Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

BÊN CẠNH NHỮNG BỘN BỀ.(Đọc Góc phố ba người của Nguyễn Mỹ Nữ) Nguyễn Thị Phụng

 BÊN CẠNH NHỮNG BỘN BỀ.

         (Đọc Góc phố ba người, tập truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ, NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2022).

         Bằng sự tử tế trong cuộc sống thường ngày và khiêm tốn là tính cách đáng trân trọng khi đọc văn Nguyễn Mỹ Nữ. Chị không chỉ là Nhà văn viết cho thiếu niên của Nhà xuất bản Kim Đồng, là cây bút tản văn hấp dẫn. Và dẫu Bên cạnh những bộn bề với những vướng mắc Covid-19 cùng di chứng để lại, Nhà văn vẫn kịp thời ra mắt bạn đọc Góc phố ba người (NXB Tổng hợp Thp. HCM- 2022) là tập truyện ngắn thứ tư trong tám tập sách đã xuất bản. Ấn tượng nhất của bạn đọc đối với Nguyễn Mỹ Nữ đâu chỉ là giải thưởng vinh danh như ở các cuộc thi truyện ngắn tuần báo Văn nghệ(1998-2000), tạp chí Văn nghệ Quân đội(2001-2002 và 2005-2006), hay Giải thưởng Đào Tấn- Xuân Diệu lần III, IV, V. Không là liệt kê, sức hấp dẫn ở 15 truyện ngắn trong Góc phố ba người với phương thức biểu đạt tự sự có cả lập luận chân tình pha chút dí dỏm, lại ấm áp yêu thương chủ yếu miêu tả sự tiếp xúc, va chạm giữa con người và xã hội rất cô đọng và súc tích, độ nén trong khoảnh khắc kể cả tựa đề hấp dẫn chỉ từ một tiếng: Hát, My, Thở, Ám, Siêng, Vỡ, Diễn;  từ hai tiếng: Tiền bay, Vui vầy,... đã làm nên một Nguyễn Mỹ Nữ không thể nhẫn nha khi mà cuộc mưu sinh hối hả.

         Góc phố ba người là sự thẩm thấu tính cách phụ nữ biết sẻ chia và trân trọng. Đó là cái tình vốn có ở tấm lòng phụ nữ. Nếu như trong tận cùng ngược lại dẫu gian nan dễ làm con người so đo tính toán, thì cái chừng mực điềm tĩnh được phát huy, không ồn ào căng thẳng, hướng đến sự lựa chọn tế nhị đầy bất ngờ trong Khẽ và thầm* khá trăn trở nội tâm ở nhân vật “tôi”- người phụ nữ không thể sống chung cùng với chồng thường ngày, nhưng vẫn trong vai là vợ là chồng bên nhau những ngày bảo hỉ của các con, sum vầy với các cháu, thời gian li thân đủ nếm trải cô đơn tâm hồn ngỡ đã tìm ra sự đồng điệu cảm xúc khi đọc lại dòng tin nhắn từ nhân vật Luân ở cuối truyện: “Anh có ý nghĩ em chính là cơ may cuối của đời mình. Và hẳn em cũng thế! Chúng ta có nhau vào khoảng này vẫn tốt hơn... Trễ đâu hẳn là muộn. Và giá mà anh có thể? Cuốn phăng những ý nghĩ em lay bay, những lười lĩnh em những chênh chao em những đắn đo, những toan tính ở em...Cuốn, theo cách của anh ấy mà”. Phần nào khẳng định “Tôi trở về. Bỏ lại một biển đêm trăng non. Mênh mang và bàng bạc. Và khuya đó với lòng thật bình yên.” cho một cái kết rất khẽ và thầm. Còn Những cuộc hẹn cuối ngày* dẫu gì cũng là mối quan hệ vợ chồng thời trẻ và tuổi già lắm lúc vướng mắc cũng sẵn lòng tha thứ cho nhau, nhưng cách chọn sống độc lập không ràng buộc đôi khi là sở hữu của tự do. Ở truyện My*- nhân vật trẻ trung, năng động, không thích những gò bó, nhưng cái kết không thể duy trì, chọn cho mình mái ấm yêu thương.

        Không gian gia đình là mối quan hệ ràng buộc phụ nữ trong Góc phố ba người. Gia đình là mấu chốt của yêu thương, là sẻ chia, nhưng khi những câu mâu trong sinh hoạt thường ngày của gia đình nhà chồng đông anh em khó có sự thông cảm và bao dung, người phụ nữ- thân phận là dâu tìm đến tiếng hát mọi lúc mọi nơi là cách vượt thoát gò bó tù túng cảm xúc như chị Nhung trong Hát*. Còn kết cấu Rượu và Sương* là những dằn vặt của gã được mở ra cách ẩn dụ cướp công của loài chim cánh cụt lười xây tổ cho riêng mình. Nhưng hạnh phúc chẳng thể đong đầy trong tháng ngày tiếp nối khi vợ gã ấm ức nhận ra cái đớn hèn nhu nhược ấy: “Cả đời tui đã thúi hoắc, còn có thêm thằng chồng hờ thúi hơn nữa, chịu gì nổi? Thà sớm bửng cha lo nốc giùm mấy ngụm rượu mới, cho cái râu nó thơm. Cái miệng cha không thơm nổi đời cha sao thơm?...”. Người đọc hẳn sẽ hả hê với ý tưởng: “...Người ta căm thù rượu lại phải ập vào rượu và người ta thích rượu và người ta thích cả sương. Nhưng say sương thử hỏi ai đã từng.” Cả nỗi đau dằn vặt đầy ám ảnh: “Ông đánh cắp của người nên đâu có giữ được cho mình. Đúng không?” có là bài học nhớ đời không riêng gì gã.

         Những cảm xúc ban đầu có là câu trả lời cho tình yêu kết nối? Đã có trong Góc phố ba người với cốt truyện Siêng* giữa sự đối lập mối quan hệ vồ vập chóng vánh giữa hai nhân vật “chị và anh” cuối cùng nhận ra thực tế: “Nhưng anh lười, chị lười khiến mọi thứ nơi đây ngày một tồi tệ thêm, nên, tan rã ấy là điều tất nhiên. Thôi, trả lại anh người lười ngay đến cả nụ cười với vợ. Thôi, thu về chị người phụ nữ lười ngay cả đến việc nấu cơm cho chồng”, đến hồi tháo gỡ ràng buộc để không làm tổn thương trái tim cho nhau. Khi đọc Vỡ* tìm ra cái kết hôn nhân nên duyên chồng vợ khởi đầu từ sự hiếu sắc, mà đàn ông mấy ai yêu đạo đức như yêu sắc đẹp thì họ thành thánh tất cả. Thánh giữa đời thường quá hiếm, bởi ở gã từ lúc đầu “phất phơ và lông bông sống cho qua ngày” và còn “Gã rất mê đàn hát và vợ gã, là hoàn toàn ngược lại” nhưng vòng đời níu kéo chung mái nhà, chung con cháu, chung số phận. 

         Ngổn ngang thanh âm vơi đầy vọng lại là tiêu đề trong Góc phố ba người. Sẽ dễ dàng nhận ra thanh âm giữa bộn bề góc phố không trùng lặp. Từ truyện ngắn Ám* đầy câu mâu, cả quyết ngỡ như mình đang bị xúc phạm, bởi bản tính con người tự trọng như cô Bốn đầy bảo thủ.  Với Thở*, khởi đầu từ tiếng guốc vỉa hè của em bé trước nhà đối diện luôn là sự cô lập, tách biệt, sự bất an, mà trong nhà người mẹ hành nghề mại dâm, không gian góc phố ngột ngạt. Cái hay ở Diễn*, chỉ là khoảnh khắc đường phố cho mọi người tham gia giao thông, người gây ra tai nạn từ lúc đầu “Biết mình sai nhưng vẫn lớn giọng trấn áp, đè bẹp người khác. Mà không xong và bị lật tẩy thì tức khắc, đóng vai khờ khạo tội tình...”. Cảm nhận ở nhân vật “tôi” đủ khẳng định không tìm đâu xa trên sân khấu, ngay thực tế đường phố cũng diễn quá sinh động kia mà.

       Trong bộn bề vẫn tìm về nhịp thở sinh sôi. Nơi Góc phố ba người* là truyện kể về ba cô gái nông trường, trong đó Hạnh là một trong những phạm nhân sau khi mãn hạn tù, sẻ chia: “Em sợ ra đời không kiềm giữ nổi mình rồi hoang hư lại”. Nơi đây, với Hạnh đúng nghĩa với cái tên của em, xốc xáo nhanh nhẹn mọi việc, hòa nhã khéo léo tốt bụng nên tất cả yêu thương sẻ chia. Nhưng sự đời không như ước mơ đẹp của “tôi”về Hạnh, Hạnh đã phải là người mẹ đơn thân sinh con ngay trong đêm giao thừa và trú ngụ bên mái hiên nhà trong giá rét không người thân thiết. Mà được tình bạn cưu mang nhau lúc cơ nhỡ này. Vẻ đẹp “tôi”- giữa những người phụ nữ trong Dăm phía đời, gác lại*, nơi phương trời xa và cuộc trở về những triền miên xáo trộn, bề bộn lo âu. Nhưng tìm ra cho mình được góc nhỏ đời sống tâm hồn: “Lạ thật! Bởi đã quyết lòng “thôi thì gác lại...” vậy mà trái tim mình vẫn đập rộn những nhịp vui, khi dõi theo một sắc màu lấp lánh, một bóng nắng lung linh nơi khu vườn nhà cùng với mọt người đàn ông có tên là Kurt”. Riêng một không gian bao trùm cuộc gặp gỡ của các cựu thanh niên xung phong trong Vui vầy*đầy kỉ niệm gắn bó của thời trai trẻ nơi từng xa núi cao, giờ xa xôi lắm.

        Góc phố ba người với bài học nhân sinh bất ngờ sâu lắng. Nếu như ở truyện ngắn Tiền bay* khi cuộc đời không cho mình sự lựa chọn nghề nghiệp như: cùng nghề đan thúng, túng nghề đan nia nữa. Cái cung và cái cầu luôn song hành cho nghề mua bán chim trời đầy vật lộn. Một cái kết truyện đầy ám ảnh trong tuyệt vọng gió cuốn cả người và giỏ nhốt chim rơi xuống cầu, phút cuối cùng được vớt lên bờ, người đàn ông nhanh tay mở cánh cửa lồng cho chim bay về trời. Thì đến với Điều may mắn cuối cùng* lại là sự tự giác lương tâm, luôn bảo vệ sức khỏe con người nên đã hỏa táng con Nu, vật nuôi trong nhà, vì không muốn tiếp tay cho gian tham có cơ hội đào lên xẻ thịt bán cho người tiêu dùng.

       Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ trong Góc phố ba người , nhưng không còn là của riêng ba người mà của chung bạn đọc. Kết cấu mỗi truyện cũng là thước phim đời người trong mỗi cảnh. Nơi ấy chứa bao nhiêu là tình người luôn được cân bằng trong vun đắp trong ân cần mách bảo. Nơi ấy còn là thông điệp về lương tri con người, hãy vì con người sống tử tế bên nhau. Nơi ấy, những dối gian sẽ không còn lặp lại. Nơi ấy là bầu trời phóng khoáng, tâm hồn luôn cởi mở và kết nối yêu thương./.

......

*Tên các tr.ngắn trong tập.                               13.06.2022 / Nguyễn Thị Phụng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét