Thứ Năm, 7 tháng 4, 2022

LỠ CUỘC TRĂM NĂM, Nguyễn Thị Phụng đọc Hồ như- Lâm Cẩm Ái

       LỠ CUỘC TRĂM NĂM


         Có ai tâm đắc cùng tôi câu ca dao: “Lỡ thương nên mới trách nhầm/ Lỡ yêu nên mới cằn nhằn cho vui”. Lỡ... chứ nào ai bắt buột. Cái bắt buột là trái tim có trong cùng tần số yêu chưa. Sự hòa nhịp lênh đênh như sóng biển ngoài kia lúc đan vào, lúc rã rời mỏi mệt níu kéo. Lực cũng bất tòng tâm, một khi con sóng quên bờ. Thật lúc rãnh rỗi sinh nông nỗi lên facebook. Văn hóa đọc trên facebook thể một sân chơi, lúc thủ môn, lúc trọng tài. Tôi vẫn là một trong những netizen tích cực hướng đến cái đẹp trong sinh hoạt thường ngày trên màn hình ảo mà rất “thiệt”. Cái thiệt là dừng lại đọc nhiều lần một bài thơ nào đó, đọng trong tôi những vẻ đẹp ngôn từ. Bài thơ Hồ như của Lâm Cẩm Ái , chị cũng là thành viên của huongxua. Org có thơ in trong tuyển tập Hương xưa gửi lại (NXB. HNV 2015), nằm trong danh sách ấy:

HỒ NHƯ

Những con sóng bềnh bồng trôi ra biển
có bao giờ trở lại hỏi bờ xưa
có bao giờ người hỏi đã yêu chưa ?!
mà vội vã quay đi không ngoảnh lại

Cát vẫn đợi ngàn năm nơi bờ bãi
ta vẫn hoài như tháp cổ thâm nâu
người qua đó hồn Chiêm đang bậc khóc
nhớ thương hoài vũ điệu Apsara

 Đêm nay lạnh ta gom mùa trăng vỡ
sáng lung linh nhảy múa ánh miên trường
trời mênh mông ngất ngây từng nhịp thở
gió đi về ôm lấy những lần thương

Chút hồn nhiên bỗng dưng đi lạc lối
ngã xóng xoài trên mấy nhánh ưu tư
ngày sỏi đá trăm năm đang bày cuộc
giấc mộng đầy vẫn thoáng chút hồ như.
                               (11 Tháng 5, 2021)

                  Ngay từ tựa đề mở ra sự tò mò đến tác giả bài thơ đã đặt ra phép thử. Cách ví von nhẹ nhàng cho những gửi gắm kín đáo đằm sâu. Tâm trạng được bộc bạch trong bài thơ chan chứa nỗi niềm khắc khoải nhớ nhung cho giấc mộng đầy. Cũng là cái cớ giải tỏa cảm xúc, biết rằng bể trầm luân định mệnh kiếp người không duyên cũng nợ với nhau. Cái duyên là gắn bó, cái nợ là câu mâu. Nếu theo quy luật tồn tại đồng cam cộng khổ, nếu chỉ riêng phía ngày thì đêm không bao giờ trùng hợp. Cái hồ như đã mở ra ngay khổ thơ đầu bất biến của nghìn năm vạn biến, cái cụ thể bồng bềnh, cái cố định bờ xưa từng là điểm tựa cưu mang, sự lặp lại “có bao giờ” hoài vọng gợi cho sự liên tưởng không còn là sóng biển là bến bờ, mà là cái tình tha thiết quá trong cân nhắc kĩ càng:

        “Những con sóng bềnh bồng trôi ra biển
          có bao giờ trở lại hỏi bờ xưa
          có bao giờ người hỏi đã yêu chưa ?!
         mà vội vã quay đi không ngoảnh lại

         Sóng là thế, muôn đời là sóng. Những câu phát vấn đã tự làm khổ mình trong âm thầm, sóng âm ngoài kia mạnh mẽ quá! Cái khổ len lõi đến đoạn tiếp theo là bày tỏ nỗi lòng, trong cách gợi “Cát vẫn đợi ngàn năm nơi bờ bãi” chắc chắn là ngàn năm của tự nhiên, con sóng và bờ cát. Nhưng chủ thể trữ tình đã bắt đầu thuyết phục: ta vẫn hoài như tháp cổ thâm nâu. Mặc định sự tồn tại trên đời này là có thật, dấu ấn khó quên, gắn liền với hồn Chiêm cùng vũ điệu Apsara, cái phù điêu vượt thế kỉ còn hiện diện hôm nay thủy chung và bền vững quá. Bao dung mở ra cánh cửa vị tha không giới hạn. Không ban phát mà đón nhận đợi chờ yêu thương đến rã rời từng viên gạch, như hồn Chiêm tháp cổ ẩn hiện đâu đây. Nép đẹp đôi tay tảo tần đã làm nên diện mạo nhân sinh. Sự ra đi và trở về luôn ưu ái cho những lần lữa rong chơi:

          Cát vẫn đợi ngàn năm nơi bờ bãi
          ta vẫn hoài như tháp cổ thâm nâu
          người qua đó hồn Chiêm đang bậc khóc
          nhớ thương hoài vũ điệu Apsara

      Hoài vọng theo thời gian những khát khao nhịp đời tuôn chảy, mùa theo mùa tiếp nối đi qua. Mùa sẽ chẳng bao giờ trở lại, nếu có trở lại cũng là những rêu phong vỡ nát hoang tàn. Thời gian là điểm trượt của hiện tại, trong thế khó cân bằng, cơ hội chẳng thể dành cho những hoang phí đời mình cùng gió mây. Nỗi day dứt đổ vỡ bật lên tiếng hát xua những phiền muộn gian nan, mất mát đơn độc say với nỗi đau tình đời thể như dành riêng cho ta vậy:

       “Đêm nay lạnh ta gom mùa trăng vỡ
         sáng lung linh nhảy múa ánh miên trường
         trời mênh mông ngất ngây từng nhịp thở
         gió đi về ôm lấy những lần thương

      Chất ngất ôm mộng, khó đánh đổi nỗi đau dày xé tâm can, muốn hòa nhịp cùng trời mây sông nước, quên đi tất cả mà sao khó quá. Nếu lỡ đa mang cũng đành, nhưng nhân vật trữ tình trong bài thơ lại chính là "ta" mạnh mẽ, ngông nghênh thiên về lí tính, oằn sâu vết sẹo của trăm năm, thể di căn buốt giá một tâm hồn không tránh khỏi, khi không thuộc về nhau:

           “Chút hồn nhiên bỗng dưng đi lạc lối
           ngã xóng xoài trên mấy nhánh ưu tư
           ngày sỏi đá trăm năm đang bày cuộc
           giấc mộng đầy vẫn thoáng chút hồ như

        Chỉ thoáng chút hồ như sao? Những hụt hẫng bơi tìm giấc mộng lại gặp đớn đau là thử thách con người đầy trớ trêu phận bạc. Những mơ hồ xa xăm ngổn ngang hiển hiện trước mắt, choáng hết góc đời. Mặc sự độc thoại đã thành tứ thơ trên sườn cũ cho một sự hồ như mãi mãi của riêng ai. Thì ra, con sóng kia chỉ là ẩn số và phù điêu trên tháp cổ mới chính là nàng thơ hòa điệu múa thăng hoa cảm xúc vậy mà...

                                                            07.04.2022 / Nguyễn Thị Phụng. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét