Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

CHO NGÀY THÊM XANH.(Đọc tập Đêm ảo huyền, truyện ngắn của Phạm Hữu Hoàng, NXB HNV 2015)

CHO NGÀY THÊM  XANH.



(Đọc tập Đêm ảo huyền, truyện ngắn của Phạm Hữu  Hoàng, NXB HNV 2015)

                
           Giữa thực và mộng ngỡ không ranh giới, sự thật nhận thức con người đã tách bạch rào chắn vô hình, mà lắm lúc mắt thường khó phân biệt. Phải chăng đây cũng là định hướng của nhà văn Phạm Hữu Hoàng mong có sự đồng cảm sẻ chia qua tập truyện ngắn Đêm ảo huyền sau Vương Pháp (NXB Trẻ, 2009).
            Với cách chọn tựa đề Đêm ảo huyền là điểm nhấn gây cho bạn đọc đầy vơi trăn trở xoay quanh một số nhân vật về những câu chuyện, đâu chỉ có một khoảnh khắc mà còn là cả đời người với bao biến động tâm hồn, có những kết thúc đau lòng để bảo toàn khí tiết thân phận người phụ nữ là một bi kịch khó tránh khỏi trong ba truyện ngắn cùng mô típ về đề tài lịch sử thời phong kiến. Từ truyện Chuyện nàng Linh Lan lên mười bốn tuổi nằng nặc xin cha đến lò võ Lê Đường thọ giáo không ngoài mục đích “…để phòng thân khi gặp bất trắc. Sau nữa có thể giúp đời khi gặp cảnh trái ngang” nên nàng đã kiên trì khổ luyện học được hết những thế kiếm gia truyền, chẳng mấy chốc “Linh Lan trở thành người thân cận được Bùi Thị Xuân yêu mến, tin cậy”. Vậy cầm gươm theo nữ tướng là thỏa chí của nàng. Chỉ có điều không thể vung lưỡi kiếm của mình lên để sát hại Trần Quân, là người tận tình giúp đỡ Linh Lan từ buổi đầu đến lò luyện võ và tình cảm giữa họ đã nảy nở trước khi Trần Quân là công cụ thực hiện mưu đồ “nhà Chúa nghiêng ngã…”. Lưỡi kiếm đã tự kết thúc nàng khi không làm tròn nhiệm vụ. Còn Ý Uyên trong Tuyệt lộ, Huệ Như trong Những người cùng làng bế tắt cũng phải tự quyên sinh để bảo toàn nhân cách, hay nói đúng hơn họ không thể sống khi mà lọng dù phong kiến làm ngơ cho những bọn người phàm phu vô học, thiếu văn hóa lộng hành là như vậy.



    Để minh chứng cho một Đêm ảo huyền đầy sức thuyết phục về sự chiêm nghiệm đắng cay như có vay là phải có trả của mỗi nhân vật trong tác phẩm, Phạm Hữu Hoàng đã kết hợp từ yếu tố hiện thực với yếu tố tâm linh trong một số truyện với chủ đích giải quyết hơi thở cuộc đời phê phán cái xấu, mỗi con người tự chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình thông qua một số nhân vật nam như ngày trở về của Trần Quân “Một đời chinh chiến, vào sinh ra tử, sự thù hận, chém giết làm ta càng dấn sâu vào tội lỗi. Quyền lực, danh vọng đem đến cho ta nỗi sầu khổ mà thôi! Chỉ có tình yêu của nàng là thứ quý giá nhất ta từng có được trong đời. Ta đã đánh mất thứ quý giá đó khi từ biệt nàng bên dòng sông Nam Hạ. Giờ đây, không có nàng, thế gian này đối với ta chẳng còn ý nghĩa gì nữa”(Chuyện nàng Linh Lan). Sự dằn vặt tâm hồn đầy ám ảnh khi “… Gã lờ mờ nhận ra vừa trỗi dậy trong gã một con người khác. Một con người méo mó bệnh hoạn, chi phối gã, biến gã thành kẻ thấp hèn dung tục. Vẫn ánh trăng, dòng sông, cây bồ đề, vạt cỏ… mà sao heo hút, ảm đạm quá. Đầu gã cúi xuống như sám hối”( Đêm ảo huyền). Riêng Hoạch ở Cõi mê, không phải là cầu an, nhân nhượng mà biết bỏ qua vì anh đã “đề nghị giảm nhẹ tội cho những tên ngỗ nghịch đó” cũng từ ý nghĩ muốn giáo huấn một con người nhất là lớp trẻ ngỗ nghịch với những lỗi lầm còn nông nỗi, hay đó phải chăng còn là lòng vị tha cho cả chính mình nữa.

          Càng quý hơ n những trang văn ẩn trong lớp áo người lao động bình thường dang rộng tấm thân hộ pháp chở che, thuần túy của một nhân cách cao đẹp như ông Tự trong Lũ muộn, nhân vật ba của Hạ trong Người cha thảm hại. Tác giả xây dựng khá thành công nhân vật là nhà giáo thanh bạch nghỉ hưu như ông Hạn lại dằn vặt vì đứa con trai bị thoái hóa trong Góc quê êm đềm(Tr.136). Còn trong Khoảng lặng(Tr.163) kể về thầy giáo Nam từng đứng lớp chỉ giàu kinh nghiệm giảng dạy cũng rất áy náy về thái độ ứng xử của mình đối với Phục, nhưng người học trò ấy biết vượt qua hoàn cảnh để sống tốt hơn.
        Chùm truyện ngắn: Đâu phải chuyện ba người, Biển tím, Thế giới này là của con là một thông điệp hãy biết quan tâm tới những người thân thiết, nhất là với tâm hồn trẻ thơ trong trắng. Về sự đổi mới của một làng quê cũng như nhắc nhở đánh thức và duy trì cái đẹp mỗi ngày thêm xanh cho sự tiếp nối tiềm ẩn nhẹ nhàng trong Khoảnh khắc và mãi mãi(Tr.113).
          Đọc Đêm ảo huyền ta nhận ra biết bao sự kiện biến chuyển cuộc đời và tình người đều mang tính khách quan khi điểm nhìn ở ngôi kể thứ ba. Tác giả cũng đã khai thác nội tâm nhân vật xưng tôi về sự hối lỗi trong hai truyện Đâu phải chuyện ba người, Người cha thảm hại. Dù đứng ở góc độ nào thì cách dựng truyện của nhà văn, nhà giáo Phạm Hữu Hoàng nghiêng về hướng thiện, lấy dân làm gốc để kết thúc truyện đầy hả hê: “ Dân làng Nam Hạ bắt đầu lưu truyền câu vè: Nam Hạ có Chánh tổng Kiêu. Hại người, trời hại hết điều kêu ca…”(Chuyện nàng Linh Lan). Hay “Bất chợt, ông thấy nắng xuân chiếu qua cửa sổ làm vàng mấy chùm bông mai đang nở rộ. Chưa bao giờ ông thấy những bông mai ông trồng rực rỡ, đáng yêu đến thế.”(Khoảng lặng), là cái kết đẹp về sự nghiệp trồng người của một nhà giáo nghỉ hưu đầy toại nguyện. Không thiên về tác giả, nhưng biết Phạm Hữu Hoàng chẳng thể dừng lại thường ngày bộn bề công việc chuyên môn ở một trường THCS, với anh, tập Đêm ảo huyền ra đời là góp thêm phần nào về ước mơ khát vọng chân chính của con người, dù ham muốn vật chất xa xỉ đang chạy đua với tốc độ cao bên ngoài thị trường, nhưng những trang truyện  anh  viết vẫn là tài sản vô giá cho bạn đọc suy ngẫm của hôm qua và ngày nay./.

                                      07.02.2015/ Nguyễn Thị Phụng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét