Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

MƯA NẮNG TRƯỜNG SƠN- trích Hương thảo thất, Nguyễn Thị Phụng

MƯA NẮNG TRƯỜNG SƠN


Trường Sơn là dãy hành lang nằm phía tây giáp giới hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia, chạy dài từ Bắc Trung bộ đến Nam Trung bộ Việt Nam, chịu ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới nên có hai mùa mưa nắng rõ rệt. Và nếu thời tiết có vô cùng khắc nghiệt “bên nắng đốt bên mưa quay” cả những năm tháng chiến tranh khốc liệt, thì tuyến đường Trường Sơn kể từ 19.5.1959 được thành lập mà Binh đoàn Trường Sơn có trách nhiệm thông suốt con đường ra trận cho việc vận chuyển cơ sở vật chất kĩ thuật cũng như đảm bảo cơ động lực lượng và đưa đón cán bộ vào ra cả ba chiến trường, các chiến sĩ ta đã quyết tâm vượt qua góp phần làm nên Mùa Xuân 75 thắng lợi.
Qua những khúc quân hành, thơ ca viết về Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh giàu ý chí và nghị lực của những thanh niên xung phong làm nhiệm vụ thông đường rộn ràng “chưa thấy mặt người đã nghe tiếng hát” cho đến xe các anh đã bị “bom giật bom rung kính vỡ đi rồi” vẫn ung dung buồng lái kịp giờ ra trận chỉ cần trong xe có một trái tim. Chính trái tim biết sẻ chia những mất mát vô cùng lớn lao của miền Nam yêu thương, dẫu trong mưa nguồn xối xả, trong ngùn ngụt nắng hanh, nhưng mà điều khủng khiếp nhất vẫn là bom đạn kẻ thù chém ngang phát dọc đào khoét núi rừng, còn thêm vào đó chất bột da cam trắng nhợn hủy diệt mầm sống cỏ cây hoa lá, thì huống hồ chi nói đến con người ngày đêm bám trụ trên tuyến đường Trường Sơn đã thắp lên ngọn lửa của lòng yêu thương quả cảm, của ý chí kiên định trước sức ép đầy thủ đoạn của giặc ngoại xâm, Trường Sơn chính là nhân chứng cho biết bao con người đã đến, đã qua, đã nằm lại nơi đây…

Và mộ chí các anh chị đặt trên những ngọn đồi Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị được mang tên Nghĩa trang Trường Sơn. Đứng nơi đầu nguồn bên dòng sông Bến Hải hôm nay mới cảm nhận hết bạt ngàn màu xanh núi rừng lộng gió, phía trước sân đài tưởng niệm xa kia là một hồ nước lớn bốn mùa không vơi, còn cả khu nghĩa trang được khoanh theo nhiều khu vực tên các vùng miền trên đất nước ta. Chúng tôi dừng lại lâu hơn thắp từng nén nhang để đọc kĩ họ tên các anh ở Bình Định như:
- Liệt sĩ Đinh Cứu, sinh năm 1924, chức vụ Thiếu tá, quê Cát Tài, Phù Cát, hi sinh ngày 31.1.1968.
- Liệt sĩ Trần Ngọc Xuân, sinh năm 1930, nhập ngũ 1946, chức vụ Thượng úy, quê Phước Quang, hi sinh 20.3.1973.
- Liệt sĩ Phạm Tiến Thắng, sinh năm 1921, nhập ngũ tháng 7. 1945, chức vụ Thiếu tá, quê Cát Hanh Phù Cát, hi sinh 20.3.1970.
- Liệt sĩ Nguyễn Tấn Thu, sinh năm 1927, Dân chính, quê Tam Quan, hi sinh 16.3.1969…
Cho đến những liệt sĩ không rõ họ, không rõ năm sinh, năm nhập ngũ như:
- Nguyễn Chí Hội, Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, hi sinh 23.5.1971.
- Liệt sĩ: Cháu Nhân, Dân chính, Bình Định, hi sinh 2.2.1970…
Được nằm bên đồng đội quê Phú Yên, Nha Trang, Mỏ Cày, Bến Tre, Gò Công, hay quê Quảng Ngãi, Quảng Nam, hay quê ở Vĩnh Linh, Quảng Bình, Nam Định, Hải Dương, Hà Nội,…

Hòa trong hương khói bên cạnh vẫn còn những bia mộ chỉ một màu trắng toát cũng nằm ngay ngắn nơi đây, thể như minh chứng rằng kẻ gây ra chiến tranh là mang tội ác tày trời. Dẫu biết “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi” cho một thời tuổi trẻ xông xáo bước quân hành theo tiếng gọi non sông, bảo vệ đất nước, để một mai trở về cát bụi lại không còn vẹn nguyên hình hài đến vậy!... Nhưng dẫu sao cũng là những chữ số biết nói để ghi danh và trân trọng là quý lắm rồi! Còn hàng ngàn liệt sĩ đã thầm lặng trong lòng đất mà hằng ngày được phát sóng trong Chương trình Đồng hành cùng Liệt sĩ, là nhịp cầu nối tri ân với những người đã hi sinh vì Tổ quốc nữa kia!

Chúng tôi thắp lại những nén nhang không chịu tàn trên mộ chí các anh có thể do gió bất mưa chan theo mùa Trường Sơn hùng vĩ. Thắp lại nén nhang là sự tiếp nối tri ân với người đi trước, chân dung một thời tuổi trẻ từ chị thanh niên xung phong, anh em dân chính, các chiến sĩ bộ đội chủ lực, … đã được tạc trên đá sừng sững đặt hai bên trên lối vào tượng đài tưởng niệm, như thể khắc sâu thêm hình ảnh thế hệ đi trước, là tấm gương anh hùng tiêu biểu cho vẻ đẹp truyền thống đấu tranh của dân tộc, đâu tiếc máu xương xông xáo lên đường chỉ vì một khát vọng Độc lập Tự do Thống nhất Tổ quốc Việt Nam. Với truyền thống đạo lí uống nước nhớ nguồn, thắp lại nén nhang để củng cố niềm tin là sự đánh thức nhịp đập trái tim Việt Nam độ lượng bao dung, dẫu nơi rừng sâu núi cao hay biên giới hải đảo thì con cháu hôm nay hãy trân trọng gìn giữ hình hài ông cha ta đã nằm lại trên quê hương yêu dấu này.
Tháng 7.2014


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét