Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

HỌC MỘT SÀNG KHÔN

HỌC MỘT SÀNG KHÔN(Đọc Những cuộc phiêu lưu của Ong Mai, NXB Hải Phòng- 2010
                    của Hoàng Trọng Thắng- Lâm An)      

        Tôi rất quý những người đến với văn chương là cái nghề, cái nghiệp riêng cho mình. Lại dành những trang viết cho thiếu nhi. Phải chăng họ đặt những ước mơ khát vọng về thế hệ trẻ tương lai của đất nước. Từ những năm trước của thế kỉ XX và cho đến thập niên của thế kỉ XXI này thì số lượng nhà văn viết cho thiếu nhi như Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Ma Văn Kháng, Định Hải, Trần Hoài Dương, Phan Thị Thanh Nhàn,… thì … “số lượng thì dù có khá như của anh Nguyễn Nhật Ánh thì cũng như “muối bỏ biển” so với số lượng trên 15 triệu học sinh cả nước (Nhà văn LÊ PHƯƠNG LIÊN (Trưởng ban Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam)”. Có lẽ tuổi thơ ngày xưa của các nhà văn nhà thơ chúng ta khác với tuổi thơ ngày nay của các em quá. Chính vì vậy “đề tài”dành cho lứa tuổi thiếu niên chưa kích thích trí tò mò của các em lắm. Bên cạnh những tác phẩm viết về đời sống tâm hồn của tuổi mới lớn thường ngày, ta còn rất nhiều truyện cổ tích, ngụ ngôn về các loài vật đến truyện đồng thoại như Dế Mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài rất hấp dẫn lứa tuổi thiếu nhi. Mà hầu hết tác giả viết cho Thiếu nhi là người lớn tuổi. Có thể kể đến“ Những cuộc phiêu lưu của Ong Mai”( Nhà xuất bản Hải Phòng, 2010) của Hoàng Trọng Thắng- Lâm An là tập truyện ngắn giáo dục đạo đức dành cho thiếu nhi phù hợp với tâm lí lứa tuổi các em.
alt
          Những cuộc phiêu lưu của Ong Mai được viết theo trình tự thời gian kể từ khi cô bé Ong Mai rời tổ ấm, nó hớn ha hớn hở reo vui: “Tôi bay, bay được rồi! Ôi, tôi đang bay. Thật là thích!”. Thế giới tự nhiên bên ngoài vô cùng hấp dẫn thu hút sự đam mê quên cả lời nhắc nhở của cô Ong Mật: “…Nhưng em bay chậm thôi, nếu không tôi bị tụt lại dằng sau mât, vả lại bay như thế này em không thể quan sát được những vùng em đã đi qua, nó rất cần cho em khi tìm đường về đấy!” Và đúng như lời Ong Mật, Ong Mai mãi miết trên đường bay của mình, đầu tiên gặp Bọ Rầy, dòng họ cánh cam tốt bụng, gặp Ong Đất Giang thân hình có màu xanh như kim loại, gặp Chuồn Chuồn Voi dòng họ cánh gân, gặp Bọ Hung Cúc đang buồn vì xa bạn, gặp Châu Chấu loài vật thích hoạt động, gặp Được Ruồi Phúc nghe kể về cuộc phiêu lưu khám phá của con người: “ Cậu có muốn biết về lòng kiên nhẫn của con người không?... Nhưng với tôi, một trái tim cao thượng có cần đâu một sự khen thưởng”. Rồi cho đến khi Ong Mai vào nhà người bị sa lưới Nhện: “…Nó gào , nó vo ve ầm ĩ, nó kêu cứu, không biết là kêu ai. Càng vùng vẫy càng xoắn vào trong lưới…Nó trông thấy gần đó, dưới cái lá to, chính là một con nhện. Một nỗi kinh hãi khó tả khi thấy con quái vật nép mình nghiêm chỉnh, với vẻ bất động đầy đe dọa. Nhện nhìn Mai chằm chằm bằng đôi mắt long lanh, dữ tợn, với thái độ kiên nhẫn, tinh ranh, đọc ác đến lạnh lùng” và khi đến lúc cái chết gần kề, được Bọ Hung cứu giải thoát và lòng biết ơn sâu sắc: “ Tôi không bao giờ quên cậu. Suốt đời tôi không bao giờ quên” Còn Nhện uất ức rên rỉ mãi về sự bất công ở đời khi bị Bọ Hung tuyên bố thẳng thắn: “Nếu mụ còn một lời xúc phạm, tôi sẽ xé tan cái lưới của mụ”. Tiếp tục hành trình cuộc phiêu lưu, Ong Mai gặp Bọ Xít lại có tính thích sống một mình, còn Bướm Phổ Lí lại có đôi cánh đẹp nhờ sự hóa thân từ một loài sâu bọ, câu chuyện thật thú vị giữa Ong Mai và Bướm Phổ Lí:
        “- Cậu bay lên xem nào!
           – Mình phải bay ư?
           

           - Ồ, không! Tớ chỉ muốn xem đôi cánh mỏng và trắng của cậu bay lượn trên bầu trời xanh. Nếu sau này tớ muốn gặp cậu thì biết tìm ở đâu?
           – Tớ không có nơi ở cố định. Chỉ từ khi tớ thành bướm thì cuộc đời tớ mới thực sự tốt đẹp. Ngày xưa khi tớ còn là một con sâu, con người không hề thích sự có mặt của tớ vì họ sợ tớ ăn mất bắp cải của họ.
           - Cậu vừa nói gì vậy? Mai ngạc nhiên.
           - Trước đây tớ từng là một con sâu. Phổ Lí trả lời…. khi nó còn là một con sâu, rồi một ngày nó tự dệt cái bao màu nâu bao kín mình, người ta gọi đó là cái kén. Vài tuần sau đó tớ thức dậy sau giấc ngủ dài. Tớ đục cái bao chui ra. Không thể nào tả nổi cảm giác vui sướng của tớ sau một thời gian dài bỗng thấy lại ánh nắng mặt trời, tớ như ngất đi. Trong đời chưa bao giờ tim tớ đập mạnh như thế
”.

         Cứ thế từng ngày, từng ngày Ong Mai còn gặp cả bác mọt Đỗ Linh, chim Gõ Kiến, gặp bác nhện Hạ Nhỉ Ban mất một chân nguyên nhân do tìm đám muỗi mà xảy ra tai nạn: “… Tôi tiến lại gần cái đèn, rồi nấp kĩ sau cái chai, mọi việc rất thuận lợi. Nhưng tôi vừa ló ra khỏi mặt kính thì ông ta ngước mắt nhìn lên và tóm lấy tôi. Vừa cầm một chân của tôi giơ lên, ông ta vừa ngoác miệng cười như thích thú cái trò này lắm… Cháu nghĩ xem hoàn cảnh tôi lúc này rất nguy khốn. Ai thích thú gì khi bị treo ngược trước cặp mắt to gấp gần hai mươi lần mình. Mỗi cái răng trắng toát lấp lánh trong miệng ông ta cũng to đấp đôi thân tôi. Nhưng mà, ơn trời! Chân tôi bị đứt ra. Ai biết được điều gì sẽ xảy ra nếu cái chân tôi còn dính vào người. Vừa rơi xuống tôi liền chạy thục mạng bằng những cái chân còn lại. Khi đã an toàn nấp sau cái chai, tôi quyền rủa ông ta bằng những lời khủng khiếp nhất. Tôi thấy ông ta đặt cái chân tôi trên một tờ giấy trắng và chăm chú nhìn nó đang ngọ nguậy. Nhưng cái chân tôi không chạy được vì không có tôi”.
         Thú vị nhất là trong cách kể khi Ong Mai gặp Muỗi, Muỗi phân trần: “… dĩ nhiên tôi có thể đốt xuyên qua lớp vỏ nhưng thường là không tới da. Bạn dốt quá mức. Bạn tưởng con người tốt ư? Chưa bao giờ tôi thấy người nào tự nguyện cho tôi một giọt máu nhỏ
         Trong cách kể chuyện của tác giả, Ong Mai vẫn là loài vật hiền từ nên luôn được gặp những người bạn tốt, thế giới quanh nó có ông mặt trời rực rỡ ấm áp là ban ngày, có cô mặt trăng dịu hiền mát mẻ là ban đêm. Ong Mai cảm nhận thế giới xung quanh bằng tiếng hát du dương của những chú dế ngợi ca đêm mùa hè đẹp đẽ, nó lại thích phong cảnh hơn gấp nhiều lần khi gặp nhà thơ Bọ Rùa Lỗ Y bảy chấm khi nghe bạn tâm sự: “Tôi sống bằng mặt trời, bằng sự bình yên của ban ngày và bằng tình yêu của con người” và đọc thơ miêu tả Ngón tay của con người: “…Một bên cử động dễ dàng/ Một bên tóm chặt họ hàng nhà tôi”.
         Ong Mai mãi mê về thế giới xung quanh, không ngờ “ Ôi, ngày hôm đó bắt đầu rất vui nhưng kết thúc thì thật là khủng khiếp!” Nó sa vào pháo đài của bọn ăn cướp Ong Bầu, nó nhìn rõ những bức tường màu nâu trong màu lá xanh và cảm thấy như tim ngừng đập, rồi bị tóm mạnh ở gáy, đau tưởng như gãy cổ. Ong Mai nhận ra chúng chính là kẻ thù của mình, nó tìm cách thoát thân và quay trở về tổ mình. Nơi đã bao ngày xa cách. Nó đã trở thành bạn của Ong Chúa khi sau trận đánh xảy ra giữa Ong Mật và Ong Bầu.
        Đọc Những cuộc phiêu lưu của Ong Mai , chúng ta không chỉ khám phá sinh hoạt thế giới loài ong vô cùng phong phú, thần đoàn kết mạnh mẽ, biết bảo vệ yêu thương đồng loại sẽ làm nên chiến thắng, và không bao giờ quên nguồn cội của mình, cho dù ở phương trời xa ngái nào kia. Tác giả còn cho ta biết thêm về thế giới côn trùng mỗi loài có những đặc điểm riêng thật thú vị biết chừng nào. Cách kể chuyện hấp dẫn, gợi trí tò mò phù hợp với tuổi thơ. Không một khuyên nhắc nhở, bản thân Ong Mai tự rút ra những cảm xúc yêu thương, nhận biết đâu là bạn tốt gần gũi sẻ chia, đâu là kẻ thù cần cảnh giác đề phòng. Quả thật có đi một ngày đàng mới học được một sàng khôn. Nhưng nếu nói như thế không phải là các em muốn tự do làm gì cũng được, tùy tiện trong sinh hoạt của mình, hãy biết lắng nghe lời khuyên dạy của người lớn, biết sống chan hòa yêu thương giúp đỡ, nhường nhịn nhau trong cuộc sống thường ngày. Ta hãy nghe Lời giới thiệu của tác giả ở trang đầu tập truyện: “…Trên bước đường khám phá đầy kì thú của mình, Ong Mai cũng phải trải qua rất nhiều nguy hiểm, có lúc tưởng như đối đầu với cái chết. Nhưng rồi tất cả cũng qua đi, Ong Mai được bình yên trở về với quê hương trong sự thương yêu quý trọng của mọi người. Để đạt được điều đó, Ong Mai đã rất khôn khéo trong đối nhân xử thế, đã rèn luyện và đấu tranh rất dũng cảm. Ong Mai thực sự đã trưởng thành trên chính đôi chân của mình. Hi vọng rằng tập truyện mang lại cho các em nhiều bất ngờ thú vị, bổ sung được nhiều kiến thứ cần thiết cho quá trình học tập và rèn luyện nhân cách sống”. Nhưng Hoàng Trọng Thắng đâu phải nhà văn, anh là cán bộ tập kết ra Bắc,  là kĩ sư điện hóa, anh từng là giám đốc nhà máy Ắc-quy Tia Sáng ở Hải Phòng nhiều năm giữ lá cờ đầu trong nền công nghiệp nặng của thành phố cảng, đã xuất bản: Hương quê hương( thơ),Muối của đời(thơ), Bam Bi trong rừng(truyện dịch), Những cuộc phiêu lưu của Ong Mai( truyện đồng tác giả). Và chính trái tim yêu thương chân tình, quan tâm với con em của mình đã đưa anh đến với văn học viết về thiếu nhi thành công như vậy.  
                                                       11.01.2012/ Nguyễn Thị Phụng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét