Thứ Tư, 6 tháng 4, 2022

NHƯ NHỮNG DÒNG TRÔI, Nguyễn Thi Phụng đọc thơ Nguyentiet.

 

NHƯ NHỮNG DÒNG TRÔI

        Vẫn giữ thói quen mỗi ngày lướt facebook, tôi đã dừng lại ở chùm thơ bốn câu của nickname Nguyentiet. Chị tên thật là Nguyễn Thị Tiết, nguyên giáo viên toán THCS ở thành phố Quy Nhơn, cũng là một trong những người yêu thơ và sáng tác của huongxua.org- Trang của những người yêu kỉ niệm xưa, có mặt trong tập thơ in chung: Hương xưa gửi lại (NXB. HNV. 2016). Nhưng cảm xúc thường ngày được sẻ chia sâu lắng nhẹ nhàng thể như nhật kí thơ sau những cuộc rong chơi:

         1.  Nắng ươm vườn hoa cải

               Gió lay cánh thật thà

               Vàng một thời con gái

               Mùa đợi mùa... xuân qua...”

        2.  “Thoang thoảng một góc quê

               Hương xoài che kín lá

               Thương chùm hoa không lạ

               Một nụ cười an yên”

       3.  “ Róc rách chảy qua truông

               Chiều chia sông hai nhánh

                Dòng trôi vào canh cánh

                Dòng trôi vào triều dâng...”

                                       (22-02-2021)

         Thơ có là sự trải lòng, là san sẻ chút tình vơi đầy nhân thế. Người sáng tác thường không bị gò bó áp lực khách quan, để được những tứ thơ trọn vẹn với mình, nguồn vui không chờ sự tương tác, vốn ở họ là dành dụm yêu thương, quyến luyến nhẹ nhàng với cuộc đời đã từng xuôi ngược đó đây. Không gian một góc quê giải tỏa bao bức rức thường nhật chen lấn tâm hồn, cảnh được sinh ra cho người tận hưởng, vô tư sắc hương mời gọi. Cảnh là lực hấp dẫn cho những ai cùng hòa nhịp trong từng khoảnh khắc. Nguyentiet đã bắt gặp sự hòa quyện của mình với vườn cải giữa không gian có nắng ươm vàng, gặp nguồn gió xuân dìu dịu, yêu quá cái đẹp tuổi xuân, và khát vọng đợi chờ tuổi xuân sẽ mãi mãi nối tiếp:
            Nắng ươm vườn hoa cải
              Gió lay cánh thật thà
              Vàng một thời con gái
              Mùa đợi mùa... xuân qua...”

        Nếu ở cảnh thứ nhất là sắc vẽ nên sự ấm áp về một màu rất tự nhiên ươm vào nhau “Nắng ươm vườn hoa cải”, còn tác động của gió cũng rất tự nhiên, thật thà mơn man thoáng lướt. Từ sắc của nắng, của hoa chuyển sang người thành gam màu mới:“Vàng một thời con gái” cho sự nuối tiếc, trêu ngươi, hoài vọng.

                  Thì cảnh thứ hai, bài thơ thứ hai là một bức tranh hiện hữu được khám phá từ mùi hương, thoang thoảng hương xoài êm ả theo mùa xuân mà trổ hoa tự chu kì của cây ăn quả. Hoa xoài có lạ đâu, bé trắng hơn cả hoa cải kia, li ti kết lại từng chùm, mỗi cái hoa bé xíu ấy chắc hẳn sẽ an yên hơn, nếu không bị rầy, sâu bọ,... thì không lâu cho một quả xoài chín mọng thơm ngon như ước muốn:  

              “Thoang thoảng một góc quê
                Hương xoài che kín lá
                Thương chùm hoa không lạ
                Một nụ cười an yên.

        Hiện hữu nụ cười an yên trong cảm nhận, không náo nức mà bình tâm. Trong cách nói dân gian hễ “được mùa xoài, mất mùa lúa” hay ngược lại cũng vậy. Giữa cái được và mất, luôn song hành. Cái được của chị lúc này thiên về mùa hương hoa lan tỏa che khuất chiếc lá kia, chính mùi hương đặc trưng choáng ngợp khứu giác bấy lâu ngỡ lặng yên giờ lại ùa về cùng lúc, vừa tận hưởng làn hương ấy vừa bối rối xôn xao cho hạnh phúc thực tại lúc này. Phải chăng chỉ có ở nhân cách tâm hồn kín đáo lắng nghe, sẻ chia một tứ thơ đầy nhân văn, cao đẹp.

         Đến tứ thơ thứ ba mới thực là cái tình muốn nói. Luyến tiếc một sắc xuân, làn hương rồi theo mùa đâu giữ lại. Cái giữ lại có phải là sự tác động thanh âm róc rách, đánh thức không gian chừng như vắng vẻ, vừa kịp lắng nghe, vừa tỉ mỉ quan sát trong hình dung nào đó:
            “ Róc rách chảy qua truông
               Chiều chia sông hai nhánh
                Dòng trôi vào canh cánh
               Dòng trôi vào triều dâng...”

           Cảnh được phát họa trong liên tưởng, đánh thức tư duy của hai mặt đối lập không còn là dòng sông chia hai nhánh của tự nhiên nữa, dòng sông đời người từ cội nguồn dâu bể đang bị cuốn xoáy tách ra. Cái ngoại cảnh miên man chiều thật trớ trêu, cái ngoại cảnh có thể là khách quan đi chăng nữa, có chăng là một tâm hồn bị dao động bởi tiếng róc rách kia như nhịp thời gian kim đồng hồ tí tách vậy, cùng hướng về thực tại của hai ngã rẽ kia: “Dòng trôi vào canh cánh/ Dòng trôi vào triều dâng”. Mút tầm dòng trôi là quy tụ cái kết chỉ trả lời một nửa canh cánh hướng về. Nơi đây, triều vẫn dâng, biển dậy sóng đầy vơi không thể nào tĩnh lặng cũng là tự nhiên đất trời, con người nương vào nhau tồn tại.

        Sự đánh dấu thứ tự ba bài thơ trên trang facebook của Nguyentiet ngỡ độc lập, nhưng vẫn liên kết theo một chủ đề: bắt gặp ngoại cảnh chi phối, con người không thể không sẻ chia./.

                                           06.04.2022 / Nguyễn Thị Phụng

       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét