy tự hào. Còn được cấp trên động viên viết tiếp, viết nữa… viết về những điều hợp với lẽ công bằng. Như chợt nhớ đời làm báo của người cha trước đây… giờ anh chỉ lưu lại được cặp câu đối nằm lòng “Giang sơn hoàn mĩ vọng kiến thanh cao/ Tạo hóa chung trù tích đường vận hội( câu đối của cụ TAM HÀ Trần Thiều Du, 1901-1947)

         Quả thật chỉ cần ngọn bút chì ghi trên trang giấy có thể lưu lại khoảnh khắc. Nhưng mảnh giấy có thể mất, như anh đã từng đánh mất bài thơ tám câu của người cha. Trí nhớ cũng phôi phai. Nếu cứ mãi trầm ngâm bên tách cà phê nhìn dòng Côn qua mùa lũ- cạn, được mất những gì, tất cả hòa vào biển lớn. Mênh mang nước. Thể như con tốt qua sông, chẳng phải lụy đò, mái chèo anh lướt web có được bạn bè Xứ Nẫu quý mến, tin yêu, từ một freindship cùng quê. Chẳng ai xa lạ vẫn chính là Nhà thơ Trần Viết Dũng, người mở đường “hưu” trở lại rừng thu. Bởi anh ngộ ra chỉ có văn chương mới cứu rỗi tâm hồn nhàu nhĩ, cỗi cằn, bỗng chốc gặp mưa đầu mùa nảy lộc đươm hoa, kết trái. Và tập sách dày gần hai trăm trang Nụ hôn đầu của chim én của Nam Thi (NXB Văn hóa Văn nghệ Tp. HCM) có mặt trên bàn đọc chúng ta hôm nay. Phải nói việc in sách từ một sự thận trọng của người làm báo, quý chữ như anh, cứ đau đáu chuyện “…hơn nửa thế kỉ trước tôi đã lấy sách làm giường”(Sách và nỗi “ám ảnh” của tôi), rồi xâu chuỗi từ hàng trăm lời comments trên facebook nâng niu “Anh in đi để bạn bè có cái để nhớ…”(Ngô Đình Hải).

         Cái để nhớ là trở lại cầm bút (bao năm ngỡ quên) kí tặng tập truyện cho bạn bè, cái để nhớ là nắm tay thật chặt cộng lời cảm ơn chân tình và ánh mắt ngày xuân, cái để nhớ đến đúng hẹn sẻ chia những kỉ niệm kết nối yêu thương về một thời chưa xa lắm. Cái để nhớ là ngồi bên nhau uống li cà phê Jin Jin bên bờ Sông Côn, cuốn miếng bánh tráng dưa leo kèm với hịt heo chế biến từ một người bạn ở Đức gởi về, chấm với xì dầu sao quên được giữa sáng rằm tháng chạp để nghe tiếng hát Đêm ba mươi người bạn giamahazui Trần Văn Liễn, của một Bình Thái trẻ trung luyến tiếc vẻ đẹp Giọt mưa thu, cho thánh thót cung đàn guitar của Trần Viết Dũng, rơi xuống đọng lại bên Dấu chân địa đàng, khởi sắc Mùa giêng hai nhẹ nhàng qua giọng ca Cửu Hùng, sao mà khát khao Tôi muốn mình tìm đến thiên nhiên trong lành cho tiếng thơ Nguyễn Như Tuấn lắng sâu đôi mắt hồ đầy, tiếng hát Phạm Vân Hiền bay bỗng,…như vậy.

           Nụ hôn đầu của chim én đã đồng hành cùng chị em tôi trên chuyến xe buýt từ Tây Sơn trở về Tuy Phước, mang theo cái để nhớ không chỉ là ước mơ của Phan Trường Nghị sẽ đón đọc những tập sách tiếp theo của anh, không chỉ là người dẫn chương trình giới thiệu việc Phạm Kim Sơn, thư kí Tòa soạn Tạp chí VNBĐ. in ấn tác phẩm từ khâu gom bản thảo sắp xếp truyện,…không chỉ là việc anh Nam Thi giao Trần Viết Dũng chăm lo trang bìa, dành riêng cho “bà mụ vườn” Nguyễn Thị Phụng đặt tên tập truyện cũng như chọn lời tựa trang đầu. Mà cái để nhớ chính là cái duyên kể chuyện của anh thường ngày gặp gỡ giao lưu. Đằng sau những câu chuyện từ tốn khép lại đã đi vào trang truyện lại là nụ cười hiền hòa, thân thiện. Cái để nhớ mà anh quên chính Nụ hôn đầu của chim én là huy chương cao quý nhất trong những huy chương ngoài cuộc đời, anh tự thưởng chính mình bằng tứ thơ“Người về mang theo tiếng hát/ Để lại chiều lạnh ngắt dòng sông/ Nụ hôn đầu đã trôi về biển bắc/ Con én buồn chờ hết mùa đông” (Nam Thi- Tây Sơn, 20-01-2019) tiếp tục hội xuân sum vầy.


           Một lần nữa sẻ chia lại cảm xúc tác giả tập truyện ngắn Nụ hôn đầu của chim én đã đong đầy hạnh phúc: “Đó không chỉ là duyên nợ văn chương mà còn là nghĩa tình đã làm nên một cuộc họp mặt đông vui, đầm ấm. Giữa một ngày giáp tết bận rộn mà bạn bè từ Qui Nhơn, An Khê, Hoài Ân, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát ... kể cả Việt kiều từ Mỹ đã không quản đường sá xa xôi, mưa dầm, gió bấc để đến với nhau. Những bạn ở xa không đến được thì theo dõi trực tuyến trên fb với những lời chúc mừng chí tình…Đến lúc này, tôi vẫn còn nghe giọng nói, tiếng hát của mọi người, dường như cuộc gặp mặt cuối năm vẫn rộn ràng trong tôi… Xin chân thành cảm tạ thịnh tình của bạn bè dành cho tôi - tất cả những ai có mặt và vắng mặt trong buổi ra mắt tập truyện nhỏ của tôi hôm qua… Tôi không ngờ quê hương đã mở tộng vòng tay ưu ái đến thế dành cho một đứa con lưu lạc”(Nam Thi)./.
                                                   22.01.2019/ Nguyễn Thị Phụng.
____________
 *Nhà thơ, thầy giáo Nguyễn Đình Lương, tắc giả tập thơ Muốn quay về núi.          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét