Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

KHI NHÀ THƠ ĐI CHƠI

 KHI NHÀ THƠ ĐI CHƠI
        Đọc “ Chuyện bây giờ mới kể ” của Hồ Tĩnh Tâm cứ làm cho tôi giật mình! Lạ chưa, nhà văn suốt đời ngồi bên phụ nữ, thích chở phụ nữ. Mà sao khi về đến nhà sờ vào túi tiền và điện thoại di động không cánh cũng bay. Còn cảnh báo trên đoạn đường ấy lắm phụ nữ xin quá giang. Ôi thôi có phải cuộc sống nhiều mưu đủ kế, hay nhà văn muốn giới thiệu khoảng tiền thưởng bự mà chưa thơm thảo với anh em bạn bè, hay nhà văn đánh rơi ở đâu đó lại nghĩ… thì tội cho chị em xưa nay được tiếng nết na hiền lành lại chuyên“ móc”. Làm tôi áy náy không biết thời sinh viên thường quá giang hai lượt từ Tuy Phước xuống Quy Nhơn và ngược lại để lấy cho xong cái bằng đại. Thật tình cảm ơn những người bạn đường tham gia giao thông đã giúp tôi phương tiện đi lại, chứ không thì sớm chiều ngược con gió trên chiếc xe đạp gần ba mươi kí lô mét đi về. Và nếu như trong những người ấy, ai là nhà văn để viết “ Chuyện bây giờ mới kể” tôi mong có một nội dung dễ thương đầy kỉ niệm. Khi tình chưa dám “móc”!
        Quả thật tôi cũng đâu nghĩ tới chuyện anh từ bi, hay cái tính “móc” tình với người ta chưa, hay bốn chín phải trả nợ năm mươi, hay khi cái túi tiền của nhà văn tài hoa lọt ra ngoài đã được ném cho những người cùng băng nhóm với nhau đứng chờ trên lề đường chờ chia chát!...
         Đó là chuyện trên trang viết, còn ở ngoài đời như nhà thơ Lê Bá Duy, một tay cầm cái li thủy tinh nhỏ, một tay cầm cái thìa khoáy đều cà phê, cười hì hì:" Kể chị nghe vui thôi,chị mà viết lung tung rồi đưa lên mạng là em nghỉ chơi với chị luôn đấy!"...Nghĩa là còn một tuần nữa mới hết lịch ở trại sáng tác, nhưng Lê Bá Duy và Đặng Quốc Khánh phải về sớm từ chiều hôm qua, để sáng thứ hai lên lớp theo kế hoạch của sở giáo dục Bình Định trước khai giảng năm học mới hai tuần. Lúc ra khỏi trại sáng tác ở Đà Lạt, Duy đi xe ôm ra chợ với giá thỏa thuận hai chục ngàn đồng. Anh xe thồ bảo chút chở về lấy tiền luôn, đứng bên ngoài chờ và cho số điện thoại tin cậy. Nhà thơ chọn mua quà cho vợ cho con xong, xem bộ ưng ý lắm, chuông reo mời đi uống cà phê gần đó. Duy đưa mắt tìm xe ôm và đưa tờ hai trăm ngàn. Người xe ôm ngọt ngào: anh hai cho tiền lẻ đi, mới sớm mai em chưa chạy chuyến nào mà. Cầm tờ hai trăm Duy đưa đến quầy thuốc bên cạnh, rồi lại sang những quầy tiếp theo, tiếp theo…Trước cảnh sinh hoạt của thành phố hoa thơ mộng, mặc dù đến đây đã nhiều lần, nhà thơ bị cuốn hút vào dòng người, lúc quay lại thì tiền và bóng anh xe ôm kia đã lên đỉnh dốc rồi. Lê Bá Duy mở máy gọi số điện thoại tin cậy chỉ nhận phản hồi là tiếng tút ngắn như máy đang bận... Lúc đó cũng không nghĩ ra tự mình đi đổi tiền, hay mua gói thuốc thì có tiền lẻ đưa cho hắn. Tôi cũng chỉ nói biết đâu đen bạc đỏ tình. Hay lúc ấy đưa mắt theo cô yếm đỏ nào, hay đang lo cái nhà xây chưa xong, hay bất chợt tứ thơ “ Khoảng mỏng” đến mà Lê Bá Duy đọc tôi nghe: Đó là khoảng mỏng thời gian/ Vương trên môi má võ vàng tháng năm/ Đó là khoảng mỏng ánh rằm /Yêu thương trót đã ngàn năm thẫn thờ / Đó là khoảng mỏng câu thơ / Mong manh / mỏng / đến bất ngờ / mong manh.  Tôi hỏi sau sao nữa? Duy cười cuời: thì em đi uống cà phê với bạn, rồi sáng hôm qua cùng anh Khánh lên xe đò đi về nè! Tôi pha thêm câu chuyện cho vui: biết đâu anh xe ôm đến ngân hàng đổi tiền lẻ, rồi quay lại chẳng thấy Duy thì sao!... Nhà thơ Quốc Khánh nóng nảy: Làm gì có chuyện đó! Cười.
http://farm3.anhso.net/upload/20110404/10/o/anhso-103859_DSC06292.jpg
        He…
        Tôi thì náo nức hai mươi ngày ở Sài Gòn lên Đà Lạt, xuống Bảo Lộc về đến ngã tư Cầu Gành chờ xe buýt. Chiếc taxi rà sát, hạ cửa kính nói vọng ra: Cô ơi, có về Quy Nhơn con chở lấy mười lăm ngàn thôi (nếu đúng giá gọi phải mất một trăm năm mươi ngàn cho mười lăm cây số). Tôi vui vẻ: cảm ơn cháu nhiều lắm, cô đi gần chỉ khoảng bốn, năm cây số. Thế thì cô đừng ngại cháu không lấy tiền! Tài xế xuống xe trong bộ đồng phục quy định, tóc cắt ngắn, màu da hơi sậm nhưng ánh mắt sáng tin tưởng của một thanh niên ở độ tuổi hai tám, ba mươi (như con trai tôi vậy) đưa tay mở cảnh cửa phía sau:
      - Mời cô lên xe ạ!
      Chưa hết ngỡ ngàng, tôi chỉ về phía bên trái xe đang chạy và giới thiệu đây là trường THCS Phước Lộc, nơi cô đang công tác. Còn cháu lúc nhỏ học ở đâu?
      - Dạ, học ở Quy Nhơn, con rất thích thơ văn lắm!...
      Ngồi một mình ở ghế sau thoải mái vô cùng, tôi quên chặng đường ổ gà, bãi nước trâu nằm gần đèo Xông Pha, cái nóng rát da ở Phan Rang, mà trong cảm xúc dạt dào  lúc này là cảnh biển với màu nước trong xanh bên đèo Cả, là rừng dừa mát rượi ở Sông Cầu và cùng người lái taxi thân thiện. Tôi mở xách tay chỉ còn mười hai ngàn đồng để sẵn vào túi, cảm ơn hay đưa tiền đây. Đưa tiền thì sòng phẳng quá, còn cảm ơn thì… sau đó nghĩ ra còn một tập thơ:
      - Nghe cháu thích thơ văn, cô tặng một tập làm kỉ niệm.
      - Dạ, con cảm ơn cô nhiều.
      - Cháu tên gì để cô ghi luôn vào chứ!
      - Dạ, con tên Chí ạ!
      Chí, Chí trong ý chí, quyết chí, thiện chí. Về đến nhà kể lại chuyện, mới nhớ là chưa hỏi ở hãng xe taxi nào, số điện thoại… Nhưng giờ này với tôi, người lái taxi ở Quy Nhơn Bình Định cứ đẹp mãi, nhân lên trong từng câu chuyện kể. Riêng tôi đã đem đến cho người thân, bạn bè niềm vui nào chưa lại luôn gặp sự giúp đỡ, hạnh phúc trong đời. Cũng không thể nín cười được hôm đi chơi cùng Hương Thu, Từ Đoan (Rêu) và Viết Dũng trong chuyến dã ngoại bằng xe hai bánh đến hồ Thuận Ninh. Người gánh cây đàn cho nhà thơ Trần Viết Dũng là tôi. Nào dám chê “tam nương” nhưng lúc cầm đàn anh lại bảo: Không có ca sĩ! Có ức không đấy. Chúng tôi hay hát, nào hát có hay, chỉ phụ họa theo và thưởng thức giọng nam trầm trong nhà thơ là chính. Với anh, không chỉ bài “ Vua và Em” trong tập thơ “Lãng đãng giữa đời” đã làm nên một Trần Viết Dũng ở đất vua áo vải cờ đào của huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định. Nói như cụ Nguyễn Du thì tinh anh phát tiết ra ngoài, trên từng chặng đường dài mưa vẫn mưa bay, nhưng có lẽ khi tất cả ngồi xếp bằng lại trong nhà rông ở làng Bana trời mới đổ mưa thật. Tình khúc mưa được bắt nhịp bắc cầu: Mưa…nhớ Diễm xưa của Trịnh Công Sơn. Hay nhà thơ gởi hết vào đó để nhớ “Diễm” của riêng mình! Sao chưa có nhạc sĩ nữ đặt tựa đề cho bài hát một cái tên cụ thể rất đàn ông cho tôi gởi hồn vào?! Rồi nhà thơ bảo đêm hôm thao thức mà đâu có nhớ ai, lạ thật! Tôi nào biết chia sẻ những gì…có lẽ tuổi đời hơn nửa thế kỉ rồi anh ơi!...
        Từ lúc mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…đến mưa rừng ơi mưa rừng, hạt mưa nhớ ai mưa triền miên vậy! Rồi như hồi tưởng đưa em về dưới mưa… Còn quên ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi… vì hôm nay là giữa xuân cơ mà! Tiếng hát anh theo chân tôi ra ngoài vói bẻ cành hoa giấy màu đỏ thắm trong mưa đem vào. Anh buông lỏng bàn tay trái bấm phím trên thanh cây guita, đón cành hoa đầy gai:
       - Cảm ơn em. Nhưng đây đâu phải là hoa.
       - Anh nhầm rồi. Ba sắc đỏ bên ngoài chính là giấy màu đỏ ôm bọc ba cái hoa nhỏ bé xíu cánh vàng bên trong đây nè!
       Đồng ý với cách thuyết minh của tôi, đôi mắt nheo cười, cắm cành hoa vào phên cửa bên cạnh. Rêu khởi xướng bát nhạc bolero từ: Con đường xưa em đi cho đến khi Trăng tàn lên hè phố nhớ nhung gặp gỡ đan xen mình ba đứa hôm nay gặp nhau nâng li cà phê ngát mùi hương ngọt ngào… để mỗi năm thu sang về đây ba đứa nghe mưa chiều rơi!... Bỗng Rêu giật mình: điện thoại em đâu rồi?!...Thì ra lúc dùng cơm nghỉ trưa để quên ở đầu giường. Hai mẹ con cô chủ nhà gọi đến ba cuộc nhưng chú Dũng không cầm máy, đó là lúc ngồi bên tôi bị nghe chê mặc cái áo xấu quá mà chụp hình. Anh được thể:
       - Đừng nói bậy. Chiếc áo này mặc lúc đọc thơ trong đêm Nguyên tiêu mà xấu?!...
        Tôi ôm cái bụng không thể nín cười được khi nghĩ đến truyện cười dân gian: Lợn cưới áo mới. Chắc nhà thơ biết thừa thông tin trong câu trả lời của mình mới đưa tay che “cục quê” trên mặt . Nhưng làm sao lọt ra ngoài ống kính của nhiếp ảnh Rêu.
http://farm3.anhso.net/upload/20110404/10/o/anhso-102526_DSC06248.jpg
Chê cái áo nhà thơ TVD xấu quá...
http://farm3.anhso.net/upload/20110404/10/o/anhso-102652_DSC06249.jpg
...He, không kịp nữa, vào tầm ống kính của Rêu
http://farm3.anhso.net/upload/20110404/10/o/anhso-103225_DSC06221.jpg
mượn cái mũ của Thu hứng tiếng đàn sẻ chia hay xin bạc lẻ...
http://farm3.anhso.net/upload/20110404/10/o/anhso-101956_DSC06270.jpg
Cả hai chú cháu thích thú...
http://farm3.anhso.net/upload/20110404/10/o/anhso-101839_DSC06267.jpg
  Rêu vàThu đứng về phía Phụng...
       Chưa đâu, đến lúc ra về, Hương Thu bảo Phụng đi cùng xe với chú Dũng! Tôi được dịp trả thù tiếp: Xem ra nhà thơ Trần Viết Dũng cũng bị…ế! Không ai thèm ngồi chung nữa rồi. Đưa bàn tay vỗ nhẹ lên ngực thi sĩ dõng dạt tuyên bố giữ sân làng: Đừng nói bậy! Đắc lắm đó! Cả nước yêu chứ không ít đâu!... Ối trời đất ơi, giá có bà xã của anh lúc này nghe được thì phấn khởi tự hào biết mấy!
       Khi nhà thơ đi chơi còn phải nói thêm một chi tiết không thể thiếu. Lúc bảy giờ sáng Rêu gọi, tôi còn đang ngái ngủ. Vội vội vàng vàng vẫn uống đủ liều thuốc trước khi đi chơi và đem theo dự phòng nữa. Sau hai tiếng đồng hồ tôi mới có mặt tại nhà Hương Thu, anh trách nhẹ sao lâu thế rồi vuốt mái tóc:
       -  Em ngắm kĩ Trần Viết Dũng với Phạm Văn Phương ai trẻ hơn?
       Biết anh tuổi ngọ còn nhà thơ PVP nhỏ hơn hai tuổi là bạn học cùng lớp với tôi. Thương anh đã chờ gần cả buổi, tôi nghiêng qua ngửa lại: Dĩ nhiên là anh rồi! Ưng ý với tôi lắm: Anh cũng thấy vậy! Tôi yêu nhà thơ với những cảm xúc quá bất ngờ này. Hình như không riêng gì Trần Viết Dũng, khi nhà thơ đi chơi, tâm hồn luôn tươi trẻ, yêu đời, nếu không nói chỉ ở độ tuổi lên năm, lên bảy mà thôi.
http://farm3.anhso.net/upload/20110404/10/o/anhso-104016_DSC06302.jpg
Nhóm bạn từ phổ thông: Phụng, Phương, Nhạn, Ninh
http://farm3.anhso.net/upload/20110404/10/o/anhso-102236_DSC06234.jpg
       Cây đàn nhà thơ trên vai tôi trầm bỗng ngân nga giữa hồ nước mênh mông thơ mộng, bạc ngàn cây xanh trên từng chặng đường dài quê hương yêu dấu này.
                                        26.3.2011 / Nguyễn Thị Phụng.        
  
       


                            
    Thơ của THU HỒNG và HỒ TĨNH TÂM

TỰ TÌNH SÔNG của THU HỒNG
Thuở bé sông Kôn là mẹ
Nước sông – dòng sữa ngọt ngào.
Tha thẩn hái hoa đuổi bướm
Mơ theo cánh diều bay cao.
Giặc giã xuôi người viễn xứ.
Ta ngược về dòng sông Ba.
Sắn khoai dưa cà hai buổi
Thiếu nữ yêu đời hát ca!
Năm tháng trau dồi nghề nghiệp
Sông Cái mát dịu làn da.
Mỗi đêm sóng trăng dát bạc.
Tình yêu thêu gấm dệt hoa.
Ra thế! mộng mơ huyễn hoặc.
Sông Cái ru khúc hợp – tan.
Hoàng hôn tóc dài xõa bóng.
Ta về êm ái mùa vàng!
Ta về vui cùng lớp trẻ.
Xoắn tay sự nghiệp trồng người.
Nhớ mãi ngôi trường Sư phạm
Nha Trang thầy - bạn mình ơi!
Sáng nay sông Kôn nhớ mẹ
Khỏa tay ôm nước vào lòng.
Thuyền câu dập dìu lướt sóng
Nhịp chèo vui cá đầy khoan.
Chiều nghe dòng sông Ba Hạ
Kể chuyện cổ tích bây giờ
Dân mình cơm no ơn Đảng.
Cuộc đời đẹp tựa bài thơ!
Dòng sông xuôi về biển cả
Ta nguyện làm hạt phù sa.
Đêm về tim tha thiết gọi:
Phú Yên!
Bình Định!
Khánh Hòa!
2/2011 ./.THU HỒNG
RÉT THÁNG BA RÉT GỌI NÀNG BÂN của HỒ TĨNH TÂM
Tháng ba thơm mùa xoài hay thơm mùa tóc em? Thơm làm vậy!
Rét nàng Bân về ngòn ngọt hay ngòn ngọt môi em. Ngọt từ dạo ấy.
Câu ca dao nghiêng tím chiều. Em nghiêng tím hồn anh.
Con cu ngói bay về cánh ướt đẫm trời xanh,
Anh ướt đẫm lời em hương cỏ đồng bổi hổi.
Tháng ba tí tách bếp than hồng. Đêm từng đêm gió thổi.
Lời võng đòng đưa chao điệu lý lu là,
Anh hái sao trời kết nên vòng nguyệt quế tháng ba.
Em còn nhớ con đường ta đi hung đỏ màu cỏ may ngút mắt?
Lối về núi Huỳnh Mai giã biệt chiều se sắt.
Giêng hai qua rồi. Rét nàng Bân rét gọi tháng ba xanh.
Gởi lại cho em duyên nợ chưa thành,
Anh ôm chặt vòng tay tháng ba. Gọi tên em đi mãi.
Dzu
XÔN XAO HOA LÁ MÙA TRĂNG
        Sau tháng ngày chờ đợi, sắc vàng ấm áp hương xuân trở về tràn ngập đất trời, lòng người. Xuân phơi phới trên từng cành hoa óng mượt, trong chùm quả ngọt thơm lừng. Tất cả lung linh đẹp lạ.
        Bên đồi thi nhân với những cảm giác khó tả hơn ngày thường. Nguyên tiêu kia mà. Dưới kia, con sóng rì rầm từ chân núi theo gió vang lên hòa nhịp con tim rộn ràng, nâng bước chân thi nhân đến với thi nhân, đến với thơ ca nhạc họa. Không khí đón xuân đón thơ giữa mùa hội xao xuyến khôn cùng.
        Nói với nhau bằng thơ chứa chan ánh mắt tin yêu, trong nụ duyên đằm thắm lắng sâu, trong cảm xúc dịu dàng hương gió mặn mà biển khơi ngàn năm bao giờ biết mỏi, và sao quên trong nắng chiều vời vợi nhớ nhau giây phút ban đầu. Nơi xa kia anh nằm đó lặng lẽ bình yên hay cùng em thổn thức vỗ về. Em hòa cùng dòng người theo nhịp thời gian bóng vàng tan ra chầm chậm, gió mơ màng bên em bên anh, mạch thơ xuân thấm đẫm lá cỏ trầm mặc gánh nặng dấu chân người rộn ràng đây đó, ngấm vào từng cánh hoa nâng niu trân trọng được đặt bên anh, quanh đồi. Anh mỉm cười rồi đấy!
       Tiếng thơ hòa tiếng nhạc ngân vang, mùa Nguyên tiêu Tân Mão đãi thơ trên đồi thi nhân không bát đĩa chén tô, không xoang nồi bàn ghế, đã dọn ra mâm cỗ thịnh soạn như chưa bao giờ có trên đất thi nhân này. Đã là tiệc thơ nên thật công bằng trọn vẹn, người đăng kí thơ mình yêu thích cùng nhau sẻ chia và thưởng thức như thế kia. Em đứng đây, mắt vô tư trên bức chân dung thiếu nữ dịu hiền, trên câu thơ  thư pháp nhắc nhở gương soi, nghe gió reo sóng vỗ nghe cả câu thơ anh gởi lại nào đâu tiếc nuối muộn phiền! Em đưa tay bốc câu Kiều. Đây là lần đầu tiên bói Kiều chưa có cảm giác gì ngoài tham gia giao lưu cho vui với bạn. Em hòa vào tiệc thơ với người yêu thơ cùng nhau thưởng thức Kiều đầu năm. Đâu phải đặt mình vào tâm lí của người nông dân trong khi vừa bói Kiều vừa lâm râm khấn: “ Lạy vua Từ Hải, lạy vải Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều” và tin nhân vật trong Truyện Kiều của Đại Thi hào Nguyễn Du là thật. Dải lụa hồng rộng chừng một phân nhỏ nhắn buột bên ngoài, còn câu Kiều được cuộn tròn trong tờ giấy cũng màu hồng nền hoa hình chữ nhật thơm mùi nước hoa kín đáo. Em đâu cần dùng kính  mắt lướt qua bốn câu Kiều hiện ra sáng cả vùng trời trong em. Em lộng lẫy thế ư,  hoàn hảo trong em là người phụ nữ như thế ư, đố ai có nét bút nào miêu tả như Nguyễn Du không! Hạnh phúc đến với em không đột ngột ồn ào, không phô diễn bày biện thu hút cái nhìn từ mọi phía về mình. Thật tình em đến với thơ, đến với anh như đất trời có nhau muôn thuở. Mùa Nguyên tiêu giữa đồi thơ mộng em rực rỡ lạ thường. Giá có anh bên cạnh, anh ơi!... Em chưa khấn nên đâu gặp vua Từ Hải, đâu gặp vãi Giác Duyên, nhưng điều gì khiến em gặp được duyên Thúy Kiều vậy anh! Cuộc hội ngộ Kiều vô tư trong Câu lạc bộ Trường Thi hấp dẫn quá. Em ngã vào người mặc đồng phục chiếc áo dài màu tím mong tìm lời giải thích thêm cho phong phú buổi tiệc thơ. Nhưng không, mỗi người tự ngẫm quẻ bói của mình. Em nói ở nước ngoài chưa học Kiều bao giờ, bàn tay áo tím vui cười lại tặng cho em tờ rơi còn bảo khi nào lên máy bay đọc cho đỡ buồn! Màu áo tím giới thiệu CLB Trường thi của trường THPT Quy Nhơn được thành lập từ tháng 12. 2006 với mục đích là tập hợp và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ và thơ ca góp phần làm cho đời sống tinh thần trong nhà trường thêm phong phú. Qua đó, giúp tuổi trẻ học đường biết thưởng thức và yêu thơ nhạc hơn… Em còn được biết thêm một số bài thơ trong CLB Trường thi như Hạt nắng của Dưong Minh, Chiều lữ thứ của Miên Linh, Tâm sự của Ngọc Mến, Trải lòng của Vũ Thanh Thảo, Cuối hạ của Phan Minh Tuấn, nhưng với Trăng thề của Đặng Kiều Oanh loáng thoáng mênh mang kể từ lúc: “ Đêm qua em chở thuyền trăng/ Nhìn em anh hỏi mần răng chở về?/ Thương em có mái tóc thề/ Bờ vai tóc phủ, má kề bờ vai” Rồi cả quyết: “ Dậm chân em nói một… hai…/ Là em phải chở trăng hoài theo em/ Chao ơi! Nói rứa mà thương/ Làm răng mà chở sông Hương về nhà?” Nhưng cái áp thấp nhiệt đới kia làm chao đảo: “ Thuyền lay, sóng gợn, trăng lòa/ Sao rua ngã bóng trăng hòa sương khê/ Thôi thôi em phải trở về/ Đành lòng thưa mẹ: Trăng thề đã tan”. Nhưng hôm nay là Nguyên tiêu, với em trăng đẹp lắm, tròn lắm, trên dốc Mộng Cầm em ôm cả một bầu thơ. Em ngước lên trời xanh màu trăng vàng nở thắm, tròn nồng nụ hôn ùa vào em ấm áp sắc huơng xuân trong một sáng mùng năm anh có nhớ! Phải chăng anh là Thúc Sinh đang chiêm ngưỡng trọn vẹn chân dung Kiều trong quẻ số 328 này không:
                “Buồng the phải buổi thong dong
                 Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa
                 Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
                 Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”.
        Và giờ đây chợt nhận ra đâu chỉ có mùa nguyên tiêu xuân xao xuyến đất trời. Em nhớ lại hai câu thơ liền trước quẻ số này: “ Dưới trăng quyên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”.
                                               12.3.2011/ Nguyễn Thị Phụng.
http://farm3.anhso.net/upload/20110404/10/o/anhso-104408_DSC05238.jpg

http://farm3.anhso.net/upload/20110404/10/o/anhso-104647_DSC05295.jpg
Nhàthơ TVD bói Kiều- nhưng báo gặp tai họa, hu...
http://farm3.anhso.net/upload/20110404/10/o/anhso-104530_DSC05289.jpg
Phụng đọc bốn câu Kiều của mình
http://farm3.anhso.net/upload/20110404/10/o/anhso-104135_DSC05299.jpg
và vui với áo tím
http://farm3.anhso.net/upload/20110404/10/o/anhso-104804_DSC05298.jpg
Kỉ niệm khó quên

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét