Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2021

NGƯỜI ĐI TÌM SỰ THẬT, (Đọc tập thơ Cao Văn Tam), của Nguyễn Thị Phụng

 

NGƯỜI ĐI TÌM SỰ THẬT*
     (Đọc tập “Tiếng chuông gió mùa hè” thơ Cao Văn Tam)

          Dễ gì lắng nghe Tiếng chuông gió mùa hè của thi sĩ gom nhặt từ Tiếng đàn xưa* cùng đồng vọng: “Tiếng cầm ca của người hành khất già nua/ Ai oán, ân tình, tĩnh lặng đã bao năm/ Nay réo rắc quá nửa đời bạc bẽo”. Như khơi gợi, như tan biến: “Tất cả rơi rớt trên dòng sông lạnh lẽo/ Cuộc đảo điên lắng đọng/ Xuống vực sâu lòng dạ…/…/ của người từ ba trăm năm trước/ Ngậm ngùi, đơn độc/…/ Như tiếng đàn xưa… vĩnh viễn bay đi…” lại  lay thức niềm xúc cảm cho Mùa của giấc mơ* thăng hoa: “Để dễ dàng mất đi những giọt nước mắt bên trong của nỗi sợ hãi”. Phải chăng đây là sự thật. Sự thật Nơi bắt đầu sự sống* đã tỏa hương trong tình yêu qua tứ thơ bốn câu cô đọng nhẹ nhàng: “Giữa hai bờ sinh tử/ thoáng dậy một làn hương/ mắt em nhìn tĩnh vật/ ta nhận đóa vô thường(Tĩnh vật). Sự  thật vô thường cuộc đời là tất nhiên, luôn luôn thay đổi, ta nhận ra dù một làn hương lướt qua nếu khứu giác không kịp giữ lại cũng dễ tan vào không gian như khói mây bồng bềnh tĩnh lặng. Thi sĩ khát khao lắm khi nhận ra có nơi nào đẹp như bến Trường Trầu bên bờ sông Côn quê mẹ đã thành không gian nghệ thuật trong cặp câu lục bát truyền thống bình dị: “Hoa cau trắng bến Trường Trầu/ Ngẩn ngơ áo lụa qua cầu mờ sương/ Nổi trôi như lạc suối nguồn/ Dáng xưa lặng lẽ nụ buồn mênh mông”, anh tin yêu bộc bạch gởi gắm những lặng thầm tiếc nuối, như tiếng hát cung đàn lạc điệu nhau nhưng thật bừng sáng:
                   Lặng thầm trao một nụ hôn
                    Dìu nhau qua hết hoàng hôn cuối trời
!”
                                           (Hoa cau trắng bến Trường Trầu)


           Nào ai trách được trái tim thi sĩ, lúc mộng mơ đến tuyệt đỉnh tinh lọc Hương vị*: “Như chiếc li đựng đầy rượu/ được pha chế/ từ hương vị cuộc đời,/ (cả cay đắng lẫn ngọt bùi) / chiếc li sẽ không hấp dẫn/ nếu màu rượu không được nhìn thấy/ xuyên qua pha lê trong suốt/ đôi môi của em”… tìm nguồn hạnh phúc tận hưởng đâu chỉ qua thị giác, còn có cả xúc giác mà thượng đế ban tặng con người thật vô tư, hồn nhiên như đóa hoa ban ngày đón mặt trời ấm áp mở cánh khoe sắc tỏa hương, nhưng cũng có loài hoa chờ trăng lên sương phủ cùng hòa quyện trong giây phút tuyệt vời giữa bốn bề tĩnh lặng… Thi sĩ cứ bắt con chữ theo mạch cảm xúc vô tận, đến lúc nào đó thời gian như chùng xuống tích tụ nhắc nhở trái tim “khi vui thì đậu, khi buồn lại bay..” có muộn màng không: “Tình yêu không làm tổ trên cây/ Vì lá của mùa thu rơi rụng/ Cho mùa đông lạnh buốt/ Bây giờ những giọt nước mắt lãng phí/ Không để lại trong mùa thu thương tiếc/ Cho trái tim gánh nặng một tình yêu đến muộn/ tròn trịa/ và giữ đến mai sau(Dù tình yêu đến muộn). Ngỡ như bình tâm mạnh mẽ trước con sóng tình nam châm, nhưng làm sao tránh khỏi, bị bùa mê thuở nào cuốn hút vào vòng xoáy nhân gian: “Hơn 40 năm, những tưởng vết đã lành…/ Nhưng chiều nay chợt nhớ…/ta vẫn còn thương”(Bỗng nhớ). Sao thể lừa dối trái tim mình khi đêm ngày “Mimosa mọc khắp lối đi/ của những người phản bội/ Họ đã có những chuyến đi dài phía trước, trong lãng quên chờ đợi./ Họ đã nhìn thấy nhóm hư không”(Vết sẹo) lại tiếp tục di căn, có liều kháng sinh nào điều trị được! Nhà thơ tìm về thuở nào tự do lặn ngụp thỏa thích:
                  Những chiều sương tím,
                   Bao dung,
                   trong lơ đãng, lấp lánh
                        bềnh bồng con thuyền giấy, trôi lại…
                                vụt qua

                                           (Bồng bềnh tuổi thơ)
           Chim vẫn hát ca* nơi Ô cửa mùa xuân* đọng lại cho Tiếng chuông gió mùa hè* rộn ràng ùa vào tâm hồn thi sĩ, của mọi người trong sợi dây vô hình nhiệm mầu liên kết giữa hôm qua và bây giờ đến ngày mai thanh cao vĩnh cửu cho ta yêu biết chừng nào: 
                  Đó là thời gian ngọt ngào,
                     nối bằng những tia sáng mặt trời
                     vào sợi dây tơ mềm những cánh diều lơ lửng
                     rơi vào tình yêu

                                      (Tiếng chuông gió mùa hè)
            Đến Giấc ngủ chiều* thong thả, đến Chiếc xe ngựa* của người xà ích nhọc nhằn tất bật cuộc mưu sinh: “Khi chiếc xe ngựa tới rất chậm/ như trên vai đang vác một gánh nặng…/ Trên gò má nhăn nheo của người xà ích/ nước mắt tuôn/ Trên đôi môi run rẩy, nụ cười khổ sở./ Đã lấy đi khỏi vòng tay này/ để tới hai cánh tay của người khác/…/ Vườn hoa này sẽ nhớ mãi những bước chân…) đều là phiên bản đầy sáng tạo Những điều trông thấy từ tính nhân văn cao đẹp của Đỗ Phủ, của Nguyễn Du chọn mặt gởi vàng đến tất cả thi nhân hướng ngòi bút mình viết về người lao động cần cù lam lũ quanh ta. Họ đâu chỉ đẹp trong độ bền sức lực dẻo dai, họ còn đẹp ở những tấm lòng rách lành đùm bọc, uống nước nhớ nguồn,… và có một điều trân trọng chưa bao giờ tự ngợi ca mình, cứ lặng lẽ sớm chiều làm nên sản phẩm đáp ứng chung cho nhu cầu cuộc sống thường ngày của chúng ta.



           Tiếng chuông gió mùa hè đi vào lòng bạn đọc “Đêm thao thức bên sông trăng sao rụng, dòng hắt hiu chở từng cánh hao gầy, nơi bến cũ có đèo bồng thương nhớ… Người sang thuyền gởi lại áo thơ ngây…” ( Đêm tưởng nhớ) như thể không nguôi nỗi niềm của nhà thơ họ Cao đất võ. Người sang thuyền trong đêm tưởng nhớ còn là vẻ đẹp người phụ nữ vừa là tình yêu, vừa là số phận nợ duyên: “Thương phận má phải hai lần sang sông/ Chân vội bước qua hai bờ mưa nắng/ Cuộc tình nào cũng làm tim cháy bỏng/ Mối duyên nào cũng vội vả chia tay…”(Thương má) làm sao tránh khỏi như Lan thạch thảo* kia: “Lỡ chiều thạch thảo rụng rơi/ Nhành lan khơi động cuối trời mộng du” như cuộc đời ngắn ngủi: “ Thương con gái một đời bại liệt/ Cõi hồn mê con im lặng vô bờ/ Nát lòng ba bão bùng tan nhật nguyệt/ Nến lập lòe âm ỉ sáng bơ vơ…”(Thăm mộ con). Nỗi bất hạnh đâu chỉ riêng tâm hồn thể xác đứa con anh tạc nên, mà những người làm cha làm mẹ cứ phải đau đáu chất chồng đâu nguôi tháng ngày nhớ tưởng…

             Sáu mươi hai bài thơ trong Tiếng chuông gió mùa hè khe khẽ âm thầm giao thoa đa chiều giữa tác giả với độc giả, tuy cuộc sống có bộn bề nhưng vẫn dành thời gian nghiền ngẫm bí mật trong từng câu chữ, bởi đó là tiếng vọng tâm hồn một người suốt đời cần mẫn trên trang viết đi tìm sự thật cho THƠ sao nên tình nên điệu mỗi khi ngồi vào bàn tiếp nối “Ôn cố tri tân” không hổ thẹn với những bậc thi nhân của dân tộc mình./.
                                                                     10.01.2013
*Trích tiểu luận Lặng trong hương lúa (NXB Vh, 2014) của Nguyễn Thị Phụng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét