Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

. DỄ DÀNG GÌ GẶP BÙA MÔI (Đọc “Bùa môi” tập thơ Thái An Khánh) Nguyễn Thị Phụng

. DỄ DÀNG GÌ GẶP BÙA MÔI
       (Đọc “Bùa môi” tập thơ Thái An Khánh)


       
Đâu phải tự kiêu, vẫn thích mở đề bằng hai câu thơ của mình: “Nhặt từng cành hoa xếp thành một bó/ Tặng mùa thu hương theo gió bay xa”. Việc góp nhặt xưa nay trong đời thường cũng rất nhiều người làm với mục đích khác nhau, riêng tôi đi tìm câu thơ hay, khám phá tác phẩm mới và coi đó như là món quà tự mình thưởng thức vẫn chưa đủ, cứ phải viết ra cùng sẻ chia niềm vui muốn nhân rộng từ trong nôi thơ ca vùng quê thị xã An Nhơn. Người Bình Định đã chọn một nghề cho chín để mưu sinh như Thái An Khánh, thạc sĩ toán học, sinh năm 1978, là giáo viên THPT Hòa Bình An Nhơn Bình Định lại ra mắt bạn đọc tập thơ “Bùa môi” (NXB Văn học, 2012) quả là điều bất ngờ. Phải chăng cái nghiệp anh dẫn đến cái nghiệp tôi tò mò tìm đọc cho hết tác phẩm mới thỏa nguyện ước ao.

          Từng trang sách mở ra cuốn hút mắt tôi phải đọc kĩ từng bài mới thẩm thấu hết cái tứ thơ của Bùa môi mà Thái An Khánh lựa chọn. Từ một bài hai câu: “mồ côi mẹ dạt chợ đời / mồ côi vợ trắng đêm cười dở xuân”*(mồ côi)* nếu anh có thể ngắt xuống dòng: “mồ côi mẹ/ dạt chợ đời// mồ côi vợ/ trắng đêm cười dở xuân” chính nhịp thơ 3/3 mạnh đau đáu cho hai phận người. Một tất bật lưu lạc mưu sinh, một trăn trở trống vắng đơn côi. Giữa cái tình mẫu tử và cái nghĩa phu thê đều ăm ắp xót xa cả. 

          Tiếp là chùm thơ Haiku sáu bài mở ra từng không gian vây quanh người: “em tắm/ chim hót/ gió trượt chân” rồi lồ lộ: “đường cong em/ suối trườn qua/ trăng cười” anh tiếp tục miêu tả đường nét: “ngực em/ đỉnh Everest hương/ chân mặt trời mãi miết” đến âm thanh : “tiếng mèo kêu/ góa phụ đi tắm/ đóa quỳnh nở” có cả: “tiếng cuốc/ xé toạc đêm/ chinh phụ” kết thúc: “lá lìa cành/ hoài niệm mối tình/ thu qua”. Chân dung ngà ngọc trong trắng quá đã vỡ òa khát khao bản năng “em” tự nhiên trỗi dậy, muốn lặp lại vẫn cứ bơ vơ. 
            Đến bài lục bát bốn câu: “buổi này cổ phiếu giá hời/ thị trường vỡ mộng khóc cười trông nhau/ tình gieo phải luống lợi cầu/ cầm tù mây trắng đời đau hải hồ”(gieo). Cách đối chiếu giữa tiền và tình, giữa vật chất và tâm hồn luôn làm khổ đau con người nơi trần thế. Những từ “cổ phiếu, giá hời, thị trường,…” là ngôn ngữ thường ngày trong kinh doanh được tác giả đưa vào thể thơ cũng dễ gây xốc người đọc, nhưng đến kết bài thì “hải hồ” chính là từ ngữ văn chương để ví cái rộng lớn bao la về lòng độ lượng, nhưng đó lại là sự hụt hẫng mất mát trong cái “tình” hơn cả giữa cuộc chơi ăn thua lời lỗ. 
          Như vậy có thể tìm ra được đáp số tựa đề tập thơ Bùa môi của Thái An Khánh. Không thể hiểu theo nghĩa trụi trần khi bài thơ có những từ “ bùa môi” trong câu “gió người hóa giải bùa môi”(sông quê), hay “câu thơ em tặng hồng nõn mùa môi” (tin nhắn), hay “em lì xì anh môi hôn”(lì xì), “góc trời xa đề tặng nụ hôn em…” (gửi hạ), “cố hong những nụ hôn đã tắt”(đêm trắng), “thoảng đây hương cũ là môi mọng” (ly khúc), “hương mắc cửi ngập đóa hôn”(lửa khát), “nửa cuộc chơi- nửa nụ hôn lỡ”(dấu xưa), “Thuở hồng hoang mắt biếc môi son”(hương duyên), “chúng chẳng thấm bằng đôi môi em”(sinh nhật em), “…đôi ta quen nhau hò hẹn chiếc hôn”... Thật ra những câu trong các bài thơ có cùng “trường từ vựng”: “ môi / hôn”, phải chăng là dụng ý của tác giả muốn đề cập đến đề tài tình yêu nồng nàn là không thể thiếu. Cũng có thể đây là tập thơ đầu tay của anh! 
         Đọc Bùa môi của Thái An Khánh mở ra một không gian vũ trụ và thời gian con người đan xen nhau. Trong cách đối ngữ hai hình ảnh tự nhiên:
              “Núi xanh biếc chiều rộng những cánh chim
                giờ người lấy đá mù sương bụi

                kí ức mai sau neo vào đâu?
                dòng sông soi chung khuôn mặt hai ta
                giờ rác và rác
                sông chết tức tưởi
                thời gian đòi chân lý ra tòa

                                                    (tri kỷ)
          Tưởng chừng không gian khoáng đãng cho những cánh chim tung giữa bầu trời bay về rừng xanh làm tổ hun hút tầm mắt, còn việc khai thác đá để phục vụ cho cuộc sống là nhu cầu của con người, nhưng không gian mù sương bụi cứ lấn dần núi xanh kia một cách tùy tiện. Còn dưới dòng sông trong veo là chiếc gương soi chung bóng thuở nào, giờ còn đâu?! Dày đặc những rác thải là một thực tế. Đã đến lúc không thể lặng im, lời cảnh báo giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường luôn được đặt ra trên phương tiện truyền thông truyền hình, báo chí,… sao dòng sông tức tưởi, phải chăng chính con người đã tự hủy diệt cuộc sống chính mình. Tình yêu núi xanh và dòng sông biêng biếc quê mình không thể không lên tiếng. Đứng trên bục giảng thường ngày, Thái An Khánh đâu chỉ vẽ nên những trục tung trục hoành, hay xác định đường cung  trên vòng tròn,… còn sẻ chia thêm những cảm xúc của mình như muốn níu kéo lại: “hương tóc thơm mạch nguồn tươi mới/ em đi/ gió hun hút đường về”(tri kỷ) nào có được đâu, rồi con chữ đã bị hỏa thiêu nên một mình đồng vọng thôi thúc: “rót trăng vào li/ … uống đi nào tri kỷ”(tri kỷ). 


          Tri kỉ với anh là không gian vũ trụ muôn hương sắc và thời gian con người đâu thể tách tạch, nó tiếp nối thôi thúc sự đồng cảm sẻ chia. Mỗi tứ thơ về đề tài tình yêu là mạch nguồn tuôn chảy, là cảm hứng chủ đạo trong Bùa môi. Hương sắc những cành hồng món quà tinh thần, hay loại hàng mĩ phẩm trang sức đều tăng thêm sự quyến rũ cho phái đẹp cũng luôn kích thích thị hiếu người tiêu dùng, nhưng rồi cân đi đo lại với anh còn có những món quà tặng quý giá hơn: “Sinh nhật em/ chẳng biết tặng gì/ tặng cuộc đời anh trần trụi/ biết khóc cười dâu bể cùng em”(sinh nhật em). Đó mới là tiếng nói chân tình sâu lắng từ trái tim nhà thơ, không thành thật sao được khi cả cuộc đời em khao khát: “em chẳng cần vàng ròng anh tặng/ chẳng cần anh thiên tài/ chỉ cầu mong trong anh/ chín mươi chín phần trăm là em…” (chín mươi chín phần trăm). Có những trường hợp: “Khi yêu anh/ mẹ cha cản ngăn/ định kiến dòng tộc cao hơn đỉnh Everest…” lúc này anh vạch ra một cuộc “cách mạng yêu”* đấu tranh mạnh mẽ bảo vệ cho tình yêu muôn đời bền vững, khi đã quyết thì dù “tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua”(Ca dao). Bởi: “anh không mệt mỏi đánh thức tiềm ẩn mãnh liệt trong em/ tế bào thật sự sống/ khát vọng căng đầy bầu ngực/ lời con gọi mẹ thổn thức đêm sâu” (cách mạng yêu). Nhìn cảnh “ Gia đình nội chiến triền miên” thì kết quả …giường chiếu đơn côi/ đất trời băng giá…” và hơn nữa những đứa con vô tội “như trang giấy trắng lại bồng khổ đau/ tháng ngày thơ ấu rách nhàu/ làm sao có được một màu tương lai”(duyên trầu cau). Tác giả cũng phẫn nộ trách móc những ai thờ ơ chà đạp làm sơ cứng trái tim, để những đứa trẻ thiếu vắng cha hay thiếu vắng mẹ trong ngôi nhà: “ ngày xưa đám cưới mâm trầu xanh tơ”(duyên trầu cau). Quả thật cái tâm và trách nhiệm của một nhà giáo như Thái An Khánh sao không khỏi day dứt nạn nhân cuộc nội chiến gia đình chính là những học trò thân yêu thường ngày của mình. 

           Anh đau đáu khi bộc bạch sẻ chia những điều mắt thấy tai nghe trong chừng mực thời gian nào đó khi việc chuyển tải cảm xúc bằng ngôn ngữ thơ đôi chỗ còn trùng lặp với lời nói thường ngày. Dù lời nói thường ngày đã đẹp, ở thơ phải được nâng cao. Nhưng đọc Bùa môi có ai dám bảo thơ của một giáo viên toán toàn là những kí hiệu của tích phân, phương trình vòng tròn,… mà trái lại đằm thắm ngọt ngào trong bài “em về” kết thúc tập Bùa môi của Thái An Khánh:                                    “                                “Em về. Vựa nắng hân hoan
                  Một trời tím ngát hương xoan dịu dàng
                  …Em về. Trăng động nét in
                  hồ ru võng gió lời tình xanh mơ
                  nâng dòng cảm xúc non tơ
                  thâm trầm ý nhị câu thơ đỉnh mùa
                  Em về. Phồn thực thoi đưa
                  thắm trang đời điểm giao mùa nhân gian”

         Một tín hiệu vui khi đọc đến hai câu cuối: giữa vần ưa trong câu lục ở trên “Em về. Phồn thực thoi đưa” với vần ua trong câu bát ở dưới “thắm trang đời điểm giao mùa nhân gian” có sự hợp vần trong thể thơ truyền thống anh đã chọn, còn theo tôi thì… giá như tác giả mở rộng thêm vốn từ giữa giao mùa với giao thừa vào trong câu bát vừa không lặp lại từ mùa trong câu bát “thâm trầm ý nhị câu thơ đỉnh mùa” ở trên, đó là mùa yêu, mùa hạnh phúc được thăng hoa. Còn giao thừa đâu chỉ hiểu theo nghĩa thực thời điểm bàn giao năm cũ mới, mà còn là sự tiếp nối giờ khắc thiêng liêng cao cả cần ngợi ca trân trọng gìn giữ khởi đầu cho sự nảy mầm của vạn vật trong đó có con người.
         Đâu dễ gì gặp được Bùa môi, một trang đời tổng hợp của Thái An Khánh. Ngỡ như đơn côi: “Một mình nhặt bóng một mình say…” Những cảm xúc “say” mới mạnh bạo đánh thức người đọc suy ngẫm bằng nhiều hình thức thể văn vần, văn xuôi. Cách sắp xếp những con chữ theo nhiều hướng suy luận khác nhau, cũng như toán học có nhiều cách giải, dù cách giải nào vẫn chung đáp số: trăn trở về tình yêu, đề cao vẻ đẹp hoàn thiện giá trị chân chính của con người. Tác giả không ngần ngại phả vào trào lưu thơ văn xuôi hiện đại hồn thơ mới rợi: “những con chữ bay không gian tươi rói/ câu thơ em tặng hồng nõn mùa môi/ em thay số- đổi phiên tình giao dịch/ hoang hóa mênh mông đêm cuốc lẻ loi”(tin nhắn). Nhưng chưa là mới lắm bởi những hình ảnh từ ngữ đêm cuốc, thuyền quyên, dâu bể, hải hà, phồn thực, bà nguyệt ông tơ,…có mặt trong những câu thơ của anh. Có lẽ bạn đọc còn chờ ở Thái An Khánh những tập thơ tiếp theo.
                                                 05. 12. 2012/ Nguyễn Thị Phụng
___________________


*Tên các bài thơ chỉ in đậm không viết hoa                                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét